trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
22.12.2006
Phong Uyên
"Cởi mở dân chủ", nếu có, sẽ nằm trong thể chế nào?
 
Cách đây gần 2 tháng, sau khi đọc bài phỏng vấn ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, trên VietNamNet nói về thể chế tương lai của Việt Nam, tôi có viết một bài trên talawas tỏ ý thất vọng vì cái thể chế mà ông hình dung đó, hoàn toàn khác xa với mô hình đại nghị nước Anh mà ông nói Việt Nam có thể phỏng theo sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5 năm tới. Câu hỏi mà ai quan tâm tới triển vọng chính trị ở Việt Nam cũng cần đặt ra là: Nếu hội nhập kinh tế toàn cầu bắt buộc phải có cởi mở dân chủ trong khi vẫn muốn duy trì chế độ độc đảng, thì phải theo thể chế nào?

Tất nhiên sẽ có nhiều người nói "đặt cái cầy trước con bò" làm gì. Đã gọi là chế độ độc đảng thì có thể chế nào ngoài thể chế độc đảng dù có được đổi tên là thể chế đại nghị kiểu Anh theo lời ông Nguyễn Sỹ Dũng đi nữa! Cứ coi như Trung Quốc, hội nhập kinh tế đâu có bắt buộc phải có cởi mở dân chủ. Ở Việt Nam cũng sẽ như vậy. Chứng cớ là từ khi gia nhập WTO và chủ trì APEC và cho tới bây giờ, hội nhập kinh tế đang đi đôi với siết chặt dân chủ: "Hội nghị Đồ Sơn" cốt để kiểm thảo giới văn nghệ sĩ. Công an được lệnh "bế quan toả cảng" những người bất đồng chính kiến trong thời gian họp APEC. Trước đó là Thông tư 02 quản lý truyền thông Internet. Sau đó là Chỉ thị 37 kiểm soát báo chí... Không kể những hội thảo học tập trong quân đội về những thế lực thù địch có thể lợi dụng WTO, APEC thật ra là để hăm doạ và ngăn ngừa mọi manh tâm phản kháng trong một thành phần tương đối còn giữ truyền thống ái quốc trong sạch.

Cũng có người xét đoán những sự kiện đó một cách tương đối và cho đó chỉ có tính cách hình thức để chứng tỏ Ban Tư tưởng vẫn còn đủ uy quyền và công an vẫn đủ khả năng đáp ứng với mọi tình huống. Thử nhìn sâu thì thấy các nhân vật chủ chốt như ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tư tưởng ít khi lộ diện mà chỉ thấy ông "Phó" Đào Duy Quát. Trong công an an ninh cũng vậy, ít khi thấy ông Lê Hồng Anh. Có lẽ những ngành đó có "tiếng dữ" rồi, người chủ chốt cần kín đáo để giữ "tiếng tăm" cho mình. Những chỉ thị như Chỉ thị 37 về báo chí, vì biết là trong thực tế không thể áp dụng được, đặt ra chỉ để "chiều lòng" một phe phái trong Bộ Chính trị nên mới mang chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vả lại sống trong thế giới truyền thông hiện đại khó mà bịt miệng số người đòi hỏi dân chủ mỗi ngày một tăng và đàn áp cá nhân đã khó, đàn áp tập thể là chuyện không thể thực hiện được trong thời buổi hội nhập có tai mắt quốc tế.

Nhưng sự bắt buộc phải hình thành một thể chế chấp nhận một phần nào những yêu cầu sơ đẳng về dân chủ trong khuôn khổ chế độ độc đảng còn có một lí do tối quan trọng khác là Đảng đang quằn quại trong một ca bệnh hiểm nghèo mà bệnh căn là Tham nhũng, phe cánh giành nhau lợi quyền, cường hào ác bá. Cởi mở dân chủ là liều thuốc duy nhất có thể cứu Đảng. Trong liều thuốc này phải có ba cái "tối thiểu dân chủ":

