trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
15.11.2006
Anatoly Tille
Liên Xô - Nhà nước phong kiến trá hình
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
Lời nói đầu cho lần xuất bản thứ hai

Phủ nhận những sự kiện “HIỂN NHIÊN” là một việc cực kì khó. Càng khó phủ nhận các “HỌC GIẢ CÓ UY TÍN”. Đã hàng ngàn năm, có hàng triệu người nhìn thấy mặt trời mọc và lặn, nghĩa là quay xung quanh trái đất. Hệ địa tâm của Ptolemy-Aristotle là hiển nhiên và vì vậy mà trở thành bất di bất dịch. Kopernik, nhà bác học thiên tài, phủ nhận hệ thống đó nhưng sinh thời đã không cho công bố phát minh của mình. Tác phẩm của ông bị nguyền rủa. Năm mươi năm sau ngày ông mất, Giordano Bruno phải chết trên dàn hoả thiêu. Năm mươi năm sau nữa, Galilei phải sám hối vì “sai lầm” trước toà án giáo hội. Hàng nghìn nhà bác học, kể cả các nhà thiên văn học, đã phủ nhận sự kiện trái đất quay quanh mặt trời.
  
Toàn thế giới, hàng triệu người đã nhìn thấy người ta “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô”. Ngay cả những kẻ thù không đội trời chung với Liên Xô cũng đã từng chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội. Còn một số người, thí dụ G. Orwell, nhìn thấy những khía cạnh ghê tởm của chế độ đó thì lại cho rằng chủ nghĩa xã hội là một xã hội ghê tởm. Chủ nghĩa xã hội hiện diện trên các băng rôn, biểu ngữ, trong các nghị quyết đại hội Đảng [1] , trong các kế hoạch và trong lòng nhiệt tình của quần chúng trên các công trường xây dựng vĩ đại, trong các trước tác của các học giả, các nhà văn, các thước phim vân vân và vân vân. Chưa nói đến các chuyên gia phương Tây.

Nhưng tại sao Liên Xô, dù đã có những hi sinh vô bờ bến, vẫn không những không vượt được, mà đơn giản là còn không đuổi kịp được các nước tư bản về năng suất lao động, mặc dù theo Marx thì chủ nghĩa xã hội là hình thái xã hội cao hơn? Câu trả lời có thể tìm được, vấn đề là không ai hỏi cả! Mà câu trả lời chỉ đơn giản là: tại nước Nga đã có một chế độ xã hội chủ nghĩa về hình thức, phong kiến về nội dung. Đấy chính là nội dung của cuốn sách này.
  
Hoá ra cuốn sách này bao quát toàn bộ lịch sử của nước Nga Xô viết, nghĩa là từ năm 1917 cho đến khi nó cáo chung, dù khi chắp bút tôi không nghĩ như thế (tôi không thế nào tưởng tượng nổi sự tan rã của Liên Xô). Chưa hề có một cuốn sách nào tương tự như thế về lịch sử nhà nước Xô viết và hệ thống luật pháp của nó và tôi nghĩ còn lâu mới có một cuốn như thế. Đã mười hai năm trôi qua kể từ lần xuất bản đầu tiên cuốn sách của tôi nhưng vẫn chưa thấy có vẻ gì là người ta có ý định thảo luận vấn đề cả. Đơn giản là không ai.

Đúng hơn là tôi không viết cuốn sách mà là nghiên cứu chế độ của nước Nga, như người ta nói lúc đó, một cách bí mật, ngay cả với vợ mình (không phải là tôi không tin mà không muốn làm vợ con lo lắng), dù không có một chút hi vọng nào về việc xuất bản. Vì vậy mà tôi không lo kiểm duyệt, kể cả sự tự kiểm duyệt nữa. Liệu tôi có thoả mãn được trí tò mò của mình khi cố gắng tìm hiểu cái chế độ điên rồ, trong đó mọi sự đều được đặt lộn ngược từ chân lên đầu, cái chế độ mà phi lí là đặc điểm chủ yếu?

Tất nhiên là sẽ có người viết những cuốn sách như thế, nhưng đấy là những cuốn sách post factum, nghĩa là nhìn từ tương lai về quá khứ. Còn tôi viết trong hiện tại, về cái hiện tồn. Tôi viết trong vòng mấy năm, ngày nào tôi cũng thu thập tài liệu, thu thập các văn bản pháp qui, các hoạt động lập pháp và quan sát cách người ta áp dụng luật pháp trong đời sống. Sau này làm sẽ khó hơn nhiều. Vì vậy cuốn sách này vẫn là độc nhất vô nhị. Có thể nói một cách chắc chắn rằng đây là cuốn tư liệu về thời đại. Vì vậy tôi không sửa chữa, cũng không viết thêm, cũng không bình luận về những sự thay đổi về sau. Cuốn sách này là tấm bia tưởng niệm về lịch sử nước Nga. “Cải tổ” và “công khai” đã tạo điều kiện cho việc xuất bản cuốn sách vào năm 1992, dưới cái tên: “LUẬT PHÁP CỦA SỰ PHI LÍ. Luật pháp phong kiến-xã hội chủ nghĩa” với số lượng in rất ít, hiện nay không thể nào tìm được nữa (trong thư viện mang tên Lenin và thư viện lịch sử thì có).

