trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
8.5.2008
Nguyễn Trâm
Phỏng vấn một người Việt 50 tuổi, sang Mỹ năm 1997
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì và biết gì về cuộc chiến tranh ấy? Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài phỏng vấn của các sinh viên Mỹ gốc Việt, Đại học U.C. Berkeley, California. Toà soạn xin viết tắt tên người được phỏng vấn.
talawas
Nguyễn Trâm: Xin ông kể đôi chút về bản thân.

Nguyễn T. T.: Tôi tên là Nguyễn T. T, sinh năm 1958. Tôi lớn lên tại thành phố du lịch Đà Lạt, Việt Nam, nơi có những danh lam thắng cảnh như thác Prenn, Thác Cam Ly, Thung lũng Tình yêu, và những đồi thông thơ mộng v.v… cùng với khí hậu tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban cho. Tôi sinh ra trong gia đình có mười anh em, kinh tế gia đình thuộc dạng trung bình. Cũng như bao nhiêu gia đình khác, tôi được cha mẹ cho đi học và luôn luôn xem học vấn là con đường duy nhất để có một tương lai tốt đẹp. Sau giờ tan học, tôi thường về phụ giúp cha mẹ trong công việc làm ăn. Hàng năm vào dịp hè, các anh em chúng tôi thường được cha mẹ cho đi nghỉ mát tại Vũng Tàu. Nói tóm lại, tuổi thơ của tôi luôn luôn gắn bó với tình cảm cha mẹ, anh em, bạn bè, và thầy cô giáo.

Trước 1975, tôi chỉ là một học sinh. Mặc dù lúc đó đất nước đang có chiến tranh, nhưng có thể do chủ trương của chính phủ lúc bấy giờ là không bàn chiến tranh trong lớp học nên chúng tôi cảm thấy rất vô tư. Những môn học không đề cập đến chiến tranh, ngay cả môn lịch sử chúng tôi cũng chỉ học về thời phong kiến mà thôi. Chúng tôi chỉ hiểu được chiến tranh qua báo chí, cha mẹ, v.v… Ngay cả trong lớp chúng tôi có những thầy giáo là quân đội phục viên nhưng không bao giờ nghe các thầy kể chuyện về đời sống quân ngũ. Vì vậy thời học sinh luôn luôn in đậm vào tâm trí của tôi. Tình cảm bạn học cũng như tình thầy trò chúng tôi vẫn mãi duy trì đến bây giờ.

Xin ông kể lại đôi chút về đời sống ở miền Nam trước 1975 nói chung (qua những gì ông còn nhớ được)?

Tôi xin đề cập đến đời sống của người dân Đà Lạt trước năm 1975. Về vị trí kinh tế, xã hội, chính trị, thành phố Đà Lạt đóng trong vai trò không quan trọng lắm đối với toàn bộ miền Nam, với dân số chỉ vài chục ngàn người lúc bấy giờ và chủ yếu là làm du lịch, trồng hoa cũng như trồng các loại rau quả cao cấp là chính. Vì vậy, thành phố không phải là nơi tranh chấp của hai bên đối với cuộc chiến. Tuy nhiên, Đà Lạt vẫn không tránh khỏi sự ảnh huởng của cuộc chiến. Mặt khác, cũng như các bạn cùng lứa tuổi lúc bấy giờ, tôi thường theo dõi cuộc chiến qua tin tức, báo chí cũng như những câu chuyện bàn luận của người lớn. Đặc biệt, trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt đã đào tạo hàng ngàn sĩ quan ưu tú cho quân đội miền Nam lúc bấy giờ. Không bao giờ tôi quên được hình ảnh oai hùng của những sinh viên sĩ quan của trường trong bộ quân phục trong những nghi lễ. Tôi đã được quan sát những thời gian huấn nhục của các sinh viên của trường, những lần tham dự lễ ra trường của các sinh viên sĩ quan. Từ đó, tôi luôn luôn nghĩ rằng, tôi sẽ chọn trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt sau khi tôi tốt nghiệp tú tài II.

