trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
3.5.2007
Dick K. Nanto
Kiến trúc khu vực Ðông Á: những phối trí an ninh và kinh tế mới và chính sách của Hoa Kỳ
(Tường trình RL33653 của CRS cho Quốc hội Hoa Kỳ 18 tháng Chín, 2006)
Khiêm dịch
 1   2   3 
 
Tóm tắt

Sự kết thúc của chiến tranh lạnh, sự trỗi dậy của Trung Quốc, toàn cầu hóa, các thỏa ước mậu dịch tự do, cuộc chiến chống khủng bố, và cách tiếp cận qua các thiết chế để gìn giữ hòa bình đang gây nên những sự chuyển hướng ngoạn mục trong quan hệ giữa các quốc gia Đông Á. Một kiến trúc khu vực mới ở dạng các phối trí chính trị, tài chính, và mậu dịch giữa các quốc gia Đông Á, đang được hình thành, và sẽ có tác động đáng kể đối với chính sách và quyền lợi của Hoa Kỳ. Bản tường trình này thẩm định lại kiến trúc khu vực này với trọng tâm là Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản, và Đông Nam Á. Những kiểu phối trí bao gồm các Thỏa ước Mậu dịch Tự do Song phương (FTA), các hiệp ước mậu dịch khu vực, các phối trí tiền tệ, và các phối trí an ninh và chính trị.

Kiến trúc khu vực Đông Á được chống đỡ bởi hai chân chống riêng biệt. Chân chống kinh tế rất vững và đang lớn mạnh hơn. Một mạng lưới các FTA khu vực và song phương đang phát triển. Cả FTA Đông Á (gồm 13 quốc gia) lẫn FTA Á Châu (gồm 16 quốc gia) đang được thảo luận cùng lúc. Ngược lại, chân chống an ninh và chính trị vẫn còn tương đối kém phát triển. Bước tiến bộ nhất đã được thực hiện với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò người triệu tập các hội nghị và có dạng của Cộng đồng An ninh ASEAN (10 quốc gia Đông Nam Á) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (25 quốc gia, gồm cả Hoa Kỳ). Ở Đông Bắc Á, các cuộc đàm phán sáu bên nhằm hướng tới giải quyết chương trình hạt nhân của Bắc Hàn đang được tổ chức như một sự vụ riêng lẻ.

Khi chính sách của Hoa Kỳ đối với các phối trí an ninh và kinh tế ở Đông Á tiến hóa, nó hướng đến các vấn đề cường độ, sự dung nạp thành viên, và kết cấu chung cuộc. Hoa Kỳ có nên tăng cường các cố gắng của mình hoặc để cản trở hoặc để hỗ trợ kiến trúc này? Ai sẽ được bao gồm trong các phối trí này? Có nên chỉ liên kết các quốc gia châu Á? Về mặt kinh tế, chính sách hiện tại của Hoa Kỳ có vẻ giữ thế thủ, qua cách không cố ngăn chặn những nỗ lực nhằm tạo ra những FTA riêng cho các nước châu Á, mà tìm cách ký kết các giao ước để thủ lợi từ các FTA đó. Về mặt an ninh, quyền lợi của Hoa Kỳ gắn với sự ổn định, chống khủng bố, và giải trừ vũ khí ở Đông Á lớn đến mức Hoa Kỳ đã tìm một ghế tại bàn hội nghị khi các quốc gia Á Châu gặp gỡ để bàn bạc và thường chủ động dẫn dắt các nỗ lực để giải quyết các vấn đề còn tranh cãi. Thượng Đỉnh Đông Á loại trừ Hoa Kỳ, song Washington đã triệu tập một Diễn đàn Khu vực Đông Bắc Á, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, và Nam Hàn.

Tâm điểm của các quan ngại của Hoa Kỳ đối với kiến trúc khu vực đang phát triển ở Đông Á là ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc. Nguy cơ đang tồn tại là, nếu Trung Quốc khống chế được các thiết chế khu vực ở Đông Á, nó có thể lái chúng theo hướng có hại cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á đang cảnh giác trước các ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc và đang che chắn và khéo léo vận động chống lại nguy cơ bị Trung Quốc khống chế. Các quốc gia khác có lẽ sẽ bác bỏ một chính sách kềm chế Trung Quốc một cách lộ liễu của Hoa Kỳ.

Câu hỏi cuối cùng để cân nhắc chính sách về các phối trí mậu dịch và an ninh ở Đông Á là kiến trúc đó sẽ có dạng nào. Thế giới kỹ nghệ hóa dường như đang tiến hóa thành ba khối riêng biệt, nhưng một cục diện phối trí an ninh và mậu dịch xuyên Thái Bình Dương là hoàn toàn khả thi. Bản tường trình này sẽ được cập nhật định kỳ.

Dick K. Nanto là Chuyên viên Mậu dịch và Kỹ nghệ, Phân ban Mậu dịch, Quốc phòng, và Đối ngoại.


*


Các tàn dư chiến tranh lạnh ở Á châu đang ngày càng thu hẹp, khiến chúng ta cần suy ngẫm lại một cách căn bản về quyền lợi và quan hệ giữa các quốc gia và các nền kinh tế của Đông Á. Trong hơn nửa thế kỷ theo sau Thế Chiến II, Đông Á bị phân thành hai khối: một bên là chủ nghĩa cộng sản đối đầu với Hoa Kỳ và bên kia là các đồng minh của Hoa Kỳ. Các quốc gia nhỏ hơn ở các thời điểm khác nhau bị vướng vào trong cuộc đối đầu, và trong một số trường hợp – như ở Đại Hàn và ở Việt Nam - sự ganh đua giữa các siêu cường lộ ra dưới dạng chiến tranh ác liệt, nhưng có giới hạn. Các mô thức mậu dịch quốc tế có khuynh hướng đi theo các liên minh chính trị, với thị trường Hoa Kỳ có tác dụng vừa như một cái neo cho nền kinh tế Á Châu Thái Bình Dương, vừa như một cái đích xuất khẩu ưu đãi cho nhiều quốc gia không cộng sản.

