trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
29.4.2005
Lê Xuân Khoa
Tranh luận về tên gọi cuộc chiến 1955-1975
 1   2 
 
Lời tác giả: Ngày 15.2.2005, đài BBC đưa lên trang mạng bài viết của tôi dưới nhan đề “30 năm gọi tên gì cho cuộc chiến”, được nhiều độc giả trong và ngoài nước tham gia thảo luận. Ngày 15.3, nhật báo Nhân Dân ở Hà Nội đăng một bài của ông Nguyễn Hòa chỉ trích kịch liệt các luận cứ của tôi về cách gọi tên và hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại. Ngày 4.4, tôi gửi e-mail thư và bài trả lời cho báo Nhân Dân yêu cầu tòa báo dành cho tôi quyền trả lời ông Nguyễn Hòa. Hơn ba tuần đã trôi qua, báo Nhân Dân không đăng bài của tôi và cũng không cho biết lý do từ chối. Tôi bắt buộc phải mượn diễn đàn talawas để làm sáng tỏ vấn đề trước dư luận, nhất là đối với độc giả trong nước có thể đã có ấn tượng rất xấu về tôi sau khi đọc bài “Gọi tên cuộc chiến hay xuyên tạc lịch sử?” của ông Nguyễn Hoà trên báo Nhân Dân.

Ðể cho độc giả có đầy đủ tài liệu về cuộc tranh lụận này, tôi xin talawas đăng lại bài viết đầu tiên của tôi với nhan đề nguyên thủy và đầy đủ phần chú thích mà vì kỹ thuật trình bày BBC đã không đưa vào bài trên mạng. Sau đó là bài phản bác trên báo Nhân Dân và bài trả lời của tôi tựa đề “Xuyên tạc sự thật hay Phục hồi sự thật?”.
I.

Lê Xuân Khoa
30 năm sau vẫn còn tranh luận: Chiến tranh của Mỹ hay chiến tranh Việt Nam?

Cuộc chiến 1945-1954 giữa thực dân Pháp và các phong trào kháng chiến giành độc lập của các dân tộc Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào thường được các nhà viết sử gọi chung là chiến tranh Ðông Dương. Ðối với từng quốc gia Ðông Dương, cuộc chiến này còn mang những tên khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa. Chẳng hạn trong trường hợp Việt Nam, đây là chiến tranh giành độc lập, chiến tranh chống đế quốc Pháp hay ngắn gọn hơn, chiến tranh Việt-Pháp. Tất cả những cách gọi tên này đều đúng và không có gì cần phải tranh luận. Khi cuộc chiến 1955-1975 tiếp diễn trên lãnh thổ Ðông Dương được gọi là chiến tranh Ðông Dương lần thứ hai thì cách gọi không sai nhưng nội dung của nó không đơn giản như lần trước, vì thành phần tham chiến và thời gian chiến tranh ở mỗi quốc gia Ðông Dương không giống nhau. Trên chiến trường Ðông Dương, Hoa Kỳ thay thế Pháp nhưng chỉ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam từ 1965 đến 1972 [1] và hỗ trợ những lực lượng chống cộng sản ở Lào và Cam-pu-chia. Ngay cả những cuộc dội bom ở hai quốc gia này cũng không ngoài mục đích chính là ngăn chặn Bắc Việt sử dụng lãnh thổ hai nước láng giềng làm căn cứ tiếp viện cho bộ đội cộng sản ở miền Nam. [2]

Chiến tranh Ðông Dương lần thứ nhất được giải quyết chính thức và toàn bộ bởi Hiệp định Genève 1954 với Việt Nam là trọng điểm. Trong chiến tranh Ðông Dương lần thứ hai, tình trạng ba nước Lào, Việt Nam và Cam-pu-chia đuợc quốc tế giải quyết vào ba thời điểm cách xa nhau: Lào bằng Hiệp định Genève năm 1962, [3] Việt Nam bằng Hiệp định Paris năm 1973, và Cam-pu-chia bằng Hiệp định Paris năm 1991. Mặc dù những đặc tính khác biệt đó, gọi cuộc chiến tranh 1955-1975 là chiến tranh Ðông Dương lần thứ hai cũng vẫn đúng trong ý nghĩa tổng quát của chiến trường.

Trong trường hợp Việt Nam, vấn đề gọi tên cuộc chiến sau hiệp định Genève 1954 đã được tranh cãi dai dẳng cho đến nay, ba mươi năm sau chiến tranh, vẫn chưa đạt được đồng thuận. Những quan điểm bất đồng được xoay quanh nhiều tên gọi: chiến tranh chống cộng, chiến tranh chống Mỹ-Ngụy, nội chiến, chiến tranh của Mỹ, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh ủy nhiệm. Bỏ qua một bên chiến tranh “chống cộng” và “chống Mỹ-Ngụy” chỉ thích hợp trong thời chiến, ở đây chỉ cần thảo luận về bốn tên gọi còn lại thường được tranh cãi nhiều nhất.

Cuộc chiến 1955-1975 ở Việt Nam được gọi là nội chiến vì sau khi đất nước bị chia đôi, chính quyền miền Bắc đã để lại cán bộ, chôn giấu vũ khí và hoạt động bí mật đàng sau các phong trào tranh đấu ở miền Nam; trong khi đó, chính quyền Ngô Ðình Diệm cũng phát động chiến dịch tố cộng sâu rộng và mãnh liệt. Ðảng cộng sản phản công bằng những hành động khủng bố và ám sát các viên chức Việt Nam Cộng Hoà. Ðầu năm 1959 thì miền Bắc bắt đầu mở đường xâm nhập bộ đội và vũ khí vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh và phát động công cuộc đấu tranh vũ trang với phong trào “Ðồng khởi”. Năm 1960, Mặt trận Giải phóng miền Nam ra đời được miền Bắc hỗ trợ kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang ở các tỉnh miền Nam. Năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam càng ngày càng tồi tệ dẫn đến việc Mỹ quyết định đưa quân vào yểm trợ quân đội VNCH nhưng thực tế nắm vai trò chủ động. Ðây là giai đoạn “Mỹ hoá” cuộc chiến cho tới năm 1969 thì chính quyền Nixon trở lại chương trình “Việt Nam hoá” chiến tranh và bắt đầu rút quân về nước. Trận chiến quốc-cộng tiếp tục cho tới khi miền Nam hoàn toàn sụp đổ vào tháng Tư 1975.

