trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
15.2.2007
Stanislav Goncharov
Tư duy toàn trị, nguồn gốc và bản chất
Phạm Minh Ngọc dịch
 
Các dân tộc, dù có khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá, tâm lí, tôn giáo, chế độ chính trị, hệ thống pháp luật và trình độ kĩ thuật đến thế nào thì tất cả cũng đều có khát vọng tự do. Chính khát vọng tự do này quyết định tiến trình của lịch sử thế giới. 

Người cầm quyền đóng vai trò gì trong quá trình phát triển của lịch sử? Ông ta đã trở thành thủ lĩnh rồi trở thành nhà độc tài như thế nào? Cái gì đã biến ông ta thành một nhà độc tài? Chúng ta sẽ cố gắng trả lời những câu hỏi đó và nhiều câu hỏi khác nữa mà không cần phải đoán mò, không cần phải dùng trí tưởng tượng như trong các tiểu thuyết lịch sử.  

Tư duy toàn trị xuất hiện khi những chủ thể-cá nhân riêng rẽ và không có liên hệ gì với nhau, nhờ chính cái bản chất tư duy như thế, tập hợp lại và chọn ra một chủ thể-thủ lĩnh, một kẻ không có linh hồn nhưng được đưa lên cầm đầu đám đông, một kẻ đối lập với đám đông và càng ngày càng trở nên xa lạ với đám đông các chủ thể kia.

Tư duy toàn trị của chủ thể-thủ lĩnh có đặc điểm là nó coi các chủ thể khác như các “đinh ốc và bánh răng của một bộ máy xã hội duy nhất”, như “những người lính trên mặt trận sản xuất”, như “các đơn vị chiến đấu” (Lenin, Bukharin, Trotsky). Ban đầu chủ thể-thủ lĩnh cũng nằm trong mối quan hệ như thế, ông ta chưa bị mất cảm giác rằng ông ta cũng giống như những người khác, cũng có những khiếm khuyết như những người khác vì “không có gì của con người là xa lạ với tôi” (Marx).

Sau này, trong cuộc đấu tranh giành quyền lực (trên tất cả mọi thang bậc của kim tự tháp quyền lực), chủ thể-thủ lĩnh biến thành trung tâm, trở thành một giá trị có nội dung bao trùm trong nhận thức méo mó vì thái độ quị luỵ và lòng trung tín của đa số chủ thể còn lại. Họ tuyên bố thủ lĩnh là “lãnh tụ”, là “thiên tài” và tự coi mình, trong trường hợp tốt nhất, cũng chỉ là một người “tài năng” mà thôi (Engels). Trong tâm hồn quần chúng chỉ còn lại nhận thức về sự vĩ đại của chủ thể-thủ lĩnh, nghĩa là chứa đầy cái nội dung xa lạ với họ.

Còn chính chủ thể-thủ lĩnh thì càng ngày lại càng đòi đóng vai trò con người nội tâm trong nhận thức của những chủ thể khác, ông ta khuyến khích họ nhận mình làm tấm gương và bắt chước, “sống” theo mình. Trong quá trình dâng hiến một cách tự nguyện cá tính của mình cho chủ thể-thủ lĩnh, nhận thức của các chủ thể khác càng ngày càng được lấp đầy bằng học thuyết mà chủ thể-thủ lĩnh khuyến khích và được ông ta tuyên bố là chân lí cuối cùng, là “cẩm nang cho hành động” (Lenin).

Học thuyết của tư duy toàn trị theo đuổi mục tiêu: nhồi sọ cho đám đông các chủ thể rằng họ có một ý nghĩa, nhưng chỉ là ý nghĩa như những “đinh ốc và bánh răng”, họ có một giá trị, nhưng chỉ là giá trị của “một người lính trên mặt trận lao động” hay là “một đơn vị chiến đấu” mà thôi và rằng từng người riêng biệt thì chẳng có ý nghĩa hay giá trị gì, rằng mỗi người chỉ là một con số không, chỉ có nhân dân, chỉ có quần chúng mới có ý nghĩa và giá trị mà thôi. “Anh là con số không, dân tộc anh mới là tất cả” (Hitler).

Chủ thể-thủ lĩnh, sau khi hình tượng của ông ta đã được đám đông rời rạc và tự coi mình là những chủ thể chẳng có giá trị gì chú mục vào và khuyếch đại lên, dần dà lại tự cho rằng ngay cả toàn thể dân tộc cũng không xứng đáng với ông ta và không có ông ta thì dân tộc đó cũng chẳng có giá trị gì (Stalin). Đấy là lúc chủ thể-thủ lĩnh trở thành nhà độc tài.

