trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
3.12.2007
Đỗ Kh., Phạm Tùng Cương
Đọc “The Conscience of a Liberal” của Paul Krugman
 1   2 
 
Paul Krugman là giáo sư môn kinh tế và quốc tế học tại Đại học Princeton và nhà bình luận của tờ New York Times. Ông đoạt John Bates Clark Medal (giải kinh tế học nổi tiếng‎ chỉ sau giải Nobel [1] ) vào năm 1991. The Conscience of a Liberal [2] là tác phẩm mới nhất của Krugman, W.W. Norton xuất bản vào đầu tháng Mười 2007.
Đỗ Kh.: Phạm Tùng Cương tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mãi (HEC) ở Pháp. Ngoài các nước phát triển Âu, Mỹ hay Hồng Kông, Israel, anh đã có dịp làm việc tại các nước trên đà vùng vẫy như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc đang phát triển như Madagascar, Việt Nam, Indonesia… Hiện Phạm Tùng Cương đang làm việc trong lãnh vực công nghệ thông tin ứng dụng vào ngân hàng tại New York và London.

Cuộc trò chuyện chung về quyển sách này bắt nguồn từ việc anh kèm tôi luyện môn kinh tế vĩ mô khi tôi theo học tại Viện Chính trị học (IEP) Paris, lớp của GS Raymond Barre trước khi ông trở thành Thủ tướng. Sau này thì tôi… bị đuổi khỏi trường nhưng lý do không phải vì môn kinh tế học và tất nhiên cũng không phải là lỗi của anh. Lần chót tôi đọc nghiêm túc sách về kinh tế, tôi còn nhớ đó là cuốn sách của Samuelson, có anh ngồi cạnh.

Phạm Tùng Cương: Sự vô ‎ý thức của những người khác có thể là tiểu tựa của quyển sách của Paul Krugman. Trước khi bắt đầu, tôi phải nói là cách chúng ta trò chuyện như thời sinh viên ở thập niên 70 làm tôi thích thú.

Thứ nhì, về Paul Krugman, tôi chỉ có thể chủ quan. Đây là kinh tế gia mà tôi ưa thích nhất. Bài viết gieo mầm của ông “The Myth of Asia’s Miracle, a cautionary fable” (“Huyền thoại về phép lạ ở Á Châu, một ngụ ngôn cảnh báo’’, Foreign Affairs Article – November 1994) đối với tôi là một phát hiện. Những yếu tố của khủng hoảng Đông Nam Á năm 97 đã có trong bài viết này. Như Paul Krugman đã có lần nói trong một hội thảo tại Hồng Kông sau khi khủng hoảng xảy ra, rằng sai lầm của ông là ước tính về thời điểm của cuộc khủng hoảng. Và nếu Nguyễn Cao Kỳ đã có thể phát biểu bạo dạn “Hitler là người hùng của tôi’’ thì tôi chẳng ngượng gì mà bắt chước, “Paul Krugman là người hùng của tôi’’.

Anh còn nhớ bài hát của George Moustaki mà chúng mình đã có dịp thấy nhiều lần vào thuở mình còn ở Ile St Louis tại Paris vào đầu những năm 70, bài hát do Serge Reggiani biểu diễn:

Nữ hoàng hoài niệm
Bà khóc vì một tên của thành phố
Và bà lẫn lộn, người khờ đáng tội thật

Tình yêu với lại địa lý

(Madame Nostalgie
Tu pleures sur un nom de ville
Et tu confonds, pauvre imbécile
L'amour et la géographie)

Ta có thể bắt đầu nói về quyển sách mới này của Paul Krugman bằng Nữ hoàng hoài niệm. Nữ hoàng hoài niệm ở đây có những hai tên, mà bà ấy lại không lẫn lộn tình yêu với địa lý; hai cái tên đó là New Deal và tầng lớp trung lưu.

Đỗ Kh.: Hoài niệm quá khứ. Tôi nghĩ là ông Kỳ giờ cũng không còn ngưỡng mộ thần tượng cũ…

Phạm Tùng Cương: Paul Krugman thuật lại tiến trình lâu dài của Hoa Kỳ từ thế kỷ XIX cho đến tình trạng “xì căng đan’’ của ngày hôm nay và phác thảo một số giải pháp để thoát ra khỏi tình trạng này. Từ “xì căng đan’’ này, lưu ý, tôi bỏ trong ngoặc kép.

