trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.1.2007
Nhất Linh
Giòng sông Thanh Thuỷ
(ChÆ°Æ¡ng 18, 19, 20, 21)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Chương mười tám

Ngày hôm sau, Ngọc đến ăn ở hiệu cơm Hồi giáo, Thanh đã tới trước đợi chàng. Ăn xong hai người đáp xe đi về phía cánh đồng đào. Trời nắng to nhưng mát vì có gió. Trên trời không vẩn một đám mây nào; hai người ngồi xuống một bờ cỏ mượt dưới bóng một cây đào lớn nở đầy hoa.

Thanh và Ngọc đều chưa biết bắt đầu câu chuyện gì, cứ ngồi yên lặng. Ngọc khi gặp Ninh có báo cáo là Thanh cũng lên Côn Minh với mình. Chàng nói đã làm thân được với Thanh và có một ý kiến rất hay:

“Em định lập riêng với Thanh một chi bộ lấy tên là Chi bộ Ích kỷ.”

Ninh nói:

“Chi bộ gì tên lạ vậy?”

“Chính vì cái tên đùa cợt ấy mới không hại gì cho Đảng. Để em nói anh nghe. Sau một thời kỳ thử thách nếu không tuyên thệ và đặt Thanh vào một chi bộ nào thì Thanh sẽ oán; dùng người mà không tin hẳn thì thất sách, Thanh có thể quay về với Việt Minh. Nếu cho Thanh vào hẳn tổ chức, ngộ nhỡ Thanh là Việt Minh trá hình thì nhiều việc sẽ bị lộ. Rất có thể hại cho Đảng. Vì vậy em đã bàn với Thanh và Thanh đã bằng lòng để lập một chi bộ có cái tên kỳ lạ như vậy. Thanh không cần phải tuyên thệ, không xen được vào dò xét nội bộ mình và...”

Ngọc mỉm cười nhìn Ninh ngập ngừng một lát rồi tiếp theo:

“Chi bộ ấy chỉ có hai người, em và Thanh.”

Ninh mủm mỉm cười hỏi lại:

“Chỉ có hai người?”

Rồi chàng nghiêm nét mặt nói:

“Chú nên đề phòng. Việt Minh hay dùng mỹ nhân kế lắm. Chú đã đoán đúng một lần. Nhưng biết đâu không phải chính Việt Minh muốn chú thủ tiêu Nghệ vì một việc gì đấy mà họ mượn tay chú, mình không rõ; và nhờ đấy Thanh được lòng tin cậy của chú – và của cả tôi nữa. Không ai nghi ngờ Thanh đến lúc Thanh phản một lần khác, tôi e tính mệnh chú không còn mà nhiều việc lớn sẽ hỏng. Chú nên đề phòng mưu mô quỷ quyệt của chúng và nhất là mỹ nhân kế. Tôi đã nói với chú ở Mông Tự là Thanh đẹp...”

Ngọc ngắt lời:

“Thanh đẹp sao được bằng Phương; không nói anh cũng rõ là Phương với em...”

Ninh gật đầu:

“Tôi biết đã từ lâu; dẫu sao tôi chỉ có thể cho phép chú tha hồ thân với Thanh, rủ Thanh đi chơi đây đó; nếu thật chú làm được ngược lại nghĩa là chú quyến rũ được Thanh thì rất có lợi. Chú nên cố gắng.”

Ngọc nghĩ đến đấy quay nhìn Thanh và mỉm cười nghĩ thầm:

“Quyến rũ được Thanh. Thế là mình được lệnh quyến rũ Thanh, mà phải cố hết sức nữa.”
Trong trí Ngọc thoáng hiện ra vẻ mặt Thanh hôm đi từ Mông Tự đến Bích Sắc Trại khi nắng chiếu xuyên ngang có ngầm một vẻ dữ tợn và tàn ác.

Bây giờ dưới bóng hoa đào hai con mắt Thanh tuy sắc sảo nhưng không dữ tợn nữa, có vẻ hiền dịu đáng yêu. Thanh đưa mắt tìm một vật gì trong đám hoa; Ngọc cũng đưa mắt về phía Thanh nhìn mới nhận ra có một đôi chim đương chuyền từ cành nọ sang cành kia. Thanh nói:

“Như một bức tranh Nhật Bản.”

Có tiếng động hai con chim vụt bay đi làm mấy cánh hoa đào rụng tả tả; ngọn gió lại tình cờ đưa những cánh hoa tới chỗ hai người ngồi, rơi xuống vương vào tóc và rải rác trên áo Thanh. Thanh ngâm luôn:

“Thân em như cánh hoa đào
Phất phơ trước gió biết vào tay ai.”

Thanh tìm ra được đầu đề để bắt chuyện. Nàng muốn nhân lúc này kể rõ hơn cho Ngọc nghe về cuộc đời đau khổ của nàng:

“Đời tôi thực đúng câu: Đời em như cánh hoa rơi. Anh không biết..."

Ngọc nói:

“Phải đấy hôm trước khi đi Vân Sơn chị có kể cho tôi hay về đời của chị nhưng chỉ kể qua loa. Hôm nay có thể ngồi đây từ giờ đến chiều đợi xe Khai Viễn lên, chị tha hồ kể. Tôi muốn biết rõ về chỗ chị chán hết cả và nhất là chị cay ghét độc đàn ông mà tôi cũng là đàn ông.’’

“Anh đâu có phải đàn ông.’’

“Thế thì tôi là đàn bà à?’’

“Không, anh không phải đàn ông, anh là con trai.’’

“À, ra thế.’’

Hai người cùng bật cười và câu chuyện mỗi lúc mỗi tự nhiên hơn. Thanh cho Ngọc biết không phải chỉ riêng có chuyện chồng nàng lừa, nàng cũng đã có nhân tình sau khi biết chồng lừa để muốn báo thù:

“Tôi xấu lắm. Chính vì việc ấy mà chồng tôi đem tôi ra kiện, có chứng cớ nên tôi phải thua. Anh có biết thằng tình nhân của tôi nó làm gì không? Nó lại lừa tôi. Nguyên tôi có một căn nhà đứng tên tôi, tôi có nhờ nó bán hộ. Nó vốn quen biết nhiều nên bán được giá cao, nhưng khi nhận được tiền nó cuỗm đi mất. Anh xem như vậy tôi không ghét đàn ông sao được.’’

Nàng nói xong lấy vạt áo chấm nước mắt rồi với một vẻ tươi rất nhẹ trong đôi mắt ướt nàng nhìn Ngọc nói:

“Còn anh nữa tôi cũng ghét.’’

Ngọc cũng kể thêm về Thuý và chị chàng. Chàng kể cho Thanh nghe cả về cuộc yêu đương tuyệt vọng của chị chàng với người học trò bên hàng xóm:

“Tôi tin là chị tôi không bao giờ sa ngã, nhưng lòng hai người đối với nhau như vậy tôi biết làm sao được. Tôi chỉ biết thương cả hai người.’’

Thanh nói:

“Tôi thì khác, tôi oán thù đàn ông quá rồi nên tôi có thể...’’