Cuộc nội chiến vì lý tưởng khác biệt, cộng sản và không cộng sản, có mầm mống từ những năm cuối thập kỷ 1920 khi Việt Nam Quốc Dân Ðảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu được thành lập năm 1927 và Ðảng Cộng Sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Hong Kong năm 1930. [4] Sự khác biệt ban đầu về chủ trương chỉ trở thành đối nghịch (nhưng chưa giết hại nhau) sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của VNQDÐ bị thất bại năm 1930 và phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh của ÐCSVN bị Pháp dẹp tan năm 1931 khiến những người còn sống sót của hai đảng đều phải bỏ chạy sang Tàu. Vì sống chung dưới chính thể Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, các đảng viên cộng sản Việt Nam đều phải hoạt động âm thầm trong khi các lãnh tụ không cộng sản thì hoạt động công khai với sự giúp đỡ của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng (THQDÐ), một số còn được đào tạo tại trường quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu và lên đến cấp tướng trong quân đội Trung Hoa.

Nhược điểm của các đảng phái quốc gia là không có tổ chức qui củ và đường lối minh bạch, chỉ trông cậy vào sự che chở của THQDÐ để chống Pháp trong khi Trung Hoa dù không ưa Pháp nhưng đang là đồng minh của Pháp chống Nhật ở Ðông Dương. Các lãnh tụ quốc gia lại không đoàn kết được với nhau trong khi không có hoạt động gì đáng kể ở trong nước. Tình trạng đó kéo dài cho đến khi THQDÐ quá thất vọng với các phe nhóm quốc gia nên đã giúp cho Hồ Chí Minh đại diện Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội đưa người về Việt Nam tăng cường hoạt động chống Nhật năm 1944. Nhân dịp này Hồ Chí Minh củng cố được Mặt Trận Việt Minh thành lập từ năm 1941. Cuộc tranh chấp giữa các đảng phái quốc gia và Việt Minh trở thành những cuộc thanh toán đẫm máu giữa đôi bên trong năm 1946 và lực lượng quốc gia đã bị tiêu diệt gần hết trước khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ trên toàn quốc vào cuối năm đó. [5] Việt Minh hoàn toàn lãnh đạo cuộc chiến chống Pháp và cuộc xung đột quốc-cộng chỉ tái diễn chính thức và qui mô sau khi đất nước bị chia đôi và chính thể Việt Nam Cộng Hòa được thành lập ở miền Nam.

Mặc dù cuộc xung đột 20 năm giữa những người Việt Nam cộng sản và không cộng sản đã rõ ràng là một cuộc nội chiến có gốc rễ sâu xa, tên gọi này vẫn không được giới lãnh đạo miền Bắc chấp nhận. Ðể xây dựng và bảo vệ chính nghĩa của mình, nhà nước cộng sản đã gọi cuộc chiến này là chiến tranh chống Mỹ cứu nước hay chiến tranh chống Mỹ-Ngụy. Sau chiến tranh, vì nhu cầu bang giao, thì gọi là chiến tranh của Mỹ hay do Mỹ gây ra (American war), nhất là trong trường hợp sử dụng tiếng Anh. Cách gọi “American war” còn có ngụ ý nhắc nhở lỗi lầm của Hoa Kỳ và phủ nhận cách gọi của người Mỹ là “Vietnam war” (chiến tranh Việt Nam).

Trong một cuộc trao đổi ý kiến gần đây giữa một số học giả quốc tế gồm cả người Mỹ và Mỹ gốc Việt, có người đã dùng tên gọi “American war” để chỉ định cả hai cuộc chiến trong thời gian từ 1945 đến 1975, vì ngoài việc viện trợ và tham chiến trực tiếp trong cuộc chiến lần thứ hai, chính phủ Mỹ đã viện trợ tiền bạc và vũ khí cho Pháp trong suốt cuộc chiến lần thứ nhất. Nhưng nếu đặt tên chiến tranh bằng tên của quốc gia viện trợ thì cũng phải gọi tên cuộc chiến này là chiến tranh của Liên Xô và Trung Quốc vì hai nước này đã viện trợ kinh tế và quân sự rất quan trọng cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. [6] Cũng hiểu theo cách rộng rãi như thế thì cuộc chiến lần thứ hai phải được gọi là chiến tranh của Mỹ và các đồng minh Úc, Tân Tây-Lan, Ðại Hàn, Phi-Luật-Tân và Thái Lan. Bởi vậy không nên đặt tên chiến tranh bằng tên của những quốc gia viện trợ hay dự phần vào cuộc chiến, mặc dù có lý do chính đáng để gọi giai đoạn Mỹ hoá chiến tranh (1965-1972) là “American war”. Cũng nên ghi nhận là Mỹ bắt đầu rút quân từ 1969, và tên gọi “Vietnam war” chỉ có nghĩa là chiến tranh ở Việt Nam chứ không phải là “Vietnamese war” tức là chiến tranh của Việt Nam hay do Việt Nam gây ra.

Ðáng chú ý là phần lớn các tổ chức chính trị trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng không chấp nhận tên gọi cuộc chiến 1955-1975 là “nội chiến”, khẳng định rằng đây là cuộc chiến của dân tộc Việt Nam chống lại chủ nghĩa và chế độ cộng sản độc tài. Như trên đã nói, đây là cách gọi tên theo lập trường chính trị chẳng khác gì phía cộng sản đã gọi đây là cuộc chiến tranh nhân dân chống ngụy quân ngụy quyền. Những tên gọi này chỉ có giá trị nhất định đối với mỗi bên trong những năm đang có chiến tranh mà thôi.