Nhiều ghi nhận cho thấy tình trạng tại Mỹ hiện nay không lấy gì làm tốt đẹp cho lắm:
  • Sự phát triển của một chính sách bảo thủ cynic, thô bạo và xâm chiếm;
  • Ngạo ngược đơn phương trong những vấn đề thế giới;
  • Thâm thủng ngân quỹ gia tăng. Năm 2000, chính quyền Clinton để lại cho G. W. Bush thặng dư ngân sách là 240 tỉ.
  • Sau đó thì dưới chính quyền G. W. Bush, ngân quỹ trở nên thiếu hụt kinh niên
    2003: -378 tỉ US
    2004: -412 tỉ USD
    2005: -318 tỉ USD
    2006: -423 tỉ USD
  • Món nợ quốc gia tăng trưởng: tiền lời phục vụ món nợ này năm 2005 là 184 tỉ USD và năm 2006 là 220 tỉ.
  • Ngay cả với một tỉ số tăng trưởng vừa phải, cách biệt giàu nghèo sâu rộng thêm và số người không có bảo hiểm sức khoẻ lên đến gần 50 triệu.
Đỗ Kh.: Chúng ta ngày nay, tôi muốn nói là trong xã hội Hoa Kỳ, hình như đã đánh mất khả năng phẫn nộ, để quên khả năng này trong khi shopping thương xá và chỉ nhớ lại khi phải dừng lại ở cây xăng ($3,35/gallon). “If you are not outraged, you are not paying attention’’ (Nếu bạn không phẫn nộ thì là vì bạn không để ý đó thôi) là một châm ngôn bumper sticker (phát biểu dán đằng sau xe con ở Mỹ).

Để có thể có hình dung cụ thể hơn, có thể đưa ra một liên tưởng thế này: 1 tỉ USD bằng giấy 100 nếu mang ra trải từng tờ một liền nhau trên Quốc lộ 1 thì dài từ Sài Gòn ra đến Hà Nội, nếu chồng lên từng tập thì cao ngất gì đó Hải Vân (1.500m). Ngay đối với nước Mỹ, đây cũng là những con số lớn, tiền lời phải trả món nợ quốc gia năm 2006 cho mỗi đầu người già trẻ lớn bé như vậy là một cây vàng. Nước Mỹ giàu, nhưng để trả phần lời trên món nợ không thôi, trong mỗi gia đình, mỗi ngườ phải cầm một cây vàng ném nhau.

Tôi nhớ chuyện một Bộ trưởng Tài chánh của một nước Phi châu kể lại cách đây 20 năm. Ông có hẹn với Chủ tịch IMF và đang ngồi đợi trước văn phòng thì Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Brazil đến và được tiếp ngay lập tức, tình huống đó khiến ông phải kết luận rằng thằng nào nợ nhiều thì thằng đó to chứ tôi nợ có vài chục tỉ, nhằm nhò gì.

Phạm Tùng Cương: Trước khi có ý kiến về những nhận xét của anh, tôi xin tóm lược quyển sách:

Trong giai đoạn từ 1870 đến ngày nay, Paul Krugman thấy có ba chu kỳ tiến triển, (1): từ 1870 đến 1930, (2): từ 1930 đến 1970 và (3): từ 1970 đến hiện nay.

Ông gọi giai đoạn đầu là “The Long Gilded Age’’, theo chữ dùng (của Mark Twain để chỉ năm 1870 đến 1893) cho thời kỳ cuối thế kỷ 19 của lịch sử Hoa Kỳ. “The Gilded Age’’ (Thời kỳ Vàng mạ) là thời kỳ tập trung của cải chưa từng thấy, cùng với sự phô trương sống sượng khối tài sản này bởi một thiểu số tí hon các nhà lãnh đạo kỹ nghệ, được gọi là “robber barons” (nam tước tướng cướp). Họ là những người đã lập nên những cơ ngơi khổng lồ theo làn sóng kỹ nghệ hoá nước Mỹ (đường ray, hầm mỏ, ngân hàng, nhà máy…) bằng sự thông minh, tháo vát và quả cảm lắm lúc cũng thiếu đạo đức. Những tên tuổi như Carnegie, Rockfeller, Vanderbilt, J.P. Morgan được đại quần chúng biết tới, với mạng lưới liên hệ gia đình và xã hội, chủ yếu là WASP (Kitô Tin lành gốc Anh da trắng).

