trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
5.1.2007
Phan Cẩm Thượng
Ở đây và ở đâu
 
Tiếp xúc với những bạn trẻ sinh lứa 1980 - 1990, tôi thấy họ thuộc một thế hệ khác không còn dính dáng gì đến chiến tranh và bao cấp, cũng như họ không có chút tình cảm nào của thời kỳ đó. Cây bạch dương, ba người lính ngự lâm và Hồng vệ binh không còn mấy ảnh hưởng như với người trước, thay vào đó là McDonald và Hip-Hop, phim tình cảm Hàn Quốc, bóng đá Anh và những cội rễ cuối cùng nối với văn hóa làng xã đang bị dứt đứt. Tôi thực sự cảm thấy không hiểu được thế hệ này, ngay cả nghệ thuật của họ, nếu muốn hiểu chắc phải học lại, cảm nhận lại và sống cuộc sống như họ đang sống. Một thế hệ lớn lên trong sự bao bọc của phong bì tham nhũng từ khi đi mẫu giáo đến lúc xin việc, tự tin, thích làm kinh doanh và coi thế giới là của mình. Điều ấy làm cho ta nên thận trọng khi đánh giá nghệ thuật trẻ đương đại, và không thể coi nó giản đơn như sự sao chép, ảnh hưởng phương Tây, và sự tiệm tiến tất yếu của nghệ thuật Việt Nam từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Hai sự kiện nghệ thuật trong tháng 12/2006, triển lãm "Sài Gòn thành phố mở" của nhiều nhóm nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài với chủ đề chiến tranh và cuộc hội thảo mỹ thuật trẻ Việt Nam thời kỳ Đổi mới (1986-2006), tưởng chừng nếu không là hai mặt của một vấn đề, thì cũng có những liên quan nhất định, tóm lại nó là hai ngả riêng rẽ. Một thứ thì không cần ai hiểu, một thứ thì tất cả cái gì nói đều hiểu theo cái cũ. Cái luận điểm nói rằng "ai cũng có thời trẻ", Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn tất nhiên cũng có thời thanh niên, các anh cũng vậy, tuổi trẻ ai cũng hăng, chẳng muốn mới và tóm lại nên để Sắp đặt vào đâu nhỉ? Sắp đặt, Trình diễn và Video Art tất nhiên chỉ là những phương tiện không truyền thống lắm so với hội họa và điêu khắc, nhưng nó xuất hiện với một nhu cầu khác, tham dự vào đó những nghệ sĩ trẻ tự biến mình thành một thế hệ khác mà sự tiếp nối truyền thống không còn cần thiết nữa, hay là những đặc thù dân tộc sẽ biến đi trong hình ảnh của một nghệ sĩ toàn cầu (dù là họ không muốn thế).

Nhiều người trong chúng ta nghĩ rất giản đơn về kinh tế thị trường, đơn giản là nó sửa chữa cho những yếu kém của kinh tế bao cấp. Trước đây khi vào bảo tàng người nước ngoài phải trả 20.000đ, người Việt Nam 2.000đ. Bây giờ ta cũng mua vé như họ, bèn nghĩ chẳng qua là một sự tăng giá, hoặc vào WTO thì phải như vậy. Bình đẳng với kẻ giầu có là khó khăn, chứ chưa hẳn đã thích, nhưng bình đẳng và dân chủ là tất yếu trong một sân chơi phẳng, khi bức tường Berlin sụp đổ và từ trong ra ngoài tự nó sẽ thay đổi với một luật chơi chung. Các ngôi làng đang được thị trấn hóa và đô thị hóa, các thành phố đang được thế giới hóa, các bộ sắc phục dân tộc chỉ được trưng diện trong hội lễ. Áo phông quần bò là thường nhật, com-lê là mốt chung công sở, và nghệ sĩ thì day dứt cái gì là dân tộc, cái gì là thế giới, hay không nghĩ đến nó nữa. Sắp đặt và Video Art với chủ đề "Mất thẻ căn cước" (Identify Lost) của PoPo (Myanmar) trong “Sài Gòn thành phố mở” rất đáng chú ý, rằng con người chỉ còn một cái quan trọng nhất là căn cước, hộ chiếu, mất nó là ta mất luôn ta, dù ta đang tồn tại. Cái phi lý của thực tại là càng tự do hơn thì càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Và có thể là càng toàn cầu hóa hơn thì càng dân tộc hơn (ở lối sống, tính cách), còn tượng Phật, gốm Lý-Trần, tượng nhà mồ nên tống vào bảo tàng ngắm chung, ngay cả nhà đất, nhà tre, nhà sàn cũng chỉ nên xem ở bảo tàng, còn thường nhật chui vào cái hòm bê tông mà nhảy Hip-hop. Văn hóa nghệ thuật hiện tại phản ánh sự tích cực cọ xát của các nghệ sĩ trẻ, đẩy các ông già vẽ chân dung, phong cảnh, đề tài chiến tranh vào tổ hưu nghệ thuật dù các vị có nhiều học vị và chức trọng. Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Pháp (L'Espace), nhà sàn Đức, nhà Đào Anh Khánh, và "Sài Gòn thành phố mở" vừa rồi trong một căn nhà hoang đang thu hút không ít các nghệ sĩ trẻ, đẩy nhà triển lãm Ngô Quyền và bảo tàng vào chỗ ngâm vịnh hoài cổ. Các hoạt động bên lề đang trở thành chính thức, dù chưa chắc nội dung đã hay, bởi vì nó phản ánh một xã hội với nền dân chủ đang phát triển, không có chỗ cho sự độc quyền văn hóa, và những suy nghĩ mang danh đề tài cấp thiết này nọ, bao bọc một thứ duy mỹ và hình thức. Ai yêu bạn, dù không phải nói chắc bạn cũng hiểu. Còn ta vẽ bộ đội đây, người lao động đây và hãy có nhiều chương trình xây tượng đài đi, nhưng để làm gì nhỉ? Tôi lang thang trong đời sống nghệ thuật, hôm nay thì ăn bún riêu, ngày mai lại ăn pizza, cảm xúc thật là khó tả, hay là tóc hoa râm thì có sẵn rồi, đeo cái dạ dầy cho có vẻ nhiều tiền, và tìm các em chân dài đi thôi. Tốc độ của cuộc sống và khoa học đang đẩy những ai không chịu hiểu nó ra ngoài cuộc. Kết quả là học bao nhiêu cũng không đủ, và không phải là biết thêm nhiều hơn, mà giữ cho cái đầu không cũ đi. Nghệ thuật mới cần đào tạo và tìm ra những phê bình của riêng mình, cũng như một nền tảng văn hóa sâu rộng.

Nguồn: Báo Thể thao & Văn hoá ngày 15/12/2006