trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
18.10.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Cùng nhau hướng tới tương lai
 
Ai đã từng có cuộc sống hôn nhân, nhất là những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, hẳn có nhiều kinh nghiệm về chuyện tranh luận, tranh cãi giữa vợ chồng.

Hai người đều nói và không ai chịu nghe ai. Mỗi người chỉ nghe chính mình chứ không nghe người kia nói. Người nghe hiểu theo ý mình chứ không theo ý người nói. Luôn nghĩ người kia cố ý xúc phạm mình. Nghĩ một đằng nhưng lại nói ra điều khác hẳn. Nói ra và hối hận ngay về những điều mình nói nhưng không thể sửa chữa. Thấy rõ người kia hiểu sai ý mình nhưng không có cách gì giải thích. Càng giải thích càng đưa đến ngộ nhận nhiều hơn. Nói chuyện này lại liên tưởng đến chuyện khác, dây mơ rễ má những chuyện xưa tích cũ dồn nén bao năm. Càng nói cơn giận dữ càng tăng lên, sự giận dữ của người này kích động sự giận dữ của người kia, có khi bộc phát thành hành động thô bạo không thể kềm chế. Tranh cãi nhiều khi không đưa đến đồng thuận mà chỉ đào sâu thêm hố ngăn cách.

Sự tranh cãi chỉ tạm lắng khi một người hay cả hai cùng bình tâm lại, lắng nghe và không phán xét, cố hiểu và chia sẻ với người đối thoại mình. Sự hoà thuận chỉ đến khi một hoặc cả hai người có được cảm thông, bao dung và tha thứ. Sự tranhh cãi chỉ chấm dứt khi một người “chịu thua”. Có khi người “chịu thua” đó mới là người thắng, thắng trong ý hướng giải quyết bất đồng, tạo nên hoà thuận. Còn không, kết quả chỉ là đổ vỡ hay kéo dài sự bất đồng không lối thoát.

Tôi thường liên tưởng đến sự tranh cãi trong đời sống hôn nhân khi nghĩ về cuộc tranh cãi chính trị hiện nay giữa các thành phần tham dự cuộc chiến tranh ngày nào, đã qua, đã lâu mà hình như vẫn còn rất mới. Dĩ nhiên đây không phải là so sánh. Vì với hôn nhân, hai người trong cuộc đã từng yêu nhau, chia sẻ hạnh phúc và dự ước tương lai, giữa hai cá nhân, còn trong chiến tranh là hai phe đối địch, với số đông, tìm cách tiêu diệt nhau để giành chiến thắng. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là những hình thái và kết cục của những cuộc tranh cãi này có khi lại giống nhau một cách lạ lùng.

Thoát hẳn ra khỏi chính mình để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan là điều vô cùng khó khăn, hầu như không thể được. Vì nhận thức là chủ thể nhận thức. Không có chủ thể làm sao nhận thức. Chủ thể là chủ quan, không thể khách quan. Chủ thể đây là con người, thành tố tổng hợp của hoàn cảnh sống, tri thức, tâm trạng, tình cảm trong một thời gian dài, trong đó tự hào, hạnh phúc, đau thương, tủi nhục, mất mát, căm hận trộn lộn. Và mỗi người không thể không nhìn qua lăng kính của mình.

Tôi tự nghĩ mình là người luôn tự vấn, phản tỉnh nhưng cũng không thể hoàn toàn thoát khỏi những định kiến về chính mình và người khác nên cách suy nghĩ có thể có lúc thiếu công bằng hay có phần tự biện minh mặc dù tôi đã cố gắng trình bày một cách khách quan về những gì mình đã nghĩ, đã làm. Vì thế tôi không ngạc nhiên khi thấy người khác hiểu lầm mình một cách vô tình hay cố ý. Tôi chưa bao giờ nghĩ và viết ở đâu rằng tất cả những người “quốc gia” trước đây là tay sai ngoại bang và hiện nay là hận thù mù quáng mà chỉ xác định là có một số như thế. Về những kẻ tay sai ngoại bang trước đây, chính những người “quốc gia” đã thừa nhận và lên án, không cần nhắc lại. Còn một số những kẻ hận thù mù quáng hiện nay thì ta không khó nhận ra khi vào các trang web chính trị trên mạng Internet, ở đó có những kẻ gào thét đòi “băm vằm, tiêu diệt đến người cộng sản cuối cùng”.

