trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
24.9.2004
Hà Nhân Văn L.L.H.
Cái tâm có lãi bằng ba cái tài
 1   2   3   4   5   6 
 
11. Thế giới không đàn ông

Dân chúng Nomansia mấy hôm nay bàn tán xôn xao về một sinh vật lạ mới bắt được tuần trước. Theo các nhà khoa học, đó là loài đàn ông. Kinh thánh đạo cái Tâm dạy rằng đàn ông là một loài thú nguy hiểm cần phải tránh xa. Vì vậy, theo lệnh của Nữ Chúa đảo, sinh vật lạ đó bị nhốt kỹ.

Hai nhân viên cảnh sát Nomansia giỏi nhất được giao nhiệm vụ canh gác sinh vật lạ. Nhàn và Ngọt, tên hai cô, vừa canh gác vừa trò chuyện.

Nhàn: Này cậu, tớ nghe nói là loài đàn ông có rất nhiều ở nước ngoài. Sao nước mình lại cấm nhỉ? Cậu đã nhìn thấy đàn ông bao giờ chưa?

Ngọt: Chưa. Lát nữa đến giờ đưa đồ ăn cho nó, mình sẽ được xem. Nghe nói bề ngoài nó cũng gần giống như mình thôi, nhưng rất dữ, có thể báng bổ thánh Inco.

Nhàn: Báng bổ thế nào cơ?

Ngọt: Theo Kinh thánh đạo Tâm, Thánh Inco ngày xưa là một thiếu nữ rất đẹp tên là An-Nam. Nàng có tất cả những gì đẹp nhất của người phụ nữ: dịu dàng, êm ái, ngọt ngào, nhỏ nhắn, mi-nhon (tất nhiên là theo đánh giá của chính nàng). Nàng đẹp đến nỗi không thể ngắm bất kỳ ai khác ngoài chính mình, vì nhìn ai nàng cũng thấy xấu xí cục mịch: kẻ thì quá to, kẻ lại quá cao hoặc quá béo, kẻ lại đầy lông tay lông chân như vượn. Đặc biệt, An-Nam rất ghét đàn ông. Trong một lần vào rừng, nàng bị một con tấn công. Nàng chống cự quyết liệt. Nhưng nó khoẻ quá nàng không chống nổi. May mà có người đi tới, con đàn ông mới chịu buông ra. Sau lần đó, nàng cứ trông thấy đàn ông là tránh từ xa. Vì vậy cả chương 15 Kinh Thánh là toàn nói về cách chống sex của đàn ông.

Nhàn: Nhưng tớ có đọc một cuốn sách nước ngoài nói là ở nhiều nơi trên thế giới người ta còn chơi với đàn ông như mình chơi với mèo ý, lại còn dùng sex của nó để thư giãn nữa, thậm chí để sinh đẻ nữa, chứ không sinh sản vô tính như mình đâu.

Ngọt: Tớ cũng nghe nói vậy. Để lát nữa mình cho nó ăn rồi xem thế nào. Lại nói tiếp chuyện thánh Inco, An-Nam thấy đàn ông xuất hiện ngày càng nhiều ở đồng bằng và rất dữ. Nàng rất lo và tìm cách bảo vệ nét đẹp nữ tính của con người. Nhưng nếu anh chàng Narcissus ở Hy Lạp chỉ biết chiêm ngưỡng chính mình rồi biến thành hoa thủy tiên, An-Nam quyết định phải sáng lập một đạo riêng để gìn giữ và phát huy vẻ đẹp tiên tiến đậm đà bản sắc phụ nữ là ngọt ngào-êm ái. Đạo này lấy khẩu hiệu là Instant Comfort, nghĩa là tiện nghi tức thì (TNTT). Lý tưởng của đạo là làm sao để có ngay cảm giác dễ chịu, êm ái, không đau đớn, vất vả cực nhọc, ví dụ ăn sung mặc sướng mà không vất vả, nổi tiếng dễ dàng,… Đạo của An-Nam vừa ra đời đã thu hút được đông đảo tín đồ rồi dần dần thành cả một quốc gia lấy tên là Nomansia. Nhờ công lao gìn giữ vẻ đẹp nữ tính, về sau nàng được phong thánh gọi là thánh Inco, ghép từ hai chữ Instant và Comfort.

Nhàn: Nhưng sao lại gọi là đạo cái Tâm?

Ngọt: Là thế này. Tuy người dân Nomansia theo đạo của thánh Inco để tìm TNTT rất hăng hái nhưng đạo này vẫn thiếu một chủ thuyết làm nền tảng tư tưởng. Vì vậy, một tín đồ là học giả Nguyễn Du đã quyết định viết học thuyết “Tâm bằng ba Tài”. Từ đó ta gọi là đạo cái Tâm và thánh Nguyễn Du.

