trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
3.5.2006
Nguyá»…n Quang
Tham nhũng từ đâu?
 
Vấn nạn tham nhũng tồn tại trên tất cả các quốc gia trên thế giới, tuy vậy mức độ lại rất khác nhau. Theo ý kiến của tôi, tham nhũng xuất phát từ ba nhân tố chính là lòng tham, sự sơ hở của luật pháp và tính nghiêm minh của luật pháp. Chúng ta hãy cùng thử phân tích những nhân tố trên và những biện pháp kiểm soát chúng.

Lòng tham, chứ không phải là sự thiếu thốn vật chất, chính là cội nguồn của tham nhũng. Số tiền bị tham nhũng trong nhiều trường hợp vượt rất xa nhu cầu sinh hoạt cần thiết của một cá nhân. Trong những vụ tham nhũng lớn, những đối tượng tham nhũng lớn khi nhìn thấy lợi ích vật chất trước mắt thì đều mong muốn chiếm đoạt chứ không vì nhu cầu vật chất thúc đẩy, nhiều khi họ chưa biết sẽ dùng tiền vào việc gì. Trong những vụ nhỏ hơn có thể ban đầu là do sự thiếu thốn vật chất, do lương thấp,… nhưng cũng ở chính đối tượng này, sau khi hành vi tham nhũng được thực hiện, lại xuất hiện những tham vọng lớn hơn, và sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Chính lòng tham đã dẫn dắt một cách tự nhiên những hành vi tham nhũng.

Sự sơ hở của luật pháp là điều kiện đủ thứ nhất, là con đường mà các đối tượng tham nhũng dựa vào nhằm thu lợi bất chính. Mỗi quốc gia đều luôn phấn đấu xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp của mình. Ở các nước phát triển hệ thống pháp luật đã rất chặt chẽ, tuy vậy vẫn luôn tồn tại những kẽ hở chính bởi nền kinh tế, xã hội trong quá trình phát triển luôn phát sinh những vấn đề mới, khía cạnh mới. Do vậy công tác lập pháp ở các nước này rất được coi trọng, các đại biểu quốc hội hầu hết là chuyên trách và soạn thảo hàng trăm bộ luật mỗi năm.

Nhân tố cuối cùng chính là tính nghiêm minh của luật pháp, thể hiện ở sự trừng phạt các hành vi tham nhũng theo đúng pháp luật. Mỗi cá nhân trước khi tham nhũng đều cân nhắc giữa mối lợi do tham nhũng mang lại với xác suất bị phát hiện và mức độ của sự trừng phạt. Một hệ thống pháp luật nghiêm minh có tác dụng rất to lớn, tác động đến mọi cá thể, làm đảo lộn mức so sánh tương quan lợi/hại, khiến cho đối tượng không dám tham nhũng.

Ba nhân tố này mang tính chủ quan (khách quan) từ thấp đến cao (cao đến thấp).


Biện pháp chống tham nhũng?

Chúng ta có thể liên hệ tới kinh nghiệm của Singapore: phải làm sao để các công chức không cần tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng; tương ứng chính xác với ba nhân tố trên.

Tuy vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng lòng tham thực chất tồn tại trong mỗi con người chúng ta, ít hay nhiều nhưng đều tồn tại, đó là một đặc điểm tự nhiên không thể phủ nhận. Cho đến nay nó vẫn thuộc một phạm trù sinh học-xã hội mà chúng ta còn khó có thể chế ngự. Do vậy chống tham nhũng bằng biện pháp giáo dục tư tưởng là thiếu hiệu quả, ít nhất là trong thời đại ngày nay. Chúng ta nhận thấy là ở những nước phát triển, những nước có thành tích chống tham nhũng cao, các chính phủ đều không phải theo những quy định đạo đức, tinh thần nào, họ được toàn quyền lựa chọn quyết sách của mình, chỉ có điều kết quả sẽ được giám sát một cách triệt để. Ví dụ nước Mỹ là một nước khuyến khích chủ nghĩa cá nhân mà vẫn chống được tham nhũng, là điều mà chúng ta phải suy nghĩ. Tôi không tin rằng các chính trị gia (theo nghĩa đa số) của họ không cần tham nhũng, thực tế là họ không thể, và đặc biệt là không dám tham nhũng. Thực tế là họ đã coi những suy thoái đạo đức là một yếu tố khách quan không tránh khỏi và tập trung vào khắc phục triệt để hai yếu tố còn lại: sự sơ hở và tính nghiêm minh của pháp luật.

Xây dựng hệ thống pháp luật là việc mà chúng ta đã và đang làm khẩn trương. Quốc hội gần đây đã thể hiện sự tiến bộ đáng kể trong công tác lập pháp, và chúng ta vẫn phải không ngừng chú trọng nhiệm vụ này bởi xã hội luôn phát triển, luôn đòi hỏi những đạo luật mới, phù hợp. Hệ thống luật pháp trong công cuộc chống tham nhũng thực tế cho thấy chúng ta đã xây dựng được một cách tương đối. Mỗi lĩnh vực dễ dẫn đến tham nhũng đều có nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ và giám sát lẫn nhau. Bộ luật tham nhũng của ta cũng thuộc hàng nghiêm khắc nhất thế giới khi có thể kết án tử hình cho tham nhũng từ 500 triệu đồng trở lên. Như vậy vì sao tham nhũng vẫn đang rất nghiêm trọng?

