trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
12.9.2006
Nguyễn Huệ Chi
Một kiến nghị gửi lên tân Thủ tướng
 
Trên tờ báo mạng VnExpress ra ngày 7-9-2006 có đưa tin: "Ngày 6/9, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng". Theo Nghị quyết này thì Thủ tướng có quyền tạm đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực HĐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chức vụ khác do Thủ tướng bổ nhiệm, nếu những người đảm nhiệm các chức vụ đó có dấu hiệu tham nhũng hoặc có hành vi gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức đang thi hành nhiệm vụ. Riêng đối với những cán bộ ở Trung ương có chức vụ cao hơn cấp Thứ trưởng, Thủ tướng có quyền kiến nghị với tổ chức và người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác nếu có hành vi như trên. Đây là một tin đáng khích lệ. Người dân hy vọng và chờ đợi Nghị quyết vừa được Chủ tịch nước cầm bút phê duyệt sớm đi vào cuộc sống vốn đang ngổn ngang quá nhiều chuyện gây bức xúc ngày càng lớn cho nhiều tầng lớp nhân dân, từ thành thị đến nông thôn, từ trung ương đến các làng xã heo hút, từ những vụ việc tầy đình ai cũng biết đến những thảm kịch đang xẩy ra hàng ngày mà báo chí đưa tin không xuể.

Chỉ riêng chuyện đất đai, ngoài 10 vụ nổi cộm từ mấy năm nay giải quyết xem ra còn quá ỳ ạch, hoặc giải quyết theo kiểu “đánh bùn sang ao” như vụ “xẻ thịt” lòng hồ Trị An làm dư luận vô cùng nhức nhối, thì ở bất kỳ tỉnh huyện xã nào cũng đầy dẫy “sự cố” nổi cộm không kém, tuy tầm mức nhỏ hơn, như những thứ ung nhọt mưng mủ rải rác khắp cơ thể. Từ cụ già Nguyễn Đình Tần 85 tuổi 40 năm qua cặm cụi khai hoang ở vùng biển Đông Minh, huyện Tiền Hải, do trót không kê khai đăng ký quyền sử dụng đất nên bị thu hồi lô đất khai hoang 460 m2 khi một con đường đi qua bên cạnh mới mở ra, đất đai ở đấy trở nên có giá; hoặc bà Trần Thị Ngọ 93 tuổi ở Bà Rịa-Vũng Tàu, con nhà cách mạng gộc, huy chương kháng chiến, có chồng là liệt sĩ, đã 20 năm bôn ba khiếu kiện không mỏi vì năm 1986 sau khi hợp tác xã thất bại, mảnh đất 5,7 ha sinh sống của gia đình bà góp vào hợp tác xã chẳng biết bay biến đi đâu; hoặc nữa bà mẹ anh hùng Lê Thị Vinh hơn 100 tuổi ở làng Đà Tốn, huyện Gia Lâm, sống tại một xã được phong là xã anh hùng thế mà vô cớ bị chính quyền xã đập phá nhà cửa và cướp cả mảnh đất mà cháu bà đã mua từ sau khi đi lao động ở Liên Xô trở về để bán cho công an huyện; lại nữa trường hợp chị Triệu Thị Doanh, dân tộc Nùng, vợ liệt sĩ, ở xã La Hiên, huyện Võ Nhai bị chính quyền huyện xã cưỡng chế phá nhà, chiếm phần đất thổ cư 400 m2 giao cho người khác ở và cả mảnh đất canh tác của chị nằm trong số 7.760 m2 do huyện tự động bán cho nhà máy xi măng La Hiên, khiến chị lặn lội đi kiện đến nỗi bị gẫy chân; lại thêm anh thương binh Nguyễn Xuân Hiền có hai anh trai là liệt sĩ ở Từ Liêm, bị chiếm đoạt 250 m2 đất từ lâu anh mua lại của người khác có giấy tờ hợp thức v.v... Nhiều lắm lắm. Cho đến hàng chục vạn người nông dân trắng tay mất đất mà không biết kêu ai ở hầu khắp các tỉnh thành trong nước, chỉ vì bị quan lại các cấp “phù phép” biến những mảnh ruộng trồng trọt của họ thành đất thổ cư sở hữu riêng của các vị, họ hàng thân cận với các vị, hoặc thành các khu du lịch, nghỉ mát, sân golf, định cư, liên hợp xí nghiệp... của các công ty, doanh nghiệp có mối quan hệ “sân sau”, “hữu hảo” với chính quyền, với một giá rẻ như bèo. Nỗi đau thấu trời của nông dân, 80% trong 82 triệu dân Việt, “đội quân chủ lực của cách mạng” suốt 60 năm qua thực nói không kể xiết. Dễ hiểu, Sắc lệnh của Chủ tịch nước ký ngày 6/9 đã trở thành chút tín hiệu le lói cho niềm tin của những con người mà hình như dưới chế độ nào cũng không thoát thân phận “thấp cổ bé miệng” ấy.

