trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
21.3.2007
Trần Bình
Việt Nam - Xuất khẩu lao động: cơ hội và những hệ lụy
 
Có hai hình thức di trú, thứ nhất là di trú tạm thời, được biết đến dưới tên gọi không chính thức là Xuất khẩu lao động (XKLĐ); thứ hai là di trú vĩnh viễn (permanent migrant). Vấn đề di trú thường được thảo luận như một tổng thể bao gồm cả hai hình thức di trú, xoáy mạnh vào hai điểm chính: những ảnh hưởng của kiều hối (remittance) do chính sách di trú mang lại đối với đời sống dân nghèo và sự phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển (QGĐPT). Bài viết này cũng sẽ thảo luận theo chiều hướng trên, song chú trọng hơn về xuất khẩu lao động vì mối quan hệ giữa chính sách này với nguồn lao động, vốn là một trong những mắc xích quan yếu của tiến trình phát triển kinh tế tại Việt Nam hiện nay.

Trên bình diện quốc tế, ảnh hưởng của chính sách di trú đối với sự phát triển của các QGĐPT đã được bàn cãi từ nhiều thập niên qua; trình trạng “chảy chất xám” (brain drain) là một đề tài nóng bỏng của thập niên 70. Những năm gần đây, lượng di dân bao gồm cả XKLĐ từ các QGĐPT đến các quốc gia phát triển (QGPT) ngày mỗi lớn và lượng kiều hối theo đó cũng tăng nhanh, vấn đề di trú lại được chú ý hơn; các cuộc điều tra, tranh luận vì vậy cũng trở nên sôi động hơn, thậm chí có khi gay gắt vì đụng chạm đến những vấn đề nhức nhối của nhân loại. Hai trong số những tài liệu có thể giúp đào sâu vấn đề khá phức tạp này là công trình nghiên cứu công phu dài gần 200 trang của World Bank Những chỉ dẫn kinh tế của kiều hối và di trú năm 2006, và các phản bác sắc bén của Susanna Mitchell qua tiểu luận “Di trú và phát triển - cơ hội hay khai thác?” dài 26 trang, ấn hành vào tháng 3/2006. Những dữ kiện và phân tích từ các tài liệu này tuy ở bình diện rộng lớn thế giới, song vì đặc điểm và tính chất của vấn đề di trú mang tính phổ quát toàn cầu, nên sẽ là những tư liệu tham khảo rất hữu ích.


1. Tổng quan

Theo số liệu của World Bank (WB) và Liên Hiệp Quốc (UN) sử dụng trong hai tài liệu nói trên, kiều hối (KH) trên thế giới năm 2006 lên đến 232 tỷ USD. 167 tỷ trong tổng số này là lợi tức của các QGĐPT, 30 – 45% từ dân di trú và 24 tỷ USD của nguồn kiều hối đã phát sinh từ sự di trú giữa các QGĐPT. Con số thực của KH còn cao hơn ít nhất 50% vì một khối lượng tiền đáng kể đã không được chuyển theo hệ thống chính thức, hoặc không được tường trình đầy đủ. Lượng KH tăng nhanh, gấp hai lần trong vòng 5 năm qua, phản ảnh mức tăng gia tốc lượng dân di trú, tăng trung bình từ 2.1% giai đoạn 1960-2000, lên 2.7% trong những năm gần đây 2000-2005, với tổng số khoảng 200 triệu người năm 2005. Lý do của sự gia tăng này là dân số tại các QGPT đang trên đà suy thoái, sinh suất giảm và dân số lão hóa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động ngày mỗi trầm trọng. Tại Âu Châu chẳng hạn, dân số giảm 4.4 triệu chỉ trong vòng 5 năm: 1995-2000. Vấn đề của các QGĐPT thì ngược lại, lực lượng lao động tăng nhanh, nhưng việc làm lại không nhiều. Lực lượng lao động của các QGPT chiếm dưới 20% tổng số lao động trên thế giới, các quốc gia này đang sử dụng hơn 60% lao động di trú đến từ các QGĐPT.

Biểu đồ dưới đây cho thấy có đến 20 QGĐPT có số lượng kiều hối đạt trên 10% tổng sản lượng quốc gia (GDP). Xét theo lượng (tỷ USD), các QGĐPT có lượng KH hằng năm cao nhất gồm Ấn Độ (21.7), Trung Quốc (21.3), Mexico (18.1) và Philippines (11.6). So với các nguồn vốn phát triển khác, lượng KH đã vượt ngân khoản viện trợ phát triển hơn hai lần và có lúc đã vượt qua cả đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI).



