trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Bầu cá»­ Quốc há»™i khoá XII
 1   2   3   4   5 
27.2.2007
Nguyễn Hữu Vinh
Người tài như lá mùa thu
 
Đó là mối lo ngày càng tăng cho Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Không khí hồ hởi sôi động của cuộc "ra biển lớn" (gia nhập WTO, tổ chức hội nghị APEC) có thể làm người ta dễ quên đi một điều rất hệ trọng rằng Quốc hội khóa 11 sắp mãn nhiệm, chắc chắn có không ít trong số rất ít đại biểu được dân đánh giá cao, coi như những người tài, nhưng lại được "cơ cấu" là phải nghỉ, mà những gánh nặng nhiệm vụ và những "món nợ" với dân thì cứ chồng chất bội phần. Nhưng tại sao lại phải lo chuyện thiếu người tài cho Quốc hội đến vậy? Xin được có đôi lời lý giải.

Một điều dễ nhận thấy qua vai trò và hoạt động của Quốc hội là chức năng nhiệm vụ trong Luật Tổ chức Quốc hội gần như không thay đổi trong suốt khoảng nửa thế kỷ qua (từ các Luật 1960, 1981, 1992, 2002), song trên thực tế khối lượng công việc lại tăng lên với một gia tốc khủng khiếp trong mấy năm nay. Cái gánh nặng đó lại chủ yếu nằm trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội là lập pháp và giám sát hoạt động của nhà nước. Gánh nặng lập pháp gia tăng rất lớn, đơn giản bởi yêu cầu phải có một nhà nước pháp quyền thực sự và một xã hội mở, hội nhập với thế giới bên ngoài (đặc biệt cho việc gia nhập WTO), không còn trong cảnh khép kín với "phe XHCN" nữa. Gánh nặng giám sát là từ yêu cầu bức thiết và tất yếu của nhân dân ngày càng phải được nhìn nhận nghiêm túc hơn, không thể cứ mãi là khẩu hiệu, mà Quốc hội là đại biểu cao nhất, cần đi đầu để đảm nhận gánh vác. Nó còn được đẩy nhanh lên nhờ "đổi mới", "mở cửa", chuyển sang nền kinh tế thị trường, và "nhờ" cả tệ nạn tham nhũng tràn lan như bệnh ung thư trong mọi cấp chính quyền, cần phải có con mắt giám sát, dù sao cũng khách quan hơn, của Quốc hội.


1. Khái niệm về người tài cho Quốc hội: Ở đây không phải là một cái "tài" thuần tuý về chuyên môn nghề nghiệp nào đó đang đảm nhiệm. Cái “tài” của một đại biểu của dân, một nhà lập pháp trước hết phải là có năng lực làm luật thực sự đồng thời với khả năng nói lên tiếng nói và bảo vệ quyền lợi của dân chúng. Đơn cử là một vị bộ trưởng giỏi, nếu bằng tiêu chuẩn khắt khe thì chưa chắc đã xứng đáng là một đại biểu Quốc hội, vì vị đó có thể chỉ giỏi về hành pháp, lại thường chuyên sâu trong lĩnh vực của mình mà thôi. Nhưng nếu có năng lực mà không có điều kiện thì cũng vẫn không thể thành người tài được. Điều kiện ở đây phải là điều kiện để làm việc cho Quốc hội, cho nhân dân trong vị trí đại biểu Quốc hội, nghĩa là toàn tâm, toàn ý dành hết thời gian tâm sức cho công việc này, được tôn trọng và tạo mọi điều kiện; chứ không phải theo lối chân trong chân ngoài, vừa đá bóng vừa thổi còi, hay đơn thương độc mã, một cổ mấy tròng v.v. Ở đây còn có cả mối quan hệ tương hỗ nữa, đó là một khi có điều kiện thì đương nhiên cái năng lực của vị đại biểu sẽ được nâng lên ít nhiều. Cũng lại đơn cử vị bộ trưởng, nếu còn giỏi cả làm luật thì cũng vẫn vô cùng khó có thể là một đại biểu Quốc hội tài, vì điều dễ thấy nhất là vị đó làm sao có thời gian đáng kể dành cho Quốc hội được. Còn nếu quả đúng vị đó có được cả hai cái giỏi và tài này thì dám chắc phải gọi đó như là một thiên tài rồi; còn nếu có thêm được cái đức công minh để vừa "đá bóng" mà vẫn "thổi còi" phạt nghiêm minh khi mình phạm luật (bằng chức năng giám sát) thì vị đó không chừng còn đáng được coi như thiên thần nữa. Đây chính là một phần của yếu tố thứ ba để trở thành người tài cho Quốc hội, tức là phẩm chất.


