trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
7.4.2005
Nguyễn Trần Khuyên
Một nền văn học xây dựng từ Đực và phục vụ cho Đực
 
Gần đây, khi đọc những bài sáng tác trên các website Tiền Vệ, Tạp Chí Thơ, Hợp Lưu, và qua các bài viết “Tình dục các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975” của Thế Uyên, bài phê bình của Hồ Trường An về Xứ nắng của Lê Thị Thấm Vân trên Hợp Lưu số 80 và “Chất lượng qua cái nhìn của người đọc” của Lương Như Trung đăng trên talawas ngày 30.3.2005, chúng tôi thấy có hai khía cạnh đáng lưu tâm: (1) Sử dụng đực tính đàn áp nữ giới thông qua phong trào phê phán các vấn đề chính trị - xã hội của các cây bút nam và (2) Hướng đi hời hợt của các cây bút nữ trong việc tạo nên một diễn đàn tranh luận về giới tính, tình dục phụ nữ và ý thức nữ quyền.


1. Về các bài sáng tác gần đây của các cây bút nam trên Tiền Vệ: Một nền văn học duy dương vật

Đây là website đứng đầu về số lượng tác giả nam tham gia, mà phần lớn nội dung các bài sáng tác gần đây không gì hơn là thể hiện cái đực, chà đạp phụ nữ theo nhiều cấp độ khác nhau. Phần lớn mở đầu của các bài này thể hiện tâm trạng về vấn đề chính trị hoặc xã hội, gia đình v.v... Nhưng cuối cùng tất cả đều trút những hỉ nộ ái ố, bực dọc “không lối thoát” này lên hình ảnh đụ đàn bà (chi tiết hơn, họ hay dùng hình ảnh gái điếm, người yêu hoặc vợ và mẹ) để nói lên tâm trạng bức xúc đó. Trong một số tác phẩm khác, nếu họ không phải đụ đàn bà thì đụ bất cứ cái gì cũng được, miễn cho người đọc thấy được sự thoả mãn của tác giả khi đề cao đực tính, đưa dương vật, hướng bài thơ phóng thẳng theo nội dung phê phán chính trị, xã hội, và đỉnh “tới” của họ cho sự ức chế này là việc xuất tinh hoặc đè bẹp, lăng mạ phụ nữ. Đề tài nào cũng được họ ví dụ qua bộ phận cơ thể, xem phim sex hoặc làm tình với đàn bà mà không bằng bất cứ hình ảnh nào khác. Ví dụ như: Lý Đợi, với vẻ rất “sành” phim truyện sex, chuyện chị em, gái gủng, “điếm giới” như một thái độ muốn khoe, chứng tỏ sự hiểu biết của mình (tuy sống trong môi trường không được thoải mái tình dục, không có điều kiện “chơi sang”, chơi công khai hoặc chơi “tới bến” nhưng rất chịu khó “sưu tầm” để bằng anh bằng em). Lý Đợi thường xuyên “nhấn” những “thuật ngữ” hoặc những câu chú thích trong thơ để khẳng định tính “hiểu biết” của mình, điển hình trong bài “Ê… Bùi Chát, cũng có 08 cách làm thơ thật dễ dàng”: “Nếu bạn uống rượu ở quán Thị Nghè với thịt chó quá xỉn đến mức không thể dụ thằng nhỏ dậy để xóc lọ[lem] hoặc để mấy em gái loe xoe thổi kèn [chớ hiểu lầm thànhh bán bánh mì - cũng là thuật ngữ của điếm giới… vậy thì hãy làm thơ về chuyện này..”, và trong “Xã hội 7” với câu