trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
12.5.2007
Bình Nguyên Lộc
Lột trần Việt ngữ
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
D. Vài nhận xét về các ngôn ngữ trong đại khối Mã Lai

Ngôn ngữ đẹp nhất là ngôn ngữ Việt Nam. Ngôn ngữ dở nhất là ngôn ngữ Thái.

Muốn diễn cái ý “ĐỘC THOẠI” người Nam Dương nói “UCHAPAN SA ORANG YANG PANJANG = LỜI CỦA MỘT NGƯỜI MÀ DÀI”.

Thế thì đó là một câu (Pe’riphrase) chứ không còn là một danh từ nữa. Tuy nhiên Nam Dương không lạm phát câu để thay cho danh từ bằng tiếng Thái. Trong Thái ngữ hễ danh từ nào cổ sơ của con người thì mang đến 60% tiếng Tàu, còn danh từ nào chỉ các ý mới thì đều nói bằng một câu hết thảy, mà cái câu đó cũng đầy dẫy tiếng Tàu và tiếng Ấn.

CÁI ĐẦM NƯỚC MẶN của ta gồm 4 tiếng thì đã quá dở rồi, thế mà trong Thái ngữ nó lại gồm đến 9 tiếng. HUANG NUM TEE LORM DUAY KOH PA KAR RUNG. Thế nên tự điển Thái khỏi cần định nghĩa gì hết bởi chính danh từ là cả một câu định ngữ rất dài rồi.

Thái ở đây là Thái Lan, một nhóm Thái đã lập quốc khá lâu rồi, có các nhóm Thái khác thì còn nghèo hơn nữa.

Trong ba quốc gia ở Miền Dưới thì ngôn ngữ của Nam Dương giàu nhất, hay nói cho đúng ra, ngôn ngữ của đảo Java giàu nhất vì đó là địa bàn của một vương quốc rất hùng cường thời trung cổ. Ngày nay ngôn ngữ của Java được dùng làm thừa ngữ cho toàn quốc ANH ĐÔ NÊ XIA, nhưng các đảo khác còn đang học theo vì họ chưa thống nhất với Java (về mặt ngôn ngữ).

Họ vay mượn ở nhiều nguồn hơn ta: Lưỡng Hà, Ba Tư, Phạn, Nam Ấn Dravidien, Arập, Hoà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Trung Hoa, nhưng vay mượn tiếng nào dùng tiếng ấy, chứ không lấy đó làm ngữ căn như Hàn, Nhựt, Việt dùng Hoa ngữ làm ngữ căn.

Thí dụ họ vay SAMA của Phạn, có nghĩa là VÒM TRỜI nhưng không dùng SAMA để tạo Thanh thiên bạch nhựt, Thiên thời, Thăng thiên, như Hàn, Nhật và Việt.

(Nhựt chỉ sống chung với Ấn có 1 trăm năm nên cũng có SAMA, nhưng biến thành ÔNG TRỜI, và họ không dùng làm ngữ căn như đã dùng THIÊN vì đó là tiếng mới vay, chưa thâm căn cố đế như ở Miền Dưới).

Miền Dưới dùng tiếng Mã Lai làm căn ngữ và tạo tiếp đầu ngữ, tiếp vị ngữ mới y hệt như Tây, tức chỉ tạo vài cái để nói tất cả. Thí dụ Tây có tiếp vị ngữ EUX để chỉ TÁNH (Paresse → Paresseux, Ingénieur → ingénieux, Ennui → Ennuyeux, v.v.) thì họ cũng làm y hệt thế, về phương pháp, nó giống Âu châu ngày nay hơn là giống các quốc gia đã cho họ mượn danh từ hồi cổ thời.

Miền Dưới vay mượn ở quá nhiều nguồn, nhưng lại vay mượn số lượng danh từ ít hơn Nhựt Bổn đã vay của Trung Hoa và Âu châu. Họ không đánh mất (hoặc ít đánh mất) danh từ Mã Lai như Nhựt, Hàn và Việt, vì họ không thấy những danh từ của quốc gia cho họ mượn văn hoá hay hơn danh từ của họ. Họ chỉ mượn khi nào thiếu mà thôi.

Hàn, Nhựt, Việt luôn luôn có những khuynh hướng nói DÃ NHÂN bằng tiếng Tàu. Cái danh từ Tàu ấy vốn đã sai, vì con dã nhân không ở ngoài Dã mà ở trong thâm sơn cùng cốc.

Người Nam Dương, đã theo học với Lưỡng Hà và Ba Tư, trước khi học với Ấn Độ, nhất định chỉ có con thú đó bằng tiếng Mã Lai 100%. Họ gọi con đó là NGƯỜI RỪNG (Orang hutang), và được toàn thể Âu châu vay mượn, biến thành Orang Outang.

Nhựt vay mượn lại của Âu và nói Oran Uutan. Đây là một hiện tượng vô cùng kỳ lạ và ngộ nghĩnh. Nhựt đánh mất Orang Outang của chính họ và 1500 năm sau, họ lại vay lại của một con nợ da trắng cái danh từ đó, của tổ tiên họ.

Ngôn ngữ đi theo sát sinh hoạt của một dân tộc. Khi Nhựt li khai thì ở xứ Nhựt không có con Orang Outang, nên bọn cũ là bọn Lạc bộ Trãi cũng không còn có danh từ. Hai bọn không nói đến con đó suốt 1800 năm, nên bọn Mã đánh mất danh từ. Đến thời canh tân, họ đi học với Âu châu thì khoa học bắt buộc họ có danh từ ấy, thế là họ mượn của kẻ đang nắm bắt khoa học trong tay là Âu châu.

Người Nam Dương có vay mượn chút ít tiếng Tàu kể từ thời Đường và họ đọc y hệt như Phúc Kiến vì cả hai đều là Lạc bộ Mã: ĐẠI GIA = TOA KÊ.

Và Nhựt Bổn, Lạc bộ Mã chiếm hết nửa nước, thành thử họ đọc chữ GIA bằng hai giọng:

Quan Thoại:
Ka
Phúc Kiến:


Với nhiều danh từ khác gốc Tàu, đều cũng thế.

Quan Thoại ngày nay đọc Gia là Chá, Quảng Đông đọc là Cá. Nhựt Bổn đọc là Ka, có lẽ đó là Quan Thoại đời Tần mà bọn Trãi đã học thẳng với hậu duệ Phù Tô, chớ bọn Mã đọc là Kê. Vậy những danh từ do chữ Gia mà được phát âm là Ka, là danh từ đời nhà Tần, những danh từ nào được phát âm Kê là danh từ thời Hán trung điệp, do bọn Mã tân tạo bằng cách vay mượn sau bọn Trãi.

Tiếng Nhựt rất giàu, nhưng lại không phải là tiếng Nhựt. Cứ lật một trang tự điển Nhựt, bất cứ trang nào ta sẽ thấy có 1/3 danh từ Âu châu, 1/3 danh từ Trung Hoa, chỉ còn lại 1/3 tiếng Nhựt tức tiếng Mã Lai của hai đợt Trãi và Mã.

Chính các nhà văn học Nhựt cũng đã thở dài vì sự kiện đó, nhứt là sự kiện bắt chước Âu châu chia động từ ra nhiều thì, mà họ cho rằng tối vô ích, chẳng những không làm cho Nhựt ngữ đẹp hơn, lại làm cho nó kém hơn cổ văn.

Xem cái trang chữ PAR của họ, họ ghi tất cả 27 danh từ, mà có đến 21 tiếng Pháp chỉ còn 6 tiếng Nhựt.

Còn đây là những chứng bệnh vặt của các nhóm trong đại khối Mã Lai. Người Nam Dương mắc bệnh nói lắp một cách không cần thiết:

Ta nói “Đêm Đêm” là có lý do, vì sự lặp lại của ta có nghĩa là “mỗi đêm”, Phi Luật Tân nói “Cái tiệm Cái tiệm” (Sari sari) mà không có mục đích nào, hai tĩnh từ lắp chỉ có nghĩa là Dài mà thôi.

Người Nhựt rất sợ tử âm cuối, nó làm cho họ khổ sở lắm, nên họ nuốt hết, ngày nay chỉ còn sót lại có độc một tử âm N, nhưng nó đang chết. Vì thế mà trong Nhựt ngữ CON SÁN của Việt nam mới thành SANA, món mới thành MÔNÔ, và AKAN của Chu Ru mới biến thành SAKANA, và CẬP của Lạc bộ Trãi biến thành KAPPURU.

Những tử âm khác đã chết hoặc mất xác từ lâu nên ta không biết được, ngỡ họ không bao giờ có tử âm cuối. Nhưng chứng kiến sự hấp hối của tử âm N cuối, ta mới hay là tử âm cuối làm cho họ nhức đầu.