Sau hết, cần bàn về “chiến tranh ủy nhiệm”. Tên gọi này phản ánh một sự thật hoàn toàn khách quan nhưng không một quốc gia tham chiến nào, trực tiếp hay gián tiếp, muốn chấp nhận nó để phải mang tiếng xấu. Gọi là ủy nhiệm vì từ cuộc xung đột về ý thức hệ, hai phe Việt Nam đã bị các cường quốc lãnh đạo hai khối tư bản và cộng sản sử dụng như những công cụ đua tranh thế lực trong thời Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ đã dùng chiến trường Việt Nam để thí nghiệm và tiêu thụ các loại vũ khí kể cả chất độc da cam, trong khi Liên Xô và Trung Quốc đã nhiệt tình giúp đỡ và thúc giục Bắc Việt tận lực hi sinh và chiến đấu trường kỳ. Các quan sát viên quốc tế hồi đó đã có một nhận xét rất đúng về dụng ý của Trung Quốc khi viện trợ cho Việt Nam: “Trung Quốc đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng.”

Quả thật, giải pháp chấm dứt chiến tranh Ðông Dương đều do các nước lớn sắp đặt sẵn với nhau rồi ép buộc đồng minh Việt Nam, cộng sản hay quốc gia, phải chấp thuận. Các nhà ngoại giao Hà Nội tại những phiên họp hậu chiến Việt-Mỹ từ 1995 đến 1998 cũng như các sách vở lịch sử ở Việt Nam đều xác nhận điều này. Cố ngoại trưởng Trần Văn Ðỗ cũng than phiền rằng tại hội nghị Genève 1954, Pháp đã không cho phái đoàn quốc gia biết cuộc thảo luận của các nước lớn về việc chia cắt Việt Nam và ông đã được Phạm Văn Ðồng mời họp riêng để tìm giải pháp giữa hai bên người Việt với nhau nhưng không thực hiện được. [7] Nhờ mâu thuẫn Liên Xô-Trung Quốc, nhờ phong trào phản chiến rầm rộ của dân chúng Mỹ và lợi thế chính trị đặc biệt sau khi Tổng thống Johnson tuyên bố không tái ứng cử năm 1968, Việt Nam cộng sản đã tránh được sự áp đặt của “các nước bạn” trong tiến trình hội nghị “hai phe bốn phái đoàn” ở Paris (1968-1973).

Như vậy, sau khi đã gạn lọc lập trường chính trị của mỗi bên để xác định bản chất thật sự của nó trong lịch sử, cuộc chiến 1955-1975 phải được gọi là một cuộc nội chiến đồng thời là chiến tranh ủy nhiệm. Con dân một nước cùng một dòng giống—thực tế thì hầu như gia đình nào cũng có bà con gần hay xa ở phía bên này hay/và bên kia—đã tàn sát lẫn nhau ít nhất là trong hai mươi năm, vì lý tưởng khác nhau mà không hoàn toàn do mình chủ động. Tổng số người Việt Nam thiệt mạng riêng trong cuộc chiến này, kể cả quân và dân của cả hai bên, lên tới gần bốn triệu người. [8] Riêng bộ đội cộng sản còn có khoảng 300.000 người chưa tìm được xác. Ðất nước và tài sản của dân chúng cả hai miền đều bị chiến tranh tàn phá đến mức độ chưa từng thấy trong lịch sử, cho đến nay vẫn còn những di hại của bom, mìn chưa nổ và chất thuốc khai quang.

Trong chiến tranh ủy nhiệm, phía Việt Nam quốc gia phải chịu sức ép của đồng minh Hoa Kỳ cho tới những ngày chót của hội nghị Paris. Từ 1965, Hoa Kỳ hoàn toàn lãnh đạo cuộc chiến cho tới 1969 mới bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp Việt Nam hoá chiến tranh, nhưng vẫn nắm quyền định đoạt các phương tiện chiến đấu, không theo nhu cầu của giới chỉ huy quân sự Việt Nam. Từ sau hiệp định Paris 1973 thì Quốc Hội Hoa Kỳ lại mạnh tay cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự khiến cho miền Nam phải sụp đổ mau chóng hơn cả kế hoạch dự liệu của các chiến lược gia Hà Nội. Trong khi đó, mặc dù khéo khai thác mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc để được cả hai đồng minh lớn đua nhau viện trợ, Việt Nam cộng sản cũng không tránh khỏi áp lực của mỗi “nước bạn”, nhất là sự kiểm soát và ngăn chặn của Trung Quốc đối với những toan tính ngoại giao độc lập của Việt Nam. Hà Nội dứt khoát đi với Liên Xô khi ký Hiệp ước Hợp tác và Hữu Nghị với Aleksei Kosygin vào tháng Mười Một năm 1978 và gần như hoàn toàn trông cậy vào viện trợ của Liên Xô cho đến khi Mikhail Gorbachev và những chính quyền kế tiếp không còn có mối quan tâm chiến lược ở Việt Nam và khu vực Ðông Nam Á.

Người Việt Nam cộng sản và không cộng sản đều đã có quá nhiều kinh nghiệm về quan hệ hợp tác với các đồng minh của mình để thấy rằng đồng minh nào cũng chỉ ủng hộ một nước bạn chừng nào sự ủng hộ ấy phù hợp với lợi ích riêng của họ chứ không phải vì cùng theo đuổi một lý tưởng chung. Sau chiến tranh, bài học ấy có thể là một động cơ cho phe thắng trận tập hợp được khả năng của toàn dân vào công cuộc tái thiết và phát triển đất nước thời hậu chiến. Nhưng chính sách sai lầm của các nhà lãnh đạo miền Bắc đối với miền Nam đã làm tê liệt những đóng góp quan trọng của một nửa dân số toàn quốc trong mười mấy năm cho đến đầu thập kỷ 1990 mới thực sự chuyển hướng.

Riêng đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhà cầm quyền trong nước đã sớm nhận ra khả năng đóng góp to lớn của tập thể này vào công cuộc phục hồi kinh tế cũng như những tiềm năng trí tuệ có thể đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Thái độ đối với tập thể này thay đổi hẳn, từ việc kết tội người tị nạn là “những kẻ phản bội” đến sự công khai nhìn nhận họ là “một nguồn lực phát triển quan trọng của dân tộc.” Tuy nhiên, trong khi kêu gọi cộng đồng hải ngoại dẹp bỏ quá khứ, hướng tới tương lai để cùng chung sức xây dựng và bảo vệ quê hương, Nhà nước vẫn chỉ ban hành những biện pháp cởi mở hạn chế nhằm đáp ứng lợi ích vật chất nhỏ nhặt mà chưa thật tình hòa giải trong tinh thần bình đẳng. Vì thế những đóng góp chất xám của công dân ngoại quốc gốc Việt chưa vượt qua mức tối thiểu và các phong trào chống đối chính quyền trong các cộng đồng ở hải ngoại vẫn còn rất mạnh.