Tôi cho rằng có thể người ta không đọc kỹ hoặc không phải người ta không hiểu những điều tôi viết nhưng là họ “đọc” chính họ, với mặc cảm bị xúc phạm và đã phản xạ như một điều tất yếu.

Tôi biết có những người tài giỏi, thông kim bác cổ, đọc thiên kinh vạn quyển và cho rằng mình đã nhìn thấy chân lý. Nhưng đọc nhiều đến đâu cũng không thể đọc hết được kho tàng kiến thức về bất cứ vấn đề gì. Cách đây không lâu khi Trần Trung Đạo và tôi tham gia viết mấy bài trong chuyên mục “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” trên talawas, có một trí thức ở nước ngoài đã lên tiếng phê phán, thậm chí mạt sát chúng tôi và một vài người khác nữa là ngu dốt vì đã không đọc Hiệp định Genève cũng như những tài liệu liên quan khi chúng tôi cho rằng “Hiệp định Genève chia đôi đất nước”. Trong bài “Chiến tranh, nghệ thuật tuyên truyền và chân lý lịch sử”, khi tôi viết đại ý những phi công Mỹ lái máy bay B52 đi thả bom miền Bắc không thấy được những gì diễn ra bên dưới, nhằm mục đích truy đến tận gốc nguyên nhân chiến tranh và tội ác chất độc màu da cam, ông ta hỏi một cách mỉa mai làm sao tôi biết được điều đó, hay là các phi công Mỹ nói với tôi. Ông ta đâu biết rằng điều đó do một nữ phóng viên Mỹ phản chiến, người duy nhất được bay cùng phi công lái B52 thả bom nói ra và điều đó được đăng tải trên báo chí Việt Nam. Tôi không trích dẫn cụ thể vì tôi đã không giữ tư liệu đó nhưng ai muốn và cố công sẽ tìm ra. Trong dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng, nhà nước Việt Nam đã mời rất nhiều người nước ngoài từng tham dự hay chứng kiến cuộc chiến đến Việt Nam và báo chí đã đưa tin, viết rất nhiều về họ trong mục đích tuyên truyền.

Tôi đã không trả lời vị trí thức trên (và hình như Trần Trung Đạo cũng thế) vì tôi không thể đối thoại với người tự cho mình vô cùng thông thái, độc quyền chân lý và mở miệng ra là mạt sát người khác bằng những lời lẽ không có chút gì văn hoá.

Còn về Hiệp định Genève 1954 hay Hịêp định Paris 1973 về Việt Nam dĩ nhiên tôi có đọc, thậm chí tôi còn từng làm chủ tịch một tổ chức gọi là “Lực lượng nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris” ở một địa phương. Tôi không đọc được nhiều nhưng cũng đọc một số tư liệu liên quan đến hai hiệp định này nhưng tôi, và tôi nghĩ phần lớn người dân Việt Nam bình thường, hiểu hai hịệp định này một cách giản đơn và thực chất mà không cần truy lùng hàng trăm ngàn tài liệu ở đâu đó. Dĩ nhiên tôi cũng không phản đối hay không thấy giá trị trong việc nghiên cứu những tư liệu giúp làm sáng tỏ thêm những vấn đề uẩn khúc của lịch sử, nhất là trong thời kỳ số phận đất nước lệ thuộc rất nhiều vào các cường quốc trong cuộc chiến tranh và rất nhiều âm mưu thủ đoạn, cũng như nhiều cuộc đi đêm, thoả hiệp đã được các bên thực hiện vì lợi ích của chính mình, bất chấp đạo lý hay những lời cam kết với đồng minh.