SA MẠC ta viết là thế, Đại Hàn viết là SA MAK, Nhựt Bổn viết là SABAK. Nhưng được chừng một trăm năm thì âm K cuối làm cho họ nhức đầu, uống thuốc mãi không khỏi, nên họ lại thêm U cuối để thủ tiêu âm K cuối, hoá ra ngày nay nó là SABAKU.

Cái bịnh này làm cho họ đọc sai tiếng Tàu nhiều hơn Đại Hàn và Việt Nam. Thí dụ Công Dụng:

Việt Nam:
Công Dụng
Đại Hàn:
Kong Yong
Nhựt:
Koyo

Thuở xưa, họ đọc khá đúng là Koyong. Nhưng vì tử âm cuối NG làm cho họ mệt, họ chặt bỏ NG, nếu không thêm U ở sau, để biến thành Koyongu.

Người Thái mắc bịnh này là ngôn ngữ cổ của họ tràn ngập tiếng Tàu, nhưng họ lại không biết dùng tiếng Tàu để tự phong phú hoá như ta. Cho đến con voi cũng gọi bằng tiếng Tàu. Đó là vì họ bị lai giống ngay từ đời nhà Chu, nhưng họ không có thầy, không biết dùng ngữ căn, học được tiếng nào thì dùng tiếng ấy thôi, mà chỉ học toàn là con voi, con ngựa, thành thử muốn diễn ra ý niệm “ĐỘC THOẠI” họ cũng nói bằng một câu thật dài, dài hơn cả Nam Dương nữa.

Chỉ có ba thứ dân là biết dùng tiếng Tàu: Đại Hàn, Nhựt Bổn và Việt Nam, vì đó là ba anh đã học có căn bản vững.

Nhưng ba anh đều mượn tiếng Tàu khác nhau hết, vì chịu ảnh hưởng khác thời đại và khác hoàn cảnh. Thí dụ CÁI TỦ ta mượn của Quan Thoại, họ đọc là TU. Đó là cái TRẮP mà các cụ nhà Nho gọi là cái ĐỘC. Nhựt cũng gọi cái tủ là SU, nhưng lại do một tiếng Tàu khác là TỨ mà Quan Thoại đọc là SU (Tansu).

Thoạt trông, ai cũng ngỡ TỦ của ta và SU của Nhựt đồng một gốc Tàu. Nhưng nó lại khác, Tứ chỉ là cái rương bằng tre.

Bọn Phù Tô di cư đi Nhựt với cái Rương Tre, còn bọn Mã Viện đi xâm lăng Âu Lạc văn minh hơn đã có Trắp bằng Gỗ.

Anh Đại Hàn chịu ảnh hưởng ngay từ thời nhà Thương nên mượn danh từ còn xưa hơn nữa.

Họ mượn SƯƠNG mà họ đọc là CHANG, có nghĩa là RƯƠNG, Nhưng đó là nghĩa về sau, chớ đời Thương, SƯƠNG chỉ là một cái thùng, nhứt là thùng xe, tức là còn cổ hơn TỨ và ĐỘC nữa.

Sử Tàu chép rằng vua Trụ xa hoa, nhưng thực ra vua Trụ chưa có Rương, chưa có Trắp bằng chứng là Cơ Tử đi Đại Hàn chẳng có Rương, Trắp gì hết mà chỉ có cái thùng xe để tất cả mọi thứ.

Mà đừng tưởng Cơ Tử là kẻ chạy trốn nên thiếu vật dụng. Cơ Tử đã được vua Trụ phóng thích khỏi lao tù, sau khi định diệt vua Trụ, vậy ông ấy là kẻ ra đi tự do, lại vốn là quý tộc, tuy ngồi tù, nhưng của cải được vợ con cất giữ nhiều. Họ Cơ không có Rương, không có Trắp là tại Trung Hoa nhà Thương chưa có hai món đó.

Cả ba thứ đó: Độc, Tứ và Sương, chỉ là Trắp và Rương thôi. Nhưng cả ba dân tộc dùng mãi cho đến ngày nay, ta trỏ tất cả mọi thứ tủ, còn Nhựt trỏ loại tủ thấp, thấy họ vẽ hình thì đó là cái Desserte, nhưng họ lại dịch ra chữ Pháp là cái Commode. Đại Hàn không thay đổi.

Đến đời nhà Thanh, Tàu đã có cái QUỈ, ta có mượn đọc là QUẦY. Nhưng Tàu không sáng tác danh từ nữa, gọi cái tủ của Tây là Quầy. Tàu cũng chẳng thèm sáng tác mà cũng chẳng đồng hoá Quầy với Tủ, ví cái quầy là cái khác mà biết rõ, đồng hoá thì coi kỳ, trong khi đó thì Tủ không được ai biết là gì thì đồng hoá với Armoire của Tây là ổn.

Danh từ mà ta vay mượn cũng cho ta thấy rõ thời ta bị trị, tức đời Hán. CANH (ăn cơm) là danh từ đời Hán. Ngày nay người Tàu không dùng CANH nữa, và một số người Tàu ít học, không biết rằng Canh là danh từ của họ. Ngày nay họ nói THƯƠNG, Quan Thoại đọc là THẢNG, Quảng Đông là THOÓNG.

Và cả ba đều đọc khác nhau cái tiếng Tàu Quan Thoại đó, mặc dầu cả ba đều là Mã Lai hết.

Việt Nam:
Cảm tạ
Đại Hàn:
Kam sa
Nhựt:
Kan sha

Quan Thoại đời Thương, đời Tần có như thế hay không? Quan Thoại đời nay thì khác và cả ba anh đều đọc Quan Thoại trật lất.

Tuy nhiên, nhờ thọ nhiều ảnh hưởng hơn nên Đại Hàn thường đọc tương đối đúng hơn Nhựt và Việt.

Quan Thoại:
Cớ mùa
Đại Hàn:
Ca mu
Việt Nam:
Ca vũ
Nhựt Bổn:
Ka bu

Nhưng mặc dầu đọc sai, họ lại sai khá giống nhau tức ở Nhựt Bổn bọn Trãi cũng đông lắm, bằng không, Nhựt đã không đọc theo Quan Thoại mà đọc theo Phúc Kiến, vì bọn Mã và Phúc Kiến đều là con cháu của Câu Tiễn.

Ta đã thấy người Khả Lá Vàng ở đèo Mụ Già nói Cám ơn bằng một tiếng tam âm Tôwaykô. Vài đảo ở Đa Đa Đảo cũng nói như vậy, và ngoài Kan Sha, Nhựt có Arigato, hơi giống Khả Lá Vàng. Cả hai, Khả Lá Vàng và Nhựt đều phát âm Cây là Ki, đều trỏ hướng Bắc bằng danh từ Kita.

Tuy nhiên trong Nhựt ngữ, danh từ của Khả Tu lấn lướt danh từ của các bộ lạc khác của phe Trãi, mà Khả Tu thì không có nói Arigato.

Nói rằng Nhựt chỉ bị hậu duệ của Phù Tô tràn ngập cuối đời Tần, nhưng cả Hàn lẫn Nhựt đều dùng danh từ đời Thương. Thí dụ MUỐI, Hàn nói là SO (gum), Nhựt nói là SHIO. Tự điển Hàn không thấy viết Sogum ra chữ Tàu, còn tự điển Nhựt thì viết chữ DIÊM là Muối Biển. Nhưng xem ra So (gum) và Shio đều do LỖ là MUỐI DIÊM của Tàu mà ra, vì Diêm không thể đọc sai thành Shio được.

Người Nhựt thường đọc khác và viết chữ khác, đọc và viết thường đưa ra một ý niệm mà họ muốn diễn tả, nhưng cả hai thứ đó lại không dính líu gì với nhau hết.

Họ đọc tiếng Tàu không sai nhiều, cớ sao Diêm lại được đọc sai là SHIO? (Muối diêm là muối đào được trong lòng đất (Sel gemme). Đó là LỖ, khác với Muối biển là Diêm).

Cơ Tử, kẻ đi lập nghiệp ở Đại Hàn, chưa biết muối biển. Người Hoa Tây hồi ấy ở quá xa biển nên chỉ ăn muối diêm. Vả lại sử Tàu chép rằng chính Quản Trọng đời Chu trung điệp, đã phát minh ra cách lấy muối từ nước biển thì cho dẫu Cơ Tử đã ra tới bờ biển trước đó, cũng chỉ biết đến món LỖ mà chưa biết đến DIÊM.

Văn minh của bọn Cơ Tử tràn sang Nhựt, trước khi hậu duệ của Phù Tô tới Nhựt, và khi đón tiếp kẻ biết Diêm, Nhựt đã chót nói LỖ rồi, thì không cần sửa đổi nữa làm gì.

Người Tàu văn minh rất sớm, nhưng lại biết muối biển hơi trễ vì nền văn minh của họ phát tích tại cực Tây Trung Hoa. Mãi cho đến đời Quản Di Ngô, họ mới làm chủ hẳn bờ biển nước Tề. Cơ Tử tới Đại Hàn trước họ Quản, nhưng đó là cái Đại Hàn lục địa, chớ chưa phải là cái Đại Hàn bán đảo.

