trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
14.12.2006
Cheng Li
“Dân chủ trong Đảng” ở Trung Quốc: Hướng về hệ thống “Một Đảng, hai thành phần”?
Huỳnh Khôi dịch
 
Không có giải đáp đơn giản cho câu hỏi khi nào hoặc làm sao để nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có dân chủ. Sự chuyển biến đưa đến dân chủ của quốc gia đông dân cư nhất thế giới này, nếu có xảy ra, thì chắc không phải là chuyện dễ. Hiện tại Đảng Cộng sản Trung Quốc giành độc quyền chính trị, cấm đoán thành lập các đảng phái có khả năng cạnh tranh với mình, hoặc sự hình thành một guồng máy tư pháp độc lập. Trong thời gian gần đây, Đảng cũng kiểm soát nghiêm ngặt các phương tiện truyền thông đại chúng; tăng cường các công tác kiểm duyệt chặt chẽ. Vì không có phong trào phản kháng nào vừa được tổ chức chu đáo vừa có tầm hoạt động sâu rộng, Trung Quốc khó có thể phát triển được một hệ thống chính trị đa đảng trong tương lai gần.

Mặc dù vậy, người ta sẽ nhầm nếu không để ý đến các phát triển chính trị quan trọng đã và đang xảy ra trong vài năm gần đây. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác trong các cuộc họp mặt và tại các buổi họp chính thức đã bắt đầu thảo luận về sự cam kết cải cách chính trị và phát triển nền dân chủ giới hạn. (Liaowang Xinwen Zhoukan, tuần báo Quan điểm Tin tức], ngày 15, tháng 10) [1] . Đáng kể nhất có lẽ là những động lực mới đang xuất hiện trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các lãnh tụ Trung Quốc đã bắt đầu dùng từ “Ðảng nội dân chủ” (dangnei minzhu) để mô tả quan niệm là Đảng cần phải thành lập một thể chế cân bằng và kiểm soát (check and balance) trong chính cấp lãnh đạo (Tân Hoa Thông tấn xã, 6/1).

Những phát triển gần đây trong tầng lớp chính trị gia ưu tú tại Trung Quốc có thể được mô tả như một sự tiến hoá của hệ thống “một Đảng, hai thành phần”. Hệ thống này tiêu biểu cho sự xuất hiện từ cuối thập niên 90 của hiện tượng cân bằng quyền lực giữa hai khối chính trị tuy không chính thức nhưng hầu như lúc nào cũng có quyền lực ngang nhau. Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, quyền hành của đảng cai trị không còn nằm trong tay của một lãnh tụ độc tài như Mao Trạch Đông hoặc Đặng Tiểu Bình nữa. Thay vào đó, nó được chia sẻ giữa hai thành phần hoặc hai liên minh đang cạnh tranh với nhau. Người ta không thể phân loại hai thành phần này dựa trên ý thức hệ như cấp tiến hay bảo thủ, hoặc cải cách hay cứng rắn. Nếu gọi cho đúng thì hai thành phần này là: (1) “liên minh ưu tú” dẫn đầu bởi cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và đương kim phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng và (2) “liên minh dân tuý” dẫn đầu bởi chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hai nhóm này có những đặc điểm như sau: (1) hai liên minh đại diện cho hai thành phần xã hội-chính trị và địa lý khác nhau; (2) hai liên minh có chính sách hoạt động và ưu tiên trái ngược nhau; và (3) tuy có những vấn đề đưa đến sự cạnh tranh nhưng cũng có những vấn đề mà hai thành phần đồng ý hợp tác với nhau.


Tương phản về xã hội-chính trị và địa lý

Liên minh ưu tú và liên minh dân tuý có những khác biệt một trời một vực trong phương diện xã hội chính trị và địa lý. Những khác biệt này phần nhiều là phản ánh của sự nghiệp và quan hệ chính trị riêng của tầng lớp lãnh đạo. Phe nòng cốt của liên minh ưu tú là một lớp người mang tên “Nhóm Thượng Hải”. Nhóm này bao gồm các nhà lãnh đạo nổi bật Wu Bangguo (Chủ tịch Quốc hội Nhân dân), Hoàng Cúc (Phó Thủ tướng), Trần Lương Vũ (cựu Bí thư Thành uỷ Thượng Hải) và Tăng Bồi Viêm (Phó Thủ tướng). Giống như Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, các nhân vật nổi bật trong liên minh này - như Vương Kỳ Sơn (Thị trưởng Bắc Kinh), Bo Xilai (Bộ trưởng Thương mại) và Châu Tiểu Xuyên (Giám đốc Ngân hàng Quốc gia) – cũng đều là những ông vua con, hoặc là con cháu của các viên chức cao cấp.

