trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
9.5.2006
Nguyễn Trọng Tín
Ðối thoại cùng Nguyễn Quang A, Trần Văn Thọ và Nguyễn Sĩ Dũng
 
Cảm giác chung sau khi đọc Nguyễn Quang A (Tuổi Trẻ, 28/2/2006) và Trần Văn Thọ (Thanh Niên, 2/3/2006) là ngạc nhiên. Không ngạc nhiên sao được, khi hai nhân vật được không ít người biết tới này lại nói những chuyện không đâu.

Dự thảo Báo cáo Chính trị có nói đến vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân (TBTN). Cần phải xác định rõ với nhau rằng: theo ngôn ngữ toán học, TBTN nói chung là tập hợp cha, còn TBTN dự thảo nói tới là tập hợp con của nó. Ðó là TBTN của người Việt, trên đất Việt. Thay vì bàn về những chuyện liên quan đến cái tập hợp con ấy, hai nhà trí thức này lại thuyết giảng về một tập hợp con khác - TBTN của châu Âu, Nhật Bản, thành ra trật chìa.

Nguyễn Quang A viết: Thời chủ nghĩa tư bản man rợ, vô độ, không bị kiềm chế đã qua cả hơn trăm năm rồi. Nhà nước đã đưa ra bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, các công đoàn đòi tăng lương, các chủ tư bản cũng hiểu hơn về vai trò của nguồn nhân lực và có chính sách phù hợp (như thưởng, chia sẻ lợi nhuận, quyền mua cổ phần, đào tạo, tái đào tạo …) để giữ và nâng cao nguồn nhân lực.

Những gì Nguyễn Quang A viết hoàn toàn đúng với các nước tư bản phát triển bên châu Âu hay Hoa Kỳ. Ai cũng biết rằng chủ nghĩa tư bản ở các quốc gia này đã trải qua một chặng đường dài phát triển với nhiều thay đổi, tự điều chỉnh để có được diện mạo mang tính nhân văn như ngày hôm nay. Chặng đường phát triển ấy kéo dài hàng trăm năm.

Việt Nam thì lại khác. Ở Bắc Việt sau 1954, TBTN hoàn toàn bị tiêu diệt. Ở bên này vĩ tuyến 17, cải tạo công thương nghiệp sau 1975 gần như xóa sổ TBTN. Thời điểm bắt đầu gượng dậy của thành phần kinh tế TBTN là từ 1986. Với quãng thời gian phát triển ngắn ngủi như thế, có thể nói rằng TBTN ở Việt Nam hầu như còn mang trên mình tất cả những đặc điểm phi nhân văn của TBTN Âu Mỹ thời kỳ đầu. Bởi lẽ, để có được những thành tựu thấy rõ trong phát triển kinh tế nói chung, hay trong công nghệ nói riêng chẳng hạn, chỉ cần độ mười lăm hoặc hai mươi năm; với văn hóa, chuyện không dễ dàng đến thế. Ðể có được văn hóa kinh doanh hoặc văn hóa công ty như ngày hôm nay, châu Âu và bắc Mỹ cần mấy trăm năm.

Kinh tế TBTN ở Việt Nam đa phần là các công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có quy mô nhỏ với trang thiết bị, công nghệ lạc hậu; trình độ tổ chức, quản lý sản xuất thấp; năng lực nghiên cứu thị trường, vạch chiến lược kinh doanh, quảng bá thương hiệu, quản trị nhân sự… còn yếu. Ở đấy lương người lao động thấp và có rất nhiều cái không: không hợp đồng lao động, không bảo hiểm thất nghiệp, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm tai nạn lao động, không nghỉ phép, không nghỉ thai sản có chế độ, không thưởng tết một tháng lương… Ở đấy có giờ bắt đầu làm việc buổi sáng còn giờ kết thúc buổi chiều thì… cũng còn tùy. Phương pháp thống kê trung thực sẽ đưa ra con số bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp TBTN quy mô nhỏ có nhiều cái không như trên. Phần còn lại của kinh tế TBTN ở Việt Nam là mảng sáng nhỏ bên cạnh mảng tối chúng tôi vừa nêu và xin không đi sâu vào sự phát triển không đều này.

