trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.7.2006
Milovan Djilas
Nói chuyện với Stalin
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
3.

Tất cả những đảng viên đối lập với Stalin, dù ít dù nhiều, đều hoạt động một cách thiếu thực tế. Trotsky thì bị ám ảnh bởi cuộc cách mạng, mà nhất định phải là cách mạng thế giới mới nghe. Bukharin thì chỉ nghĩ đến kinh tế, cơ sở của tất cả mọi thứ trên thế gian này. Họ nuối tiếc “tình đồng chí” của một thời quá vãng và tiếp tục thiết kế tương lai “lí tưởng”. Trong khi đó, Stalin, đi theo Lenin, dần dần hiểu ra rằng nếu không thay đổi ý nghĩa và vai trò của Đảng thì sẽ không thể nào bảo vệ được chế độ mới. Trong giai đoạn cách mạng, Đảng giữ thế thượng phong so với chính quyền. Sự thay đổi đã diễn ra theo đúng lí luận của Lenin, nhà nước là công cụ đàn áp của giai cấp này đối với giai cấp khác, bây giờ, chính quyền, nghĩa là cảnh sát mật và các cơ quan của nó, đã giành được thế thượng phong.

Tất nhiên, mọi sự đều diễn ra một cách chậm chạp, bề ngoài “Đảng vẫn giữ vai trò chủ đạo”, nghĩa là diễn ra dưới những khẩu hiệu và nhận thức tư tưởng cũ. Nếu ta nhớ rằng chính quyền bao giờ cũng mang trong mình nó đặc quyền đặc lợi và “vai trò trong lịch sử” thì ra sẽ thấy rằng ngay từ khi Đảng vừa giành được chính quyền đã xuất hiện những kẻ tham quyền cố vị: không phải Stalin phát minh ra bộ máy quan liêu Đảng trị mà chính bộ máy này đã phát hiện ra ông, người có đủ bản lĩnh để làm lãnh tụ cho nó.

Chính vì hiểu rõ được thực tế lúc đó và triển vọng phát triển của tình hình nên Stalin đã gây được bất ngờ và đánh bại các đối thủ. Lòng trung thành của họ đối với Đảng đã trở thành sở đoản, còn đối với Stalin lại là phương tiện chủ yếu: “việc giải giáp hoàn toàn vũ khí” trước Đảng phải được khẳng định bằng những lời thú nhận tội lỗi kinh tởm nhất như phản bội, phá hoại, giết người. Hiện nay, người ta đã biết rằng các huấn luyện viên Liên Xô tại các phiên toà xét xử Slansky ở Tiệp Khắc và Rajk ở Hungaria, và có thể cả những vụ khác, đã chia sẻ kinh nghiệm cho đàn em ở các nước Đông Âu cả “kinh nghiệm tư tưởng” này. Tất nhiên, không thể làm việc này mà không có các phòng tra tấn và những tên đao phủ, giống như các phiên toà thời trung cổ xét xử những kẻ ngoại đạo và phù thuỷ, chỉ có phương tiện và lí do là mới mà thôi.

Stalin không tiêu diệt Đảng; ông ta chỉ cải tạo nó, “làm trong sạch nó” và biến nó thành công cụ của những điều kiện thực tiễn. Giống như viên đại pháp quan trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov, Stalin hiểu rằng muốn cứu thể chế, cứu chế độ Xô viết và các tổ chức cộng sản thì phải giết Chúa, nghĩa là giết tình đồng chí và làm cho Đảng không còn là tổ chức của những người bình đẳng, bình quyền nữa. Không chỉ bộ máy chính trị quan liêu mà hầu hết những người cộng sản toàn thế giới đã ngoan ngoãn đi theo ông ta vì hoàn cảnh đã buộc họ phải gắn kết sự tồn tại của mình với nhà nước Liên Xô, đồng nhất mình với nhà nước đó… Làm sao có thể giải thích khác được khi ta thấy những đầu óc thông tuệ như Toliatty hay những nhân vật anh hùng như Dimitrov không những “không nhận ra” sự lừa dối vụng về của Stalin mà còn nghiêng mình trước những vụ đàn áp tàn bạo của ông ta?

