trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
20.11.2006
Khiêm
Nhân ngày 20/11
 
viết cho TNPT

Một người bạn học vừa than: “Tao lo quá. Không biết con mình giỏi thiệt hay giỏi giả nữa. Học gì mà cái gì cũng được gà trước hết trơn. Học ở trường rồi lại học thêm nữa, nhồi riết chắc thằng nhỏ khùng quá.” Thằng nhỏ mới có chín tuổi. “Ai biểu mày bắt nó học thêm?” tôi hỏi lại. “Cô giáo nó bắt đó chớ. Đứa nhỏ nào mà không học thêm thì đừng hòng theo kịp trong lớp.” Cái màn này thì tôi không lạ. Trước đây nó thường chỉ xảy ra cho đám học trò lớn trong những năm thi cử. Giờ ngay cả đám con nít cũng bị vạ lây.

Trước đó, có người mang tiền đến tận nhà để tạ ơn một người bạn khác vì đã giúp đỡ họ. Đó chỉ là một hành động giúp đỡ vô vị lợi trong công việc mà thôi. Chị vợ nhất định không nhận. Khi khách ra về, đứa con mới bảy tuổi chợt hỏi: “Người ta đưa tiền sao không lấy hở mẹ!?” Chị vợ nghe xong mất hồn. Người bạn nghe kể lại cũng tá hỏa. Ngồi nghĩ một hồi thì thắc mắc không biết có phải đứa nhỏ cứ phải nghe nhắc nhở tiền bạc từ thầy cô, từ trường riết, và thấy cảnh quà cáp thường xuyên ở trường học từ hồi còn đi học mẫu giáo nên thấy chuyện đó là đương nhiên không.

Đó chỉ là hai câu chuyện nhỏ, không có gì đặc sắc trong thời buổi này, nhưng nó bộc lộ ra cái cách mà trẻ em ngày nay được dạy dỗ, và cái cách nhà trường và thầy cô đối xử với học sinh Việt Nam. Dù chỉ mới nghe nhưng tôi vẫn có cảm giác nó xưa lắc vì chúng tôi đã chứng kiến và chịu đựng những chuyện đó nhiều rồi từ khi còn đi học. Cùng với cảm giác đó là một mớ câu hỏi: Cái hệ thống đã hư hỏng quá rồi, còn người trong cuộc thì sao? Chẳng lẽ vẫn ít có thầy cô nào thấy có trách nhiệm phải làm gì trước một tình trạng như vậy?

Đây chỉ là những câu hỏi giữa người dân với người dân. Điều quan trọng nhất hiện giờ là phát triển và nâng cao phẩm chất của khung cảnh cuộc sống giữa người dân với nhau. Các câu hỏi này thuần túy thuộc về phạm vi đó.

Điều mà tôi thấy không ổn nhất chính là vẫn có rất ít người trong giới thầy cô hiện giờ - ít ra là những người trong lứa tuổi ba mươi như chúng tôi - tự đặt các câu hỏi đó, dám nhận trách nhiệm và lên tiếng cảnh báo đồng nghiệp về sự suy thoái bổn phận và đạo đức nghề nghiệp. Đáng buồn hơn, nhiều người trong số họ còn tiếp tay trong việc làm cho tình trạng suy thoái đó trầm trọng thêm nữa. Đương nhiên những người như vậy tỏ ra rất dị ứng trước những câu hỏi vừa nêu.

Càng gần đến ngày lễ biết ơn các nhà giáo Việt Nam, khi thấy người ta bày tỏ lòng biết ơn thầy cô bằng quà cáp, tiền bạc, và các trò phù phiếm khác, tôi càng thấy lấn cấn. Không muốn chỉ dừng lại ở việc chỉ đặt ra các câu hỏi, tôi còn có một đề nghị đơn giản: thầy cô làm ơn đừng nhận sự tri ân của học sinh và cha mẹ học sinh trong ngày 20/11 nữa.

Có nhiều lý do để phải làm một hành động như vậy. Chỉ nhìn trên bề mặt của chuyện dạy và học, có thể thấy rõ ràng nhiều thầy cô đã không làm tròn trách nhiệm dạy học.

Một chuyện nổi cộm hiện giờ là học sinh bị học thêm nhiều quá. Nếu các kỳ thi quá khó, và trên sức học sinh, thì việc dạy thêm để giúp các em không có gì đáng phàn nàn. Nếu dạy thêm chỉ để các em lấy điểm cao trong các bài kiểm tra trong lớp, thì cần phải đặt một dấu chấm hỏi lên đó. Dấu chấm hỏi càng lớn hơn khi học sinh bỏ cả buổi ở trường mà không hiểu nhiều lắm về những điều mình học, trong khi chỉ có một hoặc hai tiếng học ở nhà thầy cô lại hiểu rõ ràng hơn, hoặc không hiểu hơn nhiều lắm nhưng có bài tủ để kiếm điểm. Chỉ tội cho những em gia đình không có tiền cho đi học thêm. Đó là những học sinh gần như bị bỏ quên trong các trường học của chúng ta. Và số này không ít trong một nước nghèo như Việt Nam. Như vậy những thầy cô này chỉ có thể nhận sự tri ân của các học sinh đi học thêm ở nhà riêng mình chứ không có tư cách gì để nhận sự tri ân của toàn bộ học sinh trong lớp học.

