trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
7.12.2006
Nguyá»…n Trung LÆ°Æ¡ng
Về mãnh lực của tinh thần - Nhân dịp ra mắt bản dịch tác phẩm Hiện tượng học tinh thần của G. W. F. Hegel do Bùi Văn Nam Sơn thực hiện
 
Chủ nghĩa duy tâm cổ điển Đức là một trào lưu tư duy mãnh lực, có tác động chi phối lịch sử triết học. Trào lưu ấy khởi đầu bởi Immanuel Kant (1724-1804) với bước ngoặt phản tư quá trình nhận thức và cáo chung bởi Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831) với yêu sách một tri thức tuyệt đối. Cách đây hai năm (2004) tác phẩm chính của Immanuel Kant Kritik der reinen Vernunft đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt thành Phê phán lý tính thuần túy [1] (PPLTTT), và trong những ngày gần đây bạn đọc tiếng Việt lại được đón nhận thêm một tác phẩm chính nữa của trào lưu tư duy này: G. W. F. Hegel. Hiện tượng học tinh thần (Phänomenologie des Geistes). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nhà xuất bản Văn Học 2006. Giá: 300.000 đ.

Tuy đây là lần đầu tiên tác phẩm chính của Hegel được chuyển ngữ toàn bộ sang tiếng Việt, nhưng thông qua chủ nghĩa Marx tác phẩm ấy từ lâu đã gián tiếp có tác động lớn đến sinh hoạt tinh thần tại Việt Nam. Marx, Engels, Lenin đều đánh giá phương pháp tư tưởng của Hegel rất cao, xem đó là „hạt nhân duy lý“ của thành quả tư duy mà họ tự hào là những người kế thừa sáng tạo. Trần Đức Thảo (1917-1993), một uy tín triết học Mác-xít, cũng đã xem phương pháp tư tưởng của Hegel „thực chất là chân chính và cách mạng“, là „tiền đề cho chủ nghĩa Marx“. [2] Cái „hạt nhân duy lý“, cái phương pháp tư tưởng „chân chính và cách mạng“ ấy chính là phương pháp biện chứng mà Hegel đã biểu dương trong suốt cả toàn bộ tác phẩm Hiện tượng học tinh thần (HTHTT).

Dịch giả của HTHTT, Bùi Văn Nam Sơn là người trước đây đã trình công chúng bản dịch tác phẩm PPLTTT của Kant rất thuyết phục. Tuy gọi là dịch giả nhưng thực ra ông là một trong số ít ỏi học giả Việt Nam tận tụy nghiên cứu triết học, đặc biệt là triết học cổ điển Đức. Sự hiểu biết sâu rộng, có tính hệ thống của ông và khả năng diễn đạt rành mạch nhận thức của mình đã giúp ông làm chủ được bản dịch PPLTTT và là tiền đề cho một sự diễn giải rất vững vàng. Đặc biệt là Bùi Văn Nam Sơn không mắc căn bệnh phổ biến trên lãnh vực này: bệnh đơn giản hóa, phán đoán tùy tiện một chiều. Ông ưu tiên dùng lối diễn giải để ngỏ, ông mở cửa trước cũng như cửa sau để người đọc có được một cái nhìn bao quát và tạp bác, không hạn chế tầm nhìn mà là gợi ý người đọc. Tất cả những ưu điểm này ta sẽ gặp lại trong bản dịch HTHTT.

Cũng như PPLTTT, HTHTT không phải là một bản dịch đơn thuần mà là một công trình học thuật. Bộ sách dày 1638 trang! Khoảng chừng một nửa là phần dịch nguyên bản, nửa còn lại là phần biên soạn của người dịch. Phần này gồm có một tiểu luận rất súc tích giới thiệu tác phẩm, 1313 lời chú thích theo sát từng trang của bản dịch, 808 toát yếu (HTHTT được dịch giả phân ra thành 808 (!) tiểu đoạn và toát yếu là phần tóm tắt nội dung của từng tiểu đoạn ấy); sau từng chương hoặc tiết lớn là phần chú giải dẫn nhập. Cuối sách là phần tra cứu mà mỗi một tác phẩm học thuật không thể thiếu được, gồm có: tóm tắt thân thế và sự nghiệp của Hegel, mục lục tên riêng, mục lục vấn đề và nội dung thuật ngữ, thư mục chọn lọc.

