trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
6.6.2006
Trần Bình
Kinh tế Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập
 1   2 
 
Sau gần hai thập niên cải cách, Việt Nam đã được các tổ chức kinh tế và tài chánh quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có mức phát triển kinh tế nhanh trong khu vực Đông Á và các nước đang phát triển trên thế giới. Nhưng đồng thời Việt Nam đang phải đối đầu với một số vấn đề khá nghiêm trọng, là những trở lực cho sự phát triển kinh tế trước ngưỡng cửa hội nhập. Cho đến nay, các hạn chế này vẫn chưa phải là những trở ngại lớn trong một nền kinh tế mà trình độ phát triển và hội nhập thế giới chưa cao, các hoạt động kinh doanh còn tương đối đơn giản và các qui định, tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại quốc tế vẫn chưa ràng buộc chặt chẽ, song sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển cao hơn và cánh cửa hội nhập đang mở rộng qua hàng loạt hiệp ước thương mại song phương vừa ký kết và việc sắp sửa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từng bước tạo ra một sân chơi bình đẳng, qua đó các giao dịch kinh doanh sẽ ngày càng phức tạp, cạnh tranh càng khốc liệt và đòi hỏi minh bạch hơn. Ví dụ, do nền pháp lý còn non yếu, việc thiết lập và xử lý các tranh chấp hợp đồng kinh doanh hiện cơ bản vẫn dựa trên uy tín, lòng tin và các cơ chế không chính thức sẽ không còn phù hợp khi hoạt động kinh doanh trở nên qui mô và phức tạp hơn. Các doanh nghiệp và ngân hàng nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn do những biện pháp hỗ trợ ngầm buộc phải huỷ bỏ sau khi Việt Nam gia nhập WTO và các ngân hàng nước ngoài sẽ ngày một lớn mạnh. Mở rộng cửa hội nhập vì thế vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Không phải quốc gia nào cũng thành công như Trung Quốc, do vào thời điểm gia nhập WTO, quốc gia này đã đạt được năng lực cạnh tranh khá vững vàng. Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), đã khuyến cáo: nếu thiếu chuẩn bị, Việt Nam có thể trở thành Mexico thứ hai sau khi gia nhập WTO [1] . Báo cáo của Oxfam cũng nhận định rằng những những điều kiện ngặt nghèo bị áp đặt để Việt Nam được vào WTO có thể sẽ gây thiệt hại đến các thành phần kinh tế yếu kém.

Đón đầu những thách thức gây go sẽ gặp phải khi gia nhập WTO, những năm gần đây Việt Nam đã ban hành hàng loạt cải cách, thực hiện các thử nghiệm trên nhiều lĩnh vực kinh tế. Phân tích những thành tựu và năng lực cạnh tranh, những hạn chế và các biện pháp của “đợt cải cách vòng hai” là nội dung chính của bản Báo cáo Phát triển Việt Nam 2006 [2] phổ biến tháng 12/2005 tại hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam. Đây là một tài liệu nghiên cứu rất công phu, hơn 200 trang, được Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh, Chương trình Phát triển Kinh tế Tư nhân Mê-Kông (MPDF) của công ty Tài chính Quốc tế cùng soạn thảo, và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) góp ý kiến. Việc thu thập tài liệu cho các nghiên cứu tại các quốc gia đang phát triển và chuyển biến nhanh như Việt Nam thường gặp khó khăn, do đó bản báo cáo đã tham khảo rất nhiều tài liệu; những phân tích, nhận định đã thận trọng đối chiếu các công trình nghiên cứu từ nhiều nguồn, nhiều thời điểm khác nhau. Song song với các số liệu thu thập từ các cuộc điều tra do các tổ chức kinh tế tài chánh thế giới thực hiện, các nhà tài trợ còn tham gia hỗ trợ các cơ quan chính phủ trong việc xây dựng số liệu, như WB đối với các cuộc điều tra của Tổng cục Thống kê (TCTK), hay cơ quan Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển trong cuộc nghiên cứu tham nhũng gần đây của Ban Nội chính Trung ương. Trong Khuôn khổ của một bài viết ngắn, chúng tôi xin tổng hợp và cô đọng lại một số vấn đề cốt lõi trong bản báo cáo để giới thiệu với bạn đọc. Phần tổng quan cho ta thấy cái nhìn bao quát về hiện tình kinh tế Việt Nam. Trong phần kế tiếp, nền kinh tế Việt Nam sẽ được soi rọi qua sự phân tích những chuyển biến về cơ cấu (thành phần) kinh tế và các đánh giá về chỉ số phát triển và năng lực cạnh tranh. Hướng về tương lai trong bối cảnh hội nhập và phát triển, các hạn chế trong môi trường đầu tư, vai trò của chính quyền địa phương, những tác động về mặt xã hội và môi trường, và nội dung của cuộc cải cách vòng hai sẽ được bàn thảo sâu rộng.