Điều thú vị là cũng trên VnExpress ngày 7-9-2006, lại có đưa một tin khá giật gân về vụ án đất đai ở Đồ Sơn - vụ án tuyên xử sơ thẩm ngày 28/8 đã gây nên cả một làn sóng công phẫn khắp từ Nam đến Bắc, khiến Thủ tướng phải “kiến nghị” với VKSNDTC phối hợp TANDTC xem xét lại, vì nếu không, chắc hẳn đó sẽ là một “sự kiện” để bia nghìn đời trong lịch sử ngành tư pháp XHCN Việt Nam. Tin giật gân gây sửng sốt cho nhiều người có đầu đề như sau: “Bí thư Hải Phòng xin xử nhẹ tội cho quan chức nhúng chàm”. Nội dung chi tiết: Trước phiên xử sơ thẩm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thuận có ý kiến, VKSND và TAND Hải Phòng cần tôn trọng quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự của VKSNDTC với nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Chu Minh Tuấn. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, có thể xử phạt các bị cáo [còn lại] dưới khung hình phạt quy định (nguyên văn in đậm - NHC). Bản tin còn đưa thêm, theo báo cáo của TAND Hải Phòng, do chỗ các bị cáo trước khi bị khởi tố đều là cán bộ thuộc diện Thành ủy Hải Phòng quản lý nên theo quy chế, TAND và VKSND Hải Phòng đã phải báo cáo Thường trực Thành ủy. Và tại cuộc họp báo cáo đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thuận đã chỉ đạo theo hướng xử “nhẹ nhàng”, rằng: “cơ quan tố tụng Hải Phòng cần tôn trọng quyết định của VKSNDTC đối với ông Chu Minh Tuấn (miễn truy cứu trách nhiệm hình sự). Trong khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo khác, cần xem xét toàn diện và bảo đảm mặt bằng so với các vụ việc tương tự đã giải quyết tại địa phương và trên toàn quốc”. Ông Thuận đã đưa ra một minh chứng mang tính gợi ý: "vụ án xảy ra ở lòng hồ Trị An đã không xử lý hình sự" (Theo báo Tuổi trẻ ra ngày 8/9 thì nguyên văn câu nói của ông Thuận là: “Vụ lòng hồ Trị An to như thế còn chẳng đi đến đâu nữa là vụ này...”). Căn cứ vào cáo trạng, VKSNDTC đề nghị truy tố 3 bị can Vũ Đức Vận (nguyên Bí thư Thị ủy Đồ Sơn), Hoàng Anh Hùng (nguyên Chủ tịch UBND thị xã) và Lưu Kim Thái (nguyên Phó chủ tịch) tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 1 điều 281 Bộ luật hình sự (cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm). Tuy nhiên, ông Thuận cho rằng: "Nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể xử phạt các bị cáo dưới mức khung hình phạt quy định tại khoản 1, điều 281 Bộ luật hình sự". Cũng vì lý do đó mà “ngày 28/8, bản án do Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND Hải Phòng tuyên khá trùng khớp với ý kiến của Thành ủy Hải Phòng”. Còn về việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự ông Chu Minh Tuấn, thì cũng VnExpress cho biết, chính VKSNDTC thừa nhận, ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, lãnh đạo Hải Phòng đã có văn bản xin miễn tố cho các quan chức liên quan đến vụ đất đai Đồ Sơn. Tháng 10-2005, UBND Hải Phòng đã có văn bản gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và VKSNDTC, đề nghị miễn xử lý hình sự ông Chu Minh Tuấn. Lý do là ông Tuấn “có thành tích trong quá trình công tác và sức khoẻ không đảm bảo”. Tháng 3-2006, UBND Hải Phòng lại gửi tiếp văn bản tới VKSNDTC đề nghị miễn truy tố cho hai ông Chu Minh Tuấn và Hoàng Anh Hùng. Lý do miễn truy tố lần này là “người phạm tội chưa để xảy ra hậu quả về kinh tế, cá nhân sai phạm đã được xử lý hành chính kịp thời, và bộ máy cũng đã được kiện toàn”. Theo ông Mai Anh Thông, Vụ phó Vụ I VKSNDTC, người được phân công trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án Đồ Sơn cho biết, chính vì chịu ảnh hưởng bởi các công văn xin miễn giảm của UBND thành phố Hải Phòng, nên ông đã quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Tuấn vào ngày 8/5 (một ngày trước khi ra cáo trạng). Ngay người Chủ tọa phiên tòa là ông Dương Văn Thành, Phó chánh án TAND Hải Phòng, cũng “trăn trở” vì cảm thấy việc miễn truy tố cho ông Tuấn là bất ổn, và được sự thống nhất của ông Chánh án, đã hai lần làm công văn gửi sang VKSND Hải Phòng đề nghị trả lại hồ sơ vụ án. Nhưng vì “cấp trên đã có đề nghị xin, thì mình làm khác cũng khó. Như các anh cũng vậy thôi, “sếp” đã có ý kiến, thì mình phải tuân theo chứ” (TintứcOnline ngày 8/9).

