trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
1.12.2003
Lê Đình Khoa
Tin mừng cho văn giới: "Lê Đình Khoa đã trở thành nhà thơ kiêm dịch giả lớn"
 
Gần đây, ông Đỗ Kh. và ông Phùng Nguyễn có gửi lên talawas những ý kiến bênh vực lối dịch và kiểu tiếng Việt của ông Thường Quán, và đưa ra một số lập luận để phản đối, tấn công và giảng dạy cho tôi về nghệ thuật dịch văn chương. Những lập luận của các ông có rất nhiều chỗ lỏng chỏng và hàm hồ và đã nhận nhiều sự phản bác. Vì thế tôi thấy không cần thiết phải nói thêm về những chỗ đó. Tôi chỉ muốn bàn về một chỗ chưa có ai bàn. Đó là chỗ ông Phùng Nguyễn xem bản Việt ngữ mà tôi dịch sát nghĩa bài "My Last Tiger" là "LĐK-style", và so cái "LĐK-style" này với "những cái máy dịch (translation engine) hiện đang bắt đầu mọc ra như nấm trên liên mạng" (chỗ nào có những cái máy dịch ra tiếng Việt trên liên mạng, xin ông làm ơn chỉ giúp để tôi khỏi mất công!)

Tôi ngạc nhiên vì một người được gọi là "nhà văn" mà lại xem một bản dịch nghĩa là bằng chứng của một "style". Nhận định như vậy thì hoặc là hồ đồ hoặc là "nhà văn" thiếu kiến thức căn bản về văn chương. Đã thế mà còn chễm chệ ngồi trên cao giảng dạy cho độc giả văn chương là gì. Có lẽ điều này giải thích tại sao mấy thập niên vừa rồi "nhà văn", "nhà thơ" từ đâu mọc ra như nấm với những "tác phẩm" chi chít lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp.

Nói thế chứ biết đâu ông Phùng Nguyễn cũng có lúc nói đúng. Đọc đi đọc lại bài của ông, tôi thấy có một chỗ tôi rất thích. Thú thật, là một độc giả, tôi cứ mơ có ngày được bước vào văn giới để có ghế cao mà ngồi. Nay đọc bài của ông Phùng Nguyễn, dù chán ngấy với kiểu lý sự lờ tịt của ông, tôi lại tìm thấy trong đó một cơ hội ngàn vàng để được nâng cấp từ độc giả thành một tên tuổi trong văn giới. Đó là chỗ ông Phùng Nguyễn giảng dạy về cách dịch thơ của ông Thường Quán và xem đó như là một ví dụ đáng noi theo trong việc dịch thơ: "Mãnh cọp cuối cùng" chính là hình bóng sống động nhưng đã ít nhiều biến dạng của con cọp này qua lăng kính cảm quan của TQ. Ðây là hệ quả tất nhiên của công việc dịch thuật các tác phẩm nghệ thuật, ở đó người làm công việc chuyển ngữ luôn luôn mang vào tác phẩm nguyên thủy những chất liệu có liên quan đến quan niệm mỹ học và kinh nghiệm của chính mình. Bằng cách như vậy, một dịch phẩm mới có hy vọng là một tác phẩm văn chương trong một ngôn ngữ mới/khác."

