trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
10.6.2004
Phan Xuân Lâm
Bán sức lao động cho nước ngoài: lỗi không ở riêng ai!
 
Như đã ghi rõ trong mục Toà Soạn, các bài đăng hoặc đăng lại trên talawas không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Ban Biên Tập. talawas mong giới thiệu những luồng quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề và tôn trọng quyền được thông tin cũng như quyền nhận thức độc lập của độc giả.
talawas
Vấn đề người Việt Nam tự tìm đường ra nước ngoài lao động cũng như việc nhà nước Việt Nam tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài lao động là những vấn đề đã có từ hàng chục năm nay, từ thời còn hệ thống xã hội chủ nghĩa. Danh xưng chính thức cho hiện tượng này là „hợp tác lao động“, bán chính thức là „xuất khẩu lao động“.

Trong một thế giới đang trên đà toàn cầu hoá, việc các nước giầu và các hãng liên quốc gia đẩy mạnh sử dụng khối nhân công rẻ hơn của các nước nghèo và chậm phát triển cũng là việc đã xảy ra từ nhiều chục năm nay, không phải chỉ nhân công Việt Nam mới nằm trong quỹ đạo này. Chỉ có những người chống toàn cầu hoá cực đoan và không tưởng mới có thể cho rằng phải chấm dứt tình trạng này. Thay vì theo đuổi một lí tưởng không tưởng, phải chăng tốt hơn là nên nhận rõ hiện thực không thể thay đổi ấy, nhận rõ mặt tích cực và tiêu cực của nó hòng suy nghĩ về những giải pháp cần thiết để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực?

Đối với tình trạng xuất khẩu lao động của Việt Nam, báo chí trong nước vẫn thường xuyên:

  • tuyên truyền những chính sách, quy định của chính phủ
  • nêu lên những ví dụ cụ thể về các hiện tượng tiêu cực trong việc tổ chức
  • trình bày những khó khăn và nỗi khổ của người đi lao động nuớc ngoài
  • đề nghị các cấp các ngành liên quan có biện pháp xử lí

Mức độ đề cập đến vấn đề xuất khẩu lao động trên báo chí trong nước là rất liên tục, hầu như không ngày nào không có báo lên tiếng báo động về chuyện này. Điều mà báo chí trong nước không dám đề cập là: việc xử lí các hiện tượng tiêu cực trong khâu tổ chức đưa người đi lao động ở nước ngoài (cũng như mọi hiện tượng tiêu cực khác) sẽ không thể triệt để và đem lại hiệu quả, nếu:

  1. xã hội Việt Nam không hoạt động trên cơ sở pháp quyền. Một xã hội pháp quyền chỉ ra đời khi mô hình tam quyền phân lập được thực thi. Đó là mô hình của các nước dân chủ (mà thí dụ điển hình là ở phương Tây). Nếu cùng một ông Lãnh Đạo vừa có quyền ban hành những đường lối, chỉ thị, chính sách, quy định cho việc xuất khẩu lao động ở địa phương mình (lập pháp), vừa có quyền triển khai, thực thi những quyết định do mình ban ra (hành pháp), lại vừa có quyền giám sát và phân xử việc thi hành những quyết định đó (tư pháp) thì chỉ khi nào ông ta là một người vô cùng lương thiện và hoàn hảo may ra mới không diễn ra tình trạng loạn tặc. Nhưng chẳng con người nào là hoàn hảo. Khi đã tập trung tất cả quyền hành trong tay thì lại càng dễ trở nên sa ngã. Không phải các ông Lãnh Đạo ở các quốc gia phương Tây lương thiện, tử tế hơn, mà mô hình xã hội không cho họ điều kiện để thoả sức phát huy cái bất lương trong con người mình.

  2. thông tin và ngôn luận chịu sự chỉ đạo của chính quyền. Lấy lại ví dụ trên, ta sẽ thấy là ông Lãnh Đạo đó không những có mọi quyền trong tay, mà còn không cho phép hoặc không cung cấp cho người dân phương tiện để thông tin về công việc của ông ta. Kết quả của sự thiếu minh bạch về thông tin khiến cho người dân không biết trách nhiệm thật sự thuộc về ai. Phần lớn các quốc gia phương Tây đều được xếp hạng cao trong bảng những quốc gia ít tiêu cực, tham nhũng nhất. Không phải vì bản chất con người ở đây tốt hơn, mà cũng vì tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do thông tin ở các quốc gia này cũng đứng đầu thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà nước phương Tây có tình trạng tham nhũng cao nhất là Ý. Tại đây, về mặt hình thức, tự do ngôn luận và tự do thông tin được đảm bảo, nhưng Thủ tướng Ý Berlusconi lại đồng thời là ông chủ tư bản của hầu hết những cơ quan truyền thông đại chúng quan trọng nhất và vì vậy có thể dùng tư bản để khống chế và lèo lái công luận theo ý mình.

