trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
13.7.2006
Hà Văn Thuỳ
Tự bạch
 1   2   3   4   5   6 
 
Tôi đến nhà anh Tư Châu thăm anh chị và nắm tình hình. Ðược biết buổi làm việc của đoàn nhà báo với tỉnh rất căng thẳng. Sau khi làm việc với lãnh đạo, đoàn yêu cầu đi gặp gỡ nhiều người có liên quan. Buổi chiều sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, do căng thẳng nên đã hơn 5 giờ, đoàn còn rời Kiên Giang để về Cần Thơ ăn cơm. Ðến khi mở cốp xe lấy đồ, anh em trong đoàn mới biết có mấy can nước mắm do Tỉnh uỷ Kiên Giang biếu.

Nghỉ ở nhà 2 bữa cho lại sức và nắm tình hình, sáng thứ 2 tôi đến trình diện ở Hội Văn nghệ. Nhà văn Anh Ðộng lúc này đã thay Chín Sỹ làm Chủ tịch Hội. Anh Ðộng nói việc tôi đi khỏi tỉnh, nhất là 2 bài báo làm các anh lãnh đạo rất phiền lòng. Nhưng đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại, anh thành khẩn làm kiểm điểm rồi trên cơ sở đó Tỉnh uỷ xem xét. Tôi viết kiểm điểm, đại ý - trong bài “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp” tôi phản ánh những sự việc diễn ra ở Kiên Giang, không hề xuyên tạc hay vu khống nhưng, có thể có những chi tiết chưa thật chính xác. Trong bài viết câu chữ còn vụng và thái độ có khi nóng nảy bực bội có xúc phạm người này người khác, tôi thành thật xin lỗi. Do hốt hoảng dao động, tôi tạm lánh đi thành phố, đó là khuyết điểm. Mấy bữa sau Anh Ðộng gặp lại, đưa bản kiểm điểm trả tôi, nói: "Anh kiểm điểm vầy mấy ảnh không chấp nhận. Như vậy hoá ra anh chẳng có khuyết điểm gì sao? Mấy anh thấy như vầy là không thành khẩn. Yêu cầu anh viết lại."

Tôi hiểu, ý đồ trước sau như một của Tỉnh uỷ Kiên Giang là buộc tôi đầu hàng bằng một bản kiểm điểm nhận rằng trong bài viết của mình tôi đã viết không đúng sự thật, đã xuyên tạc, vu khống, đã xúc phạm người khác. Ý đồ ấy thể hiện trong kết luận của ông Ngô Phấn Khởi tại buổi đối chất: Hà Văn Thuỳ phải kiểm điểm nhận tội nhưng rồi cũng phải có hình thức kỷ luật nào đó! Từ đầu tôi đã không chấp nhận điều giả dối đó bởi phẩm hạnh cao nhất của con người là trung thực. Tôi viết bài báo không phải vì tôi mà vì sự thật, vì những người đã và còn bị đàn áp. Tôi không thể vì lẽ gì mà phản bội lại họ. Có một điều kỳ quái là khi giáo dục thế hệ trẻ như chúng tôi, người ta luôn nêu gương những người cộng sản kiên cường bất khuất. Nhưng rồi ứng xử trong cuộc đời thật, cũng những người ấy lại chỉ muốn chúng tôi quỳ gối! Theo gợi ý của nhà văn Anh Ðộng, tôi viết bản kiểm điểm khác, lời lẽ mềm mỏng hơn nhưng nội dung không thay đổi. Hôm sau đến cơ quan, Anh Ðộng đưa cho tôi tờ Thông báo xoá tên Hà Văn Thuỳ khỏi cơ quan Hội Văn nghệ. Tôi hiểu, trong việc này, cùng với thực thi công vụ do chỉ đạo của bề trên, Anh Ðộng cũng hoàn tất được ý định trả thù của mình. Cũng là chuyện người ta thường tình, Anh Ðộng không thể bỏ qua việc tôi dựng hình tượng nhà văn sọc dưa vằn xanh vằn đỏ trên người. Có một việc cười ra nước mắt là, trước đó, anh báo cho tôi: "Trong danh sách biên chế cơ quan do Chín Sỹ bàn giao lại không có tên anh!" Tôi cười mỉm: hoá ra với họ, tôi không hơn gì một đồ vật tầm thường bị bỏ sót trong cuộc bàn giao giữa hai ông thủ trưởng! Nếu tôi có tài, hẳn sẽ từ chi tiết này dựng được hình tượng kẻ bị bỏ sót, nói lên sự vô luân sự bất nhân của con người! Trước đó, văn phòng cơ quan đưa cho tôi công văn của Hội Văn nghệ do ông Lâm Nghĩa Sĩ ký gửi Thường vụ tỉnh uỷ xin ý kiến giải quyết việc của tôi. Chín Sĩ là người tôn trọng nguyên tắc hành chính. Anh biết rằng tôi thuộc diện quản lý của Thường vụ tỉnh uỷ, nên anh phải xin ý kiến của cơ quan chủ quản:

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập Tự do Hạnh phúc
Rạch Giá, ngày 04 tháng 7 năm 1989
“UBND Tỉnh Kiên Giang
Hội Văn nghệ
Số 144/CV/VHNT

ÐỀ NGHỊ
V/v: xoá tên khỏi danh sách CBCNV (Cán bộ công nhân viên) cơ quan

Kính gởi: Thường vụ Tỉnh uỷ
Thường trực UBND Tỉnh
Ban Tổ chức TƯ và Ban Tổ chức Ủy ban
Sở Lao động và Thương binh Xã hội
 
Anh Hà Văn Thuỳ là cán bộ biên chế trong cơ quan Hội Văn nghệ Kiên Giang, người đã viết bài bút ký "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp" đăng trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số 35-36 ra ngày 20-8-1989.

