trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
6.7.2007
Phạm Quang Tuấn
Vài thắc mắc về bản dịch Tây Dương Gia Tô bí lục
 
Cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục tự nó không có gì đáng quan tâm bàn cãi. Vì cuốn sách quá ngây ngô không thể đánh lừa được độc giả talawas nên phản ứng thích hợp là... phì cười và bỏ qua. Tuy nhiên, nhân dịch giả Ngô Đức Thọ có nhã ý hồi âm nên tôi xin đặt một vài câu hỏi.

Một người với kiến thức sơ đẳng cũng có thể thấy ngay rằng Tây Dương Gia Tô bí lục là một tác phẩm nguỵ tạo. Nguỵ tạo đây có nghĩa là nó không thể được viết bởi những tác giả được ghi trong sách (hai vị "giám mục" cùng hai thầy cả gì đó). Về chữ giám mục thì linh mục Nguyễn Ngọc Lan đã từng chỉ ra rằng tới sau 1930 Việt Nam mới có giám mục đầu tiên. Hay là tác giả không phân biệt được hai từ "giám mục" và "linh mục" chăng? Nhưng điều đó lại càng cho thấy tác giả không thể là người trong đạo hay đã từng theo đạo.

Ngoài ra, tác giả cuốn này cũng hoàn toàn không biết gì về giáo lý căn bản của đạo Cơ đốc hoặc về lịch sử, địa lý, xã hội Tây phương. Ở một mức sơ đẳng nhập môn nhất, họ không phân biệt được Cựu Ước (lịch sử và truyền thuyết của dân Do Thái) và Tân Ước (những điều giảng của Jesus) trong Thánh kinh nên gán cho Jesus những "sáng kiến" đã có từ cả ngàn năm trước khi ông sinh ra: chuyện Adam và Eve, chuyện chiếc tàu của Noah, mười điều răn thời Moses, thậm chí tục lệ cắt da qui đầu. Họ cũng không hiểu gì về cái tục lệ circumcision này nên gán cho nó cái ý nghĩa là... tự hoạn để đi tu! Họ còn nghĩ rằng Ignatius, người lập ra dòng Tên, là một thừa sai ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân, Việt Nam! (Nên nhớ rằng theo lời giới thiệu thì tác giả sách này có hai người là "giám mục dòng Tên", đồ đệ của Ignatius!)

Về địa lý Tây phương, họ không phân biệt được Ai Cập, Ý và Hoà Lan! Họ còn đặt Do Thái ở phía Tây nước Ý. Đến đoạn kể hai vị "giám mục" Việt Nam sang La Mã và được dẫn đi xem... chiếc thuyền của Noah ở Do Thái thì người đọc này không nhịn nổi cười. (Cũng xin minh xác tôi là người ngoại đạo và chỉ biết về giáo lý đạo Cơ đốc qua những sách báo thông thường.)

Về lịch sử, họ tưởng rằng Pontius Pilate là một ông quan thuộc quyền vua Herod (thực ra, Pilate là một toàn quyền La Mã còn Herod chỉ là một tiểu vương chư hầu của La Mã), thậm chí còn nghĩ rằng La Mã là thuộc địa của Do Thái! (có lẽ vì thấy đạo Thiên chúa từ Do Thái lan sang La Mã). Rõ ràng là họ không biết gì về đế quốc La Mã, một điều không thể tưởng tượng được ở một giám mục hay linh mục. Họ cũng gán cho Tây phương những tập tục, tín ngưỡng y hệt như Đông phương thời xưa (thờ cúng tổ tiên, tin thuật địa lý phong thuỷ, yểm long mạch, v.v.).

Những cái sai hay nguỵ tạo trong cuốn sách kể không hết, hầu như mỗi câu là một cái sai, nhưng có những cái sai hay nguỵ tạo mà người đã từng theo đạo, hoặc có chút học thức Tây phương, hoặc biết một chút về Âu châu không thể phạm được.

Tuy nhiên, cuốn sách tự nó không phải là vấn đề, nếu ta hiểu được rằng đó là một tài liệu lịch sử để minh chứng cho những sự thù hận tranh chấp thời cấm đạo và "bình Tây sát Tả" một hai trăm năm về trước. Cái làm tôi thắc mắc là lời giới thiệu của dịch giả, của nhà xuất bản, và khung cảnh lịch sử trong đó bản dịch được xuất bản.

Tại sao một chuyên viên của một viện nghiên cứu nhà nước mà có thể... kém cỏi như vậy về sử địa thế giới cũng như về kiến thức xã hội, tôn giáo chung chung? Vì chỉ có người hoàn toàn không có kiến thức căn bản mới không nhận ra ngay những cái sai rất sơ đẳng mà tôi đã kể ở trên, và trịnh trọng giới thiệu tác giả là "hai giám mục", "đã sang thăm La Mã", là "Thiên chúa giáo yêu nước" v.v.