Giờ đây, một sự dịch chuyển địa khối đang xảy ra trong địa bàn Đông Á. Năm động lực đang thúc đẩy sự dịch chuyển này: (1) sự trỗi dậy (tái xuất) của Trung Hoa và các thủ đoạn của nó để giành ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo với Nhật Bản và Nam Hàn và các quốc gia châu Á khác (2) toàn cầu hóa và sự bành trướng xuyên biên giới của các công ty và những dây chuyền cung ứng, gồm cả cung ứng năng lượng và các vật liệu thô (3) dòng chảy đầu tư và mậu dịch được tự do hóa (4) cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố (5) sự trỗi dậy của mô hình an ninh Âu châu (gìn giữ hòa bình thông qua xây dựng những thiết chế tiến bộ và tăng cường mối quan hệ giữa các bên tham gia) đang thách thức lại thuyết thực tiễn cân bằng quyền lực (gìn giữ hòa bình bằng cách bão hòa lực đối đầu giữa các siêu cường).

Mục đích của bản tường trình này là để thẩm định lại mô hình kiến trúc khu vực đang hình thành – các phối trí chính trị, tài chính, và mậu dịch đang gia tăng giữa các quốc gia Đông Á – và những ảnh hưởng của chúng đối với các chính sách và quyền lợi của Hoa Kỳ. Trọng tâm được đặt vào Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản, và Đông Nam Á, có đề cập tới một số vấn đề liên quan tới Úc và Tân Tây Lan. Các loại phối trí bao gồm các thỏa ước mậu dịch tự do song phương (các FTA), các hiệp ước mậu dịch khu vực, các phối trí tiền tệ, và các phối trí an ninh và chính trị.

Kiến trúc khu vực Đông Á được hỗ trợ bằng hai chân chống riêng biệt. Chân chống kinh tế thì mạnh và đang lớn mạnh hơn. Một mạng lưới các thỏa ước tiền tệ khu vực và mậu dịch tự do đang phát triển nhanh chóng. Nó được thúc đẩy chủ yếu bởi những nhu cầu về lợi nhuận kinh doanh, ổn định kinh tế, và tỷ suất tăng trưởng kinh tế cao. Trong khi Đông Á vẫn còn rớt lại phía sau Bắc Mỹ và Liên Âu trong sự dàn trải và bề sâu của hội nhập kinh tế, khu vực này đang bắt kịp một cách nhanh chóng, dù có những thù oán lịch sử vốn làm lạnh đi các quan hệ kinh tế đáng ra sẽ nồng ấm - đặc biệt giữa các quốc gia Đông Bắc Á.

Đông Á là đất của nhiều nền kinh tế năng động nhất thế giới, và sự cạnh tranh để gia nhập các thỏa ước mậu dịch khu vực đang trở nên gay gắt hơn. Bắt đầu bằng FTA của ASEAN [1] năm 1992 (một thỏa ước để giảm nhưng không loại bỏ hẳn các loại thuế quan trong nội bộ khu vực), cái đà cho các quốc gia ở châu Á ký kết các FTA cả trong nội bộ lẫn với những quốc gia ngoài khu vực ngày càng gia tăng. Singapore, đặc biệt, đã có FTA với mười quốc gia và đang đàm phán thêm với dăm bảy quốc gia nữa. Indonesia, Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, và Việt Nam trong ASEAN cũng như Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan đang vươn ra để thiết lập mậu dịch tự do với các quốc gia đối tác mong muốn. Trung Quốc cũng leo lên đỉnh cơn sốt FTA bằng một thỏa ước đáng để ý với ASEAN.

Chân chống an ninh và chính trị của kiến trúc khu vực Đông Á vẫn còn tương đốì kém phát triển. Bước tiến bộ nhất đã được thực hiện với ASEAN đóng vai trò người triệu tập hội nghị và hình thành Cộng đồng An ninh ASEAN [2] và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) [3] . Ở Đông Bắc Á, các cuộc hội thoại sáu bên hướng tới giải quyết chương trình hạt nhân của Bắc Hàn đã hoạt động thất thường, chỉ mang tính sự vụ đơn lẻ. Không như các ràng buộc kinh tế chặt chẽ hơn vốn có khuynh hướng làm lợi cho cả hai bên (tổng số dương), các phối trí an ninh có thể lôi kéo các quốc gia cạnh tranh chiến lược vào một cố gắng giải quyết các vấn đề khó khăn dẫn đến một bên được lợi và bên kia chịu thiệt (tổng bằng không).