Nàng tìm chữ để khỏi nói những tiếng quá sỗ sàng nhưng bỗng nhiên nàng cảm thấy có thể nói với Ngọc bất cứ việc gì xấu xa mà không mảy may ngượng ngập.

Tại sao tự nhiên nàng lại có cái cảm giác ấy – nói đúng ra là một sự hồn nhiên – thì nàng không hiểu.

“Đối với người tình nhân của tôi, vì sự báo thù, tôi đã trao cả xác thịt mà không hối hận, mặc dù tôi không thấy một chút gì thích thú, có khi lại ghê tởm nữa.’’

Không đợi Thanh nói hết, Ngọc gật đầu.

“Tôi hiểu, tôi hiểu chị.’’

Hai ngườì yên lặng. Một cơn gió lạnh thổi phào qua. Thanh lại tiếp, giọng nghiêm trang:

“Nhưng anh thì không đời nào tôi để anh...’’

“Tôi cũng nghĩ như chị, vả lại chị đã biết hai đêm ngủ cùng nhà với chị nhưng tôi không hề có một ý nghĩ gì để tôi đáng thẹn với tôi.’’

Ngọc nói xong nhìn vào hai mắt Thanh như muốn nhìn thẳng vào tâm hồn nàng.

“Chị làm những việc chị vừa nói, nhưng người đáng thương chính là chị. Chị chưa tìm được lối thoát. Còn tôi, tôi thú thực với chị rằng tôi đã yêu Phương; hôm ăn phở cừu xong tôi đến anh Hoạt, nhà chỉ có mình cô Phương, giá lúc ấy tôi hôn Phương thì dễ như không, nhưng tôi không muốn lấy Phương và cũng không muốn lấy ai cả. Đời tôi là một đời lông bông anh em gọi đùa tôi là Ngọc châu chấu đúng lắm. Tôi chỉ là một con châu chấu. Tôi sẽ là con châu chấu suốt đời tôi.’’

Ngọc đứng lên rút con dao díp rồi tới gốc cây đào lấy dao vạch mấy nét. Thanh lại gần:

“Anh vẽ tài nhỉ. Chỉ vạch sẽ mấy nét mà trông giống quá. Đố anh vẽ được con cào cào.’’

Ngọc cũng vạch qua mất nét và trên gốc cây hiện ra một con cào cào; chàng đề ngày tháng rồi gấp dao bỏ túi. Thanh nói:

“Tôi là con cào cào vì tôi... Tôi cũng muốn nhảy theo anh. Nhảy về biên giới anh không cho nhảy theo, bây giờ lại nhảy theo lên Côn Minh.’’

Nàng nhìn chung quanh, ngắm hoa đào rồi tiếp:

“Nhảy theo anh vào đào nguyên, nhưng vì đây không có suối nên đúng ra phải nói nhảy theo anh vào vườn đào kết nghĩa... kết nghĩa đồng chí trong một chi bộ ích kỷ. Một đồng chí hờ trong một chi bộ ma. Có đúng thế không?’’

Ngọc hơi sờ sợ không hiểu tại sao Thanh lại biết được ý định thầm kín của mình mà ngoài Ninh không ai có thể rõ được. Bỗng chàng chợt nhớ lại và mỉm cười: Thanh biết được là vì ý ấy do chính Thanh nghĩ ra khi rời khỏi ga Pô-Si được một lúc, nhân nói đến cái tỏi gà.

Rồi hai người vừa đi vừa nói chuyện, quen chân cứ đi mãi vào vườn đào, lúc ra vì chỗ nào cũng giống chỗ nào nên tìm mãi không thấy lối. Thanh nói:

“Em mỏi chân lắm rồi.’’

Lần đầu tiên nàng thốt nhiên xưng em với Ngọc; Ngọc cũng để ý đến ngay và sung sướng bảo Thanh:

“Hay là chị ngồi xuống nghỉ một lát đã.’’

Thanh ngồi xuống cỏ lần này xoay hẳn mặt vào phía Ngọc:

“Bây giờ làm thế nào anh? Hay là chúng mình lạc vào đào nguyên rồi.

Ngọc lắng tai nghe mỉm cười:

“Đào nguyên gì lại có tiếng còi tàu. Thôi chết không khéo tiếng còi tàu ở Khai Viễn về. Nhưng biết tàu ở về phía nào mình không lo nữa chỉ việc nhắm phía ấy mà tiến lên.’’

Thanh vẫn ngồi yên không nhúc nhích:

“Tôi mỏi chân lắm rồi. Này anh Ngọc, không khéo chúng mình lạc vào đào nguyên mà ở đây một ngày có khi là một trăm năm ở chốn trần gian. Tiếng còi tàu chúng mình vừa nghe thấy có khi là tiếng còi tàu một trăm năm rồi.’’

Ngọc nhắc tay xem đồng hồ. Chàng ngẫm nghĩ rồi bảo Thanh:

“Thế thì tội gì về trần thế.’’

Ý chàng muốn ngồi lại, nhất là đêm nay có trăng sớm. Trời đã sâm sẩm tối và các thân cây đào dưới ánh trăng chiếu đã lờ mờ có bóng kéo dài trên mặt đất trắng. Ngồi với Thanh ở dưới ánh trăng ngày mười ba và ngắm hoa đào, Ngọc như đương ở một cảnh đào nguyên thực, tuy đào nguyên có hơi lạnh hơn chút. Ngọc nói như nói một mình:

Ngồi ở vườn đào một đêm trăng tôi lại nhớ một đêm đã xa xăm, ngồi với Thuý ở vườn sau nhà.

Chàng cất tiếng khẽ ngâm:

“Trăng xưa vườn cũ sáng ngời
Bóng ai hoà lẫn bóng người năm xưa.”

Thanh yên lặng nghe:

“Buồn quá nhỉ? Mà câu thơ của anh cũng buồn chết người. Bây giờ Thuý đã nằm trong mồ lạnh, chắc lạnh hơn cả tôi với anh đêm nay ngồi ở vườn đào này.’’

Nói xong nàng tiếp theo câu chuyện bỏ dở cho Ngọc khỏi nghĩ đến Thuý nữa.

“Này anh, chúng mình lạc vào Đào Nguyên thực rồi đấy!’’

Ngọc ngắt lời:

“Cảnh đẹp thế này thì đào nguyên giả cũng thành đào nguyên thực.’’

Thanh nói:

“Tôi đã bảo anh ở đây có khi là một trăm năm ở dương thế. Nếu vậy bây giờ các lịch trong khắp thế giới đều đề hai nghìn linh bốn mươi tư, làm gì còn anh Ninh nữa, làm gì còn Việt Quốc, Việt Minh, chúng mình trở về hết cả việc làm, buồn chết. Thuý cũng như Phương cũng như thằng nhân tình đã đánh lừa tôi, như thằng chồng đã phụ bạc tôi chỉ còn tên lại trong gia phả. Thế là hết cả, còn lại mình tôi với anh. Trong lòng mình vẫn lo tranh đấu giành độc lập nhưng biết đâu nước mình đã độc lập từ gần trăm năm nay. Anh Ninh nếu làm nên công trạng giành độc lập – ấy là ví dụ thế, chứ xin lỗi anh, tôi không tin anh ấy làm được trò trống gì – thì tên anh ấy sẽ ghi vào lịch sử họ sẽ làm lễ kỷ niệm anh Ninh như bây giờ (bây giờ hay một trăm năm sau) người ta làm lễ kỷ niệm Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo. Quê anh Ninh ở đâu nhỉ?

