trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
20.7.2005
Hoàng Tiến
Đã đến lúc không thể làm ngơ được nữa
 
Khi nhận được bài viết sau đây của nhà văn Hoàng Tiến, ý thức rõ về tác động khó có thể đánh giá hết của nó, nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của những lời phê bình mà nó dành cho tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một trong những trí thức bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất tại Việt Nam hiện nay, chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với nhà văn Hoàng Tiến qua điện thoại. Ngoài việc khẳng định một lần nữa tất cả các nội dung được đề cập trong bài viết, ông Hoàng Tiến cũng bày tỏ mong muốn được thẳng thắn đối thoại và tranh luận với ông Nguyễn Thanh Giang trước công luận. Những nhân vật được nhắc đến trong bài đều là những nhân vật của công luận, tự mình có đủ tư cách là những nhân chứng thời cuộc.

Muốn hay không, bài viết này cho thấy một phần hiện thực và một số vấn đề của phong trào dân chủ và bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Trong tinh thần này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà văn Hoàng Tiến.
talawas
Gần đây có một bài viết gửi anh em dân chủ trong nước ký tên nặc danh là Sông Lam, chê trách ông Hoàng Minh Chính tự ý chọn ông Trần Khuê làm người đại diện cho phong trào dân chủ. Xin trích nguyên văn:

Anh em dân chủ có xôn xao và rất bất bình trước việc anh Hoàng Minh Chính tự ý chọn anh Trần Khuê làm người đại diện cho toàn bộ anh em ở trong nước. Cá nhân tôi cũng rất phân vân không biết ứng xử như thế nào về vẫn đề này”.

Ðoạn về ông Trần Khuê, thư nặc danh viết:

“Tôi dám chắc, anh Trần Khuê cũng không đồng ý việc làm này của anh Chính. Anh Khuê đã nhiều lần tâm sự với mọi người rằng: kinh nghiệm hoạt động của anh không nhiều, uy tín ảnh hưởng cũng chưa lớn, nên chỉ nhận làm thành viên tích cực của phong trào. Anh Khuê cũng một số lần bàn với anh em về việc tìm người thay anh Chính, nhưng chưa bao giờ anh Khuê dám nhận trách nhiệm này về mình”.

Lối viết hai mặt này chắc chúng ta đã nhận ra là ai.

Xin hỏi, anh em dân chủ rất bất bình là những anh em nào? Trong 10 nhà dân chủ mà bài viết nêu tên (Hoàng Minh Chính, Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Trần Khuê, Bùi Minh Quốc, Vũ Cao Quận, Ðỗ Nam Hải) chỉ có một người bất bình mà thôi. Người đó là ai đã lộ ra rồi. Mà giỏi lắm thì có thể kéo theo được một người nữa, vì nể nang mà phụ hoạ. Còn 8 người, nào có ai bất bình gì, tất cả đều đồng tình và hoan nghênh người dũng cảm đứng ra thay mặt anh em lúc này.

Có thể cụ Hoàng Minh Chính, nằm bệnh viện cấp cứu, trong cơn hiểm nghèo, anh em đến thăm, cụ đã có những lời tâm sự giối giăng với mọi người. Và ông Trần Khuê trở về Nam, đã làm theo lời cụ Chính. Không có gì đáng gây xôn xao và bất bình hết. Tình hình đến lúc nên làm như vậy.

Việc này cũng không phải là mới. Vì cách đây 5 năm (năm 2001) trong một kiến nghị tập thể gửi lãnh đạo Ðảng và Nhà nước về tình hình biên giới, về nạn tham nhũng (cả ông Nguyễn Thanh Giang ký) có đề xuất, để tiện việc liên hệ trao đổi, thì trong Nam ông Trần Khuê làm đại diện, và ngoài Bắc ông Phạm Quế Dương làm đại diện. Hai người đều ghi tên họ, chức danh, chỗ ở rõ ràng.

Vậy thì ông Trần Khuê tuyên bố là phát ngôn viên của phong trào, đâu chỉ do một mình cụ Chính độc tài chỉ định. Toàn bộ những người ký trong lá đơn tập thể năm 2001 đã đồng tình đề cử như thế.