Sau khi bài báo ra đời một thời gian, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ triệu tập cuộc họp ngày 22/4/1989 để đối chất giữa tác giả với những cơ quan và cá nhân bài báo đề cập tới xem cái nào đúng cái nào sai để báo cáo lên Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh. Hội Văn nghệ Kiên Giang đã mời anh Thuỳ tới cơ quan đưa thư mời họp của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và phân công anh đi dự cuộc họp đó nhưng anh Thuỳ đã không chấp hành sự phân công của lãnh đạo cơ quan, dù đã được phân tích bày giải cặn kẽ. Sau đó cơ quan cũng đã ba lần cử người đến tìm tại nhà nhưng không gặp mặt.

Ngày 22/4 anh Thuỳ không đến dự họp và bỏ đi luôn lên thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay.

Từ khi bỏ nhiệm sở và tỉnh nhà lên thành phố Hồ Chí Minh đến 30/6/1989, anh Thuỳ lại tiếp tục viết hai bài đăng trên báo Ðại đoàn kếtTuần tin Thanh niên, với những nội dung lời lẽ thiếu khiêm tốn, tiếp tục gây khó cho việc giải quyết sự việc bài báo vừa qua.

Ngày 15/6/89 Hội Văn nghệ tỉnh đã có công văn số 142 yêu cầu anh Hà Văn Thuỳ trở về trình diện tại nhiệm sở trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được công văn. Hội Văn nghệ đã cử đồng chí chủ tịch Hội đi lên thành phố Hồ Chí Minh tìm anh Thuỳ và trao công văn nhưng không gặp được.

Ngày 26/6 và 29/6 anh Hà Văn Thuỳ viết hai lá thư về cơ quan báo đã nhận được công văn của cơ quan và đề nghị cơ quan cho nghỉ không ăn luơng đến một thời gian chưa định được. Mặt khác nêu lý do chưa trở về trình diện tại nhiệm sở vì bị đe doạ tính mạng.

Việc rời bỏ nhiệm sở không chấp hành sự phân công của anh Hà Văn Thuỳ đã gây ra những khó khăn lớn cho nội bộ tổ chức cơ quan Hội, tác hại lớn về tổ chức kỷ luật lao động và đoàn kết nội bộ.

Trước tình hình đó, ngày 03 tháng 7/1989, cuộc họp liên tịch giữa chi bộ cơ quan và Ban Thường vụ Hội đã xem xét một cách nghiêm túc vấn đề nầy, thống nhất đánh giá những lý do anh Hà Văn Thuỳ nêu lên để không trở về cơ quan là không có căn cứ và nhận thấy những thiếu sót là rất nghiêm trọng.

Tập thể chi bộ, ban Thường vụ Hội Văn nghệ nhất trí đề nghị lên Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh ra quyết định xoá tên anh Hà Văn Thuỳ khỏi danh sách cán bộ công nhân viên cơ quan Hội. (Lương chính hiện nay của anh Thuỳ là 425 đ).

Kính trình Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh sớm có quyết định.

T.M Ban Thường vụ
Chủ tịch Lâm Nghĩa Sỹ”

Trên đầu công văn là bút phê sau:
Ngày 12/7/1989

Ý kiến của thường trực Tỉnh uỷ:

“Anh Hà Văn Thuỳ là cán bộ ngoài Ðảng không thuộc diện quản lý của Thường vụ Tỉnh uỷ. Việc anh có khuyết điểm với cơ quan là do tập thể cơ quan Hội Văn nghệ xem xét quyết định đúng theo qui định của Nhà nước.

Phó Bí thư trực
Nguyễn Tấn Dũng”

Rõ ràng là sự đùn đẩy, lại là câu chuyện như anh Ba Sáng nhắc đến bữa trước con lành con ở cùng bà. Khi là "nhà văn gạo cội" của chúng tôi thì Hà Văn Thuỳ do Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý. Còn lúc này thì không phải đảng viên!

Chín Sỹ vì không muốn liều lĩnh vi phạm nguyên tắc nên dùi dắng không chịu tiến thêm bước nữa. Do vậy, kết hợp với một số vấn đề nội bộ, Chín Sỹ bị chuyển đi nơi khác, Anh Ðộng lên thay. Bất chấp những quy chế hành chính hiện có, do được bật đèn xanh từ bề trên, cộng với ý muốn trả thù, Anh Ðộng ký quyết định xoá tên tôi khỏi biên chế:

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập Tự do Hạnh phúc
“Hội Văn nghệ
Kiên Giang
Số 08/8-89

THÔNG BÁO
(V/v xoá tên cán bộ công nhân viên cơ quan)

Kính gởi: Thường trực Tỉnh uỷ
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ
Ban Tổ chức chánh quyền tỉnh Kiên Giang
Và các cơ quan hữu quan
 
Căn cứ vào văn bản đề nghị của Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Kiên Giang ngày 04/7/1989 về việc xoá tên anh Hà Văn Thuỳ là cán bộ cơ quan Hội Văn nghệ Kiên Giang ra khỏi biên chế cơ quan vì hành vi tự ý bỏ việc đi khỏi cơ quan không có lý do chính đáng và không được sự đồng ý của ban lãnh đạo cơ quan, từ ngày 22 tháng 4/1989.

Căn cứ vào ý kiến của Thường trực Tỉnh uỷ Kiên giang ngày 12/7/1989 về việc giao quyền xử lý hành chánh anh Hà Văn Thuỳ cho cơ quan Hội Văn nghệ.

Chấp hành nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Hội văn nghệ Kiên Giang họp ngày 19/7/1989 về việc xoá tên anh Hà Văn Thuỳ ra khỏi biên chế Hội Văn nghệ Kiên Giang.