Theo ViệtNamNet ngày 13-2-06, các doanh nghiệp nước ngoài cho biết tham nhũng và yếu kém thực thi luật pháp khiến họ ngần ngại mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, vì vậy các chỉ số kinh doanh quan trọng ở Việt Nam năm nay đã đều tụt dốc. WTO sẽ đưa cả nước tới phá sản và Đảng cũng "tiêu" luôn, nếu không có đầu tư kinh doanh nước ngoài sẽ không có phương tiện khai thác và tìm kiếm tài nguyên như dầu khí sắp khô cạn, không có xí nghiệp tân tiến để tạo sản phẩm xuất cảng tạo công ăn việc làm cho nhiều người, thị trường trong nước sẽ bị tràn ngập bởi hàng nước ngoài, nhất là hàng Trung Quốc và hàng lậu thuế vì không còn hàng rào quan thuế và vì tham nhũng. Muốn cứu Đảng chỉ có cách cho người dân được quyền nói, bàn về tham nhũng. Đó là cái "tối thiểu dân chủ" số 1: dân nói dân bàn dân tố cáo. Nghĩa là phải có tự do báo chí.

Trong một nhóm người, dù nhỏ đến đâu với thời gian cũng không thể nào giữ được tính thuần nhất huống hồ trong một đảng. Bởi vậy trong chế độ độc đảng cộng sản tất nhiên phải có phe phái, mỗi phe tương đương với một đảng trong chế độ đa đảng. Chỉ khác là các đảng phái trong chế độ đa đảng cạnh tranh nhau trong khuôn khổ quốc hội và luật lệ. Trái lại, trong chế độ độc đảng kiểu cộng sản, như lịch sử đã cho thấy vì tư tưởng, đường lối, nắm, giữ chính quyền, phe này tận diệt, thanh trừng phe kia không chút thương tiếc. Làm người cộng sản trong chế độ cộng sản còn khủng khiếp hơn cả trăm lần trong chế độ đế quốc. Cả triệu người bị giết, bị đầy đoạ trong goulag, lao cải. Trong chế độ độc đảng toàn trị kinh tế thị trường, sự đấu tranh nội bộ giữa các phe phái tuy âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt vì ngoài chia quyền còn chia lợi. Sự tranh chấp sẽ không bao giờ ngừng và nằm ở đủ mọi bậc cấp từ điạ phương tới trung ương và sẽ đưa tới sự phân hoá Đảng. Cho tới nay ĐCSVN tránh được phân hoá vì còn giữ được lệ làng "chiếu trên chiếu dưới" lớn bé chia nhau phần. Nhưng khi kinh tế thị trường phát triển, đến lúc không thể chia nhau kiểu "nhà quê" như vậy được nữa, Đảng bắt buộc phải nghĩ ra một thể chế trong đó pháp luật, tuy mục đích chánh là để bảo vệ quyền lợi Đảng, nhưng cơ quan thực thi pháp luật phải đứng ngoài tránh áp lực phe phái. Khi số đảng viên tới hơn 3 triệu người được quyền làm kinh tế xen lẫn với người dân, luật lệ thực thi không thể phân biệt được ai dân ai Đảng và người dân nhờ vậy cũng được hưởng lây một chút luật pháp. Đó là cái "tối thiểu dân chủ" số 2.

Như tôi nói trên, sự chia chác tranh chấp và chồng chéo quyền lợi của các phe phái trong Đảng ở địa phương làng xã giữa các ông bí thư, các ông chủ tịch gây ra nạn cường hào ác bá và nuôi dưỡng tham nhũng làm khổ người dân nhiều nhất. Phe "thức thời" trong Đảng chắc cũng thừa hiểu và muốn giải đáp chỉ có cách cho người dân được quyền tự do chọn lựa ứng cử viên tới một cương vị nào trong các cuộc bầu cử ở địa phương. Đó là cái "tối thiểu dân chủ" số 3.

Thử hình dung một thể chế có thể vừa duy trì chế độ độc đảng vừa bảo đảm cho người dân những tối thiểu dân chủ:

Để có một ý niệm về trình độ dân chủ ở Việt Nam, tôi xin trích dẫn đây một vài xếp hạng theo chỉ số dân chủ 2006 của Economist Intelligence Unit (EIU). Việt Nam được xếp hạng 145 so với Trung Quốc đứng thứ 138 trong 167 nước được xếp hạng. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều nằm trong những nước có chế độ chuyên chính. Thái Lan được xếp hạng 90, đã thuộc về chính thể hybride nửa tốt nửa xấu. Thụy Điển được hạng nhất. Mỹ thứ 17.