“Hình như ở làng Mộc thì phải. Chị hỏi làm gì?’’

Thanh đáp:

“Thì ở làng Mộc chắc có đền thờ anh Ninh cũng như đền thờ Kiếp Bạc, họ đến họ cắt lưỡi siên lình, họ cũng sì sụp lễ vái rút thẻ cầu tài cầu phúc, các bà đồng bà cốt tha hồ làm giầu, lúc đó có lẽ anh Ninh lại thích được trở về cuộc đời cách mệnh và sai anh đi giết người như ngoé.’’

Thanh cất tiếng cười:

“Còn tôi ấy à? Gia phả không có tên, bà con thân thích không có, còn lại hoạ chăng ở thư viện những giấy tờ chồng tôi kiện về tội bắt được quả tang ngủ với trai. Ngàn thu sử sách còn ghi tên tôi lại, sử đây là luận đề của một ông tiến sĩ nào lấy việc theo trai của tôi để nghiên cứu về mặt luật pháp xem chồng tôi phải hay tôi phải. Còn anh ấy à? Chắc bà chị anh trước khi chết cũng nhắc đến tên anh và rủa theo đúng như anh kể chuyện lại với tôi ‘thằng Ngọc chết tiệt đi đâu biệt tích không thấy về’, có biết đâu nó đương ở Thiên Thai với cô hàng cà-phê Thanh Hương.’’

Ngọc thấy hay hay vội nói:

“Nếu tôi trở về thì chẳng biết liên lạc với ai nữa, còn chị lúc đó mới thật là đồng chí hờ của tôi trong một chi bộ ma, chi bộ ích kỷ. Công việc chính của chi bộ lúc đó mới thật đúng với tên, chỉ có việc ăn.

Trăng mỗi lúc một lên cao; hai người đã trông thấy mặt nhau. Hai mắt Thanh vì hơi sâu nên Ngọc không nhìn rõ hẳn; thỉnh thoảng khi nàng ngửa mặt, hai con ngươi nàng phản chiếu ánh trăng long lanh sáng sau hàng lông mi đen, một thứ sáng mơ hồ, huyền ảo. Thoảng trong môt lúc Ngọc có cái cảm tưởng như Thanh là một con hồ ly đương nhìn chàng để quyến rũ. Ngọc định giơ tay nắm lấy tay Thanh, ngồi xích lại gần rồi đặt đầu Thanh ngả vào vai mình; Thanh chắc sẽ ngửa mặt và Ngọc sẽ nhìn thẳng vào đôi mắt nàng trong sáng dưới ánh trăng rồi ngỏ lời:

“Anh yêu em từ lâu.’’

Nhưng chàng vẫn ngồi yên. Ở tận nơi nào thật xa có tiếng người gọi nhau. Một lúc sau Ngọc hỏi:

“Thế trong một trăm năm dưới hạ giới có còn lại cái ‘guồng máy’’ của chị không?’’

Thấy trong một lúc lâu Ngọc cứ đăm đăm nhìn mình yên lặng, Thanh cũng đoán được đây là cơ hội rất hiếm có để Ngọc ngỏ tình yêu với mình và Ngọc đang suy nghĩ về việc đó. Tự nhiên nàng hé môi mỉm cười:

“Chắc cu cậu còn ngượng đang tìm cách nói cho ổn cũng như khi định giết người nào thì tìm câu nói để người ấy tin.’’

Trong cảnh sáng trăng dưới những vùng hoa đào màu hồng lạt gần như trắng, Thanh cũng muốn ngỏ lòng mình với Ngọc. Môi nàng mấy lần mấp máy định nói: “Em yêu anh’’ nhưng lại thôi.

Chỉ nói có ba tiếng mà sao nàng thấy khó khăn quá. Nghe Ngọc hỏi, Thanh nói như cái máy, tâm trí vẫn còn triền miên trong giấc mộng đẹp chưa tan:

“Cái ‘guồng máy’ nào?’’

Ngọc cười:

“Cái ‘guồng máy’ của chị đặt ra ấy mà.’’

“A, cái ‘guồng máy’.’’

Thanh lại trở về với hiện tại:

“Cái ‘guồng máy’ ấy thì vẫn còn, còn mãi. Anh đã xem Đông Chu liệt quốcTây Hán chưa?

“Có, tôi có đọc nhiều lần.’’

“Đấy, anh xem cái guồng máy đã có từ mấy nghìn năm trước. Anh chắc còn nhớ Vệ Ưởng nước Tần, Phạm Lãi với Văn Chủng nước Việt, Hàn Tín với Trương Lương đời Tây Hán. Vệ Ưởng, Văn Chung, Hàn Tín đều bị cái guồng máy nó nghiến nát nhừ cũng như nó sẽ nghiến anh Ninh và cả anh nữa. Cũng may là hiện giờ anh đương ở Đào Nguyên với tôi. Nào đã có được mấy người thoát, hoạ chăng có Trương Lương đi tu tiên, Phạm Lãi đi dạo Ngũ Hồ và đời Đông Hán có Nghiêm Tử Lăng về câu cá ở Phú Xuân Sơn. Ở đời bao giờ cũng vậy: tiến rất dễ, lui mới khó. Vậy nếu bây giờ chúng mình trở về nơi trần thế, cuộc đời chắc đã biến đổi nhiều nhưng cái guồng máy ấy nó vẫn còn. Anh lại sẽ bị lôi cuốn vào đó, mà tôi cũng vậy, chắc tôi cũng vì anh mà bị lôi cuốn theo, nhưng lại bị lôi cuốn về những việc khác.’’

Ngọc nói:

“Nhưng lần thứ hai tôi cũng cứ lăn lưng vào với...’’

Chàng định nói: “với chị’’ nhưng chàng giữ lại được, tiếp theo:

“Nếu tôi có bị nghiến nát nhừ cũng cam tâm.’’

Thanh nói:

“Tránh thế nào được số trời. Mỗi người sinh ra đã có sẵn một cái ‘kiếp’, tiếng Ấn Độ là gì, tôi quên mất rồi, hình như là Karma. Trong Kiều cũng có những câu ở đoạn kết:

Ngẫm hay cơ sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh tao mới được phần thanh tao
Có đâu tây vị người nào."

Mới đầu Thanh đọc rồi tiếng đọc đổi thành tiếng ngâm rất hay:

"... Đã mang lấy Nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài..."

Thanh ngừng lại. Ngọc giục:

“Chị ngâm nữa cho tôi nghe đi. Ở Đào Nguyên quanh năm chỉ có tiếng ca hát thôi.’’

Bỗng trên trời có tiếng động cơ rồi hiện ra một chiếc máy bay tuần tiễu của Mỹ dưới có để đèn xanh đèn đỏ. Thanh cười rồi nói:

“Và cả tiếng phi cơ nữa. Tôi thấy anh lúc nào cũng như ở trên cung trăng.’’