Phận tôi là độc giả, nghe ông giảng dạy như vậy thích quá. Cơ hội làm dịch giả kiêm nhà thơ đã đến tay mà sao không nắm lấy! Tôi bèn thử áp dụng lời dạy của ông để ngoi lên từ cái "LĐK-style" mà tiến vào văn giới. Tôi dịch một hơi được 4 bản khác nhau, bản nào cũng thực hiện được các điều ông dạy:
  1. biến dạng con cọp qua lăng kính cảm quan của tôi.
  2. mang vào tác phẩm nguyên thủy những chất liệu có liên quan đến quan niệm mỹ học và kinh nghiệm của chính mình.
Tôi hy vọng 4 bản dịch dưới đây của tôi là những "tác phẩm văn chương trong một ngôn ngữ mới/khác", và tôi hy vọng ông Phùng Nguyễn sẽ trân trọng xem tôi là một cây bút không chỉ có một "style", mà có nhiều "styles" "độc đáo", vì có nhiều "lăng kính cảm quan", nhiều "quan niệm mỹ học và kinh nghiệm" khác nhau. Cũng xin ông vất giùm vào sọt rác cái "LĐK-style" cùng những cái máy dịch tiếng Việt tưởng tượng nhiều như nấm trên liên mạng. Xin ông cảm phiền đọc kỹ và thẩm định, đặc biệt là bản dịch 4, trong đó tôi còn thực hiện theo lời dạy tiếng Việt "không có mẫu mực nào" của ông Đỗ Kh.. Tôi cam đoan nó độc đáo về mọi phương diện và tin chắc nếu các ông trung thực với chính quan điểm của mình, các ông sẽ hết lòng thán phục.

*

Bản dịch 1 ("style" Em Chã)

(Sáng hôm qua, lúc đang đứng tại góc Graham Rd. và Amhurst Rd. chờ cơ hội băng qua đường để vào ga xe lửa Hackney, tôi thấy một bà người Việt sồn sồn, có giọng Bắc rất õng ẹo, nũng nịu như gái mới lớn, nói huyên thuyên với một thanh niên có dáng nho nhã, rụt rè. Hai người nắm tay nhau như đôi tình nhân, nhưng chỉ có một người nói không ngừng... Lên xe lửa, tôi tưởng tượng nếu bà ấy đọc My Last Tiger, thì cái "lăng kính cảm quan" của bà ấy sẽ khiến bà ấy hiểu văn bản của Borges như thế nào. Rồi tôi giở laptop ra và thực hiện bản dịch dưới đây.)



Chàng cọp cuối cùng của em

Suốt đời em, eo ôi, bao nhiêu là chàng cọp.

Cái đọc của em cứ ôm xiết lấy cái thói má hồng đánh ghen hàng ngày hàng bữa làm cho em không còn biết chàng cọp của thuở ban đầu lưu luyến ấy là chàng cọp trên báo ảnh hay là chàng cọp, nay đã nghìn thu vĩnh biệt, mà những bước chân vòng vo lì lợm của chàng làm lòng dạ em ngất ngây như mắc phải bùa yêu từ bên ngoài chốn kín cổng cao tường.

Bố em yêu những cuốn bách khoa từ điển, còn em thì đánh giá các chàng cọp qua ảnh, xem ai đẹp giai hơn ai, em chắc là thế.

Em còn nhớ ảnh những chàng cọp trong bộ bách khoa từ điển của đồng chí Mông-ta-nê I Xi-mon (một chàng Xi-bê-ri-a trắng trẻo, một chàng Băng-gan rám nắng), và trong một bộ khác được vẽ tử tế bằng bút với dáng nhảy cỡn lên, trong đó có cái gì ướt át như dòng sông vậy.

Bên cạnh những chàng cọp trong ảnh còn có thêm những chàng cọp bằng chữ nghĩa nữa: lửa siêu sao của đồng chí Bơ-lắc ("Cọp, cọp, sáng rực lên"), và định nghĩa của đồng chí Chét-xơ-tơ-rơ-tơn, "một biểu tượng của sự sang cả đến chết khiếp".

Ngày xưa còn bé, đọc Sách Rừng, em cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ phải chi chàng Sia-rơ Khơ-an đừng đóng vai phản động, mà là đồng chí của phe chính nghĩa.

Em muốn nhớ lại mà không nhớ nổi, một chàng cọp uốn éo điệu nghệ dưới bút lông của một anh Tàu, kẻ chưa từng thấy chàng ngoài đời, má chắc chắn đã thấy chàng trên báo ảnh. Chàng cọp Pơ-la-tông-ních này có thể tìm thấy trong một cuốn sách của nữ đồng chí A-ni-ta Be-ri, Mĩ Thuật cho Bọn Trẻ Con.