Lịch sử Việt Nam là một thiên hùng sử của một dân tộc hàng ngàn năm tranh đấu chống ngoại xâm và bảo vệ độc lập cho tổ quốc. Cho đến đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của Tây phương, các đảng phái quốc gia và cộng sản ra đời cũng đều hoạt động chống đế quốc thực dân để giành lại độc lập. Biết bao nhà cách mạng, cộng sản hay không cộng sản, trí thức hay lao động, đã bị chính quyền Pháp bắt bớ, tù đày và sát hại. Chỉ đến khi tranh giành quyền lãnh đạo dân tộc thì hai bên mới lâm vào cảnh huynh đệ tương tàn và bị các nước lớn sử dụng trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Trong cuộc chiến này, phe cộng sản vì nhiều lý do đã thắng phe quốc gia nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ có kẻ thắng trận mới là người yêu nước. Gần đây, một nhà sử học ở Hà Nội đã nhắc đến những nhân vật yêu nước không cộng sản như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, và đã có những nhận định xác đáng: “Chủ nghĩa yêu nước thì khác nhau nhưng lòng yêu nước thì ai cũng có… Tôi nghĩ rằng con người rất phức tạp, hoàn cảnh lịch sử càng phức tạp. Nếu chúng ta không đánh giá lòng yêu nước rạch ròi, chúng ta sẽ ngộ nhận, chúng ta sẽ độc quyền yêu nước.” [9] Ý nghĩ này khiến ta nhớ đến chuyện mấy chục năm trước Hồ Chí Minh đã nhận xét rằng Ngô Ðình Diệm là “một người yêu nước theo cách của ông ấy”. [10]

Ba mươi năm sau chiến tranh, đã đến lúc chính quyền trong nước và cộng đồng hải ngoại cần phải nhận ra thực chất của cuộc chiến, ôn lại những bài học quá khứ và nhìn nhận nhau với những trao đổi bình đẳng hai chiều để có thể cùng góp công xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ, hội nhập thành công vào cộng đồng thế giới và có đủ khả năng đối phó với những đe dọa mới từ phương Bắc. Giữa hai bên, những bước đầu tiên cần phải được thực hiện bởi chính quyền trong nước một cách thật tình và cụ thể. Một khi thiện chí ấy đã được chứng tỏ, cộng đồng hải ngoại cũng cần phải đáp ứng tích cực.

Trở lại vấn đề gọi tên cuộc chiến 1955-1975, để các phe liên hệ có thể vượt lên khỏi những ám ảnh tiêu cực của quá khứ và chấm dứt những cuộc tranh luận do tình cảm chủ quan, cuộc chiến này nên được gọi đơn giản là “chiến tranh Việt Nam” với ý nghĩa khách quan phi chính trị là chiến tranh xảy ra trên đất nước Việt Nam. Nội dung phức tạp của nó sẽ được lịch sử ghi chép một cách đầy đủ và trung thực.

Maryland, Xuân Ất Dậu (2005)


II.

Nguyễn Hoà "Gọi tên cuộc chiến"  hay xuyên tạc sự thật?

Không chỉ sau ba mươi năm, mà ngay cả khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta còn đang diễn ra khốc liệt, đối với giới nghiên cứu ở phương Tây, không phải tác giả nào cũng có thể nhận thức nghiêm túc và đầy đủ về cuộc kháng chiến này.
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam kết thúc đến nay sắp tròn ba mươi năm. Ba mươi năm - một khoảng thời gian khá dài nhưng vẫn chưa đủ để những người quan tâm đến cuộc kháng chiến khám phá và hiểu thêm những điều mới mẻ, nhất là khi "hội chứng Việt Nam" vẫn còn ám ảnh đời sống tinh thần của nhiều người dân nước Mỹ, nhất là khi trên đất nước Việt Nam, hàng chục vạn chiến sĩ đã hy sinh vẫn chưa tìm thấy hài cốt và những vết thương từ thời chiến tranh, những di hại nặng nề của chất độc da cam... vẫn đang đe dọa mạng sống của hàng triệu con người. Ba mươi năm chúng ta chiến đấu vì sự tồn vong của dân tộc. Ba mươi năm chúng ta chiến đấu với khát vọng độc lập, tự do, thống nhất và một nền hòa bình vĩnh viễn cho Tổ quốc. Và không có ý nghĩa nào khác, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã quyết định bản chất chân chính của sự nghiệp cao cả dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ.

Tuy nhiên không chỉ sau ba mươi năm, mà ngay cả khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta còn đang diễn ra khốc liệt, đối với giới nghiên cứu ở phương Tây, không phải tác giả nào cũng có thể nhận thức nghiêm túc và đầy đủ về cuộc kháng chiến. Do nhãn quan chính trị khác nhau, do sự hiểu biết khác nhau, đặc biệt là do ảnh hưởng của hệ thống tuyên truyền một chiều..., mà vẫn có những ý kiến, những công trình nghiên cứu còn chuyển tải trong đó các luận điểm không phản ánh trung thực về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Tôi đã đọc bài viết "Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến?" của GS Lê Xuân Khoa đăng tải trên website của đài BBC ngày 15-2-2005 và đối chiếu với “Lời mở đầu” tập I cuốn sách Việt Nam 1945 - 1995, chiến tranh, tị nạn, bài học lịch sử cũng của tác giả này thì nhận thấy bài viết "Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến?" là sự tóm lược những nội dung cơ bản của cuốn sách mà giáo sư khẳng định "với những sự kiện và nhận định khách quan về hai cuộc chiến tranh trong giai đoạn vừa qua, có thể góp phần đáng kể cho những cuộc thảo luận về các quan hệ giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và chính quyền trong nước".