Ngọc cãi:

“Tôi ở trên cung trăng nhưng những lúc đó thì thực tế lắm. Còn chị ấy à? Chị rất thực tế nhưng đầu óc vẫn mơ tưởng cung trăng.’’

Thanh đứng lên:

“Nghĩa là ý anh định nói anh mơ mộng nhưng thực tế còn tôi thực tế nhưng mơ mộng. Tôi với anh tâm hồn giống nhau lắm nhỉ nhưng chỉ khác một tí thôi. Bây giờ ta về chứ. Để anh dẫn đường.’’

Ngọc đã định được hướng nhờ có trăng nhưng chàng cũng cứ đi quanh quẩn để cuộc du lịch dưới trăng kéo dài thêm ra.

Tới đường cái đợi mãi mới có ánh đèn một chiếc xe đi về Côn Minh. Thanh chạy ra, vẫy tay. Xe ngừng lại mới biết đó là một cái cam nhông của quân đội Mỹ. Thanh tiến về phía người tài xế và nói tiếng Anh với người tài xế Mỹ. Sau một hồi thương lượng, họ bằng lòng cho đi nhưng vì ở phía trước không có chỗ nên Thanh và Ngọc phải ngồi ở phía sau.

Con đường đất và xóc, lại trúng vào mùa khô nên bụi bay lên mù mịt, khiến Thanh phải lấy khăn phủ tóc, còn Ngọc lấy cánh tay áo che mũi. Hai người nhìn nhau, Thanh nói:

“Ai bảo cứ muốn bỏ nơi thiên thai về nơi trần thế. Bây giờ tha hồ ngửi bụi trần.’’

Nàng tiếp theo:

“Đương ở thiên thai nhảy ngay xuống xe quân đội Mỹ.’’

Hai người cùng cất tiếng cười rồi yên lặng nhìn nhau. Xe đi đã xa gần tới Côn Minh bụi đã bám vào đầy tóc đầy áo nhưng cả vườn đào tươi như con đường nở hoa trong lòng Thanh và Ngọc.


Chương mười chín

Buổi sáng Thanh đến ngay nhà Quân để báo cáo:

“Hôm qua tôi rủ anh chàng đi chơi cánh đồng đào. Ngồi đến khi trăng lên mới về. Anh chàng xem chừng mê đặc rồi; tôi để anh chàng cầm lấy tay. Lúc đi dưới ánh trăng có lần anh chàng đã ôm ngang lưng tôi, nhưng tôi vẫn làm cao chưa chịu; có làm khó khăn anh chàng mới càng thèm muốn hơn. Anh chàng cho biết là có Tường ở Đồng Minh Hội tới huyện An Thuận đã trốn được về; nhờ xe Mỹ, có lẽ sắp tới Côn Minh.

Quân vuốt bộ râu lơ thơ nói với Thanh:

“Tường là tay lợi hại lắm lại rất có tiếng ở trong nước. Đồng chí phải tìm cách làm thế nào để Ngọc giới thiệu đồng chí với Tường và dò xét cẩn thận hành vi của Tường. Tường mà sang đây thì bao nhiêu Việt kiều lừng khừng sẽ theo về Tường hết. Tụi nó lại thêm mạnh cánh.’’

Thanh nói:

“Được, tôi tin sẽ dò xét được. Còn Ninh thì tôi thấy cả ngày ở nhà, viết nhiều lắm. Tôi đoán nay mai Ninh lại về Mông Tự để thông tin với trong nước. Có thể Ngọc sẽ về nước; Ngọc đi thế nào cũng rủ tôi đi cùng. Đồng chí đã có tin tức gì về Nghệ và Tứ chưa?’’

Quân đáp:

“Vẫn biệt vô âm tín. Tôi e Tường sang đây thì thế nào Ngọc cũng về nước đem thư của Tường về để đưa thêm người sang. Đồng chí cần dò xét nhất là về sự liên lạc của Tường với tụi Mỹ.’’

Thanh đứng dậy nói:

“Anh Nghệ chắc đương bí mật hoạt động từ Đồng Văn tới Hoàng Su Phì. Ngọc có cho tôi hay là đã giới thiệu Nghệ với mọi người trong các tổ chức bí mật ở biên giới. Để vài hôm nữa, tôi sẽ báo tin về Tường. Hôm nay anh chàng Ngọc rủ tôi đi ăn ốc sống ở chùa Cá. Tôi phải đi ngay.’’

Thanh đi rồi, Quân liền phái Kiệt đi ra chùa Cá. Thanh đã hẹn trước đợi Ngọc ở một hàng nước chè ở Ngũ Hoa Sơn. Thấy Ngọc đến, Thanh nói luôn:

“Hôm nay tôi thết anh, rất rẻ mà rất ngon. Chúng mình đi chùa Cá ăn ốc sống.’’

Ngọc tán thành ngay:

“Thế thì tuyệt. Tôi thích nhất ốc sống chùa Cá. Ăn giòn mà ngọt lại rẻ tiền nữa.’’

Gần đến nơi, Thanh nói:

“Tôi cũng thích ăn ốc sống. Nhưng tôi không lấy ớt.’’

“Phải có ớt mới ngon chứ.’’

Ngọc lại bất giác nghĩ đến Tứ chắc nhiều lần ra đây nhắm rượu với ốc sống.

Thấy bà hàng, Ngọc hỏi:

“Tôi có một người bạn hẹn tôi ở đây, bà cụ đã thấy đến chưa?’’

Bà cụ người Tàu nhưng thường hay để ý và nhớ rõ mặt những người Việt. Trừ những người ở lâu năm còn những người khác nói tiếng lơ lớ bà cụ biết ngay là người Việt:

“Ông bạn của ông tên là gì?’’

Ngọc nói giọng đùa:

“Người bạn của tôi không có tên.’’

Bà cụ cũng nói đùa lại:

“Người gì mà lại không có tên. Thế mặt mũi thế nào?’’

Ngọc kể qua loa cho bà cụ bán hàng biết dáng điệu của Tứ. Bà cụ tỏ vẻ niềm nở:

“Tôi biết rồi. Ông ấy đến ăn luôn ở hàng tôi, đeo kính cận thị, yết hầu lộ và răng hơi vổ.’’

Bà cụ giơ hai tay lên:

“À, ra ông ‘cận thị’, ông ấy tính vui vẻ quá, mỗi lần đến ăn ốc sống ông ấy trả tiền hậu hĩ lắm. Có khi còn tiền lẻ ông ấy hay cho cháu. Nhưng độ này dễ đến gần một năm tôi không thấy ông đến nữa. Tôi nhắc ông nếu gặp ông ‘cận thị’ thì mời ông lại hàng. Độ này tôi có thứ rượu trắng ngon lắm. Ông ấy có khi ngồi cả buổi chiều nhắm rượu, say nằm kềnh ra cái phản con, lúc dọn hàng về tôi phải đánh thức mãi mới chịu dậy. Có những lúc say rượu quá, ông ta vừa ăn vừa khóc nước mắt mờ cả kính. Tôi chắc ông ta có điều gì buồn nhưng hỏi thì không chịu nói cứ bảo là tại ớt tôi cay.’’