Tuy nhiên sự thật lớn nhất là niềm đau của nhân dân Việt Nam, là những gì mà người dân hai miền Nam - Bắc đã gánh chịu trong cuộc chiến tàn khốc đó chứ không phải là ngôn từ trong các bản hiệp định. Dù hiệp định đó đã được viết với những tính toán như thế nào của các bên, ai ký, ai không ký, ai vi phạm thì sự thật là đất nước đã bị chia cắt làm hai miền trong bấy nhiêu năm. Cho nên nói “Hiệp định Genève chia đôi đất nước”, như cách nói thông thường của phần lớn người Việt Nam, không có gì sai mà còn diễn tả đúng sự thật lớn nhất, đau lòng nhất của đất nước trong một thời kỳ.

Năm 1964, thời còn là sinh viên, có lần tôi đã đi cùng với tráng đoàn hướng đạo Bạch Mã trong một chuyến du khảo ra thăm cầu Hiền Lương, đứng bên này sông nhìn sang bên kia bờ và lắng nghe trong mình dậy lên niềm đau chia cắt. Hơn 20 năm sau ngày thống nhất đất nước, tôi mới có dịp dến thăm cầu Hiền Lương lần nữa. Lần này tôi có thể đi sang bờ bên kia, đến tận nơi, chụp hình bên cạnh một tượng đài không ra hình thù gì cả, trên đó có ghi “Cột mốc giới tuyến quân sự tạm thời 54-75” như ngôn từ trong văn bản của Hiệp định Genève và tôi thấy nó không có nghĩa gì cả. Tôi nhìn con sông Bến Hải, con sông đã đi vào lịch sử như một nhát dao chia cắt, một vết chém ngang lưng đất nước, tôi thấy tội nghiệp vô cùng cho con sông bé nhỏ và đất nước Việt Nam nhược tiểu trong cuộc tranh chấp kinh hoàng của ý thức hệ, của lợi quyền dân tộc, phe phái, tập đoàn trên phạm vi toàn thế giới mà Việt Nam là nạn nhân đau thương nhất. Cũng tương tự, Hiệp định Paris năm 1973 có tên gọi là “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình…” (tôi viết theo trí nhớ) nhưng chiến tranh chấm dứt và hoà bình lập lại không phải do hiệp định mà bằng cuộc tổng tiến công và chiến thắng của một phía. Chưa kể cho đến tận hôm nay có nguời vẫn còn đặt câu hỏi mọi hình thái chiến tranh đã chấm dứt chưa và hoà bình đã thực sự có chưa nơi tâm hồn của những con người vẫn còn những vết thương không sao kín miệng. Những câu chữ trong các văn bản, hiệp định, tuyên bố, tuyên ngôn, diễn văn gì gì đó nhiều lúc chẳng có nghĩa lý gì trước thực tiễn của con người và đất nước, đôi khi chẳng có gì khác hơn là sự lìa bịp.

