trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
22.12.2006
Phạm Hải Vũ
Kinh tế tri thức: đích đến hay công cụ?
 
Tôi có hân hạnh được đọc các bài trao đổi của các ông Đoàn Tiểu Long, Hoàng GiangPhạm Tuấn Anh về vấn đề Kinh tế tri thức trên địa chỉ talawas. Là một người được học về Kinh tế thông tin và Kinh tế tri thức, tôi mong muốn đem một phần hiểu biết của mình vào cuộc trao đổi, ngõ hầu được cùng làm sáng tỏ một vấn đề mà có lẽ nhiều người Việt Nam chúng ta chưa hiểu thật sự đúng đắn. Tôi thấy rằng các ông đều có phần có lý trong bài viết của mình, nhưng quá tập trung vào phê phán trên bình diện câu chữ. Điều này làm mất ý nghĩa của cuộc trao đổi bởi vì cuối cùng tất cả lại công kích nhau thay vì cùng nhau công kích một vấn đề. Dưới đây tôi xin hệ thống lại khái niệm kinh tế tri thức để chúng ta cùng nhìn lại xem sao.

Trước hết tôi xin được bắt đầu bằng việc nói rằng so sánh cách kiếm 500 USD của ông Thomas Friedman nào đó mà ông Đoàn Tiểu Long trích dẫn, là một ví dụ hay nhưng không thể lấy nó làm đại diện cho cái gọi là nền kinh tế tri thức, và do đó không thể phê phán kinh tế tri thức thông qua nó. Ông Friedman là nhà báo, có lẽ vì thế ông ta chỉ lấy một ví dụ giúp cho độc giả dễ hiểu hơn, chứ không có ý định nói rằng nền kinh tế tri thức chỉ khuyên sản xuất duy nhất chip và phần mềm.

Khái niệm kinh tế tri thức phải được hiểu đúng là nền kinh tế mà tri thức là một đầu vào (input) cơ bản. Nếu như quan điểm cổ điển cho rằng các đầu vào sản xuất chỉ bao gồm: nguyên liệu, vốn, và lao động, thì khái niệm đầu vào tri thức đã thay đổi sâu sắc cách chúng ta tư duy kinh tế học.

Hàm số sản xuất cổ điển:

P = F (R, C, L)

trong đó: P sản xuất (Production) phụ thuộc vào: R tài nguyên (Ressource), C - vốn (Capital), và L - lao động (Labor)

Hàm số sản xuất hiện đại:

P = F (R, C, L, K)

ngoài R, C, L còn có đóng góp của tri thức K (Knowledge)

Như ông Hoàng Giang đã phân tích, trong nền kinh tế tri thức, K sẽ chiếm một tỷ trọng rất lớn so với các đầu vào còn lại. Nhờ phần đóng góp này mà doanh nghiệp, quốc gia, hay nhân loại đã tạo ra một khối lượng giá trị sử dụng lớn gấp nhiều lần nền kinh tế 'săn bắt và hái lượm', cách mà ngày hôm nay một số nước thế giới thứ 3 vẫn đang xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên của mình. Trong khi các nguồn tài nguyên và tư bản là hữu hạn thì chỉ có tri thức là thứ mà con người có thể huy động đến vô hạn [1] để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của xã hội hiện đại.

Phần đóng góp của tri thức, trên thực tế là một phần rất khó định lượng; thế nào thì gọi là tri thức? Có nhiều quan điểm và tồn tại nhiều cách tính khác nhau, tuy nhiên sự khác biệt giữa chúng chỉ là chút đỉnh. Cái lõi của phần tri thức được nhận định chung là: thông tin, kiến thức (phát minh, sáng chế), kinh nghiệm. Đo lường các đại lượng này là việc hết sức khó khăn, nhất là khi chúng lại nằm trong cấu thành không thể tách rời của các sản phẩm mà chúng ta sử dụng [2] .