Nhàn: Tớ nghe nói đàn ông còn có một loại bệnh gì rất khủng khiếp cơ, bệnh đó còn báng bổ thánh Inco hơn nhiều.

Ngọt: Hình như đấy là bệnh LÀM VIỆC HÙNG HỤC thì phải. Bệnh này gây ra nhiều cảm giác rất khó chịu và cực nhọc, làm hỏng tất cả những nét đẹp nữ tính dịu dàng. Nhưng chuyện đó nói sau.

Nhàn: Ra là vậy. Nhưng tớ vẫn chưa hiểu lắm là cấm đàn ông thì được cái gì?

Ngọt: Được nhiều chứ. Nhờ cấm đàn ông, mà người Nomansia chúng mình mới được trong sáng và dịu dàng như bây giờ, không ai nói nặng ai câu nào, nói toàn điều hay lẽ phải. Rồi nhờ cấm đàn ông mà chúng ta mới có tài biểu cảm giỏi, làm phong phú thêm cuộc sống tâm hồn. Dù mức sống tinh thần chưa cao, ta vẫn biết cách sáng tạo ra những cảm xúc hết sức phong phú, đặc biệt là những nỗi buồn. Ta có thể buồn không hiểu vì sao mà buồn.

Nhàn: Tớ hiểu rồi. Đàn ông nguy hiểm vì nó mắc bệnh nghiện làm việc là thứ gây cực nhọc, sai trái, báng bổ thánh Inco. Nhưng mình mới chỉ nghe nói thôi, đã thấy ai mắc bệnh đó đâu.

Ngọt: Ừ, tớ cũng thế. Hay là nhân tiện đang có một con đàn ông đang bị nhốt trong kia, mình thử tìm hiểu xem sao.

Đã đến giờ đưa thức ăn. Hai cô mở khóa phòng giam, thấy con đàn ông đang ăn một thứ quả gì đó. Thấy Nhàn và Ngọt, nó mỉm cười chào rất thân thiện.

Con Đàn ông (CĐÔ): Xin chào hai cô. Hai cô ăn thử một quả này cho vui.

Ngọt cắn thử một miếng.

Ngọt: Quả này nhạt thếch, chẳng có vị gì cả.

CĐÔ: Cô hay thật đấy. Thực ra nó có rất nhiều vị: bùi, mặn, cay, có cả một chút chát, chút đắng, chút béo, nhưng không có vị ngọt. Vì cô thờ Thánh Inco nên chỉ có vị ngọt lọt được vào vị giác của cô. Các vị khác đều phải đứng ngoài nên cô không cảm thấy đó thôi.

Nhàn: Vậy à. Nghe khó tin nhỉ.

CĐÔ: Muốn cảm nhận được các vị khác thì cô phải tạm quên Thánh Inco đi, chịu khó nhai thật kỹ và tập trung tư tưởng, không nghĩ tới chuyện gì khác cả thì mới được.

Ngọt: (nói nhỏ): Đừng nghe nó. Cẩn thận mắc lừa nó đấy. Nhai kỹ là vi phạm luật của Thánh Inco đấy. Chúng ta chỉ được phép cảm nhận mọi thứ ngay lập tức thôi.

Nhàn: Mà sao quả này lại trắng trợt thế nhỉ. Chẳng có màu gì cả, ví dụ như màu vàng chẳng hạn.

CĐÔ: Thực ra quả này có nhiều màu: đỏ, đen, xanh, tím, da cam, xanh lá cây. Vì cô thờ thánh Inco, mà chỉ có màu vàng đem lại cho cô cảm giác ấm áp, nên Thánh Inco không cho các màu khác lọt vào thị giác của cô.

Nhàn: Này, ngươi không tấn công bọn ta đấy chứ ?

CĐÔ: Các cô đừng sợ. Tôi không làm gì trái ý các cô đâu.

Ngọt: Nhưng ta nghe nói sex của đàn ông rất nguy hiểm, có thể làm hỏng vẻ đẹp nữ tính. Đúng không ?

CĐÔ: (cười) Nguy hiểm hay không thì tôi cũng không biết. Nhưng chắc chắn không làm hỏng vẻ đẹp nữ tính đâu. Các cô cứ thử đi rồi khắc biết.

Nhàn: Hay là mình thử đi. Mình có hai người cơ mà sợ gì.

Ngọt: Cẩn thận khéo mình bị nó lừa đấy.

Đêm khuya dần. Rồi chuyện gì phải đến đã đến.

*


Sáng hôm sau.

Nhàn: (rất tức giận). Bọn mình bị lừa rồi.

Ngọt: Cậu sao vậy?

Nhàn: Không ngờ mình lại bị lừa. Tức thật. Không thể tha thứ cho nó được. Phải xử lý nó ngay bây giờ.

Ngọt: Nhưng nó có tấn công bọn mình đâu. Tớ thấy sex có sao đâu. Thậm chí đến bây giờ tớ mấy cảm thấy mình đẹp nữ tính, mới cảm thấy mình đúng là phụ nữ.

