trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
29.5.2006
Từ Huy
Đọc và dịch
 
Tôi hoàn toàn đồng ý với Vũ Ngọc Thăng rằng: «dịch còn có nghĩa: tra cứu, tra cứu và tra cứu». Và tôi cũng khẳng định lại một ý đã được khẳng định: dịch, (đặc biệt dịch văn bản khoa học khoa học xã hội) có nghĩa là trung thành với ý tưởng của tác giả, của văn bản. Và sự trung thành trong dịch thuật không thể tách rời khỏi việc hiểu văn bản và tư tưởng tác giả. Các bản dịch khác nhau về một văn bản phản ánh các cấp độ khác nhau trong việc hiểu văn bản đó. Khi nói điều này, tôi chia sẻ với Vũ Ngọc Thăng và những dịch giả khác về khó khăn của nghề dịch, và tôi hoàn toàn hiểu rằng việc chọn một từ chưa thoả đáng, hay phạm một lỗi nhỏ, thậm chí một lỗi lớn là điều mà bất kỳ người dịch nào cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên điều đó không ngăn cản chúng ta phấn đấu cho một nền dịch thuật có chất lượng.

Với sự kính trọng đối với công việc dịch Eco của Vũ Ngọc Thăng, tôi muốn trao đổi với ông về cách dịch khái niệm «Người đọc Mẫu mực».

Il lettore Modello được dịch sang tiếng Pháp là Lecteur Modèle. Nếu dựa vào các nghĩa của từ modèle trong tiếng Pháp (rất tiếc là tôi không biết tiếng Ý), thì việc chuyển dịch Lecteur Modèle thành Người đọc Mẫu mực không sai, xét ở cấp độ nghĩa từ điển của từ. Tuy nhiên, theo tôi, khái niệm của Umberto Eco nên được dịch là Người đọc Mẫu, vì những lý do sau đây:

Mẫu mực chỉ mức độ hoàn hảo, đầy đủ của nhân cách cũng như của hiện tượng, sự vật; những gì đạt đến mức mẫu mực thường được lấy làm gương, làm điển hình. Lecteur Modèle của Eco không bao hàm ý nghĩa này. Ông đã từng nói rõ rằng không thể xác định được cách đọc nào là tối ưu, do vậy cũng khó có thể có độc giả hoàn hảo, có thể dùng làm điển hình, làm gương để noi theo. Điều này đi ngược lại với quan niệm của Eco về tính tự do và khả năng mở của quá trình tiếp nhận. Theo tôi modèle trong trường hợp này có thể hiểu là mẫu, một thực tế được dùng làm mẫu để xây dựng lên những hình ảnh khác, tương đương với khái niệm archétype; mẫu cũng có thể hiểu là một mô hình, một hình ảnh được xây dựng nhằm tái hiện một thực tế. Chính ở chương viết về «Lecteur Modèle» trong cuốn Lector in fabula Eco đã so sánh chiến lược văn bản với chiến lược quân sự và lấy ví dụ về sự bại trận của Napoléon: Wellington chiến thắng vì khi tìm câu trả lời cho câu hỏi mang tính chiến lược: nếu tôi tiến hành thao tác như thế này thì Napoléon sẽ phản ứng ra sao?, ông ta đã hình dung một Napoléon Mẫu gần với Napoléon thực, ngược lại Napoléon thua trận vì ông ta đã xây dựng một Wellington Mẫu xa với Wellington thực.

Thực chất Lecteur Modèle được Eco giải thích như thế nào?

Trong dự kiến của tác giả, Người đọc Mẫu là một kiểu độc giả có khả năng cộng tác trong quá trình phục hiện văn bản theo cách thức mà tác giả hình dung. Khả năng hành động về phương diện diễn giải của kiểu độc giả này trùng hợp với khả năng hành động của tác giả về phương diện tạo sinh văn bản. Đó là một mô hình độc giả mà tác giả chờ đợi, hy vọng, vì mô hình độc giả đó mà tác giả đã thiết lập một kiểu chiến lược văn bản theo cách như vậy chứ không phải theo cách khác. Tác giả tạo ra Người đọc Mẫu trong khi giả định năng lực của nó. Như vậy Người đọc Mẫu của tiểu thuyết trinh thám sẽ không giống với Người đọc Mẫu của tiểu thuyết diễm tình, lại càng không giống với Người đọc Mẫu của tiểu thuyết mới. Tính chất kiểu mẫu của Lecteur Modèle không có nghĩa là nó sẽ có thể lấn át và bắt các loại độc giả khác phải phục tùng nó. Và trong mỗi một độc giả cụ thể có thể tồn tại nhiều Người đọc Mẫu khác nhau. Tuy nhiên cũng xảy ra trường hợp: đối với một số tác giả, có những độc giả không bao giờ có thể trở thành Người đọc Mẫu của họ. Hãy thử hình dung xem Người đọc Mẫu mà James Joyce chờ đợi là ai? Hãy đọc Eco, quý vị sẽ tìm thấy câu trả lời! Có vẻ như tôi đang làm nhiệm vụ quảng cáo chăng? Có lẽ đúng hơn là vì tôi không muốn làm công việc «đọc hộ».