Truyền thuyết Tàu kể rằng kẻ phát minh ra muối biển (diêm) là TÚC SA, nhưng không cho biết kẻ ấy ở đâu, vào thời nào, một cách chắc chắn. Nhưng chuyện Quản Di Ngô thì rõ ràng.

Túc Sa có lẽ quả có phát minh ra cách chế tạo muối, nhưng không phải bằng nước biển, mà bằng cách ngâm muối Lỗ trong nước, vì muối Lỗ bị trộn với đất, đá sỏi, chớ không phải luôn luôn nằm riêng một mình và các dân tộc có địa bàn lục đại đều đã làm như vậy vào cổ thời, và ngay cả ngày nay nữa, là ngâm khoáng sản, đoạn bỏ hết cặn bã, lấy nước mặn mà nấu là có được muối bọt giống hệt muối biển.

Chữ Lỗ là muối đất, không có bộ thuỷ. Thêm thuỷ vào thì thành nước mặn. Đó là phát minh của Túc Sa, với Lỗ. Phát minh của Quản Trọng thì cũng cứ viết với chữ Lỗ ban đầu, có thêm thắt rậm ri, chứng tỏ rằng người Tàu biết Diêm và Lỗ đồng chất, chỉ khác nguồn.

Còn Lạc Địch đã học với Quản Trọng, hay Quản Trọng đã học với Lạc Địch, hoặc cả hai đều phát minh riêng rẽ thì chưa biết, chỉ chắc một điều là cuối đời Thương, Lạc Địch đã mượn danh từ Lỗ của Tàu.

Nhưng sự kiện Lạc Địch mượn Lỗ của Tàu, không chứng tỏ rằng họ không biết tìm Lỗ cũng chẳng biết chế tạo Diêm. Lắm khi chỉ vì chịu ảnh hưởng mà phải mượn danh từ, như ta đã đánh mất khóc, mượn của Tàu, chớ hẳn ta đã biết khóc trước khi gặp Tàu.

Hiện nay trên Cao Nguyên, khi nào đồng bào Thượng mua muối biển của ta không kịp thì họ ăn tro tre. Nhưng đó là vì ở Cao Nguyên không có mỏ Lỗ chớ không phải vì cổ thời họ không biết đến Lỗ. Họ làm chủ Hoa Bắc trước Tàu, mà ở Hoa Bắc thì có nhiều mỏ Lỗ, nhứt là ở cực Tây.

Họ vay mượn khác nhau.

Thí dụ ĐẬU PHỌNG, Tàu gọi là Lạc Hoa Sinh, Việt Nam vay mượn bằng hai lối, như vay theo điệu lười:

I) Trí thức chỉ vay tiếng đầu là Lạc.

II) Bình dân vay tiếng sau là Fa xá mà thực ra thì Tàu đọc khác hai tiếng Hoa Sinh đó.

Quảng Đông: Fá xắn
Quan Thoại: Wá Txấn

Nhựt Bổn vay trọn vẹn, đọc là Rakkasei.

Đại Hàn nói BẠO QUÂN thay cho BẠO CHÚA và HÔN QUÂN, đó là sáng tác phần nào. Người Nhựt cũng thích sáng tác lắm, nhưng thường sáng tác không được ổn. Thuỷ đạo (Suiđôô) được dùng để chỉ cái Aqueduc của cổ Mã Lai thì quá sai. Chỉ cái ống dẫn nước ngày nay lại còn sai hơn. THUỶ THỦ lại bị gọi là THUỶ PHU (Suifu) thì cũng không đúng ở chỗ nào hết. Trạo Phu thì được, nhưng Thuỷ Phu thì không. Tại sao? Thủ dùng để chỉ kẻ làm công ăn lương. Còn PHU thì rất được người Tàu trọng, họ để dành PHU hầu chỉ người có phong cách, như ông trèo thuyền có thể là quan ẩn dật, thánh nhơn, không ăn công của ai hết, thành thử Trạo Phu cao quý hơn Thuỷ Phu, mặc dầu cũng có Trạo Phu “Trạo” để ăn lương, nhưng lại có Trạo Phu tự chủ, còn Thuỷ Phu thì không tự chủ bao giờ.

Ta đã lầm ngỡ PHU của V.N. (mộ phu) là tiếng Tàu. Thật ra đó là tiếng Thái. Phu của Tàu chỉ trỏ đàn ông, còn Phu của Thái chỉ cả nam lẫn nữ, Phu của ta cũng thế.

Chúng tôi đã nói đến trường hợp CANH. Họ không mượn thẳng CANH của Tàu như ta đã mượn, mà sáng tác bằng cách ghép một danh từ Trãi là Món với 1 danh từ Tàu là Thuỷ để tân tạo SUIMÔNÔ = Canh.

Nhưng chợt thấy Thuỷ Món quá dở, họ bèn kí hiệu Thuỷ Món bằng Hấp Món. Ký hiệu chữ SUI bằng HẤP thì chẳng còn biết đâu mà rờ nữa.

Đành rằng HẤP MÓN là MÓN ĐỂ HÚP, như vậy chỉ canh bằng Hấp Món là đúng, nhưng lối ký hiệu kỳ dị đó, không dính líu gì đến lối đọc. Lối đọc là đọc theo sáng tác thuở còn chưa đọc chữ. Lối ký hiệu thì theo một sự kiện của tư tưởng lâu lắm về sau. Người ngoại quốc học tiếng Nhật phải điên đầu vì ngữ nguyên. Nhưng chưa chắc người Nhật không là trí thức, lại không điên đầu.

Nếu phải sáng tác, Việt Nam sáng tác hay hơn nhiều. Thí dụ chỉ món đá Marbre thì:

Quan Thoại:
Ta lỉa xứa
(Đại Lý Thạch)
Quảng Đông:
Tài Lý Sẹc
(Đại Lý Thạch)
Đại Hàn:
Tai Ri SOK
(Đại Lý Thạch)
Nhựt Bổn:
Đairiseki
(Đại Lý Thạch)

Việt Nam mượn thẳng danh từ cổ của Tàu là Cẩm Thạch, cổ vì Đại Lý Thạch chỉ mới ra đời vào năm mà dân Thái ở Vân Nam lập quốc, tự xưng là nước Đại Lý, tức rất trễ về sau. Đồng thời, ta lại sáng tác “Đá hoa”, vì loại đá hoa ở Đại Lý ít nhất thế giới và xấu nhất thế giới, không xứng đáng dùng địa danh Đại Lý để gọi nó, mà cần phải sáng tác sao cho nói lên được tánh chất đá phần nào.

Đại Hàn thất lợi quá sức vì hai lẽ:

I) Bọn Lạc bộ Mã không di cư đến đó, nên Đại Hàn nghèo hơn Nhật và Việt quá nhiều. Nói vua Hùng Vương trơ trọi, nhưng chỉ trơ trọi đến 500 năm trước Tây Lịch, còn Đại Hàn thì trơ trọi cho đến ngày nay.

Ông ta là Trãi thuần tuý mà không có bồ gần như Hùng Vương có Khả Lá Vàng, có Mã ở Mân Việt, có Thái ở Tây Âu để vay mượn.

Thành thử ông chỉ biết mượn của Tàu và Mãn Châu, Mông Cổ và sau 5000 năm tách rời, ổng mất hết 80% danh từ Trãi.

Nhìn vào sách Đại Hàn, chúng tôi ngậm ngùi buồn cho một đồng chủng đã mất gần hết ngôn ngữ. Nói họ mượn của Tàu đến 80% danh từ, nhưng cái 20% còn sót lại thì chứa đến 6% danh từ Mông Cổ hoặc Mãn Châu. Tìm được một tiếng Lạc bộ Trãi trong từ điển Đại Hàn thật là suýt cháy con mắt.

Chúng tôi thấy danh từ ECHO (tiếng vang) được họ dịch ra Hàn Ngữ là PAN HYANG chúng tôi mừng rỡ vô cùng vì đinh ninh nó là TIẾNG VANG đọc khác một chút. Đến chừng coi lại chữ Tàu trong đó thì té ra là PHẢN HƯỞNG.

Họ dùng toàn tiếng Tàu đời Thương do Cơ Tử đưa tới, thí dụ NHẬP TỊCH thì là KWI-HWA khiến chúng tôi cũng mừng rỡ, ngỡ đó là tiếng Lạc bộ Trãi, nhưng xem lại chữ Tàu thì ra đó là từ QUÍ HOÁ.

Kẻ nói QUÍ HOÁ thay cho NHẬP TỊCH, lại nói TƯƠNG HỖ thay cho HỖ TƯƠNG và TRÀO THUỶ thay cho THUỶ TRÀO, nói LỢI TỬ thay cho LỢI TỨC.