Nhiều thành phần lãnh đạo của nhóm liên minh ưu tú này đã được gửi đi học ở nước ngoài (nhóm được gọi là “Hải Qui”) và có kiến thức tiến bộ trong các lãnh vực tài chính, thương mại, đối ngoại, kỹ nghệ tin học, và giáo dục. Họ đại diện cho quyền lợi của tầng lớp khá giả, có văn hoá cao cũng như của những vùng duyên hải có nền kinh tế phát triển. Theo một nghiên cứu chính thức của Trung Quốc được công bố cách đây không lâu thì trong 3.220 doanh nhân Trung Hoa giàu nhất (mỗi doanh nhân có tài sản trị giá trên 100 triệu nhân dân tệ, hay $12.7 triệu dollar Mỹ) một số lớn là con cháu của các viên chức cao cấp, phần đông sống ở tám tỉnh và thành phố ven biển (Quảng Đông, Chiết Giang, Thượng Hải, Bắc Kinh, Giang Tô, và Liêu Ninh). Khoảng 85-90% làm việc trong 5 khu vực: tài chính, ngoại thương, bất động sản, xây cất và an ninh.

Ngược lại, cả Hồ Cẩm Đào lẫn Ôn Gia Bảo không ai xuất thân từ gia đình có nhiều thành tích chính trị. Không những vậy, họ đã sống và làm việc nhiều năm tại những vùng nghèo đói nhất của Trung Quốc. Phần đông thành viên của liên minh dân tuý tiến thân từ chính quyền địa phương, nhiều người làm việc trong các khu vực như đoàn thanh niên, quản lý nông thôn, tổ chức Đảng, cơ quan tuyên truyền, mặt trận thống nhất lao động và luật pháp. Cũng giống như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, họ lớn lên từ những gia đình sống sâu trong nội địa và không được ưu đãi. Thành phần nòng cốt của liên minh dân tuý là Đoàn Thanh niên Cộng sản, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào vào đầu thập niên 80. Bốn người có triển vọng gia nhập Bộ Chính trị cũng như Ban Bí thư Trung ương kỳ tới là: Bí thư Đảng uỷ tỉnh Liêu Ninh Li Keqiang, Bí thư Đảng uỷ tỉnh Giang Tô Li Yuanchao, Giám đốc Mặt trận Thống nhất Lao động Liu Yandong và Bí thư Đảng uỷ tỉnh Sơn Tây Zhang Baoshun - cả bốn nhân vật này đã từng hoạt động dưới quyền của Hồ Cẩm Đào trong Đoàn Thanh niên Cộng sản hồi đầu thập niên 80. Tân Bí thư Đảng uỷ của thành phố Trùng Khánh, một ngôi sao mới mọc của thế hệ lãnh đạo thứ năm cũng đã làm việc cho Đoàn Thanh niên của tỉnh An Huy.


Từ Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào: Một sự thay đổi chính sách

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển một cách ngoạn mục trong thời đại Giang Trạch Dân, ở thời điểm này người ta cũng chứng kiến sự cách biệt càng ngày càng xa của mức lợi tức giữa người giàu và người nghèo, giữa người sống trong nội địa và người sống ở các vùng duyên hải. Giang Trạch Dân đã phân phối tài nguyên một cách bất cân xứng, ưu tiên các nguồn tài chính để phát triển Thượng Hải và các thành phố ven biển trong lúc bỏ rơi nhiều tỉnh trong lục địa. Trong vòng một thế hệ mà Trung Quốc đã thay đổi từ một trong những quốc gia công bằng nhất trên thế giới - với hệ số Gini là 0.33 năm 1980 – sang một quốc gia thiếu công bằng nhất với hệ số Gini là 0.45 năm 2004 [2] . Thêm vào đó, Trung Quốc đã phải trả một giá khổng lồ cho sự thoái hoá môi trường do tư duy thiển cận, chỉ chú tâm vào việc phát triển kinh tế bằng mọi giá.

