trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
24.8.2007
Lý Thái Sinh
Việt Nam mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc sau khi gia nhập WTO
Dương Danh Dy dịch
 
Sau khi ca ngợi nền kinh tế Việt Nam vận hành tốt đẹp sau khi vào WTO, tác giả đã nêu ra những cơ hội buôn bán tốt cho các doanh nghiệp Trung Quốc với Việt Nam. Xin trích dịch như sau:


I. Bổ sung ưu thế cho nhau rõ rệt

Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia mấy năm gần đây kinh tế phát triển với tốc độ nhanh, hiện nay cả hai đều đã vào WTO, có thể theo qui tắc của WTO tăng cường kinh tế hợp tác. Trung Quốc cải cách mở cửa sớm hơn Việt Nam, trình độ công nghệ và kỹ thuật đang từng bước đuổi kịp và vượt mức tiên tiến thế giới, các loại hàng hoá đều giá rẻ mà lại đẹp, thích hợp với trình độ của Việt Nam hiện nay. Còn Việt Nam lại có tài nguyên thiên nhiên phong phú, cộng thêm mấy năm gần đây đã ra sức thu hút vốn nước ngoài, kinh tế phát triển rất nhanh, chất lượng các loại sản phẩm khác cũng càng ngày càng tốt, tìm được con đường tiêu thụ rất tốt. Ưu thế của hai nước sẽ có tác dụng bổ sung cho nhau, hai bên trong hợp tác kinh tế bổ sung cho nhau sẽ thực hiện được mục tiêu “cùng thắng”.

II. Những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO sẽ làm cho hàng hoá Trung Quốc càng có sức cạnh tranh tại Việt Nam

Theo qui định, từ 5-7 năm sau khi vào WTO, phải giảm 3.800 loại quan thuế sản phẩm, để bình quân quan thuế từ 17,4% giảm xuống còn 13,4%; trong đó thuế tiêu dùng các loại rượu giảm 20%, các sản phẩm chất dẻo dùng cho gia đình giảm 20%, sản phẩm dệt giảm 63%, các loại giầy giảm 20%, đồng hồ đeo tay giảm 25%, chè uống giảm 20%, các loại thịt chế biến giảm 20%, đồ sành sứ giảm 17%, sản phẩm thuỷ tinh giảm 10%, một số ắc quy giảm 20%, các loại tạp hoá giảm 20-25%... Bắt đầu từ tháng 1 năm 2007, có 1.800 loại hàng tiêu dùng bao gồm gỗ thành phẩm, các loại mô tô và ô tô, hoá chất, dược phẩm, thành phẩm chất dẻo, quần áo v.v.. đã lần đầu tiên thực hiện giảm thuế, điều này không chỉ có lợi cho rất nhiều sản phẩm và doanh nghiệp có liên quan của Trung Quốc tiến vào và khai thác thị trường Việt Nam mà còn khiến cho một bộ phận ngành hàng càng có ưu thế đặc biệt.

III. Việt Nam vào WTO sẽ càng có lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành phân công ngành nghề

Trung Quốc và giai đoạn phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay khác nhau, như tỉnh Quảng Đông hiện nay trở thành một trong những cơ sở của ngành chế tạo quan trọng nhất trên thế giới, cần nhập khẩu rất nhiều sản phẩm thượng nguồn mà sự phân công trên dây chuyền sản xuất của Việt Nam lại có thể thoả mãn một phần nhu cầu của ngành chế tạo Quảng Đông. Như 11 tháng đầu năm 2006, Quảng Đông đã nhập khẩu từ Việt Nam các loại mạch điện trị giá 23,43 triệu USA, tăng 99,3%, nhập khẩu biến thế, chỉnh lưu, cảm ứng điện và phụ tùng 10,04 triệu USD, tăng 24,3%; nhập khẩu sợi tổng hợp 9,1 triệu USD, tăng 10,1%. Sau khi Việt Nam vào WTO, ngoài việc nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm thượng nguồn ra, các doanh nghiệp Trung Quốc còn có thể lợi dụng đầy đủ chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư, trong phạm vi càng lớn hơn tiến hành phân bố dây chuyền doanh nghiệp, chuyển sang thị trường Việt Nam một bộ phận ngành sản xuất có ưu thế như dệt, may mặc, đồ dùng gia đình, TV mầu v.v.., trực tiếp đến Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy, trong phạm vi nội qui mà qui tắc mậu dịch quốc tế cho phép tránh được ma sát và rủi ro mậu dịch, đồng thời còn tạo cho Việt Nam cơ hôi có việc làm tại chỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế tại chỗ. Trong hợp tác năng lượng và thị trường điện tử, ôtô, sắt thép, quần áo và dược phẩm v.v..của nước ta, sẽ có cơ hội buôn bán, làm ăn tốt đẹp.