mở đầu “Chú thích cho em gái tám mươi ngàn một dù [ý nói chơi đĩ ấy mà]”, trong bài “Năm bài thơ được viết/dưới thời của chế độ toàn trị”, phần chú thích cuối bài thơ, “chỉ có nguồn của tấm ảnh…, mua 9.95 $, xem liên tục cho tới chán. Hôm nay là ngày sau Quốc tế phụ nữ 2005 tới 02 ngày, thế mới ngất ngây”. Riêng về khoản muốn “phô” và thể hiện này, Lý Đợi có bạn đồng hành là Bùi Chát, cũng so tài không kém về khả năng “chinh phục” và đề cao chuyện cưa cẩm hoặc cho “rớt” em nào đó giữa đường của cộng đồng đực với nhau: bài “Lý do thích hạp cho mọi người”: “Lý do thích hạp cho mọi người trong việc tiêu[chảy] tiền[bạc] hay còn gọi là bài thơ có tên: “Chăm sóc bạn gái hằng ngày” cùng với câu chú thích cuối “…tặng em gái nhỏ hà nội bị vương văn quang bỏ rơi giữa đường”. Và cũng như đặc tính đực của các cây bút nam không có hướng sáng tác nào mới hơn là muợn của quí để ẩn dụ điều tác giả muốn nói, trong bài “Vô địch”, Bùi Chát viết “Một con cặc tầm thường, nó giữ. Theo cách cha ông dạy bảo vệ, nâng niu-không gì sai sót /nó gồng mình chịu trận dù muốn một phát/ huy xứng đáng cho cặc tính của mình”. Còn đối với Nguyễn Quốc Chánh, thì đực tính tràn ngập khắp nơi, không điều gì có thể ngăn cản được sự chứng tỏ muốn dương vật có mặt một cách nhiệt liệt, triệt để trong các vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức, tình yêu, như trong bài “Hai lần uốn lưỡi một lần thở phào”:“theo giới tính hả họng, tao là dương (vật)/ Khi nằm ngửa tao là thằng cu (má hay nựng, thỉnh thoảng còn hun[rất biết ơn điều đó])/ Khi biết đụ tao là thằng cặc lõ (thỉnh thoảng được măn, bú, liếm[sướng không chịu nổi])/ Khi biết yêu, tao là thằng siêng năng (mân mê từng phân thân thể người tình)/… & tao thấy: lịch sử chứa cái gì, lạ kì, cặc& lồn chứa cái ấy”. Và Đinh Linh với sự biểu hiện rõ tính khoái phô và biểu dương cái cương trong “Chùm thơ về cha mẹ”: “…Mẹ tôi mềm khắp nơi/ Chỗ nào mẹ cũng mềm… Tôi bấu cái mềm nhất của mẹ/ Đau quá, mẹ sung sướng ứa nước mắt…”, và trong “Người cha mềm”: “Có người nói,”Mềm quá, hay gì?/ Cứng chẳng sướng hơn sao?”. Nguyễn Viện thì thông qua lối viết “chim hoa lá gái” cũng góp phần tạo phong phú cho “sân chơi” với nhiều truyện ngắn như “Hoạ tiết của mùi”, “Ký tự ở đầu giường” v.v… Điển hình như truyện “Ốm vì làm tình”: “…Một trong những dòng chữ tôi thấy thế này: “Om vi lam tinh nguyen vien”.[*] Cô bạn đọc to: “Ốm vì làm tình Nguyễn Viện”. Giời ơi, sao mà sướng thế. Ở một chỗ khác, tôi nhìn thấy dòng chữ: “Khieu nai vi khong duoc lam tinh nguyen vien”.[**] Cô bạn lại đọc to: “Khiếu nại vì không được làm tình Nguyễn Viện”. Rồi cô cười nắc nẻ: “Nguyễn Viện nhà mình già rồi mà vẫn giỏi”.