Lật đến trang chữ F thấy danh từ KINGFISHER thì hỡi ôi, Việt Nam nói CHIM BÓI CÁ, Nam Dương nói CHIM PƠRAKA, còn Đại Hàn thì nói PI CH’ WI đó là danh từ Trung Hoa đời Chu: PHỈ TUÝ. Cho đến chim bói cá cũng phải mượn đến danh từ của Tàu nữa, thì còn gì!

Ai dám bảo ngôn ngữ Đại Hàn là ngôn ngữ An Tai? Nó chỉ là Hoa ngữ, chẳng còn gì An Tai nữa hết, AnTai hiểu đúng, tức vùng Đông Bắc, vùng Mông Cổ, hoặc An Tai hiểu sai, tức vùng Tây Nam, vùng Nhục Chi, cả hai thứ An Tai đó đều hiếm trong Hàn ngữ như danh từ Pháp trong Việt ngữ.

Khi mà một dân tộc gọi Cọp là Hổ, tức Hổ, gọi CHUA là SIN tức TOAN, gọi TRẮNG là PACK SACK, tức BẠCH SẮC thì dân tộc đó đã mất hết cả rồi.

Cũng nên nhắc là Đại Hàn là nước YÊN của thời Xuân Thu Chiến Quốc trong một thời gian khá lâu. Đó là một tiểu bang Trung Hoa thời Tôn Tẫn hạ san, thì còn gì là Lạc Địch nữa.

Xem chuyện Đông Chu liệt quốc, ta thấy chép “Vương Bí của nước Tần, được lịnh giết nước Yên bèn đem quân sang sông Áp Lục, hạ thành Bình Nhưỡng (kinh đô Bắc Hàn thời nay) bắt vua Yên đưa về Hàm Dương”.

Nước Yên đó, không phải là nước Hàn, mặc dầu dân là dân Hàn. Nước ấy đã bị chinh phục, bị trực trị, sau khi đã bị bọn Cơ Tử tràn ngập từ cuối đời nhà Thương, tức là đã bị Tàu tràn ngập gần 1000 năm trước khi bị cán bộ Trung Hoa cướp lấy để lập ra nước Yên, đóng đô tại thành Bình Nhưỡng, thành này đến nay vẫn còn.

Sau đó, họ lại bị Tàu trực trị nhiều bận nữa, tức trước sau cộng gần 2000 năm bị trực trị, thì dẫu cho thu hồi độc lập được, vẫn mất mát quá nhiều.

Ta đã biết ba ngàn quân của Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch, ảnh hưởng đến dân tộc Việt Nam vào thế kỷ 17 như thế nào, thì ta biết được bảy ngàn quân của Cơ Tử đối với Đại Hàn 2700 năm trước đó như thế nào.

Đành rằng 2700 năm trước khi Nông Nại Đại Phố được xây dựng, người Tàu còn kém, nhưng người Đại Hàn còn kém hơn người Tàu nhiều bực, không như ta, đã có đủ danh từ rồi, hồi thế kỷ 17, tại Nam Kỳ, thế mà Nam Kỳ đã bị tiếng Tàu chi phối hơi nhiều.

Thế nên không trách Đại Hàn đã mất quá nhiều căn bản Lạc Dịch, tức Lạc bộ Trãi.

Thằng đốt nhà được gọi là Pang hwa pom in tức phóng hoả phạm nhân, đáng khen được diễn là Kam bok = Cảm phục.

Ta nói HỖN ĐỘN nhưng cũng nói LỘN XỘN, RỐI REN, XÔ BỒ, BỪA BÃI, họ chỉ có HỖN ĐỘN, ta nói AN LẠC rất ít mà nói DỄ CHỊU thường hơn họ, họ chỉ có AN LẠC mà thôi, ta nói DÍNH LÍU, DÍNH DÁNG, ĂN NHẰM, ĂN THUA, ĂN CHỊU, họ chỉ có KWAN GYE = Quan hệ.

Bọn Cơ Tử thành công hơn cả Tần Thỉ Hoàng ở Ngũ Lĩnh nữa vì người Phúc Kiến còn giữ được 200 danh từ Mã Lai.

Các nhà tiền sử học chê chứng tích ngôn ngữ, họ cũng có lý chớ chẳng phải không. Ở châu Âu, các dân tộc không có bị một ngoại chủng xâm lăng, mà tất cả đều thuộc chủng Ấn Âu, nên ngôn ngữ của họ tương đối đầy đủ sau 5 ngàn năm. Ở Á Đông, tình thế có khác vì Hoa chủng xen vào.

Muốn chứng minh rằng Đại Hàn và Việt Nam đều là Lạc Địch, tức Austroasiatiques thì chỉ có sọ và lưỡi rìu tay cầm là dùng được, còn ngôn ngữ thì không. Kể cả cái luật hạn chế của Swadesh, cũng không dùng được, nhà ngữ học ấy rất hạn chế số danh từ đồng gốc tổ là hai trăm, không cần phải nhiều hơn.

Nhưng giữa ta và Đại Hàn, không đủ 200 danh từ giống nhau. Giữa ta và Nhựt thì có hơn 200, nhờ Nhựt ít thọ ảnh hưởng của Tàu hơn Đại Hàn, vậy sự can thiệp của ngoại chủng đã làm sai lạc luật Swadesh. Tuy nhiên trừ Đại Hàn ra thì giữa ta và các dân tộc gốc Mã Lai khác, có thừa một ngàn danh từ, tức chứng tích ngôn ngữ còn đầy đủ, sau 5 ngàn năm phân ly. Sở dĩ chúng tôi làm một quyển “Tự vựng đối chiếu 10 ngàn từ” được là vì ta giống mỗi nhóm một ít, chớ nếu chỉ nhắm vào một nhóm độc nhất thôi thì không sao mà đi quá một ngàn từ được.

Nhưng kỳ lạ thay có vài danh từ chung cho đại khối Mã Lai, tức danh từ của Âu và Lạc, tức có Lạc Trãi và Lạc Mã trong đó, thì họ còn giữ được. Thí dụ MÁ (gò má) thì Việt Nam vay mượn của ai, chúng tôi truy mãi mà chưa ra, chớ Tàu không nói như vậy. Chữ Nho Má là GIÁP và KIỂM.

Nhưng:

Đại Hàn:
Piam
Nam Dương:
Pipi

Thấy rõ là hai danh từ trên đây đồng gốc, và chắc chắn không thể do Kiểm do Giáp của Tàu biến ra được, mặc dầu tự điển Đại Hàn vẫn viết chữ GIÁP để dịch chữ Piam, nhưng chúng tôi thấy họ viết liều vậy thôi.

Danh từ KAM của Thái kìa, mới do KIỂM của Tàu, không thể chối cãi được. Đại Hàn mất quá nhiều, mất gần hết, khiến ta tuyệt vọng đến chết được chớ chẳng chơi và hễ ta tìm thấy một tiếng Lạc Trãi là ta mừng như trúng số độc đắc.

Nhựt rất nghèo âm B còn Đại Hàn thì không có âm B, bởi vì người Tàu pán pánh pò giò chó quảy mà không bán bánh bò giò chó quảy.

Một vị giáo sư Nhựt ngữ nói cho chúng tôi biết rằng phân nửa nước Nhật phát âm L không được. Có lẽ toàn quốc Đại Hàn phát âm B không được cũng nên. Nhưng lạ lắm là trong Hàn ngữ còn danh từ bắt đầu bằng âm L còn trong Nhựt ngữ thì tuyệt đối không có.

Trong khi đó thì Nam Dương lạm phát âm R, cái âm R thân mến của người Ba Tư và Ấn Độ. Nhưng cả hai cái lưỡi Đ.N.A và Đ.B.A. đều là lưỡi Mã Lai, thế mà văn hoá đã tạo ra được cả bịnh tật về cơ thể như thế đó.

Tại sao đa số người Rạch Giá nói Con gùa gục gịch kong gổ gau găm (Con gà rục rịch trong rổ rau răm)? Chúng tôi e rằng cũng có một cuộc hợp chủng đồng tánh cách với Đại Hàn và Nhựt Bổn, tại tỉnh Rạch Giá của ta mà người dân phát âm âm R không được. Nhưng hợp chủng với ai?

Đại Hàn và Nhựt Bổn đều là Mã Lai, y như ta, nhưng không hiểu sao họ lại quá nghèo âm. Ta cứ nghe người Đại Hàn đọc tiếng Tàu như sau:

Ku thay vì Khu
Ku thay vì Cửu
Ku thay vì Cú

Còn đây là Nhựt đọc tiếng Tàu

Su thay vì Sào (huyệt)
Suu thay vì Số
Shu thay vì Chu (Đỏ)
Shu thay vì Thứ
Shu thay vì Thứ
Shu thay vì Chúa
Shu thay vì Chủ
Shu thay vì Thi (Thơ)
Shuu thay vì Chúng
Shuu thay vì Chúng
Shuu thay vì Châu (Á Châu)
Shuu thay vì Tuần (lễ)

Và chính vì sự nghèo nàn về âm đó, khiến nhiều người Việt Nam, cũng thông tiếng Nhựt, ngộ nhận về Nhựt ngữ.