Các anh các chị có thể thắc mắc hợp lí tại sao là chàng cọp mà chẳng là chàng báo hay chàng beo. Em chỉ có thể trả lời là những cái lốm đốm trên người chàng thì làm em mất sướng, còn những cái vằn vện thì làm em sướng lắm. Giả sử em viết xuống là chàng beo thay vì chàng cọp thì người đọc sẽ tự nhiên biết tỏng ngay là em nói láo.

Ngoài những chàng cọp trong ảnh và trong chữ nghĩa, em cũng có đến viếng một chàng cọp khác, nhờ đồng chí Cút-ti-ni của chúng em dắt mối, trong một sở thú kỳ lạ gọi là Cõi Thú Vật mà chẳng có kín cổng cao tường chút nào cả.

Eo ôi, chàng cọp cuối cùng này thì có bắp thịt nổi vồng, máu me rậm rật, trông thích lắm cơ! Rõ là vừa hãi vừa sướng, em đến gần chàng cọp, và chàng thè cái lưỡi điệu nghệ liếm mặt em, bàn tay chàng nấn ná trên mái tóc em, lúc hờ hững lúc mơn trớn ngay chỗ ấy, và khác với những chàng cọp trước đây, chàng này bốc mùi cọp và đè rõ nặng.

Em sẽ không nói chàng cọp làm em sướng ngất này thì thật hơn những chàng cọp khác, bởi vì một cây sối dựng đứng to tướng thì cũng không thật hơn những hình thể gân guốc cuồn cuộn trong chiêm bao em, nhưng ở đây em muốn cảm ơn chàng bạn trai của chúng em, chàng cọp có bắp thịt nổi vồng, máu me rậm rật mà sáng hôm ấy đã làm mọi giác quan của em đê mê ngây ngất, và bây giờ đây hình bóng của chàng trở về với em cũng giống như hình bóng của những chàng trên báo ảnh.

*

Bản dịch 2 ("style" Miệt Vườn)

(Trưa hôm qua, lúc tôi đang đứng trước quán L'Escargot ở Greek St., Leicester Square, thình lình có một ông già người Việt, nói giọng miền Nam, đến mượn cái bật lửa. Tôi giúp ông ấy mồi điếu thuốc. Giọng nói và cử chỉ của ông rấy ất chân chất, dễ mến. Khi vào quán, tôi giở laptop ra, tự hỏi nếu ông ấy đọc My Last Tiger thì ông ấy sẽ hiểu như thế nào. Trong khi đợi thức ăn, tôi hoàn tất bản dịch dưới đây.)


Thằng cọp rằn cuối cùng của tui

Từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ, đời tui toàn là những thằng cọp rằn.

Cái đọc sách của tui cứ láng cháng lộn xộn với thói quen thường nhựt làm tui lấn cấn không biết có phải thằng cọp rằn đầu tiên tui gặp là thằng ở trong hình hay là thằng, nay đã theo ông bà ông vải, mà cái bộ đi lòng vòng dai nhách của nó làm tui đứng như trời trồng ngó lom lom từ phía bên ngoài hàng song sắt.

Cha tui khoái những bộ bách khoa từ điển, còn tui thì đánh giá chúng tùy theo hình những thằng cọp rằn coi có bắt con mắt hay không, chắc là như vậy.

Tui nhớ lại những hình cọp rằn trong bộ bách khoa từ điển của Mông-ta-nê Y Xì-mông (một thằng Xi-bê-ri lông trắng, với một thằng Băng-gan) và trong một bộ khác, được vẽ đàng hoàng bằng bút, và đang nhảy dựng lên, trong đó có cái gì y như nước chảy ngoài sông vậy.