Những trích dẫn chúng tôi vừa nêu trên, chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong các bài họ đã đăng theo trào lưu, ồ ạt trên Tiền Vệ hiện nay. Khi lục tìm những trích dẫn này, tôi thấy tỉ lệ họ sử dụng hình ảnh làm tình, các bộ phận phụ nữ để nói lên vấn đề chính trị, xã hội đến khoảng 70%. Một con số cho thấy khả năng, khuynh hướng sáng tác của họ bằng hình tượng khác có giới hạn. Mặc dù khó có ai phủ nhận được rằng, những hình ảnh này có thể là một ẩn dụ văn chương, được mượn để nói lên các vấn đề áp bức chính trị, xung đột xã hội và những trăn trở cá nhân trong thời kì (bán) hiện đại. Điều nguy hiểm trong công cuộc đòi hỏi tự do và tạo ra cái mới là các ngòi bút nam trực tiếp hạ nhục phụ nữ qua việc biến họ thành những vật đụ, không hơn không kém.

Bài viết này không quan tâm lắm đến vấn đề đạo đức hoặc những gì liên quan đến tự do cá nhân. Chúng tôi nghĩ rằng, mọi người, kể cả các ngòi bút, đều có quyền “ăn đụ ngủ ị” theo sở thích riêng của họ. Bài này lại càng không quan tâm đến tự do sáng tác, có nghĩa là mọi người hoàn toàn có quyền viết về những gì họ muốn. Điều chúng tôi chống là việc các cây bút nam, đặc biệt những ngòi bút kể trên, duy trì quan niệm miệt thị giới tính, vốn là một biểu hiện của chế độ kì thị phụ nữ. Họ viết để chống lại sự bất công của chế độ, xã hội, xé rào giành quyền cho tự do sáng tác, nhưng lại sử dụng phụ nữ để nâng cao cái Tôi đực tính, lạm dụng tình dục như là motif để chạm đến mục đích của mình. Vì vậy, những tác phẩm này chẳng những không có giá trị về mặt nghệ thuật, không có sức công phá chế độ mà còn bộc lộ sự yếu kém về tư duy, học thuật, sự cân bằng giữa các trào lưu văn hoá, bình quyền trong xã hội. Điều đáng tiếc là trong số các cây bút nam này, có những người được ca ngợi, được mệnh danh là “bước ngoặt”, là “dấu mốc” và có “ảnh hưởng”, đóng góp cho sự thay đổi thơ ca như Nguyễn Quốc Chánh và Đinh Linh mà đa số “tư duy gốc” để sáng tác là biểu hiện đực tính, sử dụng sự đàn áp nữ giới một cách tận cùng, thô bạo để hình thành tác phẩm thì quả là kinh ngạc, khiến chúng ta nên đặt lại câu hỏi: đâu là trình độ, nhận thức tối thiểu để thẩm định giá trị nghệ thuật của các nhà phê bình văn học thời nay đã ca ngợi những cây bút nam này, và đâu là một tác phẩm có sức công phá, đem lại cái mới mà không phải là những tác phẩm phản giá trị vì lỗ hổng kiến thức/ ý thức của các tác giả trên?

Nhưng không chỉ có người viết/người phê bình/người đọc thiếu ý thức, mà một số tạp chí, mạng lưới văn học nghệ thuật điển hình như Tapchitho, Tienve, Hopluu cũng góp phần tích cực vào việc khuyến khích, bênh vực và duy trì cách viết này. Kết quả là trong thời điểm hiện tại, khi nhắc đến những tạp chí này, người ta liên tưởng ngay đến sân chơi dành cho các “đực” vô công rồi nghề, thơ tàng tàng, lôi thôi lếch thếch từ Việt Nam cho đến Mỹ gặp nhau, thể hiện “u sầu, đau đớn” cho dân Việt qua mông, vú, lỗ đàn bà (như Lê Thị Huệ đã viết trên Gió O ngày 8.3.2005, “các trung tâm đàn ông như tienve, tapchitho…”). Và Tiền Vệ, Tạp chí Thơ trong quá trình muốn chứng tỏ mình “tự do hơn ở bển”, đã không ngần ngại bán rẻ tiêu chuẩn mỹ thuật của mình. Qua đó, một sân chơi đầy triển vọng sáng tạo đang trở thành một diễn đàn lố bịch, không nhằm để phát triển văn chương Việt Nam mà lại khuyếch tán chế độ phụ quyền.

Tính đực và sự cổ hủ, chuyên quyền “đực” của Tiền Vệ càng xuất hiện rõ khi vào khoảng đầu tháng 3, để góp thêm minh chứng cho bài viết này, chúng tôi thử dùng một bút danh khác, nhái - giễu lại thơ của Đinh Linh (bài “Chùm thơ vận mệnh” thành “ Một bài thơ vận mệnh/Cô ấy ví von”) [1] , Bùi Chát (bài “Cái lồn què” thành “Qué lồn cài”) [2] , Lê Thị Thấm Vân (bài “Căn phòng 2.2-âm thanh sóng” thành “Tắm hơi 54”) [3] , nhưng xoay ngược nội dung về bình quyền nam-nữ thì BBT hoàn toàn im lặng, không cho đăng, không hồi âm một dòng nào về loạt bài mà Tiền Vệ đã nhận. Chúng tôi thử gửi thêm một email đến Tiền Vệ hỏi về việc có sử dụng những bài này hay không thì vẫn nhận được sự im lặng tuyệt đối. Nên sau đó, chúng tôi rút ra 2 kết luận: một là chúng tôi -những người đọc/viết nữ đã vô tình xúc phạm đến tính đực của “khối cộng đồng đực” BBT Tiền Vệ, hai là đường lối và chủ trương của Tiền Vệ là nơi “tự do, bất chấp địa lí, chính trị” không đúng với sự thật lắm, thuận phe mình thì mới đăng (nội dung càng “bốc” và “dâng hiến” cho phe nam thì càng được đón nhận, miễn đừng có ý bẻ đường lối của Tiền Vệ). Và Tiền Vệ cũng không phải là sân chơi tự do theo đúng nghĩa, không được công bình, cởi mở cho lắm khi nhận thơ copy, thơ nhái lại của nhóm Mở Miệng mà lại không nhận bài nhái, copy của tác giả khác.

Ngay từ bây giờ, chúng tôi yêu cầu các nhà thơ “nam quyền” đừng trấn áp và giơ “dương vật buồn thiu” ấy lên hiếp dâm bạn đọc nữa. “Đụ” và “sục cặc” chưa và sẽ không bao giờ làm ra cái mới. Hãy cho bạn đọc xem sự phong phú và sáng tạo bằng hình thức khác, có nghiên cứu và nhận thức hơn. Đối với chúng tôi, cách khai thác của các ông nhìn qua phương diện văn học lẫn chính trị không những cũ mà còn là một bước lùi, thiếu kiến thức về nam nữ bình quyền để dẫn đến hàng loạt sáng tác hủ lậu.