Các “chiến công” không chỉ nâng cao uy tín của Stalin mà chính ông ta cũng đã say men của nó: quyền lực, tư tưởng và Stalin đã hoà làm một… Dường như tinh thần tuyệt đối của Hegel, khi biến thành hiện thực, đã tìm được hai khuôn mặt của chính mình: duy vật - thần bí ở Stalin và thần bí - trực giác ở Hitler.


4.

Ngay sau khi Lenin mất được ba tháng, Stalin đã đưa ra tác phẩm viết về “chủ nghĩa Lenin” (trong bài giảng “Về những nguyên lí của chủ nghĩa Lenin” vào tháng 4 năm 1924). Đây là sự thô thiển hoá nhưng đồng thời cũng là sự xác lập một giáo điều, giống như Engels đã hệ thống hoá một cách giáo điều tư tưởng của Marx trong tác phẩm Chống Dühring. Dĩ nhiên là Stalin làm việc đó một cách vội vã hay vô tình. Từ lâu, ông ta đã hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa Lenin và biến nó thành ngọn cờ của mình. Các quan điểm và hành động của ông đã giữ thế thượng phong ở Liên Xô và các phong trào cộng sản quốc tế. Đối với ông ta, một loạt chiến thắng vừa giành được chính là điều “khẳng định” tính ưu việt của các phương châm “của chúng ta”, thực ra là của chính ông.

Tôi nghĩ rằng chính vì thế mà trong mắt ông ta, học thuyết của Marx đã mất dần ý nghĩa, mặc dù ông vẫn trung thành với bản chất của nó, nghĩa là vẫn trung thành với chủ nghĩa duy vật, như là “cơ sở” để nghiên cứu thế giới và xây dựng xã hội lí tưởng, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Những cơn thịnh nộ bất ngờ và tàn bạo đối với địch thủ không làm cho ông mất khả năng nghiên cứu một vấn đề hay nghiên cứu đối thủ một cách thận trọng và tỉnh táo, trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Ông đã tiếp cận với các hệ tư tưởng cũng theo cách như thế: có thể ông đã nhận ra những khiếm khuyết của Marx và Engels ngay từ khi trình bày “chủ nghĩa Lenin”, nghĩa là ngay sau khi Lenin mất. Cuộc chiến tranh chống phát xít có thể là giai đoạn bước ngoặt: cuộc tấn công của dân tộc đã sinh ra Marx và Engels vào đất nước duy nhất mà tư tưởng của họ đã giành được thắng lợi hoàn toàn chắc chắn phải làm Stalin choáng váng.

Stalin đã làm cho hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế phụ thuộc vào Đảng cộng sản Liên Xô. Chiến tranh và kết quả của nó dường như càng khẳng định một điều rằng chính quyền cộng sản chỉ có thể tồn tại ở những vùng ảnh hưởng của nhà nước Liên Xô mà thôi. Ông đã tạo ra bộ máy quan liêu chính trị và khuyến khích chủ nghĩa dân tộc Nga và cho rằng chỉ có làm như thế mới có thể bảo tồn được cuộc cách mạng Nga và chủ nghĩa cộng sản. Ông bắt đầu phủ nhận ý nghĩa của học thuyết của von Clausewitz, một lí thuyết gia quân sự nổi tiếng, ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc, mặc dù Lenin đánh giá rất cao ông này. Stalin làm như thế không phải vì đã có một lí thuyết gia tốt hơn mà chỉ vì von Clausewitz là người Đức, đại diện của một dân tộc mà quân đội của họ vừa bị Hồng quân đánh tan trong một cuộc chiến tranh có thể là vĩ đại nhất trong lịch sử của nước Nga.

Dĩ nhiên là Stalin không bao giờ phát biểu công khai thái độ của mình về Marx và Engels. Điều đó sẽ làm cho những kẻ trung thành hoang mang, sự nghiệp và quyền lực của ông có thể bị đe doạ. Ông nhận thức rõ rằng ông đã chiến thắng vì ông là người phát triển một cách kiên định nhất các hình thức tổ chức, có thể kết hợp lí luận và hành động, nhận thức với thực tiễn.

Stalin chẳng hề bận tâm liệu ông ta có xuyên tạc một nguyên lí nào đó của chủ nghĩa Marx hay không. Chẳng phải chính những nhà mác-xít vĩ đại, mà trước hết là Lenin, từng nhấn mạnh rằng chủ nghĩa Marx là “kim chỉ nam cho hành động” chứ không phải là một tập hợp các giáo lí và thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí đấy ư?