Bà cụ vốn quen biết cả Ngọc và Thanh nên vui miệng nói tiếp:

“Ớt của tôi đâu có cay. Có một hôm trời mưa vắng khách, ông ta cũng mò đến uống say rồi nằm ra cái phản khóc nức nở. Chắc ông bạn của cậu có việc gì buồn.’’

Ngọc đáp:

“Không, ông ấy vui vẻ lắm. Nhưng hễ uống rượu say vào là khóc như khóc mẹ chết. Bây giờ, ông ta cai rượu, cai hẳn và có thề với tôi, thề độc lắm nên hôm nay tôi mới rủ ông ấy đến ăn ốc. Ăn ốc mà không có rượu thì kém ngon nhiều lắm, nếu ông ấy nhịn được rượu thì chắc là cai hẳn được. Bà cụ đã hiểu rõ chưa?’’

Bà cụ hỏi:

“Nhưng sao ông ấy hay khóc thế?’’

“Bà cụ không rõ. Những người say rượu có người đi ngủ ngay, đấy là hạng tiên tửu, có người thích ngồi, có người đánh chửi vợ con, cũng có người cứ uống rượu vào là khóc.’’

Bà cụ cười. Thanh cũng cười theo nói:

“Thế thì hôm nào tôi cũng uống rượu xem tôi thuộc về hạng nào.’’

Nàng bảo bà hàng rót cho một cốc nhỏ rượu trắng rồi cầm cốc nốc một hơi cạn. Nàng sặc lên ho và nước mắt ứa ra:

“Đấy bà cụ xem tôi cũng giống ông cận thị. Mới uống đã khóc rồi.’’

Nàng lau mắt ăn hết bát ốc sống. Chính nàng cũng thương Tứ và thương cả mình nữa vì nàng với Tứ cảnh ngộ hơi giống nhau ở chỗ đã bị lừa, bị lôi vào guồng máy. Tứ đã chết nhưng còn nàng? Biết đâu nàng sẽ không bị chính Ngọc giết nàng cũng như Ngọc bất đắc dĩ giết Tứ.

Nhìn quanh không có ai Thanh bảo Ngọc:

“Anh lúc nào cũng bị Tứ ám ảnh.’’

“Tôi không đời nào quên được.’’

Thanh quay nhìn Ngọc:

“Biết đâu không có ngày anh cũng bắt buộc giết tôi như Tứ. Anh có hối hận đi thì cũng vô ích. Tôi sẽ chỉ còn là một đống xương trắng, cạnh bờ một dòng suối trong của một khu rừng nào ở biên giới. Nhưng tôi không sợ. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng đón cái chết. Đón chết thì không sợ chết nữa. Này anh Ngọc, một hôm tôi bói Kiều gặp ngay câu: ‘Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu’. Còn anh nữa? Biết đâu không có ngày anh cũng như tôi, anh chỉ còn bộ xương khô cạnh bờ suối. Anh sẽ được gặp lại Thuý. Cô Phương tha hồ mà đợi anh. Chi bộ của tôi với anh lúc đó mới thật là một chi bộ ma.’’

Ngọc cũng nhìn lại Thanh:

“Chị tưởng tôi sợ à?’’


Chương hai mươi

Lúc hai người ra khỏi chùa Cá, Thanh tuy say lảo đảo nhưng cũng thoáng thấy Kiệt ngồi ở một bàn nước chè ngoài trời, khuất sau bụi cây. Nàng nghĩ thầm: Quân chắc cho người rình mình.

Nàng đi sát hẳn vào người Ngọc. Ngọc cúi nhìn Thanh thấy đôi má hồng của nàng biến thành màu đỏ. Thanh nghĩ thầm:

“Phải làm thế nào cho Kiệt biết là Ngọc đã bị mình quyến rũ.’’

Nàng cất tiếng nói to:

“Chúng mình ra xem cá đi.’’

Hai người đến dựa vào lan can nhìn những con cá vàng to bằng con cá chép bơi lượn dưới nước. Phần vì biết Kiệt đương nhìn mình phần thì bạo dạn vì say rượu, nàng giơ tay chỉ: “Kìa anh xem con cá kia mới to’’, vừa nói nàng vừa nghiêng đầu như để cố nhìn con cá, má nàng chạm hẳn vào má Ngọc và nàng cứ để yên như vậy. Rồi nàng lại chỉ về phía khác thốt lên lời mừng như trẻ con: “Con cá bên này còn đẹp hơn’’. Ngọc quay nhìn và cũng bắt chước Thanh cố ý để má chàng chạm vào má Thanh. Một hơi nóng thấm dần vào mặt chàng; Ngọc hít hơi mấy cái nói:

“Nhiều cá thế mà nước ao không tanh.’’

Một mùi thơm nhẹ từ tóc Thanh thoang thoảng trong gió, Ngọc tưởng như mùi thơm của không khí trong, mùi thơm của nắng trên những lượm lúa nếp mới gặt về phơi ngoài sân.

Thanh mỉm cười:

“Chắc thế nào về Kiệt cũng báo cáo với Quân là Ngọc đã bị mình quyến rũ được rồi.’’

Nàng đứng thẳng người bảo Ngọc:

“Quên khuấy đi mất. Ăn xong mình chưa uống nước chè cho đỡ tanh miệng. Anh có biết cái lầu có gác kia là một quán nước chè không?’’

“Tôi chưa vào đấy bao giờ.’’

“Thế để tôi đưa anh vào.’’

Hai người theo một con đường nhỏ khuất khúc rồi đến một cái lầu.

Người chủ quán còn trẻ thấy Thanh đến, nói:

“Lâu lắm mới lại thấy cô đến, dễ có khi hơn một năm rồi.’’

Ngọc nghĩ thầm: Một năm qua mà anh chàng chủ quán vẫn còn nhớ đến Thanh. Chắc anh chàng này
cũng si mê về sắc đẹp của Thanh. Đã có lần chàng đi qua một trường nữ trung học gần Ngũ Hoa Sơn vào đúng lúc giờ tan học. Hàng trăm cô nữ sinh Vân Nam dạo qua mặt chàng; tuy người nào cũng mặc áo xanh lam như Thanh nhưng trong bọn một hai trăm cô nữ sinh cô nào cũng cục mịch, má phính và chân to như cái bắp chuối hột. Chàng tưởng Thanh nếu đi lẫn vào đám nữ sinh ấy thì Thanh sẽ thanh nhã như một tiên nữ trên trời rơi xuống.

Hai người lên gác rồi ra chỗ bao lan có để bàn uống nước. Thanh có ý tìm Kiệt nhưng không thấy bóng dáng nữa mà vào cái lầu ấy chỉ có một con đường nhỏ hai bên toàn hồ ao. Nàng nghĩ thầm, mỉm cười:

“Chắc Kiệt đã về báo cáo với Quân cho là mình đã làm tròn phận sự.’’

Ngọc hỏi Thanh:

“Sao sáng hôm nay tôi thấy chị cứ mỉm cười luôn.’’

Thanh chỉ lên bức tường:

“Anh xem kia kìa.’’

Trên tường có những nét vẽ và viết chi chít; có những hình vẽ rất nhảm nhí lại có những dòng tên viết song đôi. Thấy có chỗ đề một bài thơ, Thanh bảo Ngọc:

“Ta lại xem bài thơ họ viết kia đi.’’

