trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
18.11.2005
Cao Tôn
Triết gia Trần Đức Thảo
 
Lịch sử là quyển sách. Một quyển sách mở sẵn sàng thu nhận và lược ghi những sự kiện trong đời (dĩ nhiên của những ngày qua xưa nữa), nhưng không phải là quyển nhật ký mà chúng ta mỗi người trau dồi và riêng tư đọc lại. Khi chúng ta suy tư về lịch sử, chúng ta không suy tư như một cá nhân chủ thể, chúng ta thường nhìn toàn diện thời đại của chúng ta, và chúng ta nghĩ tới tha nhân, tập thể, dân tộc và đất nước…

Đặc biệt nói về thời đại - thời hiện đại mà mỗi ngưòi chúng ta đang sống - lịch sử thật là một quyển sách mở mà không một ai có thể hoàn chỉnh viết được. Nếu có một ai viết ra thành sách ấn hành, thì đó chỉ là một quyển sách phiến diện, với những cái nhìn một chiều hay tệ hại hơn nữa với một giáo điều phi lý và phi sự thật. Một tỉ dụ điển hình là những sách giáo khoa về lịch sử hiện đại Việt Nam, mà sinh viên, học sinh hồn nhiên phủ nhận vì không có tâm trí nào để tiếp thu. Vì lịch sử hiện đại dù nói tới dân tộc và đất nước, cũng lại là một quyển sách mở mà mỗi người chúng ta riêng tư thay nhau đóng góp với chính cuộc đời của mình, khát vọng buồn vui, mất mát đau khổ mà chúng ta đã sống và vẫn còn đang sống.

Trước sự phức tạp và đa diện của lịch sử, chúng ta tự hỏi nên đọc thế nào những trang sách của lịch sử. Triết gia Trần Đức Thảo (1917-1993) nói chúng ta phải biết suy tư, suy tư ở giai tầng triết lý. “Mọi sự kiện thiết thực của cuộc sống không mất đi khi chúng ta nhìn tất cả với tư duy triết học, mà trái lại hiện rõ lên với chân tính. Thế giới có thể bị thu gọn và lên khung (réduction, ”époché”) trong một cảm nhận lý tính nhưng không bị sai lạc bởi lý thuyết vì thế giới vẫn còn đó mà trở nên sinh động dưới một hình thức khác, cho phép chúng ta ý thức và hoàn toàn tự thức…, một bước nhảy dẫn tới một thực tại hiện sinh mới, hiện sinh siêu nhiên và tuyệt đối. Một ý niệm bao hàm bản sinh tự do của con người”.


Trần Đức Thảo và Hiện tượng học

Giáo sư triết học Jean-François Lyotard [1] đã trân trọng trích dẫn câu này của Trần Đức Thảo (TĐT), trích từ quyển triết luận Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng [2] . Quyển triết luận này của TĐT, cũng theo J. F. Lyotard, là một triết luận sâu xa đưa chúng ta nhập môn và nhận rõ nhiều điểm đặc thù của hiện tượng học Husserl.

Theo hiện tượng học Husserl, cái bản sinh (originaire) của con người (nhân sinh, lý tính, ý thức…), nếu cần phải nói, có lẽ chỉ là một niềm tin (Glaube): tin là mình sống. Sự sống đến từ đâu? Thế nào gọi là sống? Con người tự khởi đầu, từ khi lọt lòng mẹ, không đặt những câu hỏi ấy. Vì ý thức (conscience) của chúng ta đến và triển khai tuỳ theo những hiện tượng mà chúng ta sống (les vécus): sự ôm ấp của người cha, bình sữa người mẹ cho, tiếng nói của những người xung quanh… Ý thức của con người đến theo dòng thời gian, phát triển cùng những lát bồi đắp của cuộc sống (les couches sédimentaires du vécu). Vì ý thức của chúng ta luôn luôn là ý thức một hiện vật cũng như mọi hiện vật cũng chỉ là hiện vật mà chúng ta ý thức. Và như thế sống là tự nhận thấy mình chìm đắm trong thế giới hiện sinh (die Lebenswelt), hay đúng hơn một khoảng trời hiện sinh với chân trời luôn luôn di động.

Thế giới hiện sinh bao gồm môi trường xã hội (giai cấp, đẳng cấp giầu nghèo), tập quán gia đình (tôn giáo, đạo đức), văn hoá di truyền (quốc gia, dân tộc). Con người ra đời thu nhận và ý thức triển khai theo thời gian khoảng trời hiện sinh đó. Đặc biệt, con người thu nhận lời nói, ngôn ngữ. Chính qua ngôn ngữ, con người mới thật khác loài vật, đi đến ý thức qua biểu tượng. Cái ghế chẳng hạn không còn là một cái gì cụ thể hiển hiện trước mắt mà là một dụng cụ trừu tượng với chức năng chỉ định. Nói một cách khác, với ngôn ngữ, chúng ta đạt tới phạm trù của những khái niệm (Hegel). Những đối tượng của ý thức chúng ta không nhất định nữa là vật chất hay những dữ kiện cụ thể (đấu tranh, dục vọng) mà còn là những dữ kiện của tâm tư (mỹ thức, lòng vị tha), những dữ kiện của tư tưởng. Với những lát bồi đắp của cuộc sống, chúng ta đạt đến suy tư, tư thức định ý (intentionalité): một vật thể, tỉ dụ một cái ghế, hiển hiện cụ thể trước mắt ta dĩ nhiên là với tất cả rối ren phức tạp (màu sắc đa nguyên, hình dạng tuỳ theo góc nhìn, bối cảnh thay biến), nhưng ta nhìn nó với tư thức định ý, thu gọn và lên khung, nên ta có thể nhìn nó toàn đen, bóng dáng nằm trong hình học (figure géométrique), nghĩ nó mời mọc ta ngồi, và nếu nó là một đồ cổ, qua nó ta còn có thể liên tưởng tới một nhân vật nào đó hay một người thân nào đó đang ngồi trên nó, trong một hình ảnh của ký ức. Trong cái nghĩa đó, TĐT nói “mọi vật liệu qua tay người không còn là vật liệu nữa mà là những sản vật văn học” (La matière travaillée par l’homme n’est plus matière mais objet culturel -TĐT). Thế giới hiện sinh tức là thế giới cụ thể cảm nhận qua tư thức định ý (thu gọn và lên khung) với chuỗi liên tục thời quán (les moments) và những lát bồi đắp của cuộc sống. Chính trong thế giới cụ thể sơ nguyên, con người mới bị tha hoá bởi những đòi hỏi vật chất sinh lý thô thiển mà trái lại trong thế giới hiện sinh, cái thế giới thực tế đã thu gọn và lên khung, con người đảm nhận nhân cách, ý thức đạo đức, mỹ cảm cùng những nhu cầu của trí tuệ.