Thời kỳ thứ nhì bắt đầu với cuộc Khủng hoảng lớn và được tiếp nối bởi chính sách New Deal - chính sách đã thay đổi địa hình xã hội nước Mỹ. Tài nguyên quốc gia được phân phát đồng đều hơn, mặt xã hội có tiến bộ với những công đoàn vững chắc và lớn mạnh. Giai đoạn này chấm dứt trong thập niên 70, được gọi là giai đoạn “Great Compression’’ (sức nén lớn). Chính sách thuế má thích hợp và “tái phân phố”, cùng các chính sách khác, đã làm giảm bớt sự chênh lệch và lập nên từ con số không một giai cấp xã hội sung túc. Số siêu triệu phú giảm nhưng số người nghèo khó cũng giảm và chính sách này vẫn được các chính quyền Cộng hoà duy trì, như dưới thời Eisenhower.

Thời kỳ thứ ba bắt đầu từ cuối thập niên 70 và tiếp tục cho đến ngày hôm nay, với những đặc điểm như đã mô tả một phần ở trên và chúng ta sẽ có dịp bàn thêm.

Ở từng thời kỳ, các giai đoạn chuyển tiếp giữa các thời kỳ này, những lý do sâu xa của các thay đổi về mặt giá trị và hệ quả xã hội của những thay đổi này được tác giả thuật lại một cách logic, trong sáng và mạch lạc.

Sau cùng, ông phác hoạ những đề nghị sơ khởi để thoát khỏi tình trạng kinh tế và xã hội tệ hại của nước Mỹ hiện nay.

Paul Krugman cho thấy trong quyển sách này sự có mặt thường trực của vấn đề màu da trong lịch sử nước Mỹ. Ông chứng minh rằng chính sách là động cơ của các thay đổi xã hội hơn là kinh tế, kinh tế trong lãnh vực này chỉ đảm nhiệm vai trò hậu cần.

Nhắc lại nhận xét của anh vừa rồi thì có thể nói Paul Krugman “rất quan tâm vì ông vô cùng phẫn nộ’’, một phần bởi vì khoảng cách Sài Gòn và Hà Nội ngày càng tăng và đèo Hải Vân mỗi năm lại cao hơn.

Dĩ nhiên, Paul Krugman đưa những ra con số và những quy chiếu để ủng hộ lý‎ lẽ và những phân tích của ông. Nhân đây, xin giới thiệu những ai quan tâm một công trình rất thuyết phục về sự chênh lệch ở nước Mỹ của hai nhà kinh tế trẻ người Pháp, Thomas Piketty và Emmanuel Saez, cả hai đều là cựu sinh viên Cao đẳng Sư phạm và được tác giả trích dẫn trong cuốn sách.

Đỗ Kh.: Đây là một cuốn sách dễ đọc, tôi cám ơn tác giả tuy chi tiết và rành mạch nhưng ông cũng chỉ lướt qua định l‎ý Pareto và đường cong Kutznets cho những người đọc không chuyên còn được nhờ.

So với 100 năm trước, nguồn thu nhập của giới đứng đầu kinh tế đã có nhiều thay đổi. Thu nhập của các tỉ phú, triệu phú không còn là từ tiền vốn tư bản của các chủ nhân ông nữa mà chiều hướng là từ lương và bổng (tức là “bồi dưỡng’’) của các giám đốc, tổng giám đốc làm thuê. Nói cách khác, nếu các đại gia cuối thế kỷ XIX là các “nam tước tướng cướp’’ thì các đại gia ở Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ XXI chắc là nhiều chất tuớng cướp hơn là chất qu‎ý tộc.

Các tập đoàn ngày nay đều là công ty cổ phần, tức là thuộc sở hữu chung của các cổ đông. Khỏi phải kể đến các trường hợp lạm dụng như Tyco, Adelphia, hay điều hành hơi bị “đẹp’’ như Enron [3] , ngay cả các công ty không lấy gì tai tiếng cũng có vấn đề.