Tôi nghĩ rằng, cuộc sống ở miền Nam trước 1975 rất phức tạp, nhất là trong những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Về chính trị, đó là sự đấu đá giữa các đảng phái, những lần bầu cử đầy gian lận, chính phủ ngày càng mất lòng dân. Ông bà ta có nói “được lòng dân không đánh cũng thắng, không được lòng dân có đánh cũng bại”. Chúng ta thử nghĩ, nếu được lòng dân thì làm gì có những tổ chức cộng sản nằm vùng. Trên mặt báo chí lúc bấy giờ, ngoài những tin chiến sự bên cạnh đó là những tin tố cáo về tham nhũng, buôn lậu v.v… Mặc dù đất nước trong tình trạng chiến tranh, nhưng tôi có cảm giác như việc chống kẻ thù là của các chiến sĩ ngoài mặt trận chứ không phải là chuyện của hậu phương. Các quán bar, phòng trà mọc lên nhan nhản đón tiếp các vị thượng khách; đó là các vị chức sắc trong chính phủ và các vị sĩ quan trong quân đội. Thiệt thòi nhất là những người dân vô tội hay nói khác đi là những người thấp cổ bé họng. Họ không thể nói lên tiếng nói của mình và phải rất cẩn thận nếu không sẽ bị chụp mũ Việt cộng nằm vùng.

Trước năm 1975, ông nghĩ thế nào về miền Bắc?

Trước năm 1975, tôi hiểu rất ít về miền Bắc. Tôi chỉ biết rằng sông Bến Hải đă chia đôi đất nước thành hai miền Nam Bắc. Miền Nam theo chế độ tự do và miền Bắc theo chế độ cộng sản. Qua báo chí, tôi chỉ biết kẻ thù của miền Nam qua các từ như “Việt cộng” và “Cộng quân”. Tuy nhiên, cuộc sống của dân miền Bắc như thế nào tôi không có một khái niệm nào cả. Cho đến sau 1975, lúc đó tôi mới hiểu được cuộc sống của nhân dân miền Bắc. Đến lúc đó tôi mới có cơ hội để so sánh cuộc sống của người dân hai miền Nam và Bắc. Và quan trọng hơn là tìm được nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của chính quyền miền Nam Việt Nam.

Trước 1975, ông thích bản nhạc/loại nhạc nào nhất?

Đó là những bản nhạc nói về tuổi học trò như nhạc Quốc Dũng, các bản nhạc dịch từ nhạc nước ngoài, nhạc của Phạm Duy, nhạc tình của Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên v.v… và một số bản nhạc Pháp và nhạc Mỹ.

Ngày 30/4/75, ông đang ở đâu, làm gì? Cảm giác của ông lúc đó là gì?

Ngày 30/4/1975, đó là ngày không bao giờ tôi quên được, có thể nói đó là cả một quá trình di tản. Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, Đà Lạt có khả năng rơi vào tay Việt cộng, gia đình chúng tôi di tản xuống Phan Rang. Lúc bấy giờ không thể về Sài Gòn vì một số cầu trên Quốc lộ 20 đã bị sập. Sau khi ở Phan Rang được vài tuần, chúng tôi nghe tin chỉ có thể giữ được Sài Gòn và quân khu 4 mà thôi và thế là gia đình chúng tôi dùng đường bộ băng qua Bình Tuy đến Hàm Tân và dùng tàu để vào Vũng Tàu, sau đó về đến Sài Gòn. Đoạn đường từ Bình Tuy đến Hàm Tân là đoạn đường kinh hoàng nhất. Con đường hai chiều với một làn xe cho mỗi chiều, lúc ấy đã trở thành con đường một chiều với 4 làn xe. Có nghĩ là chỉ có tiến chứ không thể lui. Hơn nữa, đoạn đường này phải chạy qua khu Rừng Lá, nơi mà sư đoàn 18 đang chiến đấu với quân cộng sản. Có thể nói, mạng người lúc đó không bằng cọng cỏ. Đồng báo di tản phải thường xuyên tiếp cận với đói khát, cướp bóc, v.v… Vì sự sống, mọi người chỉ còn cách cầu nguyện ơn trên phù hộ mà thôi. Cuối cùng, gia đình tôi cũng đã đến được Sài Gòn. Thật đáng tiếc, khi chúng tôi chưa kịp hồi tỉnh lại sau đợt di tản, thì vài tuần sau đó Sài Gòn thất thủ. Cảm giác của tôi lúc đó thật thất vọng và tức giận.