Các diễn đàn an ninh và chính trị, hơn thế nữa, thường không có sự góp mặt của các viên chức liên hệ nhiều nhất đến vấn đề an ninh - giới quân sự. Ở châu Á, các quan hệ quân sự có khuynh hướng được thực hiện trên cơ sở song phương giữa hai quốc gia, hơn là thông qua các thiết chế khu vực. Những phiên họp an ninh khu vực có khuynh hướng do các bộ trưởng ngoại giao hoặc đại diện của họ tham dự, chứ không phải các bộ trưởng quốc phòng, và chúng thường dẫn đến kết quả “trò chuyện và cơ hội chụp hình quảng bá” hơn là giải quyết vấn đề cụ thể hoặc xây dựng lòng tin. Tuy thế, những áp lực về hợp tác an ninh rộng lớn hơn đang được thúc đẩy bởi sự bùng phát trong trao đổi kinh tế và nhu cầu song song về ổn định chính trị. Ngoài ra, đặc tính xuyên quốc gia của các nguy cơ an ninh (đặc biệt là khủng bố, các chất ma túy bất hợp pháp, và buôn lậu vũ khí), và một nhu cầu thay thế cục diện chiến tranh lạnh bằng một cái gì đó mang tính hợp tác cao hơn và không có nguy cơ gây thêm thù nghịch đòi hỏi một tổ chức an ninh/chính trị cho Đông Á sao cho ít có khuynh hướng thủ tục (hội họp) và được hướng nhiều hơn vào hoạt động và thâu đạt những kết quả cụ thể. Á châu, hơn nữa, vẫn còn bị hoành hành bởi chủ nghĩa quốc gia và các ganh đua quyền lực vận hành theo kiểu mẫu của thế kỷ 20 với các xung đột liên quốc gia và tranh chấp lãnh thổ thỉnh thoảng vẫn bùng nổ.

Khi chính sách của Hoa Kỳ về các phối trí an ninh và kinh tế ở Đông Á tiến hóa, nó hướng tới các vấn đề về cường độ, sự dung nạp thành viên, và kết cấu chung cuộc. Toàn vùng đang hướng đến chính thức hóa các quan hệ đầu tư và mậu dịch thông qua các thỏa ước mậu dịch tự do hoặc các thỏa ước mậu dịch ưu đãi khác tương tự vậy. Sự phát triển hơn nữa của những FTA này dường như tiến triển bất chấp động thái của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng nhập cuộc chơi này với những cuộc đàm phán về FTA đang tiến triển với Nam Hàn, Mã Lai, và Thái Lan cộng với một FTA đã ký với Singapore. Hoa Kỳ hơn thế nữa đang cố đạt được một FTA với toàn khối ASEAN, và những quyền lợi khác cũng đang thúc đẩy cho các FTA với Đài Loan và Nhật Bản. Sự thay đổi trong chính sách về FTA của Hoa Kỳ, vì thế, dường như là một thay đổi về cường độ hơn là về phương hướng. Một câu hỏi là liệu Hoa Kỳ có nên tăng tốc công việc của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ để ký kết nhiều FTA hơn với các nền kinh tế Á châu, hay liệu nó nên tạm ngưng các nỗ lực đi xa hơn nữa.

Các câu hỏi về cường độ và sự dung nạp thành viên luôn đi liền với nhau. Khi cường độ của các cuộc đàm phán FTA tăng lên, câu hỏi về sự dung nạp thành viên xuất hiện rõ hơn bao giờ hết. Rõ ràng nhiều quốc gia ở châu Á muốn có một tổ chức chỉ-toàn-Á để làm đối trọng với Liên Âu và Thỏa ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ. Quyền lợi của Mỹ ở châu Á, tuy nhiên, đã ăn quá sâu và sự hiện diện của Mỹ lớn đến nỗi mà một số người lập luận rằng quyền lợi Mỹ cần được đại diện mỗi khi các quốc gia Á châu gặp gỡ. Nếu Hoa Kỳ không có ở đó, một số cảm thấy Trung Quốc sẽ nhận lấy trọng trách lãnh đạo và làm việc với mục đích đối kháng với quyền lợi của Hoa Kỳ. Một FTA Á Châu tương lai, giả dụ, chỉ nên bao gồm các nước Đông Á hay nó nên vắt ngang qua Thái Bình Dương như diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương? Ví dụ, một số đang đề nghị một FTA ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn). Số khác lại thấy nên có một FTA ASEAN + 4 để gồm luôn cả Hoa Kỳ. Nhật Bản đã đề nghị một khu vực mậu dịch tự do Á châu bao gồm 16 quốc gia được điều hợp bởi một tổ chức tương tự với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. 16 quốc gia sẽ gồm có mười quốc gia ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc, và Tân Tây Lan. Chính sách hiện thời của Hoa Kỳ là ký kết các FTA song phương với các quốc gia châu Á riêng rẽ và cố đạt được một FTA Hoa Kỳ - ASEAN để có tác dụng như một đối trọng với FTA Trung Quốc – ASEAN hiện giờ đang được thực thi.

Thực trạng các quốc gia châu Á là một số không có được mức phát triển kỹ nghệ và thiết chế cần thiết cho một FTA trọn gói, hội được các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Vì thế, với một số quốc gia, Hoa Kỳ có thể đàm phán về một FTA (Mã Lai, Thái Lan, và FTA với Singapore đã được ký kết), nhưng với những quốc gia khác một TIFA (Thỏa ước Khung về Đầu tư và Mậu dịch, vốn định rõ các phạm vi cần tới sự cải tiến trước khi cân nhắc tới một FTA) sẽ thích hợp hơn. Và với một số quốc gia như Việt Nam, một thỏa ước mậu dịch song phương vốn có thể giúp thiết lập tư cách quan hệ mậu dịch bình thường và các điều kiện căn bản khác trong quan hệ có lẽ sẽ thích hợp hơn.

Bằng việc tạm thời dựa vào các FTA song phương, Hoa Kỳ có vẻ chơi nước đôi để khỏi bị thiệt – không phải cố cản trở các cố gắng tạo ra các FTA riêng cho Đông Á mà làm các giao ước để giữ khỏi bị cắt đứt khỏi các ích lợi của chúng. Mối nguy về một khối mậu dịch hướng nội và độc quyền sẽ nổi lên ở Đông Á có vẻ còn xa vời lúc này. Những cọng mì của các FTA trong khu vực cuốn lấy cả bên trong châu Á lẫn vắt qua bên kia các đại dương. Hơn nữa, một FTA xuyên Thái Bình Dương với thành phần mở, có thể được cân nhắc, đặc biệt vì đó là một trong các mục tiêu chính của diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) mà thành viên của nó gồm cả Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Canada, và Mexico.