Nhưng vấn đề ở đây vừa rộng, vừa phức tạp hơn nhiều. Mọi chế độ, đặc biệt là chế độ chuyên chế, đều cố gắng đạt đến tình trạng ổn định. Học thuyết mác-xít, vốn đã mang tính giáo điều, không thể không đông cứng trong tình trạng giáo điều một khi nó được tuyên xưng là hệ tư tưởng chính thống, hệ tư tưởng của quốc gia và và của toàn xã hội. Vì nhà nước và tầng lớp cầm quyền sẽ tan rã nếu họ thay đổi diện mạo mỗi ngày, chưa nói đến thay đổi lí tưởng. Họ phải sống, trong khi tranh đấu và lao động, họ phải thích nghi với hoàn cảnh cả trong nước và quốc tế đang thay đổi từng ngày. Điều đó buộc các lãnh tụ phải “xa rời” lí tưởng, nhưng phải làm sao vẫn giữ được, và nếu có điều kiện thì thổi phồng thêm vai trò của mình trước mắt các đồ đệ và toàn thể nhân dân. Tính hoàn chỉnh, nghĩa là “tính khoa học” của chủ nghĩa Marx, việc bế quan toả cảng của xã hội và tính toàn triệt của chính quyền đã buộc Stalin phải tiêu diệt một cách không khoan nhượng tất cả những kẻ dị giáo về tư tưởng bằng những biện pháp dã man nhất, còn cuộc sống đã buộc ông ta phải “phản bội”, tức là thay đổi những nguyên lí “thiêng liêng” nhất của hệ tư tưởng. Stalin luôn luôn bảo vệ hệ tư tưởng với tinh thần cảnh giác cao, nhưng đấy chỉ là phương tiện của quyền lực, phương tiện củng cố nước Nga và uy tín của mình mà thôi. Dĩ nhiên là vì vậy mà các viên chức quan liêu, những kẻ tự coi họ là nước Nga và nhân dân Nga, đến tận hôm nay, vẫn còn tiếp tục bài ca muôn thuở rằng mặc dù có những “sai lầm” nhưng Stalin đã “có nhiều công trạng đối với nước Nga”. Cũng dễ hiểu là dưới thời Stalin, dối trá và bạo lực đã được đưa vào hàng những nguyên lí cao cả nhất… Có thể chính Stalin cũng cho rằng dối trá và bạo lực chính là sự phủ định mang tính biện chứng, nhờ đó, nước Nga và toàn thể loài người cuối cùng sẽ đi đến chân lí tuyệt đối, hạnh phúc tuyệt đối?

Stalin đã đưa tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản đến những giới hạn cuối cùng, từ đây, tư tưởng ấy và xã hội “của nó” bắt đầu quá trình thoái hoá. Ông ta còn chưa kịp tiêu diệt hết những kẻ thù trong nước để có thể tuyên bố rằng đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, chiến tranh còn chưa chấm dứt thì ở Liên Xô, cũng như trong phong trào cộng sản quốc tế, đã bắt đầu xuất hiện những trào lưu mới. Dù sao chăng nữa, khi Stalin nói đến ý nghĩa quyết định của “tư tưởng”, thì ông cũng nói như các nhà chính trị khác: nếu tư tưởng của chúng ta phản ánh được xu hướng vận động của xã hội, nếu chúng ta có thể dùng nó để tuyên truyền sao cho quần chúng biết tự tổ chức một cách phù hợp thì nghĩa là chúng ta đã đi đúng hướng và sẽ chiến thắng.

Stalin có một trí tuệ mẫn tiệp và kiên định hiếm có. Tôi vẫn nhớ là người ta không thể nào nói gì hoặc ngụ ý điều gì trước mặt ông mà ông không nhận ra ngay lập tức. Nếu nhớ thêm rằng ông đã gán cho tư tưởng ý nghĩa như thế nào, mặc dù đối với ông đấy chỉ là phương tiện, thì ta có thể rút ra kết luận rằng chính ông đã nhìn thấy sự bất toàn của chế độ xã hội được xây dựng dưới thời ông. Hiện nay, đã có thể tìm thấy nhiều bằng chứng như thế, đặc biệt là trong các tác phẩm của Svetlana, con gái của ông. Thí dụ, cô viết rằng khi biết người ta đã thành lập ở thành phố Kuibưshev một trường học đặc biệt dành riêng cho con em các cán bộ Đảng sơ tán từ Moskva tới, ông đã kêu lên:

“Ối, chà chà!.. Ối, chà chà, thật là một đẳng cấp thối tha!” [1] .

