trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
6.1.2007
Trần Bình
Việt Nam - Làn sóng đầu tư thứ hai và bài học phát triển kinh tế
 
Những chuyển biến kinh tế gần đây, nổi bật nhất là sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, đã đẩy làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lên cao. Dữ kiện tổng hợp tháng 12 cho thấy FDI năm 2006 vượt con số kỷ lục 8.6 tỷ USD đạt được năm 1996, cao điểm của làn sóng đầu tư lần thứ nhất. Từ những chuyển động này, các tờ báo lớn như New York Times, Boston Globe, đã chạy tít lớn tiên đoán rằng Việt Nam đang vươn mình sẽ sớm trở thành Next China hay một tiểu long mới của châu Á. Nhưng sự rạn vỡ của cuộc hôn nhân lần đầu giữa các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam vào thập niên 90 và sự kiện Việt Nam hiện vẫn còn đang dò dẫm trên bước chuyển tiếp từ nền kinh tế tập trung qua kinh tế thị trường, từ nền kinh tế khép kín sang kinh tế mở và hội nhập trong bối cảnh môi trường kinh doanh tuy được cải thiện song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, khiến những người theo dõi thời cuộc không khỏi không đặt dấu hỏi về sự bền vững và tương lai của cuộc tái hôn lần này. Việc tìm hiểu vị thế của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài và xu hướng của các nguồn vốn ấy một phần nào đó có thể giúp thẩm định triển vọng của làn sóng đầu tư thứ hai. Cuộc điều tra của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố tháng tư năm 2006 đã so sánh môi trường đầu tư của các quốc gia ASEAN, Ấn Độ, và Trung Quốc, và bảng tường trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố tháng 2 năm 2006, nghiên cứu tác dụng của Hiệp ước Thương mại Song phương (BTA) là hai trong số những tài liệu có thể giúp chúng ta cập nhật những thông tin về vấn đề này.

Mặt khác, nguồn FDI dồi dào dù là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, song tự nó không đủ để bảo đảm cho sự phát triển cao và bền vững. Một chính sách phát triển kinh tế hiệu quả có thể khai thác nguồn đầu tư nước ngoài một cách thành công trong công cuộc kỹ nghệ hoá đất nước. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển có thể chỉ là môi trường thuận lợi cho các công ty đa quốc gia khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên phong phú và lao động rẻ và mãi mãi vẫn chậm tiến, lạc hậu. Vấn đề hệ trọng có liên hệ đến hiện trạng phát triển kinh tế của Việt Nam này đã được bàn thảo trong tài liệu nghiên cứu “Quan hệ đối tác toàn cầu và chính sách phát triển của các quốc gia” do Diễn đàn Liên hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) thực hiện gần đây. Một phần quan trọng của tài liệu đã nghiên cứu nguyên nhân sự thành công ngoạn mục của các quốc gia vùng Đông Á, những tiểu long thực thụ như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. Môi trường kinh tế toàn cầu hôm nay đã có khác, do đó Việt Nam ngày nay không thể rập khuôn những sách lược các quốc gia này đã sử dụng, song những bài học rút ra từ các kinh nghiệm thành công rất quí báu ấy chắc chắc sẽ rất hữu ích cho Việt nam nói riêng và các quốc gia đang phát triển nói chung trong công cuộc hiện đại hoá đất nước.


*


Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam trong bài viết “WTO, Hội nhập kinh tế và Phát triển con người: Chính sách công nghệ cho sự thành công cho công cuộc công nghiệp hoá” ấn hành tháng 11 năm 2006 [1] đã nhấn mạnh rằng, con đường dẫn đến sự thịnh vượng của các quốc gia vùng Đông Á là một quá trình lâu dài. Từ góc độ này, những thành quả Việt Nam đã gặt hái được do những cải cách trong hai thập niên qua cũng chỉ mới là bước đầu của một cuộc hành trình dài đầy thử thách. Việt Nam là một trong số 6 quốc gia vùng Đông Á hay trong số 12 quốc gia trên thế giới (176 nước) đã đạt được mức phát triển trên 6% trong hai thập niên qua (1985-2004), và nền kinh tế Việt Nam hiện nay lớn gấp 4 lần so với năm 1986. “Đây là một thành tựu to lớn, song nếu so sánh với các quốc gia kỹ nghệ hoá thành công vùng Đông Á, thì mới chỉ là bắt đầu. Trong khoảng thời gian từ 1961-2005 (44 năm), nền kinh tế Singapore lớn lên gấp 30 lần, Nam Hàn 24 lần, và Malysia 20 lần”. Trong giai đoạn đầu của tiến trình phát triển mà Việt Nam đang trải nghiệm, do hoạt động kinh tế còn tương đối đơn giản, phần lớn gắn liền với ruộng đất và năng suất sản xuất còn thấp, nên cơ hội cải thiện năng suất nhằm đạt đuợc mức phát triển cao còn nhiều; ví dụ như việc cải tiến giống lúa hay sự di chuyển một bộ phận dân cư quan trọng từ khu vực nông nghiệp sang các hoạt động phi nông nghiệp dưới dạng công nghiệp nhẹ mang tính chất gia công như may mặc chẳng hạn. Nhưng khi bước vào một giai đoạn phát triển cao hơn, cơ hội tăng gia năng suất sẽ hiếm hoi hơn: “Duy trì mức tăng trưởng trong một nền kinh tế có thu nhập trung bình đòi hỏi phải không ngừng nâng cao công nghệ trên mọi lãnh vực, đặc biệt ngành chế tạo là khu vực có tiềm năng tăng năng suất lớn nhất”. Những phân tích trong bản báo cáo Thương mại và Phát triển năm 2006 của Diễn đàn Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) [2] là một nỗ lực nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào các nước kỹ nghệ hoá thành công Đông Á đã đạt được thành quả to lớn như vậy?”