Nhiều người Việt giỏi Nhựt ngữ, than phiền rằng chữ Nhựt nghèo âm, PHỤ là Cha, họ đọc là Tôô, mà ĐIỂU là CHIM họ cũng đọc là TÔ v.v.

Sự thật thì không phải thế, mặc dầu Nhật ngữ quả có cơ hàn về mặt ÂM thật đó.

Xét kĩ ra thì người Nhật đọc sai tiếng Tàu không bao nhiêu, nhiều lắm cũng chỉ như ta là cùng. Thí dụ: DƯƠNG PHỤC (Âu phục) họ đọc là YOFU. Thế thì tại sao họ lại đọc PHỤ là TÔÔ mà không là FU?

Ta không biết tại sao, mà chính các nhà bác học Nhựt cũng không biết tại sao, vì không ai biết rằng Nhựt đã quên tất cả ngữ nguyên danh từ của họ.

TÔÔ là danh từ của Lạc Địch, tức Lạc bộ Trãi. Nhưng người Nhựt không còn biết nó là của ai nữa, nên tưởng là họ vay mượn của Tàu mà đọc sai, và họ viết chữ PHỤ để kí hiệu chữ TÔÔ.

Đó là một sự kí hiệu bậy bạ và quên gốc, quên ngữ nguyên, chớ không phải là đọc sai tiếng Tàu PHỤ ra TÔÔ bao giờ cả.

Chúng tôi không có học ở trường Nhựt bao giờ, nên không biết tình hình văn tự của người Nhựt ra sao cả. Chúng tôi mò mẫm qua các sách vở, và đây là lời giải thích của giáo sư Châm Vũ Nguyễn Văn Tầm, trong tác phẩm “Nhật Bản sử lược”: “… chỉ với một chữ To (đọc là Tô), còn ai biết được nghĩa chữ Tô nào? (vậy) nhờ giả danh phiên âm và chua chữ Hán giúp… dễ lĩnh hội”.

Lời giải thích trên đây rất minh bạch, nhưng chúng tôi cứ thấy còn cái gì trục trặc trong văn tự của Nhựt (chớ không phải trong lời giải thích) một khi ta biết rằng họ có 35% danh từ của Lạc Địch và của Nam Dương.

Nó kì ở cái chỗ họ chua chữ Hán không ổn, chứng tỏ rằng họ quên ngữ nguyên của họ.

Đây là một danh từ được chua chữ Hán: SANADAMUSHI. Họ chua là Chân Điền Trùng. Nhưng theo chỗ chúng tôi biết (nhưng không dám bảo đảm) thì trong Hoa ngữ không có danh từ Chân Điền Trùng. Thế thì chua chữ Hán cho người ta hiểu, mà người ta lại càng không hiểu hơn thì làm sao bây giờ.

Tôi cứ suy luận như là tôi thông chữ Hán, và quả Hoa ngữ không có danh từ Chân Điền Trùng, cho đến chừng nào được ai dạy rằng trong Hoa ngữ có danh từ đó rồi sẽ hay.

Vậy tôi suy luận rằng họ chua chữ Hán với mục đích nào khác chăng? Chớ không phải chỉ để giúp hiểu vì có quá nhiều danh từ đồng âm.

Trong trường hợp này thì tôi lại biết rằng Sanadamushi là tiếng Việt Nam, hay nói cho đúng, là danh từ của Lạc bộ Trãi mà riêng nhóm Việt Nam, phát âm là SÁN SÂU, còn nhóm Nhựt thì phát âm như thế đó, còn Chân Điền Trùng chỉ là mượn âm của Tàu, để kí hiệu vậy thôi, bất cần Tàu có danh từ đó hay không. (Và tại sao lại không là Sâu Sán, mà lại là Sán Sâu thì ta sẽ biết lát nữa đây, ở cuối Chương này)

Nếu quả đúng như tôi đã tìm biết, thì rõ ràng họ chua chữ Hán không ổn chút nào hết, mà không ổn vì họ không còn biết danh từ của họ do đâu mà ra nữa. Họ chua lộn xộn ở nhiều danh từ, không có nguyên tắc, qui củ, chứng tỏ họ đã quên ngữ nguyên cho cả nhưng danh từ gốc Hoa rõ rệt.

Thí dụ đối với chữ HAKO là cái HỘP, họ chua là SƯƠNG. Nhưng chữ SƯƠNG của Tàu, có thể biến ra thành chữ Hako được hay không? Chúng tôi thấy là không, vì chúng tôi biết rằng Nhựt đọc tiếng Tàu sai không nhiều, và nếu Sương biến dạng thì nó biến theo một cái luật, y hệt như trong Việt ngữ cũng có luật như thế. Trong Nhựt ngữ thì S Tàu = S Nhựt. ƯƠNG Tàu = Ôô Nhựt. Thí dụ: Sa Đường = Satôô.

Thế thì tại sao Sương lại biến thành Hako?

Nếu có danh từ Tàu nào biến được thành HAKO thì danh từ đó phải là HẠP.

Vậy họ đã chua theo một sự kiện của tư tưởng, hơn là theo cái biết về ngữ nguyên. Họ thấy cả SƯƠNG lẫn HAKO đều chỉ một ý niệm là cái Hộp, họ bèn chua bằng chữ Sương. Điều đó không sao, miễn thiên hạ hiểu là đủ rồi, nhưng nó lại chứng tỏ, như đã nói, họ không còn biết danh từ của họ do đâu mà ra nữa, cả nhưng danh từ Nhựt gốc Hoa.

Một danh từ gốc Hoa thứ nhì, cũng thấy tự điển Nhựt viết sai. Về chén bát ăn cơm, Tàu có hai danh từ mà ta mượn Bát, Nhựt mượn Uyển đọc là Wan. Nhưng khi họ chua chữ Hán thì họ lại viết chữ UYỂN bộ Mộc là cái chén nhỏ bằng ngón chơn cái, dùng để uống rượu. Thế mà họ định nghĩa rằng đó là chén ăn cơm.

Chén ăn cơm, phải là chữ Uyển viết với bộ MÃNH, nó to lớn, mới ăn cơm được.

Thế nghĩa là họ quên cả nhưng ngữ nguyên gốc Hoa là cái gì họ rất thạo, và viết sai là lại quên gốc, chớ không phải kém chữ Hán mà họ rất giỏi.

Trong trường hợp đó, dĩ nhiên là danh từ SARA là cái đĩa, vốn là của Mã Lai, được họ chua chữ Hán là MÃNH. Nhưng Mãnh của Tàu lại không có nghĩa là cái đĩa. Cái đĩa là ĐIỆP mà Quan Thoại đọc là Tẻ (người Việt miền Nam gọi cái món đó là Dĩa, thì thật là không biết học của ai).

Xin trở lại với Sanadamushi.

Theo nghiên cứu của chúng tôi thì thuở xưa, toàn thể Mã Lai đều có cú pháp như Việt Nam. Nhựt mới thay đổi từ trên một ngàn năm nay, chớ xưa kia, họ nói Mushi San, hoặc Mushi Sana, hoặc Mushi Sana da, tuỳ theo cái đuôi của danh từ Sán (xơ mít) đã mọc dài tới đâu, khi họ đổi cú pháp thì nó đã mọc dài ra tới Sanada rồi, thế là Sanada Mushi. Rồi họ lại viết dính các danh từ ghép của họ lại, sau thời canh tân sau cùng, tức mới có mấy trăm năm nay, và nó hoá ra là Sanadamushi.

Nhưng Sanadamushi đã được ký âm bằng chữ Hán trước cả Chúa Giáng Sinh nữa, vì đó là danh từ của bọn Trãi là chủ cũ của Nhựt, chớ bọn Mã, nói khác, họ nói là SÂU DÂY, một danh từ rất hay và khá giống lối nói của người Anh là Tape Worm.

Bọn Trãi học chữ Hán với hậu duệ Phù Tô. Bọn Mã tới sau, học lại của bọn Trãi. Và cả hai bọn đều tiếp tục nói và viết là Chân Điền Trùng, nhưng bọn Mã chẳng hiểu gì hết, mặc dầu có dùng danh từ đó.

Bọn Trãi thua trận, nhưng lại biết chữ, nên được nể nang, và danh từ của họ cạnh tranh với danh từ của bọn thắng trận, và đại thắng, y hệt như ở Việt Nam danh từ của bọn Mã, Con Chó, lại thắng danh từ của vua Hùng Vương, Con Cầy.

Đối với bọn Trãi, Chân Điền Trùng chỉ có nghĩa là con trùng tên là San, nhưng âm ĐA đã trót có thì họ cũng kí hiệu vậy thôi mà không kể đến.