TĐT nhận định, thế giới hiện sinh trong hiện tượng học chính là “thực tế thiên nhiên đến cho mỗi người từ những lát bồi đắp thâm sâu của cuộc sống, một thực tế không còn là cái thực tế cụ thể thô sơ, chưa thu gọn và chưa lên khung, đối tượng của cảm thức vô định ý”. Cái thực tế thiên nhiên này, theo Merleau-Ponty, là đời (existence), là thế giới bản sinh (monde originaire). Nó dĩ nhiên không phải là một thực tế khách quan, nhưng nghĩ cho đúng nó cũng không là thế giới bản quan (le monde subjectif) của một ý thức chủ thể. Những hiện tượng của thế giới hiện sinh cũng có thể bắt nguồn từ những hiện vật cụ thể sơ nguyên, vấn đề là những hiện vật này trong thực chất không có ý nghĩa gì, nó chỉ có ý nghĩa khi nó được tư thức với định ý và được đưa vào phạm trù của những khái niệm (Hegel).

Bản thể của hiện tượng trong thế giới hiện sinh trước hết là vật chất hay tư tưởng, hiện tượng học không đặt vấn đề. Thực tế là thực tế thiên nhiên, thế giới hiện sinh, mà trong đó cuộc sống (le vécu) trải dài; và như thế, TĐT nghĩ, cuộc sống theo hiện tượng học chỉ phản ánh một cách trừu tượng cuộc đời thật; hiện tượng học không thể thông đạt đến những khía cạnh cụ thể vật chất của cuộc đời. TĐT nhấn mạnh, hiện tượng học nghĩ cho cùng chính là một chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm (idéalisme transcendantal) có khả năng dẫn ta đến chủ nghĩa hoài nghi. Đối với TĐT, chủ nghĩa hiện sinh Jean Paul Sartre chính là một thuyết hiện tượng học hàm chứa một sự hoài nghi tiêu cực, như đưa ta coi tha nhân là phản bội, một đối tượng mang đầy hiểm hoạ, tương phản cái hiện sinh khắc khoải của chính mình (L’enfer, c’est l’autre!).


Trần Đức Thảo và Chủ nghĩa duy vật biện chứng

Trần Đức Thảo là triết gia Việt Nam đầu tiên xuất thân từ triết học Âu châu. TĐT năm 1939 được tuyển vào trường Cao đẳng Sư phạm phố d’Ulm-Paris, cái nôi của trí thức Pháp, cái nôi của những triết gia danh tiếng: J. P. Sartre, M. Merleau-Ponty, L. Althusser, M. Foucault, J. Derrida… Trong những năm chiến tranh thế giới thứ II, 1939-41 TĐT sơ tán về thành phố Clermont-Ferrand. Chính trong khung cảnh cô lánh tỉnh lỵ, TĐT đã tận tuỵ học hỏi và nghiên cứu hiện tượng học Husserl để có những nhận thức triết học mà tôi sơ lược như trên. Tất cả được trình bày, theo tôi biết, trong phần đầu của quyển Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. TĐT đi đến kết luận rằng hiện tượng học là tư tưởng của tầng lớp thượng lưu trong xã hội, bàn về những vấn đề của “con người nói chung” (theo ngôn từ của TĐT, 1984-1988), con người tổng thể nhân loại lý tính và trí tuệ, “con người không giai cấp”. Trong cái nghĩa đó những triết gia hiện tượng học không đảm nhận sứ mệnh xã hội và sứ mệnh lịch sử mà K. Marx kêu gọi: vấn đề của triết học là làm sao cải thiện thế giới. Hiện tượng học xa vời với thực tế của đời thường, những vật lộn sinh tồn của cuộc sống, những đấu tranh của những kẻ bị thống trị. Những vấn đề, mà theo Marx chính là động cơ cho lịch sử con người!

Hiện tượng học bàng quan đối với chuyện tức thời xã hội và lịch sử, không luận về những nhu cầu vật chất cùng những tư tưởng thực tiễn mà về ý thức linh cảm (intuition) cùng những lát bồi đắp trí thức thâm sâu của cuộc sống. Nó phản ánh tư tưởng Âu Tây, thời đại ngay sau cuộc chiến thế giới thứ nhất với khủng khoảng tư bản. Khủng khoảng đặt lại vấn đề giá trị nhân sinh xã hội của triết học, thực chứng (positivisme) hay chuyên đề thực tiễn (pragmatisme formel), phán xét lại toàn diện hệ thống tư tưởng của thời đại. Cái khủng khoảng trên mặt xã hội chính trị dẫn đến những chính thể phát-xít quốc xã. Ở một lối ngoặt văn học nhân bản (la culture humaine), mà chúng ta cũng có thể nghĩ là tiêu cực, hiện tượng học gián tiếp làm chúng ta nhìn thế giới với đôi mắt mới, đôi mắt tĩnh lặng, chối bỏ xã hội cá nhân tư bản mà tìm đến “con người nói chung”.

