trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
27.5.2006
Hoàng Xuân Huấn
Suy nghĩ về chủ nghĩa xã hội và đổi mới kinh tế - xã hội ở nước ta
 
1. Chủ nghĩa xã hội là gì?

Hiện nay chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tuy vậy đến nay ta chưa xác định rõ thế nào là XHCN. Để góp phần giải đáp vấn đề lớn và bức xúc đó, trong bài này chúng tôi đưa ra một cách nhìn XHCN qua xem xét các đặc tính cạnh tranh và liên kết trong sự vận động của mối quan hệ giữa cá nhân và các chủ thể trong xã hội, trên cơ sở đó đưa ra một số ý kiến nhận xét về công cuộc đổi mới kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay.

Chủ nghĩa xã hội cổ điển (chúng tôi dùng theo cách gọi của Kornai trong [6]) với mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung là sản phẩm của các kết quả nghiên cứu sự phát triển của kinh tế tư bản trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, trong đó xã hội được xây dựng trên quan hệ công hữu đơn giản về tư liệu sản xuất (TLSX) với hai hình thức sở hữu tập thể và sở hữu nhà nước. Đến nay mô hình này đã thất bại và đặt ra các câu hỏi lớn cần phải giải đáp quanh các chủ đề:

  • Từ mô hình XHCN cổ điển, ta đúc kết được những bài học nào cho sự phát triển đất nước hiện thời?
  • Phải chăng XHCN có thể chấp nhận một nền kinh tế thị trường?
  • Theo quy luật tiến hoá thì các nền kinh tế phát triển phải mang nhiều đặc điểm của XHCN, thế thì đâu là phương pháp luận để nhận biết nó?
  • Đổi mới cơ cấu kinh tế và cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền thực chất là sắp xếp lại các quan hệ kinh tế xã hội! Vậy thì các quan hệ này sẽ ra sao?
Các câu hỏi trên có thể được trả lời dựa trên định nghĩa sau cho xã hội XHCN:

Xã hội XHCN là xã hội mà trong đó mọi cá nhân và chủ thể liên kết để cùng phát triển. Các liên kết này thực hiện theo phương thức: làm theo năng lực; hưởng theo lao động; người không có khả năng lao động được hưởng phúc lợi xã hội, trong đó cạnh tranh và sáng tạo là động lực của phát triển; còn sự điều chỉnh của nhà nước pháp quyền và hệ thống công pháp quốc tế là yếu tổ đảm bảo cho phát triển bền vững.

Mô hình xã hội XHCN cổ điển [1] dựa trên sự liên kết công hữu đơn giản về tư liệu sản xuất, không phân định rõ được cái riêng và cái chung trong các tổ chức kinh tế-xã hội, do đó không phát huy được mặt tích cực của tính cạnh tranh và không thích hợp với một xã hội phát triển. Thực tế cho thấy các liên kết trong thời đại ngày nay thể hiện đa dạng, phức tạp, mềm dẻo, linh hoạt hơn nhiều (chẳng hạn công ty cổ phần là dạng liên kết không đơn giản về tư liệu sản xuất). Để tiến tới xã hội dân chủ, công bằngvăn minh thì các liên kết trong xã hội phải dựa trên dựa trên tính tự giác, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và được đảm bảo, điều chỉnh bằng luật pháp cho mọi thành viên cùng phát triển. Phương thức đánh giá năng lực và phân phối phải dựa trên các đánh giá khách quan qua lăng kính của thị trường. Để làm rõ định nghĩa, ta cần nghiên cứu các thuộc tính cạnh tranh và liên kết của các cá nhân và chủ thể trong sự vận động của các quan hệ kinh tế - xã hội.


2. Tính cạnh tranh và liên kết của cá nhân trong xã hội

Cạnh tranh và liên kết là hai thuộc tính cơ bản của mỗi cá nhân và chủ thể trong xã hội, tính chất của chúng phản ánh mức độ phát triển của xã hội.

Tính cạnh tranh

Mỗi con người vào đời với tiềm năng bẩm sinh khác nhau, hấp thụ giáo dục và rèn luyện khác nhau nên năng lực khác nhau. Năng lực của cá nhân là yếu tố động, biến đổi theo vị trí và quá trình làm việc, ảnh hưởng xã hội và nỗ lực bản thân. Mỗi người đều có những mặt mạnh và mặt yếu riêng nên khó so sánh chính xác năng lực của từng người. Tuỳ theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể mà xã hội có đánh giá năng lực các cá nhân khác nhau, do đó có vị trí lao động và hưởng thụ khác nhau.

Kế thừa bản năng đấu tranh sinh tồn, mỗi cá nhân luôn muốn giành được một vị thế có lợi trong hệ thống kinh tế xã hội và hưởng thụ cả về vật chất lẫn tinh thần. Khát vọng đó tạo nên tính cạnh tranh giữa các cá nhân (chủ thể) trong xã hội, trong đó mức độ cạnh tranh càng quyết liệt hơn đối với các cá nhân có vị trí và đặc tính ảnh hưởng gần nhau hơn. Chẳng hạn các cá nhân có năng lực gần nhau trong cơ quan thì cạnh tranh nhau để có một vị trí tốt, các hãng sản xuất cùng mặt hàng cạnh tranh nhau mạnh hơn nếu có nhiều thị trường chung.