Các sự kiện về sau được trình bày trong cuốn sách của tôi: Cuộc cách mạng tội ác vĩ đại ở nước Nga. Mafia nắm quyền được xuất bản ở Mĩ năm 2003. Các nhà xuất bản ở Nga “thời công khai hoá” không chịu in tác phẩm này.

Trong lần xuất bản thứ nhất tôi đã mắc sai lầm mà đa số người đã từng mắc phải, đấy là đánh đồng tư tưởng cộng sản với cái chế độ ăn thịt người tự gọi mình là chế độ cộng sản. Nếu tất cả các tôn giáo đều hứa hẹn thiên đường sau khi chết để đền bù cho những khổ đau trên mặt đất thì tư tưởng cộng sản, một tư tưởng có trước cả Thiên chúa giáo, chính là ước mơ xây dựng một xã hội công bằng ngay trên thế gian này. Vì vậy tư tưởng cộng sản là bất diệt, giống như tất cả các tôn giáo khác, ít nhất nó cũng đáng được tôn trọng. Vì vậy lần xuất bản này tôi đã loại bỏ chương viết về chủ nghĩa Marx. Tôi cũng cắt giảm một ít và thay đổi bố cục so với lần xuất bản thứ nhất. Điều chủ yếu là việc phân tích chế độ của nhà nước Liên Xô và lịch sử từ năm 1917 đến năm 1990 là không thay đổi.

Tôi đã nghiên cứu và mô tả cái chế độ đương thời với mình. Nhưng về mặt nào đó cuốn sách đã trở thành tài liệu về quá khứ. Tôi nói “mặt nào đó” như một lời cảnh báo cho tương lai.


Phần I. Lời nói đầu

Chương 1. Nói về cuốn sách

“… Nhận thức một cách khoa học về hệ thống của chúng ta là bất khả. Mọi việc đều bị che dấu, bị xoá nhoà. Và lạ lùng nhất là không ai cần hiểu cả. Nó đặc biệt không cần thiết đối với giới phê bình của xã hội chúng ta.”
Zinoviev

Đây không phải là cuốn chính luận (như kiểu Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Liên Xô của Khrushchev [2] ) mà là một tài liệu nghiên cứu khoa học, tuy nhiên tôi muốn rằng nó phải dễ hiểu và hấp dẫn không chỉ đối với các nhà Luật học-Xô viết học mà còn hấp dẫn đối với tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề của xã hội đương đại và các xu hướng phát triển của nó.

Nhưng nếu tôi công nhận phát biểu của Zinoviev thì liệu tôi có thể coi tác phẩm của mình là có tính khoa học được không? Xin được giải thích: khoa học nghiên cứu các sự kiện, nhưng trong hệ thống của chúng ta, tất cả các dữ kiện liên quan đến đời sống xã hội đều hoặc là các tài liệu mật hoặc là đã bị xuyên tạc đến mức khó mà rút ra từ đó được các kết luận khả dĩ. Lấy thí dụ lĩnh vực kinh tế: các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố nói chung đều là giả. Sau khi Stalin chết, người ta thông báo cho chúng ta biết rằng tất cả các số liệu về thành tích trong nông nghiệp đều là giả, sản lượng nông nghiệp chưa bao giờ đạt được mức năm 1914. Như thế có nghĩa là các số liệu được công bố sau này là đúng ư? Có mấy năm các số liệu về nông nghiệp hoàn toàn không được công bố. Nhưng nếu ta tìm được các số liệu đó thì sao? Vô ích, vì báo cáo láo diễn ra trong mọi lĩnh vực, mọi cấp, từ nông trang đến huyện rồi lên tỉnh. Lên nước cộng hoà và Tổng cục thống kê [3] . Nhưng nếu giả sử ta có thể biết được số lượng giao nộp của từng nông trang thì sao? Cũng vô ích: hàng chục năm liền báo chí đã từng đăng việc các nông trang, thí dụ, để hoàn thành sản lượng giao nộp, họ đã đi mua bơ của các cửa hàng rồi sau đó giao lại cho nhà nước. Như vậy là một sản phẩm đã được nộp và thống kê đến mấy lần [4] . Có một thời (chính xác là dưới thời Khrushchev) Larionov, bí thư tỉnh ủy Riazan, nơi chuyện giao nộp vượt quá “ngưỡng chấp nhận được”, đã phải tự sát. Không loại trừ khả năng là ông ta đã được “giúp đỡ” cả trong việc này nữa.

Trong lĩnh vực công nghiệp cũng xảy ra những chuyện tương tự, ở đây, bên cạnh báo cáo láo còn có cả việc “cấp hàng khống”: giám đốc xí nghiệp không thực hiện được kế hoạch được giao thoả thuận với giám đốc một xí nghiệp khác để vị này công nhận rằng ông ta đã cung cấp hàng cho xí nghiệp. Cũng có đủ hồ sơ cần thiết, người ta thực hiện cả việc thanh toán theo đường ngân hàng ..v.v.. và thế là cái sản phẩm không hề tồn tại này được đưa vào số liệu của Tổng cục thống kê. Việc “cấp hàng khống” thịnh hành đến mức chính phủ phải ra nghị định (Nghị định của Hội đồng bộ trưởng Liên Xô ngày 22 tháng 8 năm 1973) về việc phạt 7% giá trị “hàng hoá”, nếu bị phát hiện [5] .