Với thực chất trên, hiện tượng học thật đối nghịch với chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa có sứ mệnh xã hội và lịch sử. Một sự đối nghịch như không cách gì tháo giải, nhất là khi chủ nghĩa Marx lại còn là triết học của chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa Marx coi duy có vật chất là thực tế của thế giới con người, một chủ nghĩa duy vật với biện chứng pháp: vật chất chuyển biến qua mâu thuẫn với những gì phản thể nó, trong một biện chứng pháp để tự bảo tồn hay tự tiêu hoá mà đi đến một trạng thái ở giai tầng cao hơn khác. Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng Marx, chính ý thức của con người cũng chỉ là một trạng thái của những dữ kiện vật chất: điều kiện kinh tế, sinh sống vật chất của kẻ bị bóc lột hay của kẻ thống trị, lao động thực tế vô sản hay tư bản. Nơi đây cũng nên nhắc lại một nhận định quen thuộc lưu truyền của Marx: Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân!, trong cái nghĩa tôn giáo là hệ quả của sự kiện người bóc lột người, một ý thức hệ trong thực tế rất vật chất trần gian, đưa ra để duy trì trật tự xã hội, cho những người hèn kém đau khổ biết an phận chịu đựng và tìm an ủi trong tương lai ở một thế giới bên kia. Tôi nghĩ TĐT, xuất thân từ phương Đông với đạo Phật và đạo Khổng đã ngay từ đầu không chấp nhận hoàn toàn mọi quan điểm của chủ nghĩa duy vật mác-xít, đặc biệt phải phủ nhận quan điểm này về tôn giáo.

Nhưng trong những năm 1945-1950 hiện hành cuộc chiến tranh lạnh giữa những nước tư bản chủ nghĩa và những nước cộng sản xã hội chủ nghĩa Marx-Lenine, cùng sự đấu tranh giải phóng và đòi độc lập của những nước thuộc địa: Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam…, mà những đế quốc tư bản thực dân muốn duy trì hay phái quân viễn chinh trở về khôi phục quyền bảo hộ, cái quyền một phần nào đã bị phá vỡ trong cuộc chiến thế giới thứ II. TĐT xuất thân từ một nước thuộc địa, trái tim trong trắng nhiệt huyết tuổi trẻ, bắt buộc phải tự nguyện dấn thân tranh đấu bên những kẻ yếu hèn, bên những kẻ bị bóc lột. TĐT gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, đảng của những ngưòi kháng chiến, của những người bị xử bắn (khi nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng) (le parti des résistants et des fusillés), đảng ủng hộ sự giải phóng các dân tộc thuộc địa. Tháng 10 năm 1945, ông thay mặt người Việt tuyên bố: “Chúng tôi sẽ nổ súng khi quân viễn chinh Pháp đổ bộ trên lãnh thổ Việt Nam”. Một lời tuyên bố can đảm và khiêu khích ở ngay giữa thủ đô Paris đã làm ông cùng 30 Việt kiều khác bị tạm giam 3 tháng ở nhà khám La Santé (Paris). Và chính thời đó cũng là thời mà chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin chưa bao giờ hiển vinh như vậy với sự thành lập của những nước cộng sản xã hội chủ nghĩa Đông Âu, sự thành lập Trung Quốc cộng sản xã hội chủ nghĩa của Mao Trạch Đông, và lá cờ xã hội chủ nghĩa Marx-Lenin phất phới dẫn đường đấu tranh giải phóng các dân tộc như ở Việt Nam và nhiều nước khác. Là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp, TĐT thật chân thành muốn tuân thủ chủ nghĩa duy vật biện chứng mác-xít.

Tuân thủ như chiến sĩ cách mạng? Quá khích Bonsêvích? Trái tim trong trắng vô tư tuổi trẻ? Vào những năm 1984-88, TĐT nhìn lại cuộc đời đã nhiều lần tự hỏi [3] . Dù sao công khai chính thức gia nhập chủ nghĩa Marx, TĐT đã viết bài báo”Hiện tượng học tinh thần và nội dung hiện thực của nó”, bài báo “vĩnh biệt chủ nghĩa hiện sinh, bào chữa cho sự lựa chọn của mình (TĐT) qua những chân trời rộng rãi mà xem xét lịch sử xã hội với phép biện chứng duy vật đã cho phép mở ra việc phân tích ý thức đã sống trải”. Tạp chí Les Temps Modernes, J. P. Sartre làm chủ nhiệm, đã đăng bài đó trong số tháng 9-1948; hơn nữa J. P. Sartre còn mời TĐT đến thảo luận. Một cuộc hội thảo được trù tính tổ chức trong mấy ngày cuối năm 1949, đối thoại trong tinh thần trí thức tìm hiểu nhau, mong để lại dấu vết văn học của một sự thử thách triết lý tìm kiếm những đối tác và những dung hoà có thể có giữa chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Marx duy vật biện chứng. Cuộc đối thoại phải cắt ngang vì, theo lời của TĐT,“Weltanschaung (thế giới quan) đối nghịch của hai bên”. Nhìn lại, chính yếu là vì sự xung khắc của hai lập trường chính trị xã hội và con người mác-xít, phần lớn thời đó cũng như bây giờ, luôn luôn nâng cao ngọn cờ cách mạng, cố thủ lập trường đòi triệt bỏ hay đánh lui mọi tư tưởng nằm ngoài chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Ôm giữ lập trường cách mạng, ở phần nhì của quyển: Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, TĐT đưa ra ý kiến rằng nằm giữa những hàng chữ viết cuối đời của Husserl đã có ẩn ý của hoài nghi chủ nghĩa, và nghĩ rằng chỉ có một lối thoát cho hiện tượng học là dựa vào chủ nghĩa duy vật biện chứng, hoàn lại cho ý thức chủ thể (la subjectivité) bản tính vật chất của nó. Nhưng cũng có thể nói một cách khác, theo J. F. Lyotard, TĐT đã sâu xa vạch rõ sự đối nghịch không cách gì tháo giải giữa hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng mác-xít; chủ nghĩa Marx nếu muốn thu nhập hiện tượng học và tiến xa nữa thì phải biết thế nào (mà có thật được không?) cho con người ý thức chủ thể (ego originaire) bản tính thuần tuý vật chất. Tuy nhiên chính quan điểm này mới thật là đề tài trong tư tưởng của TĐT! Theo J. F. Lyotard, TĐT không bao giờ hoàn toàn mác-xít và với lý trí, TĐT đã manh nha định ý xét lại chủ nghĩa Marx.