Số liệu của bản báo cáo UNCTAD dưới đây cho thấy mối liên hệ giữa nâng cao năng suất qua việc mở rộng ngành chế tạo và mức phát triển kinh tế khi so sánh tỷ trọng giá trị gia tăng ngành chế tạo của 7 quốc gia vùng Đông Á với các nước châu Mỹ Latin và châu Phi trong hơn hai thập niên qua. Số liệu đã nói lên sự thành công vuợt bực của các nước vùng Đông Á trong việc phát triển ngành chế tạo, đặc biệt các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, tương phản rõ rệt với sự giảm mạnh tỷ trọng ngành chế tạo của các quốc gia châu Mỹ Latin và châu Phi, đặc biệt các nền kinh tế lớn của châu Mỹ Latin như Brazil và Mexico.


  Tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành chế tạo trên thế giới
  1980 2003
Châu Phi
0.9
0.8
Châu Mỹ Latin & vùng Caribbean
7.1
4.4
Brazil
2.9
0.9
Mexico
1.9
1.7
Argentina
0.9
0.5
Các quốc gia khác trong vùng
1.4
1.3
Các nước công nghiệp hoá châu Á
6.6
15.7
Trung Quốc
3.3
8.5
Hàn Quốc
0.7
2.3
Đài Loan
0.6
1.1
Thái Lan
0.3
0.8
Các quốc gia khác trong vùng
1.7
3.0
Nguồn: Báo cáo Thương mại và Phát triển năm 2006 - UNCTAD

Nhưng các quốc gia Đông Á không những chỉ thành công trong việc nâng cao tỷ trọng của ngành chế tạo mà quan trọng hơn nữa đã nâng cao tỷ trọng của các sản phẩm công nghệ cao. Biểu đồ thứ hai cho ta ấn tượng mạnh mẽ về tầm quan trọng của yếu tố kỹ thuật (technology) sử dụng trong sản xuất nhằm đạt được năng suất và mức phát triển kinh tế cao. Trong khi trình độ sản xuất thể hiện qua việc sử dụng vốn, nhân lực và kỹ thuật của Hàn Quốc, Mexico và Brazil ở khởi điểm năm 1980 hầu như giống nhau, nhưng sau hơn hai thập niên, ngành chế tạo của Hàn Quốc có hàm lượng công nghệ cao đi lên không ngừng (đường tím), trong khi đó, nền kinh tế của của Mexico và Brazil thì vẫn lệ thuộc nặng nề vào nguồn vốn (đường xanh) và nhân lực (đường vàng).


Nguồn: Báo cáo Thương mại và Phát triển năm 2006 - UNCTAD

Nhưng làm thế nào các quốc gia kỹ nghệ hóa thành công vùng Đông Á đã đạt được thành quả rất lớn trong ngành chế tạo hàng công nghệ cao? Theo UNCTAD, các quốc gia này đã khai thác được sức mạnh của hội nhập quốc tế như một trợ lực cho tiến trình nâng cao công nghệ trong nước. “Việc tự do hoá thương mại và đầu tư dưới tác động của WTO đã góp phần tăng năng suất vì nó tạo khả năng tiếp cận với các thị trường lớn nhất trên thế giới và các công nghệ mới thông qua việc đầu tư nước ngoài”. Song cũng theo UNCTAD, “tự do hoá thương mại qua con đường hội nhập vẫn chưa đủ”. Quốc gia có thể bị bế tắc ở mức năng suất thấp khi nguồn FDI và xuất khẩu chỉ nhắm vào việc khai thác lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và chí phí lao động rẻ mà không quan tâm đến việc nâng cao năng suất và chuyển đổi cơ cấu, là những yếu tố then chốt của chính sách thương mại và công nghiệp thành công. Chính vì thế, bằng cách “phối hợp xu thế hướng ngoại và chính sách công nghệ quốc gia, các nước Đông Á này đã tận dụng được những lợi ích của việc tự do hoá thương mại và đầu tư cho sự phát triển của nền kinh tế nội địa” nhằm đạt được mục tiêu chính yếu là làm gia tăng sản phẩm và dịch trong nước có hàm lượng kỹ thuật và tri thức cao.