Xin hãy thử nghiên cứu nền kinh tế Liên Xô trên cơ sở các dữ liệu như thế! Thế mà một số nhà kinh tế học phương Tây vẫn tìm cách nghiên cứu được và một số người (dĩ nhiên là không phải tất cả) đã đưa ra được những đánh giá nói chung khá chính xác.

Chẳng nên nói một cách nghiêm túc về khoa học pháp lí của Liên Xô vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào các quan điểm được áp đặt từ trên xuống và thay đổi một cách thường xuyên của Đảng và chẳng ăn nhập gì với cuộc sống hay có thể nói chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ của đời sống.

Thí dụ, tất cả các luật gia đều biết (đơn giản là biết) rằng tỉ lệ tội phạm ở nước ta ngày một gia tăng [6] . Nhưng điều này mâu thuẫn với luận điểm của chủ nghĩa Marx, luận điểm này khẳng định rằng tội phạm được sinh ra bởi các điều kiện xã hội của chế độ người bóc lột người. Trong chủ nghĩa xã hội các điều kiện xã hội của tội phạm không còn, vậy thì tội phạm phải giảm dần. Nếu nó phải giảm dần thì nhất định nó sẽ giảm dần, không thể nào khác được! Số liệu về tội phạm là tài liệu mật, mặc dù đáng ra nó phải là số liệu rất đáng thuyết phục về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Các luật gia Xô viết chứng minh tỉ lệ tội phạm mỗi ngày một giảm như thế nào? Không có cách nào hoặc đưa ra định lí mà không cần chứng minh hoặc: “Tỉ lệ tội phạm và diễn biến của nó trong giai đoạn hiện nay (giai đoạn xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa cộng sản - tác giả) nói chung là giảm nhưng không đồng đều. Tỉ lệ tội phạm trong 20 năm qua đã giảm một phần ba so với giai đoạn trước chiến tranh. Cụ thể số người bị kết án trong 100 ngàn dân đã giảm 2 lần so với năm 1940, nếu so với năm 1928 thì giảm 3,8 lần. Số vụ án trong những năm 1963-1965 là thấp nhất trong 20 năm qua [7] ”. Và tác giả đưa ra kết luận về “thắng lợi vô cùng to lớn của nhà nước và xã hội Liên Xô trong việc khống chế tội phạm”!. Tác giả của những câu chuyện như thế đã được phong tiến sĩ luật học và năm 1985 được nhận huân chương quốc gia đấy!

Trong quá trình nghiên cứu của mình tôi sẽ dựa trên những sự kiện mình biết. Nhưng cần bao nhiêu sự kiện cho mỗi luận điểm? Một trăm? Một ngàn? Đó là điều bất khả nếu ta muốn có một cuốn sách với số trang in có thể chấp nhận được. Nhưng dù có dẫn ra cả ngàn sự kiện thì cũng không thuyết phục được một người “xã hội chủ nghĩa” phương Tây, nếu anh ta không muốn nhìn thẳng vào sự thật và không tha cho tôi tội “vu khống nhà nước Xô viết”.

Mấy triệu người đã chết vì đói trong những năm 1930-1933 do chính quyền cố tình tạo ra ở Ukraine? Xin hãy suy nghĩ những từ này: “nạn đói ở Ukraine” – “vựa lúa của nước Nga”!. Một số nạn nhân của thảm hoạ vẫn còn sống, thế mà năm 1988 khi những người Canada gốc Ukraine đưa ra vấn đề này thì viên đại sứ Liên Xô đã nói một cách hằn học rằng đấy là những lời dối trá, kèm theo một tuyên bố có tính nhục mạ người Canada nữa. Còn chính phủ Canada thì nhẫn nhục chịu đựng. Chả lẽ cả dân tộc Ukraine phải chết đi để bây giờ người ta buộc phải nghiến răng công nhận rằng đấy là do “điều kiện thời tiết [8] ”.

Trong giai đoạn “bán công khai” của Gorbachev, trên báo chí bắt đầu xuất hiện một vài chứng cứ về nạn đói ở Ukraine. Hồi kí của bà vợ goá của N. Bukharin nói rằng ông này có mặt ở Ukraine lúc đó và đã đưa “tất cả số tiền ông ta có” cho đám trẻ đói khát. Đấy là hiện tượng đặc thù của chế độ Xô viết: đầu tiên là tạo ra nạn đói rồi sau đó tổ chức “cứu trợ”, phát chẩn. Khi về Moskva, Bukharin đã kể lại chuyện này cho ông nhạc nghe và “gục xuống đi văng nức nở khóc” (Ngọn lửa nhỏ 1987, số 48). Xin nói thêm rằng N. Bukharin, người chiến sĩ đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp công nhân, lúc đó là ủy viên Bộ chính trị nghĩa là một nhà lãnh đạo cao cấp, một nhà báo nối tiếng, nhưng sau đó ông này đã không hề nói một lời nào về nạn đói ở Ukraine cả.

Trên báo chí người ra đã viết về cuộc bạo loạn ở Novotrerkassk, tuy rằng cách đây chưa lâu nói chuyện đó có thể bị đi tù như chơi. Nhưng tôi chưa được đọc những câu chuyện về các cuộc bạo loạn ở Temir-Tau, Trerkasư và nhiều địa phương khác.