Mà cũng tội cho các em gia đình có tiền cho đi học thêm nữa. Thay vì dùng tiền bạc đó cho các chương trình ngoại khóa về thể dục, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng hoặc vui chơi, thì các em phải đến nhà thầy cô để học lại những điều mình đã học trên lớp. Các em bị tước mất khả năng để phát triển toàn diện hơn.

Trong chuyện dạy thêm và học thêm, vấn đề tư cách thầy cô đôi khi cần phải được xem xét lại. Nhiều thầy cô bắt ép học sinh đi học thêm cho bằng được. Nếu các em không đi học thêm vẫn làm bài kiểm tra được, thì lần sau thầy cô cho bài kiểm tra khó hơn nữa. Nếu các em không học thêm vẫn làm được, thì có người bắt đầu tìm cách trừ điểm. Nào là không gạch hết khi kết thúc bài làm, trừ một điểm. Nào là không làm bài theo thứ tự, trừ một điểm nữa. Những chuyện như vậy không hiếm. Những thầy cô như vậy không đủ tư cách để nhận sự tri ân. Họ là những kẻ tham nhũng. Nạn nhân của họ là học sinh và cha mẹ học sinh.

Nhiều thầy cô đưa ra lý do: lề lối và chương trình học quá kỳ quái hoặc quá khó nên không thể truyền đạt hiệu quả cho học sinh trong lớp học được. Cha mẹ học sinh khi gởi con cái mình đến trường đều mong muốn con cái mình được học những điều mới mẻ, tốt đẹp và thiết thực. Họ hy vọng nhà trường và thầy cô sẽ là nguồn cung cấp cho con cái mình những kiến thức và khả năng mà giáo dục gia đình không thể nào có được. Nói theo một triết gia, họ thấy tương lai trong bốn bức vách của lớp học. Nếu thầy cô không đóng được vai trò người truyền đạt kiến thức và khả năng nữa, dù với bất kỳ lý do gì, thì rõ ràng thầy cô đã không làm tròn trách nhiệm. Mà đã thừa nhận mình không làm tròn trách nhiệm sao lại đủ can đảm để nhận sự tri ân của học sinh và cha mẹ họ.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến thầy giáo dạy lịch sử năm học lớp mười hai. Gọi là lịch sử Việt Nam thế kỷ XX nhưng thực ra đó chính là lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam viết theo kiểu tuyên truyền chính trị một chiều. Đáng lẽ môn học rất chán, nhưng thầy đã biến giờ lịch sử thành một giờ vui nhộn, vì dạy đến đâu thầy giễu đến đó. Nhờ vậy chúng tôi biết được mình đang phải học một thứ lịch sử rất lếu láo. Không những vậy, thầy còn đặt ra những câu hỏi đại loại như làm sao dân Mỹ có thể ép chính quyền của họ phải từ bỏ một cuộc chiến được hoặc nền cộng hòa mà De Gaulle lập ra là nền cộng hòa thứ mấy, vân vân. Tất cả những điều đó giúp chúng tôi có được một thái độ thận trọng đối với lịch sử, biết đặt ra những câu hỏi về lịch sử chính thống, và mở ra một cánh cửa đến một thế giới rộng lớn hơn. Lớn lên, tôi nhận ra thầy đã làm một việc rất nguy hiểm. Nhưng rõ ràng, với một chương trình học rất kỳ quái, thầy vẫn làm tròn trách nhiệm của mình.