Ở đây tôi sẽ không đi xa hơn nữa trong việc «đọc hộ» Eco cho quý vị. Tuy nhiên, theo tôi, trong tương lai gần của ngành khoa học xã hội ở Việt Nam, «đọc hộ» và dịch thuật, một cách có hệ thống, là những công việc quan trọng và cần thiết. Mà suy cho cùng dịch cũng là một hình thức «đọc hộ»: đọc hộ nguyên bản. Vậy điều cần thiết là phải nâng cao trình độ đọc, đào tạo những người có khả năng đọc và phải có cơ sở vật chất cho việc đọc: đó là sách, là tài liệu.

Tôi xin nêu một ví dụ để chứng minh cho tầm quan trọng của việc «đọc hộ»: Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết để dịch Phê phán lý tính thuần tuý, một cuốn sách quan trọng của nhân loại. Vấn đề đặt ra là có bao nhiêu người sẽ đọc cuốn sách đó (đọc khác với việc mua về và bày lên giá), và trong số ấy, có bao nhiêu người có thể lĩnh hội được các vấn đề mà cuốn sách đặt ra, và cuối cùng có bao nhiêu người có thể ứng dụng các tư tưởng của Kant? Đấy là chưa nói đến: từ việc một vài người có thể ứng dụng các tư tưởng ấy cho tư duy của mình cho đến việc phổ biến các ứng dụng ấy cho một bộ phận xã hội là cả một chặng đường không đơn giản. Nếu tôi nhớ không nhầm, Đinh Bá Anh từng băn khoăn rằng tại sao việc dịch cuốn sách ấy không tạo thành một hiện tượng trong đời sống văn học và tư tưởng. Điều đó cho thấy rằng cần phải có những người có khả năng đọc và làm công việc giới thiệu những cuốn sách như vậy để giúp cho độc giả thấy được tầm cỡ và giá trị của chúng, trước khi có thể làm cho chúng đi vào đời sống. Ở đây tôi không nói tới những buổi giới thiệu sách mang tính chất hội hè, mà đề cập đến việc giới thiệu và phổ biến bản chất tư tưởng của triết gia. Ở Pháp, ngoài các trường đại học, việc phổ biến tư tưởng của các triết gia được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với các tạp chí, các chương trình truyền hình, các chương trình phát thanh, và các séminaire ở các thư viện công cộng. Đặc biệt tôi muốn nói đến các thư viện công cộng, vì các buổi giới thiệu các tác giả kinh điển và các vấn đề triết học ở đấy là dành cho đại chúng, cho những người dân bình thường. Và điều đáng nói là bao giờ cũng có rất đông người đến dự.

Nếu sau một vài năm, không ai nói gì về Phê phán lý tính thuần tuý, không có những cuộc thảo luận về nó, nó không được đưa vào chương trình giảng dạy ở đại học (một tương lai hơi có chút ánh hồng, nhưng không lấy gì làm đảm bảo, là việc nó được đưa vào chương trình đại học), thì … cái gì sẽ chờ đợi cuốn sách, không khó khăn gì mà không hình dung được.

«Người khác là điều kiện thiết yếu cho sự hiện tồn của tôi, và ngoài ra là điều kiện thiết yếu cho sự nhận thức của tôi về chính mình», nhắc lại câu này của Sartre, tôi muốn một lần nữa khẳng định tính cần thiết của việc «đọc hộ», tức là việc giới thiệu «người khác», giới thiệu cái điều kiện thiết yếu cho sự nhận thức của chúng ta về chính mình. Điều làm nản lòng hiện nay là có quá nhiều «người khác» cần phải giới thiệu, và điều kiện làm việc không tương xứng với cái khối lượng công việc đồ sộ đang đòi hỏi được giải quyết. Những nỗ lực đơn lẻ của từng cá nhân cùng lắm chỉ có thể tạo được một sự bù lấp mang tính chắp vá. Tính chắp vá rất có thể sẽ dẫn đến việc, thay vì hiểu một tác giả chúng ta lại xuyên tạc ông ấy, vì nhiều khi cần phải đọc toàn bộ tác phẩm của một tác giả mới có thể hiểu được ông ta. Vậy, nếu như không có một chiến lược quốc gia trong việc giới thiệu «người khác» thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể hiểu được chính mình một cách đầy đủ?

Paris, 27-5-2006

© 2006 talawas