Nhàn: Cậu chẳng hiểu gì cả. Mình bị con mụ Chúa Đảo nó lừa rồi. Nó hành hạ bọn mình, bắt bọn mình chịu khổ bao nhiêu năm trời. Sao mình lại ngu thế nhỉ.

Ngọt: Đấy là tại mình chẳng chịu đi đâu ra ngoài Nomansia cả. Ở nước ngoài đầy đàn ông mà.

Nhàn: Không thể chịu được nữa rồi. Phải lật đổ mụ chúa đảo.

Ngay đêm đó, đám người nổi dậy dưới sự chỉ huy của hai nhân viên cảnh sát Nhàn và Ngọt đã bất ngờ xông thẳng vào Nhà riêng của Nữ Chúa đảo. Nhưng không hiểu có ai báo trước không mà bà ta đã trốn mất rồi. Cả đám đốt đuốc lùng sục mấy giờ đồng hồ vẫn không thấy bà ta đâu. Chán nản, Nhàn và Ngọt quay về trại giam với người bạn mới. Tới nơi bỗng nghe tiếng huỳnh huỵch như đang đánh nhau. Cả hai vội lao tới và sững người: trong ánh đuốc bập bùng, người bạn mới của họ đang vật lộn quyết liệt với chính Nữ chúa đảo trong trang phục của… Adam và Eva.

12. Chân lý của cái Tâm: TIỆN NGHI TỨC THÌ

FDM: Nghe câu chuyện vừa rồi, tôi mới thực sự hiểu vì sao cái Tâm lại được Việt ưa chuộng như vậy. Có lẽ Nomansia là tiền thân của Việt Nam ngày nay. Người Việt và người Nomansia đều thờ Thánh Inco, tức Instant Comfort (Tiện nghi Tức thì).

Như vậy, cả ba loại tội mà cái Tâm đang chống (tội cố ý hơn người gây thương tích, tội lợi dụng thông tin vu khống, xúc phạm người khác và tội mưu toan thay đổi hiện trạng gây khủng bố) cùng có chung một đặc điểm là chống lại Tiện nghi Tức thì (TNTT). TNTT là ví dụ như ngay lập tức được tự hào, được ngợi ca, được ve vuốt, được sống sung túc nhàn hạ, được thành công dễ dàng, được nổi tiếng nhanh chóng.

GÐK: Ðúng vậy. Ðối mặt với sự thật bao giờ cũng khó chịu, phản tiện nghi. Thấy người khác hơn mình thì dễ bị chấn thương tinh thần, phản tiện nghi hơn. Hiện trạng thay đổi còn gây bất an lo sợ ngang khủng bố, đe dọa tước đoạt tiện nghi mình đang được hưởng. Loại gương thông minh được người Việt ưa chuộng vì ngay lập tức nó cho ta thấy hình ảnh mà ta mơ ước, nghĩa là đem lại tiện nghi tức thì. Chính nhờ nữ tính tràn trề của mình mà người Việt chúng tôi có một tình yêu bẩm sinh và vĩnh viễn với tiện nghi tức thì ấy. Người phương Tây không thích tiện nghi sao?

FDM: Dân Tây thuộc loại thân lừa ưa nặng, họ thích được thách thức, thử thách, thích đương đầu với khó khăn, nguy hiểm để khẳng định giá trị và lòng can đảm của mình. Nói đúng hơn, họ tìm kiếm một thứ tiện nghi lâu dài. Có nhiều lý do. Thứ nhất, tiện nghi trước mắt thường không đem lại kết quả lâu dài, vì thành công đòi hỏi phải trả giá bằng lao động, tranh đấu và hy sinh, toàn là những thứ chả tiện nghi chút nào. Thứ hai, sự dễ dàng không dẫn đến thoả mãn. Chinh phục được một cô gái khó tán và nhiều đối thủ cạnh tranh thì sướng hơn nhiều là chinh phục một cô dễ dàng, không phải cạnh tranh, dù đẹp hơn một chút. Ghi bàn thắng theo kiểu penalty không thể sướng bằng đi bóng qua một loạt hậu vệ và ghi bàn.

GÐK: Ðó là cách sướng của đạo LÀM. Dân Tây mới chỉ biết làm, chưa biết chơi. Chơi là phải có khoái lạc, mà phải là khoái lạc tức thì, đỉnh cao nhất của tiện nghi. Khoái lạc mà phải chờ, phải cố gắng, thiếu tiện nghi ăn liền thì không còn là khoái lạc nữa. Ðó mới là đạo Chơi. Ðạo Chơi và đạo Nhàn, những con đường của cái Tâm, cùng thờ chung một thánh, một chân lý: Tiện nghi tức thì (TNTT). TNTT là một nội dung của chữ LỄ, một trong ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) của đạo Nho. Lễ là ứng xử sao để làm vừa lòng nhau, tức là đem lại TNTT cho nhau.

