trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
6.9.2006
Đại Lãng Du Tử
Dù đui mà vẫn đạo… văn
 
Trong tiếng Việt ta có chữ “Ðạo” thật hay! Toàn những nghĩa đẹp. Này đạo đức, đạo nghĩa, đạo lí; rồi đạo Phật, đạo Lão, đạo làm người; ít ra cũng đạo hữu, đạo học, đạo dụ… Thế từ đâu nảy nòi thứ đạo dám đối lại và thách thức tất cả các “đạo” trên: đạo văn!

Không biết đạo văn có tự bao giờ, có lẽ cũng nên đem ra khảo cứu luận bàn cho rõ lẽ thú vị. Tôi chắc cái đạo này cũng đông anh lắm chị lắm. Trong dòng văn hóa thì đạo nhạc, đạo ảnh, đạo thơ, đạo tranh… gần đây đua nhau đạt cỡ thượng thừa – giật giải cứ là tơi tới! Nhưng việc khảo bàn này hãy dành cho một ai đó khác, hoặc vào một lúc khác, còn bây giờ tôi chỉ trình một vụ đạo… dịch độc đáo!

Vụ này không mới, tôi biết đã khá lâu; có phàn nàn, kêu ca đấy, nhưng rồi chắc cũng… cho qua, phần vì còn bao nhiêu chuyện khác phải làm, hay ho hơn bội lần; phần vì các vụ “đạo” nhan nhản ra đấy, ai kêu cứ kêu – kể cả báo chí! - chỉ thấy tội khản cổ khổ chủ, rồi đâu lại vào đấy, chẳng cơ quan công quyền hay tác quyền nào xắn tay áo, chưa ông bà cô bác anh chị đạo chích nào ra tòa xin chừa chút lòng không trinh bạch đó của mình, chứ chưa nói gì đến Hỏa Lò, hoặc chí ít bồi thường – vật chất cùng danh dự. Nhưng lần này, nhân "dư chấn" của thảm họa dịch thuật Mật mã da Vinci, nên tôi muốn đặt ra một câu hỏi, là: cái này có phải thảm họa không nhỉ?

Cách nay khoảng một năm, lượn nhà sách, nhác thấy cuốn (bìa) đỏ Cha thánh của Mario Puzo, "linh tính" đã mách bảo có điều gì, nhưng phải khi mua về cầm giở ra xem mới biết đó chính là tác phẩm The Godfather mà Ngọc Thứ Lang đã dịch hơn 30 năm trước thành Bố Già, còn Ðoàn Tử Huyến và Trịnh Huy Ninh năm 1987 cũng phải mượn chữ Bố Già cực hay và không thể thay khác đi được của Ngọc dịch giả để làm một bản dịch mới cho đồng bào ta đọc (tình hình lúc đó chưa cho phép in bản dịch cũ của “Mĩ - Ngụy” Sài Gòn!). Và bây giờ lại thêm một bản dịch nữa, Cha thánh, nghe tên đã thấy “sáng tạo” rồi, đáng ra nên mừng. Nhưng Cha thánh do Giang Hà dịch, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin đứng tên xuất bản (nộp lưu chiểu quí III năm 2003), nhà sách Minh Thắng, 1048 Ðường Láng liên kết. Mấy "tên tuổi" liên minh đó có gợi ở quí vị thông tường nghề làm sách một cái gì không?

Trang 2 cuốn sách ghi: “Theo Cha thánh, nxb Trung tâm Thương mại Trung Hoa, Ðài Bắc - Ðài Loan (Có tham khảo một số bản dịch khác)”. Tôi đã nhờ người tìm thông tin về ấn bản tiếng Trung này nhưng không tìm được, mà chỉ thấy có bản dịch khác dưới tên Giáo phụ. Vậy bản Giang Hà “theo” là bản nào, từ đâu ra chữ Cha thánh, mà trong chừng mực tôi được biết, từ này (Cha thánh) hầu như không có trong từ điển Tiếng Việt (ít ra là trong những cuốn Ðại từ điển Tiếng Việt, Từ điển Tiếng Việt tường giải...), và theo cách hiểu thông thường, thì nghĩa của chữ Cha thánh cũng không liên quan gì đến nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này.