Việt Nam là một trong 20 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng tính theo lượng KH. KH và XKLĐ tại Việt Nam phát triển cùng chiều với thế giới, tăng nhanh từ 35 triệu USD năm 1991, 1.76 tỷ/2000, và khoảng 5 tỷ/2006, với kim ngạch tích lũy lên đến 23 USD; chiếm tỷ trọng quan trọng so với các nguồn vốn phát triển khác: 60% vốn FDI thực hiện và 137% vốn giải ngân của viện trợ phát triển (ODA). Tuy nhiên, việc quá chú trọng về số lượng của KH và sự thiếu vắng những phân tích đầy đủ về việc sử dụng nguồn tài khoản này và những tác động của nó thường dẫn đến các đánh giá lệch lạc.


2. Ảnh hưởng của kiều hối và di trú đối với người dân và công cuộc chống nghèo đói

Tài liệu nghiên cứu về vấn đề di trú của WB năm 2006 Những chỉ dẫn kinh tế của kiều hối và di trú đã nêu lên ba tiền đề cần được lưu ý [1] : sự khó khăn trong việc thu thập dữ kiện điều tra tại các QGĐPT, bối cảnh và hệ quả của KH và di trú rất khác biệt giữa các quốc gia, và những vấn đề xã hội, chính trị nảy sinh cũng hệ trọng không kém ảnh hưởng về kinh tế. Thứ đến, các hệ quả xã hội, chính trị và vấn đề di trú giữa các vùng trong nước, dù quan trọng nhưng sẽ không thuộc phạm vi nghiên cứu của tài liệu do WB thực hiện.

Cuộc điều tra của WB đã dẫn đến kết luận: dù ảnh hưởng không đáng kể đến tình trạng bất bình đẳng xã hội, KH đã góp phần quan trọng làm giảm nghèo khó cho bản thân và gia đình người di trú do nguồn KH mang lại và qua những tác động gián tiếp. Chẳng hạn, KH đã làm giảm tỷ lệ dân nghèo tại Ghana 5%, Bangadesh 6%, Uganda 11% và Guatemala 20%. Tỷ lệ tiết kiệm từ KH tương đối thấp tại các quốc gia Châu Mỹ Latin, nhưng cao hơn nhiều tại những nước khác, như Egypt (Ai Cập), Pakistan và Guatemala. Tại nhiều nước, các cuộc điều tra còn tìm thấy mối quan hệ giữa KH và đầu tư kinh doanh: KH đóng góp 20% vốn của 6000 doanh nghiệp nhỏ thuộc 44 thị trấn tại Mexico và tỷ lệ vốn KH đạt trên 30% tại 10 tỉnh của Mexico có lượng dân di trú ở Hoa Kỳ cao nhất. Cuộc điều tra tại 13 quốc gia vùng Caribbean cho thấy, cứ 1% KH gia tăng kéo theo sự gia tăng 0.6% vốn đầu tư. KH cũng ảnh hưởng tích cực trên phương diện giáo dục và y tế; tuy chưa mấy rõ nét về mặt y tế, nhưng cụ thể hơn về giáo dục với con số học sinh nghèo đi học tăng lên đáng kể tại các quốc gia Philippine, El Salvador và Mexico. Những tác động lan truyền của KH mang lại là do sự tiêu dùng KH làm phát sinh lợi tức cho các thành phần dân cư khác khi cung ứng sản phẩm và dịch vụ, cũng như những phát triển kinh tế do KH đầu tư tác động đến các khu vực sản xuất và kinh doanh liên hệ khác. Ngoài ra, KH còn có vai trò cứu trợ, làm giảm bớt những khó khăn, tổn thất do thiên tai, mất mùa, hay khủng hoảng kinh tế gây ra. Lượng KH gia tăng khi thiên tai xảy ra tại Jamaca năm 2004 và Philippines năm 2005 là những ví dụ điển hình. Trình trạng sút giảm lực lượng lao động do thành viên trong các gia đình được hưởng KH không tham gia lao động vì tâm lý hưởng nhàn được nhóm nghiên cứu WB xem là không đáng quan ngại, vì họ cho rằng đây là sự thụ hưởng bình thường, nhất là khi sự trợ giúp KH có kèm theo điều kiện khuyến khích nguời thụ hưởng không nên ỷ lại.

Song cuộc điều tra của WB cũng cho thấy di trú trong nhiều trường hợp phải trả giá đắt. Ngoài những tổn thất tinh thần, người di trú có khi còn gặp rủi ro. Nhiều người trong số họ bị khai thác và lạm dụng, nhất là những người di trú bất hợp pháp. Các quyết định tham gia di trú thường dựa trên những tin tức không xác thực, dẫn đến trình trạng phải trả chi phí quá cao để được di trú. Không hiếm những trường hợp chi phí này cao cả hơn thu nhập. Ngoài ra, còn phải kể đến những mất mát khi bỏ lại gia đình sau lưng, nhất là con cái.