1. Tổng quan: Thành quả ấn tượng và những hạn chế ràng buộc

Kể từ khi bắt đầu cuộc cải cách kinh tế cách đây gần hai thập kỷ, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng rất đáng kể, GDP tăng trung bình 5,9% tính từ 1993, song hệ số Gini đo lường bất bình đẳng xã hội qua việc phân tích mức chênh lệch lợi tức chỉ tăng chút ít, lên 0.37% vào năm 2004. Chính sách cho vay vốn thực hiện rộng rãi với các hộ nông dân và doanh nghiệp nhỏ đã góp phần đáng kể vào sự thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo: từ 1993, tỉ lệ nghèo đói đã giảm từ 57% xuống dưới mức 20% hiện nay. Hai con số này, hệ số Gini tương đối thấp và tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh, cho thấy “những lợi ích do tăng trưởng mang lại được chia sẻ rộng rãi trong xã hội”. Tính đa dạng của các khu vực doanh nghiệp là một trong những đặc điểm chính, có thể nói là điểm mạnh trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam. Do áp dụng chiến lược phát triển với vai trò chủ đạo của nhà nước, nên hiện nay vẫn còn hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã bắt đầu quá trình tái cơ cấu dài hạn được tiến hành từng bước. Số lượng DNNN đã giảm đáng kể qua việc giải thể hay sáp nhập các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, và qua cổ phần hoá mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần. Việt Nam là “một trong những nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới xét theo giá trị tương đối”. Trong khu vực kinh tế tư nhân, gần như một nửa số hộ gia đình ở Việt Nam có hoạt động kinh doanh nhỏ dưới hình thức này hay hình thức khác. Những năm vừa qua đã có hiện tượng bùng nổ trong việc đăng ký kinh doanh tư nhân. Hiện nay khối doanh nghiệp tư nhân đã chiếm đến 33% giá trị ngành công nghiệp chế tạo, mang lại việc làm cho 21% lực lượng lao động. Vốn đầu tư khu vực tư nhân tăng nhanh trong những năm gần đây, hiện chiếm tới 1/3 tổng số vốn đầu tư hàng năm. Tổng số vốn đầu tư huy động của Việt Nam đã đạt 38% GDP năm 2005, là một tỉ lệ rất cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Mặt dù có những biến chuyển quan trọng theo chiều hướng tích cực, các nhà tài trợ không khỏi quan ngại về sự phân bố qui mô doanh nghiệp thiếu hợp lý: giữa hai cực - rất nhiều các hộ kinh doanh, những doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vài ngàn DNNN, công ty nước ngoài - vẫn còn thiếu vắng các doanh nghiệp qui mô vừa và sự hiện diện hiếm hoi của những công ty tư nhân có qui mô lớn. Điều này cho thấy vẫn còn những “rào cản cho sự phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân”.

Những kết quả rất ấn tượng cũng không che lấp một thực tế là các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn gặp phải nhiều hạn chế đáng kể trên bốn lãnh vực chính: vốn, đất, cơ sở hạ tầng, và kỹ năng lao động. Các doanh nghiệp lớn trong nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Dịch vụ tín dụng bị chi phối nặng nề bởi các Ngân hàng Thương mại Nhà nước (NHTMNN) hoạt động kém hiệu quả đã dẫn đến sự tích tụ một khối lượng đáng kể các khoản nợ xấu. Thị trường vốn (chứng khoán) chính thức kém phát triển, nhưng thị trường phi chính thức giao dịch các chứng khoán không niêm yết hoạt động khá sôi động cho thấy thị trường này có khả năng phát triển nếu được qui định đúng đắn. Môi trường pháp lý về quyền sử dụng nhà đất phức tạp và bất nhất, vấn đề quản lý đất rừng bao gồm cả khu vực dân tộc thiểu số, và việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất công nghiệp trên quy mô lớn sao cho sự đền bù được thoả đáng và tránh được nạn tham nhũng là những khó khăn trên thị trường đất. Tìm được lao động có kỹ năng và giữ được lâu dài các nhân viên giỏi là những trở ngại được các doanh nghiệp xếp là hạn chế lớn thứ ba. Và sau hết, mặc dù sự phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây ở Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc, nhất là điện khí hoá và điện thoại, song các doanh nghiệp vẫn phàn nàn về cơ sở hạ tầng giao thông không đầy đủ, giá điện và điện thoại đắt đỏ. Nhưng trái với suy nghĩ thông thường, những cản trở của hệ thống pháp lý, các thủ tục hành chánh quan liêu và tình trạng tham nhũng đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam lại không bị các doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra coi là nghiêm trọng. Vấn đề này cần được mổ xẻ thêm trong phần phân tích về môi trường đầu tư.