Trước hết TĐT không thoát ly được hiện tượng học, luôn luôn nghĩ rằng “hiện tượng học có một cống hiến lớn lao là làm chúng ta chấp nhận mọi sắc thái của Cuộc Sống”. Còn chủ nghĩa Marx đặt tiên đề rằng lịch sử chỉ có một ý nghĩa, ý nghĩa của sự đấu tranh giai cấp qua những thời đại trên mâu thuẫn giữa thượng tầng kiến trúc (chính trị, tôn giáo, pháp luật, tư tưởng) và hạ tầng cơ sở (lao động, sản xuất kinh tế nông thôn, xí nghiệp); nhưng muốn có mâu thuẫn, TĐT đã nghĩ, thượng tầng kiến trúc phải độc lập với hạ tầng cơ sở, tức là độc lập với những điều kiện vật chất, sản xuất kinh tế (đấu tranh giai cấp) của xã hội. Những tư tưởng, chủ nghĩa, tôn giáo (thượng tầng kiến trúc) không phải là ảo ảnh lệch lạc mà cũng là một phần thật của lịch sử. TĐT viết: “Kinh tế có thể là động cơ ưu tiên của lịch sử nhưng nó không cho phép chúng ta quên thực thể của thượng tầng kiến trúc; trái lại, nó chỉ làm cho chúng ta nhận rõ thêm bản thể thượng tầng kiến trúc trong diễn trình của cuộc sống”. Thượng tầng kiến trúc thuộc về thực chất của lịch sử, nó là những lát ưu tiên giữa những lát bồi đắp hiện tượng học của con người, “con người nói chung”. Với những ý tưởng này, chúng ta hiểu tại sao, nghĩ lại (năm 1984) TĐT tự thừa nhận rằng vào cuối năm 1951 ông đã rơi vào “ngõ cụt”, mâu thuẫn lý tính bản thân với lập trường chính trị mác-xít của mình. TĐT đã đi tìm một lối thoát qua thực hành (trong cái nghĩa Praxis của Marx). Cuối năm 1951, TĐT trở về Việt Nam dấn thân trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến của tổ quốc chống đế quốc thực dân Pháp.


Trần Đức Thảo và lịch sử hiện đại Việt Nam

Nhân dịp hội nghị Fontainebleau đưa đến (tạm ước) Modus Vivendi 1946 giữa Việt Nam và Pháp, Trần Đức Thảo đã được hội kiến Hồ Chí Minh, chủ tịch phái đoàn Việt Nam, và báo cáo tình hình Việt kiều ở Pháp; sự kiện chứng tỏ, theo tôi nghĩ, khi đó TĐT đã được tuyển vào Đảng Cộng sản Việt Nam. TĐT về Việt Nam, theo chính lời ông nói, không riêng gì cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp và còn là để tham gia cuộc cách mạng vô sản, “vận động hiện thực của phép biện chứng”. TĐT chân thành nghĩ rằng chủ nghĩa Marx không phải là một lý thuyết giáo điều (un dogme) mà phải là ngọn đuốc thực tiễn dẫn đường cho cuộc cách mạng vô sản. Trong thâm ý, J. F. Lyotard nhận xét, TĐT muốn tìm cách đưa vào lý thuyết cách mạng mác-xít những phân tích hiện tượng học về ý thức của con người trong biện chứng tương phản giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở của những điều kiện kinh tế xã hội. Tất cả với ý nghĩa là lịch sử dù có phải được thông hiểu qua duy vật biện chứng pháp, vẫn có những lệch lạc (contingence) khách quan hay chủ quan, những lối ngoặt như trong chính đời sống của một người, không duy nhất phụ thuộc vào điều kiện tiên đề kinh tế xã hội. Với tất cả bầu nhiệt huyết của người trí thức có thể nói là lãng mạn và tràn đầy ảo vọng về sự thật, đạo đức, tình bác ái, tương thân tương cảm, TĐT muốn trở về Việt Nam để điền dã, tìm hiểu đến gốc rễ cuộc cách mạng dân tộc và cùng các đồng chí lý luận cho ra những lý tưởng chỉ đạo phù hợp với xã hội và nhân tình trên con đường đi tới xã hội chủ nghĩa.

Nhưng thời kỳ đó (vào những năm 50), “chủ nghĩa Mác chỉ được hình dung trong giới hạn chật hẹp của tệ sùng bái cá nhân, trong đó chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử bị thu lại ở vài nét giản đơn không cho phép nắm được các quan hệ đặc thù trong mỗi thời kỳ đặc thù, ít hay nhiều trừu tượng của sự vận động cụ thể phổ biến trong lịch sử loài người” (TĐT, 1984) [4] . Theo tôi nghĩ, sự thật đúng hơn là, như trong một nhận định khác cũng của TĐT về cuộc cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Marx bị sa lầy “trong giới hạn của sự biến dạng giáo điều, và bị co lại vì phương pháp máy móc việc tái bản trên quy mô lớn của prolekult, cách mạng văn hoá vô sản cực tả”.

Giáo điều là ngay trong cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc, còn phải có cuộc cách mạng vô sản, đấu tranh giai cấp cho đến tận cùng, cho đến chuyên chế độc tài của giai cấp công nông. Dân tộc Việt Nam cốt yếu là nông dân, thương gia là tiểu thương nghiệp, với công nghệ thô sơ của một nước thuộc địa; ngọn giáo ý thức hệ đấu tranh giai cấp chỉ còn có thể chĩa vào tầng lớp trí thức tiểu tư sản và vào những tiểu nông gia, những người nông làm việc hơn hai hay ba người khác duy để thu được từ một hai mẫu ruộng có riêng của mình vừa đủ để nuôi gia đình với hy vọng mong manh rằng con cháu vẫn có thể học hành lập thân đưa nhau ra khỏi cảnh bần cùng. Và “văn hoá vô sản cực tả” cũng chính là giáo điều ý thức hệ, “hiện thực siêu hình biện chúng pháp” trong ngôn ngữ của TĐT, “nhị nguyên văn hoá chủ nghĩa” chỉ có con người lao động với ý thức giai cấp hay là “kẻ thù của nhân dân”.