Ở đây có hai vấn đề.

1. Tại sao Giang Hà và nxb Văn hóa-Thông tin xuất bản cuốn sách này, khi ở Việt Nam đã có hai bản dịch, mà theo tôi là đều không tồi, - liệu bản dịch mới có hơn không? - và nhất là trong thời buổi bản quyền khó khăn này (Giang Hà và Nxb Văn hóa-Thông tin có bản quyền dịch thuật đối với cuốn sách này hay không?)

2. Thực chất "bản dịch mới" của Giang Hà là cái gì?

Tôi làm mấy thao tác liệt kê dưới đây, phần trả lời thuộc về bạn đọc.

Làm việc này rất dễ. Ðể so sánh tôi chỉ trích từ hai bản dịch các đoạn tương ứng được lựa chọn khá ngẫu nhiên, ở đầu, ở giữa và ở cuối cuốn sách; đoạn in chữ đứng (a) là từ Bố Già, Trịnh Huy Ninh và Ðoàn Tử Huyến dịch, nxb Văn học, 2001; đoạn in chữ nghiêng (b) lấy từ Cha thánh, Giang Hà dịch, sđd.

Ðây là mấy đoạn ở chương mở đầu, chương 1:

1a.

Ông Trùm trả lời vắn tắt: “Tối nay Tôm sẽ đến đó. Chẳng cần giúp gì đâu, chuyện dễ không ấy mà”.

Xônni cười: “Giônni nó sợ không xong nên con mới nghĩ để con đi”.

Don Côrleône quay lại Giônni Phôntein: “Mày không tin hả? Chẳng nhẽ Bố Già mày có lần nào sai lời hứa? Mày bảo tao nói dóc chứ gì?”

Giôni lúng túng chống chế: “Đâu có. Xin bố hiểu cho, nắm quyền sinh sát ở hãng phim là một thằng to đầu, một pezzonovante chính cống. Không có gì đốn nổi nó đâu, ở đây cả tiền bạc cũng thua hết. Hắn quen nhiều lắm. Con không biết bố có cách nào mà chọi được với hắn". (Trang 65)

1b. Ông Trùm trả lời vắn tắt: "Tối nay Tom sẽ đến đó. Chẳng cần giúp gì đâu, chuyện dễ không ấy mà”.

Sonny Corleone cười: “Johnny nó sợ không song nên con mới nghĩ để con đi”.

Don Corleone quay lại. Ông hỏi Johnny Fontane: “Mày không tin hả? Chả lẽ cha đỡ đầu mày có lần sai lời hứa? Mày bảo tao nói phét chứ gì?”

Johnny lúng túng chống chế. “Thưa bố, nắm quyền sinh sát ở hãng phim là một cỡ lớn, một pezzonovante chính cống, không có đối nổi nó đâu, cả tiền bạc cũng thua hết. Hắn quen nhiều lắm, hắn ghét con. Con không biết bố có cách nào mà chọi được với hắn.” (Trang 57)

2a. Kẻ hấp hối cảm kích nhìn ông Trùm, mắt rừng rực. Những bàn tay trẻ trung chắc lẳn lắc bàn tay những xương cùng xẩu của lão. Vợ lão cùng mấy đứa con gái đứng dọc bên kia giường hôn lên má lão, vuốt ve cánh tay lão.

Ông Trùm để tay lên tay bạn. ông nói thân tình: “Liệu mà chóng khỏe rồi hai thằng mình về Italia, về quê cha đất tổ chơi một chuyến. Hai thằng lại sẽ chơi cầu dưới cửa sổ quán rượu như cha ông bọn mình ngày xưa vẫn chơi ấy mà”.

