trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
21.12.2006
Nguyễn Hữu Liêm
Từ Hegel đến Bùi Văn Nam Sơn: Khơi nguồn “Hiện tượng học tinh thần”
(Hiện tượng học tinh thần, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải Phänomenologie des Geistes. Nhà xuất bản Văn Học, TP Hồ Chí Minh, 2006. 1680 trang)
 
Một thời quán trí tuệ Việt

Không có một dịch giả nào, tôi nói là không có ai, ngay cả trong các khuôn khổ ngôn ngữ khác mà tôi được biết, làm việc dịch thuật một cách nghiêm túc, cẩn trọng, và bác học như Bùi Văn Nam Sơn. Đối với Phänomenologie des Geistes của Hegel, một kinh điển triết học hàng đầu, the book of books, thì Bùi Văn Nam Sơn là học giả xứng đáng để dịch và chú giải sang Việt ngữ. Và ông đã thành công một cách ngoạn mục.

Trong một buổi tiếp xúc với một số thân hữu ở Việt Nam mùa hè vừa qua, Bùi Văn Nam Sơn nhấn mạnh đến sự cần thiết của văn bản dịch thuật tiếng Việt của các tác phẩm kinh điển triết học, rằng rất có thể là các thế hệ sinh viên triết học kế tiếp sẽ tiếp cận triết học Tây phương bằng ngoại ngữ, nhưng tiếng Việt vẫn cần có một tiêu chuẩn ngôn ngữ của chính nó về triết học – dù rằng tự khởi đi người đọc triết học Tây phương qua Việt ngữ sẽ không lãnh hội được hết vì vấn đề ngôn ngữ. Trong một ngày mùa hè đó, khi được cầm trên tay cuốn Hiện tượng học tinh thần do Bùi Văn Nam Sơn đưa cho, tôi ôm lấy nó, cảm nhận được độ nặng của vật thể cuốn sách cùng với chiều sâu trí tuệ của dịch giả. Tôi đi về phòng khách sạn, chỉ vừa mới đọc xong 42 trang “Mấy lời giới thiệu và lưu ý của người dịch: Cùng Hiện tượng học tinh thần qua các ‘chặng đường thánh giá’”, tôi đã sung sướng đến xúc động và cảm được một niềm hạnh phúc bao la. Tôi gọi điện thoại ngay cho Bùi Văn Nam Sơn cám ơn và xin được gặp lại anh để tham khảo thêm một vài từ ngữ mà tôi không quen thuộc. Và dù cho Sài Gòn có nhiều thứ hấp dẫn vui chơi cho một người có máu thiếu niên như tôi, tôi đã đóng cửa phòng suốt mấy ngày để đọc tiếp. Phänomenologie des Geistes là của Hegel, nhưng Hiện tượng học tinh thần là của Bùi Văn Nam Sơn. Dù là chất liệu tư tưởng Tây phương, nhưng khi chuyển qua và chú giải Việt ngữ bởi Bùi Văn Nam Sơn, Hiện tượng học tinh thần của Phänomenologie des GeistesTruyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân.

Cho đến giờ phút này, gần sáu tháng sau khi bắt đầu, tôi vẫn chưa đọc hết Hiện tượng học tinh thần. Và dù có học hỏi, nghiên cứu, viết sách và giảng dạy ít nhiều về Hegel cả hai thập niên qua, tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn để lãnh hội nó. Kiến thức về Phänomenologie des Geistes của tôi là từ các bản dịch Anh ngữ, của Miller và Baillie. Và từ trong cái hiểu bằng Anh ngữ mà tôi phải tựa vào để đọc bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn như là người leo núi phải nhờ vào dây an toàn để leo lên từng bước một. Cái tuyệt vời của bản dịch này là phần chú giải của dịch giả. Trong nỗi nhọc nhằn đó, tôi thấy được cái vinh hạnh và an vui như được uống một ly rượu ngon quen thuộc của ngoại quốc được tái lên men, pha chế lại và đổ vào bình mới của tiếng Việt. Đọc Hegel bằng Việt ngữ của Bùi Văn Nam Sơn là tìm về lại tổ ấm ngôn ngữ dân tộc – và ở đó, nỗi mâu thuẫn của một tâm thức Việt Nam đối với tư tưởng Tây phương được hoà giải và thăng hoá.