  3. người dân không được tham dự cụ thể vào việc bầu lên những người có năng lực và đạo đức mà mình tín nhiệm và đồng thời bãi bỏ những người mà mình không còn tín nhiệm nữa. Việc một cán bộ cao cấp nào đó bị bãi nhiệm thường là do những cán bộ còn cao cấp hơn quyết định. Nếu ông Lãnh Đạo kia bỗng một ngày bị kỉ luật vì một phi vụ xuất khẩu lao động nào đó thì người dân cũng chỉ được biết khi kỉ luật đó được thông báo. Ngoài ra không biết gì hơn, nhất là không biết ông Lãnh Đạo mới có giẫm vào vết chân cũ không. Đối với người dân, tất cả diễn ra như may rủi. Gặp người đại diện chính quyền lương thiện thì yên ổn, gặp người không lương thiện thì loạn tặc. Trong hoàn cảnh hiện nay, đặt cơ sở xã hội trên sự “lương thiện" may rủi này là vô cùng mạo hiểm. Đã nắm quyền trong tay và có thể thu được lợi nhuận lớn từ vị trí đó thì người lương thiện nhất trong chúng ta cũng ngay lập tức biến thành bất lương. Không ai có thể tự hào cho rằng mình đứng vững truớc quá nhiều quyền hành và khả năng dùng quyền hành để vụ lợi. Đem một chính khách mẫu mực của phương Tây đặt vào hoàn cảnh này thì ông ta cũng chẳng còn mẫu mực nữa.

Như vậy, việc đổ lỗi cho bất kì ai trong cơ chế này là việc rất vô nghĩa. Phải thay đổi cơ chế ấy, thay đổi mô hình xã hội, đó là việc ai cũng biết là cần phải làm và không phải là Việt Nam không có cố gắng gì trong việc tìm đường thay đổi. Tốc độ thay đổi đáng tiếc là còn chậm chạp và tất nhiên bị rất nhiều sức cản. Đây là thử thách cho trí óc và sức lực của tất cả những người Việt Nam thức thời, ở trong nước cũng như ở ngoài nước.

Ở ngoài nước, báo chí của người Việt hải ngoại khi đề cập đến vấn đề xuất khẩu lao động của Việt Nam lại thường theo một khuynh hướng vừa không sát thực tế, vừa mang tính tuyên truyền chống đối một cách không nghiêm túc và cũng khá là lố bịch. Xin lấy ví dụ bài báo „Giải quyết nạn thất nghiệp hay buôn bán nô lệ?“ của Nguyễn Văn Huy trên Thông Luận [1] số gần đây nhất (tháng 2.2004).

Các số liệu xuất hiện trên báo chí tiếng Việt có một điểm chung là chúng thường không có nguồn gốc, hoặc không có nguồn gốc đáng tin cậy. Ông Huy cũng trung thành với truyền thống này. Các số liệu ông đưa ra không những thiếu hẳn xuất xứ mà còn được kết hợp với nhau một cách rất khó hiểu. Ông viết: „Cũng nên biết trung bình mỗi đầu người xuất khẩu, nhà nước thu vào 2.000 USD/năm. Năm 2002 chính quyền cộng sản đã thu được 1,3 tỷ USD do xuất khẩu lao động.“ Đọc đoạn này, ai biết làm tính cũng tính ra ngay: vậy năm 2002 Việt Nam phải xuất khẩu tới...650.000 (!!!) người lao động, trong khi ở một đoạn khác, ông Huy cho biết năm 2002 có 46.122 lao động xuất khẩu. Những chi tiết như vậy tô đậm cảm giác rằng số liệu đưa ra bất kể sai đúng, chỉ nhằm mục đích tuyên truyền lấy được cho điều tác giả định nói. Những tác giả chống cộng thường chỉ trích thói „thổi phồng“ của cộng sản, nhưng xem ra họ cũng rơi đúng vào cái bệnh này, đôi khi còn trầm trọng hơn.

Nhưng điều đáng lưu ý hơn là ông Huy không có một cố gắng nào đế quan tâm đến bản thân vấn nạn rất khó giải quyết này với tất cả những khía cạnh là những bài toán hiểm hóc của nó, mà chỉ muốn làm một điều duy nhất trong bài viết của mình. Đó là quy trách nhiệm cho „chế độ cộng sản“ Việt Nam. Một là ông Huy nên xem lại, theo tôi chế độ hiện nay tại Việt Nam không còn là chế độ cộng sản nữa. Làm gì có chuyện giai cấp vô sản nắm quyền mà lại để cho các ông chủ tư bản công khai bóc lột và đàn áp công nhân! Hai là thái độ ấu trĩ của ông Huy cũng giống hệt thái độ của những người mà ông lên án. Họ cũng chẳng chịu tìm sự thật, mà chỉ nhanh chóng tìm ra ngay một kẻ „phản động“, „phản quốc“, những „thế lực thù địch với dân tộc ta“ nào đó để quy trách nhiệm. Trò chơi „đổ trách nhiệm lên đầu nhau“ này, các vị mang ra chơi riêng với nhau vào lúc rỗi rãi, thiên hạ no ấm, thì không sao, xin lỗi là mặc kệ các vị không ảnh hưởng gì đến chúng tôi. Nhưng trong những lúc cần hiểu rõ mọi ngóc ngách sự tình, cần tìm ra những giải pháp trước mắt, giải pháp chiến lược lâu dài, cần phân tích soi sáng mọi khía cạnh, cần nêu ra những vấn đề thật sự sâu sát, mà chỉ ngồi đổ trách nhiệm lên đầu nhau thì không thể chấp nhận được!