FDM: Lần trước anh có nói về ba-rem chuẩn để xác định mức độ có Tâm, vậy tiêu chí để xây dựng ba-rem này là tiện nghi tức thì?

GÐK: Ðúng vậy. Ðể xác định xem một tấm lòng đã đủ tiêu chuẩn để được công nhận là cái Tâm hay chưa, phải xem nó đem lại bao nhiêu TNTT cho người khác, tức là làm cho họ vừa lòng, vui vẻ, sung sướng ở mức nào. Ðơn vị để đo mức độ tiện nghi tức thì là IC, viết tắt của chữ Instant Comfort. Một tấm lòng tạo ra TNTT ở mức 1000 IC hay 1 Kilô IC là đạt tiêu chuẩn ISO-9001.

FDM: Vậy tiện nghi tức thì dùng vào những việc gì?

GÐK: Tiện nghi tức thì có rất nhiều chức năng. Thứ nhất, TNTT là tiêu chí để đánh giá con người. Chẳng hạn, mấy cô bạn của vợ tôi không hiểu sao cứ khen tôi là người đàng hoàng tử tế, đã thế lại tốt bụng và có tâm, làm tôi rất ngượng trong khi mình chưa làm được gì tốt cho họ cả. Về sau tôi mới phát hiện ra là vì cứ mỗi lần một cô có bộ đồ mới hỏi tôi “anh thấy bộ này thế nào?” là tôi lại buộc phải nói dối, chẳng nhẽ lại đi nói thật thì dã man quá. Trong khi đó, vợ tôi thì gọi tôi là dạng không thể tiêu hóa được, vì tôi đã trót nói dối cô ấy bao nhiêu năm nay để cô ấy cứ tưởng thật rồi, giờ chẳng nhẽ lại tiếp tục mãi thì nguy hiểm lắm.

FDM: Thì ra bạn trai tôi xưa nay toàn nói dối tôi.

GÐK: Vậy là cô may mắn hơn vợ tôi rồi. Cô thấy đấy, tiêu chuẩn để được đánh giá là đàng hoàng tử tế tốt bụng không phải là anh đã làm được điều gì tốt cho ai mà là anh đem lại cảm giác dễ chịu thế nào cho người khác, anh khiêm tốn, nhã nhặn, nhẹ nhàng hay ngạo mạn, thiếu tế nhị, thiếu nữ tính. Mức TNTT mà tôi đem lại cho mấy cô bạn là trên trình độ A một chút, khoảng 1,5 kilô IC.

FDM: Còn muốn đạt trình độ B, C trở lên thì phải thế nào?

GÐK: À, thì phải giống như cô vợ mới cưới của anh bạn tôi. Ai cũng bảo là anh ta trúng số độc đắc. Hôm mọi người đến chơi, ai cũng khen nức nở: chắc cậu phải tu nhân tích đức ghê lắm, phải ăn ở phúc đức lắm thì cậu mới lấy được cô vợ tuyệt vời như thế.

FDM: Chắc là cô ấy phải nấu ăn ngon lắm nhỉ và cư xử thì phải rất khéo, ăn nói có duyên?

GÐK: Cô ấy không nấu nướng gì đâu. Nhưng trước lúc ra về, một anh bạn không thể nén nổi ngưỡng mộ thốt lên: Sao trên đời này lại có người phụ nữ tuyệt vời thế nhỉ. Giá mà vợ mình bằng được một phần mười cô ấy thôi. Ngồi nói chuyện suốt cả ngày mà mình vẫn chưa biết giọng cô ấy là mô-nô hay stê-rê-ô, giọng Hà-Nội, Sài-Gòn hay Sông Lam Nghệ-an.

FDM: Ừ, người như vậy thì hiếm thật. Còn chức năng thứ hai của tiện nghi tức thì?

GÐK: Thứ hai, TNTT là tiêu chí để xét tăng lương và đề bạt thăng chức. Nếu thể hiện được một cái Tâm trình độ A, tương đương 1kilô IC, tức là không gây khó chịu cho lãnh đạo và đồng nghiệp, không gây chuyện lộn xộn khiến lãnh đạo lo lắng và phải mất công xử lý, thì được tăng lương đúng thời hạn 3 năm một lần.

FDM: Gây chuyện lộn xộn là sao?

GÐK: Ví dụ như đang yên đang lành tự nhiên nổi hứng đề xuất thay đổi quy trình xử lý hồ sơ chuyển sang nguyên tắc một cửa một con dấu làm đảo lộn mọi thứ, gây mất ổn định, hoặc là phát biểu vô tổ chức trên báo chí.

FDM: Công chức Việt Nam sướng thật. ở Châu Âu và Bắc Mỹ, muốn được tăng lương hay đề bạt thăng chức là phải làm việc è cổ. Còn trên trình độ A là trình độ B?

