trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
11.5.2002
Trịnh Thanh Thủy
Trả lời bài phản biện của bạn Tâm Chính
 
Bạn Tâm Chính và các bạn đọc:

Khi viết bài “Sự quan tâm của bậc cha mẹ: 'Ước vọng' ĐTLA và quan niệm 'Căn bệnh truyền nhiễm'”, tôi chỉ có ý định đặt ra một câu hỏi giả thuyết “Đồng tình luyến ái có phải là một 'căn bệnh truyền nhiễm' không?", và suy luận, bảo vệ giả thuyết, bàn luận quanh những nguyên nhân gây ra ước vọng ĐTLA. Luận thuyết này không ngoài sự mong mỏi các bậc cha mẹ đi sát và chú ý đến con em mình hơn, nhất là trong giai đoạn bắt đầu trưởng thành - giai đoạn các em khó phân định được sự việc trái hay phải, nên hay không nên làm.

Chú tâm đến đời sống tinh thần của các em là điều cần yếu mà nhiều vị phụ huynh có thể xao lãng vì cuộc sống quá bận rộn. Vai trò và trách nhiệm của bậc cha mẹ rất khó khăn và lớn lao. “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ“. Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất cho các em no cơm ấm áo, cha mẹ còn phải giáo dục, hướng dẫn, thông cảm và gần gũi lo lắng cho đời sống tinh thần của các em. Chúng ta (người Việt hải ngoại, như tôi thuộc vào thế hệ di dân thứ nhất và cả các bậc cha mẹ hiện cư ngụ trong nước) đã lớn lên và được giáo dục theo một truyền thống và qui luật xã hội có sẵn; nói nôm na là ”Con gái lớn lên phải có chồng và sinh con, con trai phải lấy vợ hầu bảo tồn nòi giống”. Trong các xã hội nông nghiệp, việc sinh nhiều con càng là một điều thiết yếu. Khi đã đinh ninh như vậy, nếu một ngày "khám phá" ra con mình là ĐTLA, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều anh chị và phụ huynh khổ tâm, đau đớn và khó chấp nhận lắm. Tôi có người bạn là Psychology Therapist cho những vấn đề gia đình. Anh tâm sự có nhiều cha mẹ rất ngạc nhiên, đau đớn và khổ tâm khi biết con mình là ĐTLA, họ tìm đến nhờ anh giúp đỡ. Anh giải thích, cố vấn, trao đổi ý kiến và giúp đỡ các phụ huynh đó hiểu thêm về ĐTLA để họ thông cảm và gần gũi hơn với các em. Có nhiều vấn đề trực tiếp làm thay đổi qui luật xã hội hiện tại mà ĐTLA là một trong những nguyên nhân. Bộ mặt và chiều hướng xã hội thay đổi từng ngày từng giờ. Cấu trúc gia đình và quan niệm về giới tính cũng đổi thay theo. Từ “Masculin” chỉ phái nam và “Feminin” chỉ phái nữ theo quan niệm cổ xưa cũng là vấn đề cho chúng ta phải định nghĩa lại. Hình như bây giờ chúng ta không thấy rõ biên giới giữa hai từ này nữa. Có lúc vì vô ý chúng ta quên đi mức ảnh hưởng lớn lao sự cọ xát của môi truờng xã hội ta đang sinh sống, nhất là những người Việt di dân thế hệ thứ nhất. Mục đích của tôi là trình bày vấn đề để chúng ta cùng học hỏi và bàn luận hầu hiểu rõ thêm về ĐTLA. Tôi tin rằng còn nhiều người Việt Nam rất mù mờ và có ít kiến thức về nó. Khi chúng ta hiểu thấu vấn đề sự cảm thông, thì sẽ dễ dàng tránh được tình huống khó xử khi các bậc cha mẹ tình cờ hay có ý biết rằng con em mình là ĐTLA (nếu như các bậc cha mẹ "không muốn" con em mình thành ĐTLA).

Tôi nghĩ rằng bạn Tâm Chính (TC) đã hiểu lầm ý tôi. Bạn phản biện bài của tôi bằng cách cho bài này “đậm sắc bảo thủ (conservative), không khác mấy những sản phẩm tuyên truyền đưa ra bởi những tổ chức Thiên chúa giáo cánh hữu ở Hoa Kỳ…(…) Đây là một bài viết khá rời rạc”. Mời các bạn đọc lại bài của tôi xem có mục đích tuyên truyền hay đem một chiêu bài đạo đức, tôn giáo nào phục vụ cho một ý muốn chính trị không? Tôi có phê phán ĐTLA là xấu-tốt, nên hay không nên theo thiên kiến đó không? Còn về nhận xét cấu trúc bài viết là rời rạc, thì có thể đó là hệ quả cách đọc của bạn. Tôi vẫn nghĩ nó có một sợi dây nối kết và xuyên suốt các ý chính tôi muốn trình bày.