Để đạt được mục tiêu này, một phần quan yếu của chính sách công nghệ đã được các quốc gia Đông Á thực hiện là “việc xây dựng các trường đại học và các viện nghiên cứu tầm cỡ thế giới nhằm đào tạo kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản lý, và tạo dựng được khả năng nghiên cứu và phát triển trong nước”. Lượng du học sinh đến Hoa Kỳ từ châu Á tham dự chương trình đào tạo tiến sĩ là một con số đáng kinh ngạc, bằng tổng số sinh viên của Hoa Kỳ tham gia chương trình này. Chính sách khuyến khích các du học sinh về nước vì thế cũng không kém phần quan trọng, như lương bổng phải hấp dẫn, các phòng thí nghiệm hiện đại và môi trường làm việc tốt để các chuyên viên có thể có điều kiện phát huy khả năng, và một cơ chế hoạt động độc lập cho các trường đại học, các viện nghiên cứu khả dĩ đáp ứng kịp thời các nhu cầu phát sinh.

Để việc ứng dụng các thành quả nghiên cứu và kiến thức chuyên môn vào hoạt động sản xuất được hiệu quả, sự nối kết và phối hợp giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu và các công ty là việc làm hết sức cần thiết. Chính sách này còn có thể giúp làm giảm chi phí tiếp cận tri thức thường quá chuyên môn và đắt đỏ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Hình thức hỗ trợ tri thức và nghiên cứu phù hợp với nguyên tắc của WTO và rất hiệu quả nên vẫn được áp dụng rộng rãi, ngay cả tại các quốc tiên tiến Âu Mỹ.

Một thành công quan trọng khác của chính sách công nghệ đã được các quốc gia Đông Á thực hiện là việc tháo gỡ rào cản và hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước thông qua các chương trình tín dụng và các quỹ hỗ trợ đầu tư. Nhờ vào qui mô và phạm vi hoạt động rộng lớn, các doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ này mới có đủ nguồn lực tiếp cận với tri thức, thực hiện các công trình nghiên cứu và phát triển lớn và do đó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong phạm vi doanh nghiệp và trên bình diện quốc tế. “Không phải ngẫu nhiên mà các ngành sản xuất công nghệ cao như viễn thông chẳng hạn thường do các tập đoàn công ty lớn nắm giữ”.

Một chính sách thích ứng về tỷ giá hối đoái có thể có những tác động quyết định đến khả năng cạnh tranh quốc tế. Khi tỷ giá này thấp hơn thực giá sẽ làm hàng hoá trong nước rẻ hơn và do đó thuận lợi cho xuất cảng, nhưng mặt khác có thể dẫn đến tình trạng lạm phát và làm gia tăng gánh nặng ngân sách. Ngược lại, tỷ giá quá cao sẽ tăng giá hàng trong nước, dẫn đến khó khăn cho xuất khẩu, cũng như khuyến khích các công ty sử dụng nguồn nguyên vật liệu nước ngoài nhiều hơn.

Cũng theo báo cáo UNCTAD, vai trò của FDI ở Đông Á quan trọng hơn so với các khu vực khác trong quá trình phát triển: “Thông qua những ràng buộc đầu tư, đặc biệt những qui định về hàm lượng nội địa, đã giúp nối kết các công ty nước ngoài nước và trong nước và khuyến khích việc chuyển giao công nghệ”. Một số biện pháp điển hình khác thường được sử dụng rất hiệu quả như việc dùng thuế công nghiệp để bảo vệ các doanh nghiệp nội địa, trợ cấp một số doanh nghiệp đặc biệt, hay bắt buộc các công tư nước ngoài phải tự cấp kinh phí cho nguồn vật liệu nhập khẩu qua thương vụ xuất khẩu của chính họ.


