trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
22.10.2007
Simon Parry, Hazel Parry
Những di vật gây hoạ
Trần Hán Thương dịch
 
Những chiến binh bằng đất nung nổi tiếng của Trung Hoa không mang lại gì cho những người phát hiện ra nó, ngoài sự đói nghèo và tàn phá.

Ở nước Trung Hoa, với bước phát triển hung bạo ngày nay, một cái chết như thế chẳng có gì đáng để ý. Khốn khổ vì bệnh tật không có tiền chạy chữa, nông dân Wang Puzhi đợi cho vợ con đi hết, tròng một chiếc dây quanh cổ để chấm dứt mọi đau đớn nhục nhằn.

Thế mà trước khi âm thầm tự vẫn, cuộc đời của Wang đâu có kém lẫy lừng. Ông là thành viên trong một tổ bảy người của công xã năm 1974, trong khi đào giếng, đã tình cờ phát hiện di vật khảo cổ có giá trị nhất của thời hiện đại - những chiến binh bằng đất nung 2200 tuổi.

Phát hiện này đã kéo cả chục triệu du khách ngoại quốc đến Tây An, vùng Tây bắc Trung Quốc, và làm cho nhiều doanh nhân và quan chức ở đây trở nên cực kỳ giàu có. Nhưng đối với những người đã tìm thấy đội quân bị chôn vùi ngàn năm ấy, và ngôi làng cổ nơi họ sinh sống, đội quân ấy không mang lại may mắn mà chỉ toàn là tai hoạ.

Khi cuộc triển lãm các chiến binh đất nung lớn nhất từ trước đến nay ở hải ngoại được mở ở Bảo tàng Anh hồi tháng trước, chúng tôi lần tìm đến những người có công phát hiện hiện nay còn sống.

Chúng tôi thấy họ hoang mang ngơ ngác trước sự tàn phá tan hoang của lòng tham mà các chiến binh sành mang lên mặt đất.

Ruộng đất của họ đã bị chính phủ tịch thu, khiến họ mất kế sinh nhai, nhà cửa của họ và những người hàng xóm bị di dời với một chút - hoặc hoàn toàn không có - tiền đền bù, để lấy chỗ làm các nhà trưng bày, bãi đậu xe và các gian hàng bán đồ lưu niệm.

Ngôi làng, với 2000 năm lịch sử, biến mất hoàn toàn!

Trong vòng ba năm sau khi ông Wang tự tử ở tuổi 60 vào năm 1997, hai thành viên trẻ hơn của tổ đã phát hiện các chiến binh sành, Yang Wenhai và Yang Yanxin, chết ở nhà trong cảnh không việc làm, không còn một xu trả tiền khám bệnh. Họ mới chỉ ngoài 50 tuổi.

Hiện nay, bốn người còn sống: Yang Quanyi,79, Yang Peiyan,78, Yang Zhifa và Yang Xinman, cùng tuổi 69, được trả 1000 tệ mỗi tháng để ngồi trong một cửa hàng quốc doanh bán đồ lưu niệm và ký những quyển sách ảnh cho du khách.

“Các quan chức và doanh nhân kiếm được rất nhiều tiền từ những chiến binh sành, nhưng chúng tôi không được gì.” Yang Quanyi nói. “Chúng tôi không được trả đồng nào về công phát hiện.”

“Hồi ấy là thời công xã và đội trưởng chấm cho chúng tôi mười điểm vì đã tìm ra các chiến binh. Với số điểm ấy cuối tháng chúng tôi nhận được khoảng một tệ”.

Khi đang đào giếng vào năm 1974, Yang Zhifa bỗng thấy một cái đầu ở độ sâu 15 mét. Mọi người sợ hãi không dám chạm vào. Yang Quanyi nói “Chúng tôi tưởng nó là một pho tượng ở chùa - chắc là một tượng Phật. Phụ nữ thì nghĩ nó sẽ mang tai hoạ đến cho dân làng”.
Thật ra những người nông dân này đã tìm thấy một trong số 8000 chiến binh đất nung, gồm lính đánh bộ, cung thủ và lính đánh xe ngựa, được chôn theo Tần Thuỷ Hoàng, Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, trong một khu lăng mộ rộng nhiều cây số vuông.

Quan chức và các nhà khảo cổ đổ về làng. Những năm sau đó, một giải đất rộng mênh mông nhiều thế kỷ vẫn cung cấp thừa thãi cho dân làng ngô, lúa mì và các giống lựu, nay bị tịch thu.

Dân làng chỉ nhận được 300 tệ cho mỗi mẫu đất 600 mét vuông, và chìm sâu trong cảnh bần cùng.

“Ông ấy bị đau tim” Yang Lou Cheng, con riêng của vợ ông Wang Puzhi nói. “Ông ấy không chịu nổi khổ cực và không muốn thành gánh nặng cho mẹ tôi và tôi. Mẹ tôi cũng chết sau đó ít lâu.”

Khi Trung Quốc mở cửa cho khách nước ngoài vào tham quan, khu đất ở Tây An được mở rộng, và càng thêm nhiều nhà cửa bị di dời. Các gia đình bị cưỡng bức dời đến nhà mới mà thậm chí họ phải trả tiền xây cất.

“Chỉ có rất ít dân làng, khoảng năm phần trăm, là kiếm được tiền bằng cách bán thực phẩm và đồ lưu niệm cho du khách”, một người dân nói. “Nhưng một trăm phần trăm các quan trở nên giàu có.”

Khi một nhóm dân làng kéo nhau lên Bắc Kinh cầu xin chính phủ trung ương cấp tiền đền bù, họ bị đuổi đi mà không hề được giải quyết gì cả.

Không có ai trong số bảy người đã phát hiện ra đội quân chôn giấu từng được chụp ảnh hay được nhắc nhở đến tên. Trong khu liên hợp Tây An này, người ta chỉ coi họ là một đám nông dân quê mùa.

Kết quả là, ở khu liên hợp mọc lên đầy những kẻ mạo danh, làm tiền bằng cách tự xưng là một trong bảy người ấy.

Yang Zhifa, người được biết đến nhiều nhất trong số những người phát hiện đầu tiên, ngồi ký tên vào sách ảnh cho du khách kiếm được ít tiền hơn các cô gái phụ bán hàng. “Nếu tôi yêu cầu trả thêm, họ có thể dễ dàng tìm một kẻ mạo danh thay tôi.”

Năm 2004 một luật sư ở Tây An muốn giúp miễn phí cho bốn người trong nhóm còn sống để cố đạt được sự công nhận chính thức.

“Ông ấy viết đơn gửi chính quyền địa phương nhưng chính quyền thậm chí không thèm trả lời” Yang Quanyi nói. “Thật là vô lý, nhưng chúng tôi yếu mà chính phủ thì mạnh.”

Người ta hỏi một quan chức chính quyền địa phương tại sao những người phát hiện lại không được công nhận. Ông ta trả lời “Nhiệm vụ của chúng tôi là trông coi các di vật và bảo vệ chúng.”

Yang Quanyi khẩn khoản phân trần rằng ông an phận và không hề cảm thấy cay đắng vì bị người ta đối xử như thế.

Nhưng vợ ông Liu Xi Qin, 70 tuổi, khẽ nói với chúng tôi “Cho đến tận bây giờ ông ấy nhà tôi vẫn còn lo sợ không biết việc các ông ấy tìm thấy những người lính sành ấy có gì là sai trái không. Ông ấy tự nhủ giá mà những người lính ấy cứ nằm nguyên dưới đất.”


Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: “Haunted by the warriors”, The Nation (Thailand), 30.9. 2007