2. Những “cuộc chơi” dành cho các cây bút nam, nữ từ tháng 2.2005 trên Tạp chí Thơ: Một nền văn học phục vụ cho Đực - Sự thiếu ý thức về văn hoá và nữ quyền của các cây bút nữ

Tạp chí Thơ, ngoài những cây bút nam thường xuyên xuất hiện như Đỗ Kh., Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Vương Văn Quang, Lưu Hy Lạc, Nguyễn Hoàng Nam… lại có nhiều cây bút nữ tham gia và ủng hộ, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Lê Thị Thấm Vân, Trịnh Thanh Thuỷ, Đỗ Lê Anh Đào, Nguyễn Thị Thanh Bình… Bạn đọc vào đây không phải đọc thơ mà chơi… game, trò chơi của họ được đưa ra và điều khiển dưới quyền biên tập của cây bút nam - Đỗ Kh. Các cây bút nữ này chẳng những chơi cho vui mà chơi một cách nhiệt tình bằng cách tự chụp rốn của mình để Tạp chí Thơ bình chọn, cho đăng trong mục dạng “Đố vui có thưởng”. Bạn đọc nếu click con chuột đúng vào rốn của nhà thơ nào, lập tức sẽ hiện lên tên nhà thơ đó, còn nếu không click đúng thì coi như độc giả thua! Lướt qua một số kì báo ngày 1.2.2005, mục Hội chợ Tết - Gian hàng đố vui có thưởngvới một loạt hình chụp mông đít của phụ nữ được trưng bày, và mục Những khung cổng hậu toàn tranh vẽ khỏa thân phụ nữ với nhiều tư thế đứng, cúi, quay lưng, chổng mông của các danh hoạ nổi tiếng như Degas, Monet…, với lời nhập đề “Edouard Degas (1834-1917) nổi danh với các tranh nữ vũ công ballet chưa đến tuổi thành niên nhưng không phải là ông chỉ quan sát ánh sáng trên thiếu nữ mặc váy mà bỏ qua đàn bà chổng mông. Hắt từ cái phần này thân thể đã liệt ông vào trường phái Ấn tượng… mềm, khác với các bạn thiên hơn về hoa cỏ, phong cảnh và nhà thờ, để dành cho Claude Monet ngồi ngắm kỹ giáo đường Rouen sáng trưa chiều rung rinh.”

Mức độ miệt thị và không tôn trọng quyền tự do bình đẳng cho nữ giới càng nặng nề khi loạt ảnh này được trợ giúp bởi một nhóm bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ. Chứng tỏ, cuộc chơi này xem ra công phu, lan rộng với sự giúp đỡ của tầng lớp trí thức khác, nó không đơn giản dừng lại ở dạng “văn gừng văn nghệ” cho vui nữa. Trong Số mùa xuân 28”, với bốn tấm hình, trong đó 3 tấm đã là của các nhà thơ nữ Lê Thị Thấm Vân, Trịnh Thanh Thủy, Thu Thuyên, lời dẫn mục này còn ra vẻ hãnh diện vì đã “vui vẻ mà khoe rốn với thế giới: “Tạp chí Thơ số 28, Mùa Xuân 2005 rồi cũng được hoàn tất. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với các bạn những hình ảnh rốn trong thi ca ở số này trên trang nhà. Sau đây là 4 nhà thơ, không theo thứ tự khi sắp trang, giờ lên mạng theo số trang đã có, vui vẻ khoe rốn cùng thế giới.”

Trò chơi này thực sự là sản phẩm của một lũ người mang danh nhà thơ, nhà văn, trí thức Việt Nam nhưng chẳng những thiếu kiến thức về nghệ thuật trầm trọng, đã lái những hình chụp, tranh ảnh trên mạng, cố tình bẻ một hướng nhìn sai lệch, thiếu văn hoá cho bạn đọc, bắt bạn đọc “nhìn” những món ăn văn hoá của họ theo kiểu trò chơi “rửa mắt” rẻ tiền, không đem lại chút gì thích thú. Hơn nữa, trong cuộc chơi này, các cây bút nữ trong thời đại ngày nay muốn nổi loạn, muốn đem cách nhìn mới và táo bạo cho công cuộc cải cách văn chương và bình quyền cho nữ giới, nhưng tiếc thay, lại đi nhầm đường và tạo ra một tình thế nực cười: thay vì làm nô lệ cho đàn ông kiểu “cổ điển”, nay, sự nô lệ của họ được nâng cấp, đa dạng hơn, được chuẩn bị “trang thiết bị” hiện đại hơn để cho các “đực” tha hồ tâng bốc và khen ngợi. Thậm chí, với những lời dẫn nhập cho “Bóng đè”- Đỗ Hoàng Diệu trên Hợp Lưu số 78, một loạt những bài phê bình như: “Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975” của tác giả Thế Uyên, “Xứ nắng của Lê Thị Thấm Vân” của Hồ Trường An trong Hợp Lưu số 80 vừa rồi, thì “cuộc cách mạng nữ quyền” của các cây bút nữ này thành công trong việc biến mình thành nô lệ một cách ngốc nghếch mà người cầm trịch và hướng dẫn là các cây bút đàn ông.