Bùi Văn Nam Sơn nhắc khéo chúng ta là „đọc Hegel mà không cần sự trợ giúp của ai khác thì chỉ có hai trường hợp: hoặc đó là một bậc thiên tài tư tưởng hoặc… không thành thật“. Hẳn không lầm khi ông giả định là tuyệt đại đa số chúng ta không thuộc vào loại trước mà cũng không muốn thành loại sau nên ông đã bỏ ra nhiều công lao học thuật vào phần biên soạn. Theo Hans-Georg Gadamer thì mỗi một lời phát biểu đều là một câu trả lời cho một câu hỏi nào đó đã từng đặt ra tự bao giờ. Trung thành với phương châm của nhà thông diễn học nổi tiếng này Bùi Văn Nam Sơn đã bám sát văn bản, đào bới ra những câu hỏi ẩn nấp trong văn mạch tư tưởng không phải lúc nào cũng sáng sủa của Hegel.

Ai đã từng đụng chạm đến triết học đều biết là HTHTT là một tác phẩm rất khó đọc. Khó đọc không phải chỉ vì sự cô đọng của ngôn ngữ và nội dung, nhưng tác phẩm triết học nào lại chẳng thế. Cái „khó đọc“ của HTHTT nằm ở chỗ là nó bắt đầu ngay với sự giải thích cái „khó đọc“. Giải thích cái „khó đọc“ là phải đi vào diễn giải HTHTT, bởi vì tại đây giữa tư duy và thực tại có một sự gắn bó chặt chẽ và năng động mà hệ quả - như Hegel tuyên bố - sẽ là „Cái gì hợp lý là hiện thực; và cái gì hiện thực là hợp lý“ („Was vernünftig ist, das ist wirklich; und was wirklich ist, das ist vernüftig“). Phương pháp tư duy năng động của Hegel được Bùi Văn Nam Sơn – dựa theo Herbert Schnädelbach – diễn đạt là lối tư duy „tư biện biện chứng“. Hegel khai triển phương pháp tư tưởng này để thực hiện ý đồ táo bạo của ông: Khác với quan điểm của Kant về sự bất khả tri của thế giới „bên ngoài“ („vật tự thân“), Hegel quyết biết sạch hết, biết không để sót lại gì cả, quyết đạt được một cái biết vươn lên tính chủ quan và khách quan, một cái biết toàn bộ có tính tuyệt đối. Cái biết đó là cái biết chân lý mà Hegel đã tuyên bố: „Cái đúng thật [chân lý] là cái toàn bộ (Das Wahre ist das Ganze)“.

Quan niệm cái toàn bộ có một vị trí mấu chốt trong tư tưởng Hegel nói chung và trong tác phẩm HTHTT nói riêng. Theo Hegel thì cái đúng thật chỉ là cái toàn bộ khi cái toàn bộ có thể được suy tưởng như là sự thống nhất giữa tự nó và cái đối lập nó. Bùi Văn Nam Sơn minh họa: „Cái toàn bộ là nhiều hơn cái tổng số của các bộ phận của nó. Ví dụ đơn giản về số học cũng cho thấy điều ấy: một dãy số không chỉ cần được ghi ra mà cần phải được cộng lại mới thành một tổng số: những con số không tự chúng cộng lại với nhau được.“ (tr. 151) Điều này có nghĩa là „trong cái toàn bộ, nếu ta phân biệt cái toàn bộ với những bộ phận của nó theo kiểu đặt cái toàn bộ như một thực thể độc lập bên cạnh những bộ phận, thì bản thân cái toàn bộ bị cố định hóa này cũng chỉ là một bộ phận bên cạnh những bộ phận khác mà thôi“ (tr. 152). Cái toàn bộ tuy có thể phân biệt được với những bộ phận của nó nhưng không thể chia cắt ra khỏi những bộ phận ấy.