Tôi đã đưa ra một luận cứ và tự suy luận quanh luận cứ ấy, và dẫn chứng bằng những cuộc nghiên cứu và thăm dò của Kinsey, Hunt, về những nguyên nhân gây nên ước vọng trở thành ĐTLA, qua những bài viết tôi học và đọc được theo sách giáo khoa của đại học có Bộ Giáo dục Mỹ công nhận. (Các trích dẫn dữ kiện của tôi là từ những sách giáo khoa về xã hội học của Robert Lauer, US International University “Social Problems and the Quality of Life” - Third Edition; Armstrong, E.G. - “Archives of Sexual Behavior”; Bell Alan, Indiana University - “Homosexualities: A study of diversity among men and women”; “Sexual Preference”; Biemiller, Lawrence - “Homosexual students at Southern Methodist wage battle for recognition”. Tôi cho là với nhiều tiểu bang, các bạn sinh viên có thể tìm ra chúng tại các tiệm sách trong học khu đại học của mình).

Tôi có trích đoạn thêm vài kết quả nghiên cứu thăm dò của Kinsey và Hunt mà trong bài viết của Dr. Cameron cũng có liệt kê như một dẫn chứng chứ không có dịch toàn bài của ông ta. Nếu có những chi tiết trùng hợp từ bài của ông ta và các bài tôi học và viết đúc kết lại thì có thể là ông Cameron cũng dùng những tài liệu trích dẫn từ sách giáo khoa đó của học đường.

Khi chứng minh cho những suy luận cá nhân của mình, tôi đưa ra các thông tin và dữ kiện, kết quả từ các cuộc thăm dò để bảo vệ sự suy luận đó. Tất cả đều có dẫn chứng và có cả địa chỉ website liên quan.

Đề nghị bạn TC bàn thẳng vào vấn đề tôi bàn, phản bác vào cốt lõi chính của vấn đề tôi quan tâm là “Các bậc cha mẹ có nên quan tâm tới những nguyên nhân đưa đến ước vọng đồng tình luyến ái không?“ Và nếu bạn không đồng ý, xin hãy đưa ra luận cứ riêng của mình và dẫn chứng một cách khoa học để bảo vệ. Muốn phản bác, tranh luận ta chỉ nên nhằm về vấn đề, không nên né tránh vấn đề, hướng về tư cách cá nhân người viết.
Khi viết" “Tôi tự hỏi, nếu 'chẳng may' những đứa bé đang ở tuổi vị thành niên hay trong giai đoạn dậy thì coi được [băng video] đó thì sẽ ra sao? Ngay chính tôi - một người nữ đã trưởng thành - xem những cảnh này tâm hồn còn xao xuyến huống chi những đứa bé hoặc những thanh thiếu niên mới lớn chưa từng trải hoặc chưa xác định hay có lập trường vững chắc về một giới tính mình sẽ lựa chọn“, tôi dụ ý muốn đem một liên tưởng dẫn đến suy luận có thể có và có thể không cho luận cứ, và dĩ nhiên tôi không có ý đem đời sống cá nhân của tôi ra để tranh luận. Bạn TC đã hiểu nhầm điều đó (Hay hiểu mà cố ý? Xin lỗi nếu tôi hiểu nhầm!) nên đã đề nghị một cách khiếm nhã rằng, "Nếu bạn mặc dù đã trưởng thành, có gia đình hẳn hoi mà vẫn còn cảm thấy rung động trước sự biểu lộ tình yêu đồng giới, bây giờ là lúc bạn nên nhìn lại chính đời sống tình cảm và tâm lý thật sự của mình". Dù thế nào đi nữa, tôi thật sự buồn lòng khi thấy rằng, để phản biện luận cứ của tôi, về một vấn đề khá nhạy cảm đối với phụ nữ nói chung, trong đó có tôi, mà bạn lại sử dụng một phương cách không chính đáng như thế.