Về mặt an ninh, các vấn đề cường độ và sự dung nạp thành viên có một tác động trực tiếp hơn tới quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã được coi như một bá quyền ở châu Á với lực lượng lên tới 100.000 quân nhân được triển khai thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và có các quan hệ đồng minh mạnh mẽ với Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, và Úc/Tân Tây Lan cộng với quan hệ an ninh chặt chẽ với Singapore và Đài Loan. Đông Á cũng gồm tới ba trong số sáu lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới – Trung Quốc, Bắc Hàn, và Nam Hàn với Nga ở sát bên. Trung Quốc là một thế lực hạt nhân; Bắc Hàn khao khát muốn thành một thế lực hạt nhân; Nhật Bản đang nâng cấp lực lượng quốc phòng; những cuộc tấn công khủng bố xảy ra thường xuyên ở Đông Nam Á; và các điểm nóng đang tồn tại dọc theo eo biển Đài Loan và trên bán đảo Triều Tiên. Quyền lợi an ninh của Hoa Kỳ ở Đông Á lớn đến nỗi trong các vấn đề liên hệ tới an ninh châu Á, Hoa Kỳ đã tìm một ghế tại bàn hội nghị và thường dẫn dắt các nỗ lực giải quyết các vấn đề tranh cãi. Hoa Kỳ đã liên kết với Tokyo và Seoul trong việc kêu gọi thành lập một Diễn đàn Khu vực Đông Bắc Á, sẽ gồm có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, và Nam Hàn. Diễn đàn này, một đối ứng của Diễn đàn Khu vực ASEAN (cũng bao gồm các quốc gia nói trên cộng thêm một số quốc gia khác), có thể thiết chế hóa sự hợp tác ở Đông Bắc Á trên các vấn đề liên quan tới an ninh, năng lượng, và bệnh tật.

Tâm điểm của quan ngại của Hoa Kỳ đối với kiến trúc khu vực đang hình thành ở Đông Á là ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc. Bắc Kinh đang hướng tới việc khôi phục lại vị trí lãnh đạo châu Á của mình. Nó đã thay thế vai trò của Nhật Bản và Hoa Kỳ trong các quốc gia Đông Nam Á, trở thành đối tác thương mại chủ yếu của họ và một nguồn viện trợ kinh tế đang gia tăng. Nó cũng theo đuổi một “màn tấn công quyến rũ” và có vẻ đang chiếm được “khối óc và con tim” của nhiều người ở các quốc gia đó. Trung Quốc đã đạt được điều này thông qua ngoại giao khéo léo, sử dụng nguồn viện trợ, trình ra một khuôn mặt thân thiện hơn, và cũng thông qua các thỏa ước mậu dịch chính thức và các thỏa ước khác. Nguy cơ đang hiện hữu là, nếu Trung Quốc khống chế được các thiết chế khu vực ở Đông Á, nó có thể lái chúng theo đường hướng thù địch với quyền lợi của Hoa Kỳ, đúng như Bắc Kinh đã làm với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Trong tương lai, khi các vấn đề an ninh nổi lên ở Đông Á, các nhà hoạch định chính sách có thể phải đối mặt với câu hỏi: Các quốc gia sẽ trông về Hoa Kỳ hay về Trung Quốc để tìm giải pháp?

Những thành công gần đây của Trung Quốc, tuy nhiên, không nên được nhấn mạnh quá đáng. Hoa Kỳ vẫn là một thế lực kinh tế và quân sự đứng đầu thế giới, và trong khi nhiều dây chuyền cung ứng toàn cầu có sự góp mặt của Trung Quốc, chúng cũng bao gồm cả Hoa Kỳ - đặc biệt trong thiết kế sản phẩm, công nghệ, và tiếp thị. Cho dù các quốc gia châu Á đang tìm kiếm các lựa chọn quốc tế rộng rãi hơn với các thế lực chủ chốt, họ cũng liên tục duy trì giải pháp nước đôi và khéo léo xoay xở để thu lợi và chống lại nguy cơ khống chế có thể có của Trung Quốc. Trong tiến trình này, họ đang tìm kiếm các mối liên hệ mật thiết hơn với nhau và với Hoa Kỳ nữa. Hoa Kỳ vẫn được coi như người giữ ổn định an ninh và đối tác kinh tế hàng đầu của khu vực. [4]

Câu hỏi cuối cùng để hoạch định chính sách về các thỏa ước mậu dịch và an ninh ở Đông Á là kiến trúc khu vực này sẽ có dạng nào. Điều này bao gồm liệu các tổ chức an ninh và kinh tế nên được phân ra hay nhập chung lại, các quốc gia sẽ được nhóm lại như thế nào, trung tâm sẽ được đặt ở đâu, và tiếng nói của mỗi thành viên tham dự. Cho tới lúc này, chính sách Hoa Kỳ là để cho các quốc gia Á châu chủ động đề xuất các loại tổ chức khác nhau. Đa số các đề xuất đặt trọng tâm vào hoặc an ninh hoặc kinh tế, hoặc được chia ra làm hai phần, một phần để mở đường cho một FTA và phần còn lại để luận bàn về các vấn đề an ninh.