Lá thư nặc danh tỏ ra ý chê bai ông Khuê không đủ tài đủ sức, nào là kinh nghiệm hoạt động không nhiều, nào là uy tín ảnh hưởng chưa lớn, lại gây sự mâu thuẫn giữa ông Khuê và ông Chính bằng câu: “Anh Khuê cũng một số lần bàn với anh em về việc tìm người thay anh Chính, nhưng chưa bao giờ dám nhận trách nhiệm này về mình”.

Lối viết rất nham hiểm, khiến ta càng nhận ra nó là ai. Dựng đứng ra những chuyện không nói có.

Theo mạch thư nặc danh ta hiểu ý ngầm nhưng không dám nói ra là người đại diện cho phong trào hẳn phải là ông Nguyễn Thanh Giang. Và chính ông Giang viết lá thư này. Nhưng không dám ký thật tên mình. Tại sao? Có điều gì bất minh mà ngại ngần, thiếu thẳng thắn?

Vậy ông Nguyễn Thanh Giang là người thế nào?

Hãy đọc những bài viết của ông Giang từ khi tham gia phong trào dân chủ. Bài nào cũng có đoạn hoặc có câu ông ấy nói về mình, đề cao mình. Ông Giang còn viết cả những bài tự khen mình nhưng ký tên người khác. Bài viết một năm ông Trần Ðộ mất, chỉ nhằm một cái đích giới thiệu với bạn đọc, ông Giang là người ông Trần Ðộ tin cậy nhất, người thân cận nhất của ông Trần Ðộ, người ông Trần Ðộ muốn giối giăng những điều bí mật, nhưng không nói được nữa, vì cổ họng bị chọc lỗ để thở ôxy.

Sự thật không phải thế. Ðiều này chúng tôi biết rõ. Ông Giang in tập Suy tư và ước vọng có biếu ông Trần Ðộ và đề nghị ông Ðộ viết bài cảm tưởng. Ông Ðộ không viết, ông tâm sự với chúng tôi: “Hai phần ba tập sách là cậu ấy ca ngợi cậu ấy. Tôi còn biết viết gì nữa”. Ông Trần Ðộ có lần nói với Vũ Huy Cương và tôi: “Cái cậu này (tức Nguyễn Thanh Giang) bấp bênh lắm. Khi hăng khi xịt. Biết thế liệu mà giúp nhau”.

Khi ông Trần Ðộ còn sống, Thanh Giang từng chê ông Ðộ mất tinh thần (lúc bị công an bao vây chỗ ở và lấy mất bản thảo), Thanh Giang phải đến lên dây cót mấy lần mới vực lên được. Tôi nghe đến lần thứ 3 thì phải nói thẳng với ông Giang rằng: “Những người tham gia cách mạng lâu đời như ông Trần Ðộ, từng làm chính ủy Sư đoàn rồi chính ủy Miền, không dễ gì mất tinh thần đâu. Lúc nào người ta cần làm gì, cần nói gì, thì người ta mới làm mới nói, đâu phải vì anh lên dây cót. Anh nói thế là xúc phạm đến người ta đấy”.

Tôi đánh giá Thanh Giang là con người thông minh, lập luận sắc sảo, có hiểu biết, nhưng háo danh, cá nhân chủ nghĩa, và tham gia phong trào với tính cơ hội nặng.

Người cơ hội thì làm gì cũng tính lợi cho mình trước. Thấy tình hình thuận lợi thì nhảy ra đấu tranh dân chủ, để được tiếng là cấp tiến, là hàng đầu. Nhưng tình thế gay cấn thì cũng cơ hội tìm cách thoát thân. Thanh Giang bị bắt giam 2 tháng, hoang mang đến mức định tự tử trong nhà giam. Dẫn đến viết bản thú tội 11 trang ngày 5-5-1999, cứ tưởng những bí mật này không ai biết.