Những tổn thất và rủi ro này được Susanna Mitchell đào sâu hơn qua bài viết “Di trú và phát triển: cơ hội hay khai thác?” [2] Mitchell cáo buộc tài liệu nghiên cứu của WB nói trên đã “tô hồng” vai trò của KH: “Do bị ảnh hưởng sâu xa bởi nhu cầu lao động di trú đang gia tăng của các QGPT, các tài liệu này đã tô hồng vấn đề di trú khi chỉ lướt qua bản chất không mấy tốt đẹp của công việc 3-D (dangerous, dirty and difficult - nguy hiểm, dơ bẩn và khó nhọc) mà hầu hết người di trú phải đảm trách, những tổn hại về mặt xã hội và tinh thần, và không hề đào sâu vào căn nguyên của sự gia tăng di trú.” Tuy phải làm những công việc khó nhọc mà người dân bản xứ tránh né, người di trú thường bị người dân bản xứ nhìn dưới cặp mắt ngờ vực vì cho rằng họ đã lấy mất công ăn việc làm, làm sụt giảm lương bổng, không đóng thuế, gây tội phạm, và làm băng hoại tính thuần khiết và lành mạnh của cộng đồng bản địa. Họ phải vất vả để thích nghi với môi trường sống mới rất xa lạ, từ ngôn ngữ đến văn hoá, và thiếu thốn các quan hệ thân thuộc gia đình, xã hội và tập quán cộng đồng. Tại Âu Châu, cuộc điều tra do Tổ chức Y tế và Di trú Quốc tế thực hiện cho thấy tỷ lệ tự tử của dân di trú cao hơn bình thường, và số tai nạn nghề nghiệp cao gấp hai lần do thời gian làm các công việc nguy hiểm quá dài. Các cuộc nghiên cứu khác tại Phi Châu, các quốc gia vùng Caribbean và Hòa Lan cũng đã xác định mối quan hệ giữa di trú và tỷ lệ cao bất thường của các chứng bệnh tâm thần.

Sự gia tăng nhanh chóng của lượng KH tại các QGĐPT dễ dẫn đến sự suy luận rằng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia đang dần thu hẹp. Song các dẫn chứng của Mitchell đã cho thấy chiều hướng phát triển đang đi ngược lại. Gần phân nửa dân số thế giới (3/6 tỷ) hiện có lợi tức dưới 2 USD/ngày, và khoảng 1.1 tỷ người đang sống với đồng lương dưới 1 USD/ngày. Trong tổng số 18 ngàn 691 tỷ USD tăng trưởng GDP của thế giới trong 20 năm 1981-2001, có 4.2 % là lợi tức của người lao động thu nhập dưới 2 USD/ngày; và chỉ hơn 1.5% cho dân số có lợi tức dưới 1 USD/ngày. Lượng KH cũng không có khuynh hướng đổ vào các quốc gia nghèo nhất; theo số liệu của Tổ chức Di trú Thế giới (IOM), chỉ 6 quốc gia Ấn Độ, Mexico và Philippines, Morocco, Egypt và Turkey đã chiếm khoảng 1/2 KH trên thế giới. Trong phạm vi quốc gia, thành phần dân cư nghèo nhất thường không đủ khả năng tham gia chương trình di trú vì các chi phí quá tốn kém. Hơn thế nữa, tại nhiều quốc gia, KH đã có những ảnh hưởng tiêu cực về phương diện giáo dục. Số dân Mexico di trú tại Mỹ chưa hoàn tất bậc trung học cao hơn 6 lần so với dân bản xứ. Dữ kiện này rất ăn khớp với kết quả nghiên cứu do giáo sự McKenzie thực hiện tháng 10/2005: trẻ em Mexico từ 16-18 tuổi trong các gia đình di trú học kém hơn các trẻ em khác cùng lứa tuổi. Tâm lý ỷ lại vào KH, do vẫn có thể thu nhập cao khi đi di trú mà không phải học hành đến nơi đến chốn, có thể không khuyến khích việc học hành. Trên khía cạnh này, KH được so sánh với các chương trình trợ cấp xã hội (welfare), khi người thụ hưởng thường trở nên lệ thuộc, thụ động, và không muốn đi làm.

Thu nhập từ xuất khẩu lao động của Việt Nam đạt 1.6 tỷ USD năm 2006, với tổng số khoảng 400 ngàn lao động đang làm việc tại hơn 50 quốc gia; trung bình mỗi lao động gởi về nhà được khoảng $4000/năm. Nếu như chi phí đi lao động không quá cao, và hợp đồng lao động suôn sẻ trong vài ba năm, khoản thu nhập đáng kể này có thể giúp người lao động cải thiện đời sống. Song trên thực tế, người dân phải trả chi phí lao động cao hơn qui định rất nhiều, và còn phải đối đầu với những rủi ro trong hợp đồng do tình trạng nhũng lạm, luật lệ còn bất cập, và những khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động tại các quốc gia di trú. Hãy lắng nghe những phản ảnh từ nguồn báo chí trong nước. Báo Người Lao động số ngày 8/5/2006 viết:

“Trong tổng số gần 170 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, hiện chỉ mới có khoảng chục doanh nghiệp tư nhân. Nhưng không phải doanh nghiệp Nhà nước nào cũng làm ăn đàng hoàng. Tình trạng tư nhân núp bóng doanh nghiệp Nhà nước làm xuất khẩu lao động đang xảy ra khá phổ biến. Chỉ cần mua lại giấy phép xuất khẩu lao động, các cá nhân có thể đường hoàng lập ra trung tâm, hoặc chi nhánh công ty xuất khẩu lao động. Để có được giấy phép, không chỉ ăn chia lợi nhuận theo thỏa thuận, mà hằng tháng, giám đốc công ty có giấy phép còn được lại quả riêng một số tiền không nhỏ. Lấy đâu ra tiền để ăn chia và lại quả? Câu trả lời được ông Nguyễn Thanh Hòa, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, nói thẳng: Chỉ có tận thu người lao động bằng mọi cách.” [3]

Người lao động bị tận thu qua nhiều ngõ ngách, như thu chi phí cao hơn qui định: “Chương trình cấp phép lao động nước ngoài tại Hàn Quốc, chi phí ban đầu theo quy định chỉ 699 USD, nhưng thực tế nhiều người tốn cả chục ngàn USD mới đi được.” [4] Hoặc “thu một lần cho cả 3 năm (theo qui định, được thu một tháng lương/năm) đối với hợp đồng có thời hạn 2 năm (thu cả thời gian gia hạn)”, và không hoàn lại tiền khi hợp đồng không được gia hạn hoặc bị gián đoạn. [5] Người lao động còn phải chi tiền cò: “Anh bảo vệ này là người nhà của giám đốc, chỉ cần bỏ ra 1.000 USD là... có chỉ tiêu ngay.” [6] Hay những khoản chi không tên mà báo Thanh niên gọi là chi phí làng xã: “Họ buộc phải chung chi cho các quan cấp một mớ, quan xã một mớ; lên huyện, lên tỉnh lại phải chung chi cho quan huyện, quan tỉnh một mớ nữa.” [7] Với từng ấy chi phí trắng đen, người dân nghèo xuôi ngược vay mượn, thế chấp, và nếu may mắn lắm mới có đủ tiền để đi XKLĐ. Cuộc hội thảo tháng 12/2006 tại TP. HCM do Công ty Dịch vụ XKLĐ & Chuyên gia (Suleco) tổ chức đã đúc kết: “Có tới 56,8% lao động cho rằng chi phí môi giới trung gian quá cao khiến họ không đi XKLĐ. Ngoài ra, 83,3% cho biết không đủ điều kiện để đi XKLĐ.” [8]

Nhưng khi ra được nước ngoài rồi, không phải ai cũng gặp thuận lợi. Không ít người đã bị giới chủ nhân ngược đãi và lạm dụng, và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng di trú bất hợp pháp. Dưới đề tài “Thân phận lao động chui tại Đài Loan,” tờ VNEpress số tháng 10/2006 đã tường thuật, có đến 11 ngàn “lao động chui” trong số 71.000 người lao động đang làm việc tại Đài Loan. [9] Tổng kết tình hình XKLĐ năm 2005, tờ Saigon Times tường thuật tỷ lệ lao động chui tại Nam Hàn và Nhật Bản lên đến khoảng 30%. [10] Các tranh chấp lao động cũng xảy ra khá thường xuyên, và người lao động thường phải chịu thiệt thòi:

“Thời gian qua, tình trạng lao động về nước trước hạn mà lỗi không thuộc về họ (như doanh nghiệp ở nước ngoài bị phá sản, bị mất việc làm, không được gia hạn visa...) đã thường xuyên xảy ra. Điều đáng nói là trong hầu hết các vụ tranh chấp, dù lỗi không thuộc mình, người lao động vẫn bị thua thiệt quyền lợi… Ở trường hợp giải quyết tranh chấp theo pháp luật của nước tiếp nhận lao động, qua hàng loạt các vụ tranh chấp, điển hình như ở Malaysia, doanh nghiệp không thể can thiệp buộc đối tác, chủ sử dụng lao động bồi thường thiệt hại cho người lao động, cũng như không đưa ra được hướng giải quyết có lợi cho người lao động.” [11]

Ngoài ra, những ảnh hưởng về giáo dục và xã hội như việc học hành và dạy dỗ con cái luôn là mối bận tâm của cha mẹ khi vì hoàn cảnh họ phải đi lao động xa. Cũng như Trung Quốc, ngoài hơn 400 ngàn LĐXK, Việt Nam còn có khối lượng rất lớn dân vùng nông thôn di chuyển ra thành phố và các tỉnh công nghiệp làm việc, làm phát sinh các vấn đề xã hội, lung lay nền móng gia đình. Bản tin của BBC tháng 2/2007 [12] tường thuật tin trên tờ Nhật báo Trung Quốc về trình trạng của trẻ em sinh sống xa cha mẹ ở Trung Quốc rất đáng được lưu ý:

“Nhiều em trong số 20 triệu trẻ em sống với người thân vì cha mẹ đi lao động xa phải trải qua tâm trạng cô độc và học hành sút kém. Việc liên lạc giữa cha mẹ và con cái không thường xuyên, qua đìện thoại một hai lần trong tháng, và về thăm nhà mỗi năm chỉ một lần.”