1. Thị trường các hạng mục hợp tác xây dựng cơ bản và năng lượng: triển vọng rộng rãi

Hiện nay hai bên Trung-Việt đang tích cực thương thảo tăng cường hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực như xây dựng cơ bản, năng lượng và giao thông v.v.., bao gồm cả việc tăng nhanh tiến trình thực thi bị vong lục hợp tác về “hai hành lang một vành đai” [1] , sớm thực hiện các hạng mục hợp tác cỡ lớn như mỏ quặng nhôm Đắc Nông, đường sắt nhẹ (?) số hai Hà Nội, nhà máy phân bón mỏ than Quảng Ninh v.v… Sau khi Việt Nam vào WTO, hàng loạt công trình giao thông lớn và hạng mục xây dựng cơ bản lớn đã bắt đầu xây dựng, đồng thời nhu cầu về năng lượng cũng ngày một gia tăng, đặc biệt như điện lực, cung không đáp ứng cầu, tất cả những cái đó đều cung cấp một triển vọng rộng lớn cho việc các doanh nghiệp Trung Quốc triển khai xây dựng cơ bản và hợp tác năng lượng tại Việt Nam.Theo tin của “Báo đầu tư” ngày 2 tháng 4 năm 2007, Bộ trưởng Công nghiệp Việt Nam Hoàng Trung Hải đã nói, đầu tư cho ngành điện lực Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 10% tổng đầu tư toàn xã hội, hàng chục nhà máy điện đã khởi công xây dựng, tổng đầu tư đạt mấy tỷ USD.Theo tin đã đưa, Thủ tướng chính phủ Việt Nam chỉ thị mức độ tăng trung bình hàng năm của ngành điện là 17%, chỉ tiêu này cao hơn mức độ tăng đã định (15-16%) tương đương hai lần mức tăng GDP. Để thực hiện mục tiêu tăng trên 17% và lượng phát điện hàng năm tăng 3.800 MW, ngành điện cần 4 tỷ USD. Hiện nay ngành điện lực Việt Nam đang thực hiện “xã hội hoá” đầu tư vốn, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong, ngoài nước đều có thể tham gia.

2. Thị trường ô tô: vẫn còn tiềm lực phát triển

Trong ngành ô tô, theo qui hoạch phát triển mà Bộ Công nghiệp Việt Nam công bố, thì trong thời gian 2005-2020, tổng lượng ô tô trong cả nước mỗi năm tăng trưởng với tốc độ 16%, trong thời gian 2011-2020 tốc độ tăng là 8%. Mấy năm gần đây các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc rõ ràng là đã tăng nhanh bước tiến quân vào Việt Nam. Để thực thi qui định gia nhập WTO, Bộ Tài chính Việt Nam đã chế định biểu thuế ưu đãi nhập khẩu mới, bắt đầu từ ngày 11 tháng 1 năm 2007, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ 90% hạ xuống 80%. Có chuyên gia phân tích cho rằng ô tô thương mại của Trung Quốc có ưu thế rất lớn trên thị trường Việt Nam, hoàn toàn có thể chịu được thách thức của các “ông lớn” ô tô quốc tế. Phép báu lớn nhất để các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc có thể tham gia và cạnh tranh tại thị trường Việt Nam là ưu thế giá cả, nhưng lại chỉ mang một sản lượng ô tô nhỏ bé tới xung kích thị trường hải ngoại, điều này chỉ có thể làm cho các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục phải đội cái mũ “sản phẩm giá rẻ”. Các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc cần chú ý tới vấn đề này, phải dùng chất lượng giành được thị trường Việt Nam.

3. Thị trường sắt thép: nhập khẩu từ Trung Quốc 60%

Hiện nay các doanh nghiệp gang thép trong nước Việt Nam có qui mô sản xuất nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, hơn nữa phần lớn là loại thép phổ thông, sản lượng năm rất thấp. Theo thông báo của Hội Gang thép Việt Nam, hiện nay sản lượng thép phôi do trong nước sản xuất mới đáp ứng 25% nhu cầu. Năm 2006, các doanh nghiệp gang thép trong nước chỉ sản xuất được 1,4 triệu tấn thép phôi, 60% còn lại đều dựa vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Doanh nghiệp gang thép Việt Nam chuyển hướng sang nhập khẩu gang thép từ Trung Quốc. Theo tin của báo Đầu tư đầu tháng 4 năm 2007, do các doanh nghiệp gang thép Việt Nam thiếu thép phôi để sản xuất thép, nên giá sắt thép trên thị trường tăng, dẫn tới một số doanh nghiệp sản xuất sắt thép trong nước buộc phải ngừng sản xuất hoặc giảm sản lượng, chuyển sang trực tiếp nhập khẩu sắt thép Trung Quốc về tiêu thụ. Tin nói, sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc bán trên thị trường Việt Nam giá mỗi tấn là 8,1-8,15 triệu VNĐ (khoảng 506-509 USD) còn nhập khẩu thép phôi về sản xuất thì giá mỗi tấn thép là 8,5 triệu VNĐ (khoảng 531 USD), nguyên nhân là do Trung Quốc có chính sách thoái thuế cho thép thành phẩm xuất khẩu.