Các hoạt động có tính cạnh tranh có thể phân làm hai hoại: cạnh tranh dã mancạnh tranh văn minh. Cạnh tranh dã man là các hoạt động gây thiệt hại hoặc tiêu diệt đối thủ để mình vượt trội, chẳng hạn như: bán phá giá, độc quyền, bè phái hay đưa tin đồn làm thiệt hại đối thủ. Đây là loại cạnh tranh mà vì quyền, lợi người ta có thể giết cả người thân của mình. Cạnh tranh văn minh là các hoạt động nỗ lực làm việc, sáng tạo để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu xã hội, nhờ đó mà cá nhân (chủ thể) trở nên vượt trội. Hình thức cạnh tranh này thúc đẩy xã hội phát triển mặc dù khi điều tiết không tốt nó có thể là nguyên nhân của các rối loạn và khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Cạnh tranh có tính hai mặt: là động lực làm việc và sáng tạo của mỗi người, nhờ đó mà xã hội phát triển; mặt khác nó là nguyên nhân tạo nên các bất công, phân hoá và khủng hoảng kinh tế - xã hội. Vì vậy ta cần loại bỏ các cạnh tranh dã man và điều tiết cạnh tranh văn minh để xã hội cùng phát triển. Nhược điểm lớn của mô hình XHCN cổ điển là do lo sợ các mặt trái của cạnh tranh nên người ta đã loại bỏ luôn động lực phát triển xã hội.

Tính liên kết

Liên kết đa dạng và có ý thức là khác biệt của xã hội loài người so với các quần thể sinh học. Trong nền kinh tế công nghiệp, Mác [2] đã nhận thức được tính xã hội hoá ngày càng cao của sản xuất, trên cơ sở đó mà hình thành mô hình XHCN cổ điển dựa trên công hữu giản đơn về tư liệu sản xuất. Thực tế cho thấy ngay trong những nước phát triển, bên cạnh các hãng sản xuất có tính toàn cầu vẫn cần các công ty con, nhóm sản xuất nhỏ, thậm chí cá thể để cấu thành nên các hệ thống vững chắc trong sản xuất công nghiệp. Đặc biệt trong nền kinh tế tri thức, khi mà các sản phẩm và dịch vụ thông tin chiếm phần lớn trong thu nhập xã hội thì các liên kết phi vật chất cũng tác động trực tiếp tới kinh tế. Trong nền kinh tế toàn cầu hoá, khi mà tính chuyên môn hoá ngày càng cao thì các liên kết kinh tế - xã hội càng đa dạng, sôi động, phức tạp, mềm dẻo, linh hoạt hơn nhiều. Phạm vi ảnh hưởng của các liên kết ngày càng có tính toàn cầu và cái giá phải trả cho mỗi trục trặc trong các liên kết ngày càng lớn.

Liên kết cũng có thể phân làm hai loại: liên kết tiêu cựcliên kết tích cực. Liên kết tích cực là các liên kết để tạo nên sức sản xuất mạnh hơn hoặc để điều tiết, ổn định sự phát triển của hệ thống kinh tế, ví dụ như: các phường, hội, công ty cổ phần và các tổ chức kinh tế toàn cầu. Liên kết tiêu cực là loại liên kết nhằm làm thiệt hại hoặc tiêu diệt đối thủ, chẳng hạn như các liên kết bè phái tranh quyền đoạt lợi hoặc liên kết độc quyền. Để đảm bảo tính thực thi và hạn chế các thiệt hại khi có rối loạn, các liên kết ngày càng đòi hỏi được điều chỉnh bởi pháp luật (ta sẽ trở lại vấn đề này ở mục 3), thậm chí ở các nước phát triển thì hôn nhân cũng cần đến hợp đồng trong đó xác định rõ giải pháp cho các tình huống cụ thể. Trong xã hội, các liên kết thường có tính phân cấp: các cá nhân liên kết thành các chủ thể con và đến lượt nó từng chủ thể con liên liết thành chủ thể lớn hơn.

Trong xã hội XHCN, các liên kết tiêu cực cần được loại trừ còn các liên kết tích cực phát triển mà vẫn đảm bảo môi trường lành mạnh cho cạnh tranh văn minh phát huy tác dụng tích cực. Để làm được như vậy, mỗi liên kết cần phải dựa trên tính tự giác của mỗi thành viên và đảm bảo công bằng trong phân công lao động và phân phối thành quả để mọi thành viên cùng phát triển.

Trước khi phân tích các phương pháp điều chỉnh, quản lý xã hội và các chủ thể liên kết, ta xét phương thức liên kết.