Xào lại bộ bài Á Châu

Sự chấm dứt chiến tranh lạnh và cái chết của chủ nghĩa cộng sản châm ngòi cho hai trào lưu cách mạng. Một là về chính trị - biểu trưng bằng sự sụp đổ của bức tường Berlin và sự tan rã của Liên Xô cũ. Thứ hai là về kinh tế - biểu trưng bằng việc tư hữu hóa các xí nghiệp quốc doanh, sự nới lỏng của mô hình kiểm soát tập quyền, và sự thừa nhận các nguyên tắc thị trường không chỉ ở Liên Xô cũ mà còn ở các quốc gia Đông Á như Trung Quốc và Việt Nam. Về mặt kinh tế, một triết lý đồng thuận toàn cầu đang chứng minh, hiện giờ hệ thống kinh tế cung cấp tỷ suất tăng trưởng cao nhất, thỏa mãn người tiêu thụ nhiều nhất, và tiêu chuẩn sống tốt nhất là nền kinh tế thị trường tư hữu, mở của ra thị trường toàn cầu, tự do lưu chuyển vốn, và sự điều tiết/can thiệp của chính quyền chủ yếu chỉ trong những trường hợp thị trường thất bại. Các chính quyền độc tài, hơn thế nữa, còn thấy rằng họ có thể sử dụng hệ thống thị trường và sự tăng trưởng nó mang lại để tăng cường tính hợp pháp, trấn áp đối lập, tài trợ cho quân đội của họ, và xây dựng lòng tự hào quốc gia ở nước mình. Kết cục, tuy nhiên, các nhà chuyên môn nhận thấy tăng trưởng kinh tế đang tạo ra một tầng lớp trung lưu và các trung tâm quyền lực trong thế cạnh tranh, dẫn tới các xã hội dân chủ hơn và ít nguy cơ đối đầu quân sự hơn với các quốc gia công nghiệp hóa trên thế giới.

Suốt cuộc chiến tranh lạnh, các kiểu thức mậu dịch đi theo những mối quan hệ an ninh. Hoa Kỳ trở thành đối tác mậu dịch lớn (nếu không nói là chính) của Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Các quốc gia cộng sản, tương tự vậy, tụ về Trung Quốc và Liên Xô và được tưởng thưởng bằng những tín dụng mậu dịch đặc biệt. Tuy nhiên, hiện giờ, các kiểu thức mậu dịch đó đã thay đổi. Toàn cầu hóa không biết tới triết lý chính trị. Các doanh nghiệp tìm kiếm các cơ sở sản xuất có phẩm chất cao, chi phí thấp không quan tâm đến việc chúng được đặt ở đâu. Trung Quốc nhanh chóng trở thành địa bàn sản xuất được ưa thích của các công ty từ Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Hoa Kỳ, và nhiều quốc gia khác. Các thỏa ước mậu dịch chính thức đang đi theo các kiểu thức mậu dịch mới được phát triển. Kết cấu định hình các nền kinh tế riêng lẻ đang nhanh chóng bị đan xen bởi các thỏa ước mậu dịch ưu đãi khu vực và song phương.

Trong suốt cuộc chiến tranh lạnh, vỏ bọc an ninh cho các quốc gia thường trùng khít với triết lý định hình tổ chức chính quyền và nền kinh tế của chúng. Khối cộng sản nổi lên trong số các quốc gia xã hội chủ nghĩa, trong khi Hoa Kỳ thành lập các quan hệ đồng minh kín và lộ với các nền kinh tế thiên về thị trường hơn. Một bên là một khối dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, trong đó Hoa Kỳ được coi như một đầu lĩnh nghĩa hiệp được hỗ trợ bởi các quan hệ đồng minh an ninh song phương với các quốc gia Á châu chủ chốt trong khối phi cộng sản. Hoa Kỳ đã duy trì quan hệ đồng minh và chiến lược với Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Thái Lan, Úc, và Tân Tây Lan theo kiểu cấu trúc nan hoa. Khối được Hoa Kỳ bảo vệ này chi phối các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ngoại vi. Ở bên kia là một nước Trung Quốc cộng sản chia sẻ sự thù địch Hoa Kỳ với Liên Xô và khống chế vùng nội địa Á châu rộng lớn. Trung Quốc và Liên Xô hỗ trợ các quốc gia có chính quyền cộng sản như Bắc Hàn và Bắc Việt. Kết quả là sự phân đôi Đông Á thành hai khối theo Hoa Kỳ và theo cộng sản, cùng với một số quốc gia cố gắng theo đuổi những đường lối độc lập hơn. Hai phía giao nhau bằng một cân bằng quyền lực khu vực có nguồn gốc từ sự cân bằng chiến tranh lạnh do nỗi lo sợ có tính toàn cầu. Có sự hiện diện của một số tổ chức thế giới hoặc nội bộ Á châu, nhưng không một tổ chức nào có thể giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh nổi cộm ở châu Á.

Các phối trí an ninh và chính trị đã được thành lập giữa các quốc gia châu Á, hơn nữa, vốn có khuynh hướng chống Trung Quốc hoặc chống cộng. ASEAN hoặc SEATO (Khối Hiệp định Đông Nam Á) [5] là hai trường hợp minh họa. Hiện thời, tuy nhiên, các phối trí chính trị và kinh tế đang vượt qua các biên giới triết lý, và Trung Quốc đang nổi lên như một bá quyền khu vực ở châu Á. Các thay đổi này được thấy rõ trong các tổ chức nội bộ Á châu như là Thượng đỉnh Đông Á, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ASEAN + 3 (ASEAN cộng với Trung Hoa, Nhật Bản, và Nam Hàn), Diễn đàn Khu vực ASEAN, và các cuộc hội thoại sáu bên, cũng như các diễn đàn tuyến hai, như là Đối thoại Shangri-La hay Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á [6] .


Tại sao liên kết với nhau?