Các đánh giá về phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam từ những góc nhìn khác nhau đã dẫn đến các kết quả khác biệt đáng kể. Các học giả thường dựa trên đặc điểm của khung pháp lý điều tiết các hoạt động doanh nghiệp và những nhân tố đánh giá tiềm năng theo tiêu chuẩn quốc tế đã xếp hạng Việt Nam khá thấp, ở nửa cuối của bảng xếp hạng thế giới hay khá nhất cũng chỉ ở gần khoảng giữa bảng. Song các nhà đầu tư chú trọng hơn về phương diện thực tế, lại đánh giá Việt Nam khá cao, thuộc vào nhóm một phần tư đầu tiên, hoặc thậm chí còn cao hơn.

Mặt dù vẫn tồn tại những hạn chế nghiêm trọng, các doanh nghiệp tại Việt Nam không phải đối đầu với nguy cơ mất vốn do bất ổn định xã hội, tội phạm hoặc các chính sách không dự báo trước được, là những trở ngại cơ bản và quan trọng hàng đầu các nhà đầu tư thường gặp phải tại nhiều quốc gia đang phát triển khác. Các mục tiêu cho tương lai vẫn thường được nhấn mạnh tới tốc độ tăng GDP, nhưng hiện nay Việt Nam đã có thể có tham vọng cao hơn, đó là trở thành một nước có thu nhập ở mức trung bình và đồng thời tạo điều kiện để sự tham gia hoạt động kinh tế và việc chia sẻ các thành quả sẽ trải rộng trong xã hội qua quá trình tăng trưởng. Và điều này đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cuộc cải cách mạnh mẽ và sâu rộng hơn.


2. Các thành phần kinh tế - Cơ cấu và chuyển biến

Hih Hiểu rõ các bộ phận cấu thành nền kinh tế, mối quan hệ giữa các bộ phận này, và những chuyển biến theo thời gian rất hữu ích cho việc phân tích những hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 6 năm 1986 đã xoá bỏ “quản lý tập trung quan liêu dựa trên bao cấp nhà nước” và chuyển sang nền kinh tế “nhiều thành phần theo định hướng thị trường”.

Theo Điều tra Mức sống Hộ gia đình của Tổng cục Thống kê (TCTK) năm 2004, tính bao gồm các hộ nông dân hoạt động kinh doanh vào mùa nhàn rỗi, hiện có đến khoảng 9.3 triệu hộ kinh doanh, tức hơn một nửa số hộ gia đình ở Việt Nam. Cuộc Điều tra Giá trị Thế giới (World Values Survey, WVS) đưa đến một kết luận khá ngạc nhiên rằng người Việt có chí làm ăn hơn cả người Hoa. Hai ngành kinh doanh phổ biến nhất của hộ doanh nghiệp là thương nghiệp (40%) và chế biến, chế tạo (25%). Các hộ doanh nghiệp ngày càng mang tính chuyên nghiệp, tỷ lệ thua lỗ giảm dần, còn rất thấp. Tuy nhiên, lao động khu vực hộ doanh nghiệp có chiều hướng giảm, từ 30% năm 1993 xuống 25% 2004; có thể do sự thu hút của việc làm được trả lương của các doanh nghiệp, tăng nhanh từ 16% lên 27% trong cùng thời kỳ.

Khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp tư nhân được thiết lập năm 1990, nhưng sự nở rộ của hoạt động doanh nghiệp tư nhân bắt đầu từ năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp ban hành đã đơn giản hoá thủ tục đăng ký rất đáng kể. Số lượng doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức và đi vào hoạt động từ đó tăng nhanh, bao gồm các doanh nghiệp mới thành lập, các hộ doanh nghiệp được nâng cấp, và doanh nghiệp hoạt động không chính thức trước đây. Số lượng doanh nghiệp thực sự hoạt động chiếm hơn một nửa số đăng ký, khoảng 65 ngàn doanh nghiệp. Theo phân tích của IMF, nhiều doanh nghiệp mới đăng ký do nguồn vốn của kiều bào dưới danh nghĩa người thân đang sống trong nước. Loại hình công ty đơn giản như một chủ hay trách nhiệm hữu hạn chiếm đến 90% tổng số; tuy nhiên, gần đây đã có xu hướng hình thành các công ty loại hình phức tạp hơn như công ty cổ phần (CTCP). Vào năm 2002, doanh nghiệp tư nhân một chủ trung bình có 15 nhân viên; công ty trách nhiệm hữu hạn là 38 và CTCP 53. Khách hàng phần lớn là cá nhân (67%), doanh nghiệp tư (20%) và DNNN (9%). Chỉ có 2% doanh nghiệp tư nhân có thị trường chính là thị trường xuất khẩu và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sự hình thành của những doanh nghiệp có qui mô lớn như Biti’s, Kinh Đô và Cà phê Trung Nguyên hiện vẫn còn hiếm hoi.