*


Ngày nay, những qui định và ràng buộc của WTO, nhất là các hiệp ước thương mại song phương, đã khó khăn hơn. Nhiều biện pháp đã được các quốc gia kỹ nghệ hóa thành công Đông Á sử dụng rất hữu hiệu trước đây, nay không còn được cho phép. Một chướng ngại khác không kém phần quan trọng cho việc tiếp cận tri thức và kỹ thuật đối với Việt Nam đã được ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP tại Việt Nam, nêu lên trong cuộc phỏng vấn với VietNamNet “Không có một nước giàu nào trả tiền sở hữu trí tuệ khi họ bắt đầu kỹ nghệ hóa. Nhật Bản thì nhập khẩu và copy công nghệ của Đức. Hàn Quốc thì nhập và copy công nghệ của Nhật. Mỹ thì nổi tiếng là cóp ý tưởng của Anh khi mới lập quốc và bây giờ họ muốn các nước đang công nghiệp hóa phải trả tiền. Điều đó sẽ vô cùng đắt và ngăn cản Việt Nam tiếp cận công nghệ”. [3] Việt Nam hôm nay trong bước đầu của tiến trình kỹ nghệ hoá có vận dụng được nguồn đầu tư nước ngoài đang đổ vào khá thuận lợi hay không là một vấn đề hết sức quan trọng và lâu dài. Song vấn đề quan yếu trước mắt là khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, tìm hiểu vị thế của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh nguồn vốn nước ngoài và xu thế của nguồn vốn ấy là nội dung sẽ được bàn thảo trong phần kế tiếp.


Vị thế của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI

Kết quả của cuộc điều tra hàng năm do Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản - JETRO [4] công bố tháng 3 năm 2006, với sự tham gia của 966 công ty Nhật đang hoạt động tại 6 quốc gia thuộc khối ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), Ấn Độ và Trung Quốc đã cho thấy vị thế của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bảng đánh giá dưới đây so sánh các yếu tố thu hút đầu tư giữa Việt Nam với Trung Quốc và với sáu quốc gia ASEAN cộng Ấn Độ, lấy mốc điểm Trung Quốc = 0.0 làm điểm đối chiếu. Theo đó, điểm cộng (+) biểu hiện vị thế mạnh hơn và điểm (-) cho thấy mức độ yếu kém so với Trung Quốc. Những mặt trội nhất Việt Nam đạt được (màu xanh), cao hơn Trung Quốc lẫn ASEAN/Ấn Độ, bao gồm sự ổn định xã hội, độ biến động về tỷ giá hối đoái, và quản lý lao động. Những điểm kém nhất thấp hơn so với Trung Quốc và ASEAN/Ấn Độ (màu đỏ) gồm thủ tục hải quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trình độ chuyên viên nghiên cứu và kỹ sư, nhưng yếu kém nhất là ngành công nghệ phụ trợ và hạ tầng cơ sở. Nếu so sánh với từng quốc gia một, hạ tầng cơ sở Việt Nam mặc dù đã được cải thiện vẫn còn thua sút khá xa các quốc gia khác, chỉ hơn mỗi Ấn Độ. Về trình độ chuyên viên, yếu tố quan trọng cho công cuộc kỹ nghệ hoá và sự phát huy lâu dài như theo nghiên cứu UNCTAD, vị thế của Việt Nam cũng rất khiêm tốn, đặc biệt khi so với các quốc gia đang dẫn đầu về phương diện này như Singapore, Ấn Độ và Trung Quốc.

Tiêu chí so sánh
Tổng cộng (ASEAN/Ấn Độ)
Việt Nam
Ổn định chính trị xã hội
+ 48,0
+ 73,8
Khả năng giao tiếp của nhân viên
+ 43,6
+ 20,3
Quy định đầu tư minh bạch
+ 37,6
+ 6,9
Hệ thống thuế
+ 28,8
+ 7,0
Cơ sở hạ tầng
+ 1,8
- 74,6
Quản lý lao động
+ 31,3
+ 48,3
Trình độ chuyên viên nghiên cứu và kỹ sư
- 10,1
- 20,7
Công nghiệp phụ trợ
- 31,1
- 85,2
Biến động tỷ giá hối đoái
- 3,4
+ 28,1
Thủ tục hải quan
+ 29,9
- 7,0
Bảo vệ Quyền Sở hữu Trí tuệ (IPR)
+ 23,9
- 6,9
Nguồn: JETRO

Mặc khác, Việt Nam được đánh giá cao trên một số tiêu chí quan trọng khác như được xếp vị trí hạng 2 về địa điểm đầu tư tốt nhất trong 10 đến 15 năm tới, sau Thái Lan (1), kế đến Ấn Độ (3) và Trung Quốc (4). Và khi được thăm dò về địa điểm có chi phí sản xuất thấp nhất, các nhà đầu tư đã bình chọn Việt Nam với tỷ số cao nhất 56.1%, kế đến Ấn Độ 48.8%, và Philippines 40%. Tuy nhiên khi đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh năm 2005 và triển vọng năm 2006, Việt Nam chỉ ở được đánh giá ngang tầm với các quốc gia khối ASEAN khác và thấp hơn Trung quốc đáng kể:

Comparison criteria
Total ASEAN
China
Vietnam
Dự đoán kinh doanh cải thiên năm 2005
48.5%
49.3%
50%
Dự đoán kinh doanh cải thiện năm 2006
47.5%
58.0%
54.1%
Dự đoán tình hình kinh doanh xấu đi năm 2005
30.1%
31.8%
30%
Dự đoánh tình hình kinh doanh xấu đi năm 2006
19.1%
9.9%
17.6%
Nguồn: JETRO


Xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam

Môi trường đầu tư của Việt Nam mặc dù vẫn còn nhiều mặt yếu so với các quốc gia trong vùng như kết quả điều tra cho thấy, song làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài những năm gần đây, đặc biệt từ hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản vào Việt Nam, bao gồm những khoản đầu tư qua trung gian quốc gia thứ ba, tiếp tục gia tăng và hai nước này đang trở thành những quốc gia dẫn đầu dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Cũng theo cuộc điều tra của JETRO nói trên, dưới mắt của các nhà đầu tư Nhật Bản, ngoài những lợi thế chính về chi phí sản xuất thấp và ổn định xã hội, Việt Nam “đang được xem là vùng đệm nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc quá mức đối với Trung Quốc và đồng thời cân bằng những rủi ro trên toàn khu vực”. Việt Nam đạt tỷ số cao nhất trong số những hãng xưởng dự định chuyển sự lựa chọn từ Trung Quốc sang Việt Nam trong kế hoạch mở rộng sản xuất (20.5%) hoặc trong dự đính chuyển dời một bộ phận sản xuất đang hoạt động tại Trung Quốc (6.8%) vì mối quan ngại “những rủi ro trong việc làm ăn tại Trung Quốc như ảnh hưởng của việc định giá lại đồng yuan hay phong trào bài Nhật xảy ra tháng 4, năm 2005”. Hai quốc gia có tỷ số kề cận trên hai phương diện này đạt tỷ số thấp hơn Việt Nam khá xa: Thái Lan 7.4% và Malaysia 3.1%.

Xu hướng gia tăng dòng vốn FDI của Nhật vào Việt Nam cũng được Hisane Masaki nhà báo vùng Tokyo, nhà bình luận và học giả trên các lãnh vực kinh tế và chính trị quốc tế, phân tích trong bài báo “Các công ty Nhật Bản đã phải lòng Việt Nam” trên báo Asia Times, tháng 6 năm 2006 [5] . Theo Hisane, vào năm 2000, Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật xếp hạng thứ 8 trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư, song vị trí này đã nâng lên thứ 4 năm 2005, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Riêng đối với các công ty vừa và nhỏ, Việt Nam là sự chọn thứ hai sau Trung Quốc.

Thừa nhận Trung Quốc vẫn là quốc gia hấp dẫn FDI hàng đầu, nhưng Hisane cho rằng ưu thế ấy đang giảm dần vì “dưới áp lực của phương Tây và đặc biệt là Hoa Kỳ giá trị đồng yuan sẽ tăng dần trong trung và dài hạn gây ảnh hưởng bất lợi cho xuất cảng, chi phí lao động đang gia tăng, nguồn điện và nước thiếu hụt cho sản xuất đang trở thành một vấn đề nhức đầu cho các nhà đầu tư, những quan ngại về phản ứng chậm chạp của quốc gia này trước cơn dịch SARS và về các cuộc bạo động bài Nhật lan rộng khắp Trung Quốc tháng Tư năm 2005. Về Việt Nam, ngoài chi phí lao động thấp thường là yếu tố chính hấp dẫn các nhà đầu tư, Hisane còn đề cập đến những lợi thế khác như vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc, thị trường nội địa hứa hẹn với dân số 82 triệu, và là tiềm năng của nguồn cung ứng dầu mỏ cho Nhật Bản vốn là quốc gia rất nghèo về nguồn nhiên liệu. Tác giả cũng lưu ý rằng việc tính toán nguồn FDI của Nhật tại Việt Nam thường không bao gồm những khoản đầu tư qua quốc gia thứ ba, đặc biệt Hong Kong. Và hơn thế nữa, “Nhật Bản là quốc gia đầu tư hiệu quả nhất khi xét về tỷ lệ vốn thực hiện (4.5 tỷ USD) trên vốn được phê duyệt (6.2 tỷ USD) đạt 74% trong giai đoạn 1988-2005. Như vậy, trên cả hai chỉ số vốn thực hiện và tỷ lệ vốn thực hiện, Nhật Bản mới thực sự là quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam tính đến năm 2005”.