Ngay đầu năm 1946, sau khi đã tiêu diệt trong một đêm những phần tử của những đảng quốc dân khác (dù trên mặt hình thức có chân trong Chính phủ Hồ Chí Minh lâm thời đồng minh, đoàn kết dân tộc) mà nạn nhân tiêu biểu là nhà văn Khái Hưng, thuộc Việt Nam Quốc Dân đảng, bị bắt và giết ở Yên Báy, chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã phanh phui cho nhân dân Hà Nội chứng kiến những hố chôn người, những phòng tra tấn trong một ngôi nhà ở đường Ôn Như Hầu (không kể nhiều xác chết đã bị vứt vào hồ Thiền Quang). Đó là vụ án Ôn Như Hầu - thành tích sáng giá đầu tiên của Công an Việt Nam theo lời tuyên bố của Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội, vào đầu năm 2005 - mà tới nay vẫn chưa có bản cáo trạng ai là nạn nhân và ai là thủ phạm! Dù sao vụ án đó, dã man và phi nhân đạo, được đưa ra cho quần chúng chứng kiến với dụng ý cảnh cáo tầng lớp trí thức Hà Thành, nếu vẫn còn ảo vọng về tự do và lòng bác ái, là đã đến thời của quyền lực, không ai còn được phép đi ra ngoài những quy định của chính Đảng. Một sự lệch lạc của lịch sử! Mà nạn nhân điển hình của thời đại là Nam Cao, nhà văn lớn, tác giả của “Chí Phèo”, Sống mòn… trong văn học Việt Nam, trí thức chỉ ước mơ tới một xã hội bình đẳng, vị tha và thân ái, cùng nhau đón đợi một ngày mai xán lạn (theo những lời cuối của truyện Sống mòn). Nhà văn Nam Cao đã bị địch (giặc Pháp???) giết năm 1951 trong khi tham gia kháng chiến, nhưng không được coi là liệt sĩ, xác chết bị vứt vào một hố chung, 47 năm sau mới được đào lên trả lại cho gia đình!

Chính trong thời đó 1952, đường lối chính trị cực đoan ngã ngũ, TĐT về đến Việt Nam. TĐT được nhận làm giáo sư văn sử địa, nhưng ngay năm 1953 phải vào văn phòng tổng bí thư để ngồi phiên dịch ra Pháp văn những tác phẩm của Trường Chinh (chỉ còn thiếu những bài thơ của Hồ Chí Minh, Lê Đức Thọ!), những lý luận biện chứng mác-xít, văn học và chính trị, mà ngay những tư tưởng gia mác-xít chính thống bây giờ không còn thấy ai nói tới. Đặc biệt là năm 1954 TĐT còn bị đẩy vào uỷ ban chỉnh huấn, cải cách ruộng đất ở cơ sở Phú Thọ, chắc với thâm ý để giáo sư TĐT được giáo dục chính trị. Nhưng cũng chính vì thế mà TĐT được tai nghe mắt thấy, chứng kiến những sai lầm trong cải cách ruộng đất,… tổn thất do những cán bộ đảng viên, quần chúng bị hy sinh oan uổngSai lầm phổ biến nhất là truy bức, nhục hình, đả kích tràn lan và kích diện tích và sản lượng (Trường Chinh) [5] (kích diện tích và sản lượng, có thể TC muốn nói là xác định phi lý ruộng đất và sản lượng của người dân để tăng tô thuế nhà nước). Lại theo lời của Trường Chinh, tuy nhiên cải cách ruộng đất vẫn là chiến lược tất yếu để củng cố cơ sở chuyên chế của đảng đến tận cùng nông thôn, lấy khổ gợi khổ hay nói một cách khác tố khổ để áp đảo, đe doạ cho toàn thể nông dân giác ngộ tuân thủ những chính sách của đảng; chiến lược đúng đắn và tất yếu cho dù vạch sai (chụp mũ phong kiến phản động, đem ra mớm cung chịu nhục hình) thành phần một số nông dân, (nhưng) không phải vạch sai toàn thể nông dân; xử trí oan uổng một số người, (nhưng) không phải oan tất cả (Trường Chinh)!

Hơn ba mươi năm sau, TĐT công khai nhận định rằng tất cả những sự kiện “tiêu cực”, những tệ hại xã hội “lười biếng, ăn không, nịnh hót, lừa gạt, đến chỗ lấn át, tham ô, hối lộ ăn cắp, thậm chí có khi đi xa hơn nữa, có thể tới chỗ hành hung tội ác” (TĐT, 1988, sđd) có từ thời bao cấp cho đến tận (bây giờ) thời đổi mới, đều có nguyên nhân từ lý thuyết quá khích cực đoan cùng những sai lầm tàn bạo vô nhân đạo trên, làm “lu mờ ranh giới giữa người và loài vật”. Nếu ta nhớ lại, TĐT nói, phương châm của chính Karl Marx lúc sinh thời là “Nihil humani a me alienum puto”, “Không gì của con người, mà tôi lại coi nó như xa lạ với tôi” (câu dịch của TĐT), thì lý thuyết siêu hình nhị nguyên chỉ có đồng chí và kẻ thù nhất định phải trái ngược với chủ nghĩa Marx nhân đạo kinh điển. Hay đúng hơn, thật chỉ là giáo điều mù quáng của tập đoàn lãnh đạo ban trung ương tuyên huấn, ban trung ương tổ chức đảng, đào tạo cả một tầng lớp cán bộ của Đảng và nhà nước, đeo mặt nạ chí công vô tư, nhưng cốt yếu vẫn để hết tâm lo sao tồn tại, mà nếu cần thì sẵn sàng trèo lên đầu lên cổ những kẻ khác. Một giáo điều mang nặng ý chí tự tôn, hăng say cố vị bám giữ quyền lực, che đậy một siêu hình học hư vô chủ nghĩa. Chính tệ nạn sùng bái cá nhân cũng chỉ là một hệ quả tất yếu của nó; tôn sùng một lãnh tụ sống hay chết, với quyển sách đỏ hay quyển sách xanh lời hay cùng ý đẹp, thật không khác gì tôn sùng một tôtem, một vị thần tượng sáp để che đậy hư vô, tránh trách nhiệm hiện hành vì mọi sai lầm hay tội ác của giáo điều thực hành chỉ có thể thuộc về thực tế dân gian hay thuộc về định mệnh (bánh xe lăn của lịch sử).