Sau khi quốc hữu hoá 1500 doanh nghiệp tư nhân của miền Nam năm 1978 thành 650 DNNN, số doanh nghiệp nước tiếp tục tăng, vào cao điểm năm 1986 có đến hơn 12 ngàn doanh nghiệp. Nhưng xu hướng này bắt đầu đảo ngược từ đó, do việc giải thể và sáp nhập các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Đến tháng 4/1994 số lượng DNNN đã giảm xuống còn khoảng phân nửa, 6.264. Công cuộc cổ phần hoá bắt đầu từ 1998, diễn tiến chậm chạp, trong những năm đầu giống như là tư nhân hoá trong phạm vi nội bộ. Tuy nhiên, gần đây việc cổ phần hoá và bán đấu giá cổ phần những công ty lớn thành công đã thu hút được đầu tư từ bên ngoài. Trung bình, nhà nước nắm giữ khoảng 46%, người lao động giữ 38% và cổ đông bên ngoài 15%. Đến nay đã có 2.500 DNNN cổ phần hoá. Đồng thời, việc thành lập DNNN mới cũng đã thực sự kết thúc vào năm 2001. Cả hai điều này dẫn đến việc giảm đáng kể số lượng DNNN, và tăng số lượng CTCP. Hiện nay, có khoảng 3.200 DNNN đang hoạt động. Đến cuối năm 2006 sẽ có khoảng 3.500 CTCP có vốn đầu tư của nhà nước, trong đó có 900 doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối. Có ba loại hình DNNN: doanh nghiệp thuộc tổng công ty trực thuộc Văn phòng Chính Phủ, doanh nghiệp trực thuộc bộ chủ quản, và doanh nghiệp trực thuộc chính quyền cấp tỉnh.



Luật Đầu tư Nước ngoài ban hành năm 1986. Vai trò của FDI được nhấn mạnh trong Đại hội Đảng 2001, và từ đó phạm vi cho phép hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài được mở rộng nhanh chóng. Việt Nam đã trở thành nước dẫn đầu nhận FDI trong số các quốc gia đang phát triển. Lượng FDI tích tụ đến năm 2004 khoảng 30 tỉ đô la, chiếm khoảng 10% GDP mỗi năm vào thời kỳ trước khi có cuộc khủng hoảng Đông Á 1997 và những năm gần đây. Các quốc gia châu Á đóng góp phần quan trọng nhất: Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Ngoài châu Á, Pháp, Hà Lan, Anh và Hoa Kỳ là những nước đầu tư quan trọng. Việc các quốc gia châu Á chiếm đa số có thể do họ có khả năng thích ứng với môi trường pháp lý chưa hoàn chỉnh, các giao dịch còn dựa vào lòng tin và uy tín. Tỉ trọng vốn đầu tư theo ngành: dầu khí (100%), lắp rắp ô tô (84%), điện tử (45%), dệt may (41%), hoá chất (38%), thép (32%), xi măng, cao su, nhựa, lương thực và đồ uống (25-30%). Điều đáng chú ý là sự chuyển đổi cơ cấu FDI: tỉ trọng vốn của các công ty liên doanh với nhà nước giảm dần, số lượng công ty liên doanh với tư nhân và công ty 100% vốn nước ngoài tăng nhanh. Từ năm 2000, công ty 100% vốn nước ngoài chiếm đến 90 % tổng số vốn đầu tư và 83% số dự án. Một đặc điểm nữa là qui mô vốn đầu tư trung bình của FDI tương đối nhỏ xét theo tiêu chuẩn quốc tế và chỉ có 80 [3] trong số 500 công ty đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam, so với con số 400 tại Trung Quốc.

Sự chuyển đổi các thành phần kinh tế theo chiều hướng giảm dần DNNN, tăng trưởng khu vực tư nhân và FDI là bước tiến quan trọng, đã mang lại những thành quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là khoảng giữa rất nhiều những doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp qui mô lớn là sự thiếu vắng các doanh nghiệp qui mô vừa. Sự kiện này này cho thấy vẫn còn những rào cản trên con đường phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Từ góc độ năng lực cạnh tranh trước ngưỡng cửa hội nhập đang mở rộng qua việc gia nhập WTO, khu vực tư nhân của Việt Nam không những thiếu vắng doanh nghiệp tầm trung, mà cả các doanh nghiệp qui mô lớn.