3. Ảnh hưởng của di trú và kiều hối đối với phát triển kinh tế tại các quốc gia đang phát triển

Do phần lớn lượng KH đã đổ vào các quốc gia nghèo, và ảnh hưởng của KH rất khác biệt, thậm chí còn mâu thuẫn, theo từng quốc gia, khu vực, nên không dễ truy nguyên giữa di trú và sự chậm phát triển, đâu là đầu, đâu là ngọn?

Cuộc nghiên cứu của WB qua tài liệu Những chỉ dẫn kinh tế của kiều hối và di trú năm 2006 đưa đến kết luận, “Các chứng cứ về ảnh hưởng của KH đối với phát triển kinh tế trong trường kỳ đã không xác lập được.” Mặc dù các công trình nghiên cứu của WB nêu lên ở phần 1 cho thấy, tại một số quốc gia, KH đã có những đóng góp tích cực trên các mặt giáo dục, y tế và đầu tư, song cuộc điều tra do IMF thực hiện năm 2005 trên 101 quốc gia giai đoạn 1970-2003 đã không xác minh được mối quan hệ giữa KH và sự phát triển, hoặc giữa KH và yếu tố khác như giáo dục và đầu tư (IMF 2005). Tuy nhiên, với ngân lượng rất lớn, theo WB, KH có những tác động tích cực và rõ rệt trên một vài chỉ số kinh tế quan trọng. KH có thể cải thiện độ tin cậy tài chánh (credit worthness) của quốc gia, nhờ đó làm tăng khả năng tiếp cận nguồn tài chánh quốc tế. KH còn được sử dụng làm bảo chứng cho việc phát hành chứng khoán, qua đó thực hiện việc vay vốn trên thị trường tài chánh quốc tế với lãi suất thấp và dài hạn hơn. Qua những tác động và phương án này, các quốc gia Mexico, El Salvado, và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng nguồn vốn lên 2.3 tỷ USD trong thời kỳ 1994-2000. Trên thị trường lao động, di trú còn có tác dụng như “nút thoát an toàn làm giảm thất nghiệp”, do đó có thể tận dụng được nguồn nhân lực trong nước.



Mặt khác, cũng theo WB, di trú có thể có những tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế. Những tổn thất về lao động kỹ thuật (brain drain) ảnh hưởng đến nguồn vốn tri thức, chi phí đào tạo và những dịch vụ trọng yếu, đặc biệt trên hai lãnh vực giáo dục và y tế. Tuy nhiên, các QGĐPT có thể thực hiện chính sách làm giảm thiểu sự thất thoát nguồn lao động quí hiếm này, và do đó tăng khả năng truyền tải kiến thức học hỏi được từ các quốc gia tiên tiến khi trở về nước (brain gain). Thứ đến, lượng KH lớn tăng mạnh có thể ảnh hưởng hối suất theo chiều hướng tăng trị giá tiền tệ trong nước (currency appreciation) gây bất lợi cho xuất khẩu. Dù vậy, do được phân bố trải rộng, tác động của KH trên hối suất có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn so với sự bùng phát của các nguồn tài chánh khác.

Nhưng Susanna Mitchell còn đi xa hơn, nhấn mạnh đến mức độ trầm trọng của trình trạng “chảy chất xám” và ảnh hưởng sâu xa của nó đối với sự phát triển của các QGĐPT. Dữ kiện sử dụng từ tài liệu của WB cho thấy lượng lao động kỹ thuật di trú tại 30 quốc gia của khối OECD tăng đến 100% trong giai đoạn 1990-2000, so với sự gia tăng 50% của lao động phổ thông. Châu Phi, vùng Caribbean và Trung Mỹ là những khu vực mất chất xám nặng nề nhất. Khoảng 50% lao động tốt nghiệp đại học tại các quốc qia vùng Caribbean và Trung Mỹ sống ở nước ngoài. Lao động kỹ thuật di trú chiếm đến 20% trên tổng số lao động kỹ thuật của 42 quốc gia vùng sub-Saharan (trừ Nam Phi) và gần 50% tổng số lao động di trú đến từ Á Châu. Theo số liệu của Tổ chức Di trú Thế giới (IOM), khoảng 30 đến 50% của toàn bộ nhà khoa học và kỹ sư của các QGĐPT hiện đang làm việc cho các QGPT. Trầm trọng hơn, tại một số quốc gia, như Jamaica chẳng hạn, lao động có trình độ đại học làm việc tại Hoa kỳ gấp 4 lần con số trong nước. Những tổn thất nhân lực trên mặt y tế gây bức xúc hơn cả, vì nó quan hệ đến việc chăm lo sức khỏe của người dân nghèo tại các quốc gia có lợi tức thấp, nơi số lượng y tá và bác sĩ vốn đã thiếu trầm trọng. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và Liên Hiệp Quốc (WHO/UN), hơn 1/3 số bác sĩ tại Liên hiệp Anh được đào tạo hoặc đến học từ nước ngoài, 23% bác sĩ tại Hoa Kỳ được đào tạo ở nước ngoài, 2/3 trong số đó đến từ các QGĐPT. Đơn cử vài trường hợp để thấy rõ hơn mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất chất xám trên lãnh vực y tế của các QGĐPT: Pakistan và Nam Phi mất phân nửa số sinh viên tốt nghiệp y khoa mỗi năm, Ghana mất khoảng 2/3. Lượng bác sĩ của Ethiopia đang làm việc ở Chicago nhiều hơn tại chính quốc gia này, và tại Zimbabwe, nơi nhu cầu nhân sự cho các dịch vụ y tế hết sức cấp thiết, con số y tá làm việc ở Liên hiệp Anh trong giai đoạn 1998-2004 nhiều hơn tổng số y tá đào tạo tại Zimbabwe!