Phạm Tùng Cương: Như công ty dịch vụ dầu khí bị phá sản của một tay GW Bush, tốt nghiệp môn Sử Đại học Yale và cựu sinh viên trường danh tiếng Harvard Business School…

Đỗ Kh.: Ngay cả các công ty không lấy gì tai tiếng hay không có vấn đề đặc biệt, việc tưởng thưởng các lãnh đạo công ty vẫn có điều gì như là quá đáng (nói kiểu Trịnh Công Sơn, có điều gì như là tuyệt vọng).

Nhận lương xứng đáng, theo tôi, thì chỉ có những người như Tổng giám đốc Halliburton David Lesar chẳng hạn. Lương ông từ 2003 đến 2004 tăng 171% (27 triệu) nhưng đó là vì công ty ông kiếm được nhiều lời, cổ phần tăng quá xá khiến quần chúng cổ đông (như một ông Dick Cheney) vui vẻ. Halliburton lại được bớt thuế ở Mỹ nhờ quyết định dứt khoát rời trụ sở sang… Dubai, đó là chưa nói đến đóng góp của công ty vào việc “tái kiến thiết’’ một quốc gia bị tàn phá như là Iraq.

Nhưng đây là việc nghĩa rồi, việc gần như là từ thiện chứ không còn là việc kinh tế tư bản, tôi đã đi hơi xa, xin mời anh trở lại.

Phạm Tùng Cương: Cuốn sách quả là dễ đọc. Paul Krugman có cái tài là làm cho người đọc càng vào sâu trong quyển sách, càng có cảm tưởng mình trở nên thông minh hơn.

Ta lấy ra vài con số đặc trưng cho ba thời kỳ. Theo định nghĩa của Brad De Long, nhà kinh tế học ở Đại học Berkeley, thì tỉ phú là người tài sản có cao hơn con số sản xuất hàng năm của 20.000 người lao động Mỹ trung bình. Trong thời kỳ “Long Gilded Age’’, theo định nghĩa này, năm 1900 có 22 tỉ phú và năm 1925 có 32.

Thời kỳ thứ nhì, đếm được 16 tỉ phú năm 1957 và 13 năm 1968.

Cũng dùng những tiêu chuẩn này, ngày hôm nay, ta có 160 tỉ phú.

J. P. Morgan, ông này không phải là một thày tu, đã có nói là nếu mức lương hàng đầu cao hơn 40 lần lương trung bình của người thợ, thì ta nên quan tâm thật sự đến tình trạng xã hội. Chắc là phải kêu cứu “J.P. Morgan ơi, họ điên hết rồi!’’ [4] Tỉ lệ sai biệt này, nếu năm 1970 ở dưới 40 lần, thì hiện nay đã xấp xỉ 400!

Đỗ Kh.: Theo chiều hướng này, tăng trưởng của chênh lệch và bất quân bình xã hội, như quyển sách này nhấn mạnh, xảy ra trong thời của chúng ta, nghĩa là từ thập niên 80, thời của Reagan-Thatcher. Sau Woodstock và các hippy thì là… Wall Street và các golden boy.

Quá khích (Krugman dùng từ “radical”, ở đây gần với nghĩa “cách mạng”) về hướng hữu ở Mỹ là một hiện tượng nổi lên gần đây trong Đảng Cộng hoà, nhờ liên kết giữa các đại diện Tân bảo thủ và thành phần Kitô cơ bản khiến thế hệ của tác giả phải tiếc nuối quá khứ như đã nói tới. Nước Mỹ trước đây của ông “là một nước khác rồi”. “Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi’’ (Nguyễn Bính). Paul Krugman có một nhận xét mà tôi thấy rất thấm thía, là Clinton ở phía bên phải của Carter đã đành nhưng còn có thể nói là ở phía bên phải của Nixon!

Chúng ta không những đi giật lùi mà còn đi rất nhanh.

Phạm Tùng Cương: Như anh vừa nhận xét, thu nhập của thời kỳ thứ nhất chủ yếu là từ nguồn vốn tư bản trong khi ngày nay nguồn là từ số lương quá đáng của một vài thành phần (chẳng riêng gì các Tổng giám đốc, mà còn trong lãnh vực thể thao, biểu diễn), từ các stock-options [5] , các giao kèo bồi thường nghỉ việc bằng vàng khối, cùng với sự bùng nổ của các thị trường chứng khoán.

