trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: TÆ° liệu văn học
 1   2   3   4   5   6   7   8 
5.11.2004
Hội nhà văn Việt Nam
Đề cương đề dẫn thảo luận ở Hội nghị Đảng viên bàn về sáng tác văn học 1979
 1   2 
 
II. Về phương hướng nhiệm vụ của văn học trong tình hình mới

Từ sau Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước ta đã bước sang một giai đoạn lịch sử mới. Kết thúc vẻ vang quá trình lâu dài đấu tranh giải phóng dân tộc, chúng ta chuyển sang thời kỳ lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước. Đặc điểm lớn nhất của giai đoạn cách mạng này là: "... nước ta đang ở trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa". Đặc điểm lớn nhất ấy "nói lên ra thực chất của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta và qui định nội dung chủ yếu của quá trình đó" (Nghị quyết Đại hội IV).

Từ mùa xuân 1975 đến nay, thêm 4 năm đã trôi qua. Trong 4 năm ấy, lại đã có những biến động mới to lớn trong tình hình chung, trong đó quan trọng hơn cả là sự xuất hiện, trong thời kỳ được gọi là "thời kỳ sau Việt Nam", một kẻ thù mới của cách mạng thế giới, kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân ta. Nó là chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc Trung Quốc. Trong 4 năm, chúng ta tiến hành hai cuộc chiến tranh xâm lược nước ta ở biên giới phía Tây nam và ở biên giới phía Bắc. Mặc dù bị thất bại nhục nhã, song âm mưu cơ bản của chúng là thôn tính nước ta, khuất phục nhân dân ta vẫn chưa hề thay đổi. Chừng nào ở Trung Quốc vẫn còn ban lãnh đạo theo chính sách bá quyền, bành trướng thì nguy cơ chiến tranh trực tiếp đối với nước ta vẫn còn nguyên vẹn. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn lâu dài, gian khổ, phức tạp... Đó là một đặc điểm lớn nữa của tình hình nước ta hiện nay.

Hai đặc điểm lớn trên đây đang chi phối toàn bộ quá trình vận động xã hội Việt Nam chúng ta trong cả thời kỳ lịch sử này. Đứng ở trung tâm của cuộc vận động xã hội mới, lại cũng rất quyết liệt, khẩn trương, phức tạp này, là con người Việt Nam của thời kỳ mới.

Nói về phương hướng nội dung của văn học trong thời kỳ mới hiện nay, chúng ta muốn trước hết tập trung sự suy nghĩ phân tích của chúng ta vào con người ấy, nhân vật trung tâm của nền văn học mới, đối tượng thể hiện và đối tượng phục vụ của văn học ta hiện nay. Chúng ta muốn cố gắng từng bước nhận ra diện mạo tinh thần mới của họ, ước đoán ra khuôn mặt mới của họ, và hơn thế nữa chúng ta muốn hình dung cuộc đấu tranh vận động tiến lên mới chắc hẳn là rất khó khăn mà rất đẹp đẽ của họ, bởi vì khát vọng tha thiết của chúng ta, người cầm bút chính là được tham gia vào cuộc đấu tranh đó, góp thêm một tiếng nói trợ lực, một sức mạnh dù là nhỏ giúp họ đi tới, giúp họ sớm tự hình thành, tự định hình, tự khẳng định. Con người mới ấy, như Đảng đã chỉ rõ, sẽ là kết quả tổng hợp cả 3 cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá. Đảng cũng đã sớm chỉ ra cho chúng ta hình dạng tinh thần tổng quát của con người mới ấy, đó là con người lao động Việt Nam là chủ tập thể xã hội chủ nghĩa.