Ðược tha về, sau rồi được biết trong thời gian bị tạm giam, dư luận trong nước và nhất là nước ngoài ủng hộ ông Giang rất nhiều, biểu tình phản đối khắp nơi, ông Giang lại hoắng lên thách đố công an bắt giam lần nữa. “Tôi thách họ đấy. Họ bắt giam tôi nữa là tôi được Nobel.” Rồi tự cho mình là ngọn cờ dân chủ sau khi ông Ðộ mất. Còn ông Chính thì già rồi, xơ cứng, lỗi thời, những ý nào ông Chính nói nghe được là do ông Giang gà cho cả. Tiếng nói của ông Giang có trọng lượng lớn, có uy tín lớn với ngoài nước và trong nước. Hoắng lên như thế thì công an mới tung cái bản thú tội trong nhà giam của Thanh Giang lên mạng Internet cho thiên hạ đều biết. Nghĩa là công an bóc mẽ Thanh Giang về nhân cách, tử hình Thanh Giang về tinh thần. Mà ông Giang không dám phản ứng gì.

Quả vậy, bản nhận tội của Thanh Giang đã mang tính phản bội (phản bội lại ý tưởng của mình), lộ rõ đầu hàng. Ai muốn tìm hiểu có thể vào mạng mà xem, hoặc đến chỗ tôi xin cung cấp. Phải nói công an đã chơi một đòn quá ác, tung lên mạng bản viết tay của Thanh Giang, có chữ ký của Thanh Giang, nghĩa là không thể chối cãi được.

Tính háo danh lộ rõ trong 3 ngày ăn khao nhận bằng viện sĩ New York. (Có mời tôi, nhưng tôi không dự.) Sau này đi đâu cũng xưng cái danh hiệu viện sĩ tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Anh em Việt kiều nhắn về bảo đừng xưng viện sĩ New York, đối với bên ngoài chỉ thành một trò cười. Cứ đóng 100 đôla là được một chứng chỉ hội viên Hội hàn lâm khoa học New York. Không cần bảo vệ luận án khoa học chi chi cả. Nó không phải là một tổ chức nghiên cứu khoa học. Nó thoả mãn tính háo danh của con người. Góp ý, thì Thanh Giang cho rằng anh em ghen tức với tấm bằng viện sĩ của ông ta. Có vài nhà khoa học Việt Nam cũng vì hiếu danh, mắc lầm như thế chứ không phải mình ông Giang. Nhưng vì ăn 3 ngày khao nên ông Giang thành chuyện.

Cái xấu tính của Thanh Giang là lối ứng xử hai mặt. Viết về ông Phạm Quế Dương thì đoạn trên là khen đoạn dưới là chê. Chê ông Dương đả kích lung tung. Ai nỡ lòng nào lại đưa cả tổng bí thư Nông Ðức Mạnh ra bêu riếu: Ðức nông mà mạnh cũng nông v.v... Chúng ta phải thông cảm với các đồng chí lãnh đạo. Nếu ta ở địa vị các đồng chí ấy thì ta cũng làm như các đồng chí ấy thôi. (Vậy thì đấu tranh để làm gì? Ghen tỵ quyền lực ư?)

Công an bắt ông Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê vì làm đơn xin thành lập Hội chống tham nhũng lên xét hỏi 3 ngày, thì ông Giang vội tuyên bố: Tôi không tham gia Hội chống tham nhũng, thấy không cần thiết phải làm như thế.

Ðến khi công an đại khủng bố bắt các ông Phạm Quế Dương, Trần Khuê rồi đến ông Trần Dũng Tiến (và trước đấy là các bạn trẻ Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình) và tung tin sẽ còn bắt nhiều người nữa, danh sách lên đến 19 người. Ông Giang không những không lên tiếng phản đối (nhất là khi ông Trần Dũng Tiến bị bắt, tôi có giục ông Giang đến ba lần, nhưng ông Giang lờ đi) mà ông Giang còn lén lên Sở Công an xin gặp giám đốc Phạm Chuyên. Giám đốc Sở Công an không cho gặp. Chỉ cho cán bộ của Sở tên là Hùng xuống gặp mà thôi. Họ thừa biết tâm lý ông Giang lúc ấy thế nào. Tìm cơ hội thoát thân cho mình.