Sau 1975, gia đình tôi trở về Đà Lạt, tôi tiếp tục đi học và tốt nghiệp phổ thông. Sau đó, tôi được đi học một lớp kế toán và được nhận vào làm cho chính phủ. Sau đó, tôi trở về với nghề của ba tôi là thợ máy sửa chữa xe.

Ông sang Mỹ năm nào? Bằng phương tiện gì? Ông có thể kể đôi chút về chuyến đi của mình? Sau khi sang Mỹ, ông làm gì? Ông có khó khăn gì trong việc hội nhập vào cuộc sống ở Mỹ?

Tôi sang Mỹ năm 1997 theo diện ODP, bằng phương tiện máy bay. Chuyến đi sang Mỹ của tôi đầy luyến tiếc và lo lắng. Luyến tiếc là vì sau những năm sống cơ cực, chính phủ dần dần có những chính sách mở cửa trong những năm thập niên 90 nên chúng tôi đã có được cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, vì tương lai của con cái nên chúng tôi đã bỏ tất cả để sang Mỹ. Lo lắng là vì phải đến sống ở xứ người. Nơi mà chúng tôi không hiểu nhiều lắm, cộng thêm việc sang Mỹ với hai bàn tay trắng và phải làm lại từ đầu.

Sau khi sang Mỹ, tôi tiếp tục làm nghề thợ máy cho đến nay. Ngôn ngữ chính là trở ngại lớn nhất của tôi trong con đường hội nhập vào xã hội Mỹ.

Ông đã quay trở lại Việt Nam lần nào kể từ khi rời đất nước chưa? Theo ông, con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay khác nhau ở những điểm quan trọng nào?

Sau 10 năm định cư ở Hoa Kỳ, tôi đã trở về Việt Nam hai lần. Thật khó để so sánh con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay. Trước năm 1975, đất nước lâm vào cuộc nội chiến, người dân luôn sống trong lo âu, ngày nào cũng nghe đến sự chết chóc. Nhưng sau 1975, người dân phải hứng chịu hậu quả của chiến tranh để lại đó là sự nghèo đói. Tuy nhiên, sau 30 năm kể từ ngày 30-4-1975, chúng ta có thể khẳng định rằng người dân sống vô tư hơn, thoải mái hơn vì không còn bị chiến tranh luôn luôn đe doạ đến mạng sống.

Sống ở Mỹ, ông nhớ gì nhất về Việt Nam?

Đó là tình hàng xóm mà tôi không thể thấy sau 10 năm định cư tại Hoa Kỳ.

Ông có bao nhiêu người con và họ đang làm gì trên đất Mỹ?

Chúng tôi có hai cháu gái: một cháu đang học tại UC San Diego và một cháu đang học tại UC Berkeley. Gia đình chúng tôi, ông bà, cô cậu, chú bác đều rất tự hào khi có con (cháu) đang học tại những trường nổi tiếng của nước Mỹ. Tôi luôn luôn hy vọng con cái chúng tôi sẽ thành công trên đất Hoa Kỳ. Hy vọng là vì tôi thấy có quá nhiều các em đã bỏ phí tuổi thanh xuân để lao vào con đường không có ngày mai.

Nếu có một ngày nào đó, đất nước Việt Nam cần sự giúp đỡ của con em chúng ta, ông có ý kiến gì?

Chúng tôi luôn sẵn sàng, tuy nhiên quyền quyết định ở nơi các cháu. Sự nhận thức của các cháu về Việt Nam sẽ quyết định đến hướng đi của các cháu. Vì vậy chúng tôi luôn luôn phân tích những điều đúng sai về con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam, nhằm tạo cho các cháu có nhận thức đứng đắn hơn.

Ông có cho rằng ông đã thành công trên đất Hoa Kỳ không?

Với quan điểm di cư sang Hoa Kỳ là vì tương lai các cháu, chúng tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi đã và đang thành công. Cho dù về vật chất chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bù lại về mặt tinh thần, chúng tôi rất tự hào là đã dìu dắt con cái của chúng tôi trưởng thành đúng hướng.

© 2008 talawas