trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thế hệ @
  1 - 20 / 34 bài
  1 - 20 / 34 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
3.3.2003
Quách Hoàng Lân, Andrew Lam, Lê Phước Lộc
Tôi chỉ mong được rời khỏi đây
 
Andrew Lam

Tôi chỉ mong được rời khỏi đây


Lê Thịnh là một chàng trai có nhiều tham vọng, lạc quan và thông minh - một ví dụ điển hình của con số khá nhỏ những thanh niên Việt nam vào được đến đại học. Anh thấy rằng phần lớn bạn bè cùng lứa với mình, tức là thế hệ sinh ra sau chiến tranh, quan tâm đến việc cải thiện đời sống nhiều hơn là đến những vấn đề về tư tưởng. Đây là những gì anh kể.

Tôi tên là Lê Thịnh, 22 tuổi. Tôi sinh ra vài tháng sau khi chiến tranh Việt nam kết thúc nên không nhớ gì về nó cả. Đối với tôi, nó chỉ là lịch sử.
Cách đây không lâu có một thống kê tại Sài Gòn. 80 phần trăm thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 22 không biết ý nghĩa của những đường phố mang tên các nhà cách mạng chống Pháp và chống Mỹ. Ngược lại, khoảng 80 phần trăm biết Madonna và Michael Jackson.

Tôi vừa tốt nghiệp trường quản trị kinh tế và đang chuẩn bị sang Mỹ làm bằng thạc sĩ. Ở Mỹ rất đắt đỏ, nhưng mẹ tôi sẽ giúp tôi. Tiền học cho học sinh ngoại quốc, chưa kể tiền ăn ở, là khoảng $17 500 một năm, nhưng mẹ tôi hứa sẽ trả cho tôi trong vòng ít nhất là hai năm. Sau đó, nếu mẹ tôi không có khả năng trả nữa thì tôi sẽ phải đi làm thêm.
Đối với tôi, việc sang Mỹ học rất quan trọng vì nhiều lý do. Tôi mất bố, hai anh trai và một chị gái năm 1984 khi họ vượt biên bằng thuyền. Lúc đó tôi mới chín tuổi và tôi không hiểu nổi tại sao họ lại phải ra đi. Trong một năm sau đó mẹ tôi phát điên lên, buồn và hối hận. Có lúc tôi tưởng bà sẽ tự tử. Nhưng bà đã gượng dậy, đi làm một lúc ba việc, ngoài ra còn tự làm ăn buôn bán. Khi chính phủ mở cửa, bà xây dựng một xưởng làm gỗ, và bây giờ bà làm chủ một của hàng bán đồ đạc.
Bà bảo tôi chỉ việc học, học càng nhiều càng tốt. Tôi học tiếng Anh và quản trị kinh tế và đã tốt nghiệp thủ khoa năm nay.
Trước đây nếu muốn có việc làm tốt thì phải có ô dù nhà nước, nhưng bây giờ thì không như vậy nữa. Bạn cùng lớp với tôi ai cũng tìm được việc làm trong các công ty quốc tế và tôi có thể dễ dàng tìm được một chỗ làm vì có tiếng Anh tốt. Nếu bạn có tài, có chí thì bạn có thể thành công ở Sài Gòn.

Tôi thuộc về thiểu số, vì chỉ 6 phần trăm thanh niên Việt nam ở thành phố tốt nghiệp đại học. Tại Sài Gòn bây giờ có rất nhiều trẻ con có bố mẹ mới phất. Chúng cưỡi những chiếc xe máy giá trị $4000, đi chơi club và bar ban đêm, và quan tâm nhiều đến quần áo và hội hè hơn là học hành. Nhưng chúng là một con số nhỏ so với những đứa trẻ phải đấu tranh để tồn tại và quyết tâm tự xây dựng một cuộc sống tốt hơn cho mình.

Thanh niên Việt nam ngày nay rất phức tạp. Chúng tôi không được định nghĩa bởi một lý tưởng hay một tôn giáo hay một lòng yêu nước. Trước đây, trong chiến tranh, chính trị là tất cả - một là anh chống, hai là anh ủng hộ cộng sản, một là chống, hai là ủng hộ nhà nước đô hộ. Nhưng giờ đây chúng tôi đã trở nên những cá nhân, và tương đối thụ động, như thế hệ X ở Mỹ vậy. Chúng tôi chỉ biết coi trọng lợi nhuận kinh tế hay mốt ăn chơi. Chúng tôi gần như không quan tâm gì tới chính trị và các nhà lãnh đạo.
Phần lớn chúng tôi thấy khó mà nói ra điều gì quan trọng mà không có nguy cơ bị bắt, nên chúng tôi im mồm, nhưng không hẳn là chúng tôi sợ chính quyền, chúng tôi chỉ coi chính quyền là một cái gì đó gây phiền hà rắc rối, một cái gì đó nên tránh, một cái gì đó để mang ra pha trò.
Một nhóm nhỏ sinh viên, chắc khoảng 2 phần trăm, vẫn muốn đối thoại với chính quyền về dân chủ và tự do ngôn luận hay gì gì đó, nhưng phần lớn mọi người chẳng ai quan tâm và thật ra mà nói thì cả chính quyền cũng chẳng quan tâm. Mọi thứ sẽ chẳng thay đổi, vì nhiều thanh niên coi tự do cá nhân - ở Việt nam muốn làm gì cũng được nếu có tiền - chính là tự do chính trị.
Tôi không biết nếu Việt nam có hình thức dân chủ kiểu Mỹ thì tình hình có khá hơn không, nhưng tôi nghĩ chính quyền nên có trách nhiệm với những hành động của mình. Hiện nay vấn đề tham nhũng đang rất trầm trọng.