Hãy cùng tôi đọc đoạn này của “Mấy lời giới thiệu” của dịch giả:

“… phép biện chứng là ngữ pháp dạy cho ta biết thực sự nói tiếng nói của tự do. Nhưng, cập bến Tự do, theo nghĩa của Hegel, cũng có nghĩa là “đáo bỉ ngạn”, là hoàn tất “bản thể học biện chứng”, tức hiểu “Tồn tại” (Sein) như là mối quan hệ tương giao chứ không phải như là thiết định (Position) hay như là “một cái gì” (Etwas). Với hình dung thông thường, những lãnh vực “ở bên ngoài sự tự do” [tức lãnh vực của sự tất yếu] như vật chất, không gian, thời gian… có vẻ như có giá trị “tồn tại nhiều hơn” so với “cái Tôi”, “cái biết”, “sự tự do”… Song, theo cách nhìn của “bản thể học biện chứng” từ Platon cho tới Hegel - hiểu “tồn tại” trong ý nghĩa tối cao là sự “thực hiện tròn đầy, viên mãn” (Füllvollzug) – thì không thể nói như thế được. Platon và Hegel nhìn ra một “trật tự tồn tại” dựa theo các cường độ hay nội hàm bản thể học. Theo cách nhìn ấy, đỉnh cao của trật tự này không phải là “cái tồn tại xét như cái tồn tại”, không phải là cái thường hằng đồng nhất trơ trụi mà là sự quy chiếu phản tư của mối quan hệ với chính mình, là bản thân của sự nhận thức tự do. Nói khác đi, những “nút thắt” dệt nên thế giới không phải nằm ở trong các thiên hà, các chất liệu và năng lượng mà nằm trong sự nhận thức đã đi đến với chính mình, nằm trong “tính phủ định tuyệt đối”, nằm trong cái đích thực là “vô ước” (Inkommensurable), tức cái không thể so sánh với đất đá vô tri. Phép biện chứng Hegel không đơn giản gạt bỏ những gì không mang tính “tinh thần” hay không “viên mãn” mà là nỗ lực phi thường của lý tính với yêu sách hướng đến cái toàn bộ viên mãn. Chỉ có điều: cái “toàn bộ viên mãn” này không phải là cái cảm thức dễ dãi về một tính nhất thể mơ hồ, là một vật sở hữu dễ dàng như “một phát súng đánh đoàng” mà là cái toàn bộ “đã trở thành”, “đã quay trở lại vào trong chính mình”, phải tự chứng tỏ bằng “con đường đi” gian khổ của mình và không lãng quên con đường ấy dù đã bỏ lại nó sau lưng” (L-LI). (…) Trong diễn văn khai giảng ngày 22.10.1818 tại Berlin, Hegel kết luận bằng những lời “có cánh”: “Dũng khí đi đến với chân lý, lòng tin vào sức mạnh của Tinh thần là điều kiện đầu tiên của việc học triết học. Con người hãy biết trân trọng chính mình và hãy xứng đáng với cái tối thượng! Con người suy nghĩ chưa đủ lớn về độ lớn và sức mạnh của Tinh thần đâu. Cái bản chất khép kín của vũ trụ không có lực nội tại nào để chống cự lại nổi dũng khí của sự nhận thức: vũ trụ phải tự khai mở ra trước sự nhận thức, phải phơi bày hết sự phong phú và sâu thẳm của nó trước mắt sự nhận thức để sự nhận thức tha hồ thụ hưởng”. Ông hướng lời kêu gọi của mình chủ yếu đến giới trẻ, những người “còn có trái tim mạnh khoẻ, còn đủ dũng khí để kêu đòi chân lý”, và không yêu cầu gì nơi họ ngoài “lòng tin vào khoa học, lòng tin vào lý tính, lòng tin vào chính mình”. (LII)

Tuy nhiên, nếu ai đọc đến đây thì khoan hãy vội “lên tinh thần” triết học ngay. Hãy thử đi vào phần dịch thuật nguyên tác, thì sẽ thấy ngay rằng Hiện tượng học tinh thần đã đem đến cho người đọc những con dốc ngôn ngữ lên xuống, khi nhịp nhàng, khi gian khổ, như là lịch sử nhân loại xuyên qua “xa lộ tuyệt vọng” trong ý thức để tìm lại chính mình. Nếu dựa theo Kinh Lăng Nghiêm mà nói rằng tất cả mọi suy tưởng của con người bình thường đều là ngôn ngữ thì khi Việt ngữ chưa tạo ra một nền móng thông hiểu tự nhiên cho khái niệm, nói như Kant, mọi trực giác về ý nghĩa triết học đều chỉ là mù loà. Vấn đề triết học Hegel bằng tiếng Việt là ở chỗ đó. Việt ngữ chưa có một cộng đồng ý nghĩa và ngôn từ cho người học triết. Nội một từ being/Sein/être không thôi là có quá nhiều cách dịch, từ “hiện hữu”, “tồn tại”, “hữu thể”, “tính thể”, đến “sự hữu”. Đó là chưa kể đến những từ ngữ còn xa lạ với tôi, như là “nội hàm”, “ngoại diên”, “tư biện”. Người đọc Hegel bằng Việt ngữ như tôi phải tham chiếu ngược lại về Anh ngữ trên phương diện khái niệm để lãnh hội câu văn và ý nghĩa của mệnh đề. Khi chưa hiểu rõ ngôn từ, câu văn không có ý nghĩa để thông hiểu, để từ đó, sự lãnh hội ý nghĩa của mệnh đề bị ngăn cản. Hành trình học hỏi Hiện tượng học tinh thần là của “những chặng đường thánh giá” trên bình diện ngôn ngữ, cánh cửa đầu tiên phải vượt qua, điều mà từ Hegel đến Bùi Văn Nam Sơn đã đưa người đọc vào tròng như là một trường thách thức từ “một trí năng đầy giảo hoạt” đem tất cả vào một “cuộc lữ” gian nan trên những chặng đường hiện thực và hiện thân hoá của Chân lý.