Paul Krugman thuật lại rành mạch sự chuyển tiếp từ thời kỳ thứ nhì sang thời kỳ hiện tại, với hậu trường là sự lớn mạnh của một phong trào bảo thủ biết chiếm lãnh một cách hệ thống và tính toán các địa bàn tư tưởng và địa bàn kinh tế bằng cách xây dựng một cơ sở quần chúng và một cơ sở trong giới kinh doanh.

Ông dùng từ Tài phiệt’’ (ploutocratie) để chỉ thời kỳ “Long Gilded Age’’ cũng như thời kỳ của chúng ta. Cả hai có những điểm tương đồng đến ngạc nhiên và làm tôi nhớ lại định nghĩa của Ernest Renan (1823-1892): “Tôi gọi là một tình trạng xã hội lấy của cải làm động cơ chính của mọi sự (…), nơi mà tài năng và đạo đức thường được (…) đánh giá bằng tài sản là một chế độ tài phiệt’’. Quả là hợp với thời đại của chúng ta!

Bảng dưới đây được Paul Krugman trích dẫn từ công trình của Thomas Piketty và Emmanuel Saez về tỉ lệ những thu nhập cao nhất trong tổng số thu nhập:

 10% thu nhập cao nhất
1% thu nhập cao nhất
Trung bình của thập niên 1920
43,6 %
17,3 %
2005
44,3 %
17,4 %

Trong thời kỳ “The Great Compression’’, lương trung bình của một hộ là vào khoảng 44.000 USD (tính theo thời giá của ngày nay), tức là cao hơn lưong trung bình hiện tại. Lương tối thiểu hàng giờ vào thời ấy cũng cao hơn 5 đồng lẻ gì đó của ngày nay.

Thời kỳ của “The Great Compression’’ đã xây dựng đuợc phần nào một sự đoàn kết xã hội nhờ một phần vào một chính sách thuế má nhắm vào một tái phối xã hội thật sự.

Những phát biểu sau đây cho ta thấy không khí tri thức của thời kỳ này:

Trong Diễn văn 1936, Franklin D. Roosevelt xác quyết “Chúng ta giờ đã biết rằng chính quyền của tiền bạc có tổ chức cũng nguy hiểm không kém chính quyền của những kẻ du thử du thực có tổ chức.’’

Trong Diễn từ nhậm chức lần thứ nhì, cũng Franklin D. Roosevelt lại phát biểu: “Trước ta vẫn biết tư lợi bản thân mà không có tâm thì là đạo đức xấu; giờ thì ta biết đó là chính sách xấu.’’

Năm 1954, tổng thống Eisenhower (Đảng Cộng hoà) viết trong thư gửi cho người anh ruột: “Nếu có đảng chính trị nào định thử bãi bỏ chế độ an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, và loại trừ các luật lao động và chương trình trợ giúp các nông trại, thì trong lịch sử sẽ không bao giờ nghe nói đến đảng này nữa. Có một nhóm ly khai, dĩ nhiên là tí hon, lại tin rằng có thể thực hiện được những việc này… Con số thành phần này không đáng kể và họ là những người ngu xuẩn.’’

Paul Krugman kết luận về thời kỳ trên rằng: “ …Trường hợp của ‘The Great Compression’ là một liều thuốc mạnh giải được tiền định, một chứng minh cho thấy cải cách chính trị có thể tạo ra một phân phối thu nhập công bằng hơn và trong khi làm việc ấy, nó tạo ra một không khí lành mạnh hơn cho dân chủ.’’

Phải nói rằng, một xã hội lấn áp thế giới trên tất cả các phương diện: kinh tế, quân sự, kỹ thuật và văn hoá, một xã hội được đưa ra làm gương kinh tế và xã hội cho các thành phần có tham vọng và ít nhiều có năng lực, xã hội này lại chấp nhận gần 49 triệu người đang sống trong đó không có bảo hiểm y tế. Trước một xã hội như thế, chỉ có thể thốt lên một tiếng là “Hello!’’.