Mô hình Trung Quốc dù muốn hay không vẫn là mô hình chính cho chính thể độc đảng cộng sản Việt Nam vì lí do sau đây:

Có thể nói đã cả ngàn năm, từ các triều đại quân chủ đến triều đại cộng sản, chính trị, tư duy đều là "sao y bản chính" Trung Quốc. Trung Quốc làm gì thì mình làm thế. Nhất là thời nay vì điạ lý chính trị môi hở răng lạnh muốn làm khác cũng không được, sẽ bị đàn anh sang nhắc khéo. Nay lại thêm Mỹ, cũng đồng loã đồng tình coi "ổn định chính trị" trong chế độ độc tài độc đảng có nhiều bảo đảm hơn cho kinh doanh buôn bán và cũng dễ mặc cả, thoả thuận, làm áp lực hơn khi không có một đảng đối lập chống đối. Như vậy có thể nói, chính thể Việt Nam không thể không được nhào nặn trong mô hình độc đảng kiểu Trung Quốc.

Nhưng chế độ độc đảng Việt Nam cần phải cập nhật những cái hay trong chế độ độc đảng Trung Quốc:

Trung Quốc đang dùng động lực "đảng nội dân chủ" để cải cách chính trị (đọc Cheng Li, Huỳnh Khôi dịch trên talawas) theo hướng một đảng gồm hai thành phần "ưu tú" và "dân túy". Hai thành phần đó tuy cạnh tranh nhau nhưng liên minh để giữ chính quyền chứ không luân phiên nhau cầm quyền qua một cuộc bầu cử như ở các nước dân chủ đại nghị lưỡng đảng. Trong chính quyền Việt Nam sau Đại hội 10 cũng có hai xu hướng như vậy: Phe "Đổi mới" phần nhiều xuất thân từ miền Nam tương đương với thành phần "ưu tú" gồm những người gốc Thượng Hải và các tỉnh duyên hải có văn hoá cao kiến thức nhiều về kinh tế kỹ thuật vì đã đi học nước ngoài. Phe "Bảo thủ" phần nhiều gồm những người miền Bắc, cho là tương đương với thành phần "dân túy" Trung Quốc nhưng thật ra vì chỉ được đào tạo trong bộ máy giáo điều thời bao cấp, nên thiển cận hơn thành phần "dân túy" đã sống và làm việc ở những vùng nghèo đói ở những tỉnh nội điạ Trung Quốc nên thấu hiểu dân tình hơn. Còn cái khác nữa là chính thể Việt Nam ít kiến hiệu hơn vì đáng lẽ là chia đều nhau chức vụ trong mỗi cơ cấu để bắt buộc phải hợp tác với nhau và bổ túc cho nhau như hai thành phần Trung Quốc thì lại lấy tiêu chuẩn điạ phương chia nhau cơ cấu: Phe miền Bắc nắm Đảng có xu hướng ngăn cản phe nắm chính phủ không được ra ngoài lãnh vực quản lí và hành chánh và đồng thời đặt người vào cơ cấu Quốc hội để dễ bề thao túng. Rút cục mỗi phe cánh dùng cơ cấu của mình để tìm cách kìm hãm nhau, tranh chấp nhau và có thoả hiệp cũng chỉ vì lợi lộc tức thời.

Tất nhiên là khái niệm "dân chủ trong đảng" của Trung Quốc cho phép đảng chia nhau quyền chức ở những cơ cấu cao nhất, nhưng đối với ngưới dân cũng vẫn là chuyện "trong triều" và viễn tượng dân chủ đi lên đến những cấp cao đó chắc còn xa vời. Hồ Cẩm Đào có hứa hẹn trong tương lai ban cho người dân chút quyền dân chủ là được bầu trực tiếp ở hạ tầng cơ sở làng xã quận huyện. Đó cũng là điều ĐCSVN cần bắt chước.