3. Các chỉ số phát triển và năng lực cạnh tranh

Các chỉ số kinh tế thường được đánh giá ở cấp doanh nghiệp khi so sánh hiệu quả hoạt động giữa các doanh nghiệp theo loại hình, hay ở phạm vi quốc gia khi đối chiếu với các nền kinh tế trên thế giới. Hiểu rõ thế mạnh và yếu của mỗi khu vực kinh tế, và quốc gia như một tổng thể từ nhiều góc nhìn khác nhau sẽ giúp cho việc hoạch định chính sách hiệu quả hơn trên bước hội nhập và phát triển.

Các nghiên cứu gần đây của Liên hiệp quốc (UNICEF) và TCTK cho thấy khu vực kinh tế tư nhân không những đã tiếp nhận đến khoảng 35% trên tổng số 1.4 đến 1.5 triệu lao động gia nhập thị trường lao động hàng năm, so với DNNN 7%, mà còn đạt hiệu quả cao nhất trong việc tạo việc làm với chi phí thấp nhất, kế đến là doanh nghiệp FDI, DNNN. Xét về hàm lượng vốn đầu tư cho mỗi lao động, chỉ số có tác dụng làm tăng sản lượng trên mỗi lao động, vốn đầu tư hàng năm của Việt Nam không ngừng gia tăng, hiện khoảng 38% GDP, nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ đầu tư cao nhất thế giới. Điều đáng khích lệ là tỉ phần vốn đầu tư nhân khu vực tư tiếp tục tăng nhanh, hiện chiếm đến một phần ba tổng số vốn huy động.

Phân tích về hiệu quả sử dụng vốn (năng suất tổng hợp), doanh nghiệp FDI đạt năng suất cao nhất. Hiệu quả DNNN và tư nhân thấp hơn, song vẫn còn cao hơn so với tiêu chuẩn quốc tế. Điểm đáng lưu ý là các DNNN hoạt động hiệu quả hơn sau khi cổ phần hoá. Ước tính năng suất trên phạm vi quốc gia, Việt Nam đạt tỉ số tương đối cao 2-3%, so với con số trung bình từ 1 đến 4% tại nhiều nước khác. Không bao gồm giai đoạn khủng hoảng Đông Á năm 1997, tỉ số năng suất Việt Nam đạt được còn cao hơn, đến 4% vào năm 1990 và 6% thời điểm hiện tại, một con số khó tin nhưng đã được kiểm chứng từ nhiều nguồn số liệu độc lập.



Theo kết quả của cuộc điều tra Chỉ số Năng lực Cạnh Tranh do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (UNCTAD) sử dụng các chỉ số như mức độ mở cửa, chính phủ, tài chính, cơ sở hạ tầng, quản lý, lao động và thể chế, thứ hạng của Việt Nam đã được cải thiện dần, từ 90 trên tổng số 100 quốc gia năm 2000 lên 70/100 vào năm 2005. Trong bảng xếp hạng Hoạt động Kinh doanh do công ty Tài chánh Quốc tế (IFC) và WB xem xét 10 vấn đề như bảo vệ đầu tư, tín dụng, giấy phép, thuế, hợp đồng và tuyển dụng lao động, vị trí của Việt Nam dao động quanh nhóm 70 trên 100 quốc gia. Chỉ số Tiềm năng FDI của tổ chức Liên hiệp quốc UNCTAD phản ảnh độ hấp dẫn đầu tư, sử dụng 12 nhân tố như tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ trọng xuất khẩu so với GDP, mật độ sử dụng điện thoại, tỷ lệ sinh viên đại học trên dân số, luồng vốn FDI, xuất khẩu tài nguyên, đã đánh giá Việt Nam khá cao, hạng thứ 68 trong tổng số 140 quốc gia.

Trong khi cả ba phướng pháp xếp hạng trên nhấn mạnh đến môi trường qui chế và những nhân tố tiềm năng, thì các nhà đầu tư chú trọng hơn về môi trường thực tiễn. Ví dụ, trong khi các học giả nhấn mạnh đến hệ thống pháp lý yếu kém về quyền sở hữu đất đai và các hợp đồng giao dịch như là những trở ngại chính đối với kinh doanh thì các nhà đầu tư tại các nước đang phát triển đã quen thuộc với các hoạt động không chính thức, dựa trên cơ sở lòng tin và uy tín. Từ góc nhìn này, khi xếp hạng tỉ trọng luồng vốn FDI trên GDP của những nền kinh tế có GDP hơn 10 tỷ đô la của các cuộc điều tra của UNCTAD (2005) và JBIC (2004), Việt Nam đã được vị trí cao hơn, hạng thứ 25 trong tổng số 88 quốc gia. Việt Nam thậm chí còn được đánh giá cao hơn nữa trong con mắt các nhà đầu tư Nhật Bản; cuộc cuộc điều tra năm 2004 đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ tư trên toàn thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ khi được hỏi về các quốc gia có nhiều triển vọng đối với các hoạt động kinh doanh trung hạn.