Nhà độc tài bố cáo quyền tự do cho đám đông các chủ thể mà trên thực tế là những kẻ bị tước đoạt những quyền tự do này, nhưng chính ông ta mới là chủ thể tự do tuyệt đối và duy nhất. Trong khi đồng nhất mình với nhà nước, trong khi tuyên bố mình là “cha già dân tộc” (Stalin) và coi mình là chủ thể tuyệt đối, là người quyết định tồn tại xã hội, ông ta đã trở thành người ban hành luật pháp duy nhất trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ông ta trở thành cội nguồn của chân lí, ngoài ra không còn nguồn nào khác. Với nhận thức đã bị biến dạng đến mức điên rồ như thế, ông ta cho rằng chỉ một mình mình là hiểu được chân lí mà thôi. Ông ta không còn tưởng tượng được rằng nhân dân có thể sống thiếu ông ta; đồng thời ông ta lại sợ nhân dân, tâm hồn ông ta tràn ngập nỗi sợ hãi bản năng cho cuộc đời vô giá của chính mình. Nhà độc tài trong trạng thái cô độc đầy kiêu hãnh như thế trở thành đối địch với tất cả các chủ thể khác, và tất cả các chủ thể kia lại trở thành một khối thống nhất, một chủ thể chung (toàn dân) đối địch với nhà độc tài.

Bên trên đã nói rằng: một chủ thể riêng biệt, theo tư duy toàn trị, chỉ là một con số không, một kẻ vô danh và có thể tự coi mình là một con số không, hắn chỉ cảm thấy mình là một cá nhân khi đứng trong “đội ngũ”, trong quần chúng. “Một người là số không, một người là nhảm nhí…” (Maiakovsky). Tách khỏi quần chúng thì chủ thể chắc chắn sẽ bị diệt vong - đấy là cách hắn ta nhận ra sự bất lực của mình. Nhưng nếu chủ thể biết vâng lời, không phản kháng và chịu điều khiển bởi “bàn tay sắt”, điều khiển từ trung ương thì hắn được đánh giá là “đinh ốc”. Tư duy toàn trị coi một chủ thể tách biệt khỏi đám đông những kẻ tương tự như hắn và không được điều khiển bởi “bàn tay sắt” là một khái niệm trừu tượng và sẽ đối xử với hắn như một khái niệm trừu tượng, nghĩa là tiêu diệt một cách không thương tiếc. Tất cả các chủ thể chỉ có quyền được sống vì người khác, nghĩa là vì lãnh tụ, vì trung ương, không ai có quyền được sống trong mình và cho mình.

Người cầm quyền hành động và phát ngôn không phải nhân danh ông ta mà là nhân danh nhân dân. Dường như ông ta không tách biệt khỏi nhân dân nhưng trên thực tế, ông ta xem thường khát vọng của nhân dân. Đối với ông ta, nhân dân chỉ còn là bình phong che đậy những mục đích ích kỉ của mình. Tất cả những người phản kháng lại các mục đích đó hay tố cáo ông ta đều bị nhà độc tài, sau khi ông ta đã che giấu kĩ sự thù hận của cá nhân mình, tuyên bố là kẻ thù của nhân dân, kẻ thù của dân tộc, kẻ thù của phong trào rồi vu cho họ những điều dối trá bỉ ổi nhất, đàn áp một cách khốc liệt những người không tuân phục.

Nếu chủ thể-cá nhân chỉ có giá trị khi đứng trong quần chúng thì chủ thể-thủ lĩnh lại có giá trị tự thânTên ông ta trở thành nổi tiếng và càng ngày càng được lòng dân hơn, còn sự nổi tiếng và được lòng dân của các chủ thể-cá nhân cũng như con đường hoạn lộ và điạ vị xã hội của họ lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự đỏng đảnh và độc đoán của một kẻ có quyền tự do vô bờ bến, tức là chủ thể-thủ lĩnh mà trên thực tế là hiện thân của sự giả dối.

Các chủ thể-cá nhân thực hiện (tự nguyện hay bị ép buộc đều như nhau) vai trò “đinh ốc” và được nhà độc tài gọi là “những người làm nên lịch sử” thì sống trong hỗn độn, thực ra chính họ cũng là một hỗn độn. Trong cái hỗn độn của một cuộc nội chiến không tuyên bố đó, trong sự lộng hành của dối trá và tội ác đó, các chủ thể-“đinh ốc” xung đột với nhau và tiêu diệt lẫn nhau. Tư duy toàn trị ở bên dưới đã được thể hiện ra như thế đấy. Chủ thể-thủ lĩnh đóng vai quan toà và người kiến tạo hoà bình: trừng phạt những kẻ có tội và khen thưởng những kẻ có công. Nhưng kẻ có công không phải là những kẻ có công trên thực tế mà chỉ là những kẻ chia sẻ quan điểm của ông ta mà thôi.

Nhà độc tài, tượng trưng cho khối quần chúng chủ thể-“đinh ốc” trung thành với ông ta, sau khi tự nhận chức năng của quan toà và người kiến tạo hoà bình, lúc này đã tự coi mình là người sáng tạo, người có công trong tất cả các hoạt động của nhân dân mà ông ta cho phép, ông ta cũng là chúa tể của thế giới, là người giải phóng nhân dân khỏi toà án của lương tâm, nghĩa là ngang hàng với Thượng Đế.Tôi đã giải phóng loài người khỏi cái ảo tưởng có tính chất lăng mạ vẫn được gọi là lương tâm” (Stalin được cho là đã nói những lời như thế với Hitler).