Vậy thì sự thật, chân lý lịch sử nằm ở đâu? Hình như chân lý nói chung và chân lý lịch sử nói riêng cũng rất tương đối. Nhiều người biết rõ lịch sử do các thế lực thống trị đất nuớc viết nên đều luôn luôn viết có lợi cho mình và không ngần ngại bóp méo cái gọi là sự thật lịch sử, nhất là những gì liên quan đến các triều đại, chế độ, thế lực đã bị lật đổ. Và từng cá nhân cũng chỉ nhìn nhận lịch sử theo hoàn cảnh mình sống. Bài viết của Huỳnh Phan tham gia cuộc tranh luận trên talawas nói lên khá rõ điều đó. Người ở thành thị miền Nam sống bình yên, no đủ thường đứng về phe quốc gia và lên án các hành động pháo kích, đặt mìn… của cộng sản. Người ở nông thôn nghèo khổ, chịu đựng các cuộc hành quân bố ráp, lùng bắt cộng sản của quốc gia thường có cảm tình với Mặt trận và tham gia du kích hay “vô bưng, nhảy núi”. Người ở miền Bắc căm thù đế quốc Mỹ xâm lược và quyết tâm giải phóng miền Nam. Dĩ nhiên nói cho rõ, đây chỉ là xác định hiện tượng, chưa truy tìm nguyên nhân và không phải tất cả nhưng phần lớn thái độ và lựa chọn của nhân dân ở các miền là như thế. Vậy thì ai đúng ai sai? Ai có quyền lên án và ai đáng bị lên án? Chân lý nằm ở đâu và tiêu chuẩn nào để xác định chân lý trong cuộc tranh luận khi chỉ vì những lựa chọn hay “bị lựa chọn” đó mà máu đã đổ và thù hận đã dậy lên ngút ngàn lịch sử?

Tôi còn được nghe một người “quốc gia” kể sau khi ở tù cải tạo hơn 10 năm trở về nêu ra và trao đổi với bạn bè đồng cảnh ngộ của mình một vấn đề hóc búa. Nếu trong cuộc chiến vừa qua, phe Việt Nam Cộng hoà thắng thì những người quốc gia sẽ đối xử như thế nào với những người cộng sản chiến bại, tốt hơn hay tồi tệ hơn những gì người cộng sản đã làm? Tôi không được biết cụ thể về nội dung cuộc trao đổi đó và vấn đề được đặt ra hoàn toàn là một giả thiết, nhưng cách đặt vấn đề như thế thật đáng suy ngẫm. Nó cho ta một cái nhìn hai chiều, nhiều chiều và từ đó có thể khách quan, công bằng hơn trong mọi nhìn nhận về những vấn đề lịch sử.

Trao đổi, tranh luận với sự chân thành, thiện chí, tôn trọng lẫn nhau, thông thường cần thiết để thông cảm, đi đến đồng thuận, giải quyết vấn đề nhưng cũng có những trường hợp tranh luận không sao ngã ngũ và kết cục đáng buồn. Trong những trường hợp đó, không tranh luận hay dừng lại đúng lúc có khi tốt hơn. Lắng nghe, bình tâm, chiêm nghiệm và tự rút ra kết luận hay bỏ qua vấn đề để cùng huớng về tương lai lại có thể mang đến nhiều điều hữu ích hơn. Do đó mặc dù đồng ý với Phương Duy rằng “Tranh luận càng sâu, càng nhiều chi tiết được mổ xẻ, đối thoại càng rõ ràng…” và tôi vẫn có thể trao đổi lại về từng luận điểm trong bài viết của ông, tôi lại thích làm theo cách khác, cũng của chính Phương Duy đề ra là “đồng ý về những bất đồng”.

Do suy nghĩ như thế, đáng lý ra tôi không viết bài này nhưng cuối cùng tôi đã viết vì muốn tỏ lòng biết ơn và cảm phục những người đã có thái độ đúng đắn và sự chia sẻ chân thành dù vẫn còn một số khác biệt với tôi về quan điểm như Phong Uyên, Phương Duy trong các bài viết vừa rồi (và những người khác có cùng thái độ trong im lặng, kể cả Trần Trung Đạo mà tôi “võ đoán” như thế vì cho tới nay chưa thấy anh tiếp tục lên tiếng). Điều quan trọng bây giờ là cùng nhau hướng tới tương lai.

Tương lai đó là đấu tranh cho một Việt Nam hoà bình, tự do, dân chủ và phồn vinh. Trong cuộc đấu tranh này, đấu tranh chính trị là quan trọng nhưng không phải là tất cả.

Sài Gòn 10/06

© 2006 talawas