trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
21.12.2006
Nguyễn Trường Lịch
Chất lượng cao học ngành văn - Quý hồ tinh bất quý hồ đa
 
Có một vị chuyên gia nước ngoài đang làm hiệu trưởng trường đại học Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) ở thành phố Hồ Chí Minh - ông Michael Mann, vốn trước đây đã làm đại sứ Australia 5 năm ở Việt Nam - tháng Sáu vừa qua nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập trường RMIT, trong khi trả lời phỏng vấn báo chí, đã nêu lên một ý kiến nổi bật: “Đối với giáo dục, thành quả sẽ là đào tạo nên sinh viên tốt nghiệp có CHẤT lượng, những người công dân tốt cho xã hội và có nghề nghiệp “đẳng cấp cao” (báo Thể thao văn hoá 20-6-06).

Tôi nghĩ đây là một nhận định khoa học, vừa là một yêu cầu chính xác trùng khớp với quan điểm giáo dục của Nhà nước ta là đào tạo lớp trí thức trẻ “vừa hồng vừa chuyên” mang tính toàn cầu, nhìn từ góc độ kinh tế tri thức.

Tuy vậy trên thực tế, gần đây nhất (quý II, 2006), song song với kỳ họp Quốc hội dài ngày, lại có một cuộc họp thử nghiệm, được gọi là “quốc hội Trẻ" của sinh viên đại học, đã nêu lên một thông tin đáng suy nghĩ là 80% sinh viên ra trường không làm đúng chuyên môn đã học (theo báo Tuổi trẻ), thậm chí có một số thất nghiệp phải làm những công việc đơn giản không hề cần bằng cấp (trong số đó có cả số sinh viên chất lượng cao của ngành Văn học, kể cả thạc sĩ). Có thể có nhiều câu hỏi được đặt ra ở đây không chỉ riêng cho ngành Văn, mà còn liên quan đến nhiều ngành khác, nhiều cơ quan chức năng khác.

Ở bài viết này, tôi chỉ xin giới hạn trong phạm vi tình hình Cao học ngành Văn, mà tôi đã có giảng dạy qua nhiều năm.

Trước tiên:


1. Về trình độ tuyển vào

Khoảng năm học 1996-97, ngoài lớp chính quy, trường Khoa học Xã hội & Nhân văn (KHXH&NV) có mở hai lớp cao học (tại chức) ở Nam Định và Ninh Bình do các sở giáo dục quản lý, trong đó gồm giáo viên văn cấp hai, cấp ba và cả cán bộ quản lý các sở, các phòng giáo dục. Về sau có sự thay đổi của bộ giáo dục, các tỉnh không được mở cao học nữa. Nhưng đến niên khoá 2003-04, trường KHXH và khoa Văn lại tiếp tục mở lớp Dự bị Cao học cho Vĩnh Yên do tỉnh quản lý (đã có 9/36 học viên tức là 1/4 vào cao học vốn là giáo viên cấp hai). Vậy là trong số các thạc sĩ đã và sắp tốt nghiệp có một số không ít là giáo viên cấp hai ở độ tuổi 36 đến 45. Đáng vui hay đáng buồn?

Trong quá trình giảng dạy và chấm bài, tôi thấy số học viên này đều có khát vọng chính đáng muốn nâng cao trình độ chuyên môn và đoạt bằng thạc sĩ. Tuy thế, phải mạnh dạn nói rằng, họ thường đến lớp không đầy đủ và nổi bật nhất là trình độ cơ bản không bảo đảm; đặc biệt kiến thức lý luận cùng văn học nước ngoài ở họ thiếu hệ thống, hay có thể nói là họ chưa nắm được gì đáng kể; bởi lẽ dễ hiểu, mục tiêu đào tạo của Cao đẳng chỉ nhằm đào tạo giáo viên cấp hai. Bước vào Cao học họ gặp khó khăn ở khâu tiếp nhận phần văn chương nước ngoài; trong khi đó thì văn học nước ngoài lại là nguồn cung cấp năng lượng cho lý luận hiện đại phong phú hơn so với văn học Việt Nam. Đấy là điều không có gì khó hiểu đối với những ai làm công việc nghiên cứu văn học nghệ thuật cũng như khoa học kỹ thuật…