Ví dụ sau có thể làm minh họa cho vai trò của đầu vào tri thức:

Một người nông dân trồng lúa bình thường phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu ông ta chịu theo dõi dự báo thời tiết, thì ông ta sẽ tránh được rất nhiều thiệt hại không đáng có. Trời hạn, ông ta sẽ chuẩn bị được nước tưới. Trời mưa, ông ta có dự phòng tháo nước... Kết quả là thu hoạch của ông ta sẽ ổn định và chắc chắn sẽ lớn hơn một người nông dân khác chỉ biết đi ra ruộng và phó mặc phần còn lại cho trời. Có thể thấy ngay là thông tin về thời tiết là nhân tố đã tạo ra phần chênh lệch trong thu hoạch giữa hai người. Để đo giá trị của đầu vào này, tôi xin đơn giản hóa ví dụ của mình: người nông dân (thay vì ngong ngóng trông đợi chương trình dự báo thời tiết lúc được lúc không của nhà nước) quyết định mua dịch vụ dự báo thời tiết của một tổ chức hoặc một doanh nghiệp. Số tiền ông phải trả để có được dịch vụ này chính là giá trị đầu vào tri thức của ông ta. Nếu ông ta lại quyết định mua một sáng chế sinh học về một giống lúa mới cho thu hoạch cao hơn, ông ta đã đầu tư và nhờ đó tăng thêm hàm lượng tri thức trong quy trình sản xuất của mình (bằng cách huy động các nguồn tri thức khác). Cứ như thế ông ta tích lũy được những kinh nghiệm (tri thức do chính ông tự sản xuất) mà những người nông dân khác không có, đem ứng dụng những kinh nghiệm này vào các vụ mùa sau và trở nên giàu có.

Các bằng phát minh, sáng chế ngày hôm nay đều có giá. Các phát hiện về các vật liệu mới, quy trình tương tác mới... lập tức được các công ty mua lại để ứng dụng vào sản xuất trên thị trường. Các cục sáng chế và quyền tác giả luôn làm việc hết công suất để trả lời cho nhu cầu đăng ký của các cá nhân và pháp nhân. Tri thức là sản phẩm của một công ty này, lại là nguyên liệu cho một công ty khác. Đó là những ví dụ theo tôi dễ hiểu nhất để chỉ ra vai trò của tri thức như là một hàng hóa được trao đổi một cách độc lập, hàng hóa mới của nền kinh tế tri thức.

Mặt khác, tri thức là một bộ phận không thể tách bạch cấu thành hàng hóa hiện đại. Chỉ cần nhìn bất kỳ một sản phẩm nào trong siêu thị là thấy điều đó. Muốn cạnh tranh được, các sản phẩm này đều phải trải qua các khâu thiết kế, thử nghiệm, phân phối, tức là có trong cơ cấu giá thành của nó một bộ phận lớn chi phí nghiên cứu và phát triển (RD) Nhìn từ một góc độ nào đó, có thể coi đây là những hình thức lao động phức tạp, phân biệt với lao động giản đơn của anh công nhân đứng máy. Tuy nhiên điều quan trọng là ở chỗ nó được tạo ra thuần túy bằng hoạt động tư duy của con người (và do đó có tính kế thừa), không phải bằng sự khéo léo của cơ thể. Ngày hôm nay, người ta có thể góp vốn không chỉ bằng tiền hay hiện vật mà còn bằng kinh nghiệm, trình độ, hoặc lượng thông tin nắm giữ [3] Tri thức vừa là lao động (trí óc), vừa là một thứ nguyên liệu vô hình (như trường hợp kinh nghiệm của một công nhân lành nghề), vừa là tư bản có thể huy động trên thị trường. Chính vì thế người ta buộc phải xếp nó riêng biệt với các đầu vào truyền thống khác. Cách nhìn nhận của Kinh tế chính trị cổ điển với hai khái niệm tư bản và lao động (đơn giản và phức tạp) không giải quyết được vấn đề này [4] .