Lấy ngay lá thư nặc danh ký tên Sông Lam gửi anh em dân chủ vừa đây, vẫn dùng lối hai mặt ấy. Một mặt bật đèn xanh vẽ đường cho chính quyền đàn áp phong trào, mặt khác như muốn nói với chính quyền có bắt xin đừng bắt tôi, vì tôi không có tán thành việc làm này. “Việc làm này rất nguy hại, vì có thể chính quyền lấy đây làm cơ sở cho rằng chúng ta có tổ chức và họ sẽ thực hiện một số biện pháp cứng rắn, không có lợi, trong khi tình hình như thế nào thì mọi người đã rõ, tôi thấy bây giờ chưa phải là lúc”. (Thư phôtô nhiều bản, gửi công khai, và chắc chắn công an đã phải có).

Một nguy hiểm nữa của lối sống hai mặt. Thanh Giang viết thư gửi thủ tướng Phan Văn Khải và tổng thống Bush dịp hai người sắp gặp nhau tại Mỹ. Thư khen hết lời. Thế rồi sau đó lại có một thư gửi tổng thống Bush thay mặt 80 triệu nhân dân Việt Nam, lại chê Bush hết lời, chê Phan Văn Khải hết lời. Phan Văn Khải là tên độc tài, bàn tay vấy máu, đề nghị Bush hủy bỏ cuộc họp với Phan Văn Khải. Chê trách Bush nói một đằng làm một nẻo, nói rằng sẽ hỗ trợ cho các phong trào dân chủ, sẽ đứng bên cạnh các chiến sĩ dân chủ, thế mà lại dang tay đón thủ tướng độc tài Phan Văn Khải. Bức thư đặc biệt đề cao viện sĩ tiến sĩ Nguyền Thanh Giang, người đấu tranh dân chủ nổi tiếng trong nước và ngoài nước, đầy uy tín, quang minh chính đại, chiếm đến 2 phần 3 lá thư. Cuối thư lại nhắc tổng thống Bush nói lời nên giữ lấy lời. Ý đồ bức thư đã rõ quá rồi. Lối chơi hai mặt nguy hiểm là thế.

Phải nói lá thư thay mặt 80 triệu nhân dân Việt Nam là một lá thư phá hoại, nó mang tính phản động. Nó không đặt quyền lợi của dân tộc lên trên. Nó chửi tùm lum chỉ vì mục đích cá nhân nhỏ hẹp. Những điều gì các nhà lãnh đạo làm sai thì ta phê bình, góp ý, thậm chí đấu tranh với họ, nhưng làm đúng thì ta phải hoan nghênh. Việc thủ tướng Việt Nam sang thăm Mỹ lúc này, ký kết những hiệp ước với Mỹ, vận động Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, là cần thiết, là đúng đắn, là làm lợi ích cho đất nước. Dù có chính kiến khác nhau, nhưng biết đặt quyền lợi đất nước lên trên, thì phải ủng hộ việc làm này, hoan nghênh việc làm này.

Lá thư thay mặt 80 triệu nhân dân Việt Nam, đứng về phía quyền lợi nào mà lại chửi bới loạn xị lên như thế?!

Cụ Chính trên giường bệnh đưa cho tôi lá thư này khi tôi vào thăm. Chúng tôi, cũng như gia đình cụ Chính và sau này những người bạn tôi được đọc lá thư, thảy đều thấy lối hai mặt của ông Giang vô cùng nguy hiểm. Nó không còn trong phạm vi danh lợi cá nhân, mà đã mở rộng ra tai hại cho quyền lợi đất nước.

Vì vậy mà tôi phải lên tiếng.

Chúng tôi nhận định đây là lá thư của ông Giang, vì 2 lẽ sau. Lẽ thứ nhất, những chuyện ông Giang bị bắt như thế nào, bị giam cầm trong tù ra làm sao, thì chỉ có hai nơi biết rõ chi tiết: công an và ông Giang.

Công an có thể viết lá thư này không? Họ làm gì thì cũng phải làm theo sự chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước. Họ không thể phá thối cuộc bang giao Việt Mỹ, và không thể kết tội thủ tướng Việt Nam là phát xít, độc tài, bàn tay vấy máu. Vậy ta loại trừ họ ra.