Khác với Nhật Bản, Hoa Kỳ thận trọng hơn khi đầu tư vào Việt Nam, khởi đầu chậm nhưng tăng nhanh những năm gần đây và đang trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu nguồn vốn FDI. Bản tường trình những tác động của Hiệp ước Thương mại Song phương (BTA) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp thực hiện, công bố tháng 2 năm 2006 [6] đã cho thấy rõ xu hướng này. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh vốn đầu tư thực hiện của Hoa Kỳ, tính cả đầu tư qua nước thứ 3, từ 2001-2004 tăng bình quân mỗi năm 29%. Đặc biệt hai năm 2003, 2004 vốn đầu tư Hoa Kỳ tăng khoảng gấp hai lần so với những năm trước đó. Tổng số vốn đầu tư của Hoa Kỳ trong giai đoạn 1988-2004 sau khi được điều chỉnh đạt 2.6 tỷ USD, nguồn FDI đứng thứ 2 sau Nhật Bản năm 2003, và thứ nhất năm 2004. Trả lời báo chí tại Hà Nội hôm 13 tháng 12/2006, Đại sứ Hoa Kỳ Ông Michael Marin đã thông báo tổng số FDI của Hoa Kỳ đến nay đã vượt trên 4 tỷ USD, và tiên đoán FDI Hoa Kỳ cho riêng năm 2007 có thể đạt con số kỷ lục 4-5 tỷ USD.

Xu hướng thứ hai là sự gia tăng FDI trên lãnh vực công nghệ thông tin. Theo nhận xét của Jonathan Hopner trong bài viết “Mọi con mắt đang đổ dồn vào Việt Nam” trên báo EETimes tháng 11 năm 2006 [7] , một tờ báo chuyên về công nghệ thông tin có tầm cỡ: “Trung Quốc có thể được mọi người nhắc tới khi đề cập đến thị trường và địa điểm sản xuất quan trọng, nhưng ngày càng có nhiều công ty công nghệ lớn đang theo dõi một tiềm năng mới - Việt Nam. Trước đây vốn FDI tư thường giới hạn trong hai lãnh vực nông nghiệp và dệt may, nhưng những đầu tư gần đây đã nhắm vào công nghệ cao như ngành viễn thông và con chip máy vi tính”. Cụ thể hơn, tác giả nêu ra dự án đầu tư một tỷ USD của Intel gần đây, sự hợp tác của công ty này với Texas Pacific Group mua lại một phần cổ phần quan trọng trị giá 36.5 triệu USD của FPT là công ty phần mềm lớn nhất của Việt Nam hiện có khoảng 900 lập trình viên, việc thiết lập quỹ đầu tư công nghệ thông tin và viễn thông 50 triệu USD của công ty đầu tư vốn VinaCapital và công ty Draper Fisher Jurveton đến từ thung lũng Silicon, và việc mở rộng cơ sở sản xuất ngành công nghệ thông tin của nhiều công ty lớn trên thế giới như Hewlett Packard Hoa Kỳ, Renesas and Nidec Nhật Bản, Allied Technologies Singapore và Sonion Denmark. “Khu vực sản xuất điện tử của Việt Nam tuy vẫn còn tương đối nhỏ nhưng tốc độ phát triển rất ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử và phụ kiện máy vi tính năm 2005 đạt 1.8 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước. Quốc gia này có một dân số trẻ, nhạy bén với các tiến triển kỹ thuật, với số Internet và điện thoại di động tăng nhanh hơn mức phát triển trung bình trên thế giới”.

David Fullbrook, trong bài viết “Công nghệ Thông tin Việt Nam đang lên”, số tháng 12/2006 trên diễn đàn Asia Times, đã nêu lên con số 13.7 triệu (16.6%) dân số Việt Nam so với 7.08 triệu (8.75%) dân số Thái Lan hiện đang sử dụng thường xuyên Internet, và đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố con người Việt Nam khi trích lời Ernst, một chuyên gia về về vấn đề cải tiến và phát huy sáng kiến: “Các công ty cho biết họ đã trải qua những kinh nghiệm tốt đẹp tại Việt Nam. Dường như công việc ở đây trôi chảy hơn. Người Việt dễ đào tạo, có óc tiến thủ, và thường có nhiều sáng kiến trong công việc. Những lời ngợi khen này thường được nghe tại Việt Nam nhiều hơn ở nhiều quốc gia khác”. Ông David phân tích thêm: mặc dù trình độ học vấn sau bậc trung học của Việt Nam thấp hơn Thái Lan đáng kể, 10% so với 40%, nhưng “học sinh Việt Nam giỏi toán hơn, và đây chính là ưu thế khi bước vào lãnh vực công nghệ thông tin”.