Như chúng ta đều biết, làm chủ, đó là vấn đề lâu dài, là cuộc đấu tranh vật lộn lâu dài của con người. Quả vậy, trong những buổi ban đầu hoang sơ, vừa bước ra khỏi tình trạng thú vật, con người sống trong những bầy đàn. Đó là một cái số đông vô danh, trong ấy chưa phân rõ những cá thể riêng biệt. Song chính ngay từ buổi hoang muội đó, con người đã bắt đầu có cái yêu cầu tự nhận ra mình, tự phân biệt mình với thế giới chung quanh, tự phản ánh mình, tìm ra, hiểu ra hình ảnh của chính mình, nhận ra những năng lực, những khả năng, sức mạnh của chính mình, khẳng định mình trên những vật mà con người tác động đến, bằng lao động của mình. Cái yêu cầu tự phân biệt, tự khẳng định mình đó là một yêu cầu bức thiết, có tính người, ngay từ buổi đầu và sẽ diễn ra trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của con người... Mà khi con người bắt đầu xuất hiện thì lập tức nghệ thuật cũng xuất hiện. Bởi vì nghệ thuật chính là một hành động của con người tự nhận ra chính mình. Cái yêu cầu tự khẳng định, tự giải phóng mãi mãi những năng lực vô tận của chính mình, làm chủ số phận của mình ngày càng cao hơn, chính cái yêu cầu vĩnh viễn đó, đã thúc đẩy con người mãi mãi tiến lên.

Song cũng từ đây đã bắt đầu tấn "bi kịch" kéo dài hàng nghìn, hàng vạn năm của lịch sử con người. Do những hạn chế lịch sử nhất định, cứ mỗi bước con người tiến lên tự khẳng định mình thêm một nấc, mạnh hơn, rõ hơn, sâu hơn thì đồng thời cũng là thêm một bước nó đối lập trở lại gay gắt hơn với cái bầy đàn ngày xưa của nó, với đồng loại của nó. Mỗi một bước cá thể được giải phóng ra là thêm một bước nó đối lập lại với tập thể, với số đông, với xã hội sâu sắc hơn. Có lẽ chính là trong ý nghĩa đó mà Engels đã có câu nói sâu sắc: "Lịch sử loài người từ khi có giai cấp là lịch sử mà mỗi bước tiến là một bước lùi tương đối”. Tiến lên một bước trên con đường trở nên người hơn thì đồng thời nó cũng bị tha hoá đi thêm một phần, mất tính người bớt đi một phần. Lịch sử con người từ hàng nghìn, hàng vạn năm nay, theo một cách nào đó, cũng có thể nói là lịch sử một cuộc đấu tranh lâu dài ngày càng gay gắt, quyết liệt với chính đồng loại của nó, cuộc đấu tranh lâu dài của cá thể với số đông, của mỗi con người với toàn xã hội... Cho đến cuộc cách mạng tư sản thì sự khẳng định cá nhân con người trở nên quyết liệt nhất, sự "giải phóng", "làm chủ" của cá nhân trở rực rỡ nhất, nhưng dần dần cũng trở nên cực đoan nhất, sự đối lập của cá nhân với xã hội cũng trở nên triệt để nhất, mỗi một cá nhân đối lập quyết liệt, triệt để với toàn thể xã hội. Và tấn bi kịch kéo dài suốt lịch sử đến đây trở nên thảm khốc hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ con người tự thấy năng lực của nó to lớn đến thế, chưa bao giờ nó làm chủ được những lực lượng vật chất khổng lồ đến thế, thì đồng thời cũng chưa bao giờ nó cũng trở nên bơ vơ, cô đơn đến thế. Sự tha hoá của con người đạt đến mức cùng cực. Cuối cùng nó rơi vào trong cái vực thẳm của chính nó. Chúng ta đã từng thấy tình trạng bi đát cùng cực này được phản ánh như thế nào trong nền văn học tư sản, dưới mọi màu sắc. Đó là tình trạng của con người trong cái đêm trước của buổi bình minh chủ nghĩa xã hội.

Bài toán đó, tất nhiên, cũng đặt ra đối với chúng ta khi chúng ta bước vào chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm riêng của đất nước ta. Từ sản xuất nhỏ đi thẳng lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, chúng ta đang giải đáp bài toán này như thế nào?

Bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, chúng ta "bỏ qua", chúng ta tránh cho con người chúng ta phải rơi vào tấn thảm kịch mà xã hội tư sản đã lâm vào. Song, cái công việc khẳng định toàn diện của cá nhân, phát triển đến cao nhất mọi năng lực của mỗi con người, giải phóng mọi sức mạnh và cá tính sáng tạo phong phú, độc đáo của từng con người, thì từ con người của nền sản xuất nhỏ đi lên phải chăng chúng ta nhất thiết phải làm, hơn nữa phải làm rất mạnh, rất nhiều, rất toàn diện.

Bước lên vũ đài lịch sử, một trong nhiệm vụ to lớn và đẹp đẽ nhất của chủ nghĩa xã hội, về mặt con người, là nó phải - và chỉ có nó mới làm được công việc này - chấm dứt cuộc xung đột lâu dài giữa con người và xã hội đó, trả con người trở lại với toàn xã hội, với tập thể, đưa con người thống nhất trở lại với tập thể. Nhưng đây là một sự thống nhất có chất lượng hoàn toàn mới mẻ, một sự thống nhất không xoá nhoà cá nhân, một sự thống nhất trong đó mỗi cá nhân không phải là một đơn vị vô danh, mù mờ, không màu sắc; trái lại mỗi cá nhân đều long lanh những sắc màu riêng độc đáo nhất, được tự do phát triển và do đó năng lực sáng tạo to lớn của mỗi cá nhân đều đạt đến chỗ cao nhất. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thật sự là chủ nghĩa xã hội chân chính nếu nó đảm bảo sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi cá nhân. Và mỗi một con người chỉ thật sự là con người xã hội chủ nghĩa khi được phát triển đến cao nhất bản sắc của riêng nó, nó lại hoà hợp với toàn xã hội ở mức độ rất cao. Có thể nói đây là lần đầu tiên, sau hàng nghìn, hàng vạn năm, con người lại trở lại với cái gốc của nó, và trong cuộc tái ngộ kỳ diệu này, cả hai, xã hội và con người, đều đã lớn vượt hẳn lên, mạnh mẽ và đẹp đẽ biết bao nhiêu. Cũng chính vì thế toàn xã hội đều phát triển đến mức cao nhất, ở đó không còn sự đối lập lâu đời giữa cá nhân và xã hội, ở đó sự làm chủ của từng con người là một bộ phận, một điều kiện, một thành phần tất yếu của sự làm chủ của toàn xã hội. Ở đó lịch sử con người tiến lên mà không còn có bước lùi tương đối nào nữa. Xã hội, có thể nói, lần đầu tiên thực sự là xã hội loài người. Đó là một bài toán cực kỳ khó khăn, cũng cực kỳ lý thú, đẹp đẽ mà chủ nghĩa xã hội phải trả lời.

Nhìn từ góc độ ấy chúng ta dễ nhận rõ cuộc đấu tranh xây dựng con người trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa về cơ bản là cuộc đấu tranh xây dựng mối quan hệ mới về chất giữa cá nhân và xã hội, giữa từng con người và tập thể.