Chẳng nhẽ ở Việt Nam thời đó (1981) không dạy gì, không có sách vở gì về lịch sử địa lý Âu châu, không biết gì về đế quốc La Mã? Hoặc cứ cho rằng dịch giả là một người đặc biệt, quá chuyên môn trong địa phận nhỏ hẹp của mình, kiểu idiot savant, nhưng chẳng nhẽ trong số những chuyên viên khác của viện Hán Nôm hay những cơ quan khoa học xã hội, những trường đại học và trung học Việt Nam thời đó (1981), những nhân viên kiểm duyệt văn hoá ở nhà xuất bản, không ai có thể kiểm chứng giùm ông cả mà để cho ông viết và in cho công chúng những lời giới thiệu ngớ ngẩn như vậy? Thật khó tin là trình độ trí thức miền Bắc năm 1981 thảm hại đến thế. Nhưng nếu quả thật như vậy, thì ta phải rùng mình kinh sợ trước khả năng làm ngu dân và bưng bít thế giới bên ngoài của nhà nước thời đó.

Còn về tôn giáo, cũng có thể hiểu rằng dịch giả không phải là người theo đạo nên không biết gì về giáo lý Cơ đốc. Tuy nhiên, nếu đã bỏ công sức dịch một tài liệu dài nói về một đề tài (Cơ đốc giáo) thì ít ra cũng phải bỏ ít thì giờ tìm hiểu về đề tài đó chứ? Đằng này, đã không biết gì và không chịu tìm hiểu, dịch giả còn bênh vực tác phẩm nguỵ tạo này và các tác giả của nó hết lời: "các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục đã đề cập đến hầu hết những vấn đề cơ bản của đạo Gia Tô", "những lý lẽ của các ông [tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục] ... phần nhiều nói đúng vào những điểm mà đối phương khó hoặc không thể giải thích được", "các tác giả đã sưu tập tài liệu từ những nguồn tham khảo khá phong phú", "Hai ông Phạm, Nguyễn tận tuỵ với chức đạo cho đến lúc tuổi già, được thăng làm giám mục", "tên tuổi và hành trang của các vị không khỏi bị những kẻ thiếu thiện chí làm cho lu mờ, thanh danh mai một", "là tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam", v.v.

Trong bài hồi âm trên talawas, ông Ngô Đức Thọ viết: "Làm sao mà chúng ta, thay vì nên đứng khách quan để quan sát một hiện tượng tranh chấp tôn giáo rất quyết liệt trong lịch sử lại có thể nhảy hẳn vào trong lịch sử ấy để xoá ngay cái quyền được trước thư lập ngôn để lại di sản văn hoá tinh thần của người xưa?" Vấn đề không phải là chuyện trước thư lập ngôn hay di sản văn hoá của người xưa, mà là những lời giới thiệu quá nồng hậu và quá... dốt của người dịch. Ông còn so sánh cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục với Mật mã Da Vinci. Tuy nhiên, không có chuyên viên nhà nước và cơ quan xuất bản nhà nước ở bất cứ nước nào giới thiệu Mật mã Da Vinci như kiểu Tây Dương Gia Tô bí lục được ông Ngô Đức Thọ và nhà xuất bản Khoa học Xã hội giới thiệu trước công chúng! Hơn nữa, kiến thức của các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục về chủ đề cuốn sách không thể so sánh với kiến thức của tác giả Mật mã Da Vinci (nhưng điều này có thể ông Ngô Đức Thọ không biết).

Ông Ngô Đức Thọ viết rằng việc xuất bản Tây Dương Gia Tô bí lục chỉ là một chuyện "kinh doanh" bình thường. Chuyện đó rất khó tin vì ở thời điểm 1981, Việt Nam hãy còn trong chế độ xã hội chủ nghĩa sắt thép. Ở Hà Nội thì Tổng Bí thư Lê Duẩn, ở Moscow thì Tổng Bí thư Brezhnev hãy còn nắm quyền. Phải đến 1986 thì "đổi mới" mới ra đời. Thực ra, muốn tìm hiểu động cơ việc xuất bản thì chỉ cần nhìn vào lời giới thiệu sắt máu của nhà xuất bản. Chúng ta cũng thử nhìn lại bối cảnh lịch sử lúc ấy. Năm 1979, Giáo hoàng John Paul II thăm Ba Lan. Năm 1980, công đoàn Đoàn kết được thành lập, gây nên phong trào dân chủ sau này sẽ dẫn tới sự sụp đổ của cộng sản Đông Âu. Năm 1981, John Paul II bị ám sát hụt (vụ ám sát do Liên Xô tổ chức "beyond reasonable doubt", theo điều tra của quốc hội Ý công bố vào năm 2006). Nói tóm lại, 1981 là thời điểm mà chiến tranh lạnh giữa cộng sản và Công giáo La Mã đang sôi sục đến cùng cực và đôi khi trở thành chiến tranh "nóng". Vậy thì động cơ của việc xuất bản Tây Dương Gia Tô bí lục quá dễ hiểu, chắc chắn là nếu không do Đảng bày ra thì cũng là một mâm cỗ vô tình hay cố ý dâng cho Đảng.

© 2007 talawas