Tôi nghĩ mọi thứ sẽ tốt đẹp lên nhưng điều đó sẽ chỉ xảy ra một cách chậm chạp - phần lớn mọi người quá bận bịu với việc kiếm tiền để có thể đấu tranh cho những thứ quyền lợi kiểu như vậy. Đồng thời, tôi nhìn thấy những xe khách chở đầy thanh niên nông thôn lên thành phố, hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bản thân tôi thì chỉ nghĩ đến chuyện ra đi. Tôi sẽ rất nhớ Việt nam, nhớ gia đình, bè bạn. Có thể một ngày nào đấy tôi sẽ trở thành một trong số những người cai quản đất nước. Tôi nghĩ Việt nam thực sự cần đến chúng tôi. Tôi sẽ quay về, chắc chắn vậy, nhưng sẽ còn rất lâu.
(Pacific News Services, 1998)

Bản tiếng Việt của talawas
© 2003 talawas


Quách Hoàng Lân

Đọc bài của tác giả Mai Chi "Thế hệ A còng", tôi thấy cần phải phân tích kỹ hơn về tính thực dụng của thế hệ trẻ ngày nay. Trước khi bình luận tiếp, toi tự giới thiệu: tôi là Quách Hoàng Lân, 25 tuổi, không biết có được xem là trẻ hay không?
Xin tiếp tục câu chuyện với tác giả Mai Chi bằng ý kiến: thế hệ trẻ Việt Nam thừa hưởng một đức tính chung của thế hệ đi trước, đó là: thực dụng theo kiểu khôn lỏi, khôn vặt. Một đức tính làm cho người Việt Nam đi đâu cũng bị người ta khinh ghét. Trong một xã hội mà cơ hội để kiếm miếng ăn bằng lao động chân chính không nhiều nhặn gì, trong một xã hội mà người ta phải đối phó với rất nhiều cách thức "ăn bẩn", người ta không còn cách nào khác là phải khôn lỏi. Cái khôn lỏi đó thể hiện từ trên xuống dưới. Lấy ví dụ: chính sách "cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", "nền dân chủ dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng" đấy chẳng phải là những đường lối chính trị khôn lỏi là gì? Đấy là thượng tầng kiến trúc, còn hạ tầng cơ sở thì sao? Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ sập tiệm, doanh nghiệp tư nhân trong nước thì làm ăn cò con, thủ công, sơ khai, chỉ còn trông đợi vào các liên doanh, mà các liên doanh đâu có nhiều nhặn gì. Vì thế việc làm trở nên hiếm hoi, các học sinh tốt nghiệp phổ thông nhất định phải thi Đại học để kiếm tấm bằng, nếu không cơ hội có việc làm là rất ít. Ngay cả khi có bằng nếu không biết cách và cửa chạy chọt thì xin được việc cũng khó lắm thay. Vì thế người ta phải khôn lỏi. Khôn lỏi ở trong nước chưa đủ, người ta còn mang cái khôn lỏi đó ra nước ngoài làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Đó là đức tính thực dụng kiểu khôn lỏi mà giới trẻ có được do hoàn cảnh sống và do thừa hưởng của cha anh mình.
28.02.2003

© 2003 talawas


Lê Phước Lộc

Mình vừa đọc ba bài tham luận, cám ơn các bạn viết rất hay.

Theo mình @ không có tội, mà còn quá ích lợi nữa là đằng khác. Đơn cử một trường hợp, không có @ làm sao mình viết e-mail hằng ngày ☺. Mình phải ngàn lần cám ơn chữ @ này. Nhưng dĩ nhiên không thể gửi một bức mail chỉ toàn @, mà phải có chữ tiếng Việt.

Các bài tham luận của các bạn cũng vậy, dùng @ để thể hiện và tiếng Việt để chuyển tải nội dung. @ là "hàng ngoại" nhưng tiếng Việt là là "hàng nội", cái nào cũng cần để viết bài tham luận này. Nhưng mình nghĩ bản chất @ cũng chỉ là @, còn tiếng Việt lại chuyển tải vô cùng vô tận tâm ý của các bạn và đó là chất liệu chủ đạo của bài viết. Đặc biệt hơn nữa, @ thì Tây, Ta, Tàu đều hiểu đúng như nhau: "at sign", "at the price of"..., nhưng chỉ có dùng tiếng Việt mới cảm nhận được tâm hồn người Việt chứ không thể dùng tiếng Anh, tiếng Tàu hay tiếng nào khác để điễn đạt. ví dụ có ai hát nổi "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ" bằng tiếng Anh không?

Trở lại vấn đề "Thế hệ @", phải cần có "Thế hệ" và "@" thì mới thành chữ. Tuy nhiên @ chỉ là dấu hiệu phân biệt, đừng đánh mất "Thế hệ" để người ta nhìn vào không biết đó là cái gì. Lại một điều đặc biệt nữa, với Tây, Tàu thì @ có thể đi trước, ví dụ "@ generation", tuy nhiên với người Việt thì "Thế hệ" phải đi trước "@".

@ cũng tốt đẹp và tiếng Việt, tiếng Anh hay bất cứ những gì có ích cho cuộc sống đều tốt đẹp. Bạn Chi dù có nặng lời cũng chỉ mong muốn điều tốt đẹp, bạn Thọ dù có hối hả sớm trưa quên cả ngủ cũng đồng chí với bạn Chi. Mọi người đều vinh dự là người Việt và phải bức xúc, phải trả nợ cho hai chữ đó. Mình nghĩ chủ trương "truyền thống kết hợp với hiện đại" là đúng, nhưng cần phải lưu ý chỉ có truyền thống mới làm lãnh đạo của hiện đại.

Mấy lời, nếu sơ sót mong được tha thứ.
01.03.03

© 2003 talawas