2. Thực tế đang có một Quốc hội mà đảng viên (Đảng Cộng sản Việt Nam) chiếm đến 90% (đại diện cho 80 triệu dân hay cho 3 triệu đảng viên?), 75% không chuyên trách (mà phần lớn là cán bộ cao cấp dưới nhiều dạng khác nhau, đặc biệt trong số đó thành phần áp đảo là các vị lãnh đạo chính quyền, Đảng, đoàn thể của Đảng), lại không có bộ máy giúp việc riêng cho mỗi vị đại biểu trong khi điều kiện làm việc, tiếp cận thông tin đều rất hạn chế. Vậy mà họ đã phải gồng mình thông qua tới mươi luật trong mỗi kỳ họp (mà hết năm 2006 vẫn "nợ" 14 dự luật, 10 dự án pháp lệnh), trong khi các dự luật đều do các cơ quan của Chính phủ dự thảo (chỉ mới có một dự luật do cơ quan của Quốc hội dự thảo - Luật giao dịch điện tử, và sắp có thêm một nữa - Luật phòng chống bạo lực gia đình), chất lượng không tỉ lệ thuận với số lượng luật ra đời và quy chế thực thi không nghiêm đến độ một phần, vì thế mà có tới 135 nghị định của Chính phủ cũng đang "nợ" (nghĩa là luật ra rồi mà chưa thực hiện được). Ấy thế mà cũng mới chỉ có được 200 trong tổng số khoảng 800 luật cần có. Và vân vân những hiện tượng không thể kể hết nếu như có điều kiện để đi sâu tìm hiểu, như nhiều vị đại biểu chẳng thấy phát biểu ý kiến tại hội trường bao giờ, ngược lại, nhiều vị phát biểu hăng, nhiều, hợp lòng dân quá thì cũng bị "lườm nguýt" (điển hình như bà phó đoàn đại biểu Quốc hội Kiên Giang nhiều lần chất vấn, tự đi tìm hiểu về ông thống đốc Ngân hàng Nhà nước quanh chuyện in tiền, mua rẻ nhà công, để rồi bị ông Bí thư Tỉnh uỷ "nhắc nhở", chẳng hạn).

Những hiện tượng đó minh chứng một thực tế là hiện Quốc hội đang thiếu những người tài, theo như khái niệm vừa nêu trên.


3. Nỗi lo sắp tới không phải chỉ ở cái thực tế trên, mà còn nhiều nữa những điều kiện để Quốc hội tự "tăng lực" cho mình, "gieo mầm" cho các nhân tài mới, nhưng đáng tiếc lại đang tự (?) bó tay mình. Đó là:

  • Gác lại việc thông qua dự Luật về Hội. Những ai hiểu về vai trò của những tổ chức, đoàn thể trong đời sống chính trị-xã hội đều có thể thấy việc tạo điều kiện cho sự ra đời, hoạt động hiệu quả của nhiều hội quần chúng sẽ tạo ra một môi trường tốt và vô cùng quan trọng cho các "chính trị gia" - đại biểu Quốc hội tương lai. Đó sẽ là môi trường cho họ tập dượt, thử thách, là nơi để quần chúng đánh giá xem họ có thể xứng đáng là người đại diện cho mình trong cơ quan dân cử hay không. Bởi vì trong thực tế nửa thế kỷ qua, các hội, đoàn thể vẫn luôn mang nặng chất hành chính, đều dưới trướng các cơ quan chủ quản, sống bằng ngân sách nhà nước, thường được gọi là những "cánh tay nối dài của Đảng", các vị chức sắc trong đó thực chất là các công chức ăn lương nhà nước, đặc biệt nhiều vị còn nắm cương vị cao trong tổ chức Đảng hoặc chí ít cũng vừa rời "ghế" của Đảng, chính quyền.

  • Chưa sửa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội theo như kế hoạch 2006. Với Luật 1997, thêm cả những sửa đổi rất vội vã, chắp vá năm 2001, trên thực tế vẫn còn rất nhiều hạn chế cho việc khuyến khích người tài, điều mà xuân thu nhị kỳ trong mỗi kỳ bầu cử mới thường được nêu lên nhưng vẫn nặng tính hình thức. Với Quốc hội khóa 11 năm 2002, điều này đã là một sự chậm trễ đáng tiếc, huống hồ với Quốc hội 2007 đòi hỏi nhiệm vụ hết sức nặng nề. Một trong những hạn chế lớn nhất là quy trình hiệp thương (ba vòng), với những yêu cầu cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng... ứng cử viên cho từng cơ quan, tổ chức, địa phương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ba lần) vừa cứng nhắc (nam/nữ, độ tuổi, trình độ, dân tộc...) nhưng lại vừa rối rắm thiên biến vạn hóa khó lường. Bên cạnh đó là những công đoạn lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, làm việc, dễ bị chất cảm tính, hình thức, những may rủi nhiều khi ngô nghê, thậm chí cả không trung thực làm biến dạng. Tất cả những công đoạn, quy trình hiệp thương này vô hình chung như những "màng lọc" của một thiểu số nào đó thay cho đại đa số cử tri sẽ bỏ phiếu bầu cuối cùng. Ngoài ra, việc không có một hệ thống vừa mang tính tập quán, vừa có tính quy chuẩn pháp lý cho những hoạt động vận động bầu cử dưới nhiều hình thức, tự do và công khai hóa việc đánh giá ứng cử viên cũng tạo ra một bức màn mờ ảo án ngữ giữa đại đa số cử tri với ứng cử viên. Cụ thể là người dân chẳng hiểu gì về các vị ứng viên ngoài bản lý lịch đơn giản, rất chung chung, và hoàn toàn tốt đẹp, có gì khác chăng thì lại chỉ là những tin đồn. Bởi vì mục "Tuyên truyền vận động bầu cử" gồm 4 điều đều nặng tính "tuyên truyền" rất cũ kỹ chứ không phải là "tìm người tài" cho Quốc hội, trong đó ứng viên chỉ có "báo cáo với cử tri dự kiến thực hiện trách nhiệm..." của mình mà thôi.

Thêm nữa, trong Luật cũng hoàn toàn không có một quy định gì cụ thể về tiêu chuẩn đại biểu, ngoài những tiêu chuẩn rất chung chung như "trung thành", "phẩm chất đạo đức tốt"... hay như tiêu chuẩn "có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội" thì thực sự là "vô cực", nghĩa là tham gia một ngày họp cũng có thể gọi là "có điều kiện" được. Nhưng mục tiêu đặt ra cho Quốc hội khóa 12 là phải có số đại biểu chuyên trách ít nhất là 40% (nhưng mới đây đã được "chốt" lại là gần 30%). Nên sẽ là phi thực tế, thậm chí tạo hiệu quả ngược nếu như không có những bước chuẩn bị bổ trợ bằng sửa đổi hệ thống luật pháp như nêu trên. Ví dụ: phải có điều luật quy định nếu trúng cử thì vị đại biểu đó phải chấm dứt công việc hiện đang nắm giữ để dành hết thời gian cho Quốc hội.