Tới nơi hai người cùng đọc thì là một bài Đường thi:

Khứ niên, kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong [1]

Thanh hỏi:

“Anh có biết bài này không?’’

“Không.’’

“Anh không thấy hai câu trong Kiều: ‘Chung quanh nào thấy bóng người. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông’ là lấy ở hai câu cuối bài này à? Anh giỏi thơ anh thử dịch ra thơ nôm xem.

Ngọc cười nói:

“Tôi chỉ biết ngắm phong cảnh còn thơ thì tôi xin chịu. Tôi chỉ thấy câu: ‘Nhân diện đào hoa tương ánh hồng’ hợp với cảnh đi chơi hôm qua ở vườn đào quá.’’

Thanh bảo:

“Anh cho mượn cái bút máy.’’

Nàng cầm bút loay hoay nghĩ rồi viết lên tờ giấy nhà hàng để trên bàn:

“Tôi dịch xong rồi. Dịch hơi láo một tí.’’

Ngọc nói:

“Ở đây vắng người chị thử ngâm cho tôi nghe. Dịch láo cũng được.’’

“Tôi dịch không đúng nguyên văn nhưng ý thì hay lắm.’’

Rồi nàng vừa mỉm cười vừa ngâm:

“Hôm nay chàng Ngọc đến bên song
Mặt Ngọc hoa đào một sắc hồng
Mặt Ngọc mai về công tác trạm
Hoa đào khép cánh oán đông phong.”

Ngọc khen hay, ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

“Tôi đổi hẳn đi có được không? Thơ tôi trả lời hai câu cuối chị oán tôi không bằng lòng để chị về biên giới thăm đất nước nhà. Thơ không hay lắm, nhưng thực tế.’’

Rồi chàng đọc cho Thanh nghe:

“Lòng những mong về đất nước nhà,
Hay đâu xương mục chốn rừng xa.
Oán thay ‘guồng máy’ ai bầy đặt
Chi bộ hai người hoá bộ ma.”

Thanh gật đầu khen thơ của Ngọc hay hơn thơ của nàng nhiều.

“Nhưng mà anh làm thơ thế sái quá. Ngộ chết thật thì sao?’’

“Chị muốn làm cách mệnh mà còn tin nhảm thơ sái. Chị sợ chết à?’’

Thanh nhìn thẳng vào mắt Ngọc:

“Thì tôi vừa bảo anh lúc nào tôi cũng sẵn sàng đón cái chết. Anh quên rồi sao? ‘’

Rồi nàng cất tiếng ngâm:

"Oán thay guồng máy ai bầy đặt
Chi bộ hai người hoá bộ ma.”

Mải làm thơ và ngâm thơ Thanh đã quên bẵng Kiệt. Lúc nàng nhìn xuống thấy Kiệt đứng ở sân, nấp sau một bụi cây. Nàng bảo Ngọc to giọng:

“Thôi ta về thôi. Đi ăn cơm đi không em đói lắm rồi.’’

Chữ ‘em’ nàng nói cốt cho Kiệt nghe thấy. Lúc xuống lầu thì Kiệt đã vội vã đi thẳng ra chùa Cá.

Mấy lần nhìn lại không có bóng Kiệt hay bóng ai theo, Thanh rủ Ngọc đi về phía Cổng Nam, tới một hiệu nàng biết là ăn ngon và rẻ.

Tối hôm ấy nàng về báo cáo với Quân rằng nàng cũng đã lập một chi bộ có hai người lấy tên là Chi bộ Ích kỷ, như vậy không phải tuyên thệ mà vẫn dò xét được mọi công việc. Ngọc có cho nàng biết là Tường ngày kia sẽ tới Côn Minh cùng với một số quân nhân Phục Quốc. Tường sẽ ở lại Côn Minh độ một hai tháng và định ra tờ báo bằng tiếng Anh. Ninh đã kiếm một hãng thuốc lá để cho mấy quân nhân Phục Quốc ở, còn Tường sẽ ở nhà ai nàng chưa rõ.

Quân lại vuốt bộ râu lơ thơ, tỏ lời khen Thanh.

Từ lúc đó Thanh đi lại các nhà quen thuộc ở Côn Minh không thấy có Kiệt hay bất cứ ai theo dõi mình nữa. Quân đã tin hẳn nàng và bảo các cán bộ để nàng tự do hành động.


Chương hai mươi mốt

Ngọc vì bận rộn về Tường, một số đồng chí và độ mươi anh em quân nhân Phục Quốc từ Liễu Châu qua huyện An Thuận rồi sang Côn Minh nên ít khi gặp Thanh. Vì Tường về, Ninh cần gặp Ngọc luôn; Ngọc phải tìm một căn gác rất kín ở Ngũ Hoa Sơn để Tường ở và Ngọc cũng phải ở luôn đấy phụ trách cơm nước, chạy những việc lặt vặt và liên lạc giữa Tường và Ninh.

Ngọc có thiện cảm ngay với Tường vì Tường rất ít nói, suốt ngày ngồi suy nghĩ nếu không đọc sách chữ nho, chữ Anh và chữ Pháp. Tường đã đi Liễu Châu hai năm không về Côn Minh là chỗ có nhiều kiều bào ở, nên Tường chỉ thích ăn những món Việt: dưa chua hay đậu rán. Ngọc phải đi chợ về nhà muối dưa cùng rán đậu. Lần đầu tiên trong đời Ngọc phụ trách việc làm bếp, nước dưa lúc thì mặn lúc thì nhạt nhưng Tường ăn vẫn ra vẻ ngon lành. Tuy Tường bận những việc Ngọc cho là quan trọng lắm, nhưng Tường cũng giúp Ngọc một tay, nấu nướng hoặc rửa bát. Tường không bao giờ gắt gỏng với chàng một câu; đêm tối hai người cùng nằm một giường, Tường hỏi chuyện về học thức và thân thế của Ngọc. Ngọc thú thực hết cả và kể cả đời riêng của mình cho Tường nghe. Tường nói:

“Tôi tuy bận mà bận những việc bí mật dẫu đối với chú cũng không nói ra được, nhưng những lúc rảnh rang tôi sẽ dạy chú học. Chú cần phải nghiên cứu về các lý thuyết chính trị và nhất là lý thuyết của Đảng. Cần phải thông hiểu sự biến chuyển của thời cuộc và nhận định cho đúng, như thế mới thành cán bộ giỏi; lý thuyết của Đảng là thứ xi-măng chắc chắn nhất để hàn gắn chú với tôi, với các anh em cán bộ khác. Người ta ở đời phải sống vì một lý tưởng; tôi với chú trước chưa biết nhau, chú săn sóc tôi và giúp đỡ tôi rất nhiều việc nhưng tôi cần chú phải cùng tôi theo đuổi chung một lý tưởng. Hành động mà không có một lý thuyết đưa đường dẫn lối rất có thể đi đến chỗ sai lầm mặc dù mình nhiệt tâm. Vẫn biết công cuộc đuổi Pháp là một công cuộc cần kíp nhưng đến lúc cần kiến thiết nước.’’