3. Phương thức liên kết

Phương thức phân công lao động và phân phối thành quả: "làm theo năng lực; hưởng theo lao động; người không có khả năng lao động được hưởng phúc lợi xã hội" đã được đề xuất trong mô hình XHCN cổ điển và được mọi người ưa thích về mặt lý luận. Nhưng trong thực tế, cơ chế đánh giá năng lực làm việc rất máy móc và nặng về cảm tính (dựa vào bằng cấp, thâm niên hoặc năng lượng cần cho cơ bắp hay lý lịch, thân quen và các bình xét cục bộ) còn giá trị lao động được đánh giá rất chủ quan (qua uỷ ban vật giá hoặc định lương từ bộ tài chính). Vì cơ chế đánh giá năng lực và giá trị lao động thiếu chuẩn mực và không khách quan nên không phát huy được sức mạnh của cạnh tranh văn minh và mô hình này thất bại. Thực tế chỉ ra rằng thi đua XHCN trong mô hình này không những không thay thế được vai trò của cạnh tranh mà còn là chỗ dựa cho tiêu cực (xem mục 4).

Trong định nghĩa trên, lao động được đánh giá bởi mức độ thoả cầu của lao động (trong kinh tế thị trường nó được phản ánh bằng giá cả thị trường). Thực tiễn cho thấy rằng trong nền kinh tế thị trường năng lực làm việc và lao động được đánh giá khách quan và nhạy cảm hơn. Trong cơ chế này, mỗi nỗ lực lao động mang lại lợi ích cho nhu cầu xã hội đều sớm được đáp ứng và vì vậy luôn kích thích yếu tố cạnh tranh trong mỗi cá nhân và chủ thể. Chính vì vậy mà mọi nước chuyển đổi từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường đều cải thiện được tình hình kinh tế. Như vậy kinh tế thị trường giúp đánh giá đúng năng lực và lao động mà không mâu thuẫn với tính XHCN như được nhận định trong mô hình cổ điển.

Khi chấp nhận kinh tế thị trường, đặc biệt là kinh tế tri thức (xem [1, 3, 5, 9]) thì tất yếu phải chấp nhận tính không đều trong phân công lao động và hưởng thụ. Câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để phân biệt được tính chất XHCN trong nền kinh tế thị trường? Câu trả lời là nhà nước XHCN và các chủ thể trong nó phải điều tiết thu nhập và tổ chức liên kết sao cho: mỗi cá nhân đều có điều kiện phát triển năng lực lao động; tự do sáng tạo, giảm cách biệt giàu nghèo trong xã hội, người không có khả năng lao động thì được hưởng phúc lợi xã hội (nhờ chính sách thuế và sử dụng ngân sách nhà nước…). Ngày nay các nước phát triển đều nhận thức được rằng để cho một bộ phận dân cư bị bần cùng hoá, thiếu giáo dục sẽ tiềm ẩn nguy cơ tạo nên bất ổn kinh tế - xã hội và an ninh cho mọi người đặc biệt là người giàu. Cùng phát triển với văn minh nhân loại, tính nhân đạo trong xã hội cũng cao hơn. Vì vậy mà người ta đã chú ý nhiều đến phúc lợi xã hội và tạo điều kiện lao động cho mọi cá nhân trong xã hội nhưng mức độ quan tâm đến phúc lợi chung và hạn chế phân hoá xã hội ở mỗi nước có khác nhau. Mức độ quan tâm này phản ánh tính XHCN của mỗi nền kinh tế. Như vậy việc đánh giá lao động và phân phối sẽ gồm hai bước: bước 1 nhằm đánh giá lao động và xác định thu nhập qua cạnh tranh trên thị trường, bước hai là phân phối lại để điều hoà phân cách và phân phối phúc lợi xã hội. Trong giai đoạn thứ hai cần lưu ý tới hai điểm:

  • Đảm bảo duy trì động cơ cạnh tranh. Nếu việc phân phối lại thiên về tính bình quân thì sẽ không khuyến khích cạnh tranh, làm mất động lực phát triển xã hội.
  • Đảm bảo cho mọi cá nhân và chủ thể phát triển trong điều kiện dân chủ, công bằng và văn minh.
Tính chất XHCN thể hiện chủ yếu ở giai đoạn thứ hai và được phản ánh bởi chất lượng luật pháp, thể chế điều chỉnh các liên kết.


4. Phương thức tổ chức, điều chỉnh và quản lý các liên kết kinh tế - xã hội

Bây giờ ta sẽ xem xét phương thức tổ chức, điều chỉnh, quản lý hệ thống kinh tế xã hội nói chung và các chủ thể liên kết như là hệ thống con trong xã hội XHCN. Để đơn giản, về sau ta dùng từ tổ chức để chỉ một chủ thể liên kết kinh tế - xã hội.

4.1. Các liên kết dựa trên tính tự giác và được điều chỉnh bởi nhà nước pháp quyền

Như đã đề cập ở trên, trong nền kinh tế toàn cầu hoá, khi mà tính chuyên môn hoá ngày càng cao thì các liên kết kinh tế- xã hội càng đa dạng, sôi động, phức tạp, mềm dẻo, linh hoạt và phạm vi ngày càng mở rộng lên toàn cầu. Do đó xã hội là một hệ thống động, biến đổi và tiến hoá nhanh, trong đó thường xuyên có nhiều tổ chức liên kết mới được hình thành và một số khác bị phá vỡ; kết cấu của mỗi liên kết cũng thay đổi không ngừng và giá phải trả cho mỗi trục trặc ngày càng lớn. Để đảm bảo tính ổn định và phát triển cho mỗi tổ chức và toàn xã hội, các liên kết phải dựa trên tính tự giác của mỗi thành viên được đảm bảo bởi hệ thống pháp luật và công pháp quốc tế trong đó quy định rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi thành viên khi tham gia hoặc cắt đứt liên kết trong tổ chức để hoạt động của tổ chức thực sự mang lại lợi ích chung. Hệ thống quy phạm pháp luật phải được xây dựng dựa trên quyền lợi của mọi thành viên trong tổ chức và đồng thuận thực hiện hay nói cách khác là các liên kết có tính tự giác và được đảm bảo bởi một nhà nước pháp quyền.