Qua đó nảy ra một vấn đề luận lý học bởi vì lối nghĩ ấy sẽ đưa đến một nghịch lý (Antinomie) mà giác trí thông thường không suy tưởng nổi: Phát biểu rằng A=A và A=B trong một mệnh đề sẽ dẫn đến mâu thuẫn. Tuân theo quy luật của luận lý học, giác trí thông thường không thể làm ngơ trước mâu thuẫn được mà phải thủ tiêu mâu thuẫn ấy. Nhưng lối tư duy của gíác trí thông thường lại mâu thuẫn với cái toàn bộ như Hegel hiểu. Vì lý do này mà ông đã đưa vào đây lối tư duy tư biện, một lối tư duy có thể suy tưởng được „sự đồng nhất của sự đồng nhất và sự không đồng nhất“, có thể suy tưởng cái tuyệt đối, tức là suy tưởng được cái tuyệt đối và cái mâu thuẫn trong một sự vận động biện chứng.

Như Bùi Văn Nam Sơn diễn giải, tư biện (gốc chữ latinh là speculor: dò tìm, thám sát) là một khái niệm giữ vai trò trung tâm trong triết học Hegel. Trong triết học cổ đại và trung đại thuộc truyền thống Platon-Augustinus, tư biện là „phương thức tối cao của nhận thức con người, theo nghĩa là „con mắt của tinh thần“ cho phép con người vượt khỏi kinh nghiệm cảm tính để nhận thức được tồn tại đích thực, những ý niệm hay thượng đế“ (tr. 153). Quan năng của tư biện là lý tính (Vernunft) để phân biệt với giác tính (Verstand) đơn thuần, vốn xem sự mâu thuẫn là phi lý.

Ở đây Hegel đồng thời phê phán cả triết học của Kant đã hạn hẹp lý tính để tránh né nghịch lý, không cho nghịch lý trỗi dậy, và qua đó lý tính của Kant không đạt tới được nhận thức thực tại thuần lý tính, tức là tri thức tuyệt đối, bởi vì nhìn từ góc độ tư biện của Hegel thực tại lúc nào cũng mang tính mâu thuẫn, mà thực tại đã mâu thuẫn thì chỉ có thể hiểu thấu đáo một cách tuyệt đối với sự hỗ trợ của biện chứng.

Cái toàn bộ như Hegel hiểu chỉ có thể là cái toàn bộ thật sự một khi ngoài nó không tồn tại bất cứ một cái gì khác nữa. Cái tuyệt đối tức là „cái-Đúng-thật-là-cái-Toàn-bộ“. Ngoài cái tuyệt đối không thể còn có nhận thức, không thể còn có chân lý. Điều ấy có nghĩa là cả chủ thể lẫn khách thể đều là thành phần đối lập trong cái toàn bộ. Bùi Văn Nam Sơn lưu ý rằng, điểm quan trọng quyết định là Hegel „không xem sự đối lập ấy ở bên trong ý thức là một sự đối lập tĩnh tại, cố định và cứng nhắc mà xem đó là một tiến trình cấu tạo nên cái biết và ra đời từ sự tác động qua lại của các cái „khả biến“. Cả hai phương diện của sự đối lập của ý thức (chủ thể/khách thể; cái Tôi/thế giới) đều phải „khả biến“ thì mới có thể đạt tới „nhận thức thuần túy“ hay „cái biết tuyệt đối“ của triết học“ (tr. XXV). Tính khả biến của chủ thể và khách thể là tiền đề của quá trình biến chuyển nội tại, biến chuyển biện chứng, thúc đẩy bởi nhu cầu của tính toàn bộ để đi đến cái tuyệt đối. Vì thế mà Hegel nhấn mạnh là „cái toàn bộ chỉ có thể là cái bản chất tự-hoàn chỉnh thông qua sự phát triển của chính mình. Phải nói về cái Tuyệt đối rằng: nó cốt yếu (wesentlich) là kết quả“ (tr. 37-38).