Chẳng hạn khi tôi giảng chuyên đề về “Thi pháp tiểu thuyết truyền thống phương Tây và thi pháp tiểu thuyết L. Tolstoi ” thì hầu như 100% số học viên là giáo viên chưa hề đọc trọn vẹn một tác phẩm cổ điển nào, mà chỉ biết sơ qua vài trích đoạn. Thời lượng lên lớp không cho phép người giảng quay về phần cơ sở. Chắc chắn là khi học chuyên đề về văn hoá-văn học so sánh họ cũng gặp khó khăn gập ghềnh như vậy, cũng chẳng khác gì thời chiến tranh cách đây 30 năm có sinh viên Vật lý ở trường Tổng hợp (19 Lê Thánh Tông) cầm ngược ống nghe điện thoại tại phòng thường trực, rồi kêu lên là máy hỏng! Chẳng khác gì gần đây trên báo đã nêu một nữ học viên thạc sĩ y khoa ở Viện Mắt đưa thuốc ghẻ có nhãn tiếng Anh) làm mờ mắt một bệnh nhân ở Bắc Giang từng gây bức xúc trong dư luận!

Hơn nữa, do quá trình đào tạo thiếu chất lượng của ngành giáo dục, có một số ít học viên còn phạm những lỗi về ngữ pháp, về chính tả… Đấy cũng là điều tất nhiên so với mặt bằng chung của giáo dục nước ta hiện nay, nhất là ngành khoa học xã hội, đặc biệt là Văn học. Thật không phải ngẫu nhiên, mà từ hàng chục năm về trước, đội ngũ giáo viên từng tổng kết khá ấn tượng: “Dạy Toán, học Văn, ăn thể dục”. Học Văn thì dễ dàng vậy, chứ dạy Văn thì hết sức mênh mông, phức tạp, vất vả, mà yêu cầu lý tưởng như ông cha ta từng nêu lên là “biết 10 dạy 1”. Thật ra cũng khó lòng trả lời câu hỏi hóc búa mang tính thời sự: Lỗi tại ai? Vốn đã từ lâu, dân gian ta có câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm!” Đó là hậu quả của quá khứ để lại!

Quy luật cuộc sống là thế, có bổng lộc chúng ta “tranh thủ ” tận hưởng, và ngược lại có hậu quả không tốt chúng ta cùng gánh chịu. Nhiều năm qua, trong khi giảng dạy, lúc vấn đáp, khi chấm bài cho các lớp Văn tại chức của giáo viên cấp hai lấy bằng cử nhân đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ở các tỉnh Vĩnh Yên, Hà Tây, Sơn Tây, Hà Nội, tôi nhận thấy rằng: có đến hơn 20% viết sai ngữ pháp, chính tả. Và còn một số học viên không kết cấu nổi một bài văn nghị luận cho hợp lôgich! Thậm chí cả 6 lớp của hai đợt tại chức mà tôi đã dạy, khi bàn về thi pháp tu từ cả đến 100% thầy cô giáo (kể cả cả sinh viên năm thứ ba chất lượng cao của khoa Văn) không ai hiểu được đúng nghĩa và 100% không thể diễn ra văn xuôi chính xác hai câu thơ trong bài “Nhớ rừng” của Thế Lữ, bài thơ trọng tâm hay nhất của lớp Tám, học kỳ II và là một trong những bài thơ hay nhất của dòng thơ lãng mạn 1932-1945:
 
“… Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng,
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt?”

Thật đáng buồn cho ngành văn học! Số lượng giáo viên cấp II chiếm tỷ lệ không ít trong tổng số học viên cao học. Theo tôi không nên đào tạo họ thành thạc sĩ, (trừ một số thật nổi trội đã có bài viết nghiên cứu được công bố, và phải có bằng đại học chính quy đầy đủ.) Và cũng không nên tuyển sinh viên tại chức từ khoa Văn vào Cao học. (Theo tôi, nếu muốn có được chất lượng đích thực, Bộ Giáo dục cần định hướng đào tạo họ thành giáo viên cấp hai giỏi theo một chương trình riêng, mời một đội ngũ thầy tốt, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho ngành giáo dục và cho xã hội hơn là có nhiều mảnh bằng cử nhân và thạc sĩ không chuẩn.)