Các quốc gia gia nhập các thỏa ước song phương và đa phương để ngăn ngừa hoặc giới hạn xung đột vũ trang, giảm nhẹ căng thẳng, thu các mối lợi kinh tế, và, trong một số trường hợp, nâng cao các tiêu chuẩn nhân quyền. Về mặt an ninh, một thực tế không dễ chịu đối với mọi quốc gia là khoảng không phía trên tầm mức quốc gia căn bản là vô chính phủ. Trong lịch sử, nhiều quốc gia đã cố gắng bước vào cái khoảng không vô chính phủ đó để theo đuổi các lợi ích quốc gia hẹp hòi. Cho tới Thế chiến II, các quốc gia đối lại với cách hành xử như vậy chủ yếu bằng cách lập ra các liên minh an ninh. Không có một thiết chế toàn cầu nào với quyền hành bao trùm toàn cầu tồn tại. Giờ đây, luật và thông lệ quốc tế đã được thiết lập, và các thiết chế (chẳng hạn Liên Hợp Quốc) có tồn tại, nhưng các thiết chế nắm được quyền hành chỉ trong chừng mực các quốc gia riêng lẻ nhượng quyền lại cho chúng. Trong nhiều trường hợp, chức năng đầu tiên của các thiết chế đó là để cung cấp một cơ chế nhằm giải quyết các bất đồng quốc tế và để đưa các quốc gia đối diện với nhau trong một môi trường ngoại giao hơn là trên chiến trường.

Về mặt kinh tế, khoảng không gian phía trên các nền kinh tế quốc gia cũng vô chính phủ, nhưng không như các trao đổi an ninh có tổng bằng không (như xâm chiếm lãnh thổ), các trao đổi kinh tế quốc tế có tổng số dương và thường mang lại lợi lộc cho doanh nghiệp và người tiêu thụ ở cả hai phía. Trong nhiều trường hợp, tuy nhiên, những khoản lợi lộc mậu dịch tư nhân có thể xung đột với các chính sách quốc gia (như buôn bán hàng lậu). Vai trò của các quốc gia đối với hoạt động kinh tế hợp pháp là phải cung cấp môi trường cho nó diễn ra, tạo điều kiện thuận lợi cho nó, điều tiết nó, và trong một số trường hợp, sở hữu nó. Đơn cử, để tạo điều kiện cho mậu dịch được dễ dàng hơn trong khoảng không vô chính phủ giữa các quốc gia, các chính quyền thiết lập những nguyên tắc mậu dịch và nhượng các lợi ích ưu đãi cho những quốc gia khác thông qua các cơ chế chính thức.Những động thái này bao gồm ban cho tư cách quan hệ mậu dịch bình thường (tối huệ quốc), thiết lập Tổ chức Mậu dịch Quốc tế (WTO), chấp thuận các thỏa ước mậu dịch tự do, hay tổ chức các thiết chế tài chính đặc biệt như Ngân hàng Thế giới hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Các phối trí và thiết chế an ninh và mậu dịch cũng tạo cơ sở cho các quốc gia nắm lấy vai trò lãnh đạo và mở rộng ảnh hưởng. Sự kết thúc chiến tranh lạnh mang lại một thế giới đơn cực với Hoa Kỳ ngự trị trên đỉnh. Những quốc gia châu Á công nhận rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có ảnh hưởng chủ yếu trong khu vực, nhưng Bắc Kinh, đặc biệt, nhận thấy sự thành lập một tổ chức riêng của châu Á là một cơ hội để giúp giành lại cái mà họ coi là vị trí lịch sử của mình trong vai trò một lãnh đạo khu vực ở châu Á. Trung Quốc cũng muốn làm yếu đi quan hệ giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản và Nam Hàn (cả Ấn Độ nữa) và thấy các quốc gia ở châu Á dễ dàng chấp thuận các ước muốn của mình hơn. [7] ASEAN, cũng vậy, coi mình như là cánh trung lập hơn trong sự tranh chấp giữa các thế lực lớn đang vùng vẫy ở châu Á và là một động lực cho chủ nghĩa khu vực. Người Đông Nam Á thấy được là vấn đề không phải ở chỗ các con voi lớn đang đánh nhau hay đang ve vãn nhau, vì kiểu gì thì khán giả chung quanh cũng có thể bị đè bẹp.

Các nghiên cứu học thuật về kết quả của sự liên thuộc kinh tế và an ninh chỉ ra các điểm sau:

  • Giữa các quốc gia, sự liên thuộc càng lớn (mất mát nhiều hơn khi quan hệ kinh tế bị tiêu huỷ) thì xác suất theo đuổi các đòi hỏi chính trị vốn có thể dẫn tới nguy cơ xung đột càng thấp. Mặt khác, sự liên thuộc kinh tế có thể được sử dụng như một sức ép để đặt ra những đòi hỏi chính trị. [8] Một quốc gia có khuynh hướng liên minh quốc tế càng cao (có tham gia và hưởng lợi từ việc mở rộng thị trường ngoại quốc hoặc nhập khẩu) trong trường hợp có bế tắc chính trị, khả năng các động thái khích lệ hoặc cấm vận kinh tế từ bên ngoài sẽ có hiệu quả càng cao trong việc gây ảnh hưởng lên chính sách của quốc gia có vấn đề. [9] Một quốc gia có khuynh hướng thị trường và dân chủ càng nhiều, điều này sẽ dễ xảy ra hơn.