Một cách đánh giá năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam khác là xem xét kết quả hoạt động kinh tế của Việt Nam trên thị trường thế giới. Những cải cách về mậu dịch quốc tế năm 1991 và năm 1993 đã cho phép doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu. Hàng rào quan thuế và hạn ngạch nhập khẩu tiếp tục được tháo gỡ đáng kể khi Việt Nam gia nhập Khu vực Tự do Thương mại ASEAN (AFTA) năm 1995, Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ năm 2001 và qua các nghị định ban hành năm 2004. Kết quả, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được mức độ mở cửa khá cao với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay đạt trên 130% GDP và xuất khẩu đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm 18% tính từ năm 2000. Nguồn nhập khẩu chính của Việt Nam là các quốc gia đang phát triển, trong khi đó các nước công nghiệp Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản chiếm hơn một nửa xuất khẩu của Việt Nam. Mô hình thương mại của Việt Nam có phần giống Trung Quốc, và về mặt nào đó, Việt Nam cũng đang trở thành một trong các công xưởng của thế giới. Điều đáng quan ngại là khu vực tư nhân phần lớn vẫn còn hướng nội, hiện chỉ có 9% doanh thu trực tiếp từ xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa liên kết tốt với các nhà sản xuất trong nước trong việc cung ứng nguyên liệu và linh kiện cho sản xuất. Tăng cao tỉ phần đầu vào cho sản phẩm xuất khẩu không những đẩy mạnh sản xuất trong nước mà còn giảm được kim ngạch nhập khẩu.

Nghiên cứu Đánh giá Môi trường Chính sách và Thế chế Quốc gia (CPIA) của WB có thể xem là phương thức đáng tin cậy nhất, được sử dụng như công cụ để quyết định ngân sách hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển. CPIA tổng hợp 16 chỉ số trên bốn lãnh vực chính: quản lý kinh tế vĩ mô, cải cách cơ cấu, hoà nhập và công bằng xã hội, và quản lý và thể chế khu vực công.

Mô hình 3.6 xếp hạng và so sánh Việt Nam với các nước Đông Á: chỉ số được đánh giá từ 1 - điểm thấp nhất vòng trong cùng, và 5 - điểm cao nhất vòng ngoài cùng. Nhìn chung, Việt Nam được đánh giá khá cao so với các nước khu vực Đông Á; các điểm mạnh chính là quản lý kinh tế vĩ mô, chính sách tài khoá, tài chính công, bình đẳng giới tính và nguồn nhân lực. Các điểm yếu: về cơ cấu như chính sách thương mại, khu vực tài chánh và môi trường điều tiết kinh doanh; lĩnh vực thể chế gồm huy động thu ngân sách, minh bạch, trách nhiệm giải trình tham nhũng.



Về xếp hạng tổng thể CPIA năm 2004 trên 135 quốc đang phát triển và có nền kinh tế chuyển đổi, Việt Nam là 1 trong số 13 quốc gia đạt 3.7 điểm, vị trí cao hơn 73 nước và thấp hơn 48 nước khác. Khi thu nhỏ trong 81 quốc gia có lợi tức thấp trong nhóm, chỉ có 13 nước có điểm cao hơn 3.7.




4. Môi trường đầu tư - Đặc điểm và những hạn chế ràng buộc

Những hạn chế đối với sự phát triển và hoạt động doanh nghiệp được xếp hạng dựa trên sự đánh giá của các doanh nghiệp qua các cuộc điều tra. Hiểu rõ các đặc điểm và những mặt hạn chế của môi trường đầu tư là cơ sở để phác hoạ các chính sách cải cách và đường hướng phát triển lâu dài trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Tiếp cận nguồn vốn