Dưới đây, có một số hình ảnh mà tôi muốn các nhà phê bình văn học, tác giả nam nữ tôi vừa nêu trên, xem:

Các cô dâu Việt được “trưng bày” ở một Hội chợ Singapore “Hội chợ Tết/Gian hàng đố vui có thưởng”
Tapchitho ngày 1.2.2005
Rốn Lê Thị Thấm Vân, Đỗ Lê Anh Đào, Trịnh Thanh Thủy - Tapchitho số 28, Mùa xuân 2005


Các vị thấy sao về những hình ảnh này? Sự khác biệt và giống nhau? Khi xem bức hình các cô dâu Việt được trưng bày trong nhà kính ở một hội chợ Singapore, mọi người cảm thấy bị xúc phạm, chê trách hoặc thông cảm? Trò chơi “Hội chợ Tết - Gian hàng đố vui có thưởng” trên Tạp chí Thơ vừa rồi có nhiều thức ăn tinh thần và nâng cao dân trí, thể hiện đầy đủ bình quyền nam nữ của những người trí thức hơn việc các cô dâu Việt được trưng bày ở hội chợ Singapore hay không? Đây đúng là một “hội chợ” cho giới nữ thật! Hai bên dường như giống nhau ở khoản tươi cười, hăng hái tham gia. Một bên thì bị dư luận đánh giá là tầng lớp thấp, nghèo, sống trong xã hội độc tài, chuyên chế, không được đến trường lớp, không có điều kiện để “đổi đời” nên chấp nhận chọn cách này để thoát thân. Một bên thì được xem là nhà thơ, nhà văn, già trẻ lớn bé đều có, phụ nữ hiện đại, sống ở nước ngoài, sách in tứ tung, phê bình tứ tán, có điều kiện tiếp xúc những nền văn minh, văn hoá khác nhau, cũng muốn tạo ra cái mới trong công cuộc “cách mạng văn chương” và cũng chơi một cách tự nguyện, “dâng hiến” nhiệt tình gửi hình chụp hai ba lần. Và cũng vì những “giá trị hơn” này, họ càng rơi vào bẫy nhanh hơn, sâu hơn và ngoạn mục hơn của một trí thức kém cỏi và không bản lĩnh.

Chúng tôi luôn ủng hộ những hướng đi mới của các cây bút nữ trong mọi phương diện, mọi đề tài, hình thức. Càng bứt phá càng tốt, càng thể hiện cá tính, tư duy, chính kiến càng có sức thuyết phục người đọc lẫn người trong nghề. Nhưng đừng biến mình thành công cụ ngờ nghệch, dễ dãi và từ cái đà được các bài phê bình của cánh đàn ông khen ngợi, các cô tưởng rằng mình đã được khai sáng và thành công trong cuộc đổi mới. Thử làm một cuộc khảo sát về ý kiển phản hồi từ khi các tác phẩm viết về tình dục này ra đời, có đồng nghiệp nữ nào viết bài phê bình (cả mặt tốt lẫn xấu) cho những tác phẩm này chưa? Số lượng về độc giả nữ nào lên tiếng về cảm giác của họ khi đọc? Hay sự phản hồi từ giới nữ cho các tác phẩm viết về đời sống của chính họ là con số 0? Và tại sao trong trò chơi này, chỉ toàn phe nam (từ độc giả đến nhà phê bình) lên tiếng? Các tác giả nữ có những lí giải gì về sự im lặng của độc giả nữ cũng như đồng nghiệp nữ cho hiện tượng này? Giả sử, nếu các cô thực sự là người đấu tranh, giải phóng phụ nữ theo đúng nghĩa thì các cô đã lên tiếng phản đối những nhận định bóp méo về tình dục mà giới phê bình nam đã viết về tác phẩm của các cô. Vấn đề là ở đây. Chúng ta không thể nhầm lẫn việc các cô các bà phơi rốn phơi mông, đua nhau đăng tải những hình ảnh thụ dâm và đụ điếc trong văn chương của mình là sự “tự do dục tính,” vì cái mà các bà cho là “tự do” chỉ phục vụ cho cái nhìn qua ổ khóa của đực tính.