Mãi cho đến sau thời Nại Lương, họ bày ra Phiến và Bình giả danh thì hai bọn đã quên mất Sanadamushi do đâu mà ra, đành cứ tưởng là của Tàu, mặc dầu Tàu gọi con đó là Bạch Thốn Trùng, chớ không là Chân Điền Trùng.

Vậy chua chữ Hán là có tham vọng trình ngữ nguyên, nhưng lại trình lầm, lầm vì cấp lãnh đạo tuyệt đối không biết hai tiếng kép Sanada và Mushi có nghĩa gì hết, vì như đã nói, họ gọi con đó là Sâu Dây, nhưng Sâu của họ là ULAT chớ không phải là Mushi, còn kẻ có danh từ thì lại quên gốc vì bị đè dưới cả hai ảnh hưởng lớn là di cư Trung Hoa và bọn Mã thắng trận.

Chúng ta đã thấy ở Chương I và II, rằng dân tộc nào cũng đã quên hàng ngàn danh từ của họ thì bảo rằng bọn Trãi ở Nhựt quên Sanadamushi, hay nói cho đúng, quên Sanada, không có gì gượng ép cả.

Ở đây, chỉ là quên ngữ nguyên thôi, chớ họ vẫn hiểu rằng con đó trỏ con Sán (Xơ mít)

Chúng tôi suy luận thế đúng hay không? Nếu là bọn sau ký hiệu, mà có quên đi nữa, họ đã ký là Bạch Thốn Tùng, y như trong trường hợp HAKO ký là Sương, tức ký theo sự kiện tư tưởng, với hai mục đích:

1. Dùng đúng tiếng Tàu

2. Giúp hiểu ý niệm

Còn ký hiệu có ăn khớp hay không thì bất kể, vì chính bọn sau cũng đã quên HAKO do cái gì mà ra.

Đằng này sự ký hiệu Sanadamushi lại bất kể tuốt mục đích thứ nhứt là dùng tiếng Tàu thì ta phải hiểu rằng chữ Tàu ấy chỉ dùng để mượn âm, do bọn trước vay, rồi bọn sau, vì không biết, nên tưởng là danh từ Trung Hoa, nên cứ để vậy.

Không phải chỉ vì một danh từ Sanadamushi mà chúng tôi thấy những điều trên đây, mà còn vì vô số danh từ khác.

Chữ Hán, thấy rõ ràng là một cái kho để cái gì không biết gốc là họ dồn hết vào đó.

Sự gán ghép ấy, có hai lối:

I) Gán ghép đúng nghĩa, nhưng không ăn khớp với giọng đọc. Thí dụ MICHI là danh từ Nam Ấn, có nghĩa là con đường thì họ chua bằng chữ Đạo, có nghĩa hẳn hoi, nhưng sao ĐẠO lại đọc là MICHI? Họ đọc ĐẠO là ĐOO, thấy quá rõ trong danh từ Shinitoo = Thần Đạo, chớ có đọc là Michi bao giờ.

II) Gán ghép bằng cách viết càn, sao cho đúng với câu đọc của họ, Tàu không có danh từ đó cũng được, như Chân Điền Trùng trên đây chẳng hạn, miễn phù hợp với âm đọc của chính họ. Phải ghi chữ Tàu vì phân nửa nước Nhựt chẳng biết Sanadamushi là gì, chớ không phải vì sợ trùng âm.

Đây là ba lối đọc chữ KHÚC của Tàu.

Đại Hàn:
Kok
Việt Nam:
Khúc

Nhựt Bổn: Kyoku

Nhựt đọc thành nhị âm, nhưng viết ra chữ, họ chỉ viết có một chữ Khúc, chớ không là Khúc+Ku, vì họ biết chắc Kyoku do Khúc mà ra thì cái đuôi Ku vô nghĩa, không cần cho kí hiệu nào hết.

Trái lại trong động từ NAKI của Nam Dương, mà họ dùng như là tĩnh từ, thì họ không biết gốc nên họ chua là Vong + Ky.

Ở đây chỉ vì không biết nên kí hiệu cho đủ âm, người ta có Ki, mình cũng phải có Ki, mặc dầu một chữ Vong là đủ nghĩa Naki rồi, khác hẳn với ở Kyoku mà họ biết chắc 100% rằng KU không cần được kí hiệu, vì chữ nguyên là KHÚC, không có KU.

Thế thì lối chua chữ Hán của Nhựt phải có mục đích khác hơn là xóa lầm âm, mục đích ấy, theo thiển ý là hễ danh từ nào mà họ không biết của ai là họ bỏ vào bị Trung Hoa hết thảy, còn hễ biết thì họ viết bằng Bình giả danh hoặc Phiến giả danh.

Nhìn vào tự điển Nhựt, ta thấy họ bối rối lắm, và thường làm sai. Thí dụ với hai động từ NAKI, một của Nam Dương, một của Lạc Địch, tức một của Lạc bộ Mã, một của Lạc bộ Trãi.

Hai động từ đó, phải được hồi phục lại bằng một xâu chuỗi biến dạng, mới biết ngữ nguyên của nó.

I) NÁKI:
Chết
II) NAKI:
Khóc (Nakijakuru)

Động từ thứ nhất là của Lạc bộ Mã:

Nam Dương:
Mati
Việt Nam:
Mất
Chàm xưa:
Mati
Chàm nay:
Mưtại
Chàm Bình Tuy:
Htai
Thái:
Tai
Nhựt:
Naki

Cấp lãnh đạo ở Nhựt là Lạc bộ Mã. Thế mà họ cũng quên danh từ của chính họ, vì nay họ dùng như tĩnh từ, tương đương với CỐ của Trung Hoa và FEU của Pháp.

(Nhưng kì lạ thay, khi chua chữ Hán, họ lại không chua là CỐ, mà chua đúng nghĩa cổ thời là Vong.)

Tuy nhiên, không phải chỉ có VONG mà là VONG + KI.

Thấy rõ là họ đã quên đầu đuôi hết. NAKI là một khối không thể tách rời ra và có nghĩa là VONG, y hệt như Kyoku là Khúc. Thế sao Kyoku không là KHÚC + KU, mà Naki lại là VONG + KI?

Phải chăng họ không biết Naki do đâu mà ra, nên cẩn thận biên hết các âm vào, mặc dầu một chữ Vong là diễn tả đủ hai âm Vong + Ki.

Viết như vậy chừng ha thế hệ là dân Nhựt đã tưởng NA là đọc sai tiếng Tàu VONG và Ki là cái đuôi vô nghĩa.

Động từ Naki thứ nhì, đúng theo Nhựt là Nakijakuru lại còn cho thấy họ sai rõ rệt, vì không biết nó do đâu, nên họ phân tách lầm lẫn:

Na + Kijakuru

Động từ đó, đúng thật là: Naki + Jakuru

Hai hối kí hiệu ấy, khác nhau rất xa:

Na + Kijakuru
Naki + Jakuru

Người Nhựt bắt chước Tây, viết dính lại tất cả, nên không thấy là có khác, nhưng khi họ chua bằng chữ Hán thì lối tách hai ra của họ, thấy rõ là họ tách sai. Mà tách sai, vì không biết nó do các yếu tố nào họp thành.

Khi họ kí hiệu thì như thế này:

Na
= Khấp
Kijakuru
= bằng Bình giả danh

Họ định nghĩa: Khóc lên tiếng (Sangloter)

Thấy rõ là kí hiệu không ăn khớp với định nghĩa.

KHẤP là KHÓC THẦM, thế mà lại định nghĩa là khóc lên tiếng = Sangloter thì còn gì là chữ Tàu nữa.

Đây là chữ Hán:

Khấp = Khóc thầm
Khốc = Khóc lên tiếng

Người Nhựt rất giỏi tiếng Tàu. Thế sao ở đây họ lại lầm?

Họ lầm vì không biết ngữ nguyên mà hễ không biết thì muốn viết sao cũng được, miễn định nghĩa đúng với lối hiểu của dân chúng là đủ rồi.

Thật ra thì đó là động từ của Lạc bộ Trãi mà riêng nhóm Việt Nam phát âm là NẤC.

Mà như thế thì phải là:

Naki + Jakuru

Chớ không là:

Na + Kijikuru

Dầu sao, người Nhựt sau này cũng hiểu: Na = Khấp

Na = Vong

Nhưng không có Na nào có nghĩa gì cả, mà chỉ có NAKI mới có nghĩa ở cả hai động từ.
Những cái mà họ biết ngữ nguyên đúng, họ viết rất đúng. Thí dụ từ ngữ KAKKO.

Họ viết ra chữ là KAKKO NI, Kakko bằng hai chữ Tàu CÁC HỘ, NI bằng Bình giả danh.

KakkoNi = Nơi mỗi gia đình

Thì phải có Ni là Nơi, (tức INI của Nam Dương bị co rút).