Đi vào cách mạng xã hội chủ nghĩa, tất nhiên xã hội ta cũng phải giải quyết mối quan hệ rất cơ bản đó. Nhưng bài toán ở đây cũng có chỗ khác hơn. Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình có một đặc điểm lớn nhất là: từ một nền sản xuất nhỏ - nền sản xuất của nước vừa thoát ra khỏi chế độ phong kiến và nửa thuộc địa, vừa thoát ra khỏi một cuộc chiến tranh hết sức ác liệt, lâu dài - chúng ta tiến thẳng lên sản xuất lớn chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Tận dụng những điều kiện của thời dại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chúng ta bỏ qua cả một giai đoạn lịch sử, cả một chế độ xã hội. Đó là một hạnh phúc lớn của dân tộc. Song cũng chính vì vậy mà có thể nói, ngày nay chúng ta phải làm, trong một cuộc cách mạng, nội dung của cả hai cuộc cách mạng gộp lại. Cụ thể là chúng ta phải xây dựng cho kỳ được một nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Về phương diện con người, sự "bỏ qua" này là như thế nào? Chúng tôi nghĩ phải chăng đó là bài toán lớn mà chúng ta phải giải đáp. Phải chăng vấn đề chủ yếu là ở chỗ: từ những con người của một nền sản xuất nhỏ, tức là những con người mà năng lực làm chủ còn hết sức hạn chế, phương thức làm chủ và do đó ý thức làm chủ, trách nhiệm làm chủ còn rất nhỏ hẹp, phân tán, rời rạc, con người vốn chỉ quen sống và lao động trong những tập thể nhỏ bé, yếu ớt, mới chỉ quen ý thức được vị trí của nó trong những phạm vi rất hạn chế, rời rạc, cô lập lẫn nhau đó..., chúng ta phải vượt lên xây dựng con người làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tức là những con người của một nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chiếm lĩnh được những năng lực làm chủ to lớn mạnh mẽ, có ý thức về vị trí của mình trong cả một nền sản xuất xã hội hoá cao.

Như chúng ta đều biết, xu hướng tự phát của nền sản xuất nhỏ là phát triển lên chủ nghĩa tư bản. Chính cái xu hướng tự phát đó đã từng kích thích ghê gớm niềm háo hức của con người phát triển dữ dội những năng lực của riêng mình, đặng chiếm lĩnh về mình tất cả thế giới chung quanh, đã từng kích thích niềm say mê đến tàn bạo của con người chiếm đoạt tất cả, tất cả cho riêng mình, cho cái cá nhân ích kỷ đến tuyệt đối của mình. Nó đã từng kích thích ghê gớm cái "tinh thần trách nhiệm" cá nhân muốn lao lên làm chủ tất cả vì cá nhân... Và, cũng éo le thay, khi cái mục đích của sự chiếm đoạt, sự làm chủ ấy - tức là làm chủ cho riêng cá nhân mình - không còn, không đạt được, thì tất cả bỗng đổ sụp, cả niềm say mê và trách nhiệm. Tất cả chỉ còn là sự uể oải nặng nề, một sự thờ ơ lạnh nhạt...

Vấn đề của chúng ta ngày nay phải chăng là ở chỗ thay đổi về chất niềm say mê ấy bằng việc thay đổi về cơ bản mục tiêu của nó, chứ tuyệt đối không phải là xoá bỏ nó đi. Vấn đề của chúng ta ngày nay là kích thích niềm khao khát của con người tự phát triển năng lực sáng tạo cá nhân của mình đến cao nhất để chiếm đoạt toàn bộ thế giới chung quanh, làm chủ nó, cho tất cả, cho xã hội, cho mọi người. Chứ không phải là xoá bỏ niềm khát khao tự phát triển năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân đi, tạo nên một thứ tập thể vô danh, nặng nề, đồng loạt và do đó, yếu đuối. Tập thể mà sinh động, tập thể mà tinh nhuệ.

Như chúng ta đã có thể thấy trong thực tiễn, đó là một công việc cực kỳ khó khăn, bởi vì chúng ta phải xây dựng nên những con người thật là mới, vừa là kế tục cuộc đấu tranh vất vả tiến lên lâu dài của con người, vừa cũng là chưa từng có, con người thật sự được giải phóng, thật sự hạnh phúc. Đó cũng chính là thực chất chủ nghĩa nhân văn cộng sản chủ nghĩa của chúng ta.