Tiếp cận nguồn vốn là hạn chế hàng đầu trong bốn trở ngại chính. Tuy vẫn chưa bắt kịp các lân bang như Trung Quốc, Thái Lan và Malysia, nhưng độ sâu tài chánh của Việt Nam được cải thiện nhanh với khoảng 25 triệu tài khoản tiết kiệm, huy động tiền gửi tín dụng tăng trung bình 25% một năm, và tỷ lệ tín dụng trong nước trên GDP vẫn ở mức an toàn. Các cuộc điều tra cho thấy việc cho vay vốn đã được thực hiện rộng rãi đối với hộ nông dân và những doanh nghiệp nhỏ, ngay cả ở những vùng sâu và xa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn trong nước gặp khó khăn tiếp cận vốn, do cơ sở cứu xét cho vay lệ thuộc quá đáng vào tài sản thế chấp, trong khi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì lại rất nhiêu khê và mất thời gian. Vấn đề nghiêm trọng thứ hai là sự tồn tại những khoản nợ xấu khổng lồ. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là hoạt hoạt động tín dụng thiếu hiệu quả của bốn Ngân hàng Thương Mại Việt Nam (NHTMVN) lớn, chiếm đến 70% tổng giá trị tín dụng và 70% tổng tài tản trong hệ thống ngân hàng, không tuân thủ định hướng lợi nhuận vì bị chi phối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) và các cấp chính quyền địa phương, và cơ chế giải quyết các khoản nợ xấu hoạt động kém hữu hiệu. Quyết nghị 493 ban hành tháng 4/2005 đã có những cải cách triệt để hơn như việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế vào việc định lượng nợ xấu, lập quỹ dự phòng bảo hiểm nợ khó đòi, và tăng vốn NHTMNN lên 8% theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng thực hiện hai biện pháp sau này cần khoản vốn đến 8% GDP, và giải pháp phù hợp nhất là phát hành trái phiếu sẽ dẫn đến việc tăng tổng giá trị nợ của Việt Nam. Theo nghiên cứu của WB và IMF, trong giả định ở mức phát triển hiện nay, khoản nợ quốc gia sẽ tăng từ 42,2% GDP hiện nay lên 48,7% năm 2010. Trên thực tế, vì phần đáng kể trong khoản nợ là các khoản vay ưu đãi, nghĩa là giá trị hiện tại thực (net present value) của nghĩa vụ nợ dài hạn phải trả ít hơn đáng kể so với hiện giá (face value), thì gánh nặng cải cách có thể làm tăng nợ ccủa nhà nước thực sự là từ 28% GDP hiện nay lên 35,2% năm 2010, một con số khá cao, nhưng vẫn có thể kiểm soát được.

Các ngân hàng liên doanh chiếm khoảng 15% tổng tín dụng, kết quả hoạt gần đây đã khả quan hơn, thể hiện qua việc mua bán cổ phiếu của các ngân hàng này trở nên sôi động. Các ngân hàng có vốn nước ngoài hiện chỉ chiếm 10% giá trị tín dụng, trước đây họ chỉ được phép thành lập ngân hàng liên doanh, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện, nhưng gần đây đã được cho phép góp vốn hoặc mua cổ phiếu các ngân hàng tín dụng như ngân hàng ANZ và Standard Chartered đã mua cổ phiếu của hai ngân hàng trong nước là Sacobank và ACB. Sự lớn mạnh của các ngân nước ngoài sẽ là thử thách cho các NHTMNN, như cuộc điều tra đã cho thấy là khách hàng sẽ sẵn sàng chuyển sang các ngân hàng nước ngoài vì các lý do thủ tục đơn giản và tính chuyên nghiệp.

Bên cạnh thị trường tín dụng, thị trường vốn (chứng khoán) chính thức đã khởi đầu hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2000 và Hà Nội 2005 vẫn còn nhỏ, chưa đủ khả năng cung cấp những nguồn vốn lớn cho các dự án mới. Nhưng sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán không chính thức qua giao dịch các chứng khoán (cổ phiếu) không niêm yết cho thấy thị trường vốn có khả năng phát triển khi có các qui định điều tiết phù hợp. Các biện pháp ban hành gần đây nhằm đẩy mạnh thị truờng chứng khoán chính thức bao gồm việc chỉ thị các DNNN được cổ phần hoá nhanh chóng yết danh cổ phiếu, tăng tỉ phần cổ phiếu nước ngoài được phép giữ từ 30% lên 49%; và hỗ trợ thành lập quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài. Thị trường chứng khoán không chính thức hoạt động rất sôi nổi trong khi thị trường chính thức lại phát triễn chậm chạp cho thấy nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không tham gia thị trường chính thức để né tránh công khai hoá hoạt động kinh doanh vì lý do thuế; điều này chỉ có thể giải quyết được qua việc nâng cao tiêu chuẩn minh bạch doanh nghiệp nói chung. Sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp có uy tín cao đối với công chúng rất cần thiết để làm tăng gia sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán chính thức.