Biện chứng là một phương pháp tư duy sống động bởi tính khả biến của chủ thể cũng như khách thể. Qua đó cái đòn bẩy nhận thức của chủ thể không cố định; nó bị chi phối bởi tác động qua lại giữa chủ thể và khách thể. Vì thế quan hệ của chủ thể đối với khách thể không phải là quan hệ khách quan trong nghĩa „bàng quan“ (kontemplativ) mà là một quan hệ chủ động trong nghĩa „thực tiễn“, „dấn thân“ (praktisch). Ở đây nên chú ý là phương pháp biện chứng của Hegel như thế gắn liền với giả thiết tư biện (suy tưởng cái tuyệt đối), khác với loại biện chứng thông tục, tức là biện chứng được công thức hóa, qua đó biến biện chứng thành quy luật tư duy „phổ biến“, „khách quan“, toàn năng: biện chứng trở thành vô nghĩa. Loại biện chứng thông tục này là đối tượng đả kích của Karl Popper.

Chi phối bởi mô hình tư duy tư biện biện chứng HTHTT diễn đạt quá trình phát triển của ý thức từ cấp độ của một „sự xác tín cảm tính“ cho đến cấp độ của „tri thức tuyệt đối“ như là quá trình tự trải nghiệm của ý thức từ cấp độ vô ý thức đến cấp độ tự ý thức. Quá trình trải nghiệm của ý thức biểu dương trong nhiều hình thái tuần tự khác nhau và được Hegel lãnh hội và diễn đạt như là một quá trình trải nghiệm của tinh thần (Geist). Tri thức tuyệt đối là hình thái tối thượng, đạt được bởi sự trùng hợp giữa sự trải nghiệm của ý thức và ý thức về sự trải nghiệm của ý thức ấy, tức là sự tự ý thức. Tự ý thức là cái biết của tinh thần về chính mình và qua đó biết rằng, quá trình phát triển ý thức trong nhiều hình thái khác nhau chỉ là quá trình trải nghiệm của mình trong những hình thù xa lạ (Entfremdung), chưa tương xứng. Tinh thần như Hegel quan niệm không phải là cái gì trừu tượng, thần bí. Trừu tượng (abstrakt) hiểu theo Hegel có nghĩa là thiếu quy định (arm an Bestimmungen), ngược lại cụ thể (konkret) là giàu quy định tức là được chi phối bởi thiên hình vạn trạng mà thượng điểm là đầy đặn, tức là „viên mãn“ như cái toàn thể, cái tuyệt đối vậy. Cái tinh thần của HTHTT là cái tinh thần giàu trải nghiệm, biểu hiện trong „tinh thần chủ quan“, „tinh thần khách quan“, „tinh thần thế giới“, „tinh thần tuyệt đối“. Cái „tinh thần“của Hegel được chi phối bởi lịch sử và mang tính lịch sử, nó biểu dương trong lịch sử nhân loại (tất nhiên dưới góc độ của thời Hegel) và trong hình thái tuyệt đối là nghệ thuật, tôn giáo và triết học.

Như ta thấy, con đường của „cái biết đang hình thành“, „cái biết đang xuất hiện ra“ trong HTHTT là con đường hình thành tri thức tuyệt đối. Đấy là một cái tri thức chịu sự chi phối (vermittelt) của lịch sử, là giao điểm mà trong đó những đường dây của quá trình trải nghiệm của ý thức, tức là ý thức, tự ý thức, lý tính, tinh thần, tôn giáo quấn quít vào nhau và trong đó cái bản thể lộ ra là cái chủ thể. Từ đây ta sẽ hiểu tại sao Hegel tuyên bố diễn trình triết học của mình như sau: „Tất cả vấn đề là ở chỗ phải lãnh hội (auffassen) và diễn đạt (ausdrücken) cái Đúng thật (das Wahre) không [chỉ] như là BẢN THỂ mà cả như là (eben so sehr) CHỦ THỂ“ (tr. 30)

Triết học của Hegel còn được gọi là „triết học ý thức“. Tuy nhiên sẽ hiểu lầm nếu ta cho rằng ý thức là đối tượng của tư duy, bởi vì „triết học ý thức“ không phải là triết học về ý thức, tương tự như về đạo đức, về nhà nước, về mỹ cảm…, tức không phải là một bộ môn trong triết học. Ý đồ của Hegel là: HTHTT sẽ diễn đạt rằng ý thức là điểm xuất phát và đồng thời là điểm quy chiếu của triết học.

