trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
16.4.2007
Chính Ngọ
Vài cảm nghĩ về bài “Cần thiết có một nền lý luận phê bình nhiếp ảnh hiện đại” của ông Chu Chí Thành
 
Ban đầu, khi đọc bài viết của ông Chu Chí Thành trong tạp chí Nhiếp ảnh tháng 4.2006, tôi không có cảm hứng để đưa ra ý kiến của mình. Ngày 22 tháng 6.2006, nhân buổi sinh hoạt của Hội Nhiếp ảnh thành phố, ông Nguyễn Ðặng nói rằng “anh em khi vào Hội thì phải theo quy định của Hội, nghĩa là khi chụp ảnh phải theo đúng hiện thực xã hội chủ nghĩa; nếu anh em nào không muốn, thì cứ tự nhiên rời Hội mà đi không ai cấm cản.” Vì phát biểu đó, tôi buộc phải viết bài này để giải quyết những bức xúc của cá nhân mình.

Tại Sài Gòn, trong thời gian gần đây, có nhiều cuộc triển lãm ảnh của các nhiếp ảnh gia nước ngoài về đề tài Việt Nam, trong đó, nhiều khía cạnh thực của cuộc sống được phơi bày qua những góc nhìn mà xưa nay chúng ta chưa thấy xuất hiện trong các triển lãm ảnh của các nhiếp gia Việt Nam (cả trong và ngoài hội). Theo tôi, các góc nhìn của các nhiếp gia nước ngoài chưa hẳn đã hơn chúng ta vì họ không có được tự do hay thời gian để len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm. Tuy vậy, họ lại có một ưu thế tuyệt đối mà nhiếp gia Việt Nam đã không và sẽ chẳng bao giờ có (theo ý riêng của tác giả) là quyền tự do triển lãm. Khi xin phép, các nhiếp gia nước ngoài được sự giúp đỡ hay can thiệp của tòa đại sứ nước họ nên không phải qua bức màn sắt kiểm duyệt của Bộ Thông tin Văn hóa và Hội Nhiếp ảnh. Tôi thiết nghĩ, đó là điều đáng mừng vì họ có được quyền tự do, và họ có nhiều sân chơi khác để lựa chọn. Trong khi đó, chúng ta, những nhiếp gia Việt Nam, chỉ có một sân chơi độc quyền và duy nhất của Hội Nhiếp ảnh. Thử hỏi, khi bỏ đi, chúng ta có còn sân chơi nào khác hay không? Ngay cả các sân chơi câu lạc bộ cũng bị buộc phải nằm trong tuy-dô quản lý của Hội Nhiếp ảnh. (Ông Ðặng ơi, ông có biết điều đó không? Hay ông đang làm bộ không biết? Ông hãy thử chỉ ra các sân chơi khác để anh em chúng tôi coi thử cho biết. Hay ông sợ rằng, nếu có sân chơi khác, chẳng ai chịu để ông quản lý Hội Nhiếp ảnh nữa? Phải chăng, ông muốn duy trì vài năm để ông có thể yên ổn “hạ cánh an toàn” trước, còn ai khác “gom thùng, hốt bãi” thì mặc kệ?)

Điều mà các ông lãnh đạo Hội Nhiếp ảnh luôn gọi là “tự do chọn sân chơi” nghe thật hay và dân chủ, nhưng khi suy xét lại, nó rỗng tuếch như mấy tác phẩm chúng ta đã từng chụp xưa nay. Để rồi khi những bức ảnh đó được cấp phép triển lãm, mọi người đi xem đều thấy chúng rập khuôn như nhau, vậy họ đi xem làm gì cho mất công. Đã vậy, họ còn chế nhạo rằng chúng ta chụp nhiều chỉ thêm rách việc. Rốt cuộc, khách đến xem chỉ vì triển lãm luôn có kèm theo liên hoan nhẹ, mấy lon bia để lai rai hay chút bánh trái ăn đỡ buổi chợ, và cũng là dịp gặp anh em để tán láo và khoe “của quý nghề nghiệp” mà lấy le với nhau. Do vậy, các tác giả rất thất vọng vì sau nhiều thời gian bỏ tiền và công sức thuê người dàn dựng những bức ảnh theo công thức “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, họ không tìm đâu ra sự trung thực của mình ngoại trừ cái trung thực vô hồn của ống kính trước sự giả tạo của nội dung theo công thức hiện thực đã được nhồi nhét từ xưa đến nay. Ðã đen lại đen rấp, vì ảnh giống nhau không ai mua và ai cũng có thể bắt chước được. Kết quả là bao nhiêu tiền của đều trôi vào các lab rọi hình.