Sự vận động của lịch sử cũng thật kỳ lạ. Nó đã đưa chúng ta, trong cuộc đấu tranh đầy tính nhân đạo cộng sản này, đến giáp mặt với một kẻ thù mới như là kẻ đối lập tuyệt đối của lý tưởng chúng ta: ấy là bọn phản động bành trướng đại dân tộc Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà, một lần nữa, chúng ta lại gọi cuộc giáp mặt này là một cuộc đụng đầu lịch sử. Những gì đã diễn ra ở Cămpuchia trong 3 năm dưới sự thống trị của bọn Pônpốt-Iêngxari, tay sai của bọn cầm quyền Bắc Kinh đã làm bộc lộ khá rõ thực chất của chủ nghĩa Mao, cái lý tưởng xã hội kỳ quặc và khủng khiếp của nó. Cái xã hội mà chúng lập nên ở Cămpuchia là một hình ảnh điển hình, một mô hình khá toàn diện và đầy đủ của chủ nghĩa Mao. Cốt lõi của cái kiểu "xã hội" ấy là sự thủ tiêu chính xã hội, thủ tiêu con người với tư cách sơ đẳng nhất là con người, thủ tiêu triệt để mọi quan hệ xã hội của con người cho đến những quan hệ sơ đẳng nhất, phá vỡ tận gốc mọi quan hệ xã hội mà con người đã xây dựng được trong suốt lịch sử tiến lên hàng vạn năm của mình, đẩy lùi con người trở lại tình trạng bầy đàn tăm tối nhất. Trong cái gọi là chủ nghĩa tập thể ấy thực chất không còn có tập thể của những con người, chỉ còn có số đông vô danh, vô thức, vô tri. Ở đây con người hoàn toàn bị mất đi, thậm chí đến một cái dấu hiệu, một tín hiệu nhỏ nhoi nhất về con người cũng không còn. Cứ theo cái đà ấy có lẽ không lâu lắm nữa đâu, ngôn ngữ của con người cũng sẽ biến mất đi nốt. Điều rất đáng suy nghĩ ở Cămpuchia là, ngay giữa thế giới hiện đại này, giữa thế kỷ 20 này, mà chỉ trong 3 năm thôi, chủ nghĩa Mao đã có thể gây ra một tai hoạ khủng khiếp đến thế trên một đất nước có truyền thống văn minh lâu đời và huy hoàng đến thế, một thảm hoạ chưa từng có trong lịch sử. Rõ ràng có một mối hoạ lớn và thực tế đang đe doạ loài người, chính ngay trên ngưỡng cửa của giai đoạn giải phóng cao nhất của nó, giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa.

Điều đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta là chính tấm gương phản diện khủng khiếp chủ nghĩa Mao, lại càng làm sáng tỏ con đường cách mạng sáng ngời của chúng ta, và riêng trên lĩnh vực con người, càng làm sáng tỏ quan điểm và con đường đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta về xây dựng xã hội mới, con người mới. Con người làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của chúng ta đối lập triệt để với cái lối con người tăm tối vô danh man dại kiểu Mao.

Cho nên, nếu suốt trong các quá trình cách mạng liên tục của chúng tnữa, nhiệm vụ xây dựng con người bao giờ cũng mang ý nghĩa chiến đấu, qua chiến đấu mà xây dựng con người và xây dựng con người để ngang tầm với nhiệm vụ chiến đấu từng lúc, thì lần này ý nghĩa ấy càng hết sức rõ rệt, sâu sắc. Bởi vì lần này cuộc đấu tranh quyết liệt lâu dài chống bọn ngoại xâm phương Bắc lại cũng chính là cuộc đấu tranh để bảo vệ lấy con đường cách mạng đúng đắn của chúng ta, bảo vệ chính cái cốt lõi thiêng liêng của chủ nghĩa xã hội, bảo vệ và khẳng định cách sống Việt Nam, con người mới Việt Nam.

Trên đây chúng ta đã cố gắng phân tích một số nét chủ yếu trong nội dung cuộc đấu tranh mới, cuộc vận động cách mạng mới đang diễn ra trên đất nước ta ngày nay. Đó cũng chính là phương hướng nội dung của văn học ta trong thời kỳ mới, hoặc cũng có thể nói những mục tiêu chiến đấu quan trọng của văn học ta ngày nay. Rõ ràng so với trước, nội dung văn học đang đòi có một sự phát triển mới, văn học đứng trước những nhiệm vụ mới, sâu hơn, cao hơn, cũng có thể nói, bản chất hơn.
Chúng tôi nghĩ điều này sẽ chi phối toàn bộ các mặt chủ trương và công tác khác của văn học ta hiện nay.