Bên bọn cọp rằn bằng hình này còn có thêm bọn cọp rằng bằng chữ: ngọn lửa vang danh thiên hạ của Bờ-Lắc ("Cọp rằn, cọp rằn, cháy hực hỡ") và định nghĩa của Chét-xờ-tơ-rơ-tơn, "một biểu tượng thanh lịch rởn tóc gáy".

Hồi còn nhỏ, đọc Sách Rừng, tui cứ chắt răng chắt lưỡi phải chi cọp rằng Sia-rơ Khan không thủ vai kép ác, mà làm bạn cố tri của kép chánh.

Tui muốn nhớ lại, mà đành bó tay nhớ không nổi, một thằng cọp rằn uốn éo dưới bút lông của một chú Ba chưa hề thấy một thằng cọp rằn nào, mà chắc ăn là đã thấy hình mẫu cọp rằn rồi. Con cọp rằn La-tông-ních nầy được tìm thấy trong quyển sách của A-nì-ta Bê-ri, Nghệ Thuật cho Con Nít.

Bàn dân thiên hạ sẽ thắc mắc tại sao là cọp rằn mà không phải là beo đốm hay báo gấm? Tui chỉ có thể trả lời là những cái đốm thấy không sướng con mắt bằng những cái vằn. Nếu mà tui viết thằng beo thay vì thằng cọp rằn thì thiên hạ sẽ biết ngay là tui nói phịa.

Ngoài bọn cọp rằn trong hình và trong chữ, tui cũng có tới coi một thằng cọp rằn khác, nhờ ông bạn Cút-tì-ni của tụi tui đưa đường chỉ nẻo, trong một sở thú kêu là Thê Giới Thú mà không có chồng nhốt thú gì ráo trọi.

Thằng cọp rằn cuối cùng này thì bằng xương bằng thịt rành rành.Vừa sợ muốn té đái, vừa sướng trân mình, tui mon men tới gần thằng cọp rằn. Nó le lưỡi liếm mặt tui, và giơ bàn chưn vừa lạnh lùng vừa thân mật rời tới rờ lui trên đầu tui, và khác những thằng hồi trước, thằng này bay mùi cọp và nặng trịch.

Tui không muốn nói thằng cọp rằn làm tui phê quá cỡ này thì có thiệt hơn những thằng trước kia, bởi vì một cây sối thì không có thiệt hơn những hình ảnh trong chiêm bao, nhưng tui muốn nói cảm ơn thằng bạn của tụi tui, thằng cọp rằn bằng xương bằng thịt rành rành mà sáng hôm đó tui đã rờ rẫm, hửi hít, và bây giờ hình ảnh của nó trở về với tui cũng y chang như hình ảnh những thằng cọp rằn trong sách vở.

*

Bản dịch 3 ("style" Tam Thi Não Thần Đan)

(Chiều hôm qua, trên chuyến xe bus D6 từ Crossharbour về Hackney, tôi ngồi cạnh một ông trung niên mải mê đọc sách. Tôi liếc trộm, thấy đó là một cuốn truyện Tàu. Trong lúc xe bus đang chạy, tôi giở laptop ra, và dịch My Last Tiger thành văn bản dưới đây.)


Đại hổ tối hậu của bỉ nhân

Trong kiếp phù sinh của bỉ nhân, cơ man là đại hổ.

Sự vụ độc thư trộn nhuyễn vào tập quán phong vận thường nhật của bỉ nhân khiến bỉ nhân bất khả tri đại hổ này là đại hổ đầu tiên của bỉ nhân là đại hổ trong ấn phẩm hay đại hổ, nay đã liễu kết, mà bộ sậu vòng vo của y đã làm bỉ nhân ngó lom lom như chết trân từ song ngoại.

Thân phụ của bỉ nhân sính những bách khoa toàn thư từ điển, còn bỉ nhân phẩm đề các hổ theo ấn phẩm hổ hình, bỉ nhân đinh ninh đích thị là thế.