Dùng phưong pháp loại suy thì đáp số còn lại là rõ ràng.

Lẽ thứ hai, văn phong của bức thư cũng như cách lập luận sắc sảo là của Nguyễn Thanh Giang. Dù cho ông Giang có đạo diễn cho ai viết lá thư này thì tác phẩm vẫn thuộc quyền đạo diễn, nghĩa là vẫn của ông Giang.

Bố cục lá thư giấu một mạch ngầm cầu xin. Rằng ông Bush ơi, ông nói là đứng về phía những người đấu tranh cho dân chủ tự do, thì chúng tôi đang có những con người như thế. Nổi tiếng là cụ Hoàng Minh Chính kiên cường bất khuất, nhưng 86 tuổi rồi, đang hấp hối trên giường bệnh. Còn nổi tiếng nữa là ông viện sĩ tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, (trích nguyên văn): “chưa hề có một tiền án, tiền sự, một trí thức yêu nước nổi tiếng đã có nhiều đóng góp tích cực cho dân cho nước [...] Viện sĩ tiến sĩ Thanh Giang bao giờ cũng là một con người quang minh chính đại, viết tài liệu gì, viết thư gửi cho ai, kể cả ban lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước ông đều nói thẳng, nói thật, ký tên thật với một thái độ lịch sự, văn hoá, có sức thuyết phục cao, mang tính chiến đấu mạnh mẽ...” Những lời lẽ khen ngợi, giới thiệu, đề cao ông tiến sĩ Thanh Giang đầy rẫy trong lá thư.

Cuối thư không quên nhắc ông Bush hãy giữ lời hứa:“Hoa Kỳ luôn đứng bên cạnh những chiến sĩ đấu tranh cho tự do ở khắp mọi nơi trên thế giới”. Nghĩa là cầu xin ông Bush hãy quan hệ với các chiến sĩ dân chủ Việt Nam, cụ thể là với ông tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, còn ai vào đây nữa (!)

Mánh lới cầu xin hèn mạt và quỉ quái đến thế là cùng!

một bài viết trước đây, ông Thanh Giang viết về vụ T4 ủng hộ thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, bỗng nhiên chen vào một đoạn chiến tranh chống Mỹ. Ông Giang lên tiếng bênh người Mỹ không xâm lược Việt Nam, không có ý đồ đô hộ Việt Nam. Cuộc chiến tranh chống Mỹ chết chóc hàng triệu người là vô nghĩa. Bài viết đã gây phẫn nộ trong dân chúng Việt Nam. Nhiều thương binh nổi đoá xông đến nhà ông Giang đe doạ đập phá. Ông Giang phải viết thư cầu cứu công an, và công an đã cử người đến xem xét, an ủi, hứa bảo vệ.

Ông Giang thực ra muốn lấy lòng người Mỹ, làm người Mỹ chú ý đến mình. Ông ta thường khoe với mọi người tiếp khách Mỹ đến nhà, và thỉnh thoảng được đại sứ Mỹ mời cơm.

Người Mỹ khôn ngoan, chắc đã biết bản thú tội của ông Giang, nên kỳ kỷ niệm quốc khánh Mỹ vừa rồi, lại mời ông Trần Khuê (cả vợ chồng) chứ không phải ông Giang, tới toà Tổng lãnh sự Mỹ dự quốc khánh. Tình báo Mỹ đâu phải chuyện đùa!

Những điều tôi viết ra đây về ông Giang, những chứng cứ tôi nêu ra đây về ông Giang, không phải bây giờ mới nói. Tôi đã nói trước mặt ông Giang vài lần, tranh cãi phê phán hẳn hoi. Có nhiều người biết. Người biết một cách tổng thể là nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng là người làm chứng cho một buổi phê phán quyết liệt tất cả những điều tôi đã viết ở trên về ông Giang, tại ngôi nhà mới của ông Giang ở xã Trung Văn, có mặt ông Thanh Giang, ông Bùi Minh Quốc và tôi.

