trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
21.10.2006
Cait Murphy
Tại sao Ấn Độ sẽ vượt lên trên Trung Quốc?
Nguyễn Huân dịch
 
Bất chấp những tăng trưởng gần đây, việc đàn áp chính trị sẽ ghìm chặt chú hổ châu Á trong vòng dây xích...

Năm 1997, thay mặt hàng ngàn nông dân địa phương, Ma Wenlin, một luật sư tự học ở miền Bắc Trung Quốc, đã kiện chính quyền địa phương nhằm đòi lại các khoản thuế bị thu trái pháp luật trước đó.

Cơ hội của anh không đến nỗi là chuyện không tưởng: Nông dân làng bên vừa mới thắng một vụ kiện tương tự, chiến thắng này được báo chí Trung Quốc tuyên truyền như một bằng chứng về sự tiến bộ của hệ thống luật pháp quốc gia.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của Ma, tòa án thậm chí từ chối cả việc thụ lý vụ kiện. Rất nhiều khách hàng của anh bị gây phiền phức và bị bỏ tù vì những căn cứ của họ. Khi Ma kiên quyết theo đuổi vụ kiện, đi xa tới mức đưa đơn kiến nghị lên cấp thẩm quyền cao nhất ở Bắc Kinh, anh đã bị bắt, giam giữ, bị đánh và bị kết án về tội "phá hoại trật tự xã hội".

Bản án dành cho anh: Năm năm lao động cải tạo.

Câu chuyện của Ma Wenlin, được kể trong bài báo “Cỏ dại: Ba câu chuyện về sự thay đổi trong xã hội Trung Quốc hiện đại” của Ian Johnson, trước hết là một bi kịch cụ thể đối với anh và các khách hàng khốn khổ của anh, những người chắt chiu cả một đời khó nhọc trên cao nguyên Hoàng Thổ, để rồi cuối cùng những gì họ dành dụm được bị tước đoạt bởi các viên chức thoái hoá, tham nhũng và vô trách nhiệm.

Nhưng câu chuyện cũng gợi ra một câu hỏi lớn hơn: Liệu những xung lực tạo điều kiện cho việc trấn áp những người như Ma có làm giảm lợi thế so sánh về kinh tế của Trung Quốc?

Và nếu vậy, liệu Ấn Độ, vốn có truyền thống khác biệt căn bản với Trung Quốc: dân chủ và tự do, cuối cùng có vượt qua được Trung Quốc như một lực lượng kinh tế?

Nếu nhìn thoáng qua, câu trả lời cho câu hỏi thứ hai dường như quá rõ ràng: Không. Vào năm 1980, Trung Quốc và Ấn Độ có thu nhập đầu người gần như nhau; bây giờ Trung Quốc sắp gấp đôi Ấn Độ và tiếp tục được thúc đẩy bằng tốc độ tăng trưởng (9%) nhanh gấp rưỡi Ấn Độ. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc cao hơn gấp 10 lần và thị phần thương mại thế giới lớn gấp 5 lần Ấn Độ.

Trung Quốc có tỷ lệ người biết đọc biết viết cao hơn và cơ sở hạ tầng tốt hơn. Thường thì mất một tháng để khởi nghiệp ở Trung Quốc trong khi đó, ở Ấn Độ là ba tháng. Trung Quốc có nguồn tiền tiết kiệm lớn hơn, ít nợ hơn và ít nghèo đói hơn.

“Nếu đây là một cuộc đua, Ấn Độ đã bị vượt trước một vòng”, Tạp chí Economist đã kết luận trong một cuộc khảo sát về hai đại gia châu Á này.


Cơ sở hạ tầng chính trị

Nhưng tuy thế, bên dưới hiện tượng bề mặt ấy đang có những xu hướng gợi ý rằng Ấn Độ có thể rút gọn khoảng cách, và theo thời gian, thậm chí có thể vượt lên trước Trung Quốc. Tại sao? Bởi vì hệ thống chính trị dân chủ của Ấn Độ ổn định hơn và có khả năng chấp nhận thay đổi tốt hơn thể chế chuyên quyền ở Trung Quốc.