*


Ngoài việc nhận thức về phương hướng nội dung của văn học trong thời kỳ mới như trên, chúng tôi nghĩ, để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, có lẽ cũng còn có một số điểm chúng ta cần bàn bạc, làm sáng tỏ ra thêm về chức năng của văn học trong đời sống, trong cuộc chiến đấu chung. Trước đây đã nhiều lần chúng ta thảo luận về vấn đề này và đã cùng nhau xác định một số chức năng chủ yếu của văn học, như chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ v.v. Bây giờ chúng ta muốn cố gắng tìm hiểu sâu thêm một ít nữa về vấn đề này.

Thực tế đời sống đã cho thấy rằng nhu cầu văn học nghệ thuật quả thực là một nhu cầu không thể thiếu được của con người, thậm chí có thể coi đó như một trong những điều kiện tồn tại của con người. Con người càng phát triển cao thì nhu cầu về điều kiện tồn tại này càng lớn, càng bức thiết. Vì sao vậy?

Như chúng ta đều biết: văn học phản ánh đời sống. Song vấn đề ở đây là nó phản ánh cái gì vậy trong đời sống, mà đến nỗi sự có mặt của nó lại cần thiết, bức thiết đến thế đối với con người? Chúng tôi nghĩ văn học phản ánh đời sống, song cái mà nó sao chép lại, cái mà nó "bắt chước" (nếu có thể nói như vậy) không phải là chính đời sống ấy. Cái mà nó bắt chước là sự sáng tạo ra đời sống. Nó luôn luôn luôn cố gắng tìm học lấy bằng những cách thức nào, bằng những qui luật kỳ diệu nào mà đời sống đã được sáng tạo ra đẹp đẽ lạ lùng như vậy. Cái mà văn học cố gắng phản ánh chính là sự sáng tạo ra đời sống, chứ không phải chính đời sống, như thường đã bị hiểu nhầm. Học lấy những cách thức, những qui luật huyền diệu do đó mà đời sống đã được sáng tạo nên, hướng theo những qui luật ấy, trong những tác phẩm của mình, con người lại sáng tạo ra một thế giới khác tương đương với thế giới có thực bên ngoài.

Cho nên, có thể nói, chức năng tập trung nhất của văn học, tác dụng cuối cùng và độc đáo của nó là, như một tấm gương sáng về sự sáng tạo, nó kích thích ở con người sự sáng tạo, niềm khát khao sáng tạo, ý chí sáng tạo. Nó giúp cho con người tự giải phóng những năng lực sáng tạo vô tận của mình.

Nếu chúng ta nhất trí rằng cái cốt lõi của chủ nghĩa làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là giải phóng đến cao nhất mọi năng lực sáng tạo độc đáo của từng con người gắn liền với toàn xã hội, thì phải chăng chính đến lúc này đây văn học, bao giờ hết, vừa có điều kiện vừa phải đi sâu hơn cả, đi đúng hơn cả vào chức năng của nó. Tự bản thân nó phải thật sự làm chủ, thật sự sáng tạo, mỗi nhà văn, mỗi tác phẩm đều phải thật sự có sự tìm tòi công phu, sâu sắc, đều phải độc đáo sáng tạo.

Nhận thức này rất cao đối với văn học ta ngày nay, liền đặt ra một loạt những yêu cầu nhiều mặt mà văn học phải phấn đấu đáp ứng. Trong đó có lẽ rất quan trọng là yêu cầu đối với người nghệ sĩ - nhà văn. Rõ ràng nhà văn phải là người làm chủ, người sáng tạo. Phải từ bỏ trước hết mọi thái độ thụ động, bị động trước cuộc sống. Phải phấn đấu rất cao, không ngừng để tự mình chiếm lĩnh những năng lực làm chủ ngày càng lớn. Phải gắn mình với toàn bộ cuộc đấu tranh xã hội. Phải xác định vững chắc trách nhiệm làm chủ mạnh mẽ của mình.