Thừa nhận mình không làm tròn trách nhiệm mà vẫn không chịu sửa đổi cũng sẽ khiến những người đặt niềm tin nơi mình thất vọng không ít. Nếu thầy cô thấy lề lối làm việc và chương trình học kỳ quái, khó khăn vô lý, chẳng lẽ thầy cô lại không có ý kiến gì sao? Chẳng lẽ thấy học sinh bị lôi ra làm thí nghiệm hết năm này sang năm nọ mà vẫn chẳng có được một chương trình học ra hồn, thầy cô không thấy đau lòng sao? Sao không đòi hỏi cho mình cái quyền được soạn sách giáo khoa, lựa chọn sách giáo khoa, và chịu trách nhiệm về việc truyền đạt những kiến thức đó? Đây là một vấn đề thuần túy chuyên môn. Nếu một người không thể lên tiếng được vì đơn độc, sao không liên kết lại và phổ biến kiến nghị của mình ra công luận để có được sự hậu thuẫn rộng lớn hơn. Nhiều người hiện giờ cảm thấy đất nước đã thay đổi nhiều và được tự do hơn rồi. Sao lại không sử dụng cái tự do mà chúng ta cảm thấy để tập họp và cất lên tiếng nói của lương tâm nghề nghiệp, để đòi cho mình một mức lương bổng sống cho tử tế? Một hoặc nhiều nghiệp đoàn giáo dục độc lập để bồi dưỡng, giám sát tư cách thành viên và đưa ra những khuyến nghị chuyên môn về giáo dục là rất cân thiết cho nền giáo dục Việt Nam hiện giờ, vốn đã thành một món hổ lốn ai cũng ngán tới cổ. Nếu làm được như vậy, các thầy cô thực sự là những người có công lớn cho sự nghiệp giáo dục của quốc gia.

Sâu xa hơn, theo tôi, có nhiều thầy cô coi chuyện học sinh và xã hội phải tri ân mình là chuyện đương nhiên, chẳng cần phải bàn cãi, hoặc nếu không dám coi là mặc nhiên thì cũng bám víu vào đó để bào chữa cho vị thế của mình. Đã đến lúc vấn đề này cần phải được đặt ra một cách rõ ràng và sòng phẳng. Ẩn náu đâu đó sau lối suy nghĩ đó là cả một xác tín về đẳng cấp xã hội và tôn tri trật tự còn sót lại từ thời của hệ thống toàn trị Nho giáo. Đó là đẳng cấp "thầy" trong trật tự Quân-Sư-Phụ. Thông qua độc quyền kiến thức và trói buộc trí tuệ vô một ngõ duy nhất để thăng tiến xã hội, các triều đình Nho giáo đã dần dần xác lập vị trí của thầy như một gạch nối giữa triều đình và thứ dân bên dưới - một thứ lỡ quan lỡ dân, và xác định trách nhiệm của thầy như một công cụ để áp đặt, phổ biến và ưu việt hóa ý thức hệ Nho giáo trong dân chúng. Với sự thắng thế của Nho giáo trong xã hội, vị trí của thầy càng lúc càng được nâng cao dần, từ chỗ dựa hơi theo quyền lực (Tôn sư trọng đạo) cho đến mức lớn tiếng ngạo mạn (Nửa chữ cũng là thầy), từ chỗ là người mang trách nhiệm giáo huấn và trao truyền niềm tin đến chỗ là kẻ đòi hỏi những người thấp cổ bé miệng phải cầu cạnh đến. Còn một điểm đặc biệt mà ta phải để ý đến. Triều đình phong kiến xác định cho thầy một vai trò và trách nhiệm quan trọng, nhưng nó không nuôi thầy. Trách nhiệm nuôi thầy thuộc về những gia đình muốn cho con cái theo đuổi học thuật hoặc kiếm ít chữ để thăng tiến theo đường hoạn lộ. Học để ra làm quan hưởng lộc thì ơn thầy kể sao cho xiết. Quan hệ ơn nghĩa được đặt ra. Xã hội càng thối nát thì thầy kể ơn và vòi vĩnh càng nhiều.

Thời đại đó tưởng đã qua, nhưng rõ ràng nó vẫn còn sống mạnh. Chủ nghĩa xã hội ngày nay đã hiện nguyên hình là một thứ Nho giáo cải biên. Trường học ngày nay, nói gì thì nói, vẫn đóng vai trò công cụ chiến lược để đào tạo những con người xã hội chủ nghĩa, dù cho xã hội chủ nghĩa này được định nghĩa như thế nào. Thầy cô ngày nay được nâng lên thành người của nhà nước, nhưng chỉ được trả một đồng lương chết đói. Cú nâng chết người này đã biến quan hệ giữa nhà nước và thầy cô thực sự thành mối quan hệ chủ tớ. Bắt làm thì nhiều nhưng tiền công thì tùy hỉ. Bù lại nó ban cho giới thầy cô những tước danh nghe thiệt kêu, những ngày lễ rôm rả tri ân thầy cô để chứng tỏ họ được lãnh tụ đoái hoài tới và để ru ngủ thầy cô rằng họ có một vị trí đặc biệt trong xã hội. Sang thời xã hội chủ nghĩa thoái trào nó lại ban luôn cho quyền được dạy thêm và quyền được làm tiền vô tội vạ cha mẹ học sinh. Mức độ làm tiền càng sống sượng thì quan hệ ơn nghĩa ngày xưa càng được tô son trát phấn màu mè và cổ vũ om sòm hơn để bào chữa và thanh minh cho sự vong thân của cả một nền giáo dục. Món ngày lễ tri ân thầy cô (với hoa, quà cáp, và … tiền bạc) giờ được phủ thêm chiếc khăn gấm truyền thống hiếu học của dân chúng như một nét đẹp văn hóa của nước Việt Nam văn hiến.

