trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
27.10.2007
Nguyễn Hữu Vinh
Đầu tư... từ đâu?
 
Ngót năm mươi tỉ đô la FDI đang "xếp hàng" chờ vào Việt Nam. Đó có lẽ là con số ấn tượng dễ thấy nhất cho thành quả của gần một năm hội nhập-vào WTO. Nhưng, cũng tựa như một căn nhà vừa được mở rộng cửa chào đón khách bốn phương, rất cần biết nó đang được chuẩn bị những gì, có dọn dẹp vệ sinh, khơi thông lối ngõ, thay đổi cung cách phục vụ... để đảm bảo có tất cả đúng như lời hứa của chủ và những hy vọng của khách. Nếu không thì những nhà đầu tư cũng sẽ như đại đa số du khách, háo hức, đến, rồi "một đi không trở lại". Với "ngôi nhà" này, có rất nhiều việc để chuẩn bị, từ chống tham nhũng, cải cách hành chính, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống luật pháp... cho đến những việc dài hơi hơn là cải cách giáo dục, bảo vệ môi trường. Tựu trung trong mọi biện pháp đều phải từ một vấn đề gốc rễ, đó là sự tham gia của người dân, là lợi ích dân sinh, chứ hoàn toàn không thể là chuyện riêng của nhà nước, cho nhà nước. Nếu thiếu những điều đó thì thành quả đạt được chắc chắn chỉ là trước mắt, nặng về hình thức, mà tiềm ẩn những thất bại lớn khó cứu vãn.


1. Thách thức
  • Tai nạn giao thông cướp đi một nghìn nhân mạng và hàng nghìn phế nhân mỗi tháng, cùng với nó là tình trạng ách tắc giao thông đô thị, qua bao nhiêu đợt "ra quân", bao biện pháp tình thế tạm bợ hòng cứu vãn vẫn không chịu thuyên giảm [1] .
  • Nạn ô nhiễm, tàn phá môi trường, vệ sinh thực phẩm kém ảnh hưởng sức khỏe người dân và ngấm ngầm hủy hoại giống nòi vẫn tiếp tục gia tăng. Đợt lũ lụt dài và gây tổn thất chưa từng có vừa qua là một trong những lời cảnh báo của thiên nhiên.
  • Chính sách đất đai bất hợp lý tạo ra cơ hội và nguồn thu lớn nhất cho tham nhũng, gây vẩn đục môi trường đầu tư, kinh doanh, trong khi những cố gắng chống tham nhũng vẫn có vẻ dậm chân tại chỗ, với rất nhiều hiện tượng, trong đó tình trạng khiếu kiện ngày một gia tăng là minh chứng rõ nhất và cũng gây hậu quả lớn và phức tạp nhất.
  • Tình trạng quản lý lỏng lẻo trong quy hoạch đô thị và xây dựng làm cho hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở phục vụ đầu tư vẫn trì trệ, vừa là hậu quả của tệ tham nhũng, của thói vô trách nhiệm, nhưng cũng vừa là hệ quả của tình trạng yếu kém trong hệ thống pháp luật. Hàng ngàn vạn căn nhà xây trái phép, đất bị lấn chiếm phải hoặc không thể bị đập bỏ, thu hồi. Vụ PMU18 cho tới thảm họa cầu Cần Thơ gần đây cũng chỉ là những bề nổi dễ thấy.
  • Tay nghề yếu, thu nhập thấp, đời sống khổ cực của công nhân trong nhiều nhà máy, khu công nghiệp cùng hàng trăm vụ đình công mỗi năm mà tuyệt đại đa số là không đúng pháp luật, nhưng cũng lại hầu như không có tiếng nói bảo vệ của tổ chức công đoàn là câu trả lời cho những cứu cánh từ sức hấp dẫn về giá nhân công rẻ cho đầu tư, từ cố gắng dựa vào hội, công đoàn "nhà nước" và hệ thống luật liên quan như Luật Lao động, Luật về Hội, Luật Đình công... vừa thiếu vừa bất hợp lý không thể tồn tại lâu được nữa.
Đó là điểm qua vài nét điển hình nhất để tạm hình dung hình ảnh được tạo ra trong con mắt nhà đầu tư đã, hay sắp, đặt hy vọng sinh lời vào những đồng đô-la của mình sẽ ra sao. Có thể ta cảm thấy bất lực nếu như phải một lúc đối mặt với từng đó vấn nạn, từng đó thời gian mà mọi sự dường như có chiều hướng xấu thêm. Chưa kể đến việc hầu như mọi quyết định, chính sách đưa ra đều có hai mặt của nó. Như việc quy định đội mũ bảo hiểm, nếu thực hiện được chắc chắn sẽ giảm bớt thương tật trong tai nạn giao thông, nhưng bởi gấp gáp thi hành mà thiếu những giải pháp từng bước, đồng bộ nên độ khả thi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng; doanh nghiệp mũ bảo hiểm trong nước thì mất cơ hội, ngược lại doanh nghiệp nước ngoài lại vớ bẫm, thậm chí gây nhiễu loạn thị trường, hạ thấp tính nghiêm minh của pháp luật bằng sản phẩm kém chất lượng. Hay việc khuyến khích những khoản đầu tư chóng sinh lời như lắp ráp xe máy, ô tô giá rẻ nếu không được cân nhắc đến vấn đề môi trường, tai nạn, ùn tắc giao thông đang là vấn đề vô phương cứu vãn nhiều năm nay, cao hơn là chiến lược công hiệp hoá hiện đại hoá đất nước (chứ không phải để thành một đại công trường gia công cho nước ngoài) thì cũng sẽ gây phản tác dụng.