Ông Huy viết: „Đối với một chính quyền có tự trọng, tổ chức xuất khẩu người lao động ra nước ngoài là một xúc phạm lớn đến thể diện quốc gia, vì nó chứng tỏ sự bất lực của chính quyền trong việc đào tạo công ăn việc làm cho người trong nước. Nhưng đối với chính quyền cộng sản Việt Nam, sự tự trọng này không có.“ Ở một chỗ khác, ông Huy viết: „Đây là một hình thức buôn bán nô lệ của chính quyền cộng sản Việt Nam.“

Nạn thất nghiệp là một trong những vấn đề khủng khiếp nhất trên toàn thế giới. Không một quốc gia Tây Âu nào không phải đối mặt với vấn đề nan giải này. Người thất nghiệp của các quốc gia nghèo trong khối Cộng đồng chung châu Âu như Bồ Đào Nha, Hi Lạp, nếu được nhận vào làm việc tại các quốc gia giầu có hơn thì cũng sẵn sàng ra đi, và chính phủ các nước đó cũng không hề đau khổ mà đương nhiên là mừng hơn so với việc nếu họ cứ ngồi nhà mà thất nghiệp. Sẽ thật nực cười nếu cho là chính phủ những nước ấy „thiếu tự trọng“! Sẽ thật là „nói lấy được“ khi gán cho „chế độ cộng sản Việt Nam“ tội „bán sức lao động của người Việt Nam“ cho nước ngoài. Thử hỏi ông Huy: cứ khư khư ôm cái sức lao động chẳng ai chịu mua ở Việt Nam thì hơn, hay bán cho người nước ngoài thì hơn? Ông Huy mới nói đến lao động đơn giản, lao động chân tay. Thế hàng chục nghìn các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới hoặc là không được sử dụng tại quê hương họ, hoặc không được đài thọ xứng đáng, hàng năm vẫn ùn ùn kéo nhau sang Mỹ, bán lao động trí óc của họ cho Mỹ thì sao? Chảy máu chất xám, chảy máu nguồn nhân lực là những hiện tượng đặc trưng trong thế giới toàn cầu hoá hiện nay mà Việt Nam không phải là „hiện trường“ duy nhất. Ngay cả khi người lao động không ra khỏi nước mình, nhưng được các hãng quốc tế sử dụng tại chỗ để thay thế cho nhân công đắt hơn ở các nước phát triển, thì cũng là bán sức lao động cho nước ngoài.

Ông Huy ngồi tại nước ngoài có thể bất bình về việc này, nhưng thực tế là hàng triệu người Việt Nam đang mơ ước được bán sức lao động cho một hãng nước ngoài hoặc ở nước ngoài. Nếu không thì người dân nước ta đã không trả những cái giá cao như vậy để ra đi! Nếu tổng số người Việt Nam lao động tại nước ngoài đến nay mới là 340.000 theo con số của ông Huy thì còn gấp mười, hai mươi lần con số ấy đang vật vờ thất nghiệp ở trong nước mà thị trường lao động tại Việt Nam không đáp ứng được. Lối phê bình thuần túy dựa trên những khái niệm cảm tính như „sự tự trọng“ như của ông Huy thật là hão huyền.

Điều chắc chắn là Việt Nam phải xuất khẩu lao động, ít nhất là trong vòng một hoặc hai thập kỉ nữa. Cái lo là thị trường lao động quốc tế không tiếp nhận lao động Việt Nam, chứ không phải cái lo là mất thể diện hão. Chính quyền trong nước, bất kể theo chủ nghĩa gì, đều phải lo tổ chức cho người Việt Nam được thị trường lao động quốc tế tiếp nhận với những điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể thoả thuận được và đảm bảo những điều kiện ấy. Việc không nên làm nhất của chính quyền trong nước, bất kể theo chủ nghĩa gì, là nghe theo các ông chính khách xa lông như ông Nguyễn Văn Huy. Nếu con cái ông Huy thất nghiệp vô vọng ở Việt Nam, ông có làm hết cách kéo ra nước ngoài, dù chỉ là để đi rửa chén không? Tôi đồ rằng có. Đi rửa chén ở nước ngoài có tốt hơn vô công rồi nghề, sa vào trộm cắp đâm thuê chém muớn ở Việt Nam không? Tôi trả lời rằng: tốt hơn. Lao động bao giờ cũng đem lại tương lai hơn thất nghiệp, dù là lao động cho người nước ngoài và ở nước ngoài.

© 2004 talawas




[1] http://www.thongluan.org