GÐK: Muốn có cái Tâm trình độ B, tức 2 kilô IC trở lên, ngoài việc không gây lộn xộn, còn phải thể hiện thiện chí với sếp. Chính sếp tôi đã đích thân dạy tôi điều đó. Tôi vẫn nhớ như in lần đến chơi Tết nhà sếp cách đây 15 năm. Hôm ấy tôi hồi hộp lắm, chỉ sợ sếp từ chối không nhận sợi dây chuyền vàng 5.000 USD tặng vợ sếp. Tôi đang run run giở chiếc hộp đựng dây chuyền ra lắp bắp mấy câu thì sếp bỗng nghiêm mặt: “cậu phiền phức quá, anh em mình gặp nhau là quý, nói chuyện tình cảm là chính...” Tôi lo quá, mồ hôi ra như tắm, phen này cái ghế Trưởng phòng mà tôi đang nhắm chắc là đi tong rồi. Tôi buồn rầu chuẩn bị cất hộp dây chuyền đi thì sếp nhẹ nhàng an ủi: “Anh em gặp nhau tâm sự là chính, chứ còn quà thì... đương nhiên rồi.”

FDM: Anh thật là may mắn khi có được một ông sếp hiểu được cái tâm của mình như vậy. Còn trên trình độ B là gì?

GÐK: Trên trình độ B là C, D, E..., tỷ lệ với độ nặng của sợi dây chuyền.

FDM: Như vậy, nếu ở cái Tâm trình độ A, người lao động chỉ cần thể hiện một thái độ ứng xử nhiều tiện nghi, không tốn công sức mồ hôi, vẫn được trả lương và tăng lương đúng hạn, thì từ trình độ B trở lên, anh ta phải lao động để kiếm tiền mua quà thể hiện cái Tâm. (Chỉ có điều là thành quả lao động của anh ta không vào túi người trả lương cho anh ta là Nhà nước). Từ trình độ B trở lên, cái Tâm đã thay đổi tính phi lao động truyền thống của nó. Phải chăng một khi bước vào kinh tế thị trường thì cái Tâm truyền thống cũng phải thay đổi tính phi lao động để thích nghi?

GÐK: Phải thật cẩn thận. Cái này rất dễ nhầm lẫn. Người lao động thể hiện cái Tâm dưới dạng quà vật chất, được lấy từ lao động của anh ta, nhưng lao động này không phục vụ gì cho công việc chính của anh ta. Kinh tế thị trường chỉ biến thái độ ứng xử phi vật chất thành món quà vật chất thôi (tức vật chất hóa cái Tâm), không làm mất đi tính phi lao động của cái Tâm trong công việc chính, không làm thay đổi bản chất vị tiện nghi tức thì của nó. Nhưng chuyện này ta sẽ bàn kỹ sau.

FDM: OK. Tóm lại, chức năng thứ hai của TNTT là dùng làm tiêu chí để xét tăng lương và đề bạt thăng chức. Còn chức năng thứ ba?

GÐK: Thứ ba, tiện nghi tức thì là tiêu chí để thẩm định chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật và các công trình nghiên cứu khoa học. Một tác phẩm thể hiện được cái tâm trong sáng, yêu thương con người là đạt trình độ A, tương đương 1 Kilô IC, nghĩa là đem lại cảm giác ấm áp lạc quan cho người đọc, có thể được trao giải thưởng Hội Nhà văn. Còn nếu tác phẩm thể hiện được một tấm lòng đau đáu với việc gìn giữ một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì đạt 2 Kilô IC, nghĩa là làm cho người đọc thấy tự hào. Một tác phẩm như vậy có thể được xét trao giải thưởng Hồ Chí Minh.

FDM: Nếu một tác phẩm thuộc loại cái tâm “đau đáu” tương đương 2-3 kilô IC, nhưng lại để lộ một sự thật nào đó, thì có được công nhận là trên trình độ B và được trao giải không?

GÐK: Cô vui tính thật đấy. Ðã để lộ sự thật thì làm sao mà nhiều tiện nghi thế được. Bản chất của sự thật là diệt tiện nghi, cũng như xát muối vào vết thương thì sát trùng nhưng mà cực xót, làm sao tiện nghi được. Hoặc nếu có chứa vài sự thật nhiều tiện nghi thì đó thường là loại quá đát rồi, đã bị biến chất, không xài được nữa.

FDM: Còn một nhà nghiên cứu thì phải đạt bao nhiêu IC trở lên mới được công nhận là có Tâm? Và cụ thể là phải đạt tiêu chuẩn gì?

GÐK: Nhà nghiên cứu cũng phải đạt 1 kilô IC trở lên.

FDM: Chẳng hạn như đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm với bí mật quốc gia, thì đạt mức gì?