Kẻ hấp hối lắc đầu. Lão ra hiệu mọi người tránh xa, rồi bấu chặt những ngón tay xương xấu vào tay áo ông Trùm. Lão cố gắng nói gì đó. Don Côrleône kéo ghế đến gần, cúi đầu nghe. Giencô Abbandanđo phều phào gì đó không đầu không đũa về thời thơ ấu của hai người...

Bỗng đôi mắt đen như than của lão trở nên lấm lét! Lão hạ giọng thầm thì. Ông Trùm kéo ghế lại gần hơn. Ông lúc lắc đầu, và mọi người trong phòng sững sờ thấy nước mắt lăn trên gò má don Côrleône. Tiếng thì thầm đứt quãng to dần, tràn ngập cả gian phòng. Bằng một cố gắng vượt sức con người, Abbandanđo nhấc hẳn đầu lên khỏi gối, cặp mắt thất thần đảo quanh, lão giơ ngón tay xương xẩu chỉ vào ông Trùm: “Bố Già” - lão gọi hốt hoảng – “Bố Già, tôi van anh cứu tôi với. Xương đang cháy tàn trong thịt, tôi nghe rõ tiếng dòi đục trong óc tôi. Cứu tôi với, Bố Già, việc gì anh cũng làm được mà, đừng để bà vợ tội nghiệp của tôi phải khóc đi anh. Lúc bé chúng mình chơi đùa với nhau ở Côrleône, lẽ nào anh lại để mặc tôi chết trong giờ phút này, trong lúc tôi đang khiếp sợ, sợ phải xuống địa ngục vì những tội lỗi của mình này?”

Ông Trùm im lặng, Abbandando nói tiếp: “Hôm nay là ngày anh gả con, anh không thể từ chối tôi được”. (Trang 69)

2b. Kẻ hấp hối ngước mắt sốt đỏ cảm kích nhìn ông Trùm. Những bàn tay trẻ trung chắc lẳn lắc bàn tay xương xẩu của lão. Vợ lão cùng mấy đứa con gái đứng dọc bên kia giường hôn lên má lão, vuốt ve cánh tay lão.

Ông Trùm nắm chặt tay người bạn già. Ông nói thân tình, “Liệu mà chóng khỏe rồi chúng ta sẽ về Italia, về quê chơi một chuyến. Hai thằng lại chơi cầu dưới cửa sổ quán rượu như cha ông bọn mình ngày xưa vẫn chơi ấy mà.”

Kẻ hấp hối lắc đầu. Lão ra hiệu mọi người lui ra rồi bấu chặt những ngón tay xương xẩu vào tay áo ông Trùm. Lão cố gắng nói gì đó. Don Corleone kéo ghế đến gần, cúi đầu nghe. Genco Abbandanđo phều phào về thời thơ ấu của hai người... Bỗng đôi mắt đen như than của lão trở nên lấm lét. Lão hạ giọng thầm thì. Ông Trùm cúi xuống gần hơn. Ông lúc lắc đầu, và mọi người trong phòng kinh ngạc thấy nước mắt lăn trên gò má don Côrleône. Tiếng thì thầm đứt quãng to dần, tràn ngập cả gian phòng. Bằng một cố gắng vượt mức con người, Abbandanđo nhấc hẳn đầu lên khỏi gối, cặp mắt thất thần đảo quanh lão giơ ngón tay xương xấu chỉ vào ông Trùm. “Cha thánh, Cha thánh” - lão gọi hốt hoảng – “Xin anh cứu tôi khỏi thần chết. Tôi xin anh. Thịt tôi đang cháy tàn khỏi xương, tôi nghe rõ tiếng dòi đục trong óc tôi. Cứu tôi với, Cha thánh, anh có quyền lực, đừng để bà vợ tôi phải khóc đi anh. Lúc bé chúng mình chơi đùa với nhau ở Côrleône, lẽ nào anh lại để mặc tôi chết trong lúc tôi đang sợ phải xuống địa ngục vì những tội lỗi của mình?”