Như vậy là các chủ thể-“đinh ốc” đã được giải phóng khỏi nhu cầu tư duy. Hơn nữa, tư duy lại là một việc nguy hiểm. Đã có người quyết định mọi việc cho họ rồi. Họ chỉ còn mỗi việc là làm cho nhà độc tài hài lòng, dự đoán và thực hiện các ước muốn bí ẩn của ông ta một cách khéo léo để không ai có thể nghi ngờ vì tiếng tăm trong sáng của lãnh tụ vì “sự trong sạch” và “thần thánh” của lãnh tụ chính là ngọn cờ của tư duy toàn trị (các lãnh tụ cộng sản mới đã tự giới thiệu mình với nhân dân Nga như những người không tì vếtkhiếm khuyết).

Nhưng kẻ được coi là  “người sáng tạo”, “chúa tể của thế giới”,” cha già dân tộc”  lại chính là một người độc ác, một người có tư duy tỉnh táo mang tính hình thức, còn bộ máy cai trị của ông thì biến thành một cuộc chiến tranh bất tậnmột vụ cướp bóc quốc gia. Ông ta đẩy nhân dân vào cảnh rối loạn về kinh tế và xã hội rồi để mặc họ chịu đựng, còn sự bất lực của mình, việc mình không giải quyết được những vấn đề có ý nghĩa sống còn thì được ông ta biện hộ là do choáng váng vì thắng lợi hay sự phá hoại của kẻ thù. Đấy là lí do vì sao tư duy toàn trị của nhà độc tài được thể hiện ra trên thực tế bằng những cuộc khủng bố đẫm máu chống lại chính nhân dân nước mình nhưng lại núp dưới ngôn từ đẹp đẽ (cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù của nhân dân, cải tạo, cải tổ v.v.) hoặc bằng các cuộc chiến tranh cướp bóc các nước láng giềng nhằm mục đích “mở rộng không gian sinh tồn” hay thu hồi những vùng đất của “tổ tiên”.

Chính quyền của chủ thể-thủ lĩnh đối với nhân dân là một chính quyền mang tính phá hoại. Ông ta tung toàn bộ sức mạnh của cái chính quyền đã được hợp thức hoá, có vẻ là hợp pháp đó nhằm chống lại những người có chính kiến khác, những người vẫn giữ được cá tính của mình, những người không muốn là “đinh ốc”, là “chiến sĩ trên mặt trận lao động”, hay “đơn vị chiến đấu”.

Tư duy toàn trị chỉ nhìn thấy giá trị của cá nhân trong lao động sản xuất hoặc chiến tranh (một Pharaoh Ai Cập từng nói: “Hãy giao cho chúng thật nhiều việc để chúng làm, đừng để chúng nói chuyện nhảm nhí nữa”), chỉ nhìn thấy giá trị trong việc cá nhân đó sẵn sàng lao động hoặc tham gia bảo vệ tổ quốc mà thôi. Nhà độc tài coi một người không có khả năng như thế là “một phế nhân” cần phải tiêu diệt. Đấy là nói khi một người có lương tâm bị đám đông lăng nhục và hãm hại với mục đích buộc anh ta hạ mình thành “đơn vị chiến đấu”, buộc anh ta đầu hàng. Nếu không đầu hàng thì càng bị tiêu diệt sớm hơn. “Nếu kẻ thù không đầu hàng thì sẽ bị tiêu diệt” (Gorky).

Nhà độc tài không và không thể nhất trí với những cận thần của ông ta. Chính các cận thần cũng biết như thế, nhưng tuân thủ bản chất của tư duy toàn trị, đám cận thần này lại tìm mọi cách đưa ông ta lên chín tầng mây và bằng cách đó họ đã tạo ra cơ sở vững chắc cho tệ sùng bái cá nhân ông ta.

Đám cận thần của nhà độc tài nhận thức được tính chất mong manh của cái địa vị mà mình đang giữ, nhưng mỗi người đều chỉ nghĩ đến mình, chỉ nghĩ đến sự sống còn của mình; đấy là lí do họ không tin tưởng nhau và thu thập thông tin tố cáo lẫn nhau. Đấy chính là cơ sở của thái độ tiêu cực giữa các cận thần, biểu hiện qua những vụ tố cáo bí mật và công khai với mục đích “thanh trừng nội bộ” và thái độ tiêu cực đối với chính nhà độc tài, biểu hiện qua lòng hận thù một cách sâu sắc và bí mật đối với ông ta.

Các cận thần sẽ chẳng bao giờ ủng hộ nhà độc tài nếu ông ta không phải là người hữu ích đối với họ. Họ ca tụng bạo chúa, nịnh hót, luồn cúi ông ta, biến sự bất tàivô dụng của ông ta thành bí mật quốc gia. Quan hệ khác đi đối với nhà độc tài sẽ làm cho tất cả bọn họ trở thành những người vô giá trị và có nguy cơ bị đàn áp. Vì vậy, tư duy toàn trị còn tạo ra cơ sở cho mối quan hệ giữa các chủ thể với thủ lĩnh và cơ sở cho mối quan hệ giữa các chủ thể với nhau được che đậy dưới hình thức trung thành “tuyệt đối” đối với lãnh tụ.