Luận điểm này của Hegel rõ ràng là hoàn toàn phản lại sự cảm nhận của một „giác tính lành mạnh“thông thường: Thiên địa vạn vật sừng sững ra đó mà không phải là manh mối trực tiếp của nhận thức ư! Tại sao nhận thức không xuất phát từ „ý thức tự nhiên“, tức là cái biết trực tiếp hướng đến „đối tượng khách quan“. Như ta biết, I. Kant đã trả lời câu hỏi này bằng bước ngoặt Copernicus với luận đề về „vật tự thân“ và qua đó đã dọn đường cho sự hình thành chủ nghĩa duy tâm Đức, cho một lối tư duy không hướng về thế giới „khách quan bên ngoài“ mà tự quy chiếu và Hegel là một đại diện triệt để nhất. Những thắc mắc của một „giác tính lành mạnh“ không còn là vấn đề mà Hegel phải khắc phục. Hegel sẽ trả lời rằng ngay cái biết ở cấp độ của một sự „xác tín cảm tính“ - và đây là một luận đề cơ bản của HTHTT - cũng không phải là một cái biết trực tiếp, „tự nhiên“, hướng đến „đối tượng khách quan“, như thông thường vẫn cảm nhận thế, mà là một cái biết gián tiếp, như mọi cái biết ở cấp độ khác của ý thức trong HTHTT, chi phối bởi một mạng lưới trung giới (Vermittlung) chằng chịt .

Ai đã quyết theo đọc HTHTT phải liều chui qua cái mạng lưới chằng chịt ấy. Công lao của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn là đã dành hơn nửa phần công trình dịch thuật của ông để dọn từng bước một cho bạn đọc đỡ vướng vấp. Những khái niệm cơ bản đều được chú thích chu đáo; nhiều khi phải trích cả lịch sử triết học tự cổ chí kim để diễn giải và minh họa sự biến chuyển ý nghĩa của một khái niệm. Có lẽ không thừa nếu tôi lặp lại rằng lề lối làm việc của Bùi Văn Nam Sơn rất gương mẫu và tôi ngại rằng dịch giả của những tác phẩm triết học kinh điển khác từ nay về sau chắc phải đành chịu bị đem ra so đọ với họ Bùi vậy.

Cũng là một điều may mắn là Bùi Văn Nam Sơn đã tự mình và một mình đảm nhiệm chuyển ngữ các tác phẩm cơ bản của triết học cổ điển Đức, và theo tôi đây là một ưu thế và có lẽ cũng là ý đồ của dịch giả: qua đó thuật ngữ triết học từ Kant đến Hegel giữ được tính nhất quán và liên tục; nhờ đó hình thù của một trào lưu tư duy mãnh lực trong lịch sử triết học trở nên rõ nét trong tiếng Việt.

Tuy nhiên bản dịch HTHTT đến với bạn đọc Việt Nam vào thời điểm bất thuận. Không cần phải bàn xa rộng có lẽ ta có thể nhất trí rằng chúng ta đang sống trong một thời đại mà trong đó không còn chỗ cho những đề án không tưởng nữa. Giấc mơ xây dựng cõi cực lạc trên trần gian đã nhường chỗ lại cho nỗi lo âu muôn thuở về miếng cơm hằng ngày.

“Từ thuở tiên đi, sầu cũng nhỏ”! Đấy là trạng thái tinh thần hôm nay mà Bùi Văn Nam Sơn đã diễn đạt bằng lời của thi sĩ Huy Cận. Câu hỏi thích đáng ở đây là: tư duy táo bạo của Hegel với yêu sách của một sự tuyệt đối có lạc lõng không trong một thế giới tư tưởng mà trong đó „kích thước giường chõng hằng ngày“ đã trở thành trung tâm điểm? Hay gọn hơn: Tư duy của Hegel còn cập nhật không?