Chính sự chua thật đúng nầy lại cho thấy ở các nơi khác là sai, mà sở dĩ vì có thật đúng và có sai, là vì có cái họ nhớ ngữ nguyên, có cái họ quên, chớ nếu ở đây họ cũng quên thì không làm sao mà có chữ NI mọc ra thinh không, trong khi danh từ chỉ là KAKKO gọn lỏn. So :

Vong + Ki
= Naki


Các hộ + Ni
= Kakko

Ta thấy KI không được họ hiểu là gì, nên nó thừa, thừa vì Vong là quá đủ. Còn NI thì được biết chắc, cho nên mặc dầu danh từ không có NI, Ni cũng được viết ra cẩn thận.

Mà viết cũng hữu lý lắm. Các hộ gốc Hoa thì viết bằng Hán tự còn Ni gốc Mã Lai, tức gốc Nhựt thì viết bằng quốc tự của Nhựt, thật là rõ ràng, minh bạch.

Ở các nơi khác thì hỗn loạn, thí dụ San Hô (Sanggo) là danh từ của Trung Hoa, lại được viết bằng Bình giả danh, còn TORI (chim) là danh từ của Lạc bộ Trãi, lại được viết bằng chữ Tàu. Mà đừng tưởng Sanggo nằm một mình, nên không sợ lầm âm, nên không cần chữ Hán, bởi Sản Hậu, cũng được phát âm là Sango và cũng nằm kế cận San Hô, thì rất dễ lầm âm.

Ta thấy danh từ MONO của Nhựt mà đứng ở vế thứ nhì của một danh từ phép thì không thể lầm âm với cái gì hết. Thế mà họ vẫn cẩn thận chua là Vật, thì quả họ có tham vọng trình ngữ nguyên, chớ không phải sợ lầm âm nữa. Và ở đây, họ cũng trình lầm vì đó là một danh từ của Lạc Địch chớ không phải của Tàu, mà các nhóm phát âm như sau:

Lạc Địch Đại Hàn:
Mul
Lạc Địch Việt Nam:
Món

Lạc Địch Nhựt Bổn: Mono

Tại sao người Nhựt lại dễ quên quá nhiều ngữ nguyên của họ hơn các dân khác. Là tại họ thích sáng tác, mà lại sáng tác rất loạn, ghép ngôn ngữ nầy với ngôn ngữ nọ lại, nên sau, chừng hai trăm năm thì phải bí.

Sự sáng tác, rất có lợi mà cũng rất hại. Thí dụ Lạc bộ Trãi chỉ có một danh từ là ANO để chỉ ANH và CHỊ. Như vậy là dở, thành thử Nhựt sáng tác ANI và ANE với độc một danh từ ANÔ. Vậy là tài (ta không biết sáng tác, biến Ani thành Anh và đành mượn Chị của Tàu. TỶ, Quan Thoại đọc là CHÈ, ta đọc là CHỊ)

Nhưng khi sáng tác loạn lên thì nó gây rối loạn.

Ta cứ nhìn vào danh từ của ta và của Pháp thì ta biết rõ nguyên nhơn tại sao Nhựt lại quên.

Pháp tạo danh từ với ngữ căn Hy và La. Học giả của họ chỉ biết Hy La là truy ra được tất cả. Những danh từ không do Hy La mà do Mã Lai Nam Dương chẳng hạn, thì lại được tự điển của họ cho biết nguồn gốc ngay lối 20 năm sau khi được tân tạo. Họ không bí.

Ta, ta cũng làm với chữ Tàu, nên ta không bí. Nhưng khi ta làm thế với danh từ không của Tàu là ta bí chết đi, vì tự điển của ta không cập nhựt hóa, hoặc chưa có tự điển thuở tân tạo.

Người Nhựt đã lâm vào cảnh của ta, nhưng họ bí hơn ta vì họ chưa học đủ thứ ngôn ngữ Á Đông như ta.

Nguyên tắc của Việt Nam là không bao giờ ghép chữ Tàu với chữ Việt để làm một danh từ. Nhưng Nhựt rất ưa làm như vậy. Chúng tôi đã nói đến danh từ SUIMONO của họ. Họ không mượn thẳng của Tàu danh từ Canh như ta mà ghép Sui (Tàu) và Mono (Nhựt). Chúng tôi đã đoán rằng đó là Thủy+ Món vì quả họ đọc Thủy là Sui. Nhưng họ lại chua chữ Tàu rằng là Hấp + Mono.

Một người bạn Trung Hoa của chúng tôi, đọc bản thảo của chúng tôi rồi cưới ha hả và nói: “Ông Nhựt ghép chữ đã dị kỳ, viết chữ Tàu cũng kì khôi, anh lại dốt chữ Tàu cái nữa thì loạn hết. Sui của Nhựt, không do Thủy đâu, mà do XUYẾT. Trung Hoa có hai động từ chỉ sự HÚP CANH là Hấp và Xuyết, chớ không phải chỉ có một như anh và ông Nhựt đã tưởng.

Quả thật tôi chỉ biết Xuyết là nước canh, mà không hề biết Xuyết là Húp canh. Nhưng dầu sao, Nhựt cũng đã quên SUI do đâu mà ra nên mới viết là Hấp. Thủy hay Xuyết gì, cũng không thể biến thành Hấp được bao giờ cả.

(Luật M. Swadesh lại được chứng minh bằng cả Hoa ngữ nữa, vì từ đời nhà Chu đến nay, ta thấy danh từ Canh của Trung Hoa bị thay đổi ba lần rồi.)

LANG: Đời Chu, thấy được trong Kinh Thi

Canh: Đời Hán.

Thương: Danh từ hiện kim có lẽ đã già gần một ngàn năm rồi, và có thể sắp bị thay đổi nay mai. (Các nhà ngữ học quốc tế vì đố kị chăng mà công kích luật ấy quá dữ, nhưng luôn luôn ta thấy luật đó đúng ở rất nhiều trường hợp).

Đó là Tàu ghép với Nhựt, tức dễ biết, vì Nhựt rất thông chữ Tàu, mà họ còn quên như thế thì với ngôn ngữ khác, còn loạn hơn nữa.

Thí dụ điển hình là danh từ NGÀ VOI của họ. Họ lấy một danh từ của Lạc bộ Mã ở Nam Dương là GHI là cái Răng và họ biến thành GÊ để ghép vào với một danh từ của Lạc Địch là Yô mà hiện Thượng Việt đang dùng (Mạ, Xi Tiêng, Mnong Gar) nhưng riêng Trãi Nhựt thì đọc là Zoo. Vậy.

Zooge (đọc là zôghê) = Ngà voi.

Phân nửa nước Nhựt, bọn Trãi, không biết GE là gì, phân nửa khác không biết ZOO là gì.

Dĩ nhiên là trong tình thế đó, họ phải viết ra bằng Hán tự là Tượng Nha, bằng không, Trãi chẳng biết một phần tử của danh từ, Mã lại bí về phần tử khác, chớ Zoo-gê thì không có trùng âm với danh từ nào khác mà phải chua chữ Hán.

Nhưng sáng tác Zooge coi vậy mà không quái gở bằng nhiều danh từ khác bởi dầu sao Lạc Địch và Nam Dương đều là Mã Lai với nhau cả.

Động từ ĐI ĐÊM của Nhựt là một cái gì làm cho cả người Nhựt cũng ngẩn ngơ, vì họ ghép một tiếng tàu là Dạ mà họ đọc là YÔ với một tiếng Nam Ấn là MICHI. Đúng là INDO CHINA.

Nhưng họ nào có biết rằng Michi là của Nam Ấn, bởi họ chỉ sống chung với Ấn có lối một trăm năm tại Nam Dương rồi thì ly khai đi Nhựt, họ có học, nhưng học theo lối người Thái học tiếng Tàu, tức học không thấy, không biết căn bản, rồi quên là của ai.

Nhưng MICHI chỉ là CON ĐƯỜNG thì Yomichi là Con đường ban đêm, tức danh từ, thế thì làm sao mà là động từ ĐI ĐÊM được?

Thế nên, họ ghép thêm một động từ Nam Dương là CHUKU mà họ biến thành SURS có nghĩa là Làm, tức:

YOMICHISURU = Làm con đường đêm = Đi đêm

Hoa + Ấn + Nam Dương

Nhưng nào có giản dị thế đâu, trước SURU họ thêm một tiếng đệm là Ô.

Kết quả YO được hiểu, vì tiếng Tàu là văn hóa ở Nhựt. Nhưng phân nửa nước Nhựt, bọn Lạc bộ Trãi, phải học Ô sư rư. Và toàn quốc không hiểu tại sao ĐẠO thường được đọc là ĐOO, nhưng ở đây, lại được đọc là Michi.

Nếu họ không viết Michi bằng Bình giả danh, chắc họ sẽ không thắc mắc vì ngỡ rằng đó là quốc ngữ của họ, tự nhiên tổ tiên họ đã sáng tác ra thế như tổ tiên bọn Mã đã sáng tác Tàng (Đường) và tổ tiên bọn Trãi đã sáng tác Trruong (Truông).