Tư duy toàn trị của chủ thể-thủ lĩnh, sau khi ông ta trở thành người đứng đầu nhà nước thông qua việc cướp chính quyền bằng vũ lực - thực chất là một tội ác, sẽ quyết định cơ cấu chính trị của nhà nước. Vì chủ thể-thủ lĩnh đứng đầu nhà nước cũng là chủ thể-cá nhân với tư duy xác định mà tư duy này lại là toàn trị, vì vậy hệ thống chính trị toàn trị sẽ được thiết lập, hệ thống này áp đặt lên toàn thể quốc gia các thể chế phi pháp của nó và bằng cách đó đã biến bộ máy nhà nước thành bộ máy đàn áp và cướp bóc.

Chủ thể-cá nhân với tư duy toàn trị sẽ tìm mọi cách để chuẩn bị về mặt lí luận, chứng minh và biện hộ cho nhu cầu hiện diện của mình cũng như của nhà nước kiểu toàn trị.

Nhà độc tài vừa là người truyền bá vừa là người bảo vệ cái học thuyết biện hộ cho mọi hành động nhằm giữ vững quyền lực của ông ta. Vì vậy, tất cả những gì phục vụ cho việc bảo vệ và khẳng định các phương hướng và ý tưởng chủ quan của ông ta, những điều được các cận thần coi là những “phát minh vĩ đại”, đều được tuyên bố là đức hạnh. Nhà độc tài không chấp nhận bất kì người phản biện nào, ông ta thích đối đầuđộc thoại chứ không chấp nhận đối thoại (đối với các nhà độc tài hiện đại, ti-vi là phương tiện cực kì hữu hiệu) nhằm áp đặt cho quần chúng các ý tưởng của mình.

Tư duy toàn trị chìm đắm trong chủ nghĩa duy vật tự phát và công nhận vật chất là cơ sở và khởi thuỷ của mọi tồn tại, mới nhìn thì có vẻ hợp lí. Còn tinh thần là lĩnh vực vô thuỷ vô chungkhông bao giờ cạn lại được coi là kết quả của hoạt động vật chất, cũng như khả năng không hạn chế của con người lại được tư duy toàn trị coi là có giới hạncó thể cạn kiệt và như thế có thể lợi dụng, có thể khai thác trước khi tiêu diệt chủ thể của nó rồi sau đó chiếm đoạt thành quả lao động của người khác và mạo nhận là kết quả tư duy của chính mình.

Có thể so sánh tư duy toàn trị với người nhận tiếp máu, một người luôn luôn phải nhận máu mới nếu không tính mệnh sẽ bị đe doạ hay (nếu ta sử dụng hình tượng văn học) có thể so sánh với con quỉ hút máu, để sống còn, nó phải hút máu các nạn nhân của mình. Trong khi đó, tư duy toàn trị lại che đậy bản chất của nó, cố tình tạo trong quần chúng sự kính trọng đối với mình. Các thi sĩ và nhạc sĩ ca ngợi sự quan tâm của lãnh tụ đối với hạnh phúc của nhân loại, ca ngợi tinh thần làm việc quên mình của ông ta trong việc giải quyết các vần đề của những công trình vĩ đại, v.v., còn bản chất phi nhân của ông ta thì chỉ được người đời biết tới khi ông ta hấp hối hoặc đã chết.

Tư duy toàn trị của nhà độc tài chỉ là biểu hiện tập trung của tư duy toàn trị của khối quần chúng bên dưới. Nhưng tiến bộ lại diễn ra khi những người đại diện được coi là cao quí nhất của nhân dân (trong một giai đoạn lịch sử cụ thể) thức tỉnh khỏi sự áp bức về tinh thần, đứng lên đạp đổ nhà độc tài và những cận thần của ông ta, đứng lên phá bỏ hệ thống toàn trị của nhà nước.

Vạch trần bản chất của tư duy toàn trị, vạch trần các nguyên tắc của nó giúp giải thích các sự kiện đã diễn ra trong quá khứ, đang diễn ra trong hiện tại cũng như dự đoán được các hành động của chủ thể truyền bá cái tư duy đó.
  
  
*


Lịch sử thế giới có đầy dẫy các sự kiện chứng tỏ sự tồn tại của các chủ thể với hính thức tư duy toàn trị cũng như các hệ thống chính trị toàn trị. Không ai phủ nhận rằng mọi người sinh ra vốn là tự do. Nhưng lịch sử nhân loại cũng chứng tỏ rằng không phải lúc nào con người cũng nhận thức được về mình, không phải lúc nào con người cũng nhận thức được mình là ai và là gì đối với chính mình. Nhận thức rằng con người bản chất là tự do xuất hiện lần đầu tiên trong Thiên Chúa giáo. Vì vậy, sự phát triển tư duy để đi đến quá trình tự nhận thức trước hết không phải là “một người” hay “một số người” mà là mỗi người nhận thức được nhu cầu hiện thực hoá nguyên lí tự do và thể hiện mình trong hoạt động sáng tạo tự do.

Như đã nói, tư duy toàn trị bố cáo quyền tự do cho đám đông mà trên thực tế là những kẻ bị tước đoạt tự do. Nhà độc tài tìm mọi cách hướng nhận thức của nhân dân để họ chỉ công nhận một lãnh tụ, một chủ thể-thủ lĩnh tuyệt đối, tự do, duy nhất và dùng biện pháp khủng bố để buộc đa số các chủ thể khác không nhận thức đuợc rằng họ là các chủ thể tự do.