Tất nhiên đọc Hegel với mục đích phát hiện ra „hạt nhân duy lý” để phục vụ cho sự nghiệp củng cố chủ nghĩa Mác Lê là một một lối tiếp cận hẹp hòi, lỗi thời, phi triết học với hệ quả đã quá quen thuộc, vả lại với sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác Lê lối áp cận Hegel kiểu này đã mất hẳn lý do tồn tại. Lối đọc „cập nhật“ này không phải là thái độ đọc tương xứng để gặp gỡ những tác phẩm triết học kinh điển, không tương xứng với Tứ thư Ngũ kinh, với Platon, Aristoteles, Descartes, Kant hay Hegel; đọc kinh điển là bởi tính đào luyện (Bildung) nhân văn chứ không phải bởi tính thực dụng bổ ích nhất thời.

Cách đây gần hai năm, nhân dịp bản dịch PPLTTT ra đời, tôi đã nhiệt thành cho rằng, đây là một sự kiện trong sinh hoạt trí tuệ Việt Nam, nhưng hình như ý kiến này không ai chia sẻ cả. Tuy nhiên cho đến bây giờ tôi vẫn cho rằng mình đã không quá lời và hôm nay tôi vui mừng là sự đánh giá của mình về dịch thuật của Bùi Văn Nam Sơn lại được khẳng định bởi công trình dịch HTHTT. Nhưng có điều tôi vẫn thắc mắc là – nếu tôi quan sát không lầm – bản dịch PPLTTT của Bùi Văn Nam Sơn cũng chẳng được công luận học thuật Việt Nam nhắc đến! Đấy là điều đáng ngạc nhiên thật, chẳng phải sự khao khát những bản dịch triết học cổ điển đã ấp ủ từ lâu nay. Sự lặng thinh này nên hiểu như thế nào? Có thể chỉ là biểu hiện của một thái độ học phiệt gì đó (từ mượn của Phan Khôi tiên sinh), nếu thế thì tôi không cần dừng lại đây làm gì. Nhưng nếu sự thờ ơ ấy là dấu hiệu của trạng thái tinh thần hôm nay thì đây là điều đáng phải bận tâm.

Cầm trong tay một quyển sách dày hơn 1600 trang tôi không thể không nghĩ đến một điều rất thiết thực. Ai sẽ là người có gan đọc quyển sách triết học cỡ ấy trong thời buổi này, rồi thì có gan đọc nhưng có đọc nổi không Khi đặt câu hỏi như thế tôi không hề có ý xem thường hay làm bạn đọc nhụt chí; tôi nghĩ rằng có lý do chính đáng và khách quan để đặt câu hỏi này, ở Việt Nam cũng như mọi nơi khác, kể cả ở xứ sở của Hegel. Tôi muốn nói đến môi trường tiếp cận triết học.

Trong truyền thống học thuật cơ sở đào luyện triết học thường là đại học. Đây là nơi bạn trẻ vỡ lòng triết học, nơi bạn trẻ có đủ thời gian, tâm trí và tâm huyết để gặp gỡ những tác phẩm kinh điển. Mục đích tối hậu của sự đào luyện triết học trong môi trường đại học không phải là sự tích lũy kiến thức mà là học tập tư duy, tạo cho sinh viên nhạy cảm với những vấn đề liên quan và đồng thời phát huy khả năng diễn đạt những điều mình đã nhận thức được. Vấn đề là những điều vừa kể không thể giảng dạy được nhưng chính lại là thành quả của quá trình đào luyện thông qua sự trải nghiệm tư duy ở một môi trường sinh hoạt cởi mở, trong tinh thần tự do học thuật.