Ở phương Tây đã có những tác phẩm chứng tỏ sự am tường của tác giả về hệ thống pháp luật Liên Xô. Dĩ nhiên là tầm bao quát của chúng rất rộng: từ ca ngợi cho đến thù địch. Nghiên cứu các kiến giải từ bên ngoài, từ những nhận thức pháp lí khác là rất hữu ích; các tác phẩm này giúp tôi nhìn rõ những điều mà trước đây tôi không nhận thấy trong hệ thống pháp lí “của mình”. Song những kiến giải “từ bên trong” vẫn chính xác hơn. Nhưng không có những tác phẩm như thế. Đa số các tác phẩm thuộc lĩnh vực luật pháp Liên Xô chỉ đơn giản là những lời biện hộ dối trá mà thôi. Chỉ viết về những vấn đề chuyên sâu mới có thể tránh được chuyện đó, nếu không thì tác phẩm khó lòng mà được xuất bản. Những tác phẩm của phương Tây viết về pháp luật của Liên Xô mà tôi biết thì hoặc là mô tả một cách tổng thể, nghĩa là đưa ra các nguyên lí và nguồn gốc hoặc là dẫn ra các định chế một cách giáo điều và tĩnh (cái mà trong luật học so sánh người ta gọi là “luật pháp sách vở”). Thực tiễn được trình bày trong sách vở Liên Xô chỉ là những tiêu bản và chẳng ăn nhập gì với thực tiễn cả. Mặc dù gần đây các luật sư phương Tây đã chú ý đến vấn đề xã hội học và các điều kiện vật chất của xã hội, nhưng tính cách giáo điều và sự bám víu vào lời văn vẫn còn “nằm trong máu” của họ.

Còn tôi lại muốn giới thiệu với độc giả một nền “pháp luật sống động giữa đời thường”, và trong điều kiện cho phép, với lịch sử, với sự vận động và phát triển của nó. Vì vậy bức tranh về pháp luật Liên Xô sẽ hoàn bị hơn nếu ta mô tả nó từ quan điểm duy vật mác-xít. Sự tương phản giữa lí thuyết và thực tiễn của “chủ nghĩa cộng sản khoa học” sẽ càng rõ ràng hơn.

Cuối cùng, bất cứ luật sư phương Tây nào, do cách tư duy và giáo dục, không phụ thuộc vào quan điểm chính trị và thái độ đối với chủ nghĩa xã hội và Liên Xô, đều coi pháp luật Liên Xô là một hệ thống, dù tốt dù xấu, nhưng là một hệ thống. Nhưng điều chính yếu, điều quyết định trong pháp luật Liên Xô lại là sự PHI LÍ, cái phi lí này, nói chung và trong từng tiểu tiết, lại bắt nguồn từ sự phi lí của toàn bộ hệ thống kinh tế-xã hội của đất nước.

Óc tưởng tượng của Swift, của Gogol, của Orwell sẽ chẳng là gì trước những chuyện tưởng như hoang đường diễn ra trong đời sống của xã hội Liên Xô. Tất cả đều được đặt lộn ngược, tất cả đều thành “trồng cây chuối” hết. Không hiểu ý nghĩa của sự phi lí của hiện thực Liên Xô thì không nhận thấy chuyện lộn ngược đó: người có tư duy bình thường không thể lĩnh hội được. Khi tiếp xúc với sự phi lí, con người ta thường nghĩ rằng mình không hiểu một cái gì đó và đơn giản là anh ta sẽ cho qua.

Tất nhiên là sự phi lí tồn tại khắp nơi: chả lẽ việc suốt bốn mươi năm qua nước Mĩ dùng tiền của những người đóng thuế để nuôi các gián điệp Liên Xô không phải là chuyện phi lí ư? Chỉ mới gần đây người ta mới nhận thức được chuyện đó và đã có những cố gắng, tuy còn rụt rè và chưa đi đến đâu, nhằm thoát khỏi gánh nặng đó. Chả lẽ việc phương Tây tốn hàng núi tiền cho việc trang bị vũ khí nhằm chống lại kẻ thù tiềm tàng là các “nước xã hội chủ nghĩa” nhưng lại lao đến giúp đỡ khi các nước này rơi vào tình trạng tuyệt vọng (Etiopia, Ba Lan, Liên Xô) lại không phải là phi lí ư? Hay như trong những năm 1917-1922, khi phương Tây chi tiền để cứu những kẻ bắn giết và cướp bóc nhân dân và những kẻ nêu ra nhiệm vụ tiến hành cách mạng thế giới và tiêu diệt hết “bọn tư sản” lại không phải là phi lí ư?

Nhưng chỗ nào cũng thấy phi lí thì lại là một sự kiện đặc biệt, thế mà ở nước ta toàn bộ hệ thống là một sự phi lí và vì vậy được coi là bình thường.

Vì vậy đối với độc giả Liên Xô, tư tưởng chủ đạo của tác phẩm hoá ra lại là mới; sống trong sự phi lí, anh ta trở thành quen với nó, thí dụ anh ta đã quen với chế độ hộ khẩu, đã quen với việc hàng tháng, thậm chí hàng năm không được trả lương cho nên anh ta coi đấy là một sự bình thường.

