trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
15.3.2006
Hoàng Duy
Chủ nghĩa xã hội đang làm trì trệ Việt Nam
 
Trong kỳ đại hội tới, Đảng Cộng sản Việt Nam có khắc phục được những yếu kém trong chính hệ thống của mình để tiếp tục cầm quyền hay không? Trong bài viết “Thời cơ vàng của Ðảng ta”, tác giả Nguyễn Trung, một Đảng viên, đã chỉ ra được những vấn đề mang tính hệ thống của Đảng, nhưng vẫn tin tưởng rằng Đảng có thể vượt qua được những vấn đề đó và cho rằng “Lời giải nằm trong tầm tay của Đảng!”

Để hiểu rõ bản chất những yếu kém mang tính hệ thống đó, cần phải trở lại phân tích mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường, mô hình kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi hiện nay.

Những nhà cải cách ở Việt Nam, trước sự xuống dốc và sụp đổ của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, sớm nhận ra rằng cơ chế kế hoạch hóa tập trung gắn liền với sự yếu kém nghiêm trọng về kinh tế: sự lạc hậu quá xa về phát triển công nghệ, sự thiếu hụt, lạc hậu về tiêu dùng, lãng phí và những tổn thất khác. Những yếu kém đó buộc những nhà cải cách Việt Nam tìm một lối ra hợp lý. Một mặt vẫn giữ vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội (được hiểu là chế độ một đảng, sự độc quyền về quyền lực và vai trò thống trị của sở hữu công cộng). Mặt khác, chuyển đổi kinh tế thị trường có cơ chế quản lý tập trung sang cơ chế thị trường (sự độc lập của các công ty, hệ thống hợp đồng giữa các công ty, và sự tác động của những tín hiệu giá cả đối với sản xuất và người tiêu dùng).

Theo nghiên cứu của giáo sư Kornai, trong tác phẩm Hệ thống xã hội chủ nghĩa,, để giữ vững yếu tố xã hội chủ nghĩa trong hệ thống, giữ vững quyền lực trong tay, các nhà cải cách đã ra sức củng cố và giữ vững những nguyên lý có tính chất giáo điều (những điều không được bàn luận, tranh cãi). Những nguyên lý giáo điều này vẫn được giữ nguyên từ khi đổi mới cho đến Đại hội 10 hiện nay:

  1. Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo có thẩm quyền của xã hội. Sự độc quyền về quyền lực đó là hợp pháp; việc tiếp tục duy trì nó là để phục vụ quyền lợi của nhân dân. Điều 4 Hiến pháp Việt Nam ghi rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói rằng “Nhiệm vụ của Đảng là một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Điều này luôn được các lãnh đạo Đảng nhắc tới thường xuyên trong các bài diễn văn chính trị của mình.

  2. Tất cả những điều giáo huấn cơ bản của chủ nghĩa Marxist-Leninist và hai nhà kinh điển của nó là Marx và Lenin vẫn còn giá trị không đổi. Báo cáo dự thảo khẳng định: "Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn để đi tới thắng lợi. Đổi mới không phải là xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng". Những vấn đề, những sai lầm thiếu sót mà Đảng gặp phải không phải là do các nguyên lý của chủ nghĩa Marx-Lenin mà là do sự xa rời, không nhận thức đúng và vận dụng đúng chủ nghĩa này.

  3. Sở hữu công cộng (sở hữu tập thể) là ưu việt hơn sở hữu tư nhân. Ưu thế của sở hữu tập thể là vấn đề đi kèm không thể thiếu được của chủ nghĩa xã hội. Đảng kiên quyết "nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta" bằng cách khẳng định: "Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân."
Những nhà lãnh đạo Đảng ủng hộ một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nghĩ rằng có thể dung hòa được những nguyên lý của xã hội chủ nghĩa với những nguyên lý của một nền kinh tế thị trường. Một mặc họ cố gắng tìm mọi cách ổn định chính trị bằng cách nắm giữ quyền lực tuyệt đối, mặt khác họ lại tìm cách đổi mới, cố gắng tạo nên một cơ chế thị trường ổn định phát triển kinh tế. Và Đảng Cộng sản Việt Nam đã khá thành công trong việc đổi mới kinh tế trước, đổi mới chính trị sau. Thế nhưng chiến lược này ngày càng tỏ vẻ đuối sức. Nguyên nhân của sự “đuối sức” này chính là do nó đã cố dung hòa những yếu tố không thể dung hòa: kinh tế chính trị học của Marx và việc coi trọng thị trường.

Để đảm bảo quyền lực không thể chia sẻ của mình, Đảng buộc lòng phải nắm giữ và kiểm soát các hoạt động chính yếu của nền kinh tế. Để làm được điều đó không còn cách nào khác hơn là dựa vào các doanh nghiệp nhà nước. Bằng mọi cách và mọi giá, Đảng vẫn sẽ tìm cách duy trì những hoạt động của các doanh nghiệp này để giữ vững vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế quốc doanh.

Thế nhưng sự phục sinh của khu vực tư nhân được tiến hành trên cơ sở sở hữu tư nhân, một nhân tố xa lạ với hệ thống xã hội chủ nghĩa, xuất hiện. Những nghi ngờ, nghi kị đối với khu vực tư nhân vẫn còn sâu đậm trong tư tưởng những đảng viên bảo thủ, cộng với sự ưu đãi độc quyền dành cho các doanh nghiệp trong khu vực nhà nước, làm cho khu vực tư nhân không phát triển nhanh chóng. Hơn nữa, sự lo sợ về một viễn cảnh bị “quốc hữu hóa” tài sản làm ra giống như trong quá khứ vẫn còn khiến nhiều người lo sợ không dám bung ra làm ăn lớn.

Điều khó chịu nhất của Đảng chính là sự mâu thuẫn giữa việc giữ vững yếu tố xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn đảm bảo được sự phát triển kinh tế. Rõ ràng đây là hai yếu tố không thể dung hòa. Thị trường càng phát triển bao nhiêu thì sự lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng của Đảng đối với mọi mặt của đời sống kinh tế của người dân càng thấp bấy nhiêu. Và khi không còn phụ thuộc vào kinh tế thì người dân sẽ đòi hỏi những quyền tự do về ngôn luận, quyền tự do về chính trị. Đó là những điều mà Đảng không hề mong muốn. Đảng có thể dung hòa những yếu tố không thể dung hòa? Nếu điều đó có thể xảy ra, Đảng sẽ tồn tại. Thế nhưng câu trả lời cho đến lúc này là những yếu tố chủ nghĩa xã hội như độc đảng, kinh tế nhà nước chủ đạo… đang làm trì trệ sự phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

© 2006 talawas