Thiết nghĩ trong xu thế khép lại quá khứ, hướng về tương lai như hôm nay, nhắc lại quá khứ không phải nhằm khơi dậy lòng hận thù, nhưng khi vấn đề đã được đặt ra thì cần phải được xem xét cẩn trọng. Vì dẫu thế nào thì khảo sát quá khứ một cách nghiêm túc, chúng ta vẫn có thể rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai .


1.

Toát lên từ toàn bộ bài viết "Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến?" là tham vọng đi tìm một tên gọi cho cuộc chiến ở Việt Nam sau năm 1954 của GS Lê Xuân Khoa, và ông đề xuất: "Cuộc chiến này nên được gọi đơn giản là "chiến tranh Việt Nam" với ý nghĩa khách quan phi chính trị là chiến tranh xảy ra trên đất nước Việt Nam".

Ðể đi tới đề xuất trên, và dường như cũng để tỏ ra "khách quan", GS đã khảo sát, phân tích một số tên gọi mà theo ông "đã được tranh cãi dai dẳng cho đến nay, ba mươi năm sau chiến tranh, vẫn chưa đạt được đồng thuận", như: "nội chiến", "chiến tranh của Mỹ", "chiến tranh Việt Nam", "chiến tranh ủy nhiệm". Riêng với hai tên gọi "chiến tranh chống cộng", "chiến tranh chống Mỹ-Ngụy" thì ông khẳng định chúng "chỉ thích hợp trong thời chiến"! Như vậy, trong khi cố gắng định danh một cách "trung tính" về chiến tranh, GS Lê Xuân Khoa đã loại bỏ yếu tố chính trị ra khỏi cuộc chiến, và hiển nhiên qua đó, tính chất chính nghĩa hay phi nghĩa của cuộc chiến tranh đã không có một vai trò, dù thứ yếu, trong nghiên cứu của ông.

Gần hai thế kỷ trước K. Clao-dơ-uýt (1780-1831) coi chiến tranh là công cụ của chính trị, nó nhất định phải mang tính chất chính trị. V.I. Lê-nin (1870-1924), với quan niệm coi chính trị là sự phản ánh tập trung những lợi ích căn bản của giai cấp, đã phát triển luận điểm của Clao-dơ-uýt khi cho rằng: "Chiến tranh chỉ là một sự tiếp tục của chính trị bằng những biện pháp khác (cụ thể bằng bạo lực)" [11] và "chiến tranh chẳng qua chỉ là chính trị từ đầu đến cuối" [12] . Từ những quan niệm trên đây và với một phương pháp luận khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể..., người ta mới có thể tìm hiểu bản chất của một cuộc chiến tranh là gì, từ đó đưa ra một định danh thích đáng; hay nói cách khác, là chỉ có như vậy mới xác lập được các tiền đề lý luận - thực tiễn để xác định một tên gọi có khả năng phản ánh chân xác nhất về bản chất một cuộc chiến tranh.

Từ phương diện này, tôi xin nhận xét rằng, GS Lê Xuân Khoa đã phạm nhiều sai lầm về phương pháp luận, ít nhất cũng là ở chỗ ông đã không nghiên cứu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam từ một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, để qua đó thấy được những yếu tố khách quan - chủ quan nào đã buộc người Việt Nam phải cầm súng vì sự sống còn của Tổ quốc mình.

Ông viết: "Mặc dù cuộc xung đột 20 năm giữa những người Việt Nam cộng sản và không cộng sản đã rõ ràng là một cuộc nội chiến có gốc rễ sâu xa, tên gọi này vẫn không được giới lãnh đạo miền bắc chấp nhận. Ðể xây dựng và bảo vệ chính nghĩa của mình, nhà nước cộng sản đã gọi cuộc chiến này là chiến tranh chống Mỹ, cứu nước hay chiến tranh chống Mỹ-Ngụy", "Gọi là ủy nhiệm vì từ cuộc xung đột về ý thức hệ, hai phe Việt Nam đã bị các cường quốc lãnh đạo hai khối tư bản và cộng sản sử dụng  như những công cụ đua tranh thế lực trong thời Chiến tranh lạnh. Hoa Kỳ đã dùng chiến trường Việt Nam để thí nghiệm và tiêu thụ các loại vũ khí kể cả chất độc da cam, trong khi Liên Xô và Trung Quốc đã nhiệt tình giúp đỡ và thúc  giục Bắc Việt tận lực hy sinh và chiến đấu trường kỳ".

Ông còn lùi xa về lịch sử với một ý kiến khá ngô nghê: "Cuộc nội chiến vì lý tưởng khác biệt, cộng sản và không cộng sản, có mầm mống từ những năm cuối thập kỷ 1920 khi Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu được thành lập năm 1927 và Ðảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Hồng Kông năm 1930".

Phải chăng với ý kiến này, GS Lê Xuân Khoa đã đánh đồng mục tiêu mà Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông theo đuổi  với bản chất "thừa hành" của những người cầm quyền do người Pháp, và sau này là người Mỹ, dựng lên ở miền nam Việt Nam? Viết như giáo sư là xúc phạm vong linh của tiền nhân, vì dẫu thế nào thì tấm gương hy sinh của Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông trong Quốc dân đảng cũng hết sức cao quý và đối lập hoàn toàn với hành động của những kẻ sau này phải sinh tồn dưới cái ô che chở của người Pháp và người Mỹ.


2.