Một điểm đáng chú ý nữa là việc chưa thông qua sửa đổi hai Luật này cùng với Luật tổ chức Chính phủ lại là theo đề nghị của Chính phủ chứ hoàn toàn không phải do chính ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội. Trong khi đó thì một điều hiển nhiên rất dễ nhận thấy là chỉ bằng con đường nâng cao năng lực và vị thế của Quốc hội thì mới có thể vừa tự trả được "nợ", đồng thời giúp Chính phủ trả món "nợ" chồng chất hàng trăm văn bản luật, dưới luật, bằng cách sửa lại hàng loạt luật mới được thông qua vội vã nên quá sơ sài, để nhanh chóng chấm dứt tình trạng dùng nghị định, thông tư để "giải thích luật" (rất dễ trở thành vật cản cho việc thi hành, và làm méo mó thêm luật).
  • Có một điều có vẻ xa lạ nhưng rất thực tế là chúng ta chưa bao giờ nghe nói tới những lớp học ngắn hạn cho các vị đại biểu Quốc hội. Với một nhiệm kỳ kéo dài tới 5 năm và những nhiệm vụ hết sức nặng nề mà người dân đặt lên vai, trong khi các vị lại thường là những tay mơ trong lĩnh vực lập pháp và giám sát, không lẽ là thừa nếu như phải cần đến vài tháng thụ huấn về kiến thức chuyên môn hay sao? Ngoài ra, cũng không có những bộ máy giúp việc, nơi làm việc riêng, thiếu hẳn những hệ thống và quy chế cung cấp thông tin cần thiết cho các vị đại biểu Quốc hội (mà hầu như ở các nước trên thế giới thì chuyện này là hiển nhiên); thậm chí những nguyên tắc cần thiết bằng luật hóa để bảo vệ các vị khỏi những áp lực vô hình, hay những đánh giá định kỳ về năng lực, ý thức trách nhiệm... để dân soi xét, cũng không có. Nói tới điều này, có nghĩa không phải chỉ chọn, mà còn phải luyện nữa để có được những người tài cho Quốc hội.

  • Và cuối cùng là những gì ít ỏi mà công luận được biết qua Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất tổ chức ngày 23-2-2007 về cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa 12. Đã có chút "nhúc nhích" như việc giảm đại biểu các cơ quan Đảng, chính phủ, tăng đại biểu chuyên trách. Nhưng ngược lại, những yếu tố vô cùng quan trọng khác nêu ở trên, đặc biệt là việc tự ứng cử, người ngoài Đảng (10%) thì vẫn không có gì mới. Nếu xem xét cái tốc độ tiến lên kiểu rùa bò này so với yêu cầu của thời cuộc thì quả là đáng lo ngại. Trong khi đó thì qua nhiều tin tức báo chí hàng ngày, người dân trong nước vẫn được biết mà tự hào, nhưng lại chạnh buồn, là ở nửa bên kia địa cầu ngày càng có nhiều bà con đồng hương của họ được có chân trong cơ quan dân cử theo cái cách mà không biết phải mấy thế hệ nữa ta mới theo được. Còn nếu như chịu khó nhìn lại lịch sử nhân loại thì mô hình nhà nước cộng hòa rất dân chủ mà ta đang cố "phấn đấu" đã ra đời cách nay những 26 thế kỷ ở Athens rồi.
Thế mới thấy một khi những phương cách, nguyên tắc cho việc chọn giống, đến ươm mầm và chăm sóc để có ngày thu hoạch những người tài cho Quốc hội mà vẫn chưa làm được, thì thử hỏi làm sao có những con người thực bằng xương bằng thịt như lời hô hào.

© 2007 talawas