Tại sao Parasol là ngoại ngữ, được kí hiệu bằng Phiến giả danh, còn Michi cũng là ngoại ngữ mà được viết bằng chữ Tàu? Là tại họ không còn biết Michi do đâu mà ra, và đổ trút cho Tàu tất cả những ngữ nguyên mà họ bí.

Ari = Con Kiến, là danh từ của Khả Tu. Người Nhựt cũng nói như vậy, nhưng viết ra chữ NGHỊ của Tàu, khiến ai cũng ngỡ Ari do NGHỊ đọc sai, mà có lẽ chính họ cũng tưởng như vậy.

Người Mạ nói IRAU = Rửa. Nhựt nói Arau. Nhưng họ đọc là Ara Ư. Thành thử họ viết Tẩy + Ư, Tẩy được viết bằng tiếng Tàu, Ư bằng Phiến giả danh, khiến ai cũng tưởng rằng Tẩy được đọc sai là Ara, còn Ư là cái gì đó chẳng biết nữa.

Thế nên ta mới thấy KARAI của Nam Dương được đọc là Kara I và được viết là Tân + I mặc dầu KARAI, Việt Nam nói là CAY, Tàu nói là LẠT, chớ không phải TÂN, nhưng viết bằng chữ Tân hay chữ Lạt gì, ai cũng ngỡ Kara do Tân mà ra và I là cái gì đó không biết.

(Nhựt Bổn cho Kara I hai nghĩa: Cay và Mặn, mặc dầu họ đã có Shikê, diễn được ý niệm Mặn. Tàu không có ỚT, họ gọi Ớt là Lạc Tiêu, tức Tiêu Cay. Vào hiệu ăn của Tàu, ta thường nghe họ gọi ớt cho khách: “Laạt chéo lớ!” Người Tàu chỉ dùng Tân trong văn chương và y khoa còn trong việc bếp núc thì họ dùng Lạt).

Thế thì chữ TE đọc là THÊ là Bàn tay, chưa chắc gì do chữ Thủ của Tàu mà ra, mặc dầu họ đã viết chữ Thủ, bằng chứng là đồng bào Thượng trên Cao Nguyên hiện nay gọi bàn tay là TI, TAI, ĐAI, TÊ và THÊ.

Thủ, Tàu đọc là Xủ mà âm Xủ của Tàu biến thành âm Thủ của Nhựt được chăng? Trái lại Nhựt Bổn có phát âm Tê với âm Đ y như Cao Miên, trong từ ngữ SUĐÊ của họ.

Thê
= Xủ?
Đê
= Xủ?

Lạc bộ Trãi đã phát âm ba cách: Tàu, TH, Đ. Trung Hoa chỉ 1 cách thôi. Nhựt 2 cách. Vậy Thê của Nhựt do Tê, Thê, Đai của Mã Lai mà không do Thủ của Tàu.

Tất cả mọi người Việt Nam đều tưởng rằng TE do Thủ mà ra, vì lối chua chữ Hán của sách Nhựt như thế đó.

Danh từ Phân, Phẩn của Việt Nam và Fun của Nhựt đều do Phấn của Tàu mà ra, thì Nhựt chua là Phân thì rất đúng. Chứ như Kuso thì rõ ràng là danh từ Lạc Địch và nhóm Lạc Địch V.N phát âm là Cứt, mà họ cũng chua là Phấn thì rõ ràng họ không còn biết Kuso là của ai nữa.

Ở đây thì chắc một trăm phần trăm là không vì sợ lẫn âm, bởi hai danh từ tương tự, lại khác âm:

Kuuso = Trống không
Kuusôô = Tưởng tượng, Mộng, Ảo Ảnh.

Đuổi một kẻ khác đi bằng giọng to tiếng, Lạc Địch V.N nói: Cút đi!

Lạc Địch Nhựt cũng nói KUSO SƯ. Nhưng họ cũng chua bằng chữ Phấn của Tàu!!!

Tóm lại, người Nhựt quên rất nhiều ngữ nguyên của danh từ của họ, và chua chữ Hán, không còn là để tránh lầm âm mà là để trình ngữ nguyên, nhưng lại trình lầm.

Cuộc hợp tác giữa hai thứ Mã Lai Trãi và Mã ở Nhựt, giống hệt ở Việt Nam. Ở xứ ta Trãi lãnh đạo, nhưng Mã rất văn minh, thành thử được nể, được ưu đãi, và có sự hòa hợp huyền diệu.

Ở Nhựt thì Mã tới sau, nhưng lãnh đạo, nhưng Trãi lại văn minh cao, nhờ đã học với hậu vệ Phù Tô. Thành thử Trãi ở Nhựt cũng được ưu đãi như Mã ở Việt Nam, và danh từ của Nhựt và của Việt, phong phú hơn của Đại Hàn. Đại Hàn cũng phong phú, nhưng không phong phú về mặt Mã Lai. Mà chỉ nhờ mượn gần toàn bộ của Tàu.

Đây là chủ quan của chúng tôi, nhưng chúng tôi tin mạnh. Nhựt mượn của Tàu nhiều hơn ta, nhưng không đẹp bằng ta. Tác phẩm của họ được Âu Mỹ dịch gần hết, chỉ nhờ họ là đại cường quốc, chớ đọc văn thơ của họ, không thấy hay hơn của ta chút nào.

Ta bị trị, mới thu hồi độc lập, chưa ai biết. Nhưng khi Âu Mỹ dịch xong ta rồi, họ sẽ thấy là ta hơn Nhựt rõ rệt.

Tuy nhiên bộ ngữ vựng chuyên môn thì ta thua họ rất xa, vì ta chưa kĩ nghệ hóa.

Lúc đặt thương điếm ở Hội An, Nhựt có vay của ta hay không? Có, nhưng đó là danh từ độc nhứt ZABONtức PONKAN là trái bưởi. Chỉ có Việt Nam mới gọi trái đó là Bồng. Trãi ở Nhựt thì không biết Bưởi, vì khí hậu ở đó không cho bưởi mọc tự nhiên. Đó là danh từ vay mượn, nhưng chủ nợ không thể lầm lẫn với ai, vì chỉ ta mới gọi trái đó là Bồng.

Cam quýt một lòng, bưởi bồng một dạ.

Hồi còn ở Nam Dương, có trái bưởi, họ gọi trái ấy bằng danh từ Nam Dương mà họ đã đánh mất sau hơn một ngàn năm định cư ở Nhựt. Bọn Trãi ở Nhựt thì không có danh từ vì bưởi không mọc tự nhiên được ở Nhựt. Họ đánh mất danh từ Bưởi của Nam Dương cùng lý do với sự mất mát danh từ Orang- Outang vì không có dịp nói đến.

Nhưng may quá, đó là danh từ vay mượn dưới thời chúa Nguyễn, nên họ còn nhớ gốc, không có viết ra bằng chữ DỨU của Tàu.

Ta, ta không có vay mượn của họ danh từ nào cả, trừ 1 tiếng Tàu là Bồn Tài, mới vay mượn có vài năm nay, dưới hình thức Bonsai.

Những danh từ Nhựt Việt giống nhau là vì chung gốc tổ Mã Lai, chớ không phải vay mượn.

Cũng như Việt Nam, Nhựt Bổn thường dùng cả hai danh từ của Trãi và Mã, để chỉ một ý niệm. Có khi ta thua họ, có khi họ kém ta. Thí dụ họ chỉ có CẲNG (Kaki ( Ashi) mà không có Chơn. Trái lại, có khi ta nghèo hơn họ. Thế là hòa cả làng.

Nam Dương:
Đua
– Việt Nam:
Đôi
– Nhựt:
Tsui
Thượng Việt :
Kap
– Việt Nam:
Cập
– Nhựt:
Kappuru
Nam Dương:
Masé
– Việt Nam:
O
– Nhựt:
Mađa
Thượng Việt:
Nếo
– Việt Nam:
Nữa
– Nhựt:
Nao

Tánh tình người Nhựt trái ngược nhau và ảnh hưởng đến ngôn ngữ. Họ tồn cổ triệt để, mà đồng thời cũng vong bổn triệt để. Ở Nhựt, cây Soan nhiều cho đến đỗi Pháp gọi cây đó là Soan Nhựt Bổn (Lilas đuôi Japon) thế mà họ không có danh từ để gọi và mượn danh từ Lilas của Pháp, biến thành Rira. Nhưng họ từ Nam Dương di cư lên, mà Nam Dương cũng giàu Soan, cũng có danh từ là Kâyu Đoan Mambu (Cây soan đâu của Việt Nam).

Vậy họ đã ham mới bỏ cũ, đánh mất Kâyu Đoan Mambu, và dùng tiếng Pháp Rira dở hơn Kâyu Đoan Mambu quá nhiều.
Nguồn: Bình Nguyên Lá»™c. Lá»™t trần Việt ngữ. Nguồn XÆ°a xuất bản. Sài Gòn 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.