Ngọc thốt kêu:

“Nghe anh nói em tưởng như nghe nữ đồng chí...’’

Chàng định tiếp "Thanh nói" nhưng chàng ngừng lại được. Tường tiếp theo:

“Bây giờ tôi thấy cần ra một tờ báo bằng tiếng Anh, tôi rất bận vì công việc chuẩn bị viết bài, chú là người liên lạc với đồng chí Ninh và các đồng chí khác về việc ấn loát. Công việc nhiều, tôi cũng cố giảng giải cho chú biết về các lý thuyết chính trị và vì sao nhân loại...’’

Ngọc ngồi lắng nghe. Chàng không hiểu rõ lắm nhưng cũng nhận thấy một chút gì quan trọng nó bao trùm hết thảy và xúi giục người ta hành động hoặc trong phe này hoặc trong phe khác. Chàng nghĩ thầm:

“Lại cái ‘guồng máy’ của Thanh.’’

Tường nói tiếp:

“Chú cần rõ, phải tin chắc chắn là nhân loại sau này sớm muộn cũng đi đến dân chủ. Nhưng muốn tới đó, nhân loại đã phải trải qua mấy ngàn năm. Chắc chú đã đọc truyện Đông Chu liệt quốc... (Ngọc nghĩ thầm ‘lại Đông Chu liệt quốc’ cũng y như Thanh) ngày xưa vua với dân cách biệt nhau xa lắm, mà không những dân, cả đến những bậc công hầu hay tướng soái cũng vậy. Họ chết vì vua dẫu cho vua có lỗi đi nữa. Đời họ thuộc về một người, sống chết ở tay người đó. Đấy là chữ Trung hiểu theo nghĩa ngày xưa. Bây giờ cộng sản cũng nêu lên dân chủ nhưng hàng mấy trăm triệu người sống để cung phụng, không phải là một ông vua nữa, mà là một số người nắm chính quyền. Số người ấy cũng cầm trong tay mình sự sinh tử của dân. Không trung với vua nữa nhưng trung với một số vua nhỏ... Bây giờ chú tranh đấu là tranh đấu cho nền dân chủ thực sự của nhân loại. Đời chú cần phải noi theo lý tưởng đó. Nói riêng với chú, ngay trong đoàn thể ta cũng có những người trên coi người dưới như tay sai tôi tớ nữa, để đến khi đuổi được Pháp đi rồi, các cán bộ lại trung với một số cao cấp nắm chính quyền. Nô lệ vẫn còn tuy chữ trung đã đổi nghĩa đôi chút...’’

Tường nói nhiều lắm và Ngọc phải cố lắm mới ngăn được cái ý tưởng cũng coi Tường như một ông vua đời xưa và chàng sợ sẽ sa vào cái lầm về chữ Trung mà Tường vừa đả kích. Trông vẻ mặt Tường khi nói, Ngọc thấy như có một sự đau khổ ngấm ngầm, chàng không hiểu vì cớ gì nhưng tự nhiên mủi lòng thương. Đời Tường chắc đã đau khổ nhiều lắm. Chàng đoán thế tuy Tường tuyệt nhiên không đả động gì đến đời riêng của mình còn chàng thì chàng không dám hỏi.

Một lát yên lặng rồi Tường bảo Ngọc:

“Bất cứ một người nào cũng cần có ba thứ: nhân, trí và dũng. ‘Dũng’ theo lời anh Ninh nói thì chú có thừa, ‘Nhân’ chú cũng có theo lời chú nói định cứu Tứ, nhưng còn ‘Trí’... Xảo quyệt, độc ác không bao giờ thành công hoàn toàn, có thành công hoạ chăng chỉ trong một thời gian ngắn.’’

Tường ngừng lại, đột nhiên hỏi Ngọc:

“Lúc nẫy chú định nói: ‘nghe như nữ đồng chí...’. Nữ đồng chí nào thế?’’

Ngọc phải thú thực là Thanh và đã cùng Thanh lập nên một chi bộ ích kỷ, một chi bộ ma... Việc ấy Ngọc đã có báo cáo với Ninh và được Ninh chuẩn y.

Tường bảo Ngọc tìm cách để chàng gặp Thanh:

“Chú quyến rũ Thanh không thôi, không đủ, muốn Thanh trở nên một cán bộ trung thành cần phải làm thế nào cho Thanh cũng có một lý tưởng như chú... Chắc chú sợ Thanh là Việt cộng trá hình, nên muốn lợi dụng Thanh. Gặp Thanh nói chuyện tôi sẽ rõ hơn. Nếu Thanh không phải là Việt cộng trá hình thì việc riêng của chú với Thanh tôi không cần biết tới.’’

Nói đến chỗ đó, Ngọc thấy Tường nhìn mình và mỉm cười rất nhẹ.

Ba người hẹn gặp nhau ở quán nước chè Si-Mâu gần Tiểu Tây Môn. Thanh vui mừng vì sắp được gặp mặt Tường và biết rằng đã được lòng tin đặc biệt của Tường và của Ninh. Quân đã nhiều lần giục nàng dò la về Tường, nhưng Việt kiều và cả đến cán bộ của Việt Quốc cũng chưa ai gặp được Tường hay biết Tường ở đâu. Lúc nàng lên cái gác nhỏ của hàng chẻ thì Tường và Ngọc đã ngồi đấy chờ.

Thanh tiến đến bàn hai người cúi chào rồi kéo ghế ngồi nói với Tường:

“Em xin lỗi anh, em phải đến chậm mất mấy phút vì phải để ý cẩn thận xem có ai theo dõi không.’’

Rồi nàng đưa mắt nhìn Ngọc mỉm cười:

“Cám ơn Ngọc nhé. Từ giờ trở đi tôi sẽ kêu anh Tường là anh Dũng như thế kín đáo hơn. Mà các anh cũng kêu tôi là Kim vì tôi giầu lắm, lại châm chọc anh Ngọc nhiều lần khá đau.’’

Gặp mặt Tường, Thanh hơi cảm động, nàng lễ phép đợi Tường nói trước. Ngoài việc kể lý lẽ sao Thanh sang đây làm cách mệnh, đúng như nàng kể với Ngọc, Thanh bàn với Tường về triết học và các thuyết chính trị.

Ngọc chỉ yên lặng ngồi nghe và nhìn Thanh nói. Chàng kinh ngạc thấy Thanh nói về những vấn đề rất khó khăn chàng không hiểu một tý gì và đối đáp trôi chảy với Tường, lý thuyết gia của đoàn thể. Hơn hai giờ đồng hồ mà hai người vẫn mê mải nó chuyện như còn rất nhiều vấn đề phải để lại một lần khác.

Ngọc bảo Thanh về trước. Khi Thanh đi khỏi Tường nói:

“Chú phải làm lễ tuyên thệ cho Thanh và cho Thanh vào chi bộ của chú. Tôi biết chắc Thanh không phải Việt Minh. Để khi gặp anh Ninh tôi sẽ nói. Mai kia chú có thể bảo Thanh lại đằng nhà, như vậy kín đáo hơn và nói được nhiều hơn là quán nước chè này.’’