Ông Trùm im lặng, Abbandando nói tiếp: "Hôm nay là ngày cưới con gái anh, anh không thể từ chối tôi được". (Trang 61)

Đây là chương 20, giữa sách:

1a. Riêng Philip Tataglia là vẫn tỏ ra hơi lo. Trong trường hợp tái chiến thì món nợ giết Xônni Côrleône hắn phải trả đủ. Vì vậy, hắn phải nói trước cho chắc ăn: “Tôi đồng ý với tất cả mọi đề nghị đã được nêu lên ở đây, tôi sẵn sàng bỏ qua cái bất hạnh của mình. Nhưng tôi cũng muốn là đon Côrleône đưa ra những cam kết chắc chắn hơn nữa”. (Trang 447)

1b. Riêng Phillip Tataglia là vẫn tỏ ra hơi lo. Trong trường hợp chiến lại thì việc giết Santino Corleone khiến hắn là nhân vật dễ bị tấn công nhất. Vì vậy, hắn phải nói trước. “Tôi đồng ý với tất cả mọi đề nghị đã được nêu lên ở đây, tôi sẵn sàng bỏ qua cái bất hạnh của mình. Nhưng tôi cũng muốn Don Corleone đưa ra những đảm bảo cam kết chắc chắn hơn nữa”. (Trang 396)

Chương 24:

1a. Bây giờ thì Maicơn đã nhớ lại mọi chuyện. Anh biết rằng thế là Apôllônia đã chết, rằng Calô cũng không còn sống nữa. Anh nặng nhọc mấp máy môi: “Phabridiô. Thông báo với tất cả những người chăn cừu. Ai báo cho tôi biết thằng Phabridiô ở đâu, người đó sẽ được thưởng những bãi chăn tốt nhất Xixili (…)”.

Thế nhưng phải mất một tháng sau Maicơn mới bình phục hẳn, và tiếp đấy mất hai tháng nữa mới lo được đủ các thứ giấy tờ cần thiết để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc anh trở về nước Mỹ. Sau đó, anh đáp máy bay từ Palermô đến Rôma, rồi từ Rôma về Niu York. Trong suốt thời gian đó tung tích của Phabridiô vẫn biệt tăm. (Trang 530)

1b. Bây giờ thì Michael đã nhớ lại mọi chuyện. Anh biết rằng thế là Apollonia vợ anh đã chết, rằng Calo cũng không còn nữa. Anh nặng nhọc nói: “Fabrizzio. Báo với tất cả những người chăn cừu, ai báo cho tôi biết thằng Fabrizzio ở đâu, người đó sẽ được thưởng những bãi chăn tốt nhất Sicily (…)”.

Thế nhưng phải mất một tháng sau Michael mới bình phục hẳn, và tiếp đấy mất hai tháng nữa mới lo được đủ các thứ giấy tờ cần thiết và mọi xếp đặt đã xong xuôi. Sau đó, anh đáp máy bay từ Palermo đến Roma, rồi từ Roma về Ne w York. Trong suốt thời gian đó tung tích của Fabrizzio vẫn biệt tăm. (Trang 450)

Chương 29:

1a. Haghen gật đầu: "Chuyện đó chẳng có gì phức tạp. Tôi đã tính ra hết ngay từ đầu. Trừ một điểm - tại sao anh lại gạt tôi ra rìa. Nhưng khi tôi, nói một cách hình ảnh, - đã đội lên đầu cái mũ Xixili, thì cuối cùng cũng đã tính ra cả cái đó nữa”.