Ðầu tiên là đến thăm nhau với ý đồ tốt muốn giải toả những điều bất hoà trong anh em dân chủ, nhân dịp ông Bùi Minh Quốc ở Ðà Lạt ra.

Ông Thang Giang nói trước, ông chê trách ông Hoàng Minh Chính với những lời khá tàn nhẫn, cho rằng cụ Chính nói xấu ông Giang khắp nơi rất tệ hại. Sau một thôi một hồi kể tội cụ Chính, ông Giang kết luận bằng một lời mạ lị độc địa, bôi bẩn cụ Chính hết cỡ nói. Tôi xin lỗi, không muốn nhắc lại nó vào trang giấy vì không muốn lại làm đau lòng cụ Chính, cũng như chọc thối thêm nhân cách của ông Giang vẫn thường xưng là trí thức, có học vị, mà lại nói những bậc đáng tuổi cha chú mình như thế. Lại nói vắng mặt người ta. Ai muốn biết cụ thể xin hỏi nhà thơ Bùi Minh Quốc. Viết ra đây nó bẩn cả bút cả giấy.

Bùi Minh Quốc đặt một câu hỏi, thắc mắc: “Cụ Chính vì động cơ gì mà phải nói xấu ông Giang?”

Ông Giang trả lời: “Vì ghen tức với tôi.”

Suýt nữa tôi bật cười to. Ông Giang tự đánh giá mình quá lớn. Khái niệm ghen tức nhau thường xảy ở những người sàn sàn nhau về tài năng, về sự nghiệp, về tuổi tác. Không mấy ai là cha lại ghen tức con vì thấy con hơn cha. Càng không thấy ông ghen tức với cháu vì cháu hơn ông. Về tuổi đời, về địa vị xã hội, về tham gia cách mạng bị giam giữ tù đầy, ông Chính đều vượt trội hơn ông Giang khá xa. Hơn 20 năm bị tù đầy cả thời Tây lẫn thời ta ông Chính vẫn kiên cường bất khuất giữ vững lý tưởng của mình. Còn ông Giang, mới có hai tháng bị giam cầm chờ xét xử, muốn được tha, đã thành khẩn khai báo và viết bản nhận tội tháng 5/1999, phản bội lại lý tưởng một cách ê chề.

(Nhà văn nữ Dương Thu Hương rất khinh bỉ Thanh Giang về việc này. Nữ văn sĩ đã sỗ sàng đuổi Thanh Giang ra khỏi nhà khi hai ông Trần Dũng Tiến có Thanh Giang đi theo đến thăm nhà văn. Dương Thu Hương chỉ hẹn tiếp có Trần Dũng Tiến. Chắc nữ văn sĩ đã được biết những bản cung Thanh Giang khai với công an, tất nhiên là do phía công an để lộ).

Buổi nói chuyện hôm đó, mới đầu tôi cũng bình tĩnh hỏi ông Giang có thấy những việc làm của ông vài năm gần đây đã gây thắc mắc, dị nghị trong anh em dân chủ không?

Ông Giang suy nghĩ rồi khẳng định: “Không, không có gì sai trái hết.”

Tôi nói: “Vậy thì tôi kể để ông Giang nhớ lại, và cả ông Bùi Minh Quốc cùng nghe, rồi ta kết luận.”

Tôi rành rẽ kể từng việc. Thứ nhất, ông Giang tuyên bố ở nhà ông Phạm Quế Dương lúc đó có những người lạ rằng, ông Giang không muốn ký kiến nghị tập thể, đến lá đơn thứ ba phản đối việc bắt ông Hà Sĩ Phu là ông bị ép phải ký, lá đơn thứ tư cũng thế, lời lẽ găng quá, và bây giờ họ sắp ra tay đàn áp (Lúc ấy có một bài viết rất căng đăng trên An ninh Thế giới ký tên Như Phong, kết tội ông Hà Sĩ Phu, chuẩn bị dư luận để đưa Hà Sĩ Phu ra toà về tội phản bội tổ quốc.) Ông Giang nói to như thế, ở chỗ có người lạ tức là nhằm báo cáo cho công an biết, tìm cách thoát thân cho riêng mình. Mánh lới hai mặt này của ông Giang không che mắt được chúng tôi, những người đã hai thứ tóc trên đầu.