Tiếp cận đất đai

Tiếp vận đất đai là khó khăn được xếp hàng thứ hai mà các doanh nghiệp đang đối đầu. Quá trình cấp chủ quyền cho bất động sản diễn ra chậm chạp, đặc biệt là ở thành thị đã gây không ít trở ngại cho hoạt động kinh doanh trong việc thuê mua đất đối với doanh nghiệp FDI, thế chấp để vay vốn đối với doanh nghiệp lớn trong nước, và sự phát triển của thị trường bất động sản. Những biện pháp cải cách năm 2004, 2005 là những bước tiến đáng kể nhằm đơn giản hoá thủ tục và thời gian xin cấp đất, qui trách nhiệm cấp đất cho Sở Tài nguyên Môi truờng là đầu mối duy nhất, và mở rộng các cơ chế thuê mua đất đối với các doanh nghiệp. Nhưng việc tách riêng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất, được đảm trách bởi hai cơ quan khác nhau có khả năng sẽ dẫn đến trình trạng thiếu nhất quán, làm chậm lại tiến trình cấp quyền sử dụng đất ở khu vực đô thị. Tình trạng bong bóng giá đất là vấn đề thứ hai. Giá nhà đất tiếp tục tăng mạnh trong những năm gần đây trong khi giá cho thuê nhà đất giảm và ổn định cho thấy có hiện tượng đầu cơ trong giao dịch đất đai. Tuy nhiên, số lượng giao dịch giảm rõ rệt từ đầu năm 2005 cho thấy thời kỳ bong bóng nhà đất đã qua. Những biện pháp cải cách quan trọng của Luật Đất đai ban hành gần đây là thống nhất giữa giá gốc do nhà nước ấn định và giá chuyển nhượng thực tế, thường là kẽ hở cho tham nhũng; việc đánh thuế 5% trên giá giao dịch đất đai, thuế suất tuy không cao so với tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng không nhỏ nhằm giảm thiểu việc mua đi bán lại trong một thời gian ngắn, tạo ra cơn sốt giá cả; và cấm các đơn vị phát triển nhà cửa bán các lô đất đã được qui hoạch xây dựng nhà trước khi hoàn thiện xây dựng hạ tầng cơ sở và nhà ở. Một vấn nạn nữa là trong khi việc chuyển đổi đất nông nghiệp ở vành đai thành phố diễn ra chậm chạp, không kịp đáp ứng với nhu cầu phát triển, thì các DNNN chiếm dụng đất dư thừa, thường gọi là đất nhàn rỗi, đem cho thuê lại để kinh doanh. Luật Đất đai mới yêu cầu các DNNN trả lại đất nhàn rỗi, nhưng thực hiện chỉ thị này trên thực tế gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi hành động quyết liệt của chính quyền địa phương như Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện.

Việc thực thi các biện pháp ban hành năm 1993 và 2003 thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa để giải quyết trình trạnh đất nông nghiệp bị phân chia manh mún theo chính sách trước đây đã diễn ra chậm chạp và vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những rào cản hành chính đối với việc cho phép nông dân chuyển sang trồng trọt các loại cây sinh lợi nhiều hơn là nguyên nhân khác hạn chế hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Các cải cách nhằm tái cơ cấu và quản lý đất rừng bao gồm việc tách rời hoạt động kinh tế và quản lý rừng và đặt dưới sự quản lý của hai cơ quan độc lập, giải thể và cải tiến các lâm trường vốn thường mang tiếng quản lý kém hiệu quả. Việc chuyển giao đất rừng cho cộng đồng địa phương quản lý có thể mang lợi ích cho hàng triệu gia đình và thừa nhận truyền thống quản lý đất đai lâu đời của người dân tộc, một vấn đề gai góc chính phủ đang đối đầu. Hiện nay, trên cả nước đã có khoảng 2.5 triệu héc-ta đất rừng đang đuợc cộng đồng quản lý.

Vấn đề sau cùng không kém phức tạp và gay go là việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất công nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp. Cuối năm 2004, đã có 192 khu công nghiệp trên 13 tỉnh, chiếm 30 ngàn héc-ta. Trong một số trường hợp, sự phản đối của các hộ dân dẫn đến sự bất ổn xã hội và trì hoãn quá trình giải phóng mặt bằng một cách đáng kể. Các cuộc điều tra cho thấy nguyên nhân gây ra tranh chấp thường vì đất thu hồi thiếu giấy tờ hợp pháp, giá bồi thường không thoả đáng, sự chậm trễ trong việc giải quyết tái định cư, và tình trạng tham nhũng ăn chặn, lợi dụng sự chênh lệch giữa giá chính thức và giá bán đất thực tế. Kể từ 2004, Luật qui định uỷ ban nhân dân các tỉnh phải quy hoạch các vùng tái định cư, nhưng việc thực hiện vẫn còn rất hạn chế. Từ năm 2005, một biện pháp mới nhằm khuyến khích đầu tư, theo đó các nhà đầu tư chỉ phải trả tiền thuê đất, chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng và các chi phí liên hệ.

© 2006 talawas



[1]“Vào WTO: Đừng để Việt Nam thành Mexico thứ hai!”
http://www.fetp.edu.vn/global/inthenews_show.asp?RelID=48
[2]Bản tiếng Anh: “VietNam Development Report 2006”, bản tiếng Việt: “Báo cáo Phát triển Việt Nam 2006
[3]Theo Bộ KH-ĐT, cho tới nay đã có 106 tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam -
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=138929&ChannelID=11