Maicơn cười ha hả: “Thì ông già cũng đã nói với tôi như vậy. Nhưng tôi không thể cho phép mình lãng phí như vậy nữa. Tôi cần có anh ở đây. Ít ra là trong mấy tuần sắp tới. Anh hãy gọi điện về Lax Vegax báo cho bà xã biết. Nói là chỉ ở lại vài tuần thôi”. (Trang 624)

1b. Haghen gật đầu: "Chuyện đó chẳng có gì phức tạp. Trừ một điểm - tại sao anh lại gạt tôi ra rìa? Nhưng khi tôi, nói một cách hình ảnh, đã đội lên đầu cái mũ Sicily, thì cuối cùng đã hình dung ra cả cái đó nữa”.

Michael cười ha hả: "Thì ông già cũng đã nói với tôi như vậy. Nhưng đó là một sự xa hoa. Tôi không thể cho phép mình lãng phí như thế nữa. Tôi cần có anh ở đây. Ít ra là trong mấy tuần sắp tới. Anh hãy gọi điện về Las Vegas báo cho bà xã biết. Nói là chỉ ở lại ít tuần thôi”. (Trang 546)

2a. Cô thấy chồng có vẻ không bằng lòng trước những lời nài nỉ của cô, nghĩ rằng anh sẽ gạt phắt đi. Nhưng Kêi ngạc nhiên thấy anh gật đầu: “Thôi được… Nhưng anh không thể rời khỏi nhà được. Em bảo vợ chồng nó mời linh mục về làm lễ tại đây. Anh chịu hết mọi phí tổn. Nếu gặp khó khăn gì về phía chức sắc nhà thờ, em bảo Haghen thu xếp giùm”.

Vậy là vào ngày hôm trước buổi hẹn gặp với Bardini, Maicơn Côrleône đến dự lễ xức dầu cho con trai đầu của Cônni và Carlô với tư cách là cha đỡ đầu - Bố Già - của đứa bé. Anh tặng thằng nhỏ một chiếc đồng hồ đeo tay đắt tiền với sợi dây bằng vàng. Nhân sự kiện này vợ chồng Carlô tổ chức một bữa tiệc tại nhà riêng, mời các caporegimes Texxiô và Clemenxa, Haghen, Lampône và tất cả mọi người ở trong khu cư xá, dĩ nhiên là cả bà trùm Côrleône cùng đến mừng cháu ngoại. Nhưng người sướng nhất là Cônni, suốt cả buổi tối cô ta cứ tìm cách ôm hôn anh trai Maicơn với chị dâu Kêi. Cả Carlô Ritdi cũng cảm động đến phát khóc, rối rít lắc tay Maicơn và hễ gặp dịp thuận tiện là lại theo tục lệ cũ, gọi anh là Bố Già. Cả Maicơn cũng chưa bao giờ vui vẻ hào hứng như thế. Cônni sung sướng ghé tai Kêi thầm thì: “Chị xem kìa… em nghĩ anh Maicơn và Carlô bây giờ đã thân nhau thật sự rồi. Những dịp như thế này bao giờ cũng làm người ta gần nhau hơn”. (Trang 628)

2b. Cô thấy chồng có vẻ không bằng lòng trước những lời nài nỉ của cô, nghĩ rằng anh sẽ gạt phắt đi. Nhưng Kay ngạc nhiên thấy anh gật đầu nói "Ok". "Nhưng anh không thể rời khỏi nhà được. Em bảo vợ chồng nó mời linh mục về làm lễ tại đây. Anh chịu hết mọi phí tổn. Nếu gặp khó khăn gì về phía chức sắc nhà thờ, Hagen sẽ thu xếp giùm."