Mặc dù tình trạng đó có mặt khắp nơi, vẫn cần phải đưa ra ở đây một vài thí dụ ngõ hầu giúp độc giả làm quen với đời sống ở Liên Xô.

Trong giai đoạn, khi công cuộc “cải tổ” của Gorbachev đang diễn ra một cách quyết liệt nhất thì tại một nông trang ở tỉnh Iaroslav, giữa đêm hôm khuya khoắt, giám đốc nông trang dựng tất cả dậy để họp, ông ta chửi bới họ vì không biết làm việc, rồi xua ra khỏi văn phòng và nhảy lên bàn vừa múa vừa hát: “Ta là giám đốc! Ta là trời con!” Và chỉ đến khi ông ta giết chết hai nữ nông trang viên mọi người mới té ngửa ra là ông ta đã bị điên (Nước Nga Xô viết, ngày 16 tháng 7 năm 1989). Không chỉ tất cả các nông trang viên dưới quyền mà ban lãnh đạo huyện, thông qua các chỉ điểm của mình, trước đó cũng đã biết rõ tư cách của viên giám đốc này rồi. Vấn đề là tất cả, từ lãnh đạo đến tổ chức Đảng, chưa nói các nông trang viên lại coi đấy là điều bình thường!

Sự kiện một kẻ độc đoán đứng đầu quốc gia lấy giầy đập lên giảng đàn của Liên Hiệp Quốc, làm vỡ cả kính trên chiếc bàn viết (chuyện này sau đó đã trở thành mốt của các cán bộ đủ mọi cấp) nói lên điều gì? Còn khi ông ta ra lệnh trồng ngô ở các tỉnh Arkhagensk và Vologod, hàng triệu người biết rõ rằng ngô không sống được ở đấy, rằng đấy là vứt tiền qua cửa sổ, là phí công toi, nhưng vẫn nhiệt tình, với cờ quạt, biểu ngữ trong tay và bài hát trên môi, lao vào thực hiện kế hoạch. Trong một đất nước bình thường chuyện đó có thể xảy ra được không?

Một người bình thường sẽ hiểu việc “thi đua xã hội chủ nghĩa nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch” giữa các nghĩa trang và các lò thiêu người như thế nào? Trong khi đó thỉnh thoảng người ta lại đưa tro của người quá cố cho thân nhân của họ trong những chiếc hộp giấy vì thiếu bình đựng di cốt! Còn may là không bị gói bằng báo Sự thật đấy! Trong nhà hộ sinh số 10 ở Moskva, xác trẻ sơ sinh có lúc còn bị xếp trong... toilet dành cho phụ sản nữa kia! (TV Moskva, tháng 11 năm 1989).

Nhưng đây, như người ta thường nói, chỉ là “chuyện vặt”. Ta hãy xem những chuyện lớn hơn, bắt đầu, như những người mác-xít đòi hỏi, từ hạ tầng cơ sở, nghĩa là từ lĩnh vực kinh tế.

Nga là nước nông nghiệp; những cánh đồng rộng lớn với những vùng khí hậu khác nhau đã giúp chúng ta xuất khẩu lúa mì cả ngàn năm nay, thế mà giờ đây chúng ta “đã biến nước Mĩ thành người cung cấp nông sản cho chúng ta”, Canada và Australia cũng chịu chung số phận. Cuộc khủng hoảng thường trực trong lĩnh vực nông nghiệp được giải thích là do thời tiết không thuận lợi [9] , người ta còn phát minh ra một công thức đầy trí tuệ như sau: “Nước Nga nằm trong vùng rủi ro về nông nghiệp”, tuồng như sau Cách mạng Tháng Mười, khí hậu ở Nga đã thay đổi vậy. Nông dân phải ra thành phố mua bánh mì! Liên Xô mua ngũ cốc chủ yếu để chăn nuôi, trong khi điều 1541 Bộ luật hình sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa liên bang Nga lại qui định hình phạt tội mua bánh mì, bột mì và các sản phẩm khác làm từ bột mì để chăn nuôi gia súc, gia cầm đến 3 năm tù giam, kèm theo việc tịch thu gia súc, gia cầm nữa.

Thức ăn cho gia súc lúc nào cũng thiếu. Nhà văn B. Mogiaev kể một hiện tượng như sau: cỏ không được cắt, héo đi và thối rữa, trong khi đó người ta lại thực hiện kế hoạch chuẩn bị thức ăn cho gia súc bằng… cành bạch dương! Những cành bạch dương vẫn thường vang lên trong thi ca bị bẻ… Công nhân bẻ, sinh viên và học sinh cũng bẻ… Các cháu học sinh tốt nghiệp phổ thông không được thi vào đại học: nếu không bẻ đủ số lượng qui định thì không được nhận bằng tốt nghiệp (200 cành một người một ngày)… Dĩ nhiên là bò không ăn cành bạch dương, chúng không phải là người nên không ép được. Những cành bạch dương sẽ nằm đó, khô đi, năm sau bị người ta đem vứt… và lại bẻ tiếp cành mới! (Báo Văn học, 30 tháng 7 năm 1980).

Trong lĩnh vực công nghiệp tình hình cũng không khá hơn. Dưới đây là câu chuyện của ông Valov D., phó tổng biên tập tờ Sự thật dưới nhan đề “Phi lí bình phương”.