Đến đây cần nhìn nhận rằng hoạt động tư duy của con người luôn luôn đóng góp vào sản xuất, bởi vì không thể tạo ra một sản phẩm mà không có một chút tư duy nào trong đầu. Tri thức đóng góp vào quá trình tạo nên các giá trị vật chất trong bất kỳ nền kinh tế nào, kể từ khi con người biết làm ra một sản phẩm, có khác chăng là nó chiếm tỷ trọng không giống nhau mà thôi. Nền kinh tế tri thức chỉ bắt đầu bằng việc chúng ta nhận thức được vai trò và giá trị của tri thức, nhờ đó tăng phần đóng góp này lên và tạo ra một giá trị lớn hơn trên một khối lượng lao động và tư bản cố định. Tri thức là công cụ chứ không phải là đích đến. Mục đích của nền kinh tế tri thức, trước hết, là tăng cường sử dụng tri thức, chứ không phải sản xuất thật nhiều tri thức (cho dù về mặt logic thì hai việc này có phụ thuộc rất lớn vào nhau). Nó không hề bảo chúng ta phải sản xuất gì, bao nhiêu và như thế nào; nó cũng không hề bảo chúng ta phải tập trung vào đào than, sản xuất chip máy tính hay công nghệ kỹ thuật số. Chỉ có thị trường mới trả lời được những câu hỏi đó. Nền kinh tế tri thức chỉ động viên chúng ta sử dụng những phương tiện mới: thông tin, kiến thức, kinh nghiệm - dưới dạng hàng hóa độc lập hay cấu thành các sản phẩm có chứa hàm lượng tri thức cao - để vượt qua những giới hạn sản xuất hiện tại và do đó sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên khan hiếm.

Nếu phải phê bình thì nên chăng hãy phê bình các chính sách tuyên truyền của chính phủ về kinh tế tri thức. Từ việc hiểu tri thức là một đầu vào quan trọng phải được ưu tiên, họ cho rằng thế kỷ mới chỉ cần thật nhiều tri thức được tạo ra từ các «hàng hóa có hàm lượng chất xám cao» - Nhầm lẫn giữa công cụ và mục đích. Công cụ mới có thể có rất nhiều tính năng nhưng không phải vì thế cứ có càng nhiều càng tốt. Như đoạn trên đã nói, điều quan trọng không phải là khối lượng tri thức được sử dụng (thông qua giá trị bằng tiền của chúng) mà là hiệu quả sử dụng chúng. Nói cách khác chúng ta cần nhiều tri thức có ích (tri thức sử dụng được). Hô hào lấy tri thức làm thành phần chủ đạo là một việc không tưởng cho Việt Nam hiện nay. Hay nói khác đi chỉ là một mục tiêu trong dài... dài hạn. Không những thế nó còn gây hậu quả tai hại bằng việc khiến các doanh nghiệp hiểu lầm rằng nền kinh tế mới chỉ chấp nhận các sản phẩm kỹ thuật cao và do đó dẫn đến mất cân bằng sản xuất. Đúng là người ta không thể chỉ ngồi trước màn hình máy tính mà no được. Trên thực tế, có một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nhu cầu sản phẩm công nghệ cao trên thế giới, nhưng đây chỉ là một quá trình chuyển dịch tất yếu để các nền kinh tế tìm đến một cân bằng mới phù hợp hơn. Sự chuyển dịch này không thể xóa được những nhu cầu cơ bản của con người là như lương thực, quần áo, giày dép, nghệ thuật. Ông Hoàng Giang cho rằng nên chăng chỉ để 10% dân số của nước Việt Nam sản xuất nông nghiệp và phần còn lại tập trung vào công nghệ cao hay sản xuất phần mềm. Tôi nghĩ ông cũng có lý trong lập luận của mình. Đây là mô hình của các nước phát triển và sự thành công của nó gần đây tại một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ là không thể bàn cãi. Tuy nhiên liệu có thể áp dụng mô hình này cho tất cả các quốc gia không lại là một vấn đề khác. Ngay tại Trung Quốc, Ấn Độ, tỷ lệ dân số làm việc với công nghệ chắc chắn cũng nhỏ hơn rất nhiều so với dân số làm thủ công và nông nghiệp. Tăng hàm lượng tri thức không nhất thiết đồng nghĩa với tăng giá trị và thu nhập. Có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao nhưng không phải tất cả đều thành công. Doanh nghiệp chỉ thành công khi trả lời đúng được nhu cầu của thị trường. Ngày hôm nay trên thị trường thế giới có một sự phân hóa sâu sắc về các chuyên ngành công nghiệp, do đó tôi nghĩ chúng ta không hẳn cứ phải tập trung vào công nghệ cao để phát triển. Cũng giống như một doanh nghiệp, một đất nước phải biết kết hợp hợp lý các nguồn lực của mình. Không thể định hướng các doanh nghiệp cỡ phường viết phần mềm bán cho thế giới, cũng như không thể sản xuất tàu vũ trụ bằng công nghệ nước ngoài lắp rắp bằng tay nghề thợ thủ công. Còn đào tạo họ để thay đổi cơ cấu kinh tế đất nước lại là cả một câu chuyện khác mà chẳng ai dám chắc kết cục thế nào.