Chúng ta đã biết, đầu thế kỷ 20, ngay cả lúc người Pháp tưởng chừng đã bình định được Việt Nam, thì tinh thần yêu nước vẫn nung nấu trong tâm trí mỗi người dân Việt. Bằng những con đường khác nhau, dưới những hình thức khác nhau, các hoạt động đấu tranh giành độc lập vẫn liên tục được tiến hành, nhưng cuối cùng, sự lựa chọn duy nhất đúng chỉ có được với sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khát vọng của toàn dân tộc và lý tưởng của Ðảng đã phối kết tạo nên một sức mạnh để khi thời cơ đến, chúng ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám, sau đó là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vẫn biết lịch sử không bao giờ lặp lại, nhưng để lý giải được các sự vật - hiện tượng, đôi khi vẫn cần có những giả định về lịch sử, điều đó có thể góp phần làm sáng tỏ các sự kiện đã từng xảy ra trong quá khứ. Hãy thử giả định: sau khi chính quyền nhân dân đã được thành lập trên cả nước vào nửa cuối năm 1945, điều gì sẽ xảy ra nếu người Pháp không quay trở lại xâm lược Việt Nam? Tôi tin rằng ngày ấy, với ý thức dân tộc đã thức tỉnh rất mạnh mẽ, chúng ta hoàn toàn có thể chung tay xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Song tiếc thay, lịch sử lại không có từ "nếu" và không còn  cách nào  khác,  toàn dân  tộc Việt Nam lại buộc phải cầm súng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, thực dân Pháp lập tức xây dựng một bộ máy chính quyền, vừa là công cụ thừa hành, vừa tạo ra "ảo ảnh về quyền tự chủ" trước thế giới.  Nhà nước "thừa hành" ấy không có những nền tảng vật chất - tinh thần xã hội cơ bản, không có một định hướng chính trị cụ thể và do hoàn toàn phải đeo bám vào bầu sữa  của "mẫu quốc" nên nó èo uột, người  đứng đầu nhanh chóng bị thay thế nếu không đáp ứng được nhiệm vụ do các ông chủ giao cho. Trong hoàn cảnh đó, sẽ là hài hước nếu cho rằng chính quyền thừa hành nói trên lại được xây dựng trên cơ sở một "ý thức hệ".

Tình trạng này cũng lặp lại với chính quyền Việt Nam Cộng hòa, bởi nó được dựng lên từ bàn tay của giới cầm quyền Mỹ, khi họ nhận thức được rằng nếu các điều khoản của Hiệp định Geneva (1954) được thực hiện nghiêm túc thì không chỉ người Pháp, mà chính người Mỹ cũng không xơ múi được gì. Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, thông qua bộ máy do họ dựng lên, đế quốc Mỹ từng bước vừa thâu tóm quyền lực vào tay mình, vừa nhanh chóng loại bỏ ảnh hưởng còn lại của thực dân Pháp.

Và cũng như trước đây, sự sống còn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng hoàn toàn lệ thuộc vào người Mỹ mà bằng chứng là ngay đầu những năm 60 của thế kỷ 20, nó đã rệu rã đến mức không có khả năng chống lại phong trào giải phóng, buộc Mỹ phải lộ diện với một đạo quân viễn chinh khổng lồ và những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ. Vũ khí Mỹ, đô-la Mỹ, hàng hóa Mỹ đã nuôi sống một bộ máy chính quyền trong vài chục năm, và cuối cùng, nó không thể tránh khỏi sự sụp đổ tất yếu.

Một chính quyền không có một "căn cốt tinh thần", một chính quyền như GS Lê Xuân Khoa phải thừa nhận: "Từ sau Hiệp định Paris 1973 thì Quốc hội Hoa Kỳ lại mạnh tay cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự khiến cho miền Nam phải sụp đổ mau chóng hơn cả kế hoạch dự liệu của các chiến lược gia Hà Nội" thì lấy đâu ra một "ý thức hệ" để ông có thể đặt nó trong tư thế đối lập với một phong trào giải phóng dân tộc được dẫn dắt bởi một lý tưởng cách mạng, chân chính, với hàng triệu người sẵn sàng đổ máu vì nền độc lập, vì quyền tự chủ.

Tôi nghĩ, dù GS Lê Xuân Khoa, hay bất cứ ai đó, có ý định trang trí cho chính quyền miền Nam cũ một "ý thức hệ" thì cũng chỉ là một cố gắng bất khả, như một người nào đó có tham vọng thổi "linh hồn" vào một pho tượng đất.


3.

Không chỉ dựng lên một đối lập giả tạo về ý thức hệ để biện minh cho một chính quyền tồn tại trong vai trò chỉ là "phương tiện" trong tay giới cầm quyền Mỹ, GS Lê Xuân Khoa còn dành nhiều chữ nghĩa để luận giải về cái gọi là "chiến tranh ủy nhiệm" mà ông cho rằng "tên gọi này phản ánh một sự thật hoàn toàn khách quan nhưng không một quốc gia tham chiến nào, trực tiếp hay gián tiếp, muốn chấp nhận nó để phải mang tiếng xấu". Nghĩa là ông muốn đi xa hơn, bằng cách "gán" cho phong trào giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản cái "bản chất thừa hành" như của chính quyền Việt Nam Cộng hòa mà ông từng nhận xét: "Trong chiến tranh ủy nhiệm, phía Việt Nam quốc gia phải chịu sức ép của đồng minh Hoa Kỳ cho tới những ngày chót của Hội nghị Paris.

Từ 1965, Hoa Kỳ hoàn toàn lãnh đạo cuộc chiến cho tới 1969 mới bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp Việt Nam hóa chiến tranh, nhưng vẫn nắm quyền định đoạt các phương tiện chiến đấu, không theo nhu cầu của giới chỉ huy  quân sự Việt Nam". Về vấn đề này, trong “Lời giới thiệu” (đd), GS còn đưa ra một nhận định khôi hài hơn: Cuộc chiến hai mươi năm ở Việt Nam vừa là nội chiến vừa là chiến tranh ủy nhiệm mà rốt cuộc là "tất cả mọi phe đều thua".

Hóa ra, nền độc lập và sự kiện sau ba mươi năm giang sơn thống nhất về một mối, dưới con mắt của GS Lê Xuân Khoa lại không có ý nghĩa gì vì với ông, đó là một thất bại. Qua đây, tôi có thể đặt câu hỏi rằng phải chăng giáo sư lại mong muốn Tổ quốc Việt Nam - nơi ông đã sinh ra, lại mãi mãi bị chia cắt, mãi mãi phải quằn quại dưới gót giày ngoại bang?

Thiết nghĩ, dường như với GS Lê Xuân Khoa, việc trang trí cho chính quyền miền Nam trước đây nhãn hiệu đại diện cho một "ý thức hệ" vẫn còn chưa đủ, với hai chữ "ủy nhiệm", ông cố gắng đánh đồng sự tồn tại của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với một chính quyền mà sự ra đời và tồn tại của nó chỉ là một thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân mới. Và đáng ngạc nhiên hơn, từ sự lạnh lùng của các con số liên quan đến viện trợ, giáo sư đi đến chỗ quả quyết "hai phe Việt Nam đã bị các cường quốc lãnh đạo hai khối tư bản và cộng sản sử dụng như những công cụ đua tranh thế lực"!