Chính Trotsky, kẻ thù không đội trời chung với Stalin, cũng khẳng định rằng tại Liên Xô, dưới thời Stalin, đã hình thành đẳng cấp quan liêu. Những cuộc thanh trừng khủng khiếp, hàng triệu người bị bắn, bị giết chỉ khoét sâu thêm sự bất công và đòi hỏi những cuộc đàn áp, những vụ hành hạ và thanh toán mới. Những cuộc thanh trừng và trái tim sắt đá của Stalin đã phá tan chính gia đình ông ta. Cuối cùng, xung quanh ông ta, chỉ còn lại nỗi sợ hãi và sự hoang vắng lạnh lùng: trước khi chết, ông ta đã dán lên các bức tường căn buồng của mình ảnh những đứa trẻ được cắt ra từ những tạp chí, còn cháu ruột mình thì ông ta không thèm nhìn nhận… Đây có thể là một bài học quan trọng cho những kẻ đầu óc giáo điều, những kẻ đặt “tất yếu của lịch sử” lên trên cuộc sống của con người, lên trên khát vọng của con người. Vì vậy, Stalin là một trong những người chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử nhưng trên thực tế, lại là một cá nhân đã thua một trong những trận chiến tàn khốc nhất. Sau ông ta, không còn một giá trị vĩnh hằng, hiển nhiên nào có thể tồn tại được nữa. Chiến thắng của ông ta đã biến thành sự thất bại, cả trên bình diện cá nhân lẫn bình diện tư tưởng.

Stalin là người như thế nào? Tại sao lại có thể diễn ra những việc như thế?

Ở Stalin ta có thể tìm thấy những nét tính cách của tất cả những hôn quân bạo chúa trước ông như Neron, Caligula cho đến Ivan Bạo chúa, Robespierre và Hitler. Nhưng cũng như tất cả những người kia, Stalin là hiện tượng mới và độc đáo. Ông ta là người lão luyện nhất và cũng thành công nhất. Và mặc dù sự bạo ngược của ông ta mang tính toàn diện nhất và phản phúc nhất nhưng tôi cho rằng coi ông ta là một kẻ bạo ngược hoặc một tên tội phạm chẳng những là một sự đơn giản hoá mà còn là một sai lầm. Trong cuốn tiểu sử Stalin, Trotsky kể ông ta thích quan sát cảnh giết súc vật, còn Khrushchev thì nói rằng “những năm cuối đời, ông ta bị ám ảnh bởi cảm giác bị săn đuổi’’. Tôi không nắm được các dữ kiện để có thể khẳng định hay bác bỏ những thông tin trên. Căn cứ vào những điều đã biết, có thể nói, Stalin thích thú với việc ra lệnh tử hình những người chống đối mình. Tôi còn nhớ như in những biểu hiện bất ngờ xuất hiện trên nét mặt Stalin trong buổi thảo luận của đoàn đại biểu Bulgaria và Nam Tư với Stalin và các cộng sự của ông ta ngày 10 tháng 2 năm 1948 ở Điện Kremli: đấy là một sự khoái cảm lạnh lùng và đen tối khi nhìn thấy các nạn nhân mà số phận đã bị định đoạt rồi. Tôi cũng đã từng thấy những biểu hiện như thế ở những nhà chính trị khác vào lúc họ đã “bẻ gãy kiếm” của những người đồng chí và chiến hữu “lầm lạc”. Nhưng tất cả những điều đó, dù chúng có phù hợp với thực tế, cũng chưa đủ để nói rằng Stalin là một hiện tượng đặc biệt. Các tài liệu rất đáng ngờ do tờ Life công bố mấy năm trước, cho rằng Stalin là chỉ điểm của cảnh sát Sa hoàng, cũng như lời khẳng định của một nhà sử học Mĩ rằng Stalin đã không tiết lộ danh tính của chính mình, báo cho cảnh sát Sa hoàng tên tuổi những đảng viên melshevik hoặc những nhà hoạt động chính trị không phải bolshevik khác khiến cho những nhân vật này bắt giam.,cũng không giúp làm rõ được bản chất con người Stalin.