Ở các nước phát xít, quần chúng bị nhồi sọ lí thuyết về sự độc tôn chủng tộcdân tộc để biện hộ cho chính sách bành trướng và tham vọng bá quyền quốc tế còn các nước xã hội chủ nghĩa thì nhồi sọ người dân bằng lí thuyết đấu tranh giai cấp, theo đó, giai cấp vô sản được giao cho vai trò người đào mồ chôn giai cấp tư sản và chứng minh rằng giai cấp vô sản sẽ trở thành chủ nhân ông trên toàn thế giới.  

các nước xã hội chủ nghĩa, ngay từ bé, trẻ con đã bị nhồi sọ rằng công dân Xô viết là những người hạnh phúc nhất vì họ sống trong một nước dân chủ nhấttiến bộ nhất thế giới. Người ta khẳng định rằng chỉ ở các nhà nước chuyên chính vô sản, công dân mới được tự do, rằng chưa có nước nào, hiện không có nước nào và sẽ không có nước nào mà “con người được tư do hít thở khí trời đến thế” và rằng tự do này là kết quả của sự phục vụ nhân dân quên mình của đảng, của những người cách mạng, những người hiến trọn đời mình cho cuộc đấu tranh giải phóng loài người và cuối cùng, đấy chính là thành quả của những chính sách thiên tài của lãnh tụ. Nhờ việc tuyên truyềnvận động không ngừng mà nhận thức của chủ thể quen dần với ý nghĩ rằng nhân dân có được quyền sống như thế là nhờ các anh hùng đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh và dĩ nhiên là nhờ có lãnh tụ nữa. Còn lịch sử (chủ yếu là giả mạo) thì kể rằng lãnh tụ của các đảng chính trị và các chiến hữu của họ đã soạn thảo các tuyên ngôn, cương lĩnh, điều lệ và lí luận, trong đó, họ tuyên bố công khai ước muốn cướp chính quyền và thiết lập chế độ chuyên chính như là phương tiện để xây dựng xã hội phi giai cấp hay nhà nước toàn dân (trong thế kỉ XIX tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản đã đi vào quần chúng) hoặc nhà nước quốc xã thịnh vượng (trong thế kỉ XX tư tưởng của chủ nghĩa phát xít đã đi vào quần chúng), rằng đã diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt trong nội bộ đảng (“các vụ thanh trừng” của Stalin, “đêm những con dao dài” của Hitler). Người có tư duy toàn trị theo xu hướng cộng sản sẽ nói rằng tất cả những việc đó đã và đang được thực hiện nhân danh hạnh phúc của toàn thể loài người còn kẻ theo xu hướng phát xít thì nói rằng nhân danh hạnh phúc của chủng tộc thượng đẳng. Được che đậy dưới các khẩu hiệu và biểu ngữ là sự thú nhận công khai mưu đồ bá quyền quốc tế, còn bản chất, cơ sở của thiết chế xã hội “lí tưởng” đó, cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa phát xít, là chủ nghĩa vô thần. Nấp dưới chiêu bài “giải phóng lương tâm con người khỏi ma tuý tôn giáo” (Marx), dưới chiêu bài “trong sạch hoá chủng tộc” (Hitler) người ta đã tiến hành đàn áp tự do lương tâm.

Nhưng khi chủ thể cá nhân va chạm với thực tế, sự bất bình đẳng xã hội nhất định sẽ lộ diện: địa vị bị trị, quyền lực hạn chế của một số người và địa vị cai trị, quyền lực vô giới hạn của một số người khác.

Bị hệ tư tưởng chính thống, bị cái gọi là “học thuyết duy nhất đúng” nô dịch, chủ thể sẽ hấp thu nó và sẽ phản bội lại bản chất trở thành mục đích tự thân và rơi thấp mãi xuống lĩnh vực ngẫu nhiên và nhu cầu ngoại tại. Nhận thức của chủ thể bị đàn áp một cách khéo léo và luôn luôn phải chịu áp lực của cả hệ thống toàn trị.

Lãnh tụ trở thành trung tâm nhận thức của chủ thể, chủ thể không nhìn hiện thực bằng mắt của mình nữa mà nhìn bằng mắt của lãnh tụ, nhìn theo chỉ đạo của lãnh tụ, sự tuỳ tiện của lãnh tụ được chủ thể coi là biểu hiện của tự do thực sự, học thuyết giáo điều của lãnh tụ được coi là cơ sở lí luận và biện hộ cho sự càn rỡ, còn chính sự càn rỡ đó lại được chủ thể coi là nhu cầu sống còn.

Như vậy là do sự bất bình đẳng xã hội mà cái gọi là tự do của nhà lãnh tụ-độc tài và sự cai trị của ông ta thực chất là sự độc đoán và chính ông ta, con người duy nhất đó, cũng hoàn toàn không phải là người tự do. Còn nhân dân, tuy có ước muốn vươn tới tự do nhưng sau khi đã chấp nhận các điều kiện của nhà độc tài, sau khi đã chấp nhận cương lĩnh, nguyên tắc và học thuyết của ông ta, cũng sẽ phát hiện ra rằng họ không có tự do.