Cảnh giác bởi những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến đường lối chỉ đạo của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào sau ba năm nắm quyền đã thay đổi tiến trình phát triển của Trung Quốc ở ba chiều hướng. Thứ nhất, thay vì chỉ chú trọng phát triển tổng sản lượng nội địa (GDP) cho thật nhanh, ông chọn một mô hình phát triển đặt nặng hướng phát triển bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Thứ hai, thay vì chỉ chú trọng phát triển các thành phố ven biển, ông chọn một kế hoạch phát triển cân bằng địa phương hơn. Thứ ba, ông Hồ thay đổi chiều hướng chính sách phát triển quốc gia để không còn thiên vị doanh nhân và các thành phần ưu tú trong xã hội mà chú trọng hơn đến việc bảo vệ quyền lợi của nông dân, công nhân di trú (những công dân phải bỏ quê ra tỉnh tìm việc làm), thành phần thất nghiệp tại thành thị, và những thành phần xã hội yếu kém khác. Việc chú trọng phát triển công bằng tại mọi vùng đã giúp cho những thành phố nằm sâu trong nội địa như Thành Đô, Trùng Khánh và Tây An phát triển kinh tế mau lẹ nhờ sức mạnh của vốn đầu tư. Điển hình là những dự án trùng tu kỹ nghệ tại Trùng Khánh sẽ nhận được số tiền đầu tư là 350 tỷ nhân dân tệ ($43.5 tỷ dollar Mỹ) trong vòng 5 năm tới (Diyi Caijing Ribao, nhật báo Kinh tế và Tài chánh thứ nhất ngày 6, tháng 2).

Ðồng thời, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã thực hiện một số biện pháp đắc nhân tâm như giảm bớt gánh nặng thuế má cho nông dân, huỷ bỏ những quy định kỳ thị công nhân di trú, và phát động phong trào uỷ lạo toàn quốc cho những người thiếu thốn. Sự thay đổi chủ trương và chính sách này chứng tỏ cho người dân thấy là tầng lớp lãnh đạo Trung Hoa không những nhận thấy được sự căng thẳng và các khó khăn của quốc gia, họ còn sẵn sàng đối phó với chúng một cách tích cực và đúng lúc.


Tranh đua, hợp tác và tương thuộc phức tạp

Trong lúc hai thành phần trong Đảng Cộng sản cạnh tranh với nhau về quyền lực, ảnh hưởng và quyền chủ động ban hành chính sách, họ cũng hợp tác với nhau để giữ bền vững cho nền chính trị của Trung Quốc. Một hiện tượng đáng chú ý là trong 6 ban lãnh đạo tối quan trọng, điển hình như chức vụ Chủ tịch nước và Ban Quân sự Trung ương, hai chức vụ cao nhất của mỗi cơ cấu này lúc nào cũng được chia đều cho thành phần lãnh đạo của hai liên minh [3] . Sự phân chia này tạo ra một hệ thống cân bằng và kiểm soát nội bộ. Mặc dù liên minh dân tuý của Hồ Cẩm Đào tiếp tục lớn mạnh, sự liên quan tương thuộc phức tạp này có thể sẽ được tiếp tục trong nhiều năm tới.

Chính trị bè phái dĩ nhiên không phải là một hiện tượng mới tại Trung Quốc, cái mới lạ ở đây là khuynh hướng hợp tác và chia sẻ quyền lợi thay vì mạnh được, yếu thua (zero-sum). Xu hướng này phản ánh một thực tế là không liên minh nào có đủ sức mạnh để đánh bại địch thủ của mình. Họ cũng không tìm cách hạ bệ nhau. Mỗi liên minh đều nhận thức được là họ có những sức mạnh mà phe kia không có, và ngược lại cũng thế. Ví dụ như các viên chức tại tỉnh Tuanpai rất giỏi giải quyết các vấn đề về tổ chức và tuyên truyền. Họ thường có nhiều kinh nghiệm quản lý nông thôn, nhất là ở các vùng nằm sâu trong nội địa. Vì ít tiếp xúc với lĩnh vực tài chính và thương mại, họ không đủ kiến thức luận giải nền kinh tế của quốc tế. Không những không tìm cách hạ nhau, hai liên minh còn có một số mục tiêu chung: bảo đảm sự an toàn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và đẩy mạnh địa vị của Trung Quốc lên hàng đầu quốc tế. Những mục đích chung này làm cho cái được gọi là “hệ thống lưỡng đảng với đặc điểm Trung Quốc” sẽ được duy trì trong tương lai gần đến trung hạn tới đây.