Bài “Cần thiết có một nền lý luận phê bình nhiếp ảnh hiện đại” của ông Chu Chí Thành, ở trang 7, có đề cập tới vấn đề này khá rõ ràng. Nó tạm thời là một chân lý cho thấy chúng ta đang lún tận cổ trong những mâu thuẫn khác nhau. “Cái cơ sở triết học cho những luận điểm trên là mơ hồ…” (theo bài báo) đã dẫn đến việc các nhà lý luận tiếp tục việc lý luận, còn thử bắt các vị chứng minh cụ thể cái hiện thực qua tác phẩm mình thì chẳng ai hơn ai. Có chăng là hơn nhau miệng lưỡi để họ có thể lái lý luận theo ý mình, như các chương trình bình luận “lý sự” bóng đá mỗi kỳ World Cup. Tôi có thể nói rằng “Mấy ông lý sự phê bình mà như thế thì đương nhiên xảy ra cảnh ‘thượng bất chánh, hạ tất loạn.’ Chỉ thị, luật lệ của cấp trên cứ chơi ‘trò chơi chữ’ thì cấp dưới sẽ chẳng ai phục.” Một cơ sở lý luận tự thân nó mang nhiều mâu thuẫn thì sớm muộn sẽ sụp đổ. Điều gì không đúng ý, các vị công kích. Trong khi thiên hạ “la làng” thì các vị cho rằng đó chỉ là lời góp ý nhẹ nhàng. Các nhiếp gia Việt Nam không có một thế lực nào đỡ đầu hay bênh vực. Hội Nhiếp ảnh thay vì bảo vệ lại quay ra công kích hội viên mình, chơi trò “đâm sau lưng chiến sĩ” để giành độc quyền một mình một “chợ sáng tác”.

“Sau khi Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ năm 1991, khái niệm này được dùng dè dặt.” Ông Chu Chí Thành đã sáng suốt nhận ra được vấn đề này, tuy có muộn hơn 10 năm, nhưng dù sao, có vẫn hơn không. Các “đồng chí nhiếp ảnh” cấp Trung ương đã nhìn nhận như thế, sao các vị cấp dưới không tự giác thay đổi theo gương quan thầy Trung ương của mình? Hay các vị đang chờ “thánh chỉ” của “Thiên triều” rồi mới thi hành?

Nếu đã từng là “danh chính ngôn thuận”, sao nay lại dè dặt? Có vấn đề gì?

Theo lý luận của Karl Marx mà chúng tôi đã từng học hơn 12 năm ở phổ thông và đại học, nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến tranh là do thị trường giới hạn nên xảy ra sự tranh giành giữa các nhà tư bản. Giới nhiếp ảnh Việt Nam cũng là một thế giới thu nhỏ, vì vậy, các nhiếp gia cũng cạnh tranh nhau buôn bán ảnh để tìm kế sinh nhai. Ở đây, vấn đề không phải do thị trường có giới hạn gây ra sự cạnh tranh, nhưng vì chủ đề chỉ giới hạn trong khuôn khổ duy nhất là hiện thực xã hội chủ nghĩa, nên mới có cảnh anh em xâu xé, giành giật mối của nhau. Vậy chúng ta có nên duy trì độc nhất cái hiện thực này hay không (đặc biệt là khi cho rằng đây là hiện thực tốt nhất vượt trên các hiện thực khác)? Và để “hạn chế chiến tranh”, các vị phải mở rộng các chủ đề, tư tưởng khác nhau, tạo ra một thị trường mở, mới mong cứu sống nổi nền nhiếp ảnh nước nhà, trước tiên là đủ tiền góp “hụi chết” cho cái dạ dày của từng anh em đồng nghiệp. Theo đà phát triển của xã hội hiện nay, chủ đề cho nhiếp ảnh là vô tận. Nhưng không ai cho chúng ta biết rằng anh em nhiếp gia đang sống trong một thế giới “đất rộng người thưa”, để chúng ta mãi xâu xé nhau trong một khuôn khổ nhỏ hẹp.

Tôi cầu mong anh em bán được ảnh của mình để gỡ lại vốn sắm sửa dụng cụ và chi phí cho việc thuê người mẫu và dàn dựng sáng tác. “Có thực mới vực được đạo”, nếu không, không chóng thì chày, chúng ta cũng “vỡ nợ”. Nếu mãi lý luận nhưng chẳng tới đâu thì sẽ lại mang tiếng “già dái non hột” mà ham lý sự.

Tôi cũng không muốn chúng ta bị ai đó phán cho rằng: “Cái Hội Nhiếp ảnh mình nó thế! Nhếch nhác! Buồn cười!”

Cuối cùng, phải nói thêm rằng bài báo đã nói “hiện thực xã hội chủ nghĩa” là tốt nhất, vậy tôi xin hỏi, “tốt nhất” là thế nào? Nếu đó là trường phái “tốt nhất”, sao không thấy các nhiếp gia thế giới đả động đến hay đổ xô vào bắt chước theo chúng ta? Những bức ảnh hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta đã “sống” được bao lâu so với các tác phẩm tầm cỡ thế giới với hơn 100 năm tuổi đời? Theo tôi, muốn so sánh với các tác phẩm bậc thầy của thế giới hôm nay, các tác phẩm “hiện thực xã hội chủ nghĩa” của ta hãy ráng “sống” gần 100 tuổi thôi rồi kết luận hẳn cũng chưa muộn.

Tôi tạm dừng ở đây, vì e rằng “trung ngôn nghịch nhĩ”.


© 2007 talawas