Nền kinh tế quốc dân được coi là theo kế hoạch; các kế hoạch kinh tế được soạn thảo và phê duyệt và đa số, không chỉ những người bình thường mà cả các nhà khoa học, đều tin như thế mặc dù chẳng có một kế hoạch nào cả. Lập kế hoạch cho một đất nước rộng lớn như nước ta là việc bất khả thi, có một sự phân bổ, gọi là kế hoạch, theo nguyên tắc “làm hơn năm ngoái”, nghĩa là nếu năm ngoái bạn thực hiện được 100% kế hoạch thì năm nay người ta sẽ giao cho bạn 102% và sẽ không thể nào chứng minh được rằng bạn không thể nào cố thêm được nữa. Vì vậy việc “lập kế hoạch” chỉ cản trở quá trình phát triển vì viên giám đốc có thể hoàn thành 120% kế hoạch sẽ che dấu khả năng của mình, nếu ông ta làm đúng khả năng thì năm sau bộ sẽ giao cho xí nghiệp đó 125%, chẳng cần biết sản phẩm có cần hay không. Chúng ta đã sản xuất được số lượng máy kéo gần gấp 5 lần nước Mĩ (chất lượng dĩ nhiên là khủng khiếp rồi) thế mà người ta vẫn tiếp tục xây dựng một nhà máy khổng lồ (bao giờ nhà máy sau cũng lớn hơn nhà máy trước) chuyên về máy kéo nữa ở Elabug. Khi đã quăng vào đấy hàng triệu đồng người ta mới chợt tỉnh ngộ. Bây giờ phải cải tạo nó thành nhà máy sản xuất ô tô. Với sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài.

Theo G. Arbatov thì vào năm 1989 nước Mĩ giầu nứt đố đổ vách chỉ sản xuất có 6 quả tên lửa hành trình, trong khi Liên Xô, một nước phải xin Mĩ bố thí, lại sản xuất những 120 quả! Tháng 11 năm 1991, Gorbachev nói ở Irkusk rằng chúng ta sản xuất được 64 ngàn xe tăng, nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại. Không dùng vào việc gì và bây giờ phải chi tiền để phá hủy! Thật kì lạ, ngài Tổng thống biết chuyện đó từ khi nào vậy?

Bây giờ xin được chuyển sang các công việc quốc gia. Chủ tịch một đất nước vĩ đại, “người bạn chiến đấu trung thành của Lenin và Stalin”, tức là đồng chí M. Kalinin, người vẫn thường xuyên tiếp các lãnh tụ và đại sứ nước ngoài, thường xuyên trao huân huy chương, ban hành luật lệ, trong khi vợ ông lại ngồi trong trại cải tạo. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô trực tiếp hạ lệnh như thế. Sau mấy năm khổ sai, bà được chuyển sang công việc “nhẹ nhàng” hơn, tức là giết rận trong quần áo của tù nhân tại nhà tắm trại giam (Ngọn lửa nhỏ, năm 1988, số 13). Chuyện đó có thể xảy ra ở đâu, ngoài “đất nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên” của chúng ta?

Trong lĩnh vực tinh thần, khoa học và văn học thì mức độ phi lí có thể làm người ta cười đến vỡ bụng: tất cả các vấn đề đều được các quan chức ngu dốt và thiếu hiểu biết trong bộ máy của Ban chấp hành trung ương quyết định. Nếu những kẻ xảo trá như Lysenko chui vào được cấp đó thì chúng có thể cấm bất kì ý tưởng khoa học chân chính nào, đồng thời những điều nhảm nhí nhất lại được chúng tôn thành đỉnh cao của trí tuệ loài người. Lysenko đã tìm mọi cách để tuyên bố rằng môn di truyền học (học thuyết Mendel-Weismann-Morgan) là phản khoa học. Đã sao, các nhà dân chủ phương Tây có thể hỏi, phương Tây chúng tôi cũng thiếu gì những thằng đểu và những thằng ngu? Nhưng nếu ở phương Tây người ta có thể đem chúng ra chế giễu thì ở ta hoàn toàn không có chuyện đấu tranh tư tưởng. Các tư tưởng được Ban chấp hành trung ương phê duyệt chính là chân lí, chỉ được phổ biến các tư tưởng đó; người có tư tưởng sai lầm sẽ bị giết, tư tưởng bị bác bỏ. Các viện và các phòng thí nghiệm về di truyền bị giải tán, các nhà di truyền học lỗi lạc cùng với nhà di truyền học thiên tài của thế kỉ chúng ta là N. Vavilov bị xử bắn hoặc chết trong các trại cải tạo. Khoa di truyền đã bị đẩy lùi đến hàng chục năm. Học thuyết tương đối của Einstein và môn điều khiển học cũng bị coi là phản động và dối trá. Không thể tìm được tên các môn khoa học này trong cuốn bách khoa toàn thư Xô viết dày hàng chục tập.