*


Trên đây chúng ta đã phân tích một số điểm chủ yếu về phương hướng, nội dung, nhiệm vụ của văn học ta hiện nay.

Để thực hiện tốt những phương hướng ấy, vấn đề rất quan trọng phải giải quyết là vấn đề lực lượng, vấn đề đội ngũ của chúng ta.

Bước vào cuộc chiến đấu mới ngày nay, chúng ta đã có một đội ngũ văn học khá đông đảo, khá từng trải, được rèn luyện, nhiều kinh nghiệm, gồm nhiều thế hệ nối tiếp.

Chúng ta có một lực lượng rất quí những nhà văn đã cầm bút từ trước cách mạng tháng Tám, đã đi suốt cùng cuộc chiến đấu quyết liệt gian khổ của Đảng, của nhân dân mấy mươi năm qua, vừa rèn luyện mình trong cuộc chiến đấu ấy vừa tích cực tham gia cuộc chiến đấu đó bằng hoạt động văn học và hoạt động xã hội của mình, đã góp phần quan trọng dìu dắt, đào tạo những thế hệ tiếp sau. Một số trong những nhà văn ấy đến nay vẫn còn sung sức sáng tạo.

Chúng ta có lực lượng những nhà văn được hình thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, đã là đội ngũ chủ lực của thời kỳ văn học chống Mỹ cứu nước, có đóng góp quan trọng.

Chúng ta có lực lượng đông đảo những nhà văn trẻ bắt đầu cầm bút từ giữa những năm đánh Mỹ ác liệt, đang là lực lượng hoạt động nhất của văn học ta hiện nay.

Gánh vác những nhiệm vụ mới ngày nay của nền văn học, chúng ta có cả 3 thế hệ đó, mỗi thế hệ đều có những chỗ mạnh riêng của mình, đều có vị trí độc đáo của mình.

Vấn đề chúng ta muốn đề cập ở đây hôm nay là, đứng trước nhiệm vụ mới, trong đội ngũ đông đảo của chúng ta, chúng ta muốn cùng nhau xác định lực lượng nào sẽ phải là lực lượng trung tâm chịu trách nhiệm lớn nhất, đồng thời cũng có nhiều điều kiện, nhiều khả năng hơn cả giải quyết những nội dung mới của cuộc chiến đấu trên mặt trận văn học mà chúng ta đã phân tích trên kia.

Mỗi một giai đoạn cách mạng, bao giờ cũng vậy, lại làm xuất hiện những lực lượng mới giữ vai trò trung tâm giải quyết những nhiệm vụ mới của giai đoạn ấy. Mỗi một giai đoạn văn học cũng vậy. Trong giai đoạn mới này của văn học ta, chúng tôi nghĩ, lực lượng trung tâm đó phải là lực lượng mà ta thường gọi là lực lượng các nhà văn trẻ, lực lượng các nhà văn hình thành chủ yếu từ cuộc chống Mỹ cứu nước. Lực lượng ấy phải tiến lên trở thành đội ngũ chủ lực của giai đoạn văn học mới này. Tất nhiên như vậy, tuyệt nhiên không hề có nghĩa là chúng ta phủ nhận, loại bỏ vị trí của tất cả những người cầm bút khác. Rất có thể nhiều nhà văn thuộc các lớp trước sẽ sáng tạo nên những tác phẩm xuất sắc nhất của mình trong chính những năm tháng hiện nay và sắp tới. Song những vấn đề của hôm nay, cũng tất nhiên, dẫu sao chính những người đang sống ở trung tâm của cuộc sống hôm nay mới có đầy đủ nhất những điều kiện để giải quyết tốt nhất.

Cho nên chúng ta muốn cố gắng phân tích kỹ hơn chính những điều kiện đó.