Thực tế cho thấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi về tinh thần, sự giúp đỡ to lớn về vật chất của các lực lượng tiến bộ, yêu hòa bình trên thế giới, nhất là của Liên Xô, Trung Quốc, cùng các nước xã hội chủ nghĩa khác. Chúng ta chân thành cảm ơn và không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ đó, tuy nhiên vẫn cần khẳng định yếu tố quyết định, dẫn đến thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chính là sức mạnh vật chất - tinh thần của phong trào giải phóng dân tộc chân chính dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Và thực tế cũng cho thấy, hơn 200 tỷ USD (theo thời giá hiện tại là hơn 600 tỷ USD) mà người Mỹ đã chi phí để nuôi sống bộ máy chính quyền cùng quân đội tay sai trong hơn 20 năm là một con số vượt trội gấp nhiều lần so với viện trợ mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, cùng đồng bào yêu nước ở hai miền Nam - Bắc nhận được trong những năm chiến tranh. Chẳng lẽ con số đó không gợi lên trong GS Lê Xuân Khoa một sự cân nhắc trước khi ông đưa ra kết luận?

Song vấn đề ở đây không chỉ là các con số liên quan đến viện trợ. Ðiều muốn nói là sau khi dựng lên một chính quyền mang "bản chất thừa hành" và chỉ sau một thời gian, chính quyền đó đã lộ rõ sự bất lực trước phong trào giải phóng, không còn cách nào khác, đế quốc Mỹ phải chính thức nhập cuộc, phải tham gia vào cuộc chiến với sự có mặt lúc cao nhất tới hơn nửa triệu quân nhân, với pháo tầm xa 175 ly và xe tăng M41, xe lội nước M113..., với hàng ngàn chiếc máy bay từ F4 -con ma, F105-thần sấm đến F111, pháo đài bay B52... Nhìn chung, sự huy động đến mức tối đa sức mạnh của quân đội Mỹ lúc bấy giờ vào chiến trường miền nam kết hợp với các cuộc ném bom rải thảm với cuồng vọng đẩy miền bắc vào "thời kỳ đồ đá"... đã cho thấy sự có mặt của người Mỹ ở Việt Nam giai đoạn 1954-1975 thực chất là một cuộc chiến trong xâm lược. Ðế quốc Mỹ đã không "ủy nhiệm" cho ai cả, chúng trực tiếp nhập cuộc. Bom Mỹ từ máy bay Mỹ, do người Mỹ lái đã giội xuống hầu hết các phố phường, làng mạc, trường học Việt Nam... Xe tăng Mỹ, do người Mỹ lái, đã cày nát không biết bao nhiêu cánh đồng và thôn xóm Việt Nam... Rồi nữa là con số gần sáu vạn quân nhân Mỹ chết trận cùng những sự kiện như Mỹ Lai chẳng hạn, chẳng lẽ lại không có tác động gì tới nghiên cứu của GS Lê Xuân Khoa?

Ðối lập với thực tế ấy, những người yêu nước ở cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam đã bền chí dù phải vét đến cân gạo cuối cùng, tiễn đến người con cuối cùng ra trận cũng cam lòng để giành thắng lợi... Không có sức mạnh của lý tưởng, không có sức mạnh của lòng yêu nước thì bao nhiêu tỷ USD, bao nhiêu triệu tấn súng đạn cũng không thể giúp hàng triệu con người dám hy sinh thân mình cho sự thống nhất của Tổ quốc.

Kẻ viết bài này sinh ra vài năm sau khi Hiệp định Geneva (1954) ký kết và hòa bình trở lại với một nửa miền Bắc. Tôi từng tiễn chân lớp lớp đàn anh của mình ra chiến trường và trong đó nhiều người đã không trở về. Tôi cũng "nếm đủ" những khó khăn gian khổ của miền bắc trong những năm "tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền nam ruột thịt". Mười năm học phổ thông là mười năm sơ tán, đi học ở mười một trường khác nhau. Tôi đã chứng kiến những loạt bom Mỹ giết chết hàng trăm y sinh của Bệnh viện Yên Bái năm 1965, đã có mặt ở Hà Nội trong trận quyết chiến "Ðiện Biên Phủ trên không" năm 1972... và đã hiểu thế nào là "nhà tan cửa nát". Ðến tuổi trưởng thành, tôi cùng bạn bè của mình lại tự giác ra trận. Không có ai "ủy nhiệm", mà chỉ có lòng yêu nước, lòng tự trọng của con người. Chính vì thế, dù không muốn đặt lại với giáo sư câu hỏi của một bạn đọc đã gửi tới ông trong cuộc thảo luận về bài “Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến?” rằng: "Thưa ngài giáo sư Lê Xuân Khoa, vậy chứ khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam từ 1955-1975, ngài giáo sư đã sống và làm gì ở đâu vậy?", nhưng quả thật tôi đã thấy như bị xúc phạm bởi ý nguyện chính đáng về vận mệnh của Tổ quốc Việt Nam, của hàng triệu con người lại bị ông gán cho một động cơ thấp kém đến vậy.

Còn đáng phê phán hơn, khi bàn tới lòng yêu nước, giáo sư đưa ra một quan niệm khá mơ hồ: "Trong cuộc chiến này, phe cộng sản vì nhiều lý do đã thắng phe quốc gia nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ có kẻ thắng trận mới là người yêu nước". Lòng yêu nước là tài sản chung quý giá của mọi người Việt Nam, không ai có thể "độc quyền" lòng yêu nước. Song thiết nghĩ, lòng yêu nước chỉ thật sự là lòng yêu nước khi nó chi phối sự hình thành trong mỗi người một lòng tự tôn, biết  hành động vì lợi ích đất nước, không làm bất cứ điều gì gây tổn hại tới danh dự, quyền lợi của đất nước... Xét trên phương diện đó, giáo sư đã xóa nhòa ranh giới giữa lòng yêu nước chân chính của nhân dân ta với những kẻ đã bán rẻ đất nước, phục vụ quyền lợi và mưu đồ của ngoại bang.