GÐK: Nếu giữ kín được bí mật quốc gia, ví dụ như bí mật về lịch sử Việt Nam hay về bản sắc dân tộc, mới chỉ đạt mức tiện nghi trung bình là 1 kilô IC, mới là cái Tâm loại trong sáng thôi. Muốn được công nhận là cái Tâm loại hướng thiện hoặc đau đáu với bản sắc dân tộc, tức là 2 kilô IC trở lên, phải có sáng tạo.

FDM: Sáng tạo là phải có phát hiện mới? là phát hiện ra những chân lý khoa học mới?

GÐK: Ðấy là kiểu cổ rồi. Kiểu đó chỉ loanh quanh không ra khỏi lũy tre của lý tính. Cái Tâm-kiểu-Việt bây giờ xài trường phái sáng tạo hậu hiện đại, nghĩa là phải có tính tiên tri lạc quan vượt lên trên hiện thực, dựa trên niềm tin và hy vọng tạo ra những cái mới chưa hề có. Chẳng hạn, một nhà Việt nam học có tâm phải thể hiện được tầm nhìn xa và tinh thần lạc quan bằng cách tặng trước cho người Việt những phẩm chất sắp xuất hiện trong tương lai gần, một đoạn ngắn của lịch sử khoảng vài thiên niên kỷ chẳng hạn. Những đặc tính của người Việt như tính cần cù, óc sáng tạo, tinh thần dân chủ và cách mạng là những sáng tạo tiêu biểu của các nhà Việt nam học có tâm. Khi đọc những công trình như vậy, độc giả sẽ cảm nhận được cái Tâm trong sáng và hướng thiện của tác giả, sẽ lạc quan hơn và hăng hái phấn đấu để xứng đáng với những phẩm chất mà tác giả đã hào phóng ban tặng. Ngay cả học giả Trần Ngọc Thêm, người khác với đa số đồng nghiệp ở tính vị học thuật của ông, vẫn không vì thế mà làm thất vọng những độc giả yêu chuộng tiện nghi, vì ông cho họ cảm giác là chẳng hạn, dân chủ là một đặc tính của người Việt (?). [1] (Không rõ đó là do nhu cầu nội tại về tiện nghi từ vô thức của dòng máu Việt trong ông hay do đòi hỏi của hoàn cảnh?). Không thể vì cuốn sách của ông được đọc trong giới học giả nước ngoài mà cho là ông thiếu cái Tâm được. Chính ông cũng là một đối tượng để nghiên cứu về tính cách người Việt.

FDM: Vậy là nhà nghiên cứu có Tâm không những cần có tính tiên tri lạc quan mà còn phải trực tiếp khích lệ và động viên quần chúng. Sáng tạo là tạo ra cái mới, vậy ngoài những phẩm chất mà người Việt sắp có thì còn cái mới nào nữa không?

GÐK: Cái mới ở đây còn là những cách kiến giải và minh họa mới để khẳng định những tiên đề và chân lý vĩnh cửu. Ví dụ, vấn đề không phải là lịch sử Việt nam có bao nhiêu năm mà là làm sao để có những kiến giải mới, sáng tạo về lịch sử 4000 năm của Việt Nam.

FDM: Hết sức độc đáo. Ngay quan niệm về tính sáng tạo của người Việt cũng đã rất sáng tạo rồi.

GÐK: Ðó là tính sáng tạo của cái Tâm, của cảm xúc và giác quan, lấy yêu thương, niềm tin và hy vọng thay cho xét đoán và phê phán, vượt lên trên cái lý tính khô cằn của học thuật bảo thủ phương Tây.

FDM: Chà, nếu Kant mà được học tinh thần cái Tâm thì chắc chắn ông đã không sống độc thân, vì ông sẽ không tìm cách để hiểu phụ nữ nữa mà chỉ tin tưởng họ thôi, sẽ không suy nghĩ về họ nữa mà chỉ cảm nhận họ bằng giác quan và cảm xúc thôi. Khi ấy, ông sẽ tặng cho họ những phẩm chất mà ông tưởng tượng ra một cách lạc quan. Và một khi đã hoàn toàn không hiểu gì về phụ nữ thì chắc chắn là ông sẽ yêu họ và sẽ có thừa can đảm để lấy một cô. Sao lại có cái thứ kỳ diệu thế nhỉ.

GÐK: Có điều là trong khi sáng tạo như vậy, đa số các học giả Việt đều không biết là mình đang thể hiện cái Tâm, cứ nghĩ là đang vị học thuật. Việc lựa chọn chân lý khoa học hay TNTT nằm ngoài ý muốn của họ, do tiềm thức quyết định. Nhu cầu về TNTT luôn luôn mạnh mẽ và thường lấn át nhu cầu nhận thức. Chính nhu cầu TNTT sẽ hướng họ đến chỗ lựa chọn những cách kiến giải đem lại nhiều tiện nghi nhất cho chính mình, hơn là chọn những kiến giải chứa đựng chân lý khoa học.