Chúng ta có thể trồng lúa, đào than, hay nuôi gà trong nền kinh tế tri thức; vấn đề là phải chú trọng đầu vào tri thức để nâng cao thu hoạch. Nếu nông dân có nhiều kiến thức hơn thì tôi chắc chắn họ sẽ giàu hơn rất nhiều (chuyện này chẳng biết bao giờ mới xảy ra). Cứ nhìn nông dân Pháp ngày hôm nay thì biết. Họ làm nông nghiệp bằng máy móc, tính toán bằng computer, và bán sản phẩm bằng Internet. Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều để đào tạo và khuyến khích nông dân đem những ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Họ trầy trật để học gõ bàn phím và sử dụng chuột. Một số bỏ cuộc nhưng một số khác cố gắng theo vì họ hiểu phần kiến thức ấy hứa hẹn thu nhập và cuộc sống tươi đẹp.

Tôi nghĩ rằng bài viết này đến đây đã diễn đạt đủ những điều tôi muốn nói. Nội dung chính của bài viết chỉ để làm sáng tỏ các cách nhìn nhận về nền kinh tế tri thức. Tôi không tán thành với ý kiến rằng muốn trao đổi thì phải hiểu nhau. Chính vì không hiểu nhau cho nên người ta mới phải trao đổi để hiểu nhau hơn, và cũng vì thế có nhiều thứ để trao đổi. Hai người không nói cùng một thứ ngôn ngữ lại càng nên ngồi lại gần với nhau để hiểu cùng nhau một vấn đề. Đương nhiên nếu một bên cố tình hiểu sai hoặc cố tình không muốn hiểu thì cuộc trao đổi sẽ chẳng còn giá trị gì. Mong ông Đoàn Tiểu Long sẽ không trách cứ tôi vì như ông thấy, tôi không nâng niu trân trọng môn kinh tế chính trị mà ông yêu thích. Môn kinh tế chính trị nghiên cứu bản chất kinh tế của sự vận hành xã hội. Nó không có liên quan trực tiếp nhiều đến chủ đề này, bởi vì như tôi đã nói, kinh tế tri thức trước hết là một quan niệm, không phải một hình thái kinh tế mới của xã hội. Sau đó, nó là xu thế phát triển chứ không phải một thiết kế thần kỳ giúp chúng ta xây dựng thiên đường. Đương nhiên, khi công cụ sản xuất thay đổi, nó sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến quan hệ sản xuất. Vấn đề của kinh tế tri thức ngày hôm nay là nó dường như đang đẩy mạnh hố ngăn cách giàu nghèo và sự phân hóa xã hội. Một tập thể nhỏ có nhiều tri thức sẽ nắm giữ một phần lớn tài nguyên và tư bản, buộc phần còn lại có ít tri thức hơn phụ thuộc vào họ. Sự phát triển của Google, Amazon, Ebay... là những ví dụ liên tục được nhắc tới trong những năm qua minh chứng cho việc sử dụng tri thức để thâu tóm thế giới. Các doanh nghiệp này dùng hầu như rất ít tư bản và rất nhiều tri thức vào khởi điểm, để tạo ra một khối lượng tư bản khổng lồ và các mạng lưới toàn cầu. Kết quả là tuy các bác nông dân có tăng được doanh thu gấp 2 nhờ Internet thì các doanh nghiệp lớn, cũng nhờ Internet, đã tăng doanh thu gấp mười, thậm chí gấp trăm. Vậy là cùng tiến lên thời đại Internet, khoảng cách giữa doanh nghiệp công nghệ cao và nông dân không hẹp đi mà lại bị nới rộng ra nhiều lần. Hiện tượng này giống như hiện tượng một quả bóng tuyết. Càng lăn, hòn tuyết càng lớn và càng lăn nhanh. Càng có nhiều tri thức, doanh nghiệp càng phát triển và càng dễ tiếp nhận nhiều tri thức mới, bỏ lại phía sau phần xã hội không theo kịp vì chưa đủ tích lũy. Tri thức bị hoàn toàn biến thành tư bản. Tôi nghĩ rằng đây là điều ông muốn phê phán (dù ông không nói cùng với tôi một ngôn ngữ và cách diễn đạt).