Hiện nay trong số học viên cao học vẫn có một số người vốn theo học hệ tại chức buổi tối của khoa Văn, và rồi họ cũng nghiễm nhiên trở thành thạc sĩ, (và đương nhiên quên đi bằng cử nhân tại chức) tiến sĩ và chiếm giữ vị trí cao trong ngành giáo dục và nhiều ngành khác bằng vô vàn lý do trầm bổng khác nhau… (không riêng ngành Văn, mà ở khắp các ngành trên cả nước!) Đành rằng cũng chẳng cần thiết phải nêu dẫn chứng, bởi họ đang gần gũi quanh ta, và đó không còn là ngoại lệ hiếm hoi từ Bắc chí Nam. Đáng buồn là các mô hình ấy cứ nhân rộng lên mãi! Niên khoá 2006-2008 lớp Cao học Văn có đến 61 học viên, trong đó, phần lớn là sinh viên đã tốt nghiệp chưa tìm được việc làm; họ đành long đong vất vả theo đuổi lấy mảnh bằng Cao học, họa may đỡ thất nghiệp và khoá này cũng còn có một số giáo viên cấp II, có người đã ngoài 45 tuổi. Không hiểu số lượng đông như vậy, thì thầy giáo lấy ở đâu để đảm bảo hướng dẫn đạt chất lượng? (Một vị đồng nghiệp ở trường bạn từng phàn nàn rằng anh phải hướng dẫn cùng một thời gian hơn 5 cái bằng thạc sĩ!) Phải chăng vì thiếu kinh phí mà nhà trường phải tăng cường số lượng đầu vào để cân bằng thu chi, trang trải các khoản lệ phí? Hay vì muốn nâng cao nguồn đào tạo hiền tài cho đất nước?


2. Về mục tiêu đào tạo

Theo tôi nghĩ, là một thạc sĩ có nghĩa là sẽ được đào tạo để trở thành bước đầu một “bán chuyên gia” về ngành khoa học nào đó, rồi mai sau trở thành một chuyên gia đúng nghĩa thứ thiệt trong kế hoạch chung của Nhà nước trên lĩnh vực chuyên ngành đã được xác định cả về thời gian học tập và kinh phí đào tạo dài hạn, dù là tự túc. Điểm này chắc sẽ phải khác với loại cử nhân tốt nghiệp như “Quốc hội Trẻ” từng tổng kết. Nếu lớp thạc sĩ ra trường cũng lâm vào tình trạng như thế thì thực đáng buồn và thật sự lãng phí năng lượng tuổi trẻ trong kế hoạch đào tạo nhân lực quốcgia. Người xưa từng nói: “Học đi đôi với hành.” Ngày nay có vị bộ trưởng giáo dục Pháp cũng nêu ý tưởng rất hay: “Học để thực hiện. ”(Apprendre pour entrependre)

Tất nhiên cũng phải nói là phương thức đào tạo hệ Cao học ở các trường đại học trên cả nớc hiện nay còn chưa chuẩn, chất lượng thầy giáo cũng không thuộc đẳng cấp cao, nhất là ở những môn lý thuyết trừu tượng như Văn, Triết, Mỹ học, Văn hoá học, Ngôn ngữ học, Luật học, Tâm lý học, Báo chí, v.v…

Từ đấy kết quả sản phẩm chỉ đạt mức tầm tầm mà thôi, vì thế xã hội không hăm hở đón nhận các thạc sĩ là điều dễ hiểu. Vấn đề cơ bản vẫn là cần có một đội ngũ giáo sư có chất lượng cao. Nên chăng cần có sự đổi mới về đào tạo thầy giáo khoa học xã hội khác với các ngành khoa học kỹ thuật. Cần tránh lối cào bằng để lấy thành tích theo số lượng. Và cần đầu tư thích đáng vào việc lập chương trình đào tạo.


3. Về trình độ ngoại ngữ

Có một thực tế là hầu hết thạc sĩ ngành Văn vẫn chưa thể sử dụng được một trong ba ngoại ngữ chính như Trung văn (+ Hán văn), Pháp văn, Nga văn vào việc đọc sách khoa học xã hội (ba ngoại ngữ này vốn gắn bó mật thiết với quá trình lịch sử phát triển văn học Việt Nam từ cổ trung đại đến hiện đại). Còn tiếng Anh ở họ chỉ mới là điều kiện cần để thi vào và cũng chỉ ở trình độ bằng C, đủ đọc đại khái trên vi tính và giao tiếp qua loa ở đời thường, chưa thể nói đến việc giao lưu quốc tế. Đây là điểm hạn chế khá lớn trong việc tự học, tự nghiên cứu về sau - vốn là một thuộc tính cơ bản của các nhà khoa học xưa và nay. (Một số thầy giáo tuy có chức danh, nhưng cũng không thể sử dụng ngoại ngữ.) Ông cha ta nửa thế kỷ trước, chỉ tốt nghiệp cấp hai (hệ 10 năm) đã có thể viết, nghe, nói và nhất là đọc thông thạo các sách khoa học, hiểu thơ Pháp và các tiểu thuyết như Không gia đình, Những người khốn khổ, v.v… và dễ dàng trao đổi trực tiếp với các đối tác nước ngoài. (Gần đây vào tháng 11-2006, đài Truyền hình TƯ có nêu hiện trạng, ta có khá nhiều luật sư, nhưng chưa đủ trình độ tranh luận với các chuyên gia quốc tế, dù chúng ta đã vào khối WTO!)