Mitchell cũng đã bác bỏ lập luận cho rằng “di trú gia tăng trong giai đoạn đầu phát triển của quốc gia, và giảm dần theo tiến trình phát triển.” Trên thực tế, đã có được mấy quốc gia như Nam Hàn và Malaysia trong số các quốc gia lợi tức thấp và trung bình vươn lên thành quốc gia lợi tức cao? Những nước nào trong số những quốc gia có lượng dân di trú cao như Mexico, Turkey, Philippines, Pakistan, Yemen, Egypt, Morocco, Lesotho, Burkina Faso, Jamaica… đã đạt được mức phát triển kinh tế cao? Mitchell còn phản bác lý thuyết “tiếp nhận chất xám” (brain gain - cho rằng có thể xoay ngược trình trạng mất chất xám), rằng lý thuyết này đã không phản ảnh thực trạng. Ông trích dẫn lời của Mauric Schiff, người đã bác bỏ lý thuyết “brain gain” qua cuốn sách Di trú thế giới, kiều hối và trình trạng mất chất xám do WB ấn hành. Từ những năm 60, nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu vấn nạn chảy chất xám đã được các quốc gia Ghana, India, Pakistan và Philippine thực hiện, nhưng kết quả đạt được rất thất vọng.

Nguồn kiều hối và số lượng dân di trú khá lớn của Việt Nam đã có những đóng góp nhất định trên bình diện kinh tế. Báo cáo Phát triển Kinh tế Việt Nam Năm 2006 của WB [13] đã đề cập đến tiềm năng nguồn vốn đầu tư của Việt kiều ở hải ngoại, cách trực tiếp qua các dự án, hay cách gián tiếp qua người thân. Con số thống kê về đầu tư của nguồn KH hiện rất tản mạn. Theo tài liệu “Ảnh hưởng của kiều hối và kiều dân: trường hợp của Việt Nam,” ấn hành tháng 12/2005 trên tạp chí Dân số Châu Á -Thái Bình Dương, của TS. Đặng Nguyên Anh [14] , khoảng 1 tỷ USD từ nguồn kiều hối đã không sử dụng vào việc tiêu dùng, nhưng cho các dự án đầu tư qui mô nhỏ. Một con số rất khiêm tốn so với tổng số KH gần 20 tỷ USD vào thời điểm tài liệu này ấn hành. Cũng theo ông Đặng, tính đến năm 2002, kiều bào đã đầu tư 504 triệu USD trên 60 dự án theo luật đầu tư nước ngoài, và 700 doanh nghiệp theo luật đầu tư trong nước. Nguồn vốn đầu tư này vẫn còn rất thấp so với tiềm năng. Tuy nhiên, sẽ không đánh giá đúng mức ảnh hưởng của KH nếu không kể đến những ảnh hưởng gián tiếp mà nguồn KH tác động vào hoạt động kinh doanh và sản xuất phát sinh từ sự tiêu dùng ngân khoản rất lớn này.

Trên phương diện tài chánh, theo tài liệu Báo cáo cập nhật tình hình phát triển và cải cách kinh tế của Việt Nam do WB ấn hành tháng 12/2006 [15] , KH đã góp phần giúp cho tài khoản vãng lai của Việt Nam thặng dư trong hai năm 2005 và 2006. Sự cải thiện cán cân vãng lai, cùng với các chỉ số kinh tế tài chánh khác, như tỷ lệ nợ trên kim ngạch xuất khẩu, dự trữ ngoại tệ, và các nguồn vốn đầu tư và phát triển, đã giúp nâng cao độ tin cậy tài chánh của Việt Nam trên thị trường tài chánh quốc tế; tháng 9/2006, Công ty Standard and Poor đã nâng hạng tín nhiệm ngoại tệ của Việt Nam lên một mức thành hạng BB, và nội tệ từ BB lên BB+.

