trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
3.4.2007
Nguyễn Ngọc Lan
Trần Độ, Trần Trọng Tân, Trần Bạch Đằng
 
Ngày 26.2. vừa qua, cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan, nhà trí thức đối lập nổi tiếng trong cả hai chế độ (Việt Nam Cộng hoà trước 1975 và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau 1975) đã qua đời. Báo chí tại Việt Nam cho đến nay hầu như không nhắc đến sự kiện này, ngoài một bài báo của ông Trần Bạch Đằng trên tờ Thanh niên. Chúng tôi xin đăng lại một bài viết của ông Nguyễn Ngọc Lan trên tờ Tin nhà năm 1998, được in lại trong tập Hẹn thắp lên - Lời chứng hai mươi lăm năm 1975-2000, do Trình bày xuất bản tại hải ngoại năm 2000.
talawas
Sau ông Trần Trọng Tân [1] , đến lượt ông Trần Bạch Đằng viết bài nghĩa vụ phản công cụ Trần Độ và các sĩ phu Bắc Hà khác. Ông cũng không nêu tên ai cả, tránh trực diện với người bất đồng chính kiến. Nhưng ông họ Trần này không đi vào chi tiết nội dung và "chưa nói về quan điểm" như ông họ Trần kia. Ông chỉ đòi "định vị trong phê phán" (tiêu đề bài đăng trên Thanh niên, Chủ nhật 25.4.1998). Lập luận của ông đơn giản đến thô thiển:

"Có thể đôi bài viết thật sự tâm huyết và xây dựng bị các đài phát thanh ấy trình bày theo dạng đối lập với chính thể Việt Nam của một nhân vật từng giữ một cương vị quan trọng trong quá khứ." Nhưng các bài viết ấy "bị bán rao qua các đài phát thanh nước ngoài". Mà "thực tế lịch sử chưa bao giờ chứng minh các chương trình tiếng Việt của các đài phát thanh Anh, Pháp, Mỹ, Vatican, Úc... có thiện cảm với Việt Nam". Kết luận: "Vậy thì, một ý kiến của ai đó – có thể rất trong sáng và thiện chí - lại quảng bá bằng các đài kiểu BBC, lòng tự trọng của người có ý kiến lẽ nào không bị tổn thương? (...) nếu ý kiến của mình bị lợi dụng thì cần lớn tiếng nói cho rõ. Minh bạch, đó là sự định vị đầu tiên..."

Tất cả lập luận trên đều dựa vào cả một tín điều: chống cộng là... chống Việt Nam. Minh nhiên khi ông Trần Bạch Đằng phán quyết: "những kiến nghị này khác mà tựu trung phù hợp với quan điểm chống cộng, chống Việt Nam" hoặc mặc nhiên khi ông tố cáo "các chương trình tiếng Việt của các đài phát thanh Anh, Pháp, Mỹ, Vatican, Úc" là chưa bao giờ được "thực tế lịch sử chứng minh" là "có thiện cảm với Việt Nam". Ông vẫn còn ôm khư khư cái tín điều trịch thượng và hủ lậu ấy thì đừng ai hỏi ông: vậy chống Việt Nam cách "bẩm sinh" như thế thì các đài kia cứ nói mãi cho ai nghe? Ông sẽ tiếp ngay bài giáo lý: người Việt nào khoái nghe đài BBC v.v... cũng chỉ có thể là người Việt "chống cộng, chống Việt Nam". Tựu trung "yêu nước" cứ phải là "yêu chủ nghĩa xã hội" (Mác-Lênin) y như hai ông họ Trần kia mới được, mặc dù chính chế độ từ nhiều năm rồi đã biết ngượng không trưng ra câu khẩu hiệu ấy nữa.