Thì ra là vậy. Một vụ án thuộc một trong mười vụ án đất đai kinh hoàng trên cả nước, được xử đúng vào lúc Luật chống tham nhũng của Nhà nước ra đời và bắt đầu có hiệu lực, vào lúc Cơ quan chống tham nhũng của Nhà nước vừa thành lập và chuẩn bị thi thố nhiều kế sách đang được hy vọng sẽ... tài tình còn hơn Bao Chửng, ấy thế mà một vị Bí thư Thành ủy và một UBND thành phố lại nhúng tay vào để biến nó thành... trò đùa, với mức án miễn tố cho một bị can, đồng thời “cảnh cáo” đối với 3 bị can khác cùng với số tiền phạt “mỗi người 50.000 đồng” - mức phạt khôn xiết ưu đãi đến nỗi có người bảo nếu đi xe máy trên đường lỡ có dừng lấn vào vạch vôi, bị CSGT tuýt còi thì đưa số tiền bằng cỡ ấy họ cũng chẳng thèm cầm. 50.000 đồng, chỉ cần bớt đi chút xíu là vừa chẵn giá tiền 2 bát phở Cali ở các quán ăn do một Việt kiều về đầu tư tại Hà Nội và Sài Gòn từ vài năm nay! Người ta tự hỏi: người chịu trách nhiệm việc UBND Hải Phòng gửi công văn lên VKSNDTC là ai sao không thấy nêu đích danh? Chúng tôi được biết cũng qua báo Tuổi trẻ số ra ngày 8/9, rằng cả hai công văn đều do ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố ký. Nhưng dẫu là ai thì ông Chủ tịch UBND thành phố cũng liên đới trách nhiệm trong việc ấy. Cao hơn nữa, ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thuận lại càng liên đới vì ông là người thay mặt Đảng lãnh đạo toàn diện ở thành phố Hải Phòng. Nay báo chí phanh phui mới rõ, ông đã “trực tiếp hướng dẫn TAND Hải Phòng tuân thủ phán quyết của VKSNDTC miễn trừ cho ông Tuấn”. Đầu mối cuối cùng có phần chắc là ở một tay ông. Phải chăng đây là minh chứng rõ rệt nhất của hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” cực kỳ khôn khéo? Kể ra, giữa thời buổi kinh tế thị trường rất khó “định hướng” hiện nay, có cái nhìn bao dung, nhân ái đối với thuộc cấp, nhằm động viên họ đoàn kết, gắn bó trong công tác quản lý đất nước để giữ vững đường lối của Đảng, là phẩm chất đáng quý của người lãnh đạo, rất tiếc hình như ở trường hợp ông Nguyễn Văn Thuận lại hơi sai nguyên tắc. Giả định nếu đó là xuất phát từ “tình yêu giai cấp”, nền tảng đạo lý của giai cấp vô sản, thì lại cũng cần phải biết đến một nguyên lý trị nước rất quan trọng - nguyên lý hồi tị - mà cha ông ta đã truyền bảo từ lâu:

Thương anh em để trong lòng,
Việc quan em cứ phép công em làm.
(Phạm Tải Ngọc Hoa)

Và chính vị Cha Già của toàn Đảng cũng đã từng tuân thủ nghiêm phép tắc muôn đời đó dưới thời kháng chiến chống Pháp trong vụ án tham nhũng của vị Đại tá có thành tích cách mạng đầy mình là Trần Dụ Châu. Nay một người lãnh đạo như ông Thuận nỡ để tình yêu giai cấp lấn át cả nguy cơ sống còn của đất nước, vô tình biến luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành hài hước để Việt Nam mất uy tín trên trường quốc tế hay sao?