Thế nhưng ngay cả nhiều người Ấn Độ cũng cho rằng dân chủ là nguyên nhân dẫn đến thành tích kinh tế kém cỏi trong thời gian dài vừa qua. Họ đã nhầm. Ấn Độ đưa ra nhiều quyết định kinh tế tồi không phải vì nó dân chủ, mà vì, vâng, con người đưa ra những quyết định sai lầm.

Chí ít là nền dân chủ Ấn Độ chưa bao giờ làm những việc điên rồ như phát động chiến dịch Đại Nhảy Vọt (30 triệu người chết) hay Đại Cách mạng Văn hóa vô sản (thêm vài triệu nữa chết).

Các vị lãnh đạo Ấn Độ thuộc thế hệ đầu tiên, thế hệ gây cảm hứng, thật không may lại mang đậm lối suy nghĩ của những người xã hội chủ nghĩa Fabian [1] (giá mà Nehru đã tới, ví dụ, Chicago vào những năm 1930 thay vì tới London, thì lịch sử của Ấn Độ đã khác!). Họ tin rằng sự phát triển là do các kế hoạch của chính phủ đem lại chứ không phải từ lợi nhuận và rằng chủ nghĩa tư bản là nguồn gốc của nghèo đói.

Ấn Độ chấp nhận quan điểm này, bổ sung một chút quan điểm về sự tự cấp tự túc và đã tạo ra một nền kinh tế pha trộn chỉ có thể đạt được mức tăng trưởng với “tốc độ Hindu” (khoảng 3%) trong hai thế hệ.

Năm 1991, bị thúc đẩy bởi khủng hoảng, Ấn Độ thoát khỏi cách suy nghĩ cũ này. Từ đó, Ấn Độ trải qua một cuộc cách mạng văn hóa trong hòa bình. Những người theo tư tưởng Fabian thối lui, các doanh nhân trở thành người hùng của xã hội; và đất nước có một niềm tin mới rằng họ sẽ làm tốt trong nền kinh tế toàn cầu.

Nói ngắn gọn, Ấn Độ đang ở đỉnh điểm của một cuộc cải cách kinh tế. Tốc độ cải cách tuy không đều đặn nhưng hướng đi của nó không gì lay chuyển được. Hãy để ý đến chính quyền hiện tại của Ấn Độ, một liên minh trong đó các đảng cộng sản là những đối tác quan trọng (và những người cộng sản Ấn Độ được coi là tuân thủ học thuyết cộng sản về mặt kinh tế hơn nhiều so với những biến thể ở Trung Quốc [2] ). Ngay cả như thế, ngân sách gần đây đã cố gắng tiếp tục tư nhân hóa, mở ra các quỹ trợ cấp, cho phép đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác mỏ, cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu.

Thật khó có thể tranh cãi rằng đầu tư, cạnh tranh và giải điều tiết là xấu, là chống lại người nghèo, hoặc không mang đặc trưng Ấn khi mà việc giải điều tiết đối với ngành công nghiệp viễn thông đã giúp Ấn Độ trở thành một đất nước nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin Ấn Độ.


Thành công có thể chứng minh được

Những thành công ban đầu này đã tạo ra động lực cho những thay đổi lớn hơn, và vòng xoáy cộng hưởng bắt đầu khép lại. Bây giờ đã rõ ràng, ngay cả đối với những người cộng sản, rằng những phần đang hoạt động mạnh của nền kinh tế Ấn Độ như tân dược, phụ tùng ô tô và công nghệ thông tin đang là những phần mở nhất và điều đó không phải là trùng hợp. Những người bên ngoài cũng đã bắt đầu để ý.

Vào năm 2003, một cuộc khảo sát bởi Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp của Ấn Độ đã cho thấy rằng 40% các công ty có đánh giá tích cực về Ấn Độ như một địa chỉ đầu tư; đến năm ngoái, con số này tăng lên tới 73%.

Phần cứng của Trung Quốc - dưới dạng cầu, đường, cảng và những thứ tương tự - chắc chắn là tốt hơn nhiều so với Ấn Độ. Bất kỳ ai đã tới cả Thượng Hải và Bombay, thủ phủ kinh tế của hai nước, đều có thể nhìn ra rằng Thượng Hải là thành phố hiện đại và hiệu quả hơn.