Liên Xô là nước đầu tiên sản xuất và sử dụng trong tác chiến vũ khí tên lửa. Đầu tiên loại vũ khí này được một nhóm gọi là Nhóm nghiên cứu động cơ phản lực (NCĐCPL), do Sander đứng đầu, thiết kế; họ làm việc này trong thời gian rảnh rỗi (ta gọi là “tự nguyện”). Họ tự gọi đùa mình là nhóm kĩ sư làm việc không công. Trên cơ sở đó, một viện nghiên cứu chuyên ngành được thành lập, thế rồi vì bị vu khống, tất cả đều bị bắt, những người lãnh đạo (Langemak và mấy người nữa) bị xử bắn, những người khác (trong đó có Korolev, người sau này trở thành tổng công trình sư các tầu du hành vũ trụ nổi tiếng) phải vào trại giam, chỉ sau khi xảy ra chiến tranh với Đức, khi Hồng quân, “một đội quân huyền thoại, bách chiến bách thắng” đã chạy về gần đến Moskva, họ mới được chuyển đến các trại đặc biệt dành cho tù nhân có thể tham gia công tác nghiên cứu-thiết kế trong lĩnh vực quân sự (xem cuốn Trong vòng tròn đầu tiên của Solzhenitsyn). Chúng ta đã trọng dụng hiền tài như thế đấy [10] ! Tupolev, tổng công trình sư những chiếc máy bay nổi tiếng một thời, cũng không tránh khỏi cảnh tù đầy.

Những nhà văn, nhà thơ, đạo diễn và nghệ sĩ bất tài nhưng “sẵn sàng ăn theo nói leo” nhận được những mức nhuận bút cao ngất trời, họ còn được huân huy chương, giải thưởng và các danh hiệu cao quí nữa. Sau khi Brezhnev đã treo lên mình đủ loại huân chương (kể cả huân chương “Chiến thắng”) và đủ loại huy chương (kể cả huy chương mang tên Marx vì những đóng góp to lớn trong lĩnh vực xã hội học), ông ta lại nảy ra ý muốn lưu danh thiên cổ trong cả lĩnh vực văn học nữa. Mấy cuốn hồi kí của ông ta do một bọn văn nô chắp bút liền được tuyên bố các kiệt tác văn chương. Nhà văn Trakovsky còn kêu gọi các văn sĩ học tập văn phong của… Brezhnev nữa! Các cuốn sách này được dựng thành phim và kịch, cái nào cũng được giải thưởng và được ca ngợi hết mức. Đáng tiếc là Brezhnev đã chết ngay sau đó, nếu không thể nào chúng ta cũng được xem vở opera, mà chắc chắn một nhạc sĩ nào đó đã viết xong rồi. Tất nhiên là ngay sau khi ông ta chết thì tất cả những kiệt tác văn chương cùng với bức tượng “vinh danh chiến công” của ông ta tại Đất Nhỏ đều được vứt vào sọt rác.

Thế nhưng số phận của các nghệ sĩ thực tài, nói chung, đều đáng buồn cả. Gumilev, Oreshin, Svetaeva, Akhmatova, Mikhoels, Pasternak, Solzhenitsyn, Brodsky … danh sách dài lắm, không thể nào kể ra hết được, người bị giết, người bị đi đày, người bị đàn áp... Tờ Moskva buổi chiều, trong bài “Một nền văn chương bị hành quyết” dẫn ra danh sách 98 nhà văn ở Moskva bị giết (Moskva buổi chiều, ngày 12 tháng 11 năm 1988), trên toàn Liên Xô con số là gần 300, tuy rằng chưa ai có số liệu đầy đủ.

Dư luận rộng rãi đã biết viện sĩ Andrey Sakharov, ông bị đi đầy ở Gorki mà không qua một phiên toà, một vụ xử án nào… Các đồng nghiệp-viện sĩ đã hành động ra sao? Họ đã phản đối chứ? Không phải thế! Họ đã lên án ông một các đểu giả nhất! Ngay tại kì họp của “các đại biểu nhân dân” thời “đổi mới” người ta cũng không cho Sakharov nói, người ta đã bịt miệng, đã chẹn họng ông…

Đấy chỉ vài nét chấm phá về cuộc sống đầy phi lí của chúng ta. Tôi không biết liệu độc giả có nhận thấy sự va chạm giữa những cái phi lí đó với pháp luật, mặc dù chúng có liên hệ trực tiếp với các lĩnh vực khác?

Nếu bạn là một người làm thơ; những bài thơ tình ái, không liên quan gì đến chính trị. Nhưng nếu “Đảng” coi đấy là những bài thơ có hại thì cả tác giả, cả thơ đều phải bị tiêu diệt. Nhưng làm sao bảo vệ một cách hợp pháp? Nếu có một người dũng cảm dám làm chuyện đó thì anh ta cũng chịu chung số phận với bạn. Nếu có một người tỏ lòng thương hại thì cũng không có ai biết.

Nếu bạn được lệnh đi bẻ cành bạch dương cho những con bò khốn khổ thì bạn sẽ đi mặc dù biết rằng đấy là việc làm hoàn toàn vô nghĩa và ngu xuẩn. Bạn không có phương tiện phản đối một cách hợp pháp, phản đối một cách ngấm ngầm cũng không được nốt. Còn phản đối bất hợp pháp thì bạn sẽ bị bỏ tù ngay.