Trong quá trình tranh đấu nữ quyền trên thế giới, Mỹ và Châu Âu vào những thập niên 60, 70 đã chứng kiến những nỗ lực táo bạo và quyết liệt đấu tranh cho sự tự do dục tính cho phụ nữ, nhưng đó là những khuyến khích tự lực CỦA phụ nữ CHO phụ nữ để trả về cho phụ nữ quyền quyết định và khả năng khám phá cơ thể họ. Đó là lý do tại sao việc cuốn sách Our bodies, Ourselves (Cơ thể chúng ta, Con người chúng ta) do nhóm Boston Women’s Health Collective biên soạn và in ấn vào năm 1972 được xem là mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cho nữ quyền. Nó là một cuốn sách tổng quát, đầy đủ tài liệu khoa học về tâm lý và sinh lý của phụ nữ; ban biên tập của nó là những người phụ nữ hết sức ý thức về việc đấu tranh cho bình quyền, và công việc họ làm là để giúp phụ nữ hiểu thêm về cơ thể họ để họ thoải mái và tự do về nó CHO chính họ, chứ không phải để phụ nữ khỏa thân hay thủ dâm cho đàn ông thỏa cơn thèm. Dù cho các chị có ý định so sánh động tác phơi bày của mình với những biểu hiện cực đoan và táo bạo khác trong phong trào đấu tranh nữ quyền vào thời gian này (như việc đốt áo ngực, tự do phơi bày thể xác, kêu gọi sự tôn vinh xác thịt chẳng hạn), thì sự so sánh này vẫn là sự so sánh sai lầm, vì sự cực đoan của những người đấu tranh nữ quyền của thế hệ trước là một quyết định biểu hiện đòi hỏi tự do TRIỆT ĐỂ cho phụ nữ về thể xác của họ. Nó là sự cực đoan được xây dựng trên một quá trình đấu tranh dài lâu, quyết liệt đến cùng. Đó là một lựa chọn ý thức có tính chất đấu tranh chính trị chứ không chỉ là phản ứng tức thời. Hơn hết, nó không phải là một trò chơi vô ý thức. Và nên nhớ là tất cả những cố gắng khai mở và tìm hiểu về cơ thể và dục tính của phụ nữ trong tranh đấu bình quyền giới tính đều gắn liền với vấn đề luật pháp, giáo dục, kinh tế, chính trị, chính sách y tế, nghệ thuật, v.v. Việc phụ nữ ở Berkeley, California đốt áo ngực và nhóm Boston Women’s Health Collective in sách chỉ là hai mặt trận nhỏ trong phong trào tranh đấu cho nữ quyền.

Nếu chúng ta dùng khung khám chiếu cận đại hơn của thập niên 80, khi “hậu nữ quyền” là một cao trào (thể hiện là Madonna, người đàn bà được xem là “tột bực” của vật chất, hoặc Courtney Love sửa sắc đẹp vì, như cô ta lý luận với ban nhạc của mình, với nét đẹp thị chúng ban nhạc sẽ dễ dàng được đón nhận và bán chạy hơn), thì chúng tôi vẫn không chấp nhận được sự hời hợt của các nhà văn, nhà thơ nữ Việt Nam viết về tình dục hiện nay. Nhận định việc phơi rốn phơi mông và thủ dâm trước đám khán giả đực rựa đang hổn hển trước trang giấy (như các chị đang làm) vẫn chưa phải là thái độ của hậu nữ quyền, vì các chị vẫn chưa đặt cái tôi của mình ở VỊ TRÍ CAO NHẤT. Cho dù nếu đó là hậu nữ quyền đi nữa thì chúng ta vẫn phải đặt lại vấn đề và nghi ngờ mục đích “nữ quyền” của thái độ đó, vì hậu nữ quyền có phải đang tranh đấu cho một ý thức hệ hoàn toàn khác và bình đẳng hay không, hay chúng ta vẫn lẩn quẩn để rồi bị mất dạng trong chế độ đực tính? Câu hỏi chốt yếu của vấn đề là “Nữ quyền cho ai?” Đây là câu hỏi không phải chỉ có riêng chúng tôi, trong thập niên này, muốn và đang hỏi, mà Thanh Tâm Tuyền đã hỏi từ trước 1975. Khi các bà các cô “thời đại” và “nữ quyền” thời ấy đua nhau cắt mắt bơm ngực (kích thước của phụ nữ thời đại ấy là một bản sao của Thẩm Thúy Hằng), một nhà văn nam, với cách viết và suy nghĩ cũng rất đực tính, ở mức độ tối thiểu nào đó vẫn có thể thấy được sự phức tạp của vấn đề này. Hay nói như Nguyễn Hưng Quốc trong bài tiểu luận về phái tính trong văn chương: “Vấn đề chính có lẽ là… một cách vô ý thức, cái đọc (và viết) [4] của phụ nữ cũng bị nam hóa đi: họ đọc (và viết) như là những người đàn ông đọc, cho nên không nhận ra cả những cách nhìn đầy bất công trong đó chính mình là nạn nhân.” [5] Vì thế, việc đấu tranh cho bình quyền không nằm trong giới tính mà nằm trong ý thức của người viết và người đọc. [Ở đây, chúng tôi chỉ chấp nhận giá trị nhận định của Nguyễn Hưng Quốc giới hạn trong bài viết này, vì trên thực tế, nó chưa được ai ủng hộ và phát triển tiếp tục. Cụ thể là nhìn vào đường lối của Tiền Vệ (chủ trương: Nguyễn Hưng Quốc), nhất là trong mục “Tình dục trong văn chương”, thì nhận định này xem ra vẫn chìm vào quên lãng, không có mặt trong những mục đề mà Tiền Vệ đưa ra.]