Ví dụ ở Đức chẳng hạn: Hầu như tất cả trường đại học đều có môn triết học. Các buổi giảng bài (Vorlesung) và hội thảo (Seminar) trong môn triết học không chỉ dành riêng cho sinh viên chuyên khoa triết học, tất cả sinh viên theo học các môn khác đều có thể tham dự kể cả những môn khoa học tự nhiên, toán hay luật. Thông thường những ai theo học khoa học nhân văn và xã hội đều là những người thường xuyên tham dự nghe giảng bài hay hội thảo. Tham dự hội thảo có hai mô thức: tham gia chủ động là nhận thảo và trình bày tham luận về một đề tài nhất định; tham gia thụ động là nghe và nếu được phát biểu ý kiến. Đặc biệt kiểu tham gia chủ động là cơ hội để tìm hiểu sâu một vấn đề triết học hoặc một tác phẩm triết học như HTHTT chẳng hạn ngay trong thời kỳ còn là sinh viên. Trong các cuộc hội thảo ấy không những sinh viên tranh cãi với nhau; thầy trò đả kích lẫn nhau cũng là chuyện thường, và nhiều khi cũng rất mạnh tiếng (mà không ảnh hưởng gì đến điểm chấm bài!).

Đáng tiếc là tại Việt Nam sau khi thời đại Tứ thư Ngũ kinh cáo chung, từ gần một thế kỷ nay, một môi trường tiếp cận triết học chính quy không có trong truyền thống đào luyện nữa. Trừ hai thập niên trước 1975 tại đại học miền Nam, cho đến nay giảng dạy triết học trong đại học chỉ nhằm mục đích huấn luyện tư tưởng, mà rồi cũng chỉ là tư tưởng đã được chỉ thị thôi. Một Trần Đức Thảo, người đã từng gây ảnh hưởng trong một thế hệ trí thức Pháp, sau hơn 40 năm lao động trí óc tại chính đất nước mình cũng chỉ là một lữ khách cô đơn và hầu như đã không để lại một dấu vết tư duy nào đáng kể trong học thuật Việt Nam. [3] Ta không ngạc nhiên về hậu quả của sự phát triển này: Những công trình dịch thuật hay biên soạn triết học (kể cả triết học Đông phương) đáng kể hôm nay được trưng bày trong các nhà sách Hà Nội hay Sài Gòn đều xuất xứ tại miền Nam trước 1975 (tiện đây cũng xin nhắc là dịch giả Bùi Văn Nam Sơn thuộc vào thế hệ được đào luyện triết học tại đại học miền Nam trước 1975). Tuy nhiên cho đến hôm nay (tháng 10.2006) vẫn chưa có dấu hiệu của một sự đổi mới nào. Tất nhiên đây là một tình trạng đáng than phiền, nhưng dụng ý của của người viết bài này không phải là tố khổ mà là minh họa lý do tại sao học thuật nhân văn Việt Nam mà đặc biệt là triết học vẫn cứ giậm chân tại chỗ.

Thiếu hẳn một cơ chế đào luyện triết học cấp đại học và qua đó thiếu nhiều thế hệ được đào luyện triết học thì tất nhiên việc tiếp cận triết học nói chung và Hegel nói riêng chỉ có thể diễn ra – nếu may mắn có – trên bình diện cá nhân lẻ tẻ. Khó có thể gọi Trần Đức Thảo là một triết gia Việt Nam vì tư duy của ông không sinh sôi nảy nở trong môi trường học thuật Việt Nam. Sự thiếu sót nền tảng cũng là nguyên nhân của những hiện tượng tiếp cận tùy tiện và ngộ nhận. Không phải tình cờ mà một nhân vật như Albert Einstein, một nhà vật lý học vĩ đại thật nhưng chẳng có đóng góp gì đáng kể cho triết học, lại được giới học thuật Việt Nam tôn vinh như là một triết gia vĩ đại. Hiện tượng này làm ta liên tưởng đến sự thờ phụng nhà văn Victor Hugo trong đạo Cao Đài, hay - xa hơn nữa – bà con với kiểu thờ phụng Cargo phổ biến trong một số xã hội bộ lạc Đông Nam Á và Đại dương châu vào cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ thứ 20. Kiểu thờ phụng này không giúp ta hiểu biết gì hơn về đối tượng được tôn vinh nhưng tiết lộ rất nhiều về trạng thái tinh thần của những người thán phục.