Stalin là hiện tượng cực kì phức tạp, có quan hệ không chỉ với phong trào cộng sản mà với cả sức mạnh bên trong và bên ngoài của nhà nước Liên Xô lúc đó. Ở đây nảy sinh những vấn đề như quan hệ giữa tư tưởng và con người, quan hệ giữa lãnh tụ và phong trào, vai trò của bạo lực trong xã hội, ý nghĩa của những huyền thoại trong đời sống con người, điều kiện để con người và các dân tộc xích gần lại gần nhau. Stalin đã thuộc về quá khứ, còn việc thảo luận về những vấn đề nêu trên chỉ mới bắt đầu trong thời gian gần đây mà thôi.

Xin nói thêm, theo tôi, Stalin là một người năng động, hăng say, bồng bột nhưng cũng rất có tổ chức và tự kiềm chế. Nếu không thế, liệu ông có thể chỉ huy một nhà nước hiện đại to lớn đến như thế và có thể lãnh đạo những chiến dịch phức tạp và khủng khiếp như thế hay không?

Vì vậy, tôi nghĩ rằng những khái niệm như tên tội phạm, thằng điên và những điều tương tự khác chỉ là những khái niệm hão huyền và có ít ý nghĩa khi tranh luận về một chính khách nào đó. Cũng cần tránh sai lầm sau: trong đời sống thực tế, không thể có một nền chính trị hoàn toàn thoát khỏi được cái gọi là những dục vọng và động cơ thấp hèn. Chính trị là toàn bộ các hoài bão của con người, nó cũng không thể thoát khỏi được những phần tử tội phạm và điên rồ. Vì vậy, thật khó, nếu không nói là không thể, xác định được ranh giới giữa tội ác và bạo lực chính trị. Mỗi khi xuất hiện một hôn quân bạo chúa mới là các nhà tư tưởng lại buộc phải tiến hành những cuộc nghiên cứu, phân tích và rút ra những khái quát mới.

Nhưng nếu ta nhận rằng ranh giới này nằm giữa lí trí và tình cảm, giữa chủ quan và tất yếu thì Stalin là một trong những kẻ cưỡng bức lịch sử tàn bạo nhất, ngay cả khi ta không coi ông ta là một kẻ tội đồ và một người điên. Vì ngay cả khi cho rằng, thí dụ, tập thể hoá là cần thiết trong những điều kiện nào đó, thì rõ ràng là vẫn có thể thực hiện việc ấy mà không cần giết nhiều “địa chủ” đến như vậy. Thế mà hiện nay, vẫn có những kẻ giáo điều phản đối rằng: Stalin say sưa với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc Trotsky kết án ông ta là cơ hội chủ nghĩa đã có ảnh hưởng, đất nước bị đe doạ bởi hoạ phát xít xâm lăng và chúng có thể được “kẻ thù giai cấp” ủng hộ. Nhưng họ sẽ nói gì về những phiên toà bịa đặt và những vụ thanh trừng đẫm máu chống lại phong trào “đối lập” trong đảng, một phong trào không hề đe doạ gì sự tồn vong của chế độ ? Ngược lại, sự yếu đuối và tình trạng lúng túng của phong trào này lại có nguồn gốc từ chính sự trung thành một cách giáo điều đối với hệ tư tưởng của chế độ và với chính chế độ đó.

Sự đàn áp của Stalin không chỉ giới hạn trong các cuộc thanh trừng, nhưng thanh trừng là đặc điểm cơ bản của nó. Tất cả những người đối lập trong đảng đều ủng hộ, tuy mức độ có khác nhau, việc đàn áp “địa chủ” và những “kẻ thù giai cấp” khác. Tất cả bọn họ đều tự tròng lên cổ cái ách của hệ tư tưởng, mục đích của họ và của Stalin là một. Khi lên án Stalin là ông ta không làm một việc gì cụ thể cả thì chính Bukharin lại ảo tưởng rằng ông ta đang nghiên cứu kinh tế học và triết học. Tất cả bọn họ đều thiếu một tầm nhìn, một lí tưởng mới. Tất cả bọn họ đều bị bất ngờ trước các vụ thanh trừng của Stalin. Stalin đã nổi lên nhờ những vụ thanh trừng, nhờ những vụ thanh trừng mà ông ta đã trở thành người như chúng ta đã thấy, ông ta đã đặt nền móng cho sự nghiệp của mình như thế đấy.