Nguy hiểm của phản ứng tức thời (của các cây bút nữ đang viết về tình dục) là ở đó: nó không giúp chúng ta tiến tới một ý thức hệ khác mà nó là cái bẫy, là sự lập lại của truyền thống duy dương vật. Đấy là vấn nạn của những nhóm nữ quyền bạo động (hoặc cực đoan phủ nhận hoàn toàn khả năng ý thức về nữ quyền của nam giới), và đấy cũng là vấn nạn của các chị. Cũng như chúng tôi không chấp nhận bạo lực và độc quyền trong công cuộc đấu tranh bình quyền trong xã hội theo xu hướng lý tưởng hoá nữ giới, chúng tôi cũng không chấp nhận những biểu hiện nữ quyền rỗng, vô ý thức, không đóp góp gì cho các nỗ lực cấp tiến mà chỉ là nạn nhân của những thằng đàn ông đang vừa trố mắt đọc thơ truyện của các chị vừa cười (vì thấy nó chưa “ép phê” lắm), hoặc thủ dâm (cho những đoạn các ông thấy “tới”).

Chúng tôi, những người đọc thời nay không chấp nhận giá trị khập khiễng mà các vị (nam lần nữ) đưa ra, và luôn đòi hỏi ở tác phẩm sự cởi mở đúng. Chúng tôi không muốn nhận một nền văn học mà khi tham gia có đầy đủ cả nam lẫn nữ, nhưng giá trị của nó thì chỉ xây dựng và phục vụ cho nam.

02.4.2005


Tài liệu tham khảo:
  1. Humm, Maggie. Modern Feminisms: Political, Literary, Cultural. New York: Columbia University Press, 1992.
  2. Le Gates, Arlene. Making Waves: A History of Feminism in Western Society. Mississauga, Ontario: 1996.
  3. Nicholson, Linda ed. The Second Wave: A reader in Feminist Theory. New York: Routledge, 1997.
  4. Scharf, Lois and Joan M. Jensen, eds. Decades of Discontent: The Women’s Movement, 1920-1940. Westport, CT: Greenwood Press, 1983.
  5. Showalter, Elaine ed. The New Feminist Criticism. New York: Pantheon Books, 1985.
  6. Tong, Rosemarie Putnam. Feminist Thought: A more comprehensive introduction, 2nd ed. Boulder, Colorado: Westview Press, 1998.
  7. Weedon, Chris. Feminist Practice and Poststructuralist Theory. New York: 1987.


© 2005 talawas



[1](Chùm thơ vận mệnh - Đinh Linh)
Một bài thơ vận mệnh/Cô ấy ví von

Thân tôi như quả trứng [úng], cô ấy nói, và thật đúng.
Nó cứng, mịn và tròn như quả trứng (hả?).
Thân tôi như con mực, cô ấy nói, và đấy cũng đúng.
Trắng mờ như sữa [chua], phần dưới tím [bầm], khó nhai và trơn [trườn] trượt.
Thân tôi như một muỗng [dùng để múc] cà rem, như mẩu bánh bông lan [làm cô ấy mắc cổ]. Đấy cũng đúng luôn.

Ôi vận mệnh!
27/2/05

[2](Cái lồn què-Bùi Chát)
Qué Lồn [cài]

Cặc của Chùi Bát chính ra ngày xưa lại là một cái Lồn thơm tho mơn mởn, ú nụ, và có kinh đều đặn. Chuyện là dzầy:

Cách đây không lâu, khi các loài đều chung sống, đối đãi với nhau như bạn bè, riêng Chùi Bát & Lồn là 2 loài ăn chơi đàn đúm & nhậu nhẹt bê tha hơn cả.