4. Thị trường thuốc Trung y, đồ chơi: tiềm lực thị trường to lớn

Các chuyên gia có liên quan cho rằng, sau khi Việt Nam gia nhập WTO vẫn còn có một số không gian xuất khẩu đợi đi sâu khai thác, ví dụ như thị trường dược phẩm Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển sản xuất đông y, đề xướng sử dụng đông y v.v… Các doanh nghiệp dược Trung Quốc không những có thể mở rộng lượng xuất khẩu sang Việt Nam mà thậm chí có thể tính tới việc đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, lợi dụng tài nguyên tại chỗ tiến hành gia công. Khai thác thị trường thiết bị vui chơi giải trí và đồ chơi cũng rất có tiềm lực.

5. Thị trường vật liệu xây dựng: đang là “thời kỳ hoàng kim”

Với tư cách là “thành viên mới” của ASEAN, kinh tế Việt Nam đang bước vào thời kỳ tăng trưởng nhanh, các công trình hạ tầng cơ sở như nhà ở, đường xá, nhà máy điện v.v.. không ngừng được xây dựng; xây dựng nhà ở tư nhân đang xuất hiện cơn sốt mới, nhưng do các nguyên nhân như cơ sở công nghiệp tương đối kém và trình độ nghiên cứu phát triển tuơng đối thấp v.v… nên thị trường sản phẩm vật liệu xây dựng Việt Nam luôn luôn ở trong tình trạng cung không đáp ứng cầu. Xi măng, vật liệu xây dựng và vật liệu trang trí sẽ chiếm địa vị quan trọng trong quan hệ ngoại thương Trung- Việt.

6. Thị trường điện tử: triển vọng tốt

Đi vào các cửa hàng, cửa hiệu Việt Nam, chỗ nào cũng thấy đầy những hàng tiêu dùng sản xuất từ Trung Quốc, nhất là đồ điện gia dụng. Các đồ diện gia dụng như TV mầu, máy DVD, tủ lạnh, điều hoà không khí, quạt gió, máy vắt quả v.v… vô cùng được hoan nghênh tại Việt Nam, lượng tiêu thụ cũng gia tăng ổn định. Trong đó “hàng Trung Quốc vô cùng thích hợp với túi tiền của người Việt Nam”. Cùng với trình độ tiêu dùng của người Việt Nam không ngừng được nâng cao, thị trường điện tử Việt Nam càng có triển vọng tốt đẹp. Hiện nay trên thị trường điện tử Việt Nam, sản phẩm nước ngoài chiếm 60-70%, trong đó sản phẩm của các nhà máy TCL và một số nhà máy khác của Trung Quốc như TV mầu, máy DVD, tủ lạnh, điều hoà không khí, quạt gió v.v… rất được hoan nghênh. Sau khi Việt Nam vào WTO, quan thuế của 330 loại sản phẩm như máy tính, điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh số v.v.. đều giảm xuống bằng 0%, TV mầu, điều hoà không khí, máy giặt v.v.. cũng từ 40-50% giảm xuống còn 38-40%, 3-5 năm nữa sẽ giảm xuống còn 25%. Cộng thêm việc Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy các ngành công nghiệp nâng cấp, hy vọng trong 5 năm Việt Nam có thể trở thành một trong những khâu chủ yếu của dây chuyền cung cấp sản phẩm điện tử toàn cầu, đó là một tin mừng lớn đối với các doanh nghiệp điện tử Trung Quốc đang có ý định tiến quân vào thị trường Việt Nam.

7. Dệt và may mặc: sản phẩm Trung Quốc sẽ chủ đạo thị trường Việt Nam

Chuyên gia chỉ ra rằng, cục diện thị trường quần áo may sẵn Việt Nam sẽ phát sinh thay đổi to lớn. Sản phẩm Trung Quốc sẽ chủ đạo thị trường. Hiện nay, hàng hoá Trung Quốc đều thông qua mậu dịch biên giới tiến vào thị trường Việt Nam, từ nay trở đi có thể thông qua con đường mậu dịch bình thương tiến mạnh vào thị trường Việt Nam. Nói chung về chất lượng và giá cả sản phẩm Trung Quốc đều chiếm ưu thế nhất định, sẽ vẫn tồn tại địa vị chủ đạo tại thị trường Việt Nam.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas


[1]Đề án do Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải đề xuất trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 5/2004; bao gồm: hành lang kinh tế Côn Minh-Lao Cai-Hà Nội-Hải Phòng, hành lang kinh tế Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ (talawas).
Nguồn: Trích dịch từ tạp chí Đông Nam Á tung hoành số 5-2007