Nhóm cận thần thân tín nhất của nhà độc tài và tất cả những kẻ ủng hộ ông ta về kinh tế và chính trị trong việc thiết lập chế độ độc tài cũng khao khát tự do, họ nhận thức được rằng mình cần có tự do, nhưng nếu họ không công nhận nhu cầu tự do cho những chủ thể khác, dù đấy là những chủ thể thuộc đa số hay thiểu số, thì cái tự do đó cũng được họ hiểu một cách lệch lạc, thực chất đấy vẫn chưa phải là tự do, nó chỉ là quyền tự do cho một số người chứ không phải là cho tất cả, kết quả của sự tuỳ tiện vô giới hạn như thế mà chế độ chuyên chế nhất định sẽ được thiết lập, khả năng sáng tạo và đời sống tinh thần sẽ bị nô dịch.

Tư duy toàn trị không tuyên cáo điều ác mặc dù nó sống theo nguyên tắc: “càng xấu thì càng tốt”. Nghĩa là người khác càng khổ thì càng sướng. Tư duy toàn trị tuyên cáo điều thiện, kêu gọi người ta làm việc thiện, nhưng thực chất là nó theo đuổi đạo lí khác, thể hiện trong việc bí mật hướng đến cái ác, đấy là lí do vì sao những lời kêu gọi làm việc thiện của tư duy toàn trị lại là biểu hiện của sự vô luân vì nội dung đạo lí của nó được xác định bởi mục đích tiêu cực (làm điều ác). Do đó, tư duy toàn trị chỉ trùng hợp về mặt hình thức với các nguyên tắc đạo đức mà thôi. Đạo đức, như mọi người đêu biết, là sự khẳng định và khuyến khích điều thiện thông qua luật pháp của nhà nước, nhưng vì các đạo luật này luôn luôn bị thay đổi theo hướng tăng cường quyền lực của nhà độc tài, tăng cường quyền lực cho những cận thần gần gũi của ông ta và tính chất giả dối của trật tự và luật pháp, sự vô luân càng ngày sẽ càng hiện rõ.

Biểu hiện rõ nhất của việc thay đổi luật pháp theo hướng cắt bớt quyền dân chủ và thiết lập quyền lực vô giới hạn của tầng lớp chóp bu của đảng là ba lần soạn thảo và thông qua Hiến pháp ở Liên Xô trước đây. Việc loại bỏ điều 6 Hiến pháp Liên Xô (“Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và hướng dẫn xã hội Xô viết, là hạt nhân của hệ thống chính trị, hạt nhân của tất cả các tổ chức nhà nước và xã hội Liên Xô”) như tiếng chuông đưa đám cái hệ thống mà bề ngoài có vẻ như ổn vững và chặt chẽ nhưng đã thối rữa và suy sụp từ bên trong.  
  

*

Chủ thể-thủ lĩnh, nhóm cận thần của ông ta (trung ương) xâm phạm quyền tự do của con người nhằm thủ tiêu tiến trình tư duy của chính con người. Thủ lĩnh, vốn là một người không có tâm hồn, dẫn dắt nhóm cận thần của mình đến với chủ nghĩa hình thức, kinh viện và chủ nghĩa giáo điều. Thí dụ, Stalin đã từng khởi động những cuộc “thảo luận” để rồi sau đó biến các cuộc thảo luận này thành các vụ “thanh trừng ý thức hệ” nhắm vào các khoa học gia và văn nghệ sĩ.

Bản chất của tư duy toàn trị là “dối trá để tồn tại”. Sự dối trá thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực tuyên truyền (Goebbels). Dĩ nhiên là họ đã rào đón trước: chỉ được lừa dối kẻ thù thôi. Có thể vu cho kẻ thù mọi việc, kể cả những ý đồ tội lỗi của mình. Còn những người không phải là kẻ thù thì đều phải chứng minh rằng mình sẵn sàng phục vụ lãnh tụ, phục vụ đảng của ông ta một cách vô điều kiện, sẵn sàng chết vì “lí tưởng bất tử của ông ta”…

Tư duy toàn trị gọi những người có đời sống nội tâm phong phú là những kẻ viển vông và xấu xa, vì vậy, trong khi phủ nhận quá trình tự nhận thức, nó chỉ làm một việc là kêu gọi quần chúng phục vụ cho một người cụ thể, nghĩa là phục vụ chính mình, phục vụ chủ thể-thủ lĩnh, phục vụ lãnh tụ. Nhóm cận thần, những chiến hữu của thủ lĩnh chính là những người đầu tiên nêu gương cho quần chúng về tinh thần tận tuỵ trong việc giải quyết những nhiệm vụ mà lãnh tụ giao phó, là những người “tuyệt đối trung thành” với ông ta, với di huấn và học thuyết của ông ta.