Theo phân tích của tờ báo Theage.com ở Australia qua bài viết “Good morning Vietnam, you have mail” [8] , số tháng 10 năm 2006, “chuyển biến của ngành thông tin Việt Nam đã bắt đầu với Nhật Bản, nhưng mãi đến khi Intel quyết định đầu tư vào Việt Nam thì các quốc gia khác mới mạnh dạn bước theo”. Trong vòng 5 năm qua, hơn một triệu máy vi tính (PC) đã bán ra và số chuyên viên tin học tăng gấp đôi lên khoảng 20 ngàn lập trình viên trong cùng thời kỳ, với số doanh nghiệp phần mềm khoảng 600 công ty. Vấn đề này cũng được Hisane Masak thảo luận trong bài viết “Các công ty Nhật Bản đã phải lòng Việt Nam”: “Những biến chuyển liên quan đến hoạt động của hai công ty khổng lồ Hoa Kỳ, Microsoft và Intel, được dư luận biết đến rộng rãi đã nâng cao sự chú ý của thế giới đến Việt Nam như một địa điểm hứa hẹn cho các hoạt động kinh doanh trong lãnh vực công nghệ cao. Mặt khác, từ năm 2004, Nhật và Việt Nam đã bắt đầu ký hiệp định hợp tác công nghệ thông tin, qua đó Nhật sẽ hỗ trợ chương trình đào tạo tại các đại học, cung ứng chuyên viên và trang bị cho Việt Nam. Quốc gia này đang nhanh chóng trở thành một trong những địa điểm lựa chọn hàng đầu của các công ty ngành công nghệ thông tin Nhật Bản trong dịch vụ gia công phần mềm ở nước ngoài (outsourcing), sau Ấn Độ và Trung Quốc”. Trong số những trường hợp điển hình của xu thế này được Hisane nêu ra là công ty dẫn đầu sản xuất phần mềm của Nhật Bản Cybozu đã hợp tác với một công ty Nhật khác, CS System, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam tháng 6 năm 2006, công ty FPT đã hợp tác với công ty Nhật Bản thiết lập chi nhánh “FPT Software Japan” tháng 11/2006 nhằm thu hút dịch vụ gia công phần mềm của Nhật Bản, hiện đạt khoảng 3 tỷ USD mỗi năm.

Mặc khác, hai vấn đề quan trọng các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước hiện đang phải đối đầu là: Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu trong danh sách các nước vi phạm bản quyền phần mềm và trình trạng khống chế của các doanh nghiệp nhà nước trong lãnh vực công nghệ thông tin.


Nguồn ODA (Official Development Assistance) và thị trường chứng khoán

ODA và thị trường chứng khoán là những nguồn vốn quan trọng khác thiển nghĩ cũng cần đề cập sơ lược qua một vài nét chính yếu. So với nguồn FDI có tổng số vốn phê duyệt trên vốn thực hiện tính đến cuối năm 2005 là 51/34 tỷ USD, nguồn ODA không kém xa phần quan trọng với tổng số vốn cam kết trên vốn giải ngân 32/15 tỷ USD, trong đó Nhật Bản đóng góp phần lớn nhất, chiếm khoảng 30%. Trái với tiên đoán cho rằng cam kết ODA cho năm 2007 sẽ giảm mạnh vì vụ tham nhũng rất tai tiếng PMU18, khoản cam kết 2007 tiếp tục gia tăng lên mức kỷ lục mới, 4.44 tỷ USD. Với ngân khoản rất lớn, ODA là nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế. Mặt khác, đến 90% của nguồn vốn này thuộc diện vay lãi suất thấp dài hạn, việc sử dụng thiếu hiệu quả ODA có thể dẫn tới hệ quả rất nghiêm trọng, làm gia tăng khoản nợ xấu của quốc gia.

Những tín hiệu mới nhất cho thấy thị trường chứng khoán non trẻ với 6 năm tuổi của Việt Nam sau một thời gian dài giậm chân tại chỗ đã bắt đầu cất bước. Qui mô thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam rất nhỏ so với các nước láng giềng (TTCK Thái Lan 138 tỷ USD), nhưng phát triển nhanh và có tiềm năng vì vẫn còn nhiều công ty lớn kinh doanh hiệu quả trong các lãnh vực quan trọng như ngân hàng, viễn thông, bất động sản, và xây dựng chưa niêm yết. Năm 2004, TTCK Việt Nam chỉ có 22 cổ phiếu với mức vốn 144 triệu USD và dưới 1 tỷ USD vào cuối năm 2005. Theo con số ước tính mới nhất, cuối năm 2006 số cổ phiếu đã tăng lên 193 và tổng mức vốn đã vượt 10 tỷ USD.