Vậy là vào ngày hôm trước buổi hẹn gặp với Barzini, Michael Corleône đến dự lễ xức dầu cho con trai đầu của Connie và Carlo với tư cách là Cha thánh của đứa bé. Anh tặng thằng nhỏ một chiếc đồng hồ đeo tay đắt tiền với sợi dây bằng vàng. Nhân sự kiện này vợ chồng Carlo tổ chức một bữa tiệc tại nhà riêng, mời các caporegimes, Hagen, Lampone và tất cả mọi người ở trong khu cư xá, dĩ nhiên là cả bà góa ông trùm Corleone. Connie quá vui sướng xúc động nên cứ ôm hôn anh trai Michael với chị dâu Kay suốt cả buổi tối. Cả Carlo Rizzi cũng cảm động, nắm chặt tay Michael và hễ gặp dịp thuận tiện là lại theo tục lệ cũ, gọi anh là Cha thánh. Chính Michael cũng chưa bao giờ nhã nhặn, hào hứng như thế. Connie sung sướng ghé tai Kay thì thầm: "Em nghĩ anh Michael và Carlo bây giờ đã thân nhau thật sự rồi. Những dịp như thế này bao giờ cũng làm người ta gần nhau hơn". (Trang 550)

Và đây là chương 31, chương gần cuối:

1a. Chiếc limousin thứ hai đưa Kêi cùng bọn trẻ về Niu Hempsiơ thăm ông bà ngoại. Riêng Maicơn phải ở lại để giải quyết công việc.

Nhưng mới tối hôm trước Maicơn lại báo Carlô hay rằng anh buộc phải giữ hắn lại đây ít hôm, nhưng cùng lắm cuối tuần hắn cũng xuống với vợ con. Cônni bực lắm, gọi điện cho Maicơn, nhưng lần nào cũng bị trả lời là anh đã vào thành phố. Bây giờ cô lại đưa mắt nhìn lên nhà nhưng chẳng thấy: Maicơn đang bàn công việc với Tom Haghen và ra lệnh không ai được quấy rầy. Cônni hôn từ biệt chồng và ngồi vào xe. (Trang 646 - 647)

1b. Chiếc limousin thứ hai đưa Kay cùng bọn trẻ về New Hampshire thăm ông bà ngoại. Riêng Michael phải ở lại cư xá để giải quyết công việc.

Nhưng mới tối hôm trước Michael lại báo Carlo hay rằng anh buộc phải giữ hắn lại cư xá ít hôm, nhưng cùng lắm cuối tuần hắn cũng xuống với vợ con. Connie bực lắm, gọi điện cho Michael, nhưng lần nào cũng bị trả lời là anh đã vào thành phố. Bây giờ cô lại đưa mắt nhìn lên nhà tìm anh nhưng Michael đang bàn công việc với Tom Hagen và không ai được quấy rầy. Connie hôn từ biệt Carlo và ngồi vào xe. (Trang 566)


*


Bạn đọc cứ tin tôi đi, có thể trích như thế vô cùng tận, nhưng thiết nghĩ chừng này cũng đã thừa! Những đoạn, những câu giống nhau "nguyên xi" phải đến quá nửa, hai phần ba cuốn sách; những câu chỉ thay, bớt, thêm một vài từ, đảo chữ... cũng chiếm khoảng một phần ba, một phần tư; còn lại may ra mới là "bản quyền sáng tạo" của Giang Hà (Tôi nói "may ra" là vì, theo lời chú đầu sách, dịch giả có tham khảo "một số bản dịch khác", tôi không biết sự "tham khảo" đó chiếm thêm bao nhiêu phần trăm trang sách nữa?)

Cụ đồ mù Nguyễn Ðình Chiểu dạy Dù đui mà giữ đạo nhà... Tiên sinh (hay "hậu" sinh?) Giang Hà chắc không phải đồ, cũng không đui? Về thể chất hẳn là không, nhưng làm sao Giang Hà không thấy những điều không thể không thấy?

Và nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin nữa (một nhà xuất bản gần đây nổi lên với những vụ thật... thơm tho!) có trách nhiệm, hoặc chí ít, một ý kiến gì không?

Vậy, chắc là vẫn có "đui" một cái gì đấy.

Dù đui mà vẫn đạo... văn!

© 2006 talawas