Nhưng ở những khía cạnh quan trọng, phần mềm kinh tế Ấn Độ lại vượt xa. Các ngân hàng Ấn Độ báo cáo khoảng 10% các khoản vay xấu; Trung Quốc thừa nhận 20% và con số thực tế có thể cao gấp đôi.

Thị trường vốn của Ấn Độ hoạt động theo đúng tính chất của một thị trường vốn; thị trường vốn Trung Quốc hoạt động như một sòng bạc. Ấn Độ có nhiều kỹ sư và nhà khoa học; các doanh nhân Ấn Độ đã tạo được danh tiếng lớn hơn.

Và trong khi không một ai có đầu óc bình thường muốn tới gần những tòa dân sự tồi tàn và hồ sơ chất đống của người Ấn Độ, thì Ấn Độ là quốc gia thực sự cố gắng cầm quyền bằng pháp trị [3] . Trung Quốc, nói cho cùng, là một quốc gia sẵn sàng phá bỏ pháp trị khi đảng cầm quyền cảm thấy thích, hoặc cho rằng quyền lực của mình bị đe dọa, ngay cả khi “mối đe dọa” chỉ là một vài ngàn nông dân nghèo và luật sư của họ.

Cũng cần phải lưu ý rằng chính sách một con của Trung Quốc khiến đất nước này sẽ phải đối mặt với vấn nạn dân số già cỗi nhanh chóng sớm hơn Ấn Độ.

Kể từ năm 1992, khi Đặng Tiểu Bình quyết định mở cửa để phát triển, nền kinh tế Trung Quốc đã hoạt động hết tốc lực. Trong khoảng thời gian tương tự, Ấn Độ bắt đầu tăng tốc từ bò sang đi bộ nhanh; vào năm thuận lợi, nó có thể đạt được mức tăng trưởng là 8%. Nhưng với ví dụ về thay đổi tích cực phía sau nền kinh tế cộng với một số điều kiện thích hợp và lòng quyết tâm học hỏi thành công của Trung Quốc, sẽ không khó có thể tưởng tượng Ấn Độ tăng trưởng với tốc độ tương tự Trung Quốc.

Và tại thời điểm đó, sức mạnh thể chế chính trị của Ấn Độ (một xã hội dân sự hùng mạnh hơn và một chính quyền chịu trách nhiệm trước dân) sẽ cho nó lợi thế quyết định.

Tới thời điểm nhất định, nền kinh tế thị trường cần có độ mở hợp lý và các quyết định chính trị uyển chuyển. Ở Trung Quốc, điều này đồng nghĩa với sự kết thúc quyền lực độc quyền của Đảng Cộng sản, hoặc ít nhất là cơ hội thách thức nó mà không phải ngồi tù. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn lâu nữa mới tán đồng điều đó.

Ngay cả khi tự do cá nhân đã tiến những bước dài tại Trung Quốc trong 15 năm vừa qua, Đảng Cộng sản vẫn không nới lỏng sự thâu tóm quyền lực của mình. Sẽ dễ dàng hơn nhiều để một quốc gia dân chủ mở cửa nền kinh tế, như Ấn Độ đang làm, so với một quốc gia độc tài mở cửa chính trị, như Trung Quốc đang không làm.

Đó là lý do tại sao, trong khoảng một thế hệ nữa, Ấn Độ sẽ là con hổ Châu Á mà mọi người phải theo dõi.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Fabian socialist: Những người xã hội chủ nghĩa theo trường phái cải cách từ từ ở Anh (Chú thích của người dịch)
[2]Nguyên văn: And India's communists are considerably more economically orthodox than the Chinese variety.
[3]Nguyên văn: India is a country that does try to govern by the rule of law.

Nguồn: Tác giả Cait Murphy là Phó Tổng biên tập Tạp chí Fortune. Bài viết trên đây được đăng trên tạp chí này, số ngày 30 tháng 8 năm 2006. Bản Ä‘iện tá»­ tiếng Anh tại địa chỉ: http://money.cnn.com/2006/08/30/magazines/fortune/IndiavsChina_pluggedin.fortune/index.htm