Bỉ nhân hồi tưởng những hổ hình trong bách khoa từ điển của Mộng Tá Nệ Ư Sĩ Môn tiên sinh (một bạch hổ Tây Bá Lợi Á và một hoàng hổ Băng Can) và trong một bộ khác, được hoạ cẩn tắc bằng bút mặc và đang phi thân, trong đó có cái gì như hoàng hà chi thủy.

Bên cạnh những đại hổ trong họa bản còn có thêm những đại hổ trong ngôn từ: hoả tượng trứ danh của Bồ Lạc tiên sinh ("Hổ, hổ, hoả quang đại minh") và định nghĩa của Chiết Tư Tôn tiên sinh, "một biểu tượng sảng nhiên thanh tú".

Khi bỉ nhân còn là thiếu niên, bỉ nhân đã đọc Thâm Lâm Thư, và không nguôi phiền não vì Sĩ A Đại Hãn là một nhân vật phản diện, chứ không phải là bằng hữu của trang chính nhân quân tử.

Bỉ nhân muốn hồi tưởng, mà lực bất tòng tâm, một đại hổ như long phi phụng vũ dưới bút mặc của một Hán nhân, kẻ chưa từng mục kích một đại hổ, nhưng hiển nhiên đã quan chiêm mẫu hình của đại hổ. Đại hổ Phù La Tôn này được khám phá trong một thư quyển của Á Lệ Đa Bích Ly cô nương, Nghệ Thuật vị Nhi Đồng.

Thiên hạ sẽ tự vấn hữu lý tại sao là đại hổ mà không là ban báo hay qui ban báo? Bỉ nhân chỉ có thể đáp rằng những ban điểm thì không làm bỉ nhân đắc ý như những ban văn. Nếu bỉ nhân viết "ban báo" thay vì "hổ", chư độc giả sẽ cảm nhận ngay bỉ nhân đang vu khoát.

Ngoài những đại hổ tượng hình và tượng ngôn, bỉ nhân cũng đã tham quan một đại hổ khác, nhờ hiền hữu Cốt Ty Lý hướng dẫn, trong một thú cầm viên kỳ dị mệnh danh "Thú Giới" mà bất hữu thú ngục.

Đại hổ tối hậu này thì có đủ huyết bì cốt nhục. Hoan lạc và úy kinh, bỉ nhân tiếp cận đại hổ này. Đại hổ thè hổ thiệt liếm mặt bỉ nhân, giơ hổ đề ra vừa ân cần vừa lãnh đạm nấn ná trên đầu bỉ nhân, và khác với những đại hổ trước đây, đại hổ này có phong vị và trọng lượng.

Bỉ nhân không muốn đề quyết đại hổ này, đại hổ làm bỉ nhân hoan lạc và úy kinh, thì hữu thực hơn những đại hổ khác, bởi tượng thụ bất hữu thực ư ảnh chi mộng trung. Nhưng bỉ nhân muốn ân tạ quý hữu, tức là đại hổ mà buổi triêu dương ấy các giác quan của bỉ nhân đã cảm nhận, và ảnh hình của y đã hồi cố trong tâm tưởng của bỉ nhân không dị biệt với những đại hổ trong thư quyển.

*

Bản dịch 4 ("style" Cọp Ngọng) riêng tặng Thường Quán

(Tối hôm qua, sau khi xem vở kịch "!Runner" của Cristina Teixeira tại rạp Blue Elephant, tôi đứng đợi taxi trên Bethwin Rd., ngay trước rạp, rất lâu nhưng không có xe. Suốt thời gian đó, ngôn ngữ của những người điên trong vở kịch cứ tiếp tục lao xao trong đầu tôi. Khi về đến nhà, dù rất khuya, tôi giở ngay computer ra, và dịch một hơi rất nhanh, xong văn bản dưới đây. Mời quý vị độc giả xem lại bài Văn chương của Borges biến thành "rap" nói ngọng? [talawas, 01.11.2003], trong đó có đăng lại bản dịch "Mãnh cọp cuối cùng của tôi" của ông Thường Quán, để tiện so sánh.)