4.2. Phát triển và sự điều tiết của nhà nước

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, khoa học quản lý ngày nay đã nhận ra rằng phương thức tốt nhất để phát triển kinh tế xã hội là con đường tiến hoá nhờ phát triển tự thích nghi và các đột biến cục bộ có sự điều tiết của nhà nước. Phát triển tự thích nghi là mỗi chủ thể trong tổ chức luôn tự hoàn thiện nhờ sửa dần các nhược điểm và nâng cao năng lực của mình để tăng sức cạnh tranh văn minh. Đột biến cục bộ là dựa vào các thành tựu khoa học và công nghệ mới hoặc kết quả phân tích hệ thống mà người ta sắp xếp lại một phần các liên kết để tạo ra bước phát triển mới cho hệ thống.

Trong quá trình tiến hoá đó, ngoài việc thực thi pháp luật để đảm bảo ổn định các liên kết kinh tế xã hội, nhà nước ngày nay có vai trò điều tiết ( xem [8]) để đảm bảo cho phát triển bền vững. Để thực hiện vai trò điều tiết nhà nước hoặc quản lý các hệ thống lớn, những nhà quản lý cần có tư duy hệ thống.

Để dễ theo dõi, chúng tôi giới thiệu tóm tắt về phương pháp tư duy hệ thống và quản lý.

4.3. Tư duy hệ thống và quản lý

Có hai phương pháp tư duy khoa học: tư duy phân tích và tư duy hệ thống. Tư duy phân tích là đi sâu tìm hiểu cấu tạo, hoạt động chi tiết của sự vật hiện tượng trong phạm vi hẹp, chia nhỏ và xem xét các tương tác của chúng nhằm hiểu rõ thế giới tự nhiên và xã hội. Tư duy hệ thống là xem xét tương tác của các đối tượng của hệ thống trong sự vận hành theo thời gian và cân đối tổng thể của nó mà không cần đi sâu vào chi tiết. Nhờ xem xét này mà có cái nhìn bao quát và ở mỗi thời điểm xác định được các khâu then chốt quyết định sự phát triển và vận hành của hệ thống. Nhờ tư duy hệ thống mà nhà quản lý có được các chính sánh và quyết định đảm bảo cho tổ chức phát triển cân đối và bền vững trong môi trường đầy biến động.

Các ví dụ: Quyết định cấm xe máy ở Hà nội là thiếu tư duy hệ thống vì khi ra quyết định người ta chưa tính trước là người dân sẽ đi bằng gì và các biện pháp xử lý hậu quả sau đó sẽ ra sao nên thất bại. Trong các kỳ tuyển sinh đại học, việc ra đề thi cơ bản và sát chương trình để tránh luyện thi là có tư duy hệ thống nhưng việc sợ dư luận mà ra đề ngắn và cơ bản trong phạm vi chương trình lớp 12 làm cho khó phân biệt học sinh giỏi thì lại thiếu tính hệ thống.

Để có được tư duy (hay cái nhìn) hệ thống, thì điều kiện cần là phải có kiến thức rộng nhưng không phải người có nhiều bằng hoặc kiến thức là có tư duy hệ thống. Đến nay tư duy hệ thống vẫn khó đào tạo. Cách nhìn hệ thống của mỗi nhà quản lý có thể khác nhau và không có cách nhìn tối ưu nên cần được kiểm chứng qua thực tế. Chính vì vậy mà ở các nước phát triển, khi một tổ chức không phát triển tốt thì người ta thay người quản lý để đổi cách nhìn hệ thống mà ít khi để cho nhà quản lý cũ điều khiển bằng phương pháp thử-sai.


5. Đặc điểm môi trường kinh tế - xã hội toàn cầu hiện nay

Chúng ta đang bước vào thiên niên kỷ mới trong sự chuyển biến kinh tế - xã hội mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử với ba quá trình sôi động:

  • Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT);
  • Quá trình toàn cầu hóa kinh tế diễn ra nhanh chóng;
  • Sự biến đổi từ thời đại kinh tế công nghiệp sang thời đại kinh tế tri thức.

5.1. Sự phát triển của công nghệ thông tin và tác động của nó

Thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đang nhanh chóng đưa hệ thống thông tin kỹ thuật số ngự trị hệ thống thông tin văn bản cổ truyền và tạo điều kiện quan trọng cho quá trình toàn cầu hoá. Công nghệ thông tin làm thay đổi mạnh mẽ từ hạ tầng kinh tế xã hội tới các phong cách và văn hóa của cá nhân và tổ chức. Sự phát triển này thể hiện ở 3 yếu tố: số hóa, cách mạng rộng khắp và hội tụ.