Hơn ba mươi năm sau, thừa cơ mở cửa của Đại hội thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô, TĐT công khai nhận định cái thảm hoạ của chính quyền độc tài chuyên chế (tập đoàn mật kín vô hình chung) đảng trị, dù có đổi mới nhưng không có triệu chứng hứa hẹn gì một sự giải toả (perestroika) tận cùng những cơ cấu tiêu cực của nó. Nhưng chắc chắn trong những năm 1950, TĐT đã đi đến những nhận định xác thực trên và không tránh khỏi bộc lộ ý kiến ngay trong những buổi họp chi bộ đảng viên cộng sản. TĐT liên luỵ với phong trào Nhân văn, phong trào cốt yếu là của những đảng viên cộng sản thức tỉnh trước những tệ hại xã hội, những sai lầm chính trị vô nhân đạo, chà đạp bản sinh tự do của con người. TĐT đã viết hai bài tiểu luận trên tạp chí Nhân văn và Giai phẩm (1956), so sánh chủ nghĩa nhân đạo mác-xít với chủ nghĩa nhân đạo tư bản. Trong cuộc đàn áp đánh dẹp phong trào Nhân văn, TĐT tất nhiên cũng bị liệt vào là kẻ phản Đảng, “kẻ thù của nhân dân”! Tôi không biết TĐT đã phải đi lao động cải tạo và viết bài tự giác tự kiểm điểm hay không, nhưng theo tôi được biết TĐT, như nhạc sĩ Văn Cao cũng trong phong trào Nhân văn, không bị công khai trừ ra khỏi Đảng tuy bị cô lập ở nhà và giữ chức vị hờ giáo sư đại học (với tiền lương và phiếu cơm gạo tối thiểu để tồn tại). “Vì anh (TĐT) có thể nói bất cứ gì, tiếng nói của anh bị coi như tiếng nói của kẻ thù… Dù anh có nói đúng thì cũng không ai kể đến. Không ai có thể tự cho mình cái nguy cơ bị coi như liên quan với kẻ thù”.

Như vậy từ những năm 1958, TĐT có thể nói sống ngoài lề xã hội, có một TĐT đấy nhưng không hiện hình trong cuộc sống của mọi người. Một áp bức sinh tồn cô lập dưới cái nhìn dị biệt của những người xung quanh, ngay người vợ mà TĐT mới ăn ở cùng nhau được mấy năm cũng phải bỏ ông để tồn tại. Dù sao đã là con người trí thức chỉ sống với sách vở, TĐT vẫn tiếp tục suy tư “phân tích ngữ nghĩa của ngôn ngữ trẻ em”, và như thế khảo cứu biện chứng khoa học tìm những ký hiệu cho chúng ta biết thêm về tiến trình của con người nguyên thuỷ từ thuở ăn lông ở lỗ cho đến thuở biết tổ chức lao động tập thể và rồi có ý niệm sở hữu, ít nhất sở hữu những dụng cụ cần thiết (có thể là một mảnh đất của riêng mình) cho cuộc sống sơ khai. Ý niệm sở hữu phải thuộc về bản thể của con người mà mọi lý thuyết chủ nghĩa xã hội nào cũng phải xây dựng trên đó trừ phi rơi vào ảo tưởng xã hội cộng sản ngày mai. Nhưng làm sao được! Không thể chìm đắm trong thiếu thốn vật chất và sống cô lập không điều kiện trao đổi tư tưởng và tiếp thu tài liệu cùng những bạn đồng hành xa hay gần, mà vẫn có thể có những thành quả khảo cứu khoa học chính đáng và nhất là nữa lại phải sống tù túng trong“sự biến dạng giáo điều mà tệ sùng bái cá nhân đã áp đặt cho chủ nghĩa Mác, sự biến dạng ấy đã giữ uy thế của nó, lại thêm vào có sức nặng của phương pháp tư duy máy móc, ồn ào đến điếc cả óc, của cuộc cách mạng văn hoá cực tả”!

Tuy nhiên TĐT vẫn minh mẫn và sáng suốt trước cuộc đời. Triết gia vẫn mạch lạc suy tư, chỉ khi đã vào tuổi cổ lai hi (ngoài 70 tuổi), TĐT mới thật suy thoái rối loạn tinh thần hoảng sợ áp chế hoang tưởng. Vào năm 1992, TĐT được trở về Pháp. TĐT tìm gặp triết gia Paul Ricoeur (1913-2005) của chủ nghĩa duy nhân với triết học thuyết nhân vị (philosophie personnaliste). Theo lời của P. Ricoeur [6] , ông chỉ gặp lại một TĐT mất trí và hoảng sợ cho sinh mệnh của mình, một TĐT nói đã bị “Đảng Cộng sản Pháp kết án và loại trừ ra khỏi đảng như một kẻ phản bội… Và vừa nhận bản án thì đồng thời nhận được thư ở Việt Nam qua cho hay bị tịch biên tài sản và cho tôi (TĐT) biết tôi là người không được ân sủng nữa. Tôi bị đầy ra ngoài đường, không tiền bạc chỗ dựa và bị lưu đầy lại Pháp cho đến hết đời”.

Không đầy một năm sau, 1993 TĐT chết cô đơn bần cùng ở Paris, thủ đô ánh sáng, nơi TĐT đã viết những bài triết luận mà những triết gia lớn như M. Merleau-Ponti, P. Ricoeur, J. F. Lyotard, J. Derrida đã nhiều lần nhắc tới. Có thể nói TĐT là một triết gia có tên trong sử sách, nhưng cuộc đời ông là một bi kịch. Cái thảm kịch của TĐT, cũng như cái chết của Khái Hưng, của Nam Cao, cũng như cái bí quẫn của Đặng Đình Hưng (tác giả của bài thơ Ô Mai, nói sự cô đơn cùng quẫn giữa những bóng người) biểu hiện thân phận bi tráng của cả một tầng lớp người, tầng lớp trí thức Việt Nam trong lịch sử hiện đại.