Căn cứ vào bàn giao của đồng chí Lâm Nghĩa Sỹ nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang ngày 15/8/1989 về danh sách cán bộ biên chế trong cơ quan Hội thời gian tới: không có tên Hà Văn Thuỳ.

Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Kiên Giang xin thông báo đến các cơ quan hữu quan và bản thân anh Hà Văn Thuỳ biết, kể từ ngày 29/8/1989 anh Hà Văn Thuỳ không còn là người biên chế trong cơ quan Hội Văn nghệ tỉnh Kiên Giang.

Thông báo này thay cho quyết định cho thôi việc anh Hà Văn Thuỳ.

Rạch Giá ngày 29/9/1989

Thay mặt Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Kiên Giang
Chủ tịch Nguyễn Anh Ðộng”

Một lần nữa, tôi chứng kiến: quy chế của Ðảng có đó, nhưng những người có quyền chức chỉ thực hiện những gì có lợi cho họ! Việc ông Lâm Kiên Trì Phó Bí thư Tỉnh uỷ ký quyết định thu hồi báo Kiên Giang số Xuân 87 là vi phạm Luật báo chí năm 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, nhưng không ai xử vụ này. Quyết định xoá tên tôi khỏi cơ quan là việc làm lạm quyền và bất hợp pháp của Anh Ðộng, nhưng nó vẫn được thực hiện! Trước đó, người ta dùng họp Ban chấp hành Hội Văn nghệ để chỉ đạo hội nghị tán thành việc xoá tên tôi! Ðọc những văn bản Sáu Ðộng đưa cho, tôi mỉm cười cay đắng vì cái trò chơi tổ chức đang được diễn một cách vụng về:

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập Tự do Hạnh phúc
“Hội Văn học Nghệ thuật
Tỉnh Kiên Giang
 
Rạch Giá, ngày 19/7/1989
 
KẾT LUẬN CỦA HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH
HỘI VHNT KIÊN GIANG
(V/v xử lý anh Hà Văn Thuỳ, uỷ viên Ban Chấp hành Hội VHNT KG, cán bộ cơ quan Hội)
 
Ngày 7 tháng 7 năm 1989, Ban Chấp hành Hội VHNT Kiên Giang đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Lâm Nghĩa Sỹ, Chủ tịch Hội để xem xét và đề ra biện pháp xử lý anh Hà Văn Thuỳ, uỷ viên Ban Chấp hành Hội đã tự ý bỏ cơ quan ra đi hơn 2 tháng qua. Mở đầu cuộc họp đồng chí Lâm Nghĩa Sỹ đã thông báo tóm tắt sự việc như sau:

Sau khi báo Kiên Giang Xuân 1987 bị thu hồi, vào khoảng tháng 3 năm 1988, Tỉnh uỷ Kiên Giang đã làm việc với đại diện báo Lao Ðộng và báo Ðại Ðoàn Kết tại Văn phòng Tỉnh uỷ. Cuộc họp làm việc đã đạt kết quả tốt. Tỉnh uỷ tiếp tục chỉ đạo giải quyết một số vấn đề còn lại của sự việc đó.

Công việc đang được tiến hành thì lại xảy ra một sự kiện khác. Ngày 20-8-1988 tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã đăng bài bút ký "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp" của anh Hà Văn Thuỳ. Trong bài báo này anh Thuỳ vừa đề cập sự kiện thu hồi báo nói trên, đồng thời nhắc lại những việc làm của Tỉnh uỷ mà anh cho là với giới báo chí từ những năm 1982-1983, hệ thống lại để dẫn đến một kết luận là: Tỉnh uỷ Kiên Giang thời gian qua đã nghiệt ngã với báo chí trong tỉnh.

Sau khi bài báo ra đời đã gây ra rất nhiều ý kiến khác nhau. Người cho là anh Thuỳ nói đúng, người bảo là anh Thuỳ vu khống bịa đặt. Báo Kiên Giang đã đăng một số bài phát biểu nói trên. Trước tình hình nầy, ban Tuyên giáo ngày 22 tháng 4 1989 đã triệu tập một cuộc họp đối chất giữa tác giả và các cá nhân các cơ quan mà anh Thuỳ đề cập trong bài báo nhằm xác định cái nào đúng cái nào sai. Nhưng rất tiếc là anh Thuỳ đã từ chối không đến dự cuộc họp này mặc dù đã được đồng chí chủ tịch Hội trực tiếp phân công đi dự. Sau đó anh Thuỳ đã bỏ cơ quan lên thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây anh liên tiếp viết hai bài báo đăng trên Tuần tin Thanh niên, báo Ðại Ðoàn kết với nội dung là anh đang bị đàn áp, yêu cầu giúp đỡ của công luận và các tổ chức báo chí. Trước sự việc như thế, ban Thường vụ Hội Văn nghệ Kiên Giang mà trực tiếp là đồng chí Lâm Nghĩa Sỹ đã lên tận thành phố để tìm và kêu anh Thuỳ về cơ quan. Cơ quan Hội cũng đã có công văn quy định anh Thuỳ phải về trình diện tại nhiệm sở trong 7 ngày kể từ khi được công văn. Nhưng anh Thuỳ sau khi nhận đựơc công văn vẫn không về, lại còn viết hai lá thư báo cho cơ quan biết hiện nay anh chưa về được vì cơ quan Hội chưa bảo đảm được tính mạng cho anh.

Trước tình hình một cán bộ vô kỷ luật như thế, căn cứ vào Luật Lao động, cơ quan đề nghị lên cấp trên xoá tên anh Thuỳ khỏi biên chế cơ quan. Còn về tư cách uỷ viên Ban Chấp hành Hội xem xét và có biện pháp xử lý thoả đáng.