Nhưng biết đâu... Biết đâu đấy chẳng phải là chuyện tình yêu giai cấp gì cả mà chỉ vì những lý do sâu kín hơn - ấy là thử mạo muội suy diễn một chút: chẳng hạn trong vụ chia chác đất đai ở Đồ Sơn các vị lãnh đạo thành phố Hải Phòng lại không phải là những người hoàn toàn vô can? Tôi nhớ, trước kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X diễn ra không lâu, tên tuổi một vài vị nào đó đã được không ít đơn thư và báo mạng đề cập. Nếu suy xét theo hướng này thì vấn đề còn rắc rối hơn nhiều. Dầu sao, hãy cứ tạm bỏ qua tất cả những luận bàn khi mọi sự vẫn còn chưa sáng tỏ. Hãy kiên nhẫn chờ đợi, như cái bản tính quen chờ đợi đã từ 60 năm nay của người dân Việt Nam. Trở lại với Sắc lệnh do Chủ tịch nước vừa mới ký. Sắc lệnh cho phép công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong đó quy định: Thủ tướng có quyền tạm đình chỉ hoặc kiến nghị với tổ chức và người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ công tác đối với những người có dấu hiệu tham nhũng, hoặc có hành vi gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức nào đây? Tôi nghĩ, hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp trong việc xét xử các vụ án tham nhũng đương nhiên phải được coi là hoạt động chống tham nhũng. Hẳn rồi. Đứng về cấp bực, Tòa án sơ thẩm vụ án Đồ Sơn vừa qua chỉ là cơ quan luật pháp của nhà nước ở cấp thành phố thôi, nhưng nó lại đang thực thi việc chống tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn nên nó cũng là cơ quan, tổ chức chân rết của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng vừa mới thành lập. Đúng quá. Vậy thì, việc một người hay một nhóm người “can thiệp” vào hoạt động cụ thể của cơ quan, tổ chức chống tham nhũng ở một địa phương, đưa đến hậu quả “xử không đúng tội” và “bỏ lọt tội phạm”, làm cho nhân dân cả nước mất tin tưởng vào chủ trương quyết tâm chống tham nhũng của Đảng Cộng sản, người ấy có đáng xếp vào điều khoản “có hành vi gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng” của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, cần được xem xét “tạm đình chỉ chức vụ công tác” như trong bản Nghị quyết vừa được Lệnh của Chủ tịch nước long trọng ban bố hay không? Chỉ hiềm một nỗi, vị quan chức mà tôi muốn lưu ý Thủ tướng lại không thuộc vào các chức vụ Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh mà Nghị quyết Quốc hội cho phép Thủ tướng có quyền trực tiếp tạm đình chỉ nếu thấy cần thiết. Ông thuộc diện “trung ương quản lý”. Còn nhớ trước đây không lâu, dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Đào Đình Bình Bộ trưởng Bộ GTVT phạm nhiều sai sót bị dư luận rộng rãi lên án, đòi bãi nhiệm, vậy mà Thủ tướng Khải vẫn phải “vuốt bụng” để ông được miễn nhiệm cùng với mình một lúc, thậm chí trong nhiều kỳ họp Quốc hội, ông còn cứng cỏi nói xa nói gần rằng cái thân thế mình đây là do cấp rất cao phụ trách, xin Quốc hội cũng như Thủ tướng chớ có “sờ vào”. Tình trạng ấy của cơ chế quyền lực ở Việt Nam mới gay làm sao! Đành là phải xin tân Thủ tướng cân nhắc đến khả năng thứ hai: kiến nghị lên một cấp cao hơn để họ phán quyết về hậu quả của hành vi nhúng tay hơi sâu vào bộ máy tư pháp của người lãnh đạo đứng đầu một thành phố trọng điểm (cho dù hành vi đó có thể là công tâm đi nữa). Không biết như vậy có nên chăng? Nhưng đây cũng chính là dịp may hiếm có tìm được “hòn đá thử vàng” đầu tiên để người dân đánh giá sức mạnh và tính sắc bén của Nghị quyết vừa ban hành chưa ráo mực. Và may ra sẽ là một tiền lệ để những người có nhiều chức quyền không dám hành động “qua mắt” Thủ tướng, Chủ tịch nước và Quốc hội như tình trạng phổ biến ở Việt Nam suốt nhiều năm rồi mà một vài vị đứng đầu Nhà nước khóa trước đã từng than phiền: “Trên bảo dưới không nghe”.

Kính mong Thủ tướng xem xét ý kiến của một công dân sống ngay tại Thủ đô Hà Nội.


Ngày 8 tháng 9 năm 2006

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học

(Bản kiến nghị trên đây đã được gửi lên ông Nguyễn Tấn Dũng. Trong ngày 8 tháng 9 tác giả đã gửi đến một số tờ báo hàng ngày trong nước nhưng đều được trả lời là không tiện đăng vì “hơi dài”.)

© 2006 talawas