Quy luật phủ định của sự phủ định

Lịch sử thăng trầm và oan trái? Hay lịch sử triển khai theo một quy luật phù hợp với sự tiến bộ của con người, xã hội, dân tộc và đất nước? Trần Đức Thảo ở cuối đời (1984-88), nhưng thật đã từ lâu, không nghĩ về lịch sử một cách máy móc chủ nghĩa duy vật biện chứng. Theo TĐT, lịch sử chỉ có ý nghĩa và chiều hướng tiến triển nếu chúng ta nhìn tổng quát lịch sử như lịch sử của “con người”, của nhân loại. Trong cái nhìn đó, lịch sử của nhân loại trong mấy ngàn năm qua thì thật là lịch sử của sự thăng hoa, “con người” phát triển văn hoá và sự hiểu biết (khoa học kỹ thuật), đặt rõ ranh giới giữa người và loài vật (không còn cảnh người nô lệ nữa), tìm đến những quy luật thực tiễn về công lý và đạo đức, tiến thành khái niệm tự do cá nhân trong sự đối tác với tha nhân (con người là con người của cộng đồng). Nhưng nếu nhìn lịch sử trong một giai đoạn hay thu hẹp ở trên một địa bàn, thì lịch sử cũng có những bước lệch lạc, những bước lùi trắc trở mù quáng và tàn bạo (Đức Quốc xã Hitler, chính quyền Khmer đỏ Pol Pot ở Cam-pu-chia).

Riêng như ở Việt Nam, từ năm 1945 đến ngày nay 2005, chúng ta có thể nhận tổng quát có một lịch sử tiến triển từ một nước thuộc địa đi đến thành lập một quốc gia thống nhất và độc lập, cùng những mở mang kinh tế (nhờ mở cửa đón nhận những thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới, biến nền kinh tế quốc gia bao cấp thành một nền kinh tế thế giới tư bản thị trường). Nhưng nếu nhìn lại những nước gần gũi ở Đông Nam Á, trước 1945 cũng đều là những nước bị thực dân ngoại bang đô hộ, như Malaysia, Indonesia…, họ đã hoà bình độc lập từ lâu và nền kinh tế hiện tại còn phát triển hơn ở Việt Nam nhiều. Và nữa, họ đều có một xã hội ổn định về mặt văn hoá cũng như trong sự tôn trọng bản chất con người. TĐT đã nhìn nhận từ lâu rằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Marx-Lenin ở Việt Nam, với Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm đoạt chính quyền và lãnh đạo cuộc đấu tranh dân tộc cho sự thống nhất và độc lập của đất nước, chính là những lệch lạc của lịch sử. Một sự lệch lạc mang đầy thảm hoạ, cốt yếu là vì cuộc cách mạng xã hội Việt Nam dựa trên chủ nghĩa xã hội Marx đã bị tha hoá, rơi vào tay một tập đoàn mật kín tiếm quyền cực đoan quá khích, “bóp méo phương pháp biện chứng, quan niệm về con người bị tha hoá và gây tha hoá, hoàn toàn xa lạ với các giá trị con người phổ biến”, “con người” với giá trị tiến bộ trong hơn ba ngàn năm lịch sử nhân loại.

Ngay năm 1988, TĐT đã nhận định rằng chính sách xã hội đổi mới ở Việt Nam hiện tại chỉ là một cuộc đổi mới hình thức, không có cải tổ (perestroika) đến tận gốc rễ về mặt tư tưởng và chính trị, thay đổi đường lối kinh tế xã hội nhưng không thú nhận những sai lầm. Làm sao giải thoát được những hệ quả tất yếu của những tệ hại xã hội sẵn có: tham nhũng, tàn bạo tham ô, tranh giành tư lợi làm hại của công! Vẫn còn nguyên đấy cái màng lưới của sự tiếm quyền cố thủ, thiểu số tập đoàn (oligarchie) mật kín lộng quyền tài phiệt chính trị và kinh tế. Xã hội đang thật trở nên một xã hội tư bản; nhưng hệ thống chuyên chế chính đảng vẫn như xưa, xa lạ với thực trạng xã hội giờ đây đòi hỏi sự tự do xử trí cá nhân tư bản. Hơn nữa, xã hội đang nhập vào thế giới phát triển kinh tế khoa học và kỹ thuật, dù có máy móc thế nào đi nữa nhưng vẫn cần đến những chuyên gia tức là những con người với một trình độ kiến thức tối thiểu, mà khi đó cả nền văn hoá giáo dục vẫn lạc hậu giáo điều một chiều, cả nền văn học xã hội vẫn tù túng trong những sáo ngữ, những giả dối siêu hình học hư vô chủ nghĩa – những bài diễn văn hằng ngày nhai đi nhai lại của các lãnh tụ với một ngôn ngữ nghèo nàn, với những tư tưởng nông cạn của thời bao cấp đã qua. Tuy nhiên dù lịch sử có những lệch lạc (contingent), có những ngày mai không dự kiến, nhưng cũng có những lúc chúng ta có thể thấy cái tương lai hiện tại, cái tương lai giờ đây và tức khắc (le présent futur hay le vivant futur trong ngôn ngữ của J. Derrida). TĐT nghĩ lịch sử Việt Nam đang đi đến lúc hiện hành “quy luật phủ định của sự phủ định”, theo phép biện chứng; nếu cuộc cách mạng vô sản Việt Nam (như trên thế giới) đã phủ định xã hội tư bản, thì nay một đường duy nhất phải đi qua là “phủ định sự phủ định đó”, vượt qua những mâu thuẫn nội bộ của xã hội chủ nghĩa, nhất là của xã hội chủ nghĩa Marx đã bị tha hoá, trở về xã hội tư bản cốt yếu với “một số các quyền tự do dân chủ của xã hội tư bản” mà nhân dân lao động đã đóng góp tranh đấu giành được và bảo vệ, có thể dưới một hình thức mới “dân chủ xã hội chủ nghĩa” nhưng biết bao cần thiết để chống siêu hình học hư vô chủ nghĩa với nhị nguyên quán phủ nhận công lý và “con người”. Trở về xã hội tư bản cũng là để duy trì “các phương pháp hợp lý hoá tổ chức lao động và quản lý sản xuất, các thành tựu khoa học và các tiến bộ về văn hoá của các lao động trí thức…”, “phát triển nhận thức của con người và tái thực hiện sự thống nhất biện chứng giữa lý thuyết và thực tiễn trong một sự hiểu biết toàn cầu về lịch sử (nhân loại)”.