Say sưa theo cái đà biện chứng tín điều của mình, ông Trần Bạch Đằng uốn nắn luôn cả cái "thực tế lịch sử" cho khớp với nó. Chẳng lẽ ông không hề biết là những năm trước 75, BBC khách quan mà nói "có lợi" cho bên nào? BBC hẳn không phải không biết điều ấy, càng không hẳn đã "yêu nước Việt Nam là yêu chủ nghĩa xã hội". Nhưng cho đến những ngày cuối cùng của chế độ cũ, BBC v.v... vẫn không ngại làm phiền lòng Tổng thống Thiệu, đơn giản có lẽ chỉ vì quan niệm của họ về thông tin không phải như Bộ Thông tin của ông Thiệu mà cũng không phải như Cục Tuyên huấn miền Nam của ông Trần Bạch Đằng. Hồi ấy họ cũng không bắt buộc phải nghĩ chê hay chống ông Thiệu là chống Việt Nam, y như bây giờ nếu có chống cộng thì họ chẳng phải lo rằng chê hay chống cộng là chống Việt Nam. Đặc biệt những ngày tháng Tư 1975, tin tức BBC đã tiến nhanh hơn đoàn xe tăng Bắc Việt tiến về Sài Gòn cơ đấy, và có phải là cường điệu chăng khi nhận định rằng: có những nơi, những lúc quân lính Việt Nam Cộng hoà đã hoảng loạn bỏ chạy vì nghe đài BBC trước khi kịp nghe tiếng đại bác của Việt cộng? Các cựu tướng, tá của chế độ cũ hiện sống ở nước ngoài hẳn chưa hết hận BBC. Cái tên Bê Ba Xu xuất phát từ chính Tổng thống Thiệu và báo chí chống cộng khá lâu trước 30 tháng Tư. Ông Trần Bạch Đằng quên tuốt cái thực tế lịch sử ấy, nhưng chính ông lại phải ghi nhận "Đài BBC được tiếng là khách quan", tuy hẳn chỉ là "được tiếng" mà thôi. (Các đài phát thanh của Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây và của Trung Quốc hay của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bây giờ hình như chưa bao giờ "được tiếng" là khách quan cả, cho dẫu chỉ là "được tiếng".)

Cũng về cái "thực tế lịch sử" kia, ông Trần Bạch Đằng còn viết:

"Thử hỏi có đài nào kết án Pôn Pốt - họ gán cho công chặn đứng hiểm hoạ diệt chủng của Việt Nam thành tội xâm lược tày đình."

Ông Trần Bạch Đằng lại vo tròn cái thực tế lịch sử kia mất rồi: Cho đến khi bùng ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (chiến trnh biên giới chứ không phải chiến tranh chống diệt chủng), các phương tiện truyền thông của CHXHCN Việt Nam hay các đài phát thanh báo chí nước ngoài đã lên tiếng tố cáo Pôn pốt và báo động về nạn diệt chủng?

Thương lo quá mức tình cảm cho những Trần Độ, Phan Đình Diệu "bị lợi dụng", chẳng qua ông Trần Bạch Đằng chỉ tụng lại bài kinh của bộ máy tuyên truyền và công an chế độ cũ: đấu tranh cho hoà bình, dân chủ có thể là "rất trong sáng và thiện chí đấy", nhưng... cộng sản lợi dụng! Những ngày đầu năm 1969, khi kẻ viết những dòng này bị mời đến công an: người ta chỉ hạch hỏi về những hoạt động "hoà bình" không hẳn đã xấu nhưng chắc chắn có lợi cho cộng sản. Hạch hỏi chán không xong, đến lượt trung tá Nguyễn Mâu, an ninh đặc biệt, đích thân chiếu cố và còn nhấn mạnh hơn: "Con biết cha hoạt động cho hoà bình chỉ vì thiện chí thôi, nhưng như thế có lợi cho cộng sản." Trung tá Nguyễn Mâu sốt sắng tự xưng là Công giáo và là người duy nhất trong mấy ngày ấy đã "con con cha cha" với tôi. Ông còn hẹn chiều đến sẽ cho xem một tài liệu... đặc biệt. Tưởng gì chứ tài liệu đặc biệt chỉ là một tờ giấy bắt được của Việt cộng và phải xử lý bằng hoá chất thế nào đó mới đọc được. Trung tá Mâu chỉ đọc cốt cho nghe câu quan trọng nhất: "Chúng ta phải tận dụng các phong trào hoà bình. Kể cả phong trào hoà bình của Thích Trí Quang và linh mục Hoàng Quỳnh là những người không bao giờ đứng về phía chúng ta." Nguyễn Mâu đã chẳng được thêm gì với đòn tấn công cuối cùng ấy. Tôi đã trả lời ngắn gọn: Thì các ông cứ cố làm sao đi để chính các ông "tận dụng" được các phong trào đòi hoà bình và tự do dân chủ, tận dụng được hơn cộng sản hoặc không còn chỗ cho cộng sản tận dụng. Còn chúng tôi, việc phải làm thì cứ làm thôi. Ngụy tạo hay không ngụy tạo (đúng hơn phải nghĩ là không nguỵ tạo), tài liệu kia đã vô nghĩa đối với tôi: sau vụ bị thẩm vấn vẫn tiếp tục có thái độ, nói và viết như trước hay còn hơn trước. Và tuyệt đối không thấy "cần lên tiếng nói cho rõ". Chẳng cần và không bao giờ mất công "định vị trong phê phán". Nói gì đến thượng toạ Thích Trí Quang hay linh mục Hoàng Quỳnh. Và nói gì đến thời buổi thông tin điện tử với Internet ngày nay. Dẫu sao tôi đã tưởng là có thể quên luôn luận điệu còi hụ và dùi cui của trung tá Nguyễn Mâu. Cho đến hôm nay khi đọc ông Trần Bạch Đằng, mới bỗng thấy luận điệu của ông này có mùi ẩm mốc bắt nhớ tới luận điệu gần 30 năm trước của báo chí chống cộng ở Sài Gòn nói chung và của viên trung tá nói riêng.