Thứ hai, gọi điện thoại cũng thế, chê trách những bài viết của ông Trần Dũng Tiến dùng từ ngữ nặng quá, phải biết giữ thể diện cho các đồng chí lãnh đạo còn làm việc chứ. Cũng cốt để công an nghe, hiểu cho thái độ của Thanh Giang. Ðiển hình cho lối sống hai mặt.

Thứ ba, ông Giang lén lên xin gặp giám đốc công an trong khi công an tung tin sẽ bắt hàng loạt anh em dân chủ.

Thứ tư, không dám đi dự những buổi xét xử các nhà dân chủ trẻ tuổi (Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình) vì công an nhắn tin đe doạ, nhưng lại trả lời phỏng vấn nước ngoài như là chính mình cũng đi tham dự cùng với anh em. Lối sống hai mặt.

Thứ năm, vân vân ... và ... vân vân.

Tôi kể một thôi một hồi những thiếu sót của ông Giang, cuối cùng ông Giang phát cáu, nhận liều là người của công an, đuổi chúng tôi về, và thật không thể tưởng tượng nổi, dùng cả cách xưng hô đầu đường mày tao của bọn hạ đẳng. Ðến lúc bực tức, cuống lên, ông Giang đã bộc lộ rõ mình cùng ngôn ngữ bụi đời của những người thiếu giáo dục.

Trước khi về, tôi có đe ông Giang, có ông Bùi Minh Quốc làm chứng. Nếu ông Giang cứ tiếp tục lăng mạ cụ Chính cùng gây hiểu lầm trong anh em dân chủ, không sửa chữa những sai trái của mình, thì tôi cân nhắc lợi hại phong trào sẽ viết bài vạch rõ trắng đen, cho ông Giang lộ nguyên hình. Lúc ấy đừng có trách tôi. Tôi yêu cầu ông Giang phải đến xin lỗi cụ Chính về sự mạ lị.

Cho đến lúc này, không thể làm ngơ được nữa. Chờ đợi đã 5 năm rồi (kể từ khi bản thú tội của ông Giang được công an đưa lên mạng) ông Giang không thấy có chuyển biến. Những ngày cụ Chính cấp cứu nguy hiểm tính mạng, ông Giang có vào thăm và biếu cụ Chính một cái phong bì 500.000 đ. Cụ Chính nói, đại ý, ông Giang có những cái sai với anh em, có những lời quá đáng với cá nhân tôi. Nhiều anh em đã đề nghị ông Giang nên xin lỗi tôi. Nhưng tôi không lấy đó làm điều, tôi học tập ông Nguyễn Khắc Viện, bỏ qua tất cả. Nếu là người có thiện chí, ông Giang nhân cơ hội ấy xin lỗi cụ Chính một câu. Thì tốt đẹp. Ðằng này ông Giang nói, việc xin lỗi không phải ở đây, ông Giang đến thăm một người ốm, trong quan hệ tình người giữa người với người. Vì thế mà cụ Chính nói: “Anh có lòng đến thăm tôi ốm, tôi xin cám ơn. Còn số tiền anh cho, tôi không dám nhận, xin anh mang về.”

Kẻ có tiền cứ tưởng dùng đồng tiền là mua được tất cả. Nhầm!

Ông Giang giàu có hơn mọi anh em dân chủ. Thường mở tiệc chiêu đãi, ăn sinh nhật, thuê xe ô tô đi thăm các nơi, có ý dùng đồng tiền để lôi kéo anh em. Nhầm!

Nghĩa là ông Giang không chút biến đổi, ngày càng bộc lộ tính háo danh, cá nhân, cơ hội.

Biểu hiện rõ nhất gần đây ở hai cái thư gửi tổng thống Bush và thủ tướng Phan Văn Khải. Rồi cái thư gửi anh em dân chủ phản đối việc ông Trần Khuê làm đại diện. Tôi thấy nó nguy hiểm cho phong trào dân chủ nói riêng, và quyền lợi của đất nước nói chung.