Với mức tăng trưởng cao và hoạt động ổn định dần, lần đầu tiên TTCK Việt Nam được các tờ báo lớn của phương Tây nhắc đến như là một trong những yếu tố tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Trong bài “Thị trường chứng khoán Việt Nam đang rộ nở” [9] số tháng 4/2006, tờ Fortune đã nêu lên những nhân tố tác động vào các chuyển biến mới đây của TTCK Việt Nam như việc các công ty (cổ phần) Việt Nam đang bị đánh giá thấp hơn thực giá, mức phát triển kinh tế cao, những cải cách gần đây cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đến 49% cổ phiếu công ty, và những nỗ lực thúc đẩy việc niêm yết các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa”. Hai yếu tố khác được Giáo sư Phan Minh Ngọc, Đại học Kyushu Nhật Bản, nêu lên trong một bài báo mới đây trên diễn đàn VNEconomy [10] là báo cáo rất lạc quan về TTCK Việt Nam hồi đầu năm 2006 của ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ Merrill-Lynch, và việc một số ngân hàng lớn nước ngoài như ANZ, Standard Chartered Bank, và HSBC mua lại cổ phiếu của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Đến nay, có khoảng 30 quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn khoảng 2 tỷ USD.

Mặt khác, GS Ngọc cũng cảnh cáo “nguy cơ phát triển bong bóng” của chứng khoán Việt Nam vì những “nhà đầu tư amateur mù mờ” trong nước, trong trình trạng quản lý TTCK còn khá lỏng lẻo hiện nay.

*

Gia nhập WTO, Việt Nam đã gởi tín hiệu sẵn sàng chấp nhận một sân chơi bình đẳng theo luật chơi rạch ròi, và điều này đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và các nhà tài trợ, dẫn đến sự tăng trưởng nguồn vốn đầu tư và viện trợ nước ngoài. Từ góc độ kinh doanh, các nhà đầu tư luôn nhắc nhở, để thành công trong việc xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam cần phải thể hiện mạnh mẽ hơn nữa trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản: nạn tham nhũng lan tràn, thủ tục hành chính nhũng nhiễu, luật pháp thiếu hoàn chỉnh và việc thực thi còn tùy tiện - đặc biệt ở cấp địa phương, hạ tầng cơ sở yếu kém và đắt đỏ, và trình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng và chuyên viên. Từ quan điểm của nhà tài trợ, các tổ chức kinh tế tài chánh thế giới còn đi xa hơn khuyến cáo: nhằm đạt được mức phát triển kinh tế cao và bền vững, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nhất quán, thực hiện hiệu quả các chính sách quan yếu như khai thác hữu hiệu nguồn vốn nước ngoài và hội nhập quốc tế để mở rộng qui mô thị trường và tiếp cận công nghệ tiên tiến, đãi ngộ du học sinh trở về nước và xây dựng các trường đại học, viện nghiên cứu hiện đại có khả năng tiếp thu tri thức và kỹ thuật cao nhằm hỗ trợ tiến trình kỹ nghệ hóa, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt hỗ trợ sự hình thành của các doanh nghiệp tư nhân qui mô có khả năng thực hiện các cuộc nghiên cứu và phát triển lớn, các qui trình sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Con đường phát triển kinh tế Việt Nam hôm nay đang bước vào ngõ rẽ quan trọng. Việt Nam hoặc sẽ theo bước các quốc gia kỹ nghệ hoá thành công Đông Á? Hoặc sẽ là một Mexico thứ hai?

12/2006

© 2007 talawas


[1]WTO, Economic Integration and Human Development: Technology Policy for Successful Industrialization
[2]TRADE AND DEVELOPMENT REPORT 2006 - Global partnership and national policies for development
[3]Đừng để Việt Nam thành Mexico thứ hai
[4]JETRO Releases its Latest Survey of Japanese Manufacturers in ASEAN and India
VN, first choice of Japanese investors in China
[5]Japan Inc smitten by Vietnam
[6]Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam
Impact of the Bilateral Trade Agreement on U.S. and Other Foreign Direct Investment in Vietnam
[7]All eyes on Vietnam
[8]Good morning Vietnam, you have mail
[9]Vietnam's stock market is booming
[10]Nguy cơ phát triển ‘bong bóng’ của chứng khoán Việt Nam