Thật ra các đài ngoại quốc như BBC không lợi dụng ý kiến của sĩ phu Bắc Hà cho bằng lợi dụng sự kiện chế độ không biết lợi dụng hay không có khả năng lợi dụng những ý kiến ấy. Các vị sĩ phu Bắc Hà này còn "cần lên tiếng nói cho rõ", "định vị trong phê phán" cái nỗi gì nữa, khi yêu cầu đầu tiên của họ vẫn là một "diễn đàn tự do" và các ý kiến của họ có quyền xuất hiện trên báo chí trong nước. Hình như ông Trần Bạch Đằng cũng hiểu ra điều ấy cho nên ông mới không quên ỡm ờ:

"Tôi hiểu báo chí của ta còn một số hạn chế có khi từ chính sách quản lý Nhà nước hoặc từ những điều kiện cụ thể từng lúc của đất nước."

Chèn đét ơi! 1998-1954, tròm trèm nửa thế kỷ, nhất là từ 30.4.1975, toàn thắng và "vĩnh viễn hoà bình, không thằng nào còn dám động tới lông chân của ta" nữa, như người dân Sài Gòn từng nghe các ông Hoàng Tùng lớn bé tuyên bố. 1998-1975, 23 năm là tám ngàn bốn trăm ngày, trên 20 vạn giờ, là bao nhiêu "từng lúc" rồi? Ru ngủ, vỗ về "hãy đợi đã" hay trấn áp, doạ dẫm "hãy đợi đấy", hoặc vừa củ cà rốt kia vừa cây gậy này, là lối nói… truyền kiếp của tất cả các chế độ độc tài xưa nay trên thế giới. Và riêng ở Việt Nam, hình như ông Nguyễn Văn Thiệu đã nói y như thế, ông Ngô Đình Diệm đã nói y như thế, chỉ không có nhiều "từng lúc" để bắt nhân dân phải đợi lâu bằng bây giờ thôi (1954-1963, rồi 1967-1975). Ở Việt Nam nhiều "từng lúc" hơn thì phải trở lui lại tới tận thời các ông Tây cơ. Khởi đầu người Pháp chỉ "bảo hộ" thôi, sau này "Pháp-Việt đề huề" thời cụ Phan Chu Trinh rồi Pháp với Chính phủ Bình dân thì đều không phải là đã thiếu những hứa với hẹn. Chưa kể là cứ hỏi những bậc đại lão đảng viên như cụ Nguyễn Văn Trấn xem phải chăng những năm 30, giữa Sài Gòn thuộc địa này, Nguyễn Văn Trấn đã có nhiều cơ hội, điều kiện để làm báo hơn là nửa thế kỷ sau, giữa Thành phố Hồ Chí Minh?