Khi khoảng trời hiện sinh sụp đổ, sự tồn tại và sinh mệnh của mình hoàn toàn phụ thuộc vào sự bao dung tuỳ tiện của một sức mạnh đen tối bề trên, một sức mạnh chuyên chế áp đảo đến tư duy của mọi người (Kafka), nhưng vẫn giữ lòng thanh thản và thầm lặng suy tư. Người ta có thể liệt anh làm “kẻ thù của nhân dân”, nhưng không một ai có thể tước bỏ bản thân anh là “con người”. Đó là bài giảng lịch sử nhân sinh của giáo sư triết học Trần Đức Thảo. Năm 1992, vừa đặt lại chân trên nước Pháp, TĐT đã vội đi tìm gặp P. Ricoeur mà không một triết gia mác-xít hay hiện sinh nào khác, tôi nghĩ chính là vì TĐT tự thấy trở về chia sẻ cùng triết gia P. Ricoeur một chủ nghĩa, chủ nghĩa duy nhân với triết học thuyết nhân vị. Theo P. Ricoeur (cũng là sau cùng hết theo TĐT) mọi chủ nghĩa, chủ nghĩa bảo hoàng, chủ nghĩa dân chủ, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội Marx… (dĩ nhiên không kể những chủ nghĩa phi nhân tính, hư vô chủ nghĩa của Hitler, khủng bố chủ nghĩa đế quốc quân phiệt…) cốt yếu vẫn là có chung với các tôn giáo tương đối một giá trị, giá trị vị “con người”. Con người tội lỗi được cứu rỗi, con người duy vật nhưng tin ở con người minh triết, “con người phổ biến” tổng thể nhân loại mấy ngàn năm đi tìm công lý, đạo đức và tự do. Trong cái nhìn chủ nghĩa duy nhân đó, lịch sử chỉ có một ý nghĩa, ý nghĩa của thế giới văn học (Par l’histoire, nous venons au-devant d’un monde culturel - R. Aron). M. Merleau-Ponty và TĐT với hiện tượng học cũng không nói gì hơn khi nghĩ rằng lịch sử bao giờ cũng có ý nghĩa, vì lịch sử tức là lịch sử của cuộc sống trải dài, cuộc sống của tập thể, của những cá nhân đóng góp những lát bồi đắp cho tư duy của nhân loại, trong hành trình bất tận đi tìm cái đạo làm người.

Mọi thời đại của lịch sử đều mang đến cho chúng ta những thông điệp. Từ ngay những sự cố cụ thể, những bước ngoặt thời đại, những hy sinh mất mát, chiến thành chiến bại, tranh đấu và hận thù, những thông diệp mà chúng ta ôm giữ trước hết vẫn là những thông điệp văn học cho nhân loại (messages pour la culture humaine - tiện đây xin nói rõ là từ văn học (culture) mà tôi dùng cũng nên hiểu theo chữ văn của Khổng Tử: Tiên học Lễ hậu học Văn; chữ văn chỉ tất cả hành trang trí tuệ của “con người nói chung”: triềt lý, khoa học, văn thơ, nghệ thuật, tập quán văn hoá trong cuộc sống hằng ngày). Vấn đề là mỗi người trong chúng ta có biết không? Đi tìm thu nhận những thông điệp, tìm đọc những ký hiệu và diễn giải trong ngôn ngữ. Theo triết học thuyết nhân vị, tức là luôn luôn thực hành ở trần gian thông diễn học (hermeneutique) (tìm hiểu và diễn giải tư tưởng thánh hiền) để cuộc sống trải rộng sáng tạo, trí thức và bao hàm ý nghĩa.

Trở lại lịch sử hiện đại Việt Nam, chúng ta phải tự hỏi có những ai đã biết thu nhận thông điệp mà phong trào Nhân văn (và TĐT) đã để lại! Thông điệp về sự tôn trọng “con người”, chân thành phủ nhận những tệ hại sai lầm và giả dối, chỉ biết nói thẳng và nói thật với chính mình và với tha nhân. Sâu xa hơn nữa qua Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm với những bức hoạ đầy hồn, đường cọ và màu sắc phát động tự tâm tư, cũng chính là thông điệp tìm về thế giới nội tâm, thế giới tĩnh lặng cô đơn của “con người” giữa một xã hội độc tài tù túng, thiên hạ hốt hoảng bon chen chỉ để tồn tại. Ba mươi năm chiến tranh và đã ba mươi năm rồi hoà bình, chúng ta vẫn sống không tự do ngôn luận và tư tưởng, kìm kẹp hạn chế, không phương tiện thông tin trao đổi. Có những sáng tác văn học nghệ thuật mà chúng ta biết (những bức tranh của Nguyễn Gia Trí, những câu thơ của Bùi Giáng, những bài ca phản chiến của Trịnh Công Sơn…), nhưng cũng còn bao nhiêu tác phẩm văn nghệ mà không ai biết đến, những thông điệp mà chúng ta có bổn phận phải tìm kiếm và diễn giải cho mình và cho xã hội! Cái xã hội giao thời này đang chờ đợi đổi thay; nhưng với thông diễn học chúng ta sẽ thu nhận cả gia tài văn học, di sản của thời đại, của những thế hệ trước, chúng ta sẽ cùng đi tới một xã hội mới có pháp lý và dân quyền, tôn trọng bản sinh “con người” tự do suy tư và độc lập sáng tác, nhất định không để rơi vào thế giới của những người Anh Cả, những người máy đeo mặt nạ người.

Tháng 10.2005

© 2005 talawas



[1]J. F. Lyotard: La phénoménologie. Presses univertaires de France. Paris 1954
[2]Trần Đức Thảo: Phénoménologie et matérialisme dialectique. Minh Tâm. Paris 1951
[3]Trần Đức Thảo: Lời nói đầu trong Vấn đề con người… Nhà xuất bản Thành phố HCM, 1988
[4]Trần Đức Thảo: Lời nói đầu trong Sự hình thành của con người. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004
[5]Trường Chinh: «Sửa sai và tiến lên», (1956), talawas ngày 1.10.2005
[6]Đặng Phùng Quân: «P. Ricoeur, nhà hiện tượng luận của đầu thế kỷ XX», talawas 24.8.2005