Nguyễn Quang A tiếp tục bàn về TBTN ở… các nước phát triển: Những tiến triển gần đây ở các nước phát triển cho thấy số người làm thuê bước vào tầng lớp trung lưu ngày càng đông, họ được bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở mức chưa từng có. Hãy nhìn mức thu nhập tối thiểu, mức trợ cấp của họ. Nói cách khác, mức thu nhập sàn đã tăng lên nhanh và tăng đáng kể, không có trần thu nhập… Thưa ông Nguyễn Quang A, chắc chắn một điều là Việt Nam cần một khoảng thời gian dài, thậm chí… hơi bị dài nữa là khác để TBTN của người Việt phát triển đến mức như TBTN ở các nước phát triển hiện nay, và để người lao động làm thuê được hưởng những điều như trong hai đoạn trích ở trên.

Trong mục 4 (Hiện nay ai bóc lột ai?) Nguyễn Quang A viết: Tôi tin chắc người lao động trong khu vực tư nhân không bị “bóc lột” bằng ở khu vực nhà nước, nếu hiểu bóc lột theo nghĩa có ai đó tước đoạt thành quả của mình. Bọn tham nhũng – và họ toàn là những kẻ có chức có quyền – đang bóc lột thậm tệ người dân ta. Vì sao trong mục này Nguyễn Quang A đề cập đến tham nhũng như là nguyên nhân khiến cho người lao động trong khu vực nhà nước bị bóc lột nhiều hơn? Ðể hiểu rõ hơn, xin trích một đoạn trong bài “Tham nhũng và cạnh tranh” (Tia Sáng, 20/9/2005). Trong bài viết này, Nguyễn Quang A nhận định: tham nhũng tăng dần theo thứ tự từ công ty tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước, đến các cơ quan nhà nước. Với công ty tư nhân, … không có khả năng tham nhũng. Ðây là nhận định chính xác. Tuy nhiên trong đoạn trích của mục 4, ông Nguyễn Quang A lại quên mất một điều là: bọn tham nhũng ở khu vực nhà nước đục khoét tiền bạc của nhân dân, trong đó có tiền thuế thu từ khu vực kinh tế tư nhân. Vậy bọn tham nhũng đâu chỉ tước đoạt thành quả của người lao động trong khu vực Nhà nước, và nếu lập luận của Nguyễn Quang A chỉ có vậy thôi thì chưa chứng minh được rằng người lao động trong khu vực này bị tước đoạt nhiều hơn người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân. Nói cách khác, đành rằng bọn tham nhũng chỉ tác oai tác quái trong khu vực nhà nước, nhưng người lao động ở khu vực nào cũng phải gánh chịu hậu quả. Không hẹn mà gặp, Trần Văn Thọ cũng có cùng một cách nhìn với Nguyễn Quang A. Tác giả này viết: …cho rằng bản chất của kinh tế tư bản tư nhân là bóc lột lao động là không đúng với lý luận và thực tiễn trong thời đại ngày nay.

Cũng như Nguyễn Quang A, Trần Văn Thọ đã đồng nhất TBTN nội địa với TBTN ngoại quốc. Ðây là sai lầm không nhỏ của một nhà kinh tế học từng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ ở đại học Waseda, Tokyo. Ðứng ở góc độ của một nhà nghiên cứu, lẽ ra Trần Văn Thọ cần phải hiểu rằng khi đề cập đến TBTN không thể không xét đến các yếu tố không – thời gian của nó.

TBTN ở các nước Âu Mỹ ngày nay khác nhiều với TBTN thuở ban đầu, mà theo câu chữ của NQA là man rợ, vô độ… Cũng là TBTN ở Âu Mỹ, nhưng khi sang đầu tư ở Việt Nam, Trung Hoa… chắc gì tính nhân văn còn nguyên vẹn? Cũng là TBTN ở Ðài Bắc, nhưng cách họ đối xử với người lao động ở các khu công nghiệp trên đất Việt chắc gì được như với người lao động ở các nhà máy của họ trên đất Mỹ?

Chính vì vậy, những gì Trần Văn Thọ nêu về kinh nghiệm của Nhật Bản là chẳng có một chút giá trị nào để hiểu diện mạo của TBTN Việt. Thật không nhân văn một chút nào khi lập luận kiểu Trần Văn Thọ: được “bị bóc lột” như vậy vẫn sung sướng hơn sống trong cảnh cơ cực ở nông thôn (!). Sao Trần Văn Thọ không huỵch toẹt rằng: quý vị ở nông thôn không có cái để mà ăn chết đói đến nơi, nay ra thành phố làm có cái để đút vào miệng là quý lắm rồi, bày đặt chuyện bóc với lột? Trần Văn Thọ cần biết rằng tình trạng bắt chẹt người lao động không phải là hiếm hoi ở Việt Nam.