Sau phần thông báo của đồng chí Chủ tịch Hội, các đại biểu đã phát biểu ý kiến.

Sau một ngày làm việc 19 lượt ý kiến phát biểu về phần này, Hội nghị đã nhất trí kết luận:

- Về bài ký (“Sự nghiệt ngã”) anh Hà Văn Thuỳ có khuyết điểm là đã đưa ra những sự kiện mà anh nắm không được chính xác; đã cố tình xâu chuỗi lại những vấn đề riêng biệt, hệ thống hoá lại làm cho vấn đề trở nên nặng nề, nghiêm trọng mà vốn bản chất nó không phải như thế. Cách viết như thế làm cho ở xa hiểu không đúng về tình hình Kiên Giang. Không có lợi cho tỉnh. Lối viết nặng nề, đề cao cá nhân tác giả, trong khi đó lại xúc phạm đến một số người, trong đó có những người là đồng nghiệp.

- Có một số sự kiện trong bài báo Ban Chấp hành không nắm được vì không liên quan đến Hội.

- Anh Thuỳ không dự cuộc họp ngày 22/4/1989 và sau đó lại tự ý bỏ cơ quan là một hành động vi phạm đến Luật Lao động, đến quy chế làm việc của cơ quan Hội. Ðể giữ nghiêm kỷ cương, cơ quan buộc phải xử lý anh về kỷ luật lao động.

- Sau khi bỏ đi khỏi Kiên giang, anh Thuỳ còn viết tiếp hai bài báo kêu cứu nữa lại là những sai lầm mới của anh. Ở Kiên Giang không có dấu hiệu gì chứng tỏ anh sẽ bị bắt giam nhưng anh Thuỳ (la làng) lên như thế là một hành động không thể chấp nhận được.

- Ban Chấp hành tán thành việc xoá tên anh Thuỳ trong biên chế cơ quan Hội, nhưng còn về tư cách uỷ viên Ban Chấp hành Hội văn nghệ của anh Thuỳ thì hãy tạm gác lại để xem xét sau, một khi có mặt anh Thuỳ và có kết luận chính thức của cấp trên về những hành vi của anh Thuỳ vừa qua.

T.M Ban chấp hành
Chủ tịch Lâm Nghĩa Sỹ”

Văn bản được viết tương đối khéo. Nhưng sự đời khéo không bằng khôn. Ban Chấp hành Hội Văn Nghệ Kiên Giang đã bị ép phải làm một công việc không khôn ngoan chút nào, đã sa vào bẫy việt vị, làm một công việc tréo cẳng ngỗng: Ðáng lẽ xét tôi có còn đủ tư cách Uỷ viên Chấp hành không, đúng theo chức năng quyền hạn của mình, thì họ không làm mà lại đi làm cái việc không có trong quyền hạn chức năng của một đoàn thể là kiến nghị đuổi việc một cán bộ nhà nước! Qua việc này cũng thấy rõ sự bất nhân bất lương của một số người được gọi là văn nghệ sĩ ở Kiên Giang. Có thể họ không muốn làm vậy, nhưng do sức ép của quyền lực, họ đã làm một việc hèn hạ thì họ cũng không tránh khỏi trách nhiệm của mình!

Thực lòng, khi nhận quyết định xoá tên, tôi không hề lo lắng vì tin ở chính nghĩa của mình. Thêm nữa, với cục diện vừa xuất hiện sau Ðại hội Nhà báo, có nhiều con đường mở ra rộng rãi trước mặt tôi. Quyết định xoá tên là thêm chứng cứ trong cuộc đấu tranh mới.

Trong những ngày ở lại Kiên Giang, tôi đến thăm và cảm ơn bạn bè cũ: anh chị Tư Châu, Ba Yến, Ngô Văn Tước, gia đình cô Nhiều người giao liên và thường xuyên thăm nuôi tôi. Tại nhà anh Ba Sáng tôi gặp một số bạn trẻ là phóng viên đài phát thanh và báo Kiên Giang. Có người nói: "Thấy anh bị đối xử bất công, bọn em muốn bênh vực nhưng khó quá, mong anh thông cảm!" Tôi cười bảo: "Chớ, hiểu và thông cảm với nhau là quý rồi, các bạn bênh không nổi đâu!"

Không còn làm việc nữa, tôi nằm nhà đọc sách và thỉnh thoảng đến cơ quan Hội Văn nghệ như một hội viên. Trong những cuộc tiếp xúc, tôi nhận ra thái độ mọi người có vẻ dè chừng tôi. Những quan chức biết tôi thì nhìn tôi với con mắt hằn học. Trong chỗ công khai nhiều người phải giữ gìn, không dám tỏ ra thân mật với tôi. Anh Hồ Bá Thâm giảng viên trường Ðảng tỉnh sau này tâm sự: "Chi bộ họ đưa ra kiểm điểm mình vì tội quan hệ với ông. Mình nói: "Là bạn bè, tôi chơi với anh ấy, mà cũng chưa có cơ quan nào kết luận anh ấy phản động cả!"

Bị đuổi việc ở Kiên Giang, không thể ăn bám vợ thêm, tôi lên Sài Gòn kiếm sống.