Một người không có tâm hồn nhưng có những khả năng siêu phàm trong các lĩnh vực hoạt động mang tính duy lí (kĩ thuật, kinh tế v.v.) thì chỉ “chộp” lấy những thành quả lao động và lập tức coi đấy là của mình, ông ta không biết, thậm chí coi thường quá trình tư duy đưa đến kết quả nghĩa là ông ta không tách rời khỏi con người nội tâm của mình. Không có tâm hồn là như thế. Một con người như thế không thể nào nhận ra con người bên trong của chính mình vì ông ta luôn hướng ra bên ngoài và vì vậy mà ông ta không có khả năng nhận ra mình là một người như thế. Có thể coi một người như thế là người hoàn toàn đồng nhất với mình và với con người nội tâm của mình, nghĩa là một kẻ vô thần tự nhiên và thô lậu.

Tư duy toàn trị, trái lại, biết rằng có một con người nội tâm như thế, nhưng lại đồng nhất mình với nó về mặt hình thức, tự hào tuyên bố rằng mình chính là con người nội tâm đó (thí dụ: Stalin coi Lenin là con người nội tâm của mình và tự tay viết: “Stalin là Lenin ngày nay” và biến mình thành “Thánh Maxít-Leninit” đối với những đồ đệ của mình, nghĩa là cũng trở thành con ngưới nội tâm của họ) và cuối cùng, tự tâng bốc mình thành Chúa trời trên cõi thế, thành cha già của các dân tộc. Đấy chính là bệnh hoang tưởng, là chủ nghĩa vô thần hung bạo mà một nhà cầm quyền chuyên chế đạt đến chính là một ngõ cụt mà ông ta không thể nào thoát ra được bởi vì đối với tư duy toàn trị thì sự qui thuận một Chúa trời chân chính là một trở ngại không thể nào vượt qua được.

Bất đồng chính kiến bị chủ thể-thủ lĩnh, bị nhà độc tài coi là cuộc đấu tranh giành quyền lực, là “sự phản bội quốc gia” (Saddam Hussein) nên các nhà bất đồng chính kiến thường phải trả giá đắt, kể cả mạng sống. Bất đồng chính kiến sẽ nhận ra rằng về bản chất mình không phù hợp với chủ thể-thủ lĩnh và không có nền tảng chân chính. Trong quá trình đi tìm nền tảng cho chính mình, bất đồng chính kiến bắt đầu đối địch với tư duy toàn trị, phủ nhận tư duy toàn trị. Đấy là lúc đối kháng xuất hiện. Thông qua việc từ bỏ và xa lánh nhà độc tài, bất đồng chính kiến tìm lại được nền tảng, tìm lại được thực thể của mình.

Những người tham gia thực sự vào cuộc đấu tranh giành quyền lực không thay đổi được bản chất của tư duy toàn trị và trong cuộc đấu tranh khốc liệt đó dần dần họ sẽ đánh mất sự tự nhận thức. Bảo toàn tư duy toàn trị là trở ngại cho tiến trình phát triển tâm hồn, là khinh thường con người nội tâm của mình, chỉ có con người nội tâm đó mới có thể đưa người ta thoát ra khỏi ngõ cụt của tư duy toàn trị. Những người cố gắng bảo vệ tư duy toàn trị đã hi sinh con người nội tâm của mình cho danh vọng hão huyền.

Khi một người có tư duy toàn trị, nhờ sự tham gia và ủng hộ của các cận thần, giành được quyền lực tối cao thì việc củng cố và giữ chính quyền tiếp sau hành động cướp chính quyền bằng vũ lực sẽ giúp tôn vinh ông ta trong mắt của chính mình và trong mắt các thần dân, các thần dân lúc này đã coi ông ta như một người cầm quyền lí tưởng.

Nhưng một người cầm quyền lí tưởng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của nhân dân. Họ tin rằng nhà cầm quyền sẽ khôi phục lại sự công chính, sẽ loại bỏ thói quan liêu, còn nhân dân sẽ đưa các quan chức quan liêu đã từng xâm phạm quyền lợi của mình ra toà. Dưới thời Sa hoàng, người ta đã từng ước mơ đánh đuổi địa chủ và chia ruộng cho những người nông dân trung thành, còn dưới thời chính quyền Xô viết, người ta nhồi sọ cho dân chúng ý tưởng về tương lai tươi sáng, còn những người dân mong muốn có hạnh phúc thì hi sinh thân mình cho chiến thắng của “bóng ma của chủ nghĩa cộng sản”. Thực chất, họ chính là nạn nhân của tư tưởng toàn trị khát máu.

Lòng trung thành với sản phẩm của trí tưởng tượng về một người cầm quyền lí tưởng xâm nhập mọi ngõ ngách trong nhận thức của nhân dân. Đức ông sẽ đến, đức ông sẽ phán xét… (Nekrasov). Người ta tin rằng người cầm quyền lí tưởng sẽ thực thi các cải cách giúp cải thiện điều kiện sống của người dân. Khi đã đặt tất cả niềm tin và hi vọng vào nhà cầm quyền lí tưởng thì nhân dân dường như đã tự rút lui khỏi cuộc đấu tranh giành quyền lợi và tự do cho chính mình, và do sự tự ý rút lui như thế mà nhà cầm quyền có thể nắm trọn quyền lực, trở thành nhà độc tài buộc dân chúng phải tuân theo ý chí của mình. Nhân dân đã tạo điều kiện cho việc nô dịch chính mình, lăng mạ chính mình như thế đấy.