Nhận thức được nguồn vốn quí chất xám trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, Vìệt Nam đã có nhiều nỗ lực thu dụng nhân tài trong số 3 triệu kiều bào. Từ năm 1990, Việt Nam đã phối hợp với Liên Hiệp Quốc (UNDP) thực hiện chương trình Chuyển giao tri thức thông qua kiều dân (TOKTEN). Theo tài liệu của TS. Đặng Nguyên Anh, đến năm 2002, chương trình này đã mời được 150 chuyên gia trên nhiều lãnh vực khác nhau. Vai trò của các chuyên gia này được Ông Keith Bradsher, tờ NewYork Times, đánh giá cao: “Cũng như Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam đang hưởng lợi rất lớn từ sự trở về của kiều dân, những người đã từng bỏ chạy trước đây. Hàng ngàn kiều dân đã trở lại sau khi đã thông thạo tiếng Anh, tiếp nhận được năng khiếu chuyên môn và kinh nghiêm quản trị.” Ông Bradsher đơn cử Phu Thân, Giám đốc Intel tại Việt Nam và Đông Dương, như một ví dụ điển hình. [16] Louis Nguyễn, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư công nghệ của VinaCapital, một trong những công ty đầu tư vốn hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, hoặc tiến sĩ Trần Văn Thọ - giáo sư đại học Waseda (Tokyo), thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật - tư vấn kinh tế cho Việt Nam từ thời chính phủ ông Võ Văn Kiệt đến nay, là một vài trường hợp đáng chú ý khác.

Mặt khác, lượng du học sinh Việt Nam đã gia tăng đáng kể, khoảng 40 ngàn người. Thời gian gần đây, dư luận trong nước đã phản ảnh mối quan tâm e ngại rằng du học sinh tốt nghiệp sẽ không trở về nước. Tình trạng chảy chất xám không phải chỉ là nỗi quan ngại xa xôi, mà là mối hiểm họa thực sự Việt Nam sẽ phải đối đầu. Bản tin tháng 2 năm 2007 trên BBC đã tường thuật “Viện Khoa học Xã hội tại Bắc kinh đã nhận định rằng vấn nạn chảy chất xám của Trung Quốc hiện nghiêm trọng hàng đầu thế giới, với khoảng 2/3 du học sinh từ 1980 đã không trở về nước.” [17]

Trên thị trường lao động, nỗ lực nâng cao cả số lượng người đi lao động lẫn tỷ lệ lao động kỹ thuật, là một chính sách rất đáng quan ngại. Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, kế hoạch XKLĐ sẽ gởi từ 100-120 ngàn lao động mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010; tỷ lệ lao động kỹ thuật sẽ tăng từ 30% vào đầu năm 2006 lên 70% năm 2010, và 100% năm 2015. [18] Trong khi đó, khả năng đào tạo và cung ứng lao động kỹ năng cao tại Việt Nam vẫn còn thấp so với nhu cầu sản xuất trong nước đang tăng trưởng mạnh, và điều này hiện là một trong những lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Đến ngay cả lao động phổ thông, là ưu thế lớn nhất của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh thu hút nguồn vốn FDI, hiện cũng đang có những dấu hiệu rất đáng quan tâm. Theo phản ảnh từ báo chí và giới hữu trách trong nước, các khu sản xuất, đặc biệt tại các thành phố lớn, đang gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Dưới đề tài “Nhìn từ luật cung cầu”, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn tháng 3/2006 viết:

“Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (Hepza), cho biết doanh nghiệp trong các khu chế xuất (KCX) - khu công nghiệp (KCN) đang thiếu lao động trầm trọng -. Hiện nay thành phố không những thiếu lao động có tay nghề mà cả lao động không có tay nghề cũng khan hiếm. Giống như TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương cũng đang đứng trước tình hình đói lao động. Ngoài lý do vật giá tăng nhanh hơn mức lương, ông Tùng còn nhận xét: ‘Thời gian gần đây tỉnh nào cũng có KCN, cũng thu hút được nhà đầu tư nên người lao động ở các tỉnh đang làm việc ở TPHCM có xu hướng trở về địa phương làm việc. Hơn nữa, theo ông Tùng, chính sách về xuất khẩu lao động cũng làm cho lao động trong nước thiếu hụt.’” [19]

Theo tài liệu WB nói trên, XKLĐ gia tăng mạnh khi cung cầu lao động trong nước cân đối có thể dẫn đến việc gia tăng chi phí lao động nội địa. Nếu tình trạng lao động sẽ trở nên khan hiếm và chí phí lao động gia tăng, Việt Nam có nguy cơ đánh mất ưu thế lao động trong cuộc chạy đua thu hút đầu tư, vốn đã rất cam go, với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á khác. Kế hoạch xuất khẩu hàng trăm ngàn lao động kỹ thuật trong những năm tới không có tính khả thi, nhưng giả sử thực hiện được, kế hoạch này sẽ gây tổn thất không nhỏ đến nguồn nhân lực kỹ năng vốn rất cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế đang mở rộng tại Việt Nam. Hơn nữa, gần đây Việt Nam còn dự trù sẽ đưa lao động ngành y tế qua Hoa Kỳ vì thu nhập rất cao, trong khi nhân lực ngành này vẫn còn rất thiếu, cả lượng lẫn chất, nhất là khu vực nông thôn, vùng xa, vùng sâu, và gánh nặng chi phí y tế đối với người lao động hiện là một vấn đề xã hội rất bức xúc. Thử nghĩ, nếu Việt Nam sẽ đưa được hàng chục ngàn y tá ra nước ngoài, thành phần nào trong xã hội sẽ hưởng lợi, và tầng lớp dân chúng nào sẽ chịu thiệt thòi?