Bằng những vụ thanh trừng rộng khắp và dã man trong những năm ba mươi, Stalin đã tạo ra sự đồng nhất giữa tư tưởng và quyền lực của chính mình, đã đồng nhất giữa nhà nước với cá nhân mình. Không thể nào khác được, đấy là kết quả của cái thế giới với những chân lí không thể tranh cãi và niềm tin vào một xã hội hoản hảo phi giai cấp. Mục đích đã biện minh cho phương tiện. Sự nghiệp của Stalin là sự nghiệp phi đạo đức và vì vậy, cũng không thể có nền tảng vững chắc. Đấy chính là bí ẩn của con người ông ta, đấy cũng là giá trị thật của sự nghiệp của ông ta.


*

Con người Stalin

(Phụ lục tác phẩm: Nói chuyện với Stalin)

Tôi đã cố gắng nhớ lại xem có nhân vật lịch sử nào, ngoài Stalin, lại có một đời sống thực tế khác biệt với huyền thoại được dựng lên xung quanh ông ta đến như thế, nhưng vô ích. Vừa nghe ông ta nói những lời đầu tiên là hình ảnh một triết gia nhiệt tình và quả cảm hay một người tốt bụng đến tức cười mà các bức ảnh, các bức chân dung hay các cuốn phim tài liệu dựng lên quanh ông bấy lâu nay lập tức biến mất. Bạn sẽ thấy đấy không phải là nhân vật đã được bộ máy tuyên truyền của ông ta dựng lên bấy lâu nay mà là một người hoàn toàn khác, một Stalin hoạt động giữa đời thường, nóng nảy, thông minh, một người nhận thức được rõ sự vĩ đại của mình nhưng cũng rất giản dị trong đời sống… Stalin tiếp tôi lần đầu tiên vào năm 1941, khi ông vừa khoác lên mình bộ quân phục dành cho nguyên soái, cũng là bộ y phục ông mặc hàng ngày về sau. Tác phong năng động, hoàn toàn không kiểu cách và cứng nhắc theo lối nhà binh đã lập tức biến bộ quân phục ấy thành bộ quần áo mặc hàng ngày. Tương tự như thế, những vấn đề phức tạp nhất đều được Stalin biến thành những đề tài thường nhật, dễ hiểu khi thảo luận…

Khi tiếp xúc trực tiếp, ta bỗng quên ngay rằng đấy là một người kín đáo, nham hiểm, mặc dù, theo ông ta, đấy là những phẩm chất bắt buộc của một nhà chính trị, chính ông không hề che giấu và còn khoe khoang, đôi khi đến độ khôi hài nữa. Thí dụ, trước khi chiến tranh kết thúc, trong khi nhắc nhở những người cộng sản Nam Tư nên tìm cách thoả hiệp với hoàng đế Peter II, Stalin đã nói: “Sau này, khi có đủ lực rồi thì cho hắn ta một nhát dao vào lưng!…”. Những người cộng sản nổi tiếng, kể cả của các đảng ngoại quốc đều biết “thói quen” đó của Stalin, nhưng họ lại tỏ ra khâm phục chứ không lên án vì đây là vấn đề củng cố nhà nước Liên Xô, trung tâm của phong trào cộng sản thế giới.

Sự kín đáo và nham hiểm của Stalin tạo cho người ta cảm giác đây là một người lạnh lùng và khô khan. Nhưng thực ra, ông ta lại là một người rất dễ nổi xung, mặc dù điều đó dĩ nhiên là để phục vụ cho một mục đích đã được xác định nào đó. Stalin thường phản ứng một cách cuồng nhiệt, nhưng tôi nghĩ ông ta sẽ chẳng bao giờ “nộ khí xung thiên” khi không cần thiết.