  • Tâm lý mong đợi các món lợi thương mại tương lai giữa các quốc gia góp phần làm dịu đi các căng thẳng chính trị và ngăn cản sự khởi phát thù nghịch. Những món lợi tương lai đó được tôn thêm lên bởi các thỏa ước mậu dịch ưu đãi, như các FTA. Tư cách thành viên trong các thỏa ước mậu dịch ưu đãi có khuynh hướng ngăn ngừa xung đột liên quốc gia. [10]

  • Những phối trí an ninh và kinh tế làm tăng các cơ hội thông tin, thiết lập các liên hệ cá nhân giữa dân chúng, và sự hợp tác trong các nỗ lực ngoại giao. Điều này làm giảm các nguy cơ tính toán sai hoặc hiểu lầm và tăng các cơ hội cho ngoại giao trực tiếp và đối thoại qua các kênh không chính thức. Mặt khác, các phối trí kinh tế cũng làm tăng sức ép cạnh tranh với công nghiệp nội địa và dẫn đến những hậu quả không đoán trước được của việc tự do hóa mậu dịch.

Các thỏa ước mậu dịch khu vực

Động lực cho các thoả ước tài chính và mậu dịch thường là để kiếm lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu, hoặc đầu tư vốn chưa có trong những giao kết toàn cầu đã được thỏa thuận đa phương thông qua WTO. Theo các nguyên tắc WTO, những thỏa thuận mậu dịch khu vực và song phương có thể hạ thấp hơn các rào cản giữa các quốc gia ký kết nhưng không thể nâng các rào cản lên với các nền kinh tế khác.

Các thỏa ước mậu dịch có tác động kép, vừa tạo ra mậu dịch vừa đổi hướng mậu dịch. Chúng đổi hướng mậu dịch đang tồn tại về hướng các quốc gia ký kết nhưng cũng tạo ra nhiều mậu dịch hơn trên tổng thể. [11] Thỏa ước mậu dịch tự do và các thỏa ước mậu dịch khác cũng có thể định hình cửa vào thị trường hay các ưu đãi khác, dưới sự bảo đảm của một chính quyền, nhưng cũng có nguy cơ bị những chính quyền kế nhiệm hủy bỏ. Chúng cũng có thể thúc đẩy các chính quyền thực hiện những chính sách đáng ra rất khó khăn, như mở cửa thị trường nông nghiệp hoặc cung cấp quyền lao động hoặc bảo vệ môi trường. Bất kỳ một sự thay đổi nào trong các nguyên tắc mậu dịch đều tạo nên kẻ thắng - những người có thể kiếm lợi từ cơ chế mậu dịch mới và người thua - những kẻ bị tổn thương bởi cơ chế đó.

Như với Liên Âu hoặc Khu vực Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ, các phối trí mậu dịch ưu đãi thường đi theo các kiểu thức mậu dịch. Những FTA không phải từ trên trời rơi xuống, dù trong nhiều trường hợp các FTA được theo đuổi vì các lý do chính trị hơn là kinh tế. Các FTA trải qua các bước tiến hóa liên quan tới cường độ (mức độ tự do hóa lớn hơn) và quy mô (nhiều thành viên hơn). Như được minh họa trong Hình 1, quan hệ mậu dịch bắt đầu với các dòng chảy đầu tư và mậu dịch không có tổ chức, đặt căn bản trên lợi thế kinh tế đối chiếu. Mậu dịch lúc đó có thể theo các nguyên tắc mậu dịch quốc tế chung, ví dụ như những nguyên tắc nảy sinh từ quy chế quan hệ mậu dịch bình thường (tối huệ quốc) hoặc từ WTO. Từ đó, hoạt động thương mại có thể được đặt dưới một phối trí mậu dịch ưu đãi với các đặc quyền có ngõ vào riêng hoặc với rào cản quan thuế được giảm bớt, nhưng chưa nhất thiết là mậu dịch tự do. Được xem như là tiền thân của phối trí mậu dịch ưu đãi, Hoa Kỳ đã sử dụng các Thỏa ước Khung về Đầu tư và Mậu dịch (TIFA) để tăng cường mậu dịch song phương và hỗ trợ cải tổ kinh tế ở quốc gia đối tác thông qua các cuộc thảo luận cấp cao thường xuyên về các vấn đề kinh tế và thương mại. Các quốc gia khác sử dụng những Thỏa ước Khung vốn có thể tạo đà cho một “vụ gặt sớm” các nhượng bộ về mậu dịch và xúc tiến những cuộc thảo luận về một FTA tương lai.

Hình 1. Các loại phối trí mậu dịch (theo cường độ)



Mậu Dịch theo Các Nguyên Tắc WTO

Thỏa Ước Khung Giảm một số loại quan thuế, lịch trình để đàm phán FTA

Thỏa Ước Cộng Tác Kinh Tế Gỡ bỏ phần lớn các rào cản mệu dịch nội bộ, gồm cả dịch vụ, v.v.

Khu Vực Mậu Dịch Tự Do Gỡ bỏ các rào cản mậu dịch (và đầu tư) nội bộ nhưng lưu lại các rào cản quan thuế

Thị Truờng Chung FTA cộng với các rào cản quan thuế chung và tự do giao lưu lao động và vốn.