Phần lý luận trên đây, xin được lưu ý bạn đọc, chỉ là một trong số nhiều viễn cảnh của kinh tế thế giới. Hiện tại chưa có số liệu hay nghiên cứu nào đủ thuyết phục để chứng minh điều đó. Có vô số các cuộc tranh luận đã diễn ra: nên hay không nên nền kinh tế tri thức tư bản thuần túy. Tôi cho rằng cách đặt vấn đề này là không thích hợp. Bởi vì đây là xu thế chung của nhân loại, xin hãy đặt vấn đề «Ngày hôm nay chúng ta đang bước vào nền kinh tế tri thức. Nó có khiếm khuyết gì, và chúng ta phải làm gì để đi lên mà không vướng vào những khiếm khuyết ấy?». Tri thức có thể không giúp doanh nghiệp thoát khỏi phá sản nhưng ít nhất nó cũng giảm khả năng doanh nghiệp bị phá sản.

Cuối cùng xin có một góp ý nhỏ rằng ông Đoàn Tiểu Long không nên sử dụng Marx hay kinh tế chính trị của Marx như một công cụ để phân biệt trình độ hay kiến thức của độc giả. Xin đừng so sánh việc đọc các kinh tế gia khác dễ hiểu với việc đọc Marx đọc mười phần chỉ hiểu một phần; So sánh này chẳng nói lên điều gì. Những tri thức mới đến hàng ngày hàng giờ và trừng phạt những người không cập nhật nó. Marx không thể nào biết được thế giới đã đi đến đâu năm 2006. Những tiên đoán của ông cũng chẳng có cái nào thành hiện thực. Hơn thế mặc dù những gì ông viết đã thành sách giáo khoa kinh điển, không phải tất cả những điều đó đều là chân lý. Vì thế nếu cần bảo vệ một quan điểm, xin hãy trích dẫn Marx như những tác giả khác. Kinh tế tri thức là cái thực tế ngày hôm nay. Marx là một mảng lý thuyết trong quá khứ. Chắc ông Đoàn Tiểu Long không quên câu: « Mọi lý thuyết đều xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi ». Chúc ông đọc bài viết của tôi vui vẻ.

15 tháng 12.2006

© 2006 talawas


[1]Đương nhiên là nó cũng hữu hạn trong những biên độ thời gian nhất định
[2]Độc giả quan tâm có thể tìm đọc Hướng dẫn Fracatti và Oslo là những phương pháp thống kê được Châu Âu sử dụng để định lượng đầu vào tri thức.
[3]Luật pháp các nước có quy định khác nhau về chuyện này và tôi cũng không nắm vững vấn đề.
[4]Bởi vì nếu coi máy móc là tích lũy của lao động thì sự tích lũy này diễn ra như thế nào? Một tỷ công nhân làm việc ngày đêm cũng không thể tích lũy được những gì cần thiết để xây một lò phản ứng điện nguyên tử.