Sau, vì luôn chơi xộp với Chùi Bát (bao ăn rượu bia các thứ), Lồn mắc nợ chủ quán một khoản tiền nhậu khá lớn, buộc phải dọn vô ở chung với Chùi Bát. Vì ý thức được mình đang ở nhà bạn, Lồn ra sức làm lụng, giúp đỡ mọi chuyện từ trong [đầu] ra ngoài [đường]: nào cho Chùi Bát cảm hứng đạo thơ đến giúp Chùi Bát hạ bệ thơ...

Một hôm, nhớ các chị em bạn lồn không chịu nổi, Lồn bỏ trốn vài ngày. chính thế mà Chùi Bát hiểu ra: loài đàn bà si mê đắm đuối mình và lũ đàn ông ghen tị với mình, cũng chỉ vì Lồn.

Nghĩ đến đây, Chùi Bát nổi máu chiếm đoạt, muốn giữ Lồn lại bên mình. Từ đó tìm mọi cách giăng bẫy, đánh đập Lồn tàn nhẫn (lý do làm Lồn mất kinh vĩnh viễn), cuối cùng, trong lúc Lồn bất tỉnh, còng luôn ở háng.

Phần sợ bị truy nã, phần đi đứng không tiện. Chùi Bát bỏ công bó Lồn trong háng mình cho đến khi Lồn teo lại thành một viên thịt tí tị. (Có điều khi đánh hơi các chị em khác, Lồn vẫn tươi lên như hoa và nở ra toe toét -- nhìn kĩ không nhỏ hơn 1/3 diện tích nốt ruồi duyên của Cindy Crawford.)

Vậy là bọn trẻ mở miệng nói cũng đúng: cái lồn què & Chùi Bát, nhất định là một.

bình:
thế mới hay chứ

25/2/05

[3](Căn phòng 2.2- âm thanh sóng/ Lê Thị Thấm Vân)
Tắm hơi 54

Khi anh cởi quần lót bên trong phòng tắm
bên ngoài này, em nằm gối đầu lên hai cánh tay mình, mắt ngó đỉnh trần
( nhủ thầm: tắm mau đi cha, hôi như cú)

Khi anh bước vào bồn tắm
mắt em vẫn còn ngó đỉnh trần
( hồi hộp, sợ anh đổi ý)

Khi toàn thân anh ướt đẫm nước vòi sen
em [mới yên tâm] đổi thế nằm, mắt dõi theo ánh nắng ngoài trời, qua mảnh màn hé mở
(Em bắt đầu thủ dâm)

Khi tay anh xoa xoa xà phòng lên tóc
nắng ngoài trời rực sáng
("Tắm kĩ tí nha anh," em không quên hét vô phòng tắm)

Khi tay anh xoa xoa xà phòng lên cổ vai ngực
nắng ngoài trời rực sáng thêm một chút
(Chói quá)

Khi tay anh xoa xoa xà phòng nơi ấy
nắng ngoài trời rực sáng thêm một chút nữa
(Bực ghê, chói khiếp khủng, em với tay đóng cửa màn cái rẹt)

Nơi ấy (cu anh) giờ thì mềm xìu, bé tí, bình thường như vành tai, chóp mũi, khuỷu tay, đầu gối, gót chân... như bất cứ phần nào trên thân thể anh (à không, gót chân anh hơi cứng, lại còn nứt nẻ có ghẻ nữa chứ)

Trước đấy một giờ. Nó (cu anh) cương cứng, nóng hổi, hùng hổ trong miệng em, giữa rãnh ngực em, trên mông em... Nó cố đâm thấu-xuyên-sâu-qua bao lớp da [dầy] thịt để vào được trong em. (Là nó, chẳng thuộc về ai)
Độ nóng làm tim em chảy [mồ hôi]
Độ cứng làm trí em mềm [nhũn]
Độ sâu, rã tan thân xác em [rã tan, tan rã]
(Vậy mà anh nỡ xuất tinh quá sớm, em không thoả mãn, ba chấm (...))

Khi anh bước ra khỏi bồn tắm, lau vội làn da đẫm nước, bên ngoài này, em trở người quay mặt vào vách, [tiếp tục thủ dâm], ngó bức tranh [trần truồng] treo trên tường: màu lam trời chiều, vòm lá sồi vươn lên từ phía sau nóc nhà ngói đỏ, ô cửa sổ rất rộng. “ Đến phiên em tắm”. Anh nói. “Không hề, em tắm tuần trước rồi.” Em nói

54 bức tranh treo trên tường trong 54 căn phòng cùng một chu vi cùng nhốt kín âm thanh sóng. Chấm hết.

27.2.2005

[4]Trong ngoặc kép là từ của chúng tôi.

[5] “Chuyện hiếp dâm và vấn đề phái tính trong văn học Việt Nam”, Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại. Melbourne, 2000.