Trước một bối cảnh như thế thực hiện những bản dịch có tính nền tảng như PPLTTT hay HTHTT là một việc làm rất cần thiết. Ta vui mừng và kinh ngạc là Bùi Văn Nam Sơn vẫn ung dung tiếp tục hoàn tất công trình dịch các tác phẩm căn bản khác thuộc triết học cổ điển Đức: Kritik der praktischen Vernunft (Phê phán lý tính thực hành) và Kritik der Urteilskraft (Phê phán năng lực phán đoán) của I. Kant, Wissenschaft der Logik (Khoa học Lô-gíc) của Hegel. Đây là một công trình đồ sộ đối với một cá nhân, cho đến nay hiếm có trong sinh hoạt học thuật Việt Nam. Cũng đáng nhắc đến là công trình được thực hiện không có sự ủng hộ của một cơ chế nào, về vật chất cũng như tinh thần! Thực hiện một đề án như thế không những đòi hỏi khả năng mà cả lòng kiên trì. Có một sự thật mà ta cũng không thể bỏ qua: Những bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn là những tác phẩm không thể thỏa mãn được những đòi hỏi định hướng tư tưởng cấp thiết trong trạng thái hoang mang tinh thần phổ biến hiện nay, không đáp ứng kịp thời được những nhu cầu cố vấn nhân sinh quan thiết thực mà con người trong một xã hội chuyển mình đang mong đợi, tương tự như những tác phẩm kiểu Thế giới phẳng (Thomas L. Friedman, The World is Flat); tóm lại: PPLTTT hay HTHTT không phải là loại sách “ăn khách”, không lôi kéo được quảng đại quần chúng. Nhưng ta cũng có thể tự hỏi: Văn hóa đại chúng có thể nào thay thế được văn hóa bác học không? Ca dao có thể nào thay thế được Truyện Kiều không? Cái biết lẽ sống thông thường có thể nào thay thế được triết học không?

Như ta biết, xưa nay triết học vẫn xuất xứ từ sự kinh ngạc, kinh ngạc trước cái tầm thường chứ không phải cái vô thường. Kinh ngạc khiến ta phải tra hỏi. Tự mãn với cái biết của mình là thiếu năng lực triết học. Tra hỏi là biến cái tầm thường thành cái vô thường. Triết học là biết tra hỏi (trong khi khoa học là biết trả lời chính xác). Biết tra hỏi sẽ dẫn ta vào thế giới vô thường của tinh thần; ta sẽ nhận ra cái tầm thường nhất bởi cái vô thường, - hay nói như Hegel – qua trung giới của cái vô thường. Đọc HTHTT là trải nghiệm cái mãnh lực của tinh thần; ta sẽ cảm nhận rằng không có mãnh lực ấy sẽ không có nghệ thuật, tôn giáo, triết học. Alexandre Kojève đã bình luận HTHTT chí lý (tạm dịch) như sau: “Không có Con người, Hiện hữu sẽ vô ngôn: vẫn có đó thôi nhưng sẽ không có chân tính vậy.” [4]

Tháng 10.2006

© 2006 talawas



[1]Immanuel Kant: Phê phán lý tính thuần túy (Kritik der reinen Vernunft). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb Văn Học, Hà Nội 2004
[2]Trần Đức Thảo: „Hạt nhân duy lý“ trong triết học Hegel. Trong: Tập san Đại học (Văn khoa), Số 6-7, 1956, tr. 18-36. Trích theo: www.viet-studies.org
[3]Phạm Trọng Luật: Triết lý của Trần Đức Thảo đã đi đến đâu? Trong: Hợp Lưu, số 79, 10-11/2004. Trích theo www.viet-studies.org
[4]“Sans l’Homme, l’Être serait muet: il serait là (Dasein), mais il ne serait pas vrai (das Wahre)“. Alexandre Kojève: Introduction à la lecture de Hegel. Éditions Gallimard, Paris 1947, tr. 646.