Tôi sửa lại và mang theo chiếc xe Honda do em gái tôi tặng. Tôi viết sẵn đơn kiện ông Lâm Kiên Trì khi làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ đã lộng quyền ký quyết định thu hồi báo Kiên Giang số Xuân 1987 và đơn kiện ông Nguyễn Anh Ðộng Chủ tịch Hội Văn nghệ vi phạm điều 221 Bộ luật Hình sự do hành vi lộng quyền buộc tôi thôi việc trái pháp luật. Sợ rằng nộp đơn có thể bị rầy rà nên trên đường đi Sài Gòn, tôi rẽ vào Toà án tỉnh gặp anh Mười Cho chánh án đưa đơn. Anh Mười Cho tôi quen từ hồi anh làm Bí thư Hà Tiên nói: "Tôi nhận đơn của đồng chí, nếu bên Viện Kiểm sát khởi tố, tôi sẽ xử theo pháp luật." Tôi cũng đến Viện Kiểm sát đưa đơn cho ông Viện trưởng Hai Ẩn. Nhận đơn của tôi một cách miễn cưỡng, ông Viện trưởng nói tôi vô lễ vì dám kiện Bí thư Tỉnh uỷ! Biết rằng chẳng khi nào có phiên toà như thế, nhưng tôi vẫn làm để thực thi quyền công dân của mình, và cũng là thử thách kỷ cương của đất nước. Sau này tôi được biết ông Năm Trì tỏ ra lo lắng vì đơn khởi kiện của tôi. Ông mời Vương Dứa (Tô Vương) phóng viên báo Nhân dân thường trú tại Kiên Giang đến hỏi ý kiến. Là người có ơn dày nghĩa nặng với tỉnh uỷ, vị phóng viên báo Ðảng trấn an ông Bí thư: Ðúng là cả hai trường hợp đều phạm luật, nhưng nếu không đem ra xét xử thì chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Vậy là đơn kiện của tôi thành con kiến mà kiện củ khoai!
 
Lên Sài Gòn trong lòng tôi vẫn hy vọng về làm ở báo Sài Gòn Giải phóng như lời anh Tô Hoà. Nhưng hại thay, vừa chân ướt chân ráo lên thành phố, tôi đọc “Lá thư Tổng Biên tập” của anh đăng trên Sài Gòn Giải phóng chia tay độc giả của mình trước khi bị về hưu một cách ép buộc! Vậy là một cửa sống bị khép lại trước tôi. Thực ra, khi bị đuổi việc, tôi không buồn lắm vì còn nhiều hy vọng: ở anh Tô Hoà, ở sự can thiệp của Hội nhà báo, ở ý kiến phân xử của Ban Bí thư. Cả một nghị quyết của Ðại hội Nhà báo toàn quốc cơ mà! Cả đoàn cấp cao của Hội đi kiểm tra chứ có phải giỡn đâu? Nhưng hoạ vô đơn chí, tôi định bắt vạ ông Ðào Tùng thì đọc trên báo Nhân dân tin buồn: ông vừa bị bạo bệnh qua đời! Vậy là, cũng như trước đây, khi ông Hồng Chương mất, tôi bị hành. Nay ông Ðào Tùng đi, việc của tôi hoá thành vô vọng. Tôi hiểu, nếu ông Hồng Chương còn sống, người ta không thể đối xử với tôi như thế. Tôi cũng tin rằng, nếu còn sống, ông Ðào Tùng sẽ không bỏ dở việc mình đã làm. Ông Ðào Tùng đã mất, nhưng còn tổ chức, còn Hội Nhà báo nên tôi viết đơn trình bày với Hội. Lúc này ông Phan Quang lên thay làm Chủ tịch hội. Phải nhờ mẹ nuôi tôi, một nhà báo lão thành dàn xếp, ông Phan Quang mới chịu tiếp tôi. Tôi biết ông Phan Quang là nhà báo, nhà văn. Tôi đã đọc tập bút ký Ðồng bằng sông Cửu Long của ông. Nhưng chính nơi ông, lần đầu tiên tôi đối diện một quan lớn với vẻ quan liêu khinh rẻ con người như thế. Tôi một nhà báo vì đấu tranh bảo vệ những nhà báo bị hành hạ mà bị trù dập, tìm đến Hội nhờ bênh vực. Nhưng thật đau lòng, trước ông Chủ tịch Hội, tôi thành kẻ tội đồ. Nén giận chịu khinh khi, tôi trình bày qua loa công việc của mình rồi gửi lại đơn từ. Nhưng rồi như tôi thấy trước, lời cầu cứu của tôi đã rơi vào im lặng đáng sợ của cõi vô cảm. Một bữa đọc trên báo Văn nghệ, tôi thấy tin nhà thơ Nguyễn Duy trả lời Trung tâm Văn bút Thuỵ Ðiển là Hà Văn Thuỳ vẫn đang sống và viết tự do, không hề bị bắt. Một anh bạn là hoạ sĩ sang Pháp về nói với tôi: anh đọc trên báo Dân tộc bằng tiếng Việt xuất bản ở Paris bài viết của Dương Thu Hương trong đó có câu: Nhà báo Hà Văn Thuỳ suốt đời cúc cung làm theo nghị quyết của Ðảng mà còn bị nghiệt ngã như vậy, thì số phận những kẻ chống đối như chúng tôi cơ cực tới cỡ nào cũng là điều dễ hiểu!