FDM: Chà. Vậy là với chủ nghĩa cái Tâm, sự thật/chân lý khoa học đã mang một ý nghĩa mới và một trọng trách mới. Chân lý khoa học từ nay sẽ phải bước ra khỏi tháp ngà của mình để phục vụ quần chúng.

GÐK: Mà nhu cầu lớn nhất của quần chúng Việt là tiện nghi tức thì. Ðể đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy, chân lý cần mang theo thật nhiều đường hay một loại tiện nghi tức thì nào đó. Nếu bản thân chân lý ấy không thể đi cùng bất kỳ loại tiện nghi nào, thì nó sẵn sàng hy sinh thân mình, tự thay đổi hình hài hoặc tốt nhất là nằm im để không ai trông thấy. Ðó là sự hy sinh cao cả vì nhân sinh.

FDM: À, tôi thấy nhiều tác giả mà hình như đam mê lớn nhất của họ là căm ghét một ai đó. Vậy họ có họ có ghét tiện nghi tức thì và thiếu cái Tâm không?

GÐK: Không hề. Họ không hề ghét tiện nghi tức thì. Việc hạ bệ một thần tượng hoặc hạ nhục ai đó đem lại cho họ một cảm giác vô cùng dễ chịu và khoan khoái. Ðó cũng là TNTT thuộc loại ngược chiều. TNTT ngược chiều là chê bai, chế giễu để thỏa mãn sự căm nghét hoặc bất mãn. Còn loại tiện nghi bình thường như tự hào, ngọt ngào, êm ái..., là TNTT thuận chiều. TNTT ngược chiều thường là chân lý của loại cái tâm dissident, bây giờ đang là mốt. Những tín đồ của TNTT ngược chiều giống tín đồ của TNTT thuận chiều ở chỗ họ không đi tìm sự thật / chân lý mà tìm cảm giác tiện nghi. Một bên là tự khen bằng mọi giá. Bên kia là chê bằng mọi giá. Tuy nhiên, do sự thật gần với phê phán hơn là ca ngợi, tiện nghi ngược chiều có vẻ gần với sự thật hơn.

FDM: Những diễn đàn như talawas chẳng hạn thì có thiên về loại tiện nghi tức thì nào không?

GÐK: Có vẻ như talawas mong muốn thỏa mãn tiện nghi lâu dài của những kẻ nghiện sự thật. Nói chung thì talawas không thỏa mãn hoàn toàn tiện nghi tức thì nào. Do bản chất phê phán nên diễn đàn này có vẻ gần với TNTT ngược chiều hơn, nhưng cơ bản vẫn là đứng “giữa hai làn đạn”: vừa “chống cộng” vừa “thân cộng.” Tiện nghi tức thì, bất kể thuận hay ngược chiều, đều là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm của Sự thật, cái Ðẹp và Tự do.

FDM: Như vậy, tôi đã được biết ba chức năng quan trọng của tiện nghi tức thì là dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá con người trong giao tiếp, để xét tăng lương và đề bạt thăng chức cán bộ và để đánh giá, thẩm định các công trình nghiên cứu khoa học và tác phẩm nghệ thuật. Vậy còn chức năng nào khác không?

GÐK: Về chức năng thứ tư, TNTT là cơ sở để người Việt quyết định chọn điều gì để làm, chọn điều gì để nghe và đọc, chọn người nào để quan hệ, chọn thái độ nào để thể hiện, chọn rơi vào tâm trạng nào (một cách vô thức), chọn nghề gì để làm, con đường nào để đi, lý tưởng nào để theo. Chắc cô cũng đã biết là người Việt nói chung, nhất là các nhà văn, nhà báo, nhà thơ thường đứng trước 10 cặp lựa chọn sau:

  1. Khi nói chuyện với người khác, muốn nghe những lời phản biện (ý kiến khác mình mà mình chưa biết) hay nghe những lời tán thành, (ý kiến giống mình, mà mình đã biết).

    Nghe lời phản biện thì có thêm thông tin mới, biết được điểm yếu của mình, có dịp cọ xát những ý kiến trái ngược để cho ra ý tưởng mới, tài sản trí tuệ của cả hai bên cùng tăng lên, có thêm cơ hội để tìm ra giải pháp.

    Nhưng nghe lời tán thành lại dễ chịu, tiện nghi hơn. Kết quả là ngoài việc thỏa mãn tiện nghi tức thì, ta không có thêm thông tin mới, tài sản trí tuệ không tăng lên, không biết được điểm yếu của ta là gì, khó tìm ra giải pháp.

  2. Khi đọc, muốn đọc những điều khác với mình, làm cho mình thức tỉnh, giải tan ảo tưởng, khai sáng hay đọc những điều gần gũi với mình hoặc đem lại cảm giác tự hào, dễ chịu, êm ái. Tìm kiếm cái đẹp hay cái đèm đẹp.