Số hóa. Máy tính, Internet và các công cụ truyền thông, kỹ thuật số đang nhanh chóng trở nên thân thiện với mọi người. Tỷ trọng các nội dung thông tin được xử lý số tăng nhanh làm thay đổi chất lượng cuộc sống mỗi người. Hàng ngày ta dễ dàng giao tiếp với nhiều người, xử lý nhiều thông tin có chất lượng mà không gặp trở ngại về không gian. Các phong cách sống và văn hóa xã hội cũng thay đổi theo. Người ta có thể kinh doanh qua mạng, các dịch vụ thông tin ngày càng trở nên thứ hàng hóa phổ biến.

Cách mạng rộng khắp. Quá trình tin học hóa diễn ra rộng khắp trên toàn cầu nhờ Internet và các công cụ kỹ thuật thông tin có dây và không dây đang liên kết mọi người, mọi nơi và mọi lúc với nhau đảm bảo cho mọi thông tin ở bất cứ nơi nào trên trái đất đều có thể nhanh chóng dễ dàng đến được với nhân loại. Các ranh giới công nghiệp mất dần và hình thức công ty truyền thống cũng thay đổi theo.

Sự hội tụ. Nhờ sự phát triển nhanh của công nghệ máy tính và các công cụ truyền thông mà mức khoảng cách về hạ tầng thông tin giữa các nước, các vùng lãnh thổ đang mất dần. Nó tạo ra các dịch vụ và sản phẩm mới (thuộc lĩnh vực thông tin) làm biến đổi các giá trị truyền thống, tạo nên các cơ hội kinh doanh mới cho mỗi người. Các ranh giới địa lý tự nhiên, xã hội và khoảng cách không gian, thời gian đang mất dần nhờ thành tựu của CNTT và do đó lỗ hổng tri trức giữa các nước ngày càng hẹp lại.

5.2. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế - xã hội

Quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra nhanh chóng, các yếu tố kinh tế xã hội tương tác đa dạng, sôi động trong phạm vi ảnh hưởng ngày càng trở thành toàn cầu và chứa định nhiều yếu tố bất ngờ. Trao đổi hàng hoá và dịch vụ quốc tế tăng, đầu tư và phát triển công nghệ cũng mang tính toàn cầu trong khi can thiệp bảo trợ mậu dịch của các nhà nước mất dần làm cho cạnh tranh ngày càng mang tính toàn cầu và tăng nhanh sự chi phối của các công pháp quốc tế đối với các cá nhân và tổ chức. Sự can thiệp của các chính phủ để điều tiết kinh tế và tính toàn cầu hóa của thị trường làm cho môi trường kinh tế tăng tính bất định. Ngày nay, một biến động kinh tế xã hội ở một nước có thể ảnh hưởng nhanh theo hiệu ứng đôminô với kết quả khó lường đối với kinh tế thế giới.

Cùng phát triển với quy mô và tính khốc liệt trong cạnh tranh, sở thích của người tiêu dùng biến đổi nhanh làm cho vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn lại. Các biến động này đòi hỏi các nhà quản lý phải linh hoạt và nhạy cảm hơn.

Sự phát triển của công nghệ thông tin và quá trình toàn cầu hoá là tiền đề cho sự ra đời kinh tế tri thức.

5.3. Một số đặc điểm của kinh tế tri thức

Kinh tế công nghiệp dựa trên tài nguyên vật chất và cho sản phẩm vật chất còn kinh tế tri thức dựa vào hoạt động tri thức (hay thông tin), nó dùng các tài nguyên vô hình để sáng tạo nên các ý tưởng và phương pháp mới nhờ đó mà tăng sức sản xuất; tạo nên sản phẩm; dịch vụ; nghề nghiệp mới và điều khiển tổ chức; kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững hơn. Tri thức đang trở thành sức mạnh quan trọng nhất trong hệ thống kinh tế xã hội. Các chuyên gia đánh giá rằng hiện nay các giá trị sản phẩm dựa trên tri thức chiếm hơn nửa GDP ở các nước công nghiệp. Sau đây là một số đặc điểm cần lưu ý khi đổi mới kinh tế xã hội.

Lao động đòi hỏi tri thức và kỹ năng cao với nền giáo dục phát triển

Báo cáo khoa học toàn cầu xuất bản ngày 14-2-1994 của UNESCO chỉ rõ rằng ngày nay khoảng cách giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển là khoảng cách tri thức. Cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật, các lao động giản đơn dần được thay thế bằng cơ giới và tự động hoá trong khi đó nhân công đòi hỏi có trình độ cao tăng nhanh. Trong đó lao động không chỉ dựa vào kinh nghiệm mà phải thường xuyên cập nhật tri thức mới trong một xã hội học tập. Nếu đầu thế kỷ 20, hơn 80% công nhân ở Mỹ là công nhân cổ cồn xanh làm việc trong các nhà máy và trang trại và chỉ chưa đầy 20% là công nhân cổ cồn trắng thì đến cuối thế kỷ 20 tỷ lệ lao động đảo ngược. Sự phát triển kinh tế phụ thuộc cao vào tri thức người lao động, đặc biệt là đội ngũ quản lý. Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa các hãng, các tổ chức kinh tế thực chất là cạnh tranh tri thức của những người quản lý hàng đầu, trong đó phần thắng thuộc về người có tri thức tốt nhất và sớm nhất.