Bộ máy nô dịch hoạt động cực kì chính xác: nhằm mục đích củng cố chính quyền toàn trị mà biểu hiện chủ yếu của nó là chủ nghĩa chuyên chế, nhà cầm quyền và nhóm cận thần của ông ta sẽ xây dựng bộ máy quản lí quan lại bên dưới và phân chia cho chúng lĩnh vực hoạt động và ảnh hưởng, giao cho chúng được toàn quyền hành xử trong lĩnh vực của mình.

Chính quyền toàn trị còn có một số đặc trưng quan trọng khác như: lưỡng đầu chế, đấy là khi có một thủ lĩnh công khai được công nhận như một người cầm quyền duy nhất (vua), bên cạnh đó còn một thủ lĩnh giấu mặt, đóng vai trò cố vấn hay nhà tư tưởng (cố đạo); tệ sùng bái cá nhân; chia các công dân theo điạ vị xã hội: đảng và quần chúng (tương tự như những hình thức phân chia giả tạo trong tôn giáo: con chiên và thày tu).

Khẩu hiệu sự thống nhất của đảng và dân tộc vẫn mãi mãi chỉ là khẩu hiệu. Nhằm mục đích củng cố sự phân chia đó, người ta đã khoác lên các dân tộc thuộc Liên Xô cũ một tên gọi chung là “Nhân dân Xô viết”. Khi nhân dân đã là một rồi thì mọi người phải dùng chung một ngôn ngữ, phải có chung một lãnh thổ (đế chế), phải có chung một nền văn hoá… 

Trong chế độ toàn trị, đảng viên luôn luôn có vị thế ưu tiên, ưu đãi; những kẻ đã có chức quyền ở mọi thang bậc đều có hi vọng được đưa vào ban lãnh đạo cấp cao. Nhưng ước muốn leo lên các điạ vị được ưu tiên, ưu đãi của cấp dưới nhiều khi đạt đến giới hạn của bi kịch và phi lí. Thí dụ, trước khi ra trận các chiến sĩ chưa đảng viên xin vào đảng để được chết như những người cộng sản. Chủ nghĩa anh hùng “thầm lặng” như thế của cấp dưới rõ ràng là đã làm hài lòng nhà độc tài và tầng lớp lãnh đạo chóp bu…

… Nhận thức rằng tự do tinh thần là bản chất của mỗi người đóng vai trò chủ đạo trong việc giải thoát khỏi ngõ cụt của tư duy toàn trị. Nhận thức như thế xuất hiện lần đầu tiên trong Thiên chúa giáo. Mỗi người đều là người tự do trong chính mình và vì là người tự do trong chính mình anh ta có toàn quyền thực thi các nguyên tắc của tự do để trở thành một người tự do thực sự.

Dĩ nhiên là việc chấp nhận nguyên tắc đó, dù là cả dân tộc chấp nhận đi nữa, cũng không thể tự động làm cho thể chế quốc gia thay đổi, cũng như nguyên tắc của tự do không thể làm cho lí trí và trật tự chiến thắng mặc dù chỉ có những người có lí trí mới quan tâm đến việc giữ gìn và bảo vệ trật tự. Tuyên cáo, chấp nhận tự do như nó vốn là là một chuyện, còn thực hiện nó lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Mỗi người hiểu và lí giải khái niệm tự do một cách khác nhau, hậu quả là có rất nhiều ngộ nhận, rất nhiều sự xuyên tạc cố ý và kết qủa thường là trái ngược hẳn với mục tiêu ban đầu. Phải có sự nỗ lực của nhiều thế hệ thì nền tự do chân chính mới có cơ hội thành tựu trong mỗi quốc gia. Kết qủa đạt được phải được coitiêu chí để đánh giá hoạt động của mỗi con người, đặc biệt là đối với các nhân vật lịch sử, những người có mục đích trùng hợp với những mục đích chung của chân lí và thiện ý...

… Người ta thường hay tranh luận xem nhạc của nhạc sĩ nào hay thơ của thi sĩ nào có thể được gọi là “thánh thiện”, nhưng cần phải ghi nhận rằng cội nguồn Thánh thiện, lí trí là của chính con người và trước hết là của con người. Chính nhờ đó, con người mới có thể là người tự do trong bản thân mình, nhờ đó mà cội nguồn ấy mới được thể hiển ra trong hoạt động sáng tạo của nó.

Thái độ của một người đối với tự do, thái độ của anh ta đối với cái cội nguồn Thánh thiện bên trong của anh ta quyết định vị trí thực sự của anh ta cũng như đời sống tinh thần của anh ta.

Phủ nhận cái cội nguồn Thánh thiện này làm cho con người trở thành tội đồ trong sự suy giảm đức hạnh và tôn giáo. Công nhận cội nguồn Thánh thiện này, hướng về Cội nguồn, hướng về Chúacơ sở vững chắc cho con người thực hiện nguyên tắc của tự do.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: Bản gốc tiếng Nga: http://zhurnal.lib.ru/editors/g/goncharow_s_s/totalit2006doc.shtml