Có người cho rằng, với các ngày lễ tri ân, thầy cô chỉ là nạn nhân của chính trị và thói phù phiếm của xã hội, và khẳng định họ không có lỗi gì hết. Đúng, nếu họ chọn đứng ngoài cái trò đó. Sai, nếu họ cũng nhập vào vì không muốn mất một cuộc vui và một cơ hội kiếm chác.

Có người lại chỉ ra ngày lễ tri ân cho các thầy cô là cần thiết, còn việc người ta lợi dụng nó thì phải chấp nhận, từ từ mà sửa. Ai sẽ sửa? Như tôi đã đề cập từ đầu, đã đến lúc cần đặt ra vấn đề một cách rõ ràng và sòng phẳng, theo đúng nguyên tắc công bằng và chính trực. Nếu có một ngày lễ tri ân thầy cô thì cũng cần có các ngày lễ tri ân người của mọi ngành nghề khác. Không thể cho là nghề giáo quan trọng, và có đẳng cấp cao hơn các nghề khác. Học sinh cần được dạy dỗ phải coi trọng và tri ân tất cả mọi người, mọi tầng lớp làm ra của cải và những điều tốt đẹp cho xã hội. Như mọi ngành nghề khác, nghề giáo cần đặt ra những tiêu chuẩn nghề nghiệp và bổn phận rõ ràng, và theo những tiêu chuẩn đó để đánh giá thầy cô có làm tròn trách nhiệm hay không. Dứt khoát từ chối mọi quan hệ ơn nghĩa trong công việc. Nếu họ làm tốt công việc của mình, tự nhiên họ sẽ được mọi người nể trọng. Chứ không có lý do gì để một người coi chuyện mọi người phải tri ân mình là lẽ đương nhiên dù không làm tròn bổn phận.

Đề nghị của tôi với thầy cô nhân ngày 20/11 hoàn toàn không phải là một ý tưởng chủ quan hay mới mẻ gì. Trong cuộc đời đi học của mình tôi đã vài lần chứng kiến các thầy cô từ chối cái vinh dự đó trong ngày 20/11. Có người nhẹ nhàng đặt câu hỏi: thay vì tặng hoa sao các em không tặng tôi cái niềm vui thấy các em hiểu bài, thực sự muốn biết nhiều hơn những gì tôi giảng, và thấy được công việc của mình có kết quả? Có người từ chối những món quà vì không muốn mối quan hệ thầy trò trong lớp học bị vẩn đục vì quan hệ ơn nghĩa, hoặc sự thương hại dù đến với thiện ý? Khi chúng tôi lớn hơn một chút, có người nói thẳng ra họ chỉ là một anh hèn không đủ sức làm tròn bổn phận và không xứng đáng nhận sự tri ân đó. Những hành động đó có tác dụng gây tỉnh thức. Nó xé toang cái bức màn giả trá và lừa mị. Những vị thầy cô đó, dù lực bất tòng tâm, nhưng luôn cố gắng đóng trọn vai trò khai trí, khai tâm học trò trong mọi tình huống. Họ mạnh mẽ khác thường khi so với những kẻ yếu bóng vía ăn chực ăn vạ theo một thứ “truyền thống” nào đó. Họ đã cho chúng tôi thấy sức mạnh của lòng tự trọng, của bổn phận, và lương tâm chức nghiệp. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn cái cảm giác choáng ngợp mỗi khi nhớ đến họ.

Tôi không biết các bạn đến phiên mình làm thầy cô bây giờ có còn nhớ đến những hình ảnh đó của ngày đi học, có còn giữ cái cảm giác choáng khợp khi sự tỉnh thức được khơi dậy không? Nếu ngày nay các bạn cũng làm được những hành động như vậy thì tác dụng gây tỉnh thức trong thế hệ hiện giờ và thế hệ mới còn to lớn đến đâu nữa. Những vị thầy cô đó đã cho chúng ta một ý tưởng rất thuyết phục qua chính hành động của họ. Còn sự tri ân nào lớn hơn, sâu sắc hơn nếu chúng ta cùng noi gương họ. Chỉ cần một hành động đơn giản. Con đường đã có, chỉ còn chờ đợi những bước chân thật sự muốn lên đường. Bạn có thể sẽ đơn độc lúc đầu, nhưng khi nhiều nẻo đường nhập lại với nhau, bạn sẽ không còn đơn độc nữa. Khi có sự đồng lòng, tôi tin cả xã hội sẽ rúng động vì tỉnh thức và suy ngẫm lại. Đó chính là sự đáp ứng tuyệt vời nhất cho niềm hy vọng đặt vào mình trong lúc này.

Plano, 11/06

© 2006 talawas