Để có lực lượng lao động với trình độ cao đòi hỏi phát triển tốt hệ thống giáo dục, tuyên bố Bacu của hội nghị ICT toàn cầu ngày 25-28 tháng 11 năm 2004 cũng khẳng định giáo dục là chìa khoá để đi đến nền kinh tế tri thức. Hệ thống các trường đại học và dạy nghề không chỉ trang bị cho học viên tri thức hiện đại, tư duy khoa học mà còn đào tạo cho họ khả năng tự học để tạo nên một xã hội học tập.

Khuyến khích sáng tạo, thông tin đa chiều, kịp thời và đầy đủ

Như đã nói ở trên, sự sáng tạo của tri thức nảy sinh các ý tưởng và phương pháp mới làm tăng sức cạnh tranh cho mỗi nền kinh tế. Vì vậy xã hội phải tạo môi trường tốt cho sáng tạo và bảo vệ nó, mỗi ý tưởng mới đều phải sớm được thông tin; trao đổi và đánh giá, quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật đảm bảo.

Tài nguyên của hoạt động tri thức và tư duy hệ thống là thông tin, nó cần phải được cung cấp đầy đủ, kịp thời theo đa chiều, đặc biệt là thông tin trái chiều, cá biệt. Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin thì không thể theo dõi hết mà phải biết bao quát nó để đảm bảo hệ thống phát triển. Một cách để xử lý lượng thông tin lớn là chú ý cao tới thông tin bất thường. Các bất ổn hoặc cơ hội để có ý tưởng mới thường xuất phát từ các xem xét thông tin bất thường này. Mặt khác sự sáng tạo luôn luôn có tính cá biệt vì vậy nếu không tôn trọng các thông tin cá biệt thì nhiều khi ta sẽ phạm sai lầm như là đổ luôn đứa bé trong chậu nước.

Yêu cầu cao về tri thức và tư duy hệ thống của các nhà các quản lý

Ta đã biết rõ rằng môi trường kinh tế- xã hội ngày nay có nhiều tương tác đa dạng, sôi động và nhiều yếu tố bất ngờ mà giá phải trả cho mỗi trục trặc ở tổ chức ngày càng lớn. Trong mỗi tổ chức, năng lực của nhà quản lý có tính quyết định. Nhà quản lý phải có kiến thức rộng, tư duy hệ thống nhanh, nhạy để có tầm nhìn vừa rộng vừa xa và bao quát được trong và ngoài tổ chức, dự đoán đúng và phát hiện kịp thời các dấu hiệu xấu và các cơ hội phát triển mới. Các nhà quản lý như vậy thường khó đào tạo mà phải chọn lọc từ một môi trường cạnh tranh của thị trường lao động quản lý với cơ chế trọng dụng nhân tài. Năng lực nhà quản lý rất khó đánh giá và là yếu tố động nên phải xem xét kỹ trên cơ sở thông tin đầy đủ, khi có dấu hiệu đình trệ phải kịp thời thay thế để đổi mới hệ thống.


6. Về đổi mới kinh tế - xã hội ở nước ta

Trên đây đã phác thảo ra cái đích mà ta cần đến, để xác định đúng đường đi ta cần xem lại vị trí của mình. Hai mươi năm qua, ta đã có nhiều nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế nước ta sang nền kinh tế thị trường nhưng bộ máy hành chính nói riêng và hệ thống kiến trúc thượng tầng nói chung vẫn mang nhiều tính chất của mô hình cổ điển, vì vậy chưa đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Trước khi đưa ra một số đề xuất cho công cuộc đổi mới, ta cần phải xem lại các di chứng của mô hình cổ điển trong xã hội để tìm cách khắc phục.

6.1. Một số nhận xét về ảnh hưởng mô hình cổ điển ở nước ta

Ở mục này chúng tôi không nói tới ưu điểm mà chỉ nêu một số nhược điểm của mô hình cổ điển cần lưu ý trong đổi mới.

Quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất và cơ chế đánh giá năng lực, lao động