Thời gian này, ông Nguyễn Văn Thạnh, nguyên Thường vụ Thường trực Tỉnh uỷ Kiên Giang cũng phải trốn khỏi tỉnh. Ông là một trong những cán bộ lãnh đạo có hiểu biết, có đức độ mà tôi kính trọng. Trong cuộc thanh trừng nội bộ, ông bị kỷ luật, phải ra khỏi Tỉnh uỷ, chuyển sang phụ trách Mặt trận Tổ quốc. Trong cương vị mới, ông đứng mũi chịu sào, hỗ trợ phong trào đấu tranh của nông dân chống tham nhũng, đòi lại ruộng đất. Chính ông tạo điều kiện cho cánh báo chí chúng tôi tham gia cuộc đấu tranh này. Bút ký “Bông lúa nổi giận” của tôi lấy cảm xúc cùng tư liệu trong những ngày này. Sau đó, trong một cuộc góp ý với Tỉnh uỷ, ông đọc văn bản dài nói lên nhiều tiêu cực của lãnh đạo, tập trung vào các ông Ba Hương, Năm Trì. Trong vụ án buôn lậu Bỉnh Họt, ông thu thập chứng cứ cung cấp cho báo Thanh niênPháp luật. Ông bị buộc về hưu, sau đó bị vu cáo là phần tử đa nguyên rồi khai trừ khỏi đảng. Ông gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan trung ương. Ông cùng những đồng chí trung kiên như các ông Bảy Phục, Tư Chư, Tư Thép, Mười Châu, tập hợp tư liệu tố cáo sự lộng quyền, tham nhũng ở Kiên Giang gửi cho hơn 150 uỷ viên Trung ương đảng. Không thể để ông "quậy" như vậy mãi, lãnh đạo Kiên Giang có ý đồ bắt ông. Tới lúc này, tôi hiểu ra, người ta nghiệt ngã với tôi còn vì một lẽ: họ cho tôi thuộc phe cánh của Năm Thạnh. Cái câu ông Bí thư Năm Trì nói hôm đối chất: "Rồi đây Ban Thường vụ sẽ xem xét. Bài của anh Thuỳ có mục đích tính chất gì? Sẽ xem xét về trách nhiệm. Ai là người trách nhiệm trực tiếp, ai có liên quan. Từ đó có phải xử lý không, xử lý thế nào?" lúc đầu tôi không hiểu, nhưng sau thì nhận ra ý này. Thực ra tôi là người vô tâm. Không mấy quan tâm đến chuyện đấu đá cung đình. Việc tôi đến gần ông Năm Thạnh chỉ là do sự đồng thanh tương ứng giữa những người muốn cho đất nước tốt đẹp hơn.

Cũng nhờ gặp gỡ những vị lão thành của Kiên Giang nên tôi biết tình hình Kiên Giang vô cùng rối rắm. Những năm 78-79 ông Mười Dày làm Bí thư để xảy ra vụ tham nhũng lớn trong khi thực hiện phương án 2 (Bán tàu bán bãi cho người vượt biên) nên bị triệu về Trung ương. Ông Phạm Văn Kiết (Năm Vận) về thay. Ông Năm Vận tỏ ra khá liêm khiết, muốn phanh phui vụ Phương án 2 nên vấp phải phản ứng lớn của nội bộ, buộc ông phải ra đi. Ông Trần Quang Quýt (Tám Quýt) làm quyền bí thư. Biết trung ương sẽ điều người khác về làm bí thư nên những người chủ chốt trong tỉnh cho ông Tám Quýt ra Vũng Tàu mời ông Lâm Văn Thê đang là Chủ tịch Ðặckhu Vũng Tàu Côn Ðảo về làm Bí thư. Một hợp đồng ma quỷ được ký kết: Về Kiên Giang, ông Ba Hương sẽ được vào Trung ương. Nhưng ông phải làm mọi cách đánh chìm xuồng vụ Phương án 2. Ông Lâm Văn Thê gốc công an, từng làm bí thư Rạch Giá sau năm 1954. Thời ông Ba Hương làm bí thư là thời gian đen tối nhất của Kiên Giang. Ông rất chuyên quyền. Có những cán bộ đến gặp ông khi ra khỏi cũng không biết đũng quần mình ướt từ bao giờ. Có người sau khi gặp ông thì ngớ ngẩn, không còn nhớ cả tên vợ là gì nữa! Chính ông ký lệnh bắt oan rất nhiều cán bộ. Ông cũng có tiếng là ăn chơi sa đoạ. Trong những điều ông Năm Thạnh tố cáo, có vụ 24 thùng đồ do Năm Quang, một tội phạm trốn ra nước ngoài gửi về ghi ký hiệu A3 và A5. Khi hàng về tới cảng Hòn Chông thì có lệnh của Tỉnh uỷ ban xuống là không được khám. Nhưng ông Chín Cà, Giám đốc Hải quan cứ khám. Ðang khi khám thì có lệnh dừng lại, huỷ biên bản, giải hàng về Tỉnh uỷ. Ðó là những thùng quà Năm Quang biếu ông Ba Hương và Năm Trì. Do ông Ba Hương bao che nên vụ Phương án 2 không giải quyết rốt ráo. Những người trung thực như các ông Năm Thạnh, Năm Ðồng (Viện trưởng Viện Kiểm sát), thiếu tá công an Tư Bê bị thanh trừng. Ngoài những cá nhân tham ô chủ chốt không bị xử, lại được trọng dụng thì trong quỹ đen của tỉnh còn hàng tấn vàng. Số vàng này được đưa ra cho Bỉnh Họt buôn lậu, gây ra vụ án buôn lậu lớn nhất lúc đó. Nhưng rồi vụ này cũng gần như chìm xuồng, xử không đến nơi đến chốn. Trong một buổi làm việc để cảm ơn các vị lão thành Kiên Giang đã giúp báo trong vụ Bỉnh Họt, có mặt ông Bảy Phục, Năm Thạnh và tôi, Tổng biên tập báo Thanh niên Nguyễn Công Khế cho biết ông Trần Bạch Ðằng có kể: "Trong một hội nghị, Bí thư Kiên Giang Nguyễn Tấn Dũng (Ba Dũng) đến gặp ông. Ba Dũng giả lả: "Lâu nay sao chú Tư không về thăm quê, các chú các anh vẫn mong chú Ba lắm." Tôi trả lời: "Quê hương ai không nhớ, nhưng mấy cậu làm ăn không đẹp, nhiều vụ bê bối quá, trong đó có việc của Hà Văn Thuỳ cả nước đều biết mà các cậu xử vậy, coi không đẹp, tôi buồn chưa thể về được. Mấy cậu về làm ăn ngon đi, tôi sẽ lại về thăm mấy cậu!" Nghe vậy, ông Bảy Phục cười mỉm: "Cái thằng sạo dữ ta. Hắn làm vậy là để ông Bạch Ðằng đừng viết bài vạch tội tụi nói nữa đó!"