Stalin có một trí nhớ siêu đẳng: ông nắm rất chắc bản chất của các nhân vật cả trong văn học lẫn trong cuộc đời thực dù đôi khi đã quên hẳn tên thật của họ, ông nhớ rất nhiều sự kiện, không hề lầm lẫn khi bình luận về mặt mạnh và mặt yếu của các chính phủ cũng như các nhà hoạt động nhà nước. Ông thường bám vào các vấn đề tưởng như nhỏ nhặt nhưng sau đó lại hoá ra là những vấn đề quan trọng. Trong thế giới xung quanh ông, cũng như trong nhận thức của ông, không có điều gì là quan trọng cả… Theo nhận xét của tôi thì ông nhớ những việc ác nhiều hơn việc thiện vì có thể trong thâm tâm, ông hiểu rằng chế độ mà ông tạo ra chỉ có thể sống còn trong trạng thái thù nghịch…

Thực ra, kiến thức của ông là do tự học mà có, nhưng ông khác hẳn những người tài năng khác, kể cả về những kiến thức cụ thể. Stalin nắm vững các vấn đề về lịch sử, về văn học cổ điển và dĩ nhiên là các sự kiện đương thời nữa. Không bao giờ thấy ông che giấu hay tỏ xa xấu hổ vì sự ít học của mình. Nếu khi nào đó, ông không nắm được bản chất câu chuyện đang được thảo luận thì bao giờ ông cũng tỏ ra sốt ruột và thận trọng chờ cho đến khi thay đổi đề tài.

Thái độ giáo điều không khoan nhượng của Stalin chính là cách ông ta tạo ấn tượng. Hệ tư tưởng, nghĩa là chủ nghĩa Marx, một hệ thống các quan điểm khép kín, thậm chí có thể coi là hệ thống các qui định, được ông ta coi là nền tảng tinh thần của chính quyền toàn trị; hệ thống các quan điểm đó làm cho quyền lực trở thành công cụ của xã hội phi giai cấp. Tuy tuân theo một cách kiên trì và không khoan nhượng lời văn của học thuyết nhưng Stalin không phải là nô lệ của lí thuyết: hệ tư tưởng là để phục vụ quốc gia và bộ máy quan liêu của đảng, mà đảng và nhà nước là để phục vụ ông ta. Stalin cho phép mình công khai phá bỏ huyền thoại von Clausewitz, người được Lenin coi là một lí thuyết gia quân sự lỗi lạc nhất, còn khi nói chuyện với những người thân cận, (dĩ nhiên là sau khi đã chến thắng nước Đức phát xít) ông ta còn chê bai cả Marx và Engels, cho rằng các vị này quá lệ thuộc vào nền triết học cổ điển duy tâm Đức... Tuy không thú nhận công khai nhưng ông có khả năng cảm nhận được những sai lầm của mình. Thí dụ, ta có thể nghe ông nhắc đến vụ này vụ nọ “ta đã bị lừa” ; trong Lễ kỉ niệm Chiến thắng, ông đã nói đến cả các sai lầm trong thời gian chiến tranh, còn đầu năm 1948, ông từng nhắc lại rằng những người cộng sản Trung Quốc đã đánh giá khả năng của mình chính xác hơn ông.

Khi nói chuyện với Stalin, ấn tượng ban đầu rằng đây là một con người thông tuệ và quả cảm không những không mất đi, mà ngược lại, càng sâu sắc thêm. Thái độ cảnh giác thường trực, đầy vẻ đe doạ của ông ta cũng làm gia tăng cảm tưởng như thế. Trong khi nói chuyện, ông không bỏ qua bất cứ một nhận xét nhỏ nào, ngay cả sự thay đổi ánh mắt của bất kì người tham gia nào cũng được ông chú ý tức thì.

Hiện nay, giới học giả phương Tây cho rằng Stalin có biểu hiện của một kẻ tâm thần, hơn nữa, của một tội phạm. Chỉ dựa vào những buổi gặp gỡ, tôi không thể khẳng định điều đó, nhưng cho phép tôi nhận xét rằng bất cứ một kẻ phá hoại hoặc tạo dựng đế chế nào cũng cực kì năng động nhưng đồng thời cũng dễ dàng rơi vào trạng thái tuyệt vọng khôn cùng. Những cơn giận dữ và những giây phút vui vẻ đổi chỗ cho nhau như những đợt sóng. Quả vậy, một kẻ khi đã tiêu diệt mấy thế hệ các chiến hữu, không tha ngay cả họ mạc của mình, mà vẫn có thể là một người bình thường, một người điềm đạm, không hề ngờ vực thì thật là chuyện lạ... Tôi cho rằng cội nguồn của sự “điên rồ” và “tội lỗi” của Stalin nằm ngay trong hệ tư tưởng và chế độ của ông ta: tư tưởng xây dựng một xã hội bất kì, chưa nói đến một xã hội không còn xung đột, xét cho cùng, chỉ là một huyền thoại thật xa lạ với lí trí bình thường, còn một chế độ dựa trên sự vô luật pháp thì bản thân nó đã là một tội phạm rồi.