Ở Seoul, Hàn Quốc - tôi dạy ở đó hai năm 1998-99 - một nữ sinh Sài Gòn (cùng khu nhà chung cư) học cao học về kinh tế cho biết: tất cả các chuyên gia nước ngoài và cả người Hàn đều giảng trực tiếp bằng tiếng Anh và khối lượng sách tiếng Anh đọc bắt buộc khá đồ sộ. Và các buổi hội thảo quốc tế đều trực tiếp trao đổi bằng tiếng Anh. Nêu lên bức tranh hiện thực Cao học ở nước bạn như vậy, tôi muốn đề nghị tăng cường tiếng Anh trong chương trình đào tạo Cao học, bằng cách sáu tháng đầu chỉ học tiếng Anh hoặc tiếng Trung, hoặc v.v… Đất nước đang bước vào thời đại “kinh tế tri thức” toàn cầu hóa, tất nhiên đổi mới là việc khó khăn, gập ghềnh, nhưng không thể cứ mãi mãi đường mòn lối cũ rềnh rang theo kiểu hành chính. Nếu không thay đổi thì khó lòng mà vươn ra gặp bè bạn quốc tế trong giao tiếp khoa học.


4. Về quy chế học tập và giảng dạy, viết giáo trình

Hiện nay thời lượng học tập của lớp cao học không bảo đảm, cứ như là lớp “tại chức học ban đêm” được gọi bằng mỹ từ hệ Cao học chính quy không tâp trung. Theo tôi, cần phải quy định lại giờ lên lớp, làm sao đạt được bằng thạc sĩ có chất lượng thứ thiệt và từ đó có thể xuất hiện các chuyên gia khoa học thứ thiệt cao hơn.

Mặt khác, về phần người dạy, cần được chú ý bồi dưỡng vật chất, song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu. Thiết nghĩ Bộ Giáo dục nên cùng các trường đại học, các viện khoa học bàn kỹ kế hoạch liên thông về việc sử dụng đội ngũ khoa học nhằm khai thác trí tuệ chung của đất nước. Điều đáng mừng là hiện nay hầu hết các tỉnh đều muốn mở đại học và sau đại học. Song cái đáng lo là không đủ giảng viên nên đành “ai có gì dạy nấy!” (Tôi đã dạy ở ĐHKHXH và ĐHSP thành phố HCM và chấm thi cho ĐH Vinh, tình trạng đều na ná giống nhau)
 
Nên chăng cần đầu tư thật sự vào việc viết giáo trình theo trọng tâm, trọng điểm. Đối với các thầy cô giáo nào có thể đảm nhận viết giáo trình, cần có kế hoạch phân công cụ thể, không dừng lại ở việc kêu gọi chung chung kéo dài suốt chục năm qua. Nếu không tổ chức và quan tâm đầy đủ, tình trạng dẫm chân tại chỗ là đương nhiên và thậm chí “phú quý giật lùi!” Những điều trông thấy đã hiển hiện, dường như ai cũng biết, chỉ có điều nước cứ chảy và bèo cứ trôi!

Rõ ràng xã hội đang đòi hỏi một sự đổi mới thực chất hơn, khoa học hơn đối với việc đào tạo cao học. Cần đề cao phương châm"quý hồ tinh bất quý hồ đa”; có như vậy, đất nước mới có được đội ngũ hiền tài đích thực cho hiện tại và cho tương lai…

(Tác giả Nguyễn Trường Lịch là Giáo sư Tiến sĩ Văn học, công tác tại khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội.)

Nguồn: Báo Văn Nghệ Trẻ số 51, ngày 17/12/2006