Nhật Bản và những quốc gia khác thường đàm phán các FTA từng phần gọi là các Thỏa ước Đối tác Kinh tế (EPA). Những thỏa ước này thiết lập mậu dịch tự do cho phần lớn sản phẩm hàng hóa, nhưng chúng có thể loại trừ các vùng nhạy cảm như nông nghiệp. Trong một số trường hợp, EPA chỉ bao gồm một vài nhượng bộ mậu dịch thực sự. Chúng cũng có thể vạch ra một con đường hướng tới một FTA toàn phần. Một FTA thường tạo cơ sở cho việc loại bỏ thuế quan trên hàng hóa, các cửa vào dịch vụ và dòng chảy đầu tư được khai thông, cũng như các điều khoản khác. Phối trí mậu dịch dàn trải nhất thường là một Thị trường Chung, còn đi xa hơn FTA nữa. Các thành viên của nó có mậu dịch tự do giữa họ với nhau cộng với những rào cản chung bên ngoài và cho phép lao động và vốn lưu thông tự do giữa các quốc gia thành viên. [12] Khi các phối trí mậu dịch trở tăng về chất, chúng cũng mở rộng hơn quy mô bằng cách dung nạp thêm những quốc gia khác (như đang xảy ra với sự mở rộng Liên Âu). [13]

Ở Đông Á, phần lớn các thỏa ước mậu dịch được thúc đẩy bởi thị trường. Chúng cũng có tính cạnh tranh. Các lợi lộc sẵn có trong một thỏa ước mậu dịch ưu đãi thường kích động các quốc gia khác tìm kiếm các thuận lợi mậu dịch tương tự hoặc chịu nguy cơ mất doanh thương cho các nhà xuất khẩu hoặc đầu tư của mình. Trong một số trường hợp, các thỏa ước (hoặc không có thỏa ước) được thúc đẩy bởi lý do chính trị, đặc biệt trong trường hợp của Đài Loan khi Bắc Kinh cố gắng cô lập họ về ngoại giao trong khi Đài Bắc ra sức đối phó với sự lạnh nhạt ngoại giao vốn gây ấn tượng sai về các quan hệ mậu dịch ngầm đang tồn tại. Trong những trường hợp khác, chính trị và tranh chấp lịch sử (đặc biệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc và Nam Hàn) đã làm cản trở việc ký kết các thỏa ước mậu dịch tự do.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas


[1]Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á, hay ASEAN, là một tổ chức chính trị và kinh tế gồm có năm thành viên sáng lập năm 1967 của nó (Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân, Singapore, và Thái Lan) cộng thêm năm quốc gia gia nhập sau này (Brunei, Việt Nam, Lào, Miến Điện, và Cam Bốt).
[2]Mặt an ninh của ASEAN.
[3]25 tham dự viên trong ARF bao gồm mười quốc gia ASEAN, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Âu, Nga, Úc, Canada, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Bắc Hàn, Ấn Độ, Pakistan, Mông Cổ, Papua New Guinea, và Đông Timor.
[4]Sutter, Robert. “Sự lớn mạnh của Trung Quốc: Các dấu hiệu Mỹ cần quan tâm ở châu Á” (Implication for U.S. in Asia. East-West Center, Washington, Policy Studies 21, 2006. p. vì-ix.)
[5]Khối SEATO được thành lập năm 1954 bởi Úc, Pháp, Anh, Tân Tây Lan, Pakistan, Phi Luật Tân, Thái Lan, và Mỹ sau khi Pháp triệt thoái khỏi Đông Dương. Nó được tạo ra để ngăn ngừa sự lan rộng của Cộng sản ở Đông Nam Á. Nó được giải thể năm 1977.
[6]Để có thêm thông tin về Đối Thoại Shangri-La, coi: [http://www.iiss.org/conferences/the-shangri-la-dialogue]. Để có thêm thông tin về Đối Thoại Hợp Tác Đông Bắc Á, coi: [http://www-igcc.ucsd.edu/regions/asia_pacific/neacddefault.php].
[7]Roy, Denny. “Quan hệ Trung Quốc - Nhật bản: Hợp tác trong thế đối đầu.” Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á – Thái Bình Dương. Đánh giá đặc biệt, Tháng Mười 2004. [http://www.apcss.org/publications/SAS/AsiaBilateralRelations/China-Japan%20Relations%20Roy.pdf]
[8]Crescenzi, Mark J. C. Sự liên thuộc kinh tế và xung đột trong chính trị thế giới [Lanham, MD, Lexington Books, 2005) p. 6.
[9]Papayoanou, Paul A. và Scott L. Kastner, “Chung chăn với kẻ thù (tiềm năng): Đánh giá chính sách và quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc”, trong Jean-Marc F. Blanchard, Edward D. Mansfield, and Norrin M. Ripsman, Quyền lực và túi tiền, đường lối kinh tế, liên thuộc và an ninh quốc gia, (Portland, OR, Frank Cass, 2000) p. 159ff.
[10]Copeland, Dale C. “Nhu cầu ngoại thương và sự bùng nổ hoà bình: Dètente 1970-74 và sự kết thúc chiến tranh lạnh 1985-91,” p. 93 và Edward D. Mansfield, Jon C, Pevehouse, và David H. Bearce, “Những sắp đặt thương mại ưu đãi và hiềm khích quân sự,” p. 16, both in Jean-Marc F. Blandchard, Edward D. Mansfield, và Norrin M. Ripsman, Power and the Purse, Economic Statecraft, Interdependence, and National Security (Portland, OR, Frank Cass, 2000) 343 p.
[11]Để biết các thảo luận về những thỏa ước mậu dịch tự do, coi CRS Report RL31356, Những thỏa ước mậu dịch tự do: Tác động đối với thương mại Hoa Kỳ và những tiêu điểm cho chính sách thương mại Hoa Kỳ , của William H. Cooper.
[12]Trong một liên hiệp thuế quan, các thành viên có hàng rào thuế quan chung bên ngoài nhưng không có mậu dịch tự do giữa họ với nhau.
[13]Một tác giả tuyên bố rằng việc kết nạp thêm các quốc gia vào Liên Âu mag lại những thay đổi vĩnh viễn và tạo nên một vùng quyền lực hơn là một vùng yếu kém. Tác giả tuyên bố rằng tiến trình này kết cục sẽ cho phép Âu châu dẫn đầu thế giới trong thế kỷ 21. Leonard, Mark. Tại sao châu Âu sẽ dẫn dắt thế kỷ 21. New York, Fourth Estate, 2005.