Stalin là một người nhỏ bé, đôi tay rất dài, trong khi thân hình lại quá ngắn, chắc chắn ông ta phải cảm thấy đau khổ vì chuyện đó. Chỉ có khuôn mặt ông, một khuôn mặt hiền lành, “nhà quê”, có thể được coi là hấp dẫn, thậm chí đẹp nữa. Đôi mắt sáng quắc, linh lợi, chứng tỏ ông có một trí tuệ rất năng động. Sau khi đã giết hàng triệu người và đưa hàng triệu người khác đến chỗ chết mà miệng còn hô tên mình, Stalin cho rằng cả hai việc đó đều là cần thiết, họ không để lại một dấu ấn nào, mặc dù ông căm thù đến tận xương tủy nhóm thứ nhất và ca tụng hết lời nhóm thứ hai... Bộ máy quan liêu đảng trị, tuy bị chèn ép và giết chóc, vẫn công nhận ông là lãnh tụ của họ. Những khi ở cạnh ông ta, tôi chưa bao giờ, dù chỉ trong giây lát, thấy ông ta có biểu hiện của một niềm vui trong sáng, một niềm hạnh phúc tự nhiên, không vướng bận bời tính ích kỉ: đấy là những tình cảm nằm bên ngoài thế giới của ông ta, ông không cần những tình cảm như thế vì đã tự coi mình là hiện thân của tư tưởng và chế độ rồi...

Khi coi tác phẩm Nói chuyện với Stalin là đã hoàn thành, tôi, cũng như đã từng xảy ra nhiều lần trước đây, đã tự dối mình. Tôi đã từng hi vọng như thế khi viết xong tác phẩm Xã hội không hoàn hảo: từ nay trở đi, ta sẽ không còn bận tâm đến “các vấn đề tư tưởng” nữa.

Nhưng Stalin là một bóng ma đang lang thang trên thế gian và sẽ còn lang thang lâu nữa. Di sản của ông ta đã bị chối bỏ, tuy vẫn còn khá nhiều người coi đấy là cội nguồn sức mạnh của mình. Nhiều người đang bắt chước ông ta. Khrushchev lên án nhưng đồng thời lại thán phục ông ta. Hiện nay các lãnh tụ Liên Xô đã không còn thán phục ông ta nữa nhưng vẫn còn tận hưởng ánh hào quang của ông ta. Và Tito, sau mười lăm năm đoạn tuyệt với Stalin, lại cũng tỏ ra hâm mộ sự sáng suốt của ông ta. Chính tôi cũng đang dằn vặt khi tự hỏi: Stalin là ai? Phải chăng đấy là vì ông ta vẫn đang sống trong tôi?

Stalin là ai? Một nhà hoạt động nhà nước vĩ đại? “Một thiên tài mang bộ mặt quỉ”? Một nạn nhân của giáo lí? Hay một kẻ điên rồ, một tên tội phạm đã nắm được quyền lực? Hệ tư tưởng mác-xít có vai trò gì đối với ông ta, ông ta sử dụng tư tưởng cho mục đích gì? Ông ta nghĩ về mình, về những hoạt động của mình và vai trò của mình trong lịch sử như thế nào?

Đấy chỉ là một vài câu hỏi mà ông buộc ta phải trả lời. Tìm lời giải cho những câu hỏi đó, những câu hỏi liên quan đến số phận của thế giới, nhất là thế giới cộng sản, theo tôi, chính là tìm lời giải cho những vấn đề có ý nghĩa rộng lớn hơn, những vấn đề phi thời gian.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Svetlana Alliluyeva, Hai mươi bức thư gủi bạn (bản tiếng Nga). New York. Harper and Rou. 1967. Trang 157.