Vì vậy mà phải vạch rõ chân tướng ông Nguyễn Thanh Giang ra. Từ ngữ dân gian gọi là bóc mẽ.

Tôi không có điều gì ghen tức cá nhân hay thù hằn cá nhân với ông Thanh Giang cả.

Học tập nhà thơ Bùi Minh Quốc, khi đã chứng kiến sự nổi đoá của ông Thanh Giang, và được đọc bản thú tội của ông Giang trong nhà giam, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã xin rút lại bài thơ trước đây đã làm gửi tặng vợ chồng Thanh Giang. (Lá thư tôi còn giữ.) Nay tôi cũng xin rút lại bài viết trước đây giới thiệu ông Thanh Giang đăng trong tập Khát vọng ngàn đời của ông Giang in bên Mỹ. Vì thấy ông Giang hiện nay không xứng đáng với bài viết ấy nữa.

Tình cảm văn nghệ sĩ chúng tôi rõ ràng. Yêu, ghét, khinh, trọng rạch ròi, không có mập mờ, dối trá.

Những văn nghệ sĩ chúng tôi tham gia dân chủ (Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc, Hoàng Tiến...) là do lương tâm thôi thúc và để giải toả nỗi bức xúc trong lòng. Chúng tôi không có tham vọng chính trị. Sự nghiệp chúng tôi là văn chương. Như nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu đã viết trong một bức thư gửi bạn trước lúc qua đời: “Làm một thằng nhà văn Việt Nam lúc này mà lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách...”

Tôi đã tham gia dân chủ, và bây giờ tôi sẽ phải dành thời gian nhiều hơn cho văn chương, vì đó là nghề nghiệp và công việc yêu thích của tôi. Có những tiểu thuyết đã ký hợp đồng với nhà xuất bản cần thời gian hoàn thành. Xin mọi người cảm thông cho tôi. Nhưng tôi vẫn ủng hộ phong trào dân chủ, và nếu cần cũng sẽ viết ít nhiều. Chứ không phải đoạn tuyệt.

Còn tôi đoạn tuyệt với ông Nguyễn Thanh Giang.

Có thể với lối sống hai mặt, ông Giang vẫn kiếm lợi được với nhà nước Việt Nam. Chính quyền có thể cho ông Giang ra một tờ báo hoặc hội đoàn chi chi đó đấu tranh dân chủ. Nhưng ông ta vẫn là kẻ hai mặt.

Phía Mỹ có thể cho ông Giang làm giám đốc một trung tâm viện trợ gì gì đó của Mỹ, để ông Giang có thanh thế phân phát quà nhân đạo của Mỹ cho đồng bào ông. Nhưng ông ta vẫn là kẻ hai mặt.

Tôi viết bài này. Nếu ông Giang thấy có điều gì sai về chứng cứ, về lập luận, xin cứ viết tranh luận với tên tuổi rõ ràng. Tôi sẵn sàng tư thế để bàn bạc.

Ở đây không có điều gì bất ngờ. Tôi thực hiện cái điều tôi đã đe ông Giang trước đây, rằng, ông Giang không sửa chữa thì tôi sẽ viết bài lên án ông ta. Ông Giang thường cho mình là trí thức, là tiến sĩ, lại viện sĩ New York nữa, tôi xin nhắc ông Giang một câu của trí thức Pháp làm bài học sửa mình: Le moi est haisable! (Cái tôi là đáng ghét!)

Và khuyên ông Giang đã tham gia vào cái chung nên cố theo lời Phật dạy: bỏ chấp danh, chấp lợi, chấp kỷ thì sẽ làm được cái gì đó cho chúng sinh, cho cộng đồng.

Kết thúc bài viết, tôi muốn nói với ông Giang một câu bằng ngôn ngữ thân mật pha chút bụi đời: Ông (tức Nguyễn Thanh Giang) sánh thế đếch nào được với ông Trần Khuê. Xin chào!

Ðất thiêng Thăng Long. Tháng 7 năm 2005

Ðịa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420, Thanh Xuân Bắc—Hà Nội.
Ðiện thoại: Vẫn bị cắt. Hiện dùng nhờ di động nội hạt. Số máy: 9160574.

© 2005 talawas