2. Lối thoát

Song không phải không có lối thoát, cũng không phải chỉ có nhà nước mới có khả năng và trách nhiệm để điều chỉnh mọi chính sách sao cho hợp lý. "Lối thoát" đó chính là ở DÂN. Vì đã quá rõ những trì trệ nêu trên là hậu quả của năng lực, phẩm chất kém từ bộ máy điều hành các cấp, nhưng lại tránh né sự kiểm soát của công luận, ắt sẽ trầm trọng thêm. Người dân phải được tham gia tích cực, chủ động hơn vào mọi chính sách quan trọng của nhà nước. "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" không thể chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền, mà muốn được như vậy, trước hết phải tạo ra được môi trường pháp lý lành mạnh để người dân có được quyền lợi, trách nhiệm thực sự trong vai trò làm chủ của mình như Hiến pháp đã khẳng định. Đơn cử:
  • Luật Trưng cầu dân ý [2] là để lấy ý kiến nhân dân về những quyết định quan trọng của nhà nước. Không biết được dân có đồng tình hay không mà cứ làm thì sẽ gây nhiều hậu quả (chỉ thông qua báo chí, hay qua "triển lãm" lấy ý kiến dân chưa thể đầy đủ, khách quan và có sức mạnh, cả sự tôn trọng. Việc lấy ý kiến xây Tòa nhà Quốc hội là một ví dụ).
  • Luật Biểu tình có rất nhiều ý nghĩa. Ngay lúc này, nó có thể là một công cụ hữu hiệu đấu tranh với vấn nạn tham nhũng mà nhà nước đang rất lúng túng đối phó. Xưa từng có bao cuộc biểu tình, tuần hành chống ngoại xâm, sao nay dân ta không được làm như vậy với lũ nội xâm? Hay như tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài gần đây, thực chất là người nông dân kéo lên thành phố biểu tình. Đó chính là "thước đo" cho chính sách, luật pháp,... Nếu như có luật để điều chỉnh cho những hành vi này thì sẽ dễ dàng hơn trong việc giải quyết, xử lý mâu thuẫn, kể cả mâu thuẫn trong chính sách cán bộ khiến khó xử lý những cấp thẩm quyền tham nhũng, vô trách nhiệm, nay cần dựa vào sự đánh giá qua thái độ của dân.
  • Ngoài những hoạt động có tính cá nhân đơn lẻ, người dân còn cần và có thể quy tụ trong những đoàn thể quần chúng dưới nhiều hình thức đa dạng, đó là những tổ chức hội, và rất cần có Luật cho nó. Thông qua những tổ chức này, mọi người dân, các tầng lớp doanh nhân, trí thức... có điều kiện nói lên tiếng nói của mình, đòi được bảo vệ quyền lợi cho mình, đóng góp ý kiến thiết thực, có trọng lượng cho mọi chính sách, pháp luật của nhà nước.
  • Thêm nữa, một khi những mâu thuẫn về quyền lợi trong nhân dân không được giải quyết thỏa đáng, sinh ra khiếu kiện chính là gánh nặng đè thêm lên bộ máy hành chính nhà nước, trong khi trách nhiệm giải quyết những việc làm sai trái của họ lại không thể là chính họ, mà phải là hệ thống toà án. Thế nhưng, bằng thực trạng toà lệ thuộc vào cấp ủy, cấp hành chính, thiếu khách quan như hiện nay, mà ví dụ điển hình nhất là vụ án đất đai Đồ Sơn-Hải Phòng, đã không thể gánh vác được nhiệm vụ ngày càng nặng nề này, cần phải được cải tổ (trước hết bằng thành lập toà án khu vực). Nên việc sửa đổi Hiến pháp để rồi mới sửa được và cũng là tạo áp lực để sửa căn bản các Luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát v.v.. là vô cùng quan trọng.
Còn rất nhiều những ví dụ để minh chứng cho việc cấp thiết phải có các bộ luật liên quan trực tiếp tới đời sống dân sinh, cũng là sự hỗ trợ mạnh mẽ cho một môi trường đầu tư lành mạnh, bền vững lâu dài.


