trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
25.11.2003
DÅ©ng VÅ©
Thường Quán
Những ví dụ về dịch thuật
 
Tôi đã được đọc khá nhiều bài dịch đăng trên talawas. Phải nói, có những bài hay, nhưng cũng có những bài đã làm tôi thắc mắc.

Những thắc mắc thường chỉ chợt xuất hiện trong đầu tôi vào những lúc ngồi đối chiếu văn bản gốc với văn bản dịch. Thế nhưng có trường hợp hầu như không cần văn bản gốc. Tiêu biểu là hai bài dịch gần đây nhất của tác giả Thường Quán: Một cách sáng giá Eminem, Nobel ca ngợi Ông Nghịch Ngược của nhạc Rap được dịch từ bài Eminemently, Nobel praise for rap's Mr Nasty của Laura Peek, và Mãnh cọp cuối cùng của tôi được dịch từ bài My last tiger của Jorge Luis Borges.

Hai bài dịch trên đã được ông Lê Ðình Khoa mang ra bình phẩm. Tất nhiên ông Lê Ðình Khoa đã phân tích và đánh giá đối tượng ở phối cảnh ông quan sát. Có người đồng tình và tất nhiên cũng có người có quyền không đồng tình với người phê bình, chẳng hạn bằng cách cho rằng, không thể phê bình một bản dịch thơ giống như một bản dịch tin tức. Ðiển hình là quan điểm của ông Phùng Nguyễn trong bài Dịch phiệt? của ông:

Tôi đã có thể đồng tình với Lê Ðình Khoa (LÐK) ở một số trích dẫn về nghĩa đen của từ tiếng Anh trong bài viết trịch thượng và hằn học một cách không cần thiết của tác giả này nếu-giả-như "My Last Tiger" là môt bản tin về tình hình chiến sự ở Iraq. Tất nhiên là sự đồng tình của tôi đã không có cơ hội xảy ra. "My Last Tiger" (và bản dịch đã khiến LÐK đánh mất sự hòa nhã [nếu có] trong tranh luận văn học) không phải chỉ là "một tác phẩm" theo cách nói mù mờ [vô tình?] của LÐK mà còn là một bài thơ."

Thơ hay không thơ, dịch là có vấn đề. Dịch văn, triết đã khó, dịch thơ càng khó nữa hoặc nhiều khi không dịch được.

Thế, nếu cho là có vấn đề, thì đó là vấn đề gì? Mà có chắc là có vấn đề không?

Giả sử có dịp thảo luận sau này, tôi sẽ xin phép được nêu lên nhiều thắc mắc của mình về cách dịch của ông Thường Quán. Còn trong bài viết này, tôi chỉ xin được phép thắc mắc một điểm duy nhất. Ðó là cái tựa đề Mãnh cọp cuối cùng của tôi.

*

Nếu được đối thọai với Borges, tôi sẽ hỏi ông rằng, tại sao ông lại đặt tên tác phẩm của mình là My last tiger mà không đặt tên khác, chẳng hạn như My tiger last hoặc Last tiger my hoặc Tiger last my hoặc vân vân và vân vân.

Chỉ cần 3 từ my, tiger, last của tiếng Anh, Borges thừa khả năng hoán vị thành 6 cụm từ (theo công thức 3! (3 giai thừa)), để có thể lựa ra một cụm từ ưng ý nhất làm tựa đề. Nếu chưa đủ, Borges có thể thay thế những từ Anh bằng những ngoại từ khác (Việt, Hoa, Ðức, ...) hoặc nhét thêm vào để có thêm hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu cụm từ khác nữa: My cọp last, My hổ last, My cọp letzter, My hổ letzter, Last my cọp, Last my hổ, Letzter my cọp, Letzter my hổ, My last mãnh cọp, My last cọp mãnh, ...

Thế nhưng Borges đã không làm vậy mà lại chọn My last tiger làm tựa đề cho tác phẩm của mình.

Không hiểu nổi, tại sao Borges, một nhân vật lớn của nền văn chương thế giớí, lại đi chọn một cái tựa đề giản dị đến thế. Có phải vì Borges không thuộc phái tân hình thức (?), cho nên My last tiger My last tiger. Chấm hết. Ðúng ngữ pháp tiếng Anh, rõ ràng, ai cũng hiểu. Không có lý do gì phải tốn công hình thức hóa cái tựa đề; nội dung mới là cái chính.