Ngày hôm sau Ngọc bảo Thanh:

“Không đồng chí hờ, chi bộ ma gì nữa. Tôi sắp làm lễ tuyên thệ cho chị. Anh Tường có ý muốn gặp chị ở nhà còn nhiều việc phải thảo luận với chị. Tôi sẽ đưa chị đến vì tôi ở với anh Tường, nấu cơm cho anh ấy.’’

Rồi chàng hỏi Thanh:

“Dưa làm thế nào cho khỏi chóng chua, khỏi khú. Anh Tường chuyên môn ăn cơm với dưa.’’

Thanh ngắt lời:

“Thôi chuyện dưa chua, dưa khú tạm gác lại. Tôi sẽ đến làm trợ bếp giúp anh, rửa bát hộ anh. Còn việc tuyên thệ tôi đã nói với anh rằng tôi không muốn chui đầu vào guồng máy của anh Tường hay của anh đi nữa. Cứ để tôi ở ngoài giúp được nhiều việc hơn.’’

Nàng bật cười:

“Còn như vào bếp thổi cơm, muối dưa, rán đậu và cả rửa bát nữa, cái ‘guồng máy’ ấy thì tôi vui lòng nhận chui đầu vào ngay. Tôi cứ ở lỳ chi bộ ma của anh, chi bộ ăn tỏi gà không nghĩ đến người khác, chi bộ ích kỷ và là đồng chí hờ của anh. Thế có được không?’’

“Thế không được, tôi e anh Tường không chấp nhận.’’

Thanh ngửa mặt rồi nhún vai:

“Anh Tường của anh chứ có phải của tôi đâu. Tôi là ‘lão bá tính’ [2] không phải tuân lệnh ai cả. Bây giờ mấy giờ rồi anh?’’

“Gần mười giờ sáng.’’

“Thế anh đưa tôi lại cho tôi biết nhà rồi tôi đi chợ. Nhà còn dưa không?’’

“Còn một ít nhưng khú rồi.’’

“Thế sau bao năm hoạt động cách mệnh anh có biết tại sao dưa khú không?’’

“Dưa khú là tại nó khú. Hay chị mua ít cá trê về kho: ‘Chồng chê thì mặc chồng chê, dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ’’’.

Ngọc đưa Thanh về nhà, hai người đi cách nhau một quãng xa. Nhà ở vào một phố nhỏ vắng vẻ nên kín đáo lắm. Trước nhà có hai cây mộc liên cao, lá dầy, bóng gần che khuất cả mặt nhà. Thanh khen:

“Anh tìm được cái nhà đẹp quá. À, hay là tôi dọn đến ở hẳn đây...’’

Thấy Ngọc có vẻ ngập ngừng, Thanh tiếp luôn:

“Này này, tôi chắc anh lại sắp nói: ‘không tiện’; có đúng không? Không tiện là ngày nào tôi cũng phải hai lần nói dối bạn tôi là bận đi ăn cơm khách. Anh đã hai lần ngủ đêm ở nhà tôi, bây giờ có ba người sợ gì. Anh Tường xem chừng đứng đắn gấp mười anh.’’

Ngọc nói:

“Việc đó là tuỳ anh Tường.’’

Lúc vào thấy Tường đương ngồi viết, Thanh cúi chào rồi liếc nhìn thấy mấy chữ: “Open letter to the United Nations...” [3] .

Tường ngửng lên nhìn Thanh rồi hỏi:

“Cô có biết tiếng Anh không?’’

“Thưa anh có, nhưng em chỉ nói được, còn viết thì chữ Anh thật very lôi thôi [4] , em chịu. Nhưng em tìm được một câu tiếng Anh giống hệt tiếng ta.’’

Nàng nói luôn:

“Vết tích sẽ bị cắt bởi cải bắp. Tiếng Anh nói: Vestige shall be cut by cabbage.’’

Tường cũng phải bật cười. Thanh quay lại giảng nghĩa cho Ngọc:

“Tiếng Anh dễ học lắm. Vestige là vết tích, shall là sẽ, be là bị, cut là cắt, by là bởi, cabbage là cải bắp. À, phải đấy. Hôm nay em làm dưa cải bắp với rau cần để anh Dũng xơi. Còn anh Ngọc thì anh ấy chỉ thích có mỗi thứ ruốc.’’

Nàng nhìn quanh nhà chạy xuống bếp hỏi trống không:

“Sao nhà chỉ có hai cái giường, bếp chỉ vỏn vẹn có hai cái bát với hai đôi đũa.’’

Trong lúc Thanh xuống bếp thì Ngọc đã tỏ ý định của Thanh muốn ở luôn đây.

Tường bảo Thanh:

“Hôm nay đi chợ chị mua thêm bát đũa. Chú Ngọc ngủ cùng giường với tôi còn cái giường nhỏ kia để dành riêng cho chị.’’

Thanh nguýt Ngọc một cái:

“Đấy anh Dũng đã thuận. Còn anh thì chỉ hay nghĩ quắt quéo, đầu óc anh thật ‘very lôi thôi’.’’

Nàng cười rồi xin phép Tường:

“Để em đi chợ kịp làm cơm anh xơi.’’

Thấy Tường mở ví, Thanh nói luôn:

“Em có tiền. Còn anh Ngọc ở nhà không có việc gì thì anh quét nhà, dọn sạch bếp. Sao mà anh ở bẩn thế. Anh Tường, xin anh phải cảnh cáo anh Ngọc. Cách mệnh ăn khổ mặc áo rách nhưng cần phải sạch sẽ.’’

Nàng xách làn rồi nói với Tường:

“Xin phép anh, em đi.’’

Lúc nàng đi rồi, Ngọc và ngay cả Tường nữa đều có cái cảm giác như là cả một mùa xuân tươi vừa bay ra khỏi căn nhà lạnh lẽo.

Độ mười lăm phút sau Thanh đã trở về. Bữa trưa hôm ấy có cá trê kho dứa, đậu rán, lại có cả một đĩa dưa cải bắp rau cần. Cơm thổi cũng vừa chín tới, Thanh thấy Tường ăn ngon lành và nhất là Ngọc. Nàng nhìn Ngọc qua làn hơi bốc ở bát cơm lên, hai mắt long lanh và tinh nghịch:

“Xin lỗi anh Ngọc. Hôm nay thiếu món sở trường của anh... món ruốc.’’

Ăn và rửa bát xong, Thanh nói với Tường:

“Thôi để anh nghỉ trưa một lát, em về lấy các thức dùng, độ ba giờ em lại.’’



[1]Dịch nôm là: Năm ngoái ngày hôm nay cũng ở giữa cổng này. Mặt người và hoa đào chiếu ánh hồng lẫn nhau. Mặt người không biết đi nơi nào. (Chỉ còn lại) Hoa đào cười với gió đông như cũ.
[2]Người dân thường
[3]Thư ngỏ gửi Liên Hiệp Quốc
[4]lôi thôi lắm
Nguồn: Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thuá»·, Đời Nay xuất bản, Sài Gòn 1961, Văn Má»›i tái bản tại Hoa Kỳ. Bản Ä‘iện tá»­ do ông Nguyá»…n Tường Thiết cung cấp. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của gia đình tác giả.