Mô hình cổ điển dựa trên công hữu đơn giản về tư liệu sản xuất, không phân định rõ cái riêng và cái chung. Khi cái riêng không rõ thì cái chung cũng khó phát triển. Mặc dù đã có phương thức “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” nhưng không có cơ chế đánh giá năng lực và lao động một cách khách quan và khoa học nên không khuyến khích người lao động. Các nhà lý luận thì cho rằng thi đua XHCN là động lực cho phát triển kinh tế nhưng thực tế thì làm cho tình hình càng tồi tệ hơn. Không có tiêu chuẩn đánh giá khách quan và khoa học cho thành quả lao động của mỗi người hay mỗi tập thể nên việc bình xét thi đua ở cơ sở phụ thuộc vào quan hệ của các cá nhân với tập thể nhỏ ở cơ sở hay ban thi đua. Yếu tố này làm mất tính tích cực và khuyến khích bè phái hoặc cơ hội. Những người có tài năng thường có cá tính khác biệt nên thường sớm bị loại khỏi cuộc đua. Các vấn đề quan trọng thì quyết định bởi bộ tứ (chính quyền, cấp uỷ, công đoàn và đoàn thanh niên) và không ai phải chịu trách nhiệm càng làm tăng tính tiêu cực. Bàn tay không che được mặt trời nhưng dễ che ngọn nến! Người ta dễ dàng “liên kết, khống chế” bộ tứ và do đó cả tổ chức của nó phục vụ cho mục đích riêng. Quá trình tha hoá tập thể đó dẫn đến các tình trạng triệt hiền, dưỡng gian, loạn pháptư hữu hoá công sở như chúng tôi đã nêu trong [4]. Không phải ngẫu nhiên mà Khánh trắng; Năm Cam đã từng được khen thưởng, Trần Mai Hạnh được trọng dụng và gần đây nhất Bùi Quang Hưng đã từng là chiến sĩ giỏi; tập thể đông đảo dân cá độ bóng đá cùng làm quan chức Bộ Giao thông và PMU18.

Mặt khác cơ chế bầu cử nặng tính cơ cấu mà không có tính cạnh tranh làm mất hiệu lực của bộ máy nhà nước. Bệnh thành tích mà nói trắng thì là tính giả dối lan tràn dẫn đến tha hoá đạo đức xã hội và làm bậc thang để nhiều quan chức tranh đoạt danh lợi.

Thiếu thông tin và môi trường tốt cho sáng tạo

Trong mô hình XHCN cổ điển, thông tin trên các phương tiện đại chúng thường đưa một chiều. Các thông tin trái chiều rất khó được chấp nhận, thông tin từ các bộ phận khó tới với cộng đồng. Đó là mảnh đất tốt cho bệnh thành tích phát triển và lãnh đạo không cần chú ý tới hiệu quả sản xuất. Chính vì vậy mà Kornai [6] đã nhận xét rằng đối với những người lãnh đạo cao cấp nhất (trong mỗi doanh nghiệp) thì động cơ của họ hoàn toàn là động cơ chính trị chứ không phải là động cơ của một nghiệp chủ. Do đó mà các vấn đề bất hợp lý trong xã hội chậm được phát hiện và kéo dài trạng thái bức xúc. Chẳng hạn, đội ngũ giáo viên cả nước rất đông, ai cũng biết việc sửa đổi chữ viết là không tốt nhưng trong thời gian dài không phản ánh lên báo chí được; cả nước hàng năm có hàng trăm ngàn vụ khiếu kiện nhưng sự quan tâm của công luận thì quá ít; những tấm gương chống tiêu cực như Nguyễn Tăng Thắng và Đình Đình Phú thì đến khi lao đao trên bờ vực thẳm mới may mắn được báo chí quan tâm. Trong bối cảnh đó, các ý tưởng mới về chính sách khó được chấp nhận. Có không ít ví dụ về những người vì có ý tưởng đúng mà phải lao đao, thậm chí cả khi nó được thủ trưởng chấp nhận thì thoát khỏi tai vạ cũng là may còn công thì thuộc về người đã chấp nhận nó. Khi mà sáng tạo công ít tội nhiều thì việc “các trường đại học ở Việt Nam vẫn chưa có vai trò gì trong việc nghiên cứu chính sách” như nhận xét của Jonathan Pincus (chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP ở Việt Nam) trong bài thảo luận đọc ở hội thảo ngày 3-11-2005 tại Hà Nội (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/) là có cơ sở.

Nhà nước pháp quyền

Qua nhiều năm “xé rào” để tự cứu mình, đến nay ý thức tuân thủ pháp luật của dân ta thấp lại cộng thêm hai nhược điểm trên nên để có nhà nước pháp quyền còn gặp nhiều khó khăn. Khi mà trong bộ máy nhà nước, “trên bảo dưới còn không nghe” thì chính quyền rất khó thực hiện chức năng điều tiết xã hội của mình.

6.2. Một số đề xuất cho đổi mới

Ngoài việc sửa đổi theo mô hình và nhận xét nêu trên, dưới đây chúng tôi đề xuất một số ý tưởng về đổi mới chính sách cán bộ và thông tin đại chúng; giáo dục và khoa học - công nghệ; công nghiệp hoá.

Chính sách cán bộ và thông tin đại chúng

Từng ngành cần xây dựng chuẩn để đánh giá chất lượng công chức khách quan và sớm tạo được thị trường lao động. Thay đổi cách thức bầu cử sao cho có cạnh tranh thực sự trên cơ sở có thông tin đầy đủ về các ứng cử viên. Đánh giá cán bộ phải phân biệt loại bằng và thực lực hiện có chứ không cào bằng theo bằng cấp, học hàm và thâm niên công tác.

Sớm sửa đổi hệ thống thông tin đại chúng để các thông tin đầy đủ, đa chiều và đặc biêt là các cá biệt nhanh chóng đến với mọi người.