Đỗ Kh.: Mong rằng chúng ta sẽ có dịp để trở lại vấn đề ảnh hưởng và gương sáng của chế độ Hoa Kỳ này đối với thế giới, tất nhiên là cả đối với Việt Nam hay Bở Biển Ngà. Khi ông Bush nói đến việc gieo rắc “dân chủ’’, tôi hiểu đây là một thứ codespeak orwell cho một mô hình kinh tế toàn cầu. Đúng là chỉ biết nói “Hello!’’.

Nói đến bảo hiểm y tế quốc gia, Paul Krugman nhắc lại là, tại Đức, từ thập niên 80, đã có bảo hiểm này và chế độ phục viên, an sinh. Đây không phải là thập niên 1980 mà là thập niên 1880 dưới thời Thủ tướng Bismark! “Hallo Hillary, Guten Tag!’’.

Phạm Tùng Cương: Theo Herbert Simon, một trong những khoa học gia tiền phong trong lãnh vực trí tuệ nhân tạo, thì người ta thường không quan tâm đến phần của những yếu tố ngoại vi trong mọi hoạt động (việc ông được giải Nobel Kinh tế năm 1978 là một bất ngờ theo nghĩa trí thức đối với bản thân). Vốn xã hội (kỹ thuật, môi trường pháp lý, khả năng tổ chức, quản l‎ý và lãnh đạo…) của một quốc gia chiếm 90% trong hoạt động của các cá nhân, dù bất kể là ai…

Đỗ Kh.: Tôi ngắt lời bạn ở đây để mở một dấu ngoặc. Chúng ta (trong và ngoài nước) hay nhắc đến những thành công của người Việt ở nước ngoài nhưng có lẽ có quên cái 90% này của môi trường hoạt động. Một thí dụ, gần đây, một bà bạn Pháp thuộc trường Viễn đông Bác cổ (EFEO) đang làm việc tại Bắc Kinh có nói với tôi về vị thái giám gốc Việt xây dựng Cấm Tử Thành. Đây là một thanh niên bị nhà Minh bắt mang sang Trung Quốc lúc còn trẻ, sau này trong cung thăng quan tiến chức và là người quản lý công trình xây dựng vĩ đại này. Tất nhiên, tôi rất là hãnh diện dân tộc, nhưng nếu ông ở lại nước ta thì tài của ông ta có lẽ đã được dùng để xây Chùa Một Cột. Tôi để bạn nói tiếp.

Phạm Tùng Cương: Thành thử ra, đánh thuế 90% các thu nhập cũng chẳng phải là vô l‎‎ý về mặt đạo đức. Dĩ nhiên, Herbert Simon có tiết chế tỉ lệ này căn cứ trên các động cơ cá nhân (kinh nghiệm Xôviết hẳn nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của quyền lợi ích kỷ của các cá nhân). Theo ông thì thuế 70% trên thu nhập sẽ đủ để trang trải mọi kinh phí của tất cả các chương trình chính phủ. Chúng ta đều là “người cổ đông’’ của một quốc gia. Bên ngoài các hoạt động nghề nghiệp của từng người, là cổ đông, chúng ta đều có quyền hưởng phần cổ tức của phát triển và tiến bộ kinh tế của cả nước.

Tỉ lệ thuế trên thu nhập là 63% dưới chính quyền của F.D. Roosevelt thời kỳ đầu và 79% dưới chính quyền thứ nhì của ông. Giữa thập niên 50, tỉ lệ này lên đến 91% để trang trải những chi phí của Chiến tranh Lạnh.

Thuế má là một chuyện, đạo đức lại là một chuyện khác. Paul Krugman còn cho ta thấy sự thanh liêm của các thành phần công chức dưới thời “Great Compression’’ cũng như không khí xã hội nói chung vào thời ấy.

Năm 1969, thù lao của lãnh đạo công ty GM là 4,3 triệu USD tính theo ngày nay. Số lương này đuợc coi như là một xì-căng đan vào lúc một công nhân GM lãnh trung bình chỉ có 44.000 (cũng tính theo ngày nay). Năm 2005, ông lãnh đạo Wal-Mart lãnh lương 23 triệu trong khi lương trung bình của nhân viên công ty này là 18.000 một năm. Và mọi người đều có vẻ thấy đây là chuyện bình thường business. Thì “Chuyện của nước Mỹ là chuyện business’’ mà.