Đó chính là do yếu tố thứ ba, tính nghiêm minh của pháp luật ở ta đã không được thực hiện nghiêm chỉnh. Mỗi cá nhân khi tham nhũng đều tính toán cái lợi trước mắt và hậu quả cũng như xác suất bị phát hiện xem có hơn việc không tham nhũng hay không. Luật pháp nghiêm minh thì mỗi cá nhân đều nhìn thấy sự trừng phạt ghê gớm mà mối lợi tham nhũng không bù đắp nổi, và ngược lại. Nhìn thẳng vào thực tế, chúng ta thấy rằng ở một bộ phận lớn cán bộ, vụ việc tham nhũng đã bị phát hiện nhưng không bị xử lý hoặc không thể xử lý, hay nói cách khác là tồn tại một bộ phận đang đứng trên pháp luật. Điều đáng lo ngại là số cán bộ này nằm cả ở cấp rất cao, khi đã không chịu sự kiểm soát của pháp luật thì họ lại là ô dù cho những cán bộ dưới quyền, do vậy mà tham nhũng lan toả đến mọi ngành, mọi cấp. Một nhà nước mà pháp luật không được thực thi nghiêm chỉnh thì dẫn đến tham nhũng là đương nhiên.

Vậy biện pháp chống tham nhũng của nước ta hiện nay là gì?

Xây dựng nhà nước pháp quyền

Biện pháp khẩn cấp và hệ trọng hiện nay là chúng ta phải khắc phục bằng được tính thiếu tôn trọng luật pháp, bằng cách đưa mọi cá nhân, tổ chức, kinh tế xã hội kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam vào trong quỹ đạo của pháp luật. Đây chính là khẩu hiệu “Xây dựng nhà nước pháp quyền” mà rất nhiều cán bộ, đảng viên, nhân sĩ,... đã đưa ra gần đây (chúng ta có thể kể đến các bài viết của tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, bài phát biểu của bộ trưởng Trương Đình Tuyển,...).

Để xây dựng tốt nhà nước pháp quyền trước hết chúng ta phải nhìn lại chính mình, vì sao nhà nước của ta chưa thực hiện tốt chức năng của nó? Đây chính là khiếm khuyết của hệ thống chính trị.

Là lực lượng lãnh đạo đất nước, là cốt lõi của hệ thống chính trị, Đảng Cộng sản cần phải nhìn nhận được hạn chế này và sửa đổi nó. Cụ thể hơn chính là những bất cập trong mối quan hệ giữa Đảng và nhà nước. Trong mỗi bộ, ngành, địa phương luôn tồn tại bộ máy Đảng và bộ máy hành chính. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên không được quy định rõ ràng đã tạo ra khoảng trống quyền lực, khoảng trống tham nhũng. Đặc biệt nguy hiểm là khoảng trống trong những cơ quan bảo vệ pháp luật: Bộ Công an, Toà án và Viện Kểm sát. Đây chính là nơi mà những đối tượng tham nhũng tập trung nhằm vô hiệu hoá tính nghiêm minh của pháp luật. Trường hợp PMU 18 là một ví dụ điển hình, khi mà những vi phạm đã được phát hiện từ rất lâu nhưng không xử lý được, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sau.

Đổi mới hệ thống chính trị

Nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền trên thực tế đã được đặt ra từ lâu nhưng chúng ta chưa đạt được tiến bộ là do nguyên nhân nằm ở trong hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị của ta, với những quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Toà án, Viện Kiểm sát,... thực chất đã không thay đổi đáng kể từ hơn nửa thế kỷ qua. Hệ thống này đã phát huy tính ưu việt trong thời chiến, nhưng đến nay qua hơn 20 năm đổi mới đã bộc lộ khá nhiều bất cập.

Đổi mới hệ thống chính trị đi đôi với đổi mới kinh tế chính là nhiệm vụ lớn nhất mà Đảng và toàn dân ta phải thực hiện. Với vai trò lãnh đạo, Đảng cần phải dũng cảm thay đổi chính nội dung lãnh đạo của mình, chứ không chỉ phương thức lãnh đạo (lời của bộ trưởng Trương Đình Tuyển). Phạm vi lãnh đạo của Đảng phải được điều chỉnh, cụ thể hoá bằng văn bản, phải được luật hoá thậm chí ghi rõ trong hiến pháp. Lãnh đạo phải được hiểu là phục vụ chứ không phải làm chủ.


3 nhiệm vụ, một bản chất

Nhìn tổng thể chúng ta thấy rằng chống tham nhũng, xây dựng nhà nước pháp quyền và đổi mới hệ thống chính trị thực chất là ba mặt của một vấn đề, một bản chất. Chống tham nhũng và xây dựng nhà nước pháp quyền là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đổi mới hệ thống chính trị để đáp ứng được nhiệm vụ sống còn này là thực tế của Việt Nam Không thể chống tham nhũng nếu như không xây dựng một bộ máy luật pháp nghiêm khắc, một nhà nước pháp quyền hiệu quả. Và cũng không thể xây dựng một nhà nước pháp quyền nếu như những mối quan hệ chính trị đã lỗi thời không được sửa đổi.

Thay cho lời kết, như đã có lời nhận định về bản chất tham nhũng ở Việt Nam đã vượt qua phạm trù đạo đức, do vậy không còn có thể khắc phục bằng những biện pháp đạo đức. Thách thức chống tham nhũng hiện nay đồng nghĩa với thách thức thay đổi hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

04/2006

© 2006 talawas