Tháng Năm năm 1991, hay tin Hội Văn nghệ Kiên Giang Ðại hội lần thứ III, từ Sài Gòn tôi gửi về Ðại hội bức thư sau:

“Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập Tự do Hạnh phúc

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/5/1991
 
Kính gửi Ðại hội Văn nghệ Kiên Giang lần thứ III

Thưa các đồng chí,

Tôi là Hà Văn Thuỳ, hội viên Hội Văn nghệ tỉnh Kiên Giang, nguyên uỷ viên Ban chấp hành Hội và cán bộ Hội Văn nghệ Kiên Giang xin trình bày trước Ðại hội việc sau:

Năm 1979 tôi được chuyển về công tác tại Ban Vận động thành lập Hội, vừa sáng tác vừa phụ trách công tác đào tạo bồi dưỡng. Cùng với đồng nghiệp, tôi góp phần tổ chức Ðại hội lần thứ I và thứ II. Tại Ðại hội lần thứ II tôi được bầu vào Ban Chấp hành Hội. Nhìn chung, trong những năm công tác ở Hội, tôi đã phấn đấu đóng góp công sức trên hai mặt sáng tác và đào tạo bồi dưỡng xây dựng Hội, do vậy đã được những phần thưởng của tỉnh và Trung ương.

Năm 1987 xảy ra sự cố báo Kiên Giang số Xuân. Tôi không có bài trên báo Kiên Giang và cũng không bị phê bình gì. Nhưng trước một số đồng nghiệp bị đối xử oan ức, tôi đã có văn bản kiến nghị với lãnh đạo tỉnh đề nghị xét lại việc này, giải oan cho anh em. Ðáng tiếc là ý kiến chân thành của tôi cũng như của dư luận đông đảo cán bộ trong tỉnh không được cấp trên xem xét giải quyết. Vì vậy buộc lòng tôi phải viết bút ký “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp” để nói lên sự thật.

Hội Văn nghệ Kiên Giang đã tổ chức hội thảo về bút ký đó. Trong hội thảo, đa số ý kiến khẳng định những sự kiện được nêu trong bài báo. Ðáng tiếc là những ý kiến đó không được chấp nhận mà lại có quyết định tổ chức cuộc đối chất vào ngày 22/4/1989. Tình hình lúc đó rất căng thẳng. Sau bài báo của Phó Giám đốc Công an tỉnh, cũng như bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo, tôi cảm thấy bản thân bị đe doạ nên phải lánh lên thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó Ðoàn công tác cấp cao của Hội Nhà báo Việt Nam đã về làm việc với tỉnh. Trong văn bản báo cáo trình Ban Bí thư có kết luận: "Bài viết của Hà Văn Thuỳ cơ bản đúng. Những sự kiện nêu trong bài báo là có thật." Ðoàn công tác cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh đảm bảo an toàn cũng như giữ nguyên biên chế cho tôi.

Nhưng tháng 9/89, khi tôi về cơ quan, đồng chí Anh Ðộng ra thông báo xoá tên tôi khỏi biên chế Hội. Tôi thấy việc làm như vậy không thoả đáng:

  1. Tôi có thiếu sót là đi khỏi cơ quan. Nhưng đó không phải là việc tôi muốn mà do hoàn cảnh bắt buộc. Suy cho cùng, đó cũng là cần thiết để tránh cho tôi những thiệt hại và cũng tránh cho lãnh đạo có thể gây những việc "quá tay" đối với cán bộ. Trong thời gian đi xa như vậy, tôi đã có đơn gửi cơ quan Hội báo cáo lý do và xin được nghỉ việc riêng không ăn lương. Mặt khác, đó cũng là khuyết điểm duy nhất trong quá trình công tác hơn 20 năm của tôi nên thiết tưởng cần được xem xét một cách khách quan.

  2. Về nguyên tắc tổ chức, đồng chí Anh Ðộng đã làm một việc không đúng với chức năng của mình. Tôi là chuyên viên bậc 2 nên việc buộc tôi thôi việc không thuộc quyền hạn của đồng chí Anh Ðộng. Việc làm của đồng chí Anh Ðộng cũng vi phạm điều 221 của Bộ luật Hình sự.

  3. Xét về mặt đạo lý và tình người, tôi thấy việc làm của đồng chí Anh Ðộng, nhân danh một cơ quan văn học nghệ thuật, nhân danh ý nghĩa tốt đẹp của truyền thống Chiêu Anh Các có cái gì đó thật đáng buồn, không đúng với tinh thần nhân văn của Hội chúng ta. Có thể nói đó là vết nhơ trong truyền thống của Hội.

Thưa các đồng chí,

Tất cả những việc làm trên các đồng chí đã biết và với thời gian đã suy nghĩ. Tôi rất mong rằng ở Ðại hội này, với tư cách là cơ quan cao nhất của Hội, các đồng chí sẽ có cách nào đó giải thoát cho tôi. Ðiều này không chỉ tháo gỡ cho tôi khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện nay mà còn khôi phục tinh thần nhân văn của một tổ chức văn hoá.

Tin tưởng ở lương tri các đồng chí.

Chúc đại hội thành công.
Chúc các đồng chí sức khoẻ.”