Dĩ nhiên, để biện hộ cho tình trạng không có tự do ngôn luận, người ta tránh nói: thì thời nào cũng thế thôi, nhưng người ta lại dễ nguỵ biện: ở đâu cũng thế thôi. Ở đây không kiểm duyệt, các tổng biên tập tự kiểm duyệt. Nhưng tổng biên tập ở đâu mà chẳng sàng lọc bài vở, kiểm duyệt cho hợp với lọi ích của tập đoàn làm chủ tờ báo hay với những đường lối của đảng phái mà tờ báo đại diện. Lập luận như thế thì còn có thể thêm: không chỉ tổng biên tập, người cầm bút nào mà chẳng "tự kiểm duyệt", thậm chí đứa con nít biết coi lại và sửa bài trước khi nộp cho thày cô chấm cũng là "tự kiểm duyệt" rồi. Nhưng người ta đã lờ đi cốt lõi của vấn đề: Có tự do báo chí là khi báo chí không độc đạo, khi đằng sau các tổng biên tập không chỉ có một thế lực tài chính duy nhất và cũng không chỉ có một quyền lực chính trị duy nhất, toàn trị và không thể thay thế. Chỉ trong chế độ độc tài, kiểm duyệt trực tiếp hay kiểm duyệt gián tiếp thì cũng vậy thôi. Một bài báo đã bị một tờ báo khước từ vì lý do chính trị thì đố mà có thể được đăng trên một tờ báo khác. Trừ phi may mắn gặp lúc tổng biên tập... ngủ gật. Có khi kiểm duyệt gián tiếp còn gắt gao hơn vì các tổng biên tập vừa không có quyền hạn bằng một bộ trưởng văn hoá thông tin, vừa khó tránh nỗi sợ bị hoạnh hoẹ, bị mất chức. Gương những Nguyên Ngọc, tuần báo Văn nghệ, Tô Hoà, báo Sài Gòn Giải phóng, Kim Hạnh, báo Tuổi trẻ, Thế Thanh, báo Phụ nữ còn sờ sờ ra đó. Không phài vô cớ mà đòi hỏi tự do báo chí cũng là đòi hỏi dân chủ, đòi hỏi đa nguyên chính trị.

Ông Trần Bạch Đằng thay vì trước tiên lo sao giành lại phần của các đài kiểu BBC quảng bá "một ý kiến của ai đó, có thể rất trong sáng và thiện chí", lại chỉ sốt sắng thương lo cho "lòng tự trọng của người có ý kiến lẽ nào không bị tổn thương."

Nếu còn cần bàn đến "lòng tự trọng", thì tôi vẫn chỉ biết nghĩ nôm na như đã nói ra bốn năm trước, nhân ngày Tự do Báo chí Quốc tế 3.5.1994: "Cũng có thể một số trí thức có tầm cỡ không đồng ý với Phan Đình Diệu, Hà Sĩ Phu - điều này là chuyện bình thường thôi – nhưng trí thức có tầm cỡ thì cũng có chút tự trọng, mà đã có chút tự trọng thì không thể tự cho phép mình muối mặt múa bút một mình trên mặt báo. Họ có thể tranh luận với Phan Đình Diệu, Hà Sĩ Phu trên báo chí tự do nếu có, không thể 'ăn gian’, 'xích tay đối thủ rồi thách đấu’ trên báo chí công cụ (độc quyền) được. Múa bút như thế có khác gì tự bêu diếu chính mình." [2]

Báo Thanh niên đã giới thiệu ông Trần Bạch Đằng là "học giả" mà quên tự hỏi dạo sau này hai chữ "học giả" đang có ý nghĩa thời sự gì qua nhiều bài đăng trên báo Thanh niên cũng như trên các báo khác. Dẫu sao không nên hẹp hòi về chữ nghĩa đối với hai ông họ Trần. Học giả Trần Bạch Đằng đã hứng thú và kiêu hãnh giương cao hai từ kép "tự trọng" và "minh bạch" thì cũng cứ nên dành tặng hai ông họ Trần hai từ đó: ông Trần Trọng Tân "tự trọng" và học giả Trần Bạch Đằng "minh bạch". Âu cũng là do tiền định (prédestination) cả thôi.



[1]Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương Đảng, sau khi Ban Văn hoá-Văn nghệ so Trần Độ làm trưởng ban bị giải tán và sáp nhập với Ban Tuyên huấn năm 1989 (talawas)
[2]"Báo chí tự do hay báo chí công cụ" (bài nói trên đài RFI nhân ngày Tự do Báo chí Quốc tế 3.5.1994, đăng lại trong Tin nhà mùa Hè, Juillet 1994, trang 1-4)
Nguồn: Tin nhà số 34, Juillet 1998, trang 24-25. In lại trong Hẹn thắp lên - Lời chứng hai mÆ°Æ¡i lăm năm 1975-2000, trang 299-304, Trình bày xuất bản, Strassboug – Salt Lake City, 2000. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.