Cuối cùng, dù quan niệm về "dân chủ" của tôi và giáo sư có thể khác nhau, dù rất tôn trọng mong muốn của giáo sư: "đã đến lúc chính quyền trong nước và cộng đồng hải ngoại cần phải nhận ra thực chất của cuộc chiến, ôn lại những bài học quá khứ và nhìn nhận nhau với những trao đổi bình đẳng hai chiều để có thể cùng góp công xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ, hội nhập thành công vào cộng đồng thế giới", tôi vẫn muốn được gửi tới ông một góp ý chân thành rằng, mong muốn của giáo sư sẽ chỉ có giá trị nếu kết quả nghiên cứu của ông xuất phát từ một phương pháp luận khoa học, tôn trọng sự thật, với những khảo chứng khách quan, lịch sử, cụ thể, toàn diện... Còn nếu không, nghiên cứu đó xét đến cùng, sẽ chỉ là lẩn tránh, xuyên tạc sự thật, biện hộ cho các luận điệu của những kẻ đã và đang rắp tâm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phá hoại quá trình hòa hợp của người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước khi cùng hướng tới một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" mà thôi!

2-2005




[1]Thời gian “Mỹ hoá chiến tranh” thường được tính từ khi Hoa Kỳ bắt đầu đưa quân chiến đấu vào Việt Nam năm 1965 cho tới khi hiệp định Paris được ký kết năm 1973, nhưng thực tế thì Hoa Kỳ bắt đầu rút quân từ tháng Bảy 1969 và tiếp tục cho đến khi toán quân cuối cùng về nước vào tháng Tám 1972.
[2]Ngoại trừ một cuộc xâm nhập ngắn hạn của 32.000 quân Mỹ tại vùng biên giới Việt-Campuchia (tháng Sáu, 1970) để giúp VNCH phá hủy các căn cứ hậu cần của quân đội Bắc Việt và MTGPMN.
[3]Chính phủ liên hiệp trung lập Lào thành lập theo hiệp định này bị khủng hoảng liên tiếp cho đến tháng Mười Hai 1975 thì hoàn toàn nằm trong tay cộng sản Pathet Lao. Vương quốc Lào bị thay thế bằng Dân chủ Cộng hòa Nhân Dân Lào. Vua Savang Vatthana được phong làm cố vấn cho chủ tịch nước, nhưng sau đó bị đưa đi học tập cải tạo và năm 1978 thì chết ở trong trại cùng với hoàng hậu và con trai lớn.
[4]Ðảng CSVN là sự kết hợp của Ðông Dương Cộng Sản Ðảng, An Nam Cộng Sản Ðảng và Ðông Dương Cộng Sản Liên Ðoàn cùng ra đời năm 1929 ở Trung Hoa.
[5]Về tình hình hoạt động của các đảng phái Việt Nam ở Trung Hoa thời đệ nhị Thế chiến và cuộc tranh giành chính quyền năm 1945 đưa tới tàn sát đẫm máu năm 1946, xin xem Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử của Lê Xuân Khoa, Tiên Rồng xuất bản, 2004, chương 1.
[6]“Khi chiến tranh gia tăng cường độ, mức viện trợ của Liên Xô cũng tăng theo cho tới mức 80 phần trăm tổng số quân viện cho VNDCCH.” (Spencer C. Tucker, ed., The Encyclopedia of the Vietnam War, New York: Oxford University Press, 2000, tr. 415)
[7]Trên đường đi dự hội nghị Genève về tị nạn Ðông Dương tháng Bảy 1989, tôi ghé Paris và được giáo sư Vũ Quốc Thúc cho biết cựu ngoại trưởng Trần Văn Ðỗ muốn gặp tôi để nhắn nhủ. Khi giáo sư Thúc đưa tôi tới thăm, cựu Ngoại trưởng kể lại chuyện gặp ông Phạm Văn Ðồng ở Genève 1954 và khuyên tôi khi sang Genève phải tìm gặp trưởng phái đoàn Hà Nội để thăm dò khả năng giải quyết vấn đề tị nạn giữa người Việt Nam với nhau thay vì phải chịu một giải pháp do Hoa Kỳ và các nước lớn áp đặt. Thấy tôi ngần ngại tiếp xúc với đại diện cộng sản, cựu ngoại trưởng nói: “Nếu có bị ai chỉ trích thì ông cứ nói rằng chính tôi thúc giục ông làm chuyện này.” Tại Genève, tôi nhờ Eric Schwartz, giám đốc Á châu của Hội đồng An ninh Quốc gia và là thành viên của phái đoàn Mỹ, thu xếp cho tôi gặp phái đoàn Việt Nam do Nguyễn Cơ Thạch cầm đầu, nhưng lúc đó ông Thạch từ chối.
[8]Spencer C. Tucker, ed., op. cit., tr. 64.
[9]Dương Trung Quốc, tổng biên tập tạp chí lịch sử Xưa Nay, không phải là đảng viên cộng sản và được bầu làm dân biểu quốc hội. Lời phát biểu này được ghi trong cuộc thảo luận “Bàn tròn Trực tuyến” trên Vietnamnet (www.vnn.vn) ngày 3/2/2004.
[10]Theo lời kể lại của Ramchundur Goburdhun, Chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến, sau khi gặp Hồ Chí Minh trong vai trò trung gian bí mật giữa hai nhà lãnh đạo Bắc Nam năm 1963. Hồ Chí Minh còn nhận xét thêm rằng Ngô Ðình Diệm với cá tính độc lập rất khó hợp tác với Mỹ vì Mỹ muốn kiểm soát mọi chuyện. Ông Hồ còn nhắn Goburdhun: “Khi nào gặp ông Diệm thì bắt tay ông ta giùm tôi.” (Ellen J. Hammer, A Death in November, New York: E.P. Dutton, 1987, p. 222).
[11]V.I. Lê-nin, Toàn tập, tập 26, bản tiếng Việt, NXB Tiến bộ, M. 1981, tr.276.
[12]V.I. Lê-nin, Toàn tập, tập 32, bản tiếng Việt, NXB Tiến bộ, M. 1981, tr.32.