Có lẽ một trong những đặc điểm cũng là một chỗ mạnh quan trọng của lực lượng này là, khác các thế hệ trước, nói chung họ sinh ra hoặc bước vào đời sau Cách mạng tháng 8, cuộc đời của họ nói chung hoàn toàn thuộc về chế độ mới, chính họ là thành quả của cách mạng, những vấn đề của cuộc đời họ là những vấn đề của chính thực tế cách mạng vài chục năm nay, như có người nói rất đúng "họ là con đẻ của Đảng, do Đảng đứt ruột đẻ ra". Tuổi trẻ của họ, hay là sự chuẩn bị của họ chính là trường học lớn và dữ dội của cuộc chống Mỹ cứu nước. Và điều quan trọng hơn nữa, ngày nay họ đang là người đương thời trực tiếp của cuộc chiến đấu mới hôm nay. Họ đang ở trung tâm của cuộc chiến đấu đó. Những vấn đề đang đặt ra ở trung tâm cuộc chiến đấu hôm nay đang đặt ra cho chính họ, ở đúng cái tuổi trưởng thành và sung sức nhất của họ. Hơn ai hết họ có điều kiện nghe rõ hơn, tập trung hơn những câu hỏi bức thiết của cuộc sống bây giờ, bởi vì, cũng giản đơn thôi, những câu hỏi ấy trước hết là hỏi họ. Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ư? Chính họ phải cầm súng. Đổ máu ư? Chính là máu của họ. Xây dựng ư? Chính bàn tay họ phải làm, mồ hôi họ phải đổ. Xây dựng con người mới làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa ư? Chính họ phải trước hết trở nên những con người như vậy...

Nói những điều trên đây, chúng tôi nghĩ, trước hết chúng ta muốn nói lực lượng các nhà văn trẻ chúng ta hiện nay phải có ý thức đầy đủ về vị trí và nhiệm vụ lịch sử ấy của mình, từ đó mà có trách nhiệm đầy đủ đủ với vị trí và nhiệm vụ đó. Họ phải làm chủ. Và từ đó họ phải đối chiếu mình với nhiệm vụ, phấn đấu rất cao tự xây dựng mình cho ngang tầm với nhiệm vụ ấy.

Rõ ràng hiện nay so với tầm cỡ nhiệm vụ mới đó, lực lượng sẽ là lực lượng chủ lực của chúng ta có rất nhiều chỗ còn bất cập. Từ sau mùa Xuân 1975, cũng như các lực lượng khác, nói chung họ cũng bật ra khỏi các mũi nhọn của đời sống. Họ cũng đã rời các địa bàn xung yếu của cuộc chiến đấu. Cho nên là những lực lượng mới nhưng chưa chắc họ đã nghe được dúng được thấu những câu hỏi mới của cuộc sống. Trở lại ngay các mũi nhọn đời sống quả là một việc cấp bách.

Mặt khác do khuyết điểm kéo dài nhiều năm của chúng ta trong việc chăm lo đào tạo bồi dưỡng thế hệ nhà văn trẻ, nên ngày nay khoảng cách giữa trình độ các mặt của anh chị em, trình độ chính trị, văn hoá, kiến thức chung, nghề nghiệp... so với nội dung của nhiệm vụ mới còn khá xa. Khoảng cách này có thể nói có lúc đã đến mức báo động, và đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, kiên quyết, kiên trì mới giải quyết được.

Còn một vấn đề khác nữa: vấn đề tư cách xã hội, ý thức trách nhiệm xã hội của người cầm bút trong một số không ít anh chị em. Do chưa nhận rõ ra nội dung mới của cuộc đấu tranh, nhiệm vụ mới mà thế hệ mình phải đảm nhiệm, nên việc tu dưỡng rèn luyện phẩm chất của người nghệ sĩ cách mạng có bị xao lãng, hoặc không có phương hướng đúng đắn, rõ rệt...

Phải chịu trách nhiệm về những hạn chế không nhỏ trên đây, chúng tôi nghĩ, vừa có phần là của chính từng anh chị em trong đội ngũ trẻ, vừa có phần quan trọng là ở những người lãnh đạo chúng ta.

Chúng ta nhất thiết phải phấn đấu khắc phục và nhất định sẽ khắc phục được, tạo nên một sinh khí mới trong nền văn học chúng ta.

1979