Càng viết, Trần Văn Thọ càng trượt dài trên sự sai lầm của mình: Ngày nay, được vào làm việc ở những công ty Sony, Honda, Toyota … là giấc mơ của hàng chục vạn sinh viên tốt nghiệp đại học. Họ muốn vào đấy để bị bóc lột chăng? Thưa ông Trần Văn Thọ, đấy là những công ty của TBTN Nhật Bản. Còn những người khác (dĩ nhiên trừ ông và Nguyễn Quang A) đang nói về TBTN người Việt, trên đất Việt.

Có lẽ cũng cần phải nói thêm với Trần Văn Thọ về các hãng Honda, Toyota… của Nhật ở Việt Nam. Ðừng nhìn vào các văn phòng của các hãng này trong các tòa cao ốc tráng lệ ở Hà Nội. Ðừng nhìn vào những bộ mặt hoan hỷ của đám sinh viên trẻ mới kiếm được việc làm cho các hãng ông vừa kể. Hãy nhìn về các công xưởng, nhà máy. Ông có số liệu về lương của công nhân người Việt làm cho các nhà máy, công xưởng này hay không? Chỉ lưu ý ông về một số liệu khác mà ai cũng rõ: giá xe máy Honda và xe hơi Toyota. Nhiều lời đồn thổi nói rằng để được phép bán xe với giá cắt cổ cho người Việt, các hãng này đã phải dày công tạo dựng mối quan hệ thân tình với một số quan chức Ban Vật giá Chính phủ. Bán xe với giá trên trời là hành động móc túi người tiêu dùng Việt Nam trong khi vẫn giương cao tấm băng rôn: Tôi yêu Việt Nam (slogan [khẩu hiệu] của Honda). Từ lợi nhuận của hãng Honda Việt Nam và lương của công nhân lao động trực tiếp chẳng hạn, ông có thể thấy sự khác biệt của TBTN người Nhật trên đất Việt với TBTN người Nhật trên đất Nhật. Khi bàn về khái niệm bóc lột, Trần Văn Thọ có nói đến lý luận và thực tiễn trong thời đại ngày nay. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số người tranh biện với nhau rất hăng mặc dù họ dựa trên những hệ thống lý luận khác nhau. Ðây quả thực là điều vô nghĩa. Còn thực tiễn ư? Ðó là thực tiễn nào?

Không bàn về khái niệm TBTN, Nguyễn Sĩ Dũng luận về bóc lột (Tuổi Trẻ, 7/3/2006). Vị chức sắc này viết: Tuy nhiên, ở vào một thời điểm bất kỳ, giá cả của hàng hóa và dịch vụ, kể cả giá cả của lao động và chất xám đều có thể xác định được trên một thị trường vận hành tự do và thông suốt. Vậy thì đó là giá chuẩn. Trên giá chuẩn đó chẳng ai dại gì mua. Dưới giá chuẩn đó chẳng ai dại gì mà bán. Thế thì bóc lột dính dáng gì vào cái quy luật cung cầu nhất thành, bất biến này của thị trường?!

Ðây là không phải là lập luận khoa học. Nguyễn Sĩ Dũng đang bàn về bóc lột trên một tờ báo xuất bản ở Việt Nam, lẽ đương nhiên cần phải xem xét nó trong bối cảnh xã hội Việt. Vậy thì liệu chúng ta đã có một thị trường vận hành tự do và thông suốt? Nguyễn Sĩ Dũng muốn mọi người ngầm hiểu rằng chúng ta đã có, để rồi đưa ra một kết luận phi lý: Vậy đó là giá chuẩn. Ðể bổ sung cho luận điểm của mình, Nguyễn Sĩ Dũng viết: Thiếu yếu tố cưỡng bức chắc chắn khó cấu thành sự bóc lột. Việc cố tình đưa thêm yếu tố không cần thiết này để biện minh thật khó chấp nhận.

Ðể kết thúc bài viết này, xin quay trở lại với TBTN người Việt và gợi mở một điều người viết bài này chỉ mới nghĩ tới mà chưa có thời gian nghiền ngẫm: làm sao để mảng tối của kinh tế TBTN Việt thu hẹp ngày một nhanh hơn, nhường chỗ cho mảng sáng đáng tôn vinh nói trên?

© 2006 talawas