Mãnh hùm hậu cuối của ngã tôi

Rải trọn đời ngã tôi ôi biết bao mãnh hùm.

Sự đọc vở sách cứ thít đan trói riết vào toàn cõi tập thói gia nhà bữa bữa của ngã tôi riêng khiến ngã tôi không còn tri biết mãnh hùm tiên đầu của ngã tôi chẳng duy qua có phải mãnh hùm ngã tôi thấy nhận trong hình ấn, hay là mãnh hùm mặc dù nay đã tử chết thì đã một khi lần trải chân lâm râm lóm thóm trong chiếc cái lồng độc riêng, trong khi ngã tôi lãm nhìn làm ra bộ hài sướng từ mặt bên nọ kia của những nan lồng chuồng sắt lủi.

Phụ cha tôi mộ ưa những bộ bách điển từ khoa khảo cổ, còn ngã tôi xếp sắp bậc hạng những bộ thư sách ấy kia tùy tùng thuộc vào những thể hình dạng ảnh mãnh hùm hiến cho tôi mẩm chắc vậy thế.

Ngã tôi lúc đây này hoài nhớ những dạng hình mãnh hùm trong bộ bách điển từ khoa khảo cổ của Montaner y Simón (một mãnh hùm bạch bệch Tây Bá Lợi Á và một hùm mãnh hoàng Băng Can) và ở một thư sách kia khác vẽ bằng loại mực thận trọng chớ không phải mực dỏm một hoạ tiết canh vịt đang bổng bay giữa lưng trời như con diều bay nửa chừng đứt dây nhảy búng, có cái thứ gì trong hùm này chớ không phải trong hình này như một dãi chớ không phải một dòng sông.

Không lâu trước (hay sau cũng vậy) trong sư đoàn mãnh hùm có dạng có thể dơ dáng dại hình này có đầu quân thêm những hùm hiện ra thành cú câu từ chữ ("Hùm, Ba Mươi cháy trụi lông..."), lại rồi nghĩa định của Chesterton, "một mãnh phù điêu của lịch sự bạo động".

Ngày tuổi thơ đọc chớ không phải ngã tôi đọc ngã tôi cứ lấy làm rẻ tiếc mãnh hùm Shere Khan phải thủ đóng trò phản mặt thay vì là thiết bạn của chính vật nhân.

Ngã tôi muốn hô kêu về, dù không cách mô làm vậy, một hùm nhảy rap bằng bút bi của một lớn hoạ gia chớ không phải người thường Trung Hoa người hề thực chưa thấy hùm ngoài ngõ, mặc dù ông ta ấy chắc chắn đã quán thấy một hình mẫu-hùm-khảo-cổ-cầu-chứng-hiện-đại.

Mãnh hùm Platonic duy-vật-biện-chứng này có thể nhảy chồm ra từ cuốn Mỹ Thuật for the Kids của Anita Berry.

Nếu có ai kia vặn thì cũng là phải lẽ: tại sao là mãnh hùm mà không là mãnh beo hay mãnh mèo rừng? Ngã tôi chỉ có thể trả đáp rằng thì là chẳng duy qua ngã tôi thấy những đốm mà lại còn lốm đa lốm đốm thì ngứa nhãn mắt hơn là những vằn mà lại còn vằn vện nữa.

Nếu giả như giả dụ ngã tôi viết xuống chớ không phải viết lên viết qua viết lại beo mèo thay vì hùm mãnh thì tự khắc bạn đọc sẽ cảm ra chớ không phải cảm vào ngã tôi đang dịch độc đáo được văn giới gần xa khen tụng đấy thôi.

Thêm vào hùm ảnh hùm chữ tôi góp thêm đây tôi đây góp thêm chớ không phải ai góp một hùm kia khác nhờ ông bạn Cuttini chính là mãnh hùm tự chỉ vào mặt ông ấy cho tôi quán xem trong một sở thú kỳ có tên là Thế Giới Loài Thú, một sở thú không có song sắt nhà giam trại cải tạo gì ráo.