Nếu môn di truyền học (điều khiển học, thuyết tương đối ..v..v..) bị “Đảng” coi là giả khoa học và tiêu diệt mà bạn lại là một chuyên gia trong lĩnh vực di truyền thì xin hãy cám ơn số phận vì người ta chưa bắn bạn mà chỉ bắt bạn đi quét rác thôi. Có bộ luật nào hay tổ chức nhà nước nào đủ sức bảo vệ bạn không?

Nếu bạn là giám đốc một nhà máy và bạn biết rõ rằng đang cho ra một loại sản phẩm chẳng ai cần, một loại sản phẩm đã chất đống trong các nhà kho và các bãi rác rồi thì bạn vẫn sẽ tiếp tục sản xuất vì kế hoạch là luật, phải thực hiện (sản xuất của chúng ta là như thế) “bằng mọi giá”!

Cuối cùng, nếu bạn là chủ tịch, người nắm chức vụ cao nhất… Nhưng nếu vợ bạn bị người ta vu khống, trong đó có tội gián điệp và khủng bố rồi tống vào tù, cho đi giết rận. Luật nào của quốc gia có thể cứu bà ấy?

Không hiểu điều này thì không thể hiểu được luật pháp Liên Xô, nó chính là luật pháp của sự phi lí.

Điều phi lí lớn nhất của xã hội Liên Xô là luật pháp thời nông nô được khoác lên mình hình thức xã hội chủ nghĩa. Những người nông nô xây dựng chủ nghĩa xã hội tối tăm. Người ta kêu gọi công dân với xiềng ở chân và còng số tám trên tay bay đến những chân trời tươi sáng.

Không hiểu điều đó thì không thể hiểu được nước Nga.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Tất cả các từ “Đảng” trong cuốn sách này đều chỉ Đảng Cộng sản. BT
[2]"Trong mười năm tới (1961-1970) Liên Xô, trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa cộng sản, sẽ vượt Mĩ, nước tư bản mạnh nhất và giầu có nhất, về số lượng sản phẩm trên đầu người… Như vậy là tại Liên Xô đã xây dựng xong chủ nghĩa cộng sản…” Cương lĩnh thứ III của Đảng Cộng sản Liên Xô. Thông qua tại đại hội XXII, năm 1961.
[3]Cục trưởng cục thống kê bị bắt vì báo cáo láo theo chỉ thị của bí thư tỉnh ủy. Ông này đã trả lời điều tra viên như sau: “Nếu tôi không làm thế thì bây giờ sẽ có một cục trưởng khác ngồi ở đây” (Tin tức, ngày 27 tháng 12 năm 1986). Từ đó: “… thông tin chính xác về kinh tế thì ngay Bộ chính trị cũng không có” (Ngọn lửa nhỏ, 1988, số 46).
[4]Nông trường Novopokrovsky (tỉnh Kuban) 5 năm sản xuất được 2,4 ngàn tấn sữa, nhưng giao nộp tới .. 4,2 ngàn tấn! Cứ ba xí nghiệp thì có một báo cáo láo (Sự thật, ngày 26 tháng 3 năm 1990). Năm năm cải tổ! Nhưng như thế không có nghĩa là các xí nghiệp còn lại không báo cáo láo.
[5]"Hiện nay tất cả các công tố viên đều đang đấu tranh với hiện tượng vi phạm kỉ luật tài chính rất thịnh hành này (tạp chí Pháp chế Liên Xô, năm 1985, số 12, trang 49). Xin nói thêm rằng theo luật thì đây không phải là vi phạm kỉ luật tài chính mà là tội hình sự - điều 152 bộ luật hình sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa liên bang Nga.
[6]Điều này được toà án tối cao Liên Xô công nhận vào năm 1986, khi toà án ghi nhận “sự gia tăng một cách đáng ngạc nhiên” (Báo Văn học, ngày 17 tháng 12 năm 1986). Các số liệu cụ thể chỉ được công bố từ năm 1988.
[7]N. Kuznesova. Tội ác và tình trạng phạm tội. Bản tóm tắt luận án. M., năm 1968, trang 2. Như đã thấy người ta nói về tình trạng phạm tội, nhưng lại dẫn ra số liệu về сác vụ án, thêm nữa so sánh được lấy từ những năm 1963-1965, là lúc theo chỉ thị của Khrushchev người ta đã ngưng việc bắt bớ và đưa ra toà hàng loạt mà chuyyển các tội phạm cho các xí nghiệp và tổ chức xã hội “bảo lãnh”.
[8]R. Konkvest trong tác phẩm Mùa buồn (London, 1988) đã trình bày lịch sử vụ diệt chủng được tổ chức bởi lãnh đạo Đảng Cộng sản. Ông chỉ ra rằng người ta đã đi từ phủ nhận một cách quyết liệt và hoàn toàn nạn đói (kể cả những người theo tư tưởng tự do ở phương Tây được “tận mắt chứng kiến” như Bernard Shaw) ở Liên Xô đến việc công nhận một cách không chính thức.
[9]Tiếu lâm: Bốn khó khăn của nông nghiệp Nga: mùa đông, mùa xuân, mùa hè, mùa thu.
[10]Tháng 12 năm 1991 (sau nửa thế kỉ) công lao của nhóm NCĐCPL mới được ghi nhận. Chính Gorbachev đã trao huân chương... cho các goá phụ!

Nguồn: Nguyên bản tiếng Nga: http://lit.lib.ru/t/tille_a/text_0010.shtml