Cũng vì phải phân chia ngôi thứ theo địa phương mà ĐCSVN không theo đúng mô hình Trung Quốc ở những vị thế cao nhất trong chính thể: Ở Trung Quốc Tổng Bí thư Đảng giữ luôn chức vụ Chủ tịch nước. Có thể nói đó là cương vị một ông tổng thống trong một nước dân chủ. Cơ chế này ngoài tránh chồng chéo còn cho phép trong tương lai nhà nước được tách rời ra khỏi Đảng. Cương vị Chủ tịch nước sẽ là chính và Trung Quốc sẽ đi đến một chế độ mà người lãnh đạo tối cao có quyền chính rõ ràng như một tổng thống và biết đâu một ngày kia hai liên minh trong đảng không trở thành hai đảng như Đảng Dân chủ (dân túy) và Đảng Cộng hoà (ưu tú) ở Mỹ. Ở Việt Nam ngôi thứ vẫn không rõ ràng. Chủ tịch nước ở trong một vị thế nhập nhằng giữa Tổng Bí thư Đảng và Thủ tướng khiến một là "ngồi chơi xơi nước" hai là nếu có bản lĩnh ắt sẽ giằng co với TBT Đảng hay TT Chính phủ. Rút cục một chính thể mang tiếng độc đảng toàn trị mà là một chính thể yếu kém và vô hiệu. Đã bắt chước thì phải bắt chước cho đúng những cái hay của người ta.

Sở dĩ tôi nói tới Thái Lan là vì người dân Thái đều được hưởng những "tối thiểu dân chủ" mà tôi đã nói trên mặc dầu sống trong một chính thể mà quân đội từ trước tới nay có quyền lực có thể so sánh với ĐCSVN. Cũng như ĐCSVN bây giờ, trong quá khứ và cho tới gần đây, quân đội Thái cũng nắm đủ mọi quyền hành trong lãnh vực chính trị cũng như kinh tế với những tập đoàn, công ti thuộc quân đội. Nhưng trong mô hình Thái Lan báo chí tương đối được tự do, dân có quyền bầu cử thực sự ít nhất là ở những cơ sở hành chính; Quốc hội có thực quyền giám sát và lập pháp và tư pháp cũng không quá lệ thuộc những thế lực chính trị và quân đội. Vai trò quân đội trong thực tiễn chính trị Thái Lan cũng đã biến đổi và thiên về nhiệm vụ giám sát và trọng tài hơn. Vì vậy mà không mất lòng dân khi phải dùng biện pháp đảo chính (ôn hoà) để thay đổi chính phủ. Cũng cần nói thêm là nếu ĐCSVN chỉ giữ nhiệm vụ giám sát trọng tài như quân đội Thái Lan thì số ba triệu đảng viên sẽ tự nhiên giảm xuống còn nhiều nhất là 1 phần 10. Chứng cớ là hiện nay, tuy Đảng là giai cấp tiền phong của công nhân, số lượng công nhân trong Đảng ở TPHCM không quá 2 %.

Câu hỏi cần được đặt ra là lấy mô hình Trung Quốc ghép với những phần nào của Thái Lan? Muốn trả lời cũng không khó. Cái khó là thiếu một người lãnh đạo có tầm nhìn xa và đủ bản lãnh để: Một là nếu vẫn muốn duy trì độc đảng càng lâu càng tốt thì chỉ có mô hình Trung Quốc pha với một chút Thái Lan cho có tối thiểu dân chủ. Còn muốn có tiến triển dân chủ để nền kinh tế đuổi kịp Thái Lan thì phải dần dần giới hạn Đảng trong cương vị trọng tài như quân đội và nhà vua Thái Lan và tạo điều kiện cho Quốc hội có khả năng giám sát, chất vấn và lật đổ chính phủ cũng như có một cơ cấu độc lập trong thực thi luật pháp. Muốn vậy, điều sơ đẳng nhất để Quốc hội không phụ thuộc bộ máy Đảng là đại biểu Quốc hội chỉ làm nhiệm vụ dân biểu, không kiêm nhiệm chức vụ nào khác và cho phép một chút đa nguyên trong các đại biểu.

© 2006 talawas