Mãnh hùm Cuttini này chính là ông Cuttini có ba mươi mốt cái răng mà các ông Phùng Nguyễn và Đỗ Kh. cứ nhắm mắt đếm cho đủ ba mươi hai. Chứng thực do toà án sở tại cho niềm khoái sướng kinh hoàng vía đởm, ngã tôi đã bước bộ tới với hùm này. Thiệt lưỡi nó liếm lấy mặt ngã tôi và những đề móng của nó trớn mơn hờ hững đã ghé lại như ghé thăm người tình trên trốc ngã tôi mà ngự như Đường Minh Hoàng ngự lên Dương Quý Phi. Khác với những mãnh hùm trước, mãnh hùm này bay mùi thum thủm và nặng bỏ mẹ.

Ngã tôi không dám đồ xác hùm này, hùm mà làm ngã tôi táng mật hồn kinh, thì thực thiệt hơn là những mãnh hùm khác kia, bởi vì một cái thân sồi chớ không phải cả cây sồi thì không thực thiệt hơn những dạng hình thể ảnh trong một chiêm mộng bao bì. Nhưng ngã tôi muốn ơn cảm tạ ông mãnh hùm Cuttini của chúng ta có đủ ba mươi hai cái răng như hai ông Phùng Nguyễn và Đỗ Kh. chứng nhận, mà các thứ cảm quan của ngã tôi cảm thấy cảm nhận cảm thương hàn trong một buổi sớm nhật chớ nói buổi sớm ngày e bắt chước, ảnh dạng của ông mãnh hùm Cuttini đang trở về ngự lên ngã tôi cũng như các mãnh hùm trong thư sách búng nhảy từ lưng trời xuống mà ngự.

*

Kết luận:

Dịch xong được 4 bản có "style" khác nhau với một tốc độ phi thường, tôi đọc lại và thấy tôi không còn là độc giả nữa. Đặc biệt với bản dịch 4 theo "style" Cọp Ngọng, tôi đã hiển nhiên trờ thành nhà thơ và dịch giả lớn vì đã hoàn thành được một tác phẩm văn chương hoàn toàn đúng theo những tiêu chuẩn do các nhà thơ và nhà văn hữu danh như các ông Đỗ Kh. và Phùng Nguyễn đã đề ra. Tự xét lại, tôi thấy bản dịch số 4 chứng tỏ tôi rất có tài, ít ra là tài hơn ông Thường Quán, vì bản dịch của tôi hiển nhiên là độc đáo hơn rất nhiều; và lẽ dĩ nhiên là tôi có tài hơn hai ông Đỗ Kh. và Phùng Nguyễn quá xa, vì tôi đã làm được rất thong thả những điều mà các ông chỉ nói suông chứ chưa dám làm hoặc không làm nổi. Nếu các ông đã ca ngợi và ra sức bênh vực cái lối dịch và kiểu tiếng Việt của ông Thường Quán, chắc chắn các ông sẽ hết lòng ca ngợi và bênh vực cho tôi.

Nhân dịp này tôi xin trân trọng báo tin mừng cùng văn giới Việt Nam: ông Lê Đình Khoa đã từ một độc giả nhảy vọt lên thành một nhà thơ kiêm dịch giả lớn. Từ nay về sau tôi nhất định không chịu làm độc giả nữa. Tôi sẽ xuất hiện đường bệ như một nhà thơ kiêm dịch giả lớn thật sự. Tôi không sợ ai chê bai cả vì từ nay đã có hai ông Đỗ Kh. và Phùng Nguyễn đứng sau lưng tôi hết lòng bênh vực và ca ngợi. Đố ai dám đụng tới tôi!

London, 26-27/11/2003

Lê Đình Khoa - nhà thơ kiêm dịch giả lớn.

© 2003 talawas