Nếu giả thiết thứ nhất này đúng, thì phải chăng đó chính là lý do khiến ông Thường Quán không muốn dịch My last tiger của Borges sang tiếng Việt thành Con cọp cuối cùng của tôi? Phải chăng theo ông, dịch thế nghe thường quá, nghèo văn chương quá; phải dịch sao cho lạ, và kết quả là Mãnh cọp cuối cùng của tôi?

Nếu giả thiết thứ hai này đúng, thì có lẽ không hẳn tôi mà mọi người đều có thể thắc mắc: Tại sao ông Thường Quán lại dịch tiger thành mãnh cọp mà không dịch thành cọp mãnh hay hổ mãnh? Tại sao ông không mở rộng mãnh thành mãnh liệt để sản sinh thêm nhiều cụm từ mới: hổ mãnh liệt, cọp mãnh liệt, mãnh liệt hổ, mãnh liệt cọp, mãnh hổ liệt, mãnh cọp liệt, ...? Tiếp tục vậy, còn có thể mở rộng liệt thành liệt bại, liệt dương, liệt giường liệt chiếu, liệt sĩ, ..., và sẽ có thêm nhiều loại cọp khác nữa: mãnh liệt bại cọp, mãnh liệt dương cọp, mãnh liệt giường liệt chiếu cọp, mãnh liệt sĩ cọp, ...

Trong thế giới ngôn ngữ, nếu muốn, người ta có thể biểu diễn trí giàu tưởng tượng của mình đến vô tận. Ðiều này khả thi và chỉ cần một chút khả năng liên tưởng, kết hợp, hoán vị, ... Kết quả sẽ thành một hệ thống mạng ngôn từ cũng có khả năng nở rộng theo đến thế. Tuy nhiên, không nhất thiết cái hệ thống toàn thể ấy sẽ đương nhiên trở thành một tập hợp ngôn từ tự khẳng định được chức năng hệ tính của nó, khi những cấu trúc cơ bản hoặc đã bị làm hỏng mất, hoặc được tự tạo một cách vụng về, bất kể là ngôn ngữ gì: ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ hình thức, ngôn ngữ lập trình, ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ nhạc, ...

Thử xét trường hợp ngôn ngữ tự nhiên (natural language).

Dù muốn dù không, không thể phủ nhận một điều, mỗi ngôn ngữ tự nhiên đều có thể và có quyền khác nhau. Cái khác biệt về cấu trúc bề mặt giữa tiếng Việt và tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Ðức là một ví dụ điển hình. Nhìn bao quát, ta thấy, ngữ pháp của các ngôn ngữ này không giống nhau. Nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy, mỗi ngôn ngữ đều có những nét tinh thần đặc trưng của nó. Những nét tinh vi này có thể phân tích được từ nhiều khía cạnh: nhân sinh quan, tính tự nhiên, tính tôn ti, tính logic, tính hình thức, tính ngữ nghĩa hình thức, tính tu từ học, tính dân tộc học, tính thực dụng, ...

Ví dụ xét về tính hình thức. Tiếng Hoa có cách đặt từ với phụ/bổ ngữ (adjunct, complement) nằm bên trái từ chính (nguyên tắc left attributed), v.d. trong mãnh hổ, hổ là từ chính (diễn tả đối tượng chính), mãnh là tính từ giữ chức năng thêm nghĩa (phụ/bổ nghĩa) và nằm bên trái hổ. Người Anh, người Ðức cũng hành ngôn tương tự nếu trong tựa đề My last tiger thực sự có tồn tại ngữ nghĩa mãnh: strong tiger, starker Tiger.