Nhưng thôi, tôi xin trở lại với vấn đề hơn là loay hoay bàn thảo về cách bàn thảo vấn đề.
Trong bài trước, tôi đang giải thích tại sao người Mỹ chống đối dự luật con nuôi vì họ tin vào đạo đức và cấu trúc xã hội đặt trên nền tảng gia đình với hai thành viên chồng vợ dị tính. Việc có con nuôi của người ĐTLA không có yếu tố ràng buộc về huyết thống gia đình, mà thêm vào đó là sự kiện vai trò cha-mẹ của cặp ĐTLA không rõ rệt. Vì lo lắng đến giá trị đạo đức xã hội mà nhìn chung người Mỹ vẫn chống đối việc người ĐTLA nhận con nuôi.
Như trình bày ở trên, vai trò cha mẹ cực kỳ quan trọng trong hai lãnh vực vật chất và tinh thần. Hoa Kỳ đã có những chương trình trợ cấp xã hội cho các cha mẹ không lợi tức hay lợi tức thấp để lo cho các em nhỏ chu toàn. Tinh thần còn quan trọng hơn. Việc có con nuôi nói chung (dù cho gia đình đồng hay dị tính) là giao phó đời sống một đứa bé vào sự chăm sóc của cha mẹ nuôi vốn là người không có huyết thống ràng buộc. Xã hội và hệ thống luật pháp Hoa Kỳ rất thận trọng trong việc này để tránh những trường hợp bạo hành và lợi dụng/lạm dụng trẻ con cho những mục đích phi nhân bản. Khoảng 1953 trở về trước, một trong những yếu tố quyết định của toà án cho việc nhận nuôi con nuôi là vai trò cha mẹ phải thích hợp với đứa bé. Vì, hiện nay, vấn đề ĐTLA chưa được thông cảm, người ĐTLA dấu kín thế giới riêng của mình, đó cũng là lý do mà xã hội và luật pháp không thể nào định được vai trò cha-mẹ của người đồng tính. Luật pháp là giềng mối, kỷ cương xã hội đã được thành lập theo nhiều phong tục, tập quán tự ngàn xưa. Sự chấp nhận hôn nhân và vai trò cha-mẹ của người ĐTLA mới có gần đây; và có lẽ do hậu quả của nhiều vụ án tiền lệ có liên quan tới người ĐTLA đã nhận con nuôi nên luật pháp Hoa Kỳ còn lúng túng nhiều trước những thay đổi nhanh chóng của bộ mặt xã hội với vấn đề ĐTLA (Như chính bạn TC từng nêu rất gọn và rõ trong tham luận "Nước Mỹ đầu hàng" 31.05.2002). Hiện nay những bộ luật gia đình đang muốn đổi yếu tố "Best-Interests" (tôi tạm dịch là "Các thuận lợi nhất cho đứa bé" thành một trong những điều kiện chính để quyết định quyền nuôi giữ một đứa bé thay vì yếu tố "Vai trò cha mẹ".

Toàn thể bài viết đó của tôi chỉ muốn mang tính thông tin, giải thích, đưa ra những dẫn chứng khoa học, những cuộc thăm dò từ các phái tính. Hoàn toàn không có tính khích bác, tuyên truyền hay hướng dẫn dư luận theo một chiều hướng định sẵn nào đó. Tôi không ngăn cản hay chống đối việc người ĐTLA lấy nhau. Tôi đã trình bày thêm rằng cấu trúc xã hội dị tính đặt nền tảng gia đình dị tính làm căn bản, không những trong xã hội Mỹ mà hầu hết tất cả những xã hội khác đều thế.

Nên chăng nói thêm rằng, mọi ý kiến tôi muốn trình bày là để hướng chúng ta tập trung tìm hiểu thêm và lý giải hiện tượng ĐTLA cùng những tác động của nó đối với các khía cạnh xã hội, hơn là chỉ đơn giản bày tỏ lòng trắc ẩn hay tình cảm muốn chia sẻ, và hài lòng xem đó như một biểu hiện tiến bộ nhân bản. Bởi, mọi cảm thông đều được đặt trên sự hiểu biết. Chưa hiểu, làm sao mà thương?
Mà thật ra, hôm nay con người trong các xã hội tiến bộ và dân chủ đã mặc nhiên nhìn nhận hiện tượng ĐTLA, và nhân cách của thiểu số này - người ĐTLA - cũng bình đẳng như nhân cách ở những đồng loại, với những nhu cầu và mưu cầu hạnh phúc một cách bình đẳng trong hầu hết các lãnh vực sinh hoạt.
Có khi vì quá quan trọng hóa đến việc lấp đầy khoảng cách dị biệt của thiểu số người ĐTLA và đa số còn lại, vô tình chúng ta lại đào sâu rộng thêm khoảng cách đó như một tác dụng ngược?