3. Trở ngại

Thế nhưng dường như đã có những "tiếng kèn ngập ngừng" khó lý giải, đặc biệt "tiếng kèn" này lại nhắm vào đúng cái chính sách mà Đảng, nhà nước Việt Nam thường nêu cao, đó là "lấy dân làm gốc".
  • Cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, dự Luật về Hội đáng lẽ đã được đem ra bàn thảo, thông qua sau hơn chục lần chỉnh sửa, thế nhưng đã bị đình hoãn mà người dân không hay biết vì sao.

    Mới đây, Chính phủ lại tiếp tục đề nghị Quốc hội lui thời hạn thông qua dự luật này cùng dự luật Dân tộc [3] .
  • Dự Luật Biểu tình, dự luật Giám sát của nhân dân do Mặt trận Tổ quốc đề nghị cũng vừa bị Uỷ ban Pháp luật bác bỏ mà không rõ lý do [4] .
  • Dự Luật Trưng cầu dân ý cũng chịu chung số phận.
  • Nếu như không có sự trì hoãn trong cả thời gian dài đến kỳ lạ việc trình dự thảo Luật Thuế sử dụng đất [5] (mặc dù đã có Nghị quyết Trung ương 7 đặt nhiệm vụ rất rõ) thì chắc chắn sẽ giảm rất nhiều tình trạng chiếm dụng, đầu cơ đất đai, là thứ đã góp phần đáng kể gây nên cảnh bất công, nông dân mất đất để rồi sinh khiếu kiện, đẩy giá đất, nhà cho thuê lên cao đến phi lý cản trở nhiều các nhà đầu tư, chưa nói tới những mất mát tài sản quốc gia vô cùng lớn, cùng bao nhiêu hệ luỵ khác. Vấn đề rất hiển nhiên về thuế sử dụng đất này cũng đã từng được chuyên gia nước ngoài dày công nghiên cứu và cảnh báo [6] , những ý kiến rất có trọng lượng và trách nhiệm trong nước kiên trì đề nghị, vậy mà không rõ vì lý do gì vẫn tiếp tục bị trì hoãn [7] / [8] .
  • Lớn nhất là Hiến pháp, cũng đã có quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không sửa trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 này [9] mà lý do đưa ra cũng thật khó thuyết phục. Đó là phải chờ tới 4 năm nữa để Đại hội đảng CSVN khoá XI sửa Cương lĩnh. Lý do này gây ra một nghịch lý, là trước những thay đổi nhanh chóng khủng khiếp từng ngày trên thế giới mà Việt Nam vừa mới bước vào hội nhập, cùng bao nhiêu khó khăn thách thức ghê gớm trong đời sống nhân dân cả nước, vậy mà tất cả phải đợi chờ. Không lẽ Đảng CSVN không có được một bước đột phá để khỏi tự mình trở thành lực cản không thể vượt qua cho công cuộc đổi mới mà chính mình đang lãnh đạo? (Ví như có Đại hội bất thường để sửa Cương lĩnh chẳng hạn, nếu như thực sự đúng là "phải sửa"). Trong khi đó vẫn có rất nhiều ý kiến mạnh mẽ của các chuyên gia, các vị từng là lãnh đạo các bộ Tư pháp [10] , Tài nguyên Môi trường, hay đương nhiệm đứng đầu Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia, các Ủy ban của Quốc hội đề nghị phải sớm có, phải sửa đổi hệ thống Hiến pháp và những bộ luật này.
4. Căn nguyên