Ðúng như dự đoán, thư tôi không được hồi âm mà rơi vào cõi im lặng vô cảm.
Từ ngày rời khỏi cơ quan, tôi tìm nhiều cách kiếm sống. Do quá thất vọng, tôi buông bút từ giã việc viết lách. Nghe bạn bè, tôi trở lại với kỹ thuật Sinh học, trở thành một chuyên gia về nấm trong chương trình Nấm quốc gia, đem công nghệ làm nấm rơm chuyển giao cho ngành nấm miền Bắc. Tôi cũng lập cơ sở sản xuất giống nấm tại nhà và đến khi tiêu hết đồng tiền dành dụm cuối cùng của vợ, tôi nhận ra mình không thể làm gì khác ngoài cầm bút. Rời Kiên Giang, tôi táp vào nhiều tờ báo viết thuê. Nơi cuối cùng tôi dừng là báo Văn nghệ.

Năm 2000, trong dịp trở về Kiên Giang, tôi gặp anh Bảy Lam, nguyên là phó chủ tịch tỉnh, người bạn cũ hiểu và thông cảm với tôi. Anh móc điện thoại gọi cho ông Hồng Việt Bí thư Tỉnh uỷ rồi gợi ý tôi viết đơn xin về hưu. Trong phần nghìn tia hy vọng, lòng vô cảm, tôi viết đơn đưa cho anh Bảy. Gần 2 năm sau tôi nhận được công văn trả lời trên. Nói văn bản được viết chặt chẽ là tôi đã học theo cách nói Nam Bộ nói vậy mà không phải vậy! Thực chất đó là văn bản xuyên tạc sự thật: hoàn toàn không có chuyện tôi tự ý bỏ việc. Phải rời khỏi cơ ngoài ý muốn, tôi đã viết thư xin lỗi và có đơn xin nghỉ việc riêng không ăn lương. Ðuổi việc tôi trong hoàn cảnh như vậy là trái luật! Và càng không phải với lương tâm của người cộng sản như chúng ta thường tự hào.

Mười lăm năm nhìn lại chuyện xưa, tôi bất giác nở nụ cười buồn. Bản thân câu chuyện thật vô nghĩa. Báo Kiên Giang số Xuân năm ấy là tờ báo ca ngợi với tấm ảnh ông Bí thư Ba Hương in chành bành như ảnh đại lãnh tụ trên trang nhất. Hai bài báo của Ngô Văn Tước không dính dáng gì đến chống tiêu cực. Thực ra đó là hai bài báo ca ngợi cuộc sống mới, ca ngợi sự lãnh đạo của đảng bộ trên đường đổi mới. Bi kịch ở đây là vì quá dốt và cũng vì định kiến áp đặt của kẻ lạm dụng quyền lực đã dẫn tới quyết định sai lầm. Một lầm lẫn đầy vẻ bi hài. Ở đời, có lầm lẫn cũng là chuyện thường tình. Nhưng điều đáng phẫn nộ ở đây là người ta không chịu nhận sai lầm mà dùng sức mạnh chuyên quyền bắt mọi người nhận bò ra ngựa. Tôi căm thù việc làm phi nhân tính này và chống lại nó bằng ngòi bút mong manh của một nhà văn. Trong mọi cuộc đấu tranh, có được và có mất. Cái mất của tôi thì cụ thể: mất những năm tháng yên ổn làm ăn, mất việc, mất mọi chế độ tôi có quyền hưởng sau những năm làm việc lương thiện. Do tôi mà vợ con tôi bị đẩy vào cảnh cơ cực.

Ðây là “Tự hoạ 1989” của tôi:

Bố làm nhà báo hại
Mẹ, cô giáo dở dang
Bà già nua lẫn cẫn
Con lũ học trò ngang
 
Khoai trồng không ra củ
Lúa cấy chẳng đậu bông
Con bán rau đầu chợ
Công an đuổi chạy vòng.
 
Lương hết tháng chưa hết
Tiền không gạo cũng không
Con đòi sách đòi áo
Chồng ngó vợ muốn khùng!
 
Nhưng tôi cũng có những cái được: lòng quý mến của bạn bè, có thêm bạn đọc. Sau khi bị nạn, những trang viết của tôi dường như thấm máu thịt cuộc đời hơn. Và cái được nhất với tôi là được là chính mình!

Bài học rút ra từ đây là nỗi bất hạnh của lòng cả tin đến ngây thơ của người trí thức. Sự ngây thơ truyền kiếp, từ những “trăm hoa đua nở” đến những chiến dịch “phê bình tự phê bình”. Tôi nhận ra, chỉ vì cả tin ngây thơ mà tự biến mình thành công cụ, thành trò chơi trong tay những kẻ hoạt đầu chính trị. Khi xong việc, họ rút dù để mình trơ lại không chốn nương thân. Tôi tin vào chính nghĩa của mình, tin vào lương tâm mình. Nhưng điều gì bảo hiểm cho lương tâm ấy? Ngay cả cái gọi là Ban Bí thư của Ðảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức đầy quyền lực đã lệnh cho kiểm tra vụ việc của tôi để xử lý thoả đáng (!) Nhưng khi sự thật được phơi bày thì họ bưng tai nhắm mắt, để mặc tôi cho số phận nghiệt ngã!

Cho đến bây giờ, tôi không còn thù hận những người từng gây khó cho tôi. Nhưng có một điều tôi xót xa là không trả nổi ơn nghĩa quá lớn của những người từng cứu giúp cưu mang tôi trong cơn hoạn nạn. Tôi ghi ơn ấy trong lòng mà nếu kể ra đây sẽ là vụng về vô duyên và có thể còn xúc phạm họ. Tôi chỉ biết trả ơn bằng sống cho tốt hơn và viết tốt hơn.

Thu năm Nhâm Ngọ

© 2006 talawas