  3. Dấn thân vào cuộc sống nhiều rủi ro để được sống thật, trải nghiệm cả những thất bại, nghịch cảnh và cay đắng, hay đứng ngoài, sống tưởng tượng và an toàn (rồi lấy cảm giác tưởng tượng để viết văn, làm thơ).

  4. Vượt qua đau khổ để đạt tới hạnh phúc hay bằng lòng với đau khổ (mà mình tưởng tượng ra) và tận hưởng vẻ gợi cảm của nó (cảm giác gây xúc động cho người khác).

  5. Viết tác phẩm lớn, có giá trị hay làm nhà văn lớn không tác phẩm? Tạo ra cái đẹp hay cái đèm đẹp.

  6. Tranh luận để tìm ra giải pháp/chân lý hay tranh luận để giành phần thắng?

  7. Chú trọng Cái gì (những vấn đề học thuật) hay chú trọng Ai (cá nhân con người của tác giả)?

  8. Làm hay chơi? (trong nghề nghiệp, nghệ thuật, khoa học,...)

  9. Làm người thành đạt/giàu nhưng nhiều thách thức, rủi ro hay làm người ít thành đạt/nghèo nhưng nhàn hạ và yên ổn?

  10. Cặp cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất: nhằm giải quyết vấn đề đang đặt ra hay nhằm thỏa mãn nhu cầu cảm xúc trước mắt của mình (để được khen ngợi, ngưỡng mộ, thêm tự hào, hoặc cho hả giận, cho bõ ghét,...)


FDM: Ngày trước, thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đã biết hy sinh sự nghiệp khôi phục nhà Hán, (vấn đề đang cần giải quyết) đem quân tấn công Ðông Ngô để thỏa mãn niềm khao khát trả thù cho em mình là Quan Vũ (thỏa mãn cảm xúc trước mắt). Thời ấy chưa có Nguyễn Du mà ông ấy đã biết chọn tiện nghi tức thì. Có lẽ TNTT là một giá trị điển hình của Phương Ðông mà Việt Nam là đại diện nổi bật nhất.

GÐK: Ðúng vậy. Cô thấy đấy, trong cả 10 cặp trên, vế thứ hai luôn là lựa chọn dễ dàng, êm ái hơn, ít vất vả, khó khăn hơn, có nghĩa là đem lại nhiều tiện nghi tức thì hơn. Vì vậy nó luôn được người Việt lựa chọn. (xem “Tại sao thơ rác” kỳ 2). Ðể đi tới thành công và thỏa mãn, người Việt thường chọn con đường nào nhiều tiện nghi tức thì nhất, tức là đường tắt.

FDM: Hẳn nào mà Việt Nam có nhiều nhà văn nhà thơ đến thế.

GÐK: Nhu cầu thoả mãn TNTT chính là động lực cho mọi hoạt động và lựa chọn của người Việt. Tiện nghi tức thì, chân lý của cái Tâm, cũng là cốt lõi của tứ đạo Nhàn-Chơi-Nghèo-Khổ. Ðạo Nhàn chọn TNTT vì sự nhàn hạ luôn luôn đem lại sự dễ chịu ngay lập tức. Chơi cũng nhiều TNTT hơn là làm. Làm người Nghèo dễ hơn là làm người giàu. Chọn tâm trạng đau khổ (một cách vô thức) cũng dễ hơn là cố gắng vượt qua đau khổ để đạt tới hạnh phúc. TNTT là linh hồn của cờ bạc, số đề, những trò giải trí phổ biến nhất tại Việt nam. TNTT giải thích tại sao những trò mạo hiểm như leo núi, hoặc khó nhằn như nhạc giao hưởng hầu như không có đất sống ở Việt Nam, trừ dành cho người nước ngoài. Có thể nói, Tiện nghi tức thì và Tinh thần biết sợ là hai hạt nhân đặc trưng của tính cách người Việt, tiêu biểu cho tính âm của châu Á. Mỗi khi phải lựa chọn giữa giải quyết vấn đề hay thoả mãn nhu cầu TNTT, người Việt thường chọn TNTT. Và đó chính là một trong những nguồn gốc của 10 đặc tính chữ N của sản phẩm Việt (Nhạt-Nông-Nhàm-Nhái-...-Nhầm).

(còn nữa)

© 2004 talawas


[1]xem: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam - Trần Ngọc Thêm. Nxb Tổng hợp TPHCM, 2004. Các trang: 45-46, 48-51, 183-84, 186-87,190-92, 195, 197, 206, 208- 209, 211-213, 242, 254-55,276, 284-85, 311-12, 329, 411, 482-484, 486, 488, 490-491, 493, 499, 524, 541-42, 533, 572, 576, 611.