Bấy nhiêu liệu đã đủ để nói rằng vẫn còn đó những lối tư duy cũ kỹ, e ngại việc phát huy dân chủ, sớm hoàn thiện một Nhà nước pháp quyền sẽ khó cho công việc "quản lý" của các cấp hành chính, cấp ủy Đảng. Kể cả hy vọng vẫn còn có thể duy trì những bước đi quanh quẩn, với cứu cánh bằng hoạt động tuyên truyền, động viên là có thể "giải toả" được những vướng mắc, bức xúc trong dân chúng, vận động được đầu tư trong ngoài nước. Hay bằng "giáo dục, thuyết phục", hô hào rồi thử nghiệm bằng vài giải pháp tạm bợ để "cải cách" là sẽ nâng cao được đạo đức, ý thức trách nhiệm của cán bộ đảng viên mà không cần phải có những Tòa Hành chính, Kinh tế, Dân sự khu vực công minh hơn buộc những "công bộc" này phải đối mặt trước những việc làm sai trái tổn hại quyền lợi của dân. Thậm chí có thể có cả những lo lắng quá mức khi có những ý kiến động tới "vùng cấm" là Điều 4 Hiến pháp [11] ? Bỏ nó "là tự sát" [12] , vậy có thể sửa cho phù hợp với tình hình thực tế trước những đòi hỏi cấp bách của cuộc sống được chăng, và có công khai bàn bạc được không? Chẳng phải năm 1992 chính Quốc hội khóa IX đã sửa Điều 4 Hiến pháp 1980 đó sao? Bởi vì nếu không được quy định trong Hiến pháp thì việc "luật hóa" tổ chức, hoạt động và sự lãnh đạo của Đảng ngày càng trở nên cấp thiết cũng sẽ khó có thể thực hiện, và đương nhiên mối quan hệ, lòng tin của dân với Đảng CSVN sẽ không những không được cải thiện mà còn xấu thêm.

Nhưng, gắn liền và lẩn khuất sau những e ngại đó không thể không có những toan tính cá nhân, cục bộ liên quan tới trách nhiệm, đến quyền lợi vật chất, tinh thần của nhiều người. Gọi đó là trò "tham ô chính sách" hết sức tinh vi (tác động để đưa ra những điều khoản trong hệ thống luật hòng tạo kẽ hở cho tham nhũng, hoặc cản trở những điều khoản, dự luật nào có thể giúp tăng hiệu năng kiểm soát của xã hội) - mà lâu nay chưa bị vạch mặt, đang là một mối nguy rất lớn hủy hoạt uy tín, sức mạnh của Đảng CSVN, đến vận mệnh của cả Dân tộc.

Làm sao để nhận diện rõ những khoảng tranh tối tranh sáng đó? Không cách gì hơn là bằng việc mở rộng quyền tự do ngôn luận, báo chí, công khai hoá tất cả những vấn đề trọng đại của quốc kế dân sinh để cùng bàn bạc dân chủ - từ trong Đảng ra tới toàn xã hội.

Có vậy thì mới hy vọng mọi sự đầu tư, dù là từ trong hay ngoài nước, bằng tiền của, hay công sức, trí tuệ, tinh thần,... tất thảy sẽ thực sự được bắt đầu và trên hết từ lợi ích, sự đồng thuận của DÂN.

© 2007 talawas



[1]“Số người chết vì tai nạn giao thông tăng”, báo Quân đội Nhân dân, ngày 6-6-2007
[2]“Cần xây dựng Luật Trưng cầu dân ý”, Tuổi trẻ, ngày 12-10-2007
[3]“Ủy ban Pháp luật kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và xây dựng cơ chế bảo hiến”, Đại Đoàn kết, ngày 28-9-2007
[4]Bài đã dẫn
[5]“Quản lý đất đai ‘chồng’ &’trống’", Đặng Hùng Võ, Nhà Quản lý, số 52-tháng 10-2007
[6]“Đưa giá đất VN giảm xuống bằng 0”, Tuổi trẻ Cuối tuần, ngày 18-3-2007
[7]Tin vắn, Tuổi trẻ Cuối tuần, ngày 22-8-2007
[8]“Muốn kéo giá bất động sản xuống: Ngoài thuế, không có cách nào khác”, Đặng Hùng Võ, Thanh niên ngày 18-10-2007
[9]“Quốc hội khóa XII sẽ không xem xét sửa Hiến pháp”, VietNamNet, ngày 11-10-2007
[10]“Tinh thần Hiến pháp”, Nguyễn Đình Lộc, Huy Đức, Sài Gòn Tiếp thị, ngày 19-9-2007
[11]“Đã đến lúc sửa Hiến pháp?” Nguyễn Đình Lộc, Khíêt Hưng, Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 8-10-2007
[12]Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Tổng cục Chính trị Quân đội NDVN, VTV1, ngày 27-8-2007