Tại một nước thuộc “Âu châu già nua’’, theo từ mà Donald Rumsfeld ưa chuộng, như Pháp, thì Tổng giám đốc của công ty bảo hiểm tư lớn nhất lục địa này, công ty AXA, là một trong 15 người có mức lương cao nhất nước. Năm 2006, lương của ông Henri de Castries (vâng, cháu ruột của vị tướng thất trận Điện Biên Phủ) là 4,3 triệu Euro (Louis Schweitzer của hãng Renault là người lãnh lương cao nhất với 11,9 triệu Euro). Tổng giám đốc AXA này cho biết ông bố chống việc tiễn chân các lãnh đạo nghỉ việc với hợp đồng vàng ròng (golden parachute), và nhất là ông không chịu nhận phần quà stock-options dành cho ông có thể lên đến 70 triệu! Xin ngả nón chào, bạn đồng chí Henri (bạn đồng khóa HEC với tôi chứ không phải là bạn đồng tổ Đảng Cộng sản) [6] .

Đạo đức cũng góp phần lớn vào một xã hội đoàn kết hơn và bình đẳng hơn.

(Còn 1 kì)

© 2007 talawas



[1]Có đến gần nửa số thủ khoa John Bates Clark Medal về sau này được giải Nobel kinh tế, thời gian trung bình là 20 năm sau.
[2]Tên sách để nguyên vì từ “liberal” khó tìm được được từ tương đương chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa trong tiếng Việt. “Liberal” ở Mỹ gần với nghĩa cấp tiến, tiến bộ phần chính trị, cởi mở và phóng khoáng phần thái độ và tư tưởng và hoàn toàn khác với nghĩa của cũng từ liberal này khi dùng trong lãnh vực kinh tế. Dĩ nhiên, từ “liberal”, tuỳ theo đối tượng, còn có thể dùng để thoá mạ và thường để gán cho những nhân vật dè dặt với nhãn hiệu này. Thí dụ flip-flop liberal - chong chóng (Thượng nghị sĩ John Kerry) hay card carrying liberal - mang thẻ hội viên (ứng cử viên Bill Clinton, trong trường hợp này là Hội Tự do Dân quyền Mỹ, ACLU). “Liberal” về chính trị thì chỉ có thể là arch-liberal hay crypto-liberal, ấy, nhưng về kinh tế thì ta có neo-liberal.
Ở những nơi khác, về chính trị, phong trào liberal Canada khác với ở Australia hay Thuỵ Sĩ, ở Anh quốc khác với ở… Chad cho nên lại càng khó nói. Tên của cuốn sách The Conscience of a Liberal cũng là tên cuốn hồi ký của cố Thượng nghị sĩ bang Minnesota, Paul Wellstone. Đây là một trùng hợp, Wellstone được coi là một trong những chính trị gia và dân cử tiến bộ nhất của Mỹ. Ông qua đời vì tai nạn phi cơ vào năm 2002.
[3]Hai lãnh đạo của Tyco mang tội thâm lạm 150 triệu của công ty. Tổng giám đốc John Rigas của Adelphia dùng tiền của công ty để xây sân golf riêng, lấy 26 triệu của công ty sắm 1.500 héc ta đất trước cửa tư gia ông để cho thoáng tầm nhìn… Enron làm mất của người đầu tư 50 tỉ.
[4]Theo thành ngữ nổi tiếng “Lenin sống dậy mà xem/ Coi kìa chúng nó đã điên hết rồi”. Morgan là một dòng họ tỉ phú, là gốc của hệ thống tài chánh và ngân hàng J.P. Morgan Chase hiện nay, vào đầu thế kỷ XX, từng giúp vốn vào việc thành lập các đại công ty US Steel và General Electric.
[5]Tiền thưởng hay bồi dưỡng cho nhân viên của công ty dưới hình thức cổ phần ở một giá đặc biệt. Đương sự sau đó có thể quyết định mua (và bán lại) số cổ phần này khi cần thiết và khi giá thị trường cao hơn.
[6]Từ “camarade” để chỉ bạn đồng song, đồng lớp tại Pháp nhưng cũng được dùng để chỉ các bạn đồng chí trong một đảng.