Giáo dục và khoa học - công nghệ

Ở các nước tiên tiến, tuỳ theo từng nước mà kinh phí cho nhà trường vẫn có hai hình thức: thu học phí (ví dụ: Mỹ) và không thu học phí mà nhà nước bao cấp (ví dụ: các nước Tây Âu) nhưng có điểm chung là mỗi công dân đều được tạo đủ điều kiện để theo học đại học hoặc học nghề phù hợp khả năng và sở thích. Ta là nước nghèo, để đáp ứng nhu cầu của kinh tế tri thức thì nhà nước cần phải lo việc đào tạo sao cho mỗi người dân đều được đào tạo nghề. Để có thêm kinh phí và tăng hiệu quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, nhà nước chỉ cấp kinh phí nghiên cứu cho nghiên cứu cơ bản phục vụ đào tạo và phương pháp công nghệ mới còn các nghiên cứu ứng dụng phải do cơ sở dùng cung cấp (ở mọi nước nghiên cứu ứng dụng là công việc của các hãng) các nghiên cứu tiềm năng thì nhà nước cho vay nếu dự án khả thi.

Để tạo nên một “khoán mười” trong đội ngũ nghiên cứu khoa học và công nghệ, các trường đại học và viện nghiên cứu cần đánh giá cán bộ qua công trình nghiên cứu, bằng phát minh sáng chế và những tiêu chí như các nước phát triển đang làm.Việc đào tạo nghề cần phù hợp với nhu cầu công nghiệp hoá mà chúng tôi trình bày dưới đây.

Công nghiệp hoá

Các nhà đầu tư hiện nay vẫn tập trung vào các đô thị lớn mặc dù tiền sử dụng mặt bằng đắt hơn nhiều và các đô thị đã quá tải. Sở dĩ như vậy là ở đô thị lớn có hạ tầng cơ sở tốt hơn và nhân công có chất lượng hơn. Để kéo đầu tư về nông thôn, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ hạ tầng và đào tạo nhân lực. Chẳng hạn tuỳ theo lượng vốn đầu tư và số lượng nhân công sẽ sử dụng mà nhà nước hỗ trợ thêm một khoản đầu tư hạ tầng và nhân lực. Các nhân lực công nghiệp ở nông thôn sẽ tạo thêm dịch vụ cho nông dân sở tại mà không tăng gánh nặng cho vùng ngoại ô như ở đô thị lớn. Nhà nước dành tiền thuế một số năm thu được nhờ đầu tư để tái đầu tư cuốn chiếu.


7. Kết luận

Với cách tiếp cận xem xét xã hội XHCN nêu trên, chúng ta sẽ hiểu được vị thế và huớng đi của chúng ta trên con đường đổi mới. Trong đó, đích đến có thể xác định rõ chứ không chỉ là mục tiêu chung chung như được nêu trong [10]. Theo cách nhìn này, kinh tế thị trường định hướng XHCN là lộ trình tốt cho thời kỳ quá độ. Trong giai đoạn này ta cần hoàn thiện nhà nước pháp quyền để nó đảm bảo điều tiết cho một xã hội phát triển, dân chủ, công bằng và văn minh.

Trên đây là một số ý tưởng mà chúng tôi trình bày để trao đổi. Nhiều điều trong đó còn cần phải xem xét kỹ hơn nhưng nếu đi sâu vào thì vượt quá khuôn khổ của một bài báo. Do nội dung của vấn đề là rất lớn nhưng lại bức thiết phải giải quyết nên chúng tôi mạnh dạn giới thiệu mà không cầu toàn. Mong rằng bài báo này sẽ có ích cho công cuộc đổi mới của nước nhà.

Lời cám ơn. Tác giả trân trọng cám ơn Ông Nguyễn Văn Tác, nguyên Giảng viên chính khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho nhiều ý kiến khoa học quý báu khi viết bài này.



Tài liệu tham khảo
  1. J. C. Bowker, The New Knowledge Economy and Science and Technology Policy, Department of Communication, University of California, San Diego, March 2004.
  2. C. Mác và Ph. Ănghen: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993.
  3. L. Garicano and E. Rossi, “Organization and Inequality in a Knowledge Economy”, NBER #11458, 2005
  4. Hoàng Xuân Huấn, “Về vấn đề buôn lậu và tham nhũng ở nước ta”, Nghiên cứu Kinh tế, số 4 (206), 1995, tr. 10-14.
  5. J. Houghton and P. Sheenhaw, A Primer on the Knowledge Economic Studies, Vitoria University, 2000.
  6. Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa, Nguyễn Quang A dịch, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2002
  7. J. L. Petersen, Con đường đi đến năm 2015, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2000.
  8. P. A. Samuelson và W. D. Northause, Kinh tế học, Viện Quan hệ Quốc tế, 1989
  9. “Who Owns the Knowledge Economy”, The Corner House, Briefing 32, September 2004.
  10. Đào Công Tiến, “Nên hiểu thế nào là định hướng xã hội chủ nghĩa”, Báo Tuổi trẻ ngày 8-3-2006.

Tác giả Hoàng Xuân Huấn là giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.



[1]Các nhận xét về mô hình XHCN cổ điển nêu trong mục này sẽ được phân tích rõ hơn trong mục 4
Nguồn: Tạp chí Quản lý Kinh tế số 7, tháng 3+4.2006, trang 3-10