Vì giới lãnh đạo và các phe phái trong Đảng luôn tham gia vào việc xây dựng liên minh, thương lượng và thoả hiệp, nên chắc chắn họ sẽ tìm cách bảo đảm để tiếp tục được cầm quyền tập thể. Việc mất chức gần đây của Bí thư Thượng Hải, Chen Liangyu, một nhà lãnh đạo nổi bật trong nhóm Thượng Hải bị cáo buộc tội tham nhũng, tái khẳng định tính linh hoạt mới trong nền chính trị phe đảng Trung Quốc. Dù chưa có chi tiết rõ ràng về thoả hiệp giữa Hồ và giới lãnh đạo nhóm Thượng Hải song người ta có lý khi cho rằng chiến dịch toàn quốc cổ võ cho việc xuất bản tuyển tập của họ Giang, đựợc tiến hành trước khi ông Chen bị cách chức, và việc bổ nhiệm Han Zheng, một thành viên của nhóm Thượng Hải, làm quyền Bí thư của thành phố này (thay vì đưa một người thuộc phe dân tuý từ nơi khác đến), đều nẳm trong thoả hiệp này.


Giới hạn và viễn tượng tương lai

Mặc dù linh hoạt, hệ thống “lưỡng đảng” trong một đảng của Trung Quốc có nhiều giới hạn đáng kể. Các thành phần và liên minh chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc thiếu tính chất trong sáng, và không như những nền chính trị phe đảng tại các nước khác, nền chính trị phe đảng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa được xem là chính đáng trong Ðiều lệ Đảng. Chính trị phe phái trong nội bộ đảng của Trung Quốc có thể tạo một hệ thống kiểm soát và cân bằng trong guồng máy chính trị và do đó làm sinh động trở lại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, ĐCSTQ, ít nhất là trong hình thái hiện nay, không chắc có thể tồn tại vĩnh viễn, vì sức mạnh của xã hội thế nào cũng đòi hỏi thêm phương thức tiếp cận và đại diện trong tiến trình chính trị Trung Quốc. Không những vậy, chính những phe nhóm trong Đảng cũng không chắc là không thay đổi. Các vận động chính trị hành lang và các chiến dịch mang hình thái tiêu cực khác, tuy hiện giờ bị cấm đoán, rồi sẽ phát triển trong tương lai, sau khi bắt đầu có sự cạnh tranh chính trị. Gần đây ĐCSTQ đã quyết định là trong cuộc bầu cử đại biểu cho Đại hội Đảng kỳ 17, số ứng cử viên sẽ nhiều hơn 15% con số các chức vụ cần được bầu. Có nghĩa là một số ứng cử viên sẽ không được đắc cử (Shijie Ribao, tập san Thế giới, 13/11.) Những cuộc bầu cử Ban Chấp hành Trung ương rồi đây cũng sẽ có nhiều cạnh tranh hơn.

Trong cuộc bầu cử đại biểu cho Đại hội Đảng lần thứ 16 năm 2002, hình như phần đông thành viên của liên minh ưu tú đã bầu cho Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo vì cả hai đã chỉ mất đi một số phiếu rất ít. Người ta có thể dự đoán rằng tại cuộc bầu cử Đại hội Đảng lần thứ 17, hai ông này chắc sẽ khó nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Các thành viên của phe ưu tú đã nhận thấy cần phải hạn chế quyền lực của phe dân tuý và các nhà chính trị Trung Quốc cần phải làm quen với “luật chơi mới” của chính trường. Nếu như những giả thuyết trên là đúng thì chúng ta sẽ sớm chứng kiến một giai đoạn phát triển chính trị “lưỡng đảng” và linh hoạt hơn tại Trung Quốc.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Theo lời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và những cố vấn của ông, phong trào cải cách chính trị tại Trung Quốc sẽ xảy ra trong bốn lãnh vực: (1) trách nhiệm của viên chức với công chúng và thể chế hoá cơ chế giám sát trong Đảng; (2) bầu cử trực tiếp ở hạ tầng cơ sở (v. d. tại các làng xã nông thôn và quận huyện thành thị); (3) củng cố thể chế pháp trị; và (4) xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ.
[2]Ru Xin, Lu Xueyi và Li Peilin, Nghiên cứu và dự báo phát triển xã hội, 2005
[3]Ví dụ, Hồ Cẩm Đào là Chủ tịch Hội đồng Quân sự Trung ương trong khi tướng Guo Boxiong, Phó Chủ tịch và là nhân vật cao cấp thứ nhì, lại là bạn thân của Giang Trạch Dân.