Một kết luận quan trọng của cuộc nghiên cứu do Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) thực hiện năm 2005 đã được Mitchell trích dẫn: “Khi mức chênh lệch lợi tức giữa quốc gia gởi và nhận dân di trú giảm xuống ở tỷ lệ 4:1 hay 5:1, đi đôi với hoạt động kinh tế và công ăn việc làm tại quốc gia có lợi tức thấp đạt mức phát triển cao, hầu hết người dân sẽ lựa chọn không tham gia di trú.” Điều này đã nói lên được những mất mát và rủi ro không nhỏ mà người lao động phải đắn đo cân nhắc khi quyết định di trú. Người Việt Nam vốn chịu thương chịu khó, có đức tính hy sinh cao, sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh trong một giai đoạn nào đó để cuộc sống gia đình khá hơn, con cái họ được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng những hy sinh và mất mát khi phải sống xa những người yêu thương, quê nhà thân thiết, và đối đầu những rủi may trong công việc và cuộc sống xa lạ nơi đất khách quê người, người lao động cần phải được bảo vệ để không phải oằn vai gánh nặng những chi phí trắng đen, hoặc khi gặp phải sự chèn ép và khai thác của giới chủ nhân.

Trên bình diện quốc gia, dù có những khác biệt khi đánh giá ảnh hưởng của KH và di trú đối với sự phát triển kinh tế tại các quốc gia có lợi tức thấp, các tài liệu nghiên cứu đều nhấn mạnh rằng: “Di trú không thể xem là giải pháp cho phát triển kinh tế; sự phát triển phải tùy thuộc vào chính sách phát triển hiệu quả. Và trong trường kỳ, quốc gia phải có chính sách phát triển kinh tế nhằm tận dụng nguồn lao động thay vì lệ thuộc vào chương trình di trú.” Song trên thực tế, theo Mitchell, do “văn hoá ỷ lại kiều hối”, ngày càng có nhiều quốc gia lệ thuộc vào nguồn tài chính này.

Chính sách xuất khẩu lao động có thể góp phần vào sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân trong một giai đoạn nhất định chỉ khi nào chính sách ấy không làm tổn hại đến nguồn vốn quí lao động và tri thức, khi quyền lợi người lao động được bảo vệ, khi con người, đất nước Việt Nam không tiêm nhiễm tinh thần vọng ngoại, ỷ lại vào KH, và vững tin vào nội lực, bước tới trên đôi chân của chính mình.

Hoặc Việt Nam sẽ sớm trở thành “cường quốc xuất khẩu lao động”, như Philippines và Mexico, với nền kinh tế phát triển què quặt, và nền văn hoá ngoại lai.

3/2007

© 2007 talawas


[1]World Bank, Global Economic Prospects – Economic Implications of Remittances and Migration 2006
[2]Susanna Mitchell, “Migration and development: Opportunity or exploitation?”
[3]Người Lao Động, “Ra ngõ gặp ‘cò’, vào doanh nghiệp gặp...’ma”
[4]Nt.
[5]Người Lao Động, “Chế tài mạnh, xử lý nghiêm”
[6]Người Lao Động, “Ra ngõ gặp ‘cò’, vào doanh nghiệp gặp... ‘ma’”
[7]VNEpress, “Thân phận lao động chui ở Đài Loan”
[8]Tuổi Trẻ, “Chỉ 7,64% lao động của TP.HCM đi XKLĐ”
[9]VNExpress, “Thân phận lao động chui ở Đài Loan
[10]SaigonTimes, “Labor Export Brings Benefits
[11]Người Lao Động,Cần một cơ chế thoáng, giảm rủi ro cho người lao động
[12]BBC, “China migrants leave kids behind
[13]World Bank, VietNam Development Report 2006
[14]Asia-Pacific Population Journal, “Enhancing the Development Impact of Migrant Remittances and Diaspora: The Case of Viet Nam
[15]World Bank, An update on Vietnam's economic developments and reforms
[16]Keith Bradsher, “Vietnam’s Roaring Economy Is Set for World Stage”. Trong The New York Times.
[17]BBC, “China's lost talent overseas
[18]Saigon Times, “Nhìn từ quy luật cung-cầu
[19]Người Lao Động,Cần một cơ chế thoáng, giảm rủi ro cho người lao động