Chỉ nhằm cắt nghĩa cho được cái cấu trúc cú pháp ngôn ngữ thôi (một tiểu phạm trù hình thức ngôn ngữ) đã có biết bao lý thuyết. Chẳng hạn hình thức đặt từ bên trên có thể giải thích được một cách hiển ngôn theo ngữ pháp tạo sinh (Generative Grammar) của Chomsky [1] :

NP → A NP
NP → N

A → mãnh | strong | stark (er)
N → hổ | tiger | Tiger

(ký hiệu: NP: noun phrase; A: adjective; N: noun; → : phái sinh; | : phép OR (hoặc) trong logic học)

Ngược với nguyên tắc "left attributed", người Việt theo nguyên tắc "right attributed". Nhân đây, xin hỏi ông Thường Quán: Ông có thấy vậy không ? Nếu thấy, thì ông sẽ giải thích thế nào để một người ngoại quốc hiểu nguyên tắc hành ngôn của người Việt?

Thay vì thiên logic, duy lý cực đoan như nhóm cấu trúc luận, người ta có thể cắt nghĩa ngôn ngữ bằng cách khác, chẳng hạn như chú tâm đến tính tu từ học, dân tộc học. Ðại diện cho quan điểm này là nhóm ngữ pháp chức năng: Halliday ([Systemic] Functional Grammar) [2] , Bresnan (Lexical Functional Grammar) [3] . Tất nhiên còn nhiều lý thuyết khác tùy theo góc nhìn của người quan sát.

Ðưa ra một ví dụ về tính hình thức ngôn ngữ như trên không phải là tôi muốn giới thiệu một cái course ngôn ngữ, mà chỉ muốn gợi ý rằng, bất kỳ một sản phẩm tinh thần nào của con người nếu muốn được công nhận là sâu sắc, công phu, có giá trị, nó đều cần bài bản, lý thuyết, tâm hồn, sức lao động, không cần biết là một loại sản phẩm gì: một bài ca, một vở kịch, một bức tranh, một trường phái hội họa, một nghệ thuật cắm hoa, một nghệ thuật nấu phở, một giải thuật lập trình, một công thức toán, một lý thuyết ngôn ngữ, ...

Thơ cũng thế, cũng là một sản phẩm tinh thần của con người; nó cũng có ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ thơ chỉ khác ngôn ngữ tự nhiên ở chỗ, trong hầu hết mọi trường hợp, ngôn ngữ thơ chính là một loại siêu ngôn ngữ (metalanguage) thoát thai từ ngôn ngữ tự nhiên. Nó có thể bất phục tùng quy tắc ngôn ngữ tự nhiên, nhưng điều đó không có nghĩa là nó vô bài bản như một thứ sản phẩm ngẫu nhiên.

Tôi không nghĩ văn chương là một món đồ chơi đơn giản. Theo chỗ tôi biết, trong lĩnh vực này, đã có một vài người Việt cũng có cùng suy nghĩ ấy (xem Hypertext của Ðức Thuần: www.ducthuan.com; Lý thuyết Thơ Cấu của Khải Minh:
http://demthu.lonestar.org/552-unicode/cauvhnt.doc
http://demthu.lonestar.org/556-unicode/nhap%20cau.doc
http://demthu.lonestar.org/555-unicode/cauthuat.doc
hoặc các bài khác nằm rải rác trên trang Văn Học Nghệ Thuật: http://demthu.lonestar.org/default.htm )

*

Ông bạn Thường Quán thân mến, thế còn ông, ông có thể giải thích cho mọi người hiểu cụm từ mãnh cọp là gì, tại sao, và hiệu quả của nó thế nào được không ? Nếu muốn dịch cụm từ mãnh cọp sang tiếng Tàu, tiếng Anh, ông sẽ dịch thế nào cho nghệ thuật? Ngoài ra, tôi cũng muốn xem những người hiểu được cách dịch của ông sẽ trả lời mấy câu hỏi ấy ra sao.

Stuttgart, 23.11.2003

© 2003 talawas



[1]Chomsky, Noam (1957): Syntactic Structures. The Hague: Mouton. (Hoặc xem Chomsky, Noam (1965): Aspects of the Theory of Syntax. Cambridge (Mass.): The M.I.T. Press (Dt. Aspekte der Syntax-Theorie. Frankfurt/M: Suhrkamp, 1969))
[2]Halliday, M.A.K (1994): An introduction to Functional Grammar. London: Edward Arnold.
[3]Bresnan, Joan (ed. ) (1982). The Mental Representation of Grammatical Relations. Cambridge: MIT Press
Bresnan, Joan (forthcoming) Lexical Functional Grammar. Oxford: Blackwell.