Lấy thí dụ từ đoạn số 5 của “Lời tựa”:

“Hình thái đúng thật (die wahre Gestalt), trong đó chân lý hiện hữu, chỉ có thể là HỆ THỐNG KHOA HỌC về chân lý này [sự phát triển có hệ thống của chân lý trong hình thức khoa học]. Góp phần đưa triết học đến gần với hình thức của Khoa học - mục đích để nơi đó triết học có thể trút bỏ danh xưng là “sự yêu mến cái biết” để trở thành “Tri thức hiện thực” – chính là điều tôi đã tự đặt ra cho mình. Sự tất yếu bên trong khiến cái biết phải là Khoa học nằm ngay trong chính bản tính tự nhiên (Natur) của cái biết; và sự lý giải thoả đáng về điều này chỉ duy là sự trình bày [có hệ thống] về bản thân triết học mà thôi. Còn sự tất yếu bên ngoài, - trong chừng mực sự tất yếu này được hiểu một cách khái quát, độc lập với tính bất tất của yếu tố con người và những bối cảnh cá nhân – cũng cùng một tính chất như sự tất yếu bên trong: nó nằm trong hình thái mà [tiến trình] THỜI GIAN [hiện nay] thể hiện sự hiện hữu của những mô-men (Momente) của nó. Vì thế, chứng minh rằng chính tiến trình thời gian [tức thời đại hiện nay của chúng ta] đã đến lúc nâng triết học lên cấp độ của [Hệ thống] Khoa học là sự biện minh duy nhất đúng đắn cho những nỗ lực theo đuổi mục đích này, bởi những nỗ lực ấy sẽ chứng minh rõ ràng sự tất yếu của mục đích, và thậm chí, đồng thời thực hiện được mục đích ấy.” (Nhấn mạnh của Bùi Văn Nam Sơn.)

Khi đọc đoạn trên, tôi phải đọc qua Anh ngữ của Miller:

“The true shape in which truth exists can only be the scientific system of such truth. To help bring philosophy closer to the form of Science, to the goal where it can lay aside the title ‘love of knowing’ to be actual knowing – that is what I have set myself to do. The inner necessity that knowing should be Science lies in its nature, and only the systematic exposition of philosophy itself provides it. But the external necessity, so far as it is grasped in a general way, setting aside accidental matters of person and motivation, is the same as inner, or in other words it lies in the shape in which time sets forth the sequential existence of its moments. To show that now is the time for philosophy to be raised to the status of a Science would therefore be the only true justification of any effort that has this aim for to do so would demonstrate the necessity of the aim would indeed at the same time be the accomplishing of it. (Hegel’s Phenomenology of Spirit, Oxford University Press, 1979). [1]

Cho đoạn văn này, Bùi Văn Nam Sơn có ba chú giải ngay ở bên dưới cùng trang. Tôi xin trích chú giải 16:

“Sự ‘tất yếu bên ngoài’ của việc ‘nâng triết học lên thành Khoa học’ không gì khác hơn là sự tất yếu của sự xuất hiện (“Hiện tượng học”) của nó về mặt thời gian. Nhưng, sự tất yếu bên ngoài cũng là biểu hiện của một sự tất yếu bên trong của việc xuất hiện ra, vì sự trở thành ở trong thời gian thuộc về sự trở thành của triết học như là “Khoa học”. Triết học cũng có một sự “tồn tại nơi thời gian” (“an-der Zeit Sein”). Thời gian là hình thức trong đó Tinh thần trên đường trở lại với chính mình: “Chúng ta phải vững tin rằng cái đúng thật [chân lý] có bản tính tự nhiên là tự mở đường đi… khi thời khắc của nó đã đến” (# 71, cuối “Lời tựa”). Xem thêm: # 29 và ## 807-808. (“Thời khắc đã đến” do “nhu cầu của triết học” (Khoa học lô-gíc I) là phải hợp nhất bằng lý tính những gì đã được chuẩn bị từ thời cận đại: tính chủ thể trong triết học Descartes và các sự phân biệt trong triết học Kant giữa “vật tự thân/hiện tượng; giác tính/cảm năng v.v…).”

Thêm vào đó, Bùi Văn Nam Sơn còn cho độc giả một nấc thang chú giải nữa bằng cách giải thích lại tiểu đoạn trên trong bối cảnh toàn bộ “Lời tựa” như sau:

“Hình thái đúng thật trong đó chân lý hiện hữu chỉ có thể là hệ thống khoa học về chân lý”. “Chân lý”, “triết học”, “hệ thống khoa học” hầu như đồng nghĩa với nhau trong cách nhìn của Hegel. Ngay từ các tiểu đoạn đầu tiên của “Lời tựa” (1-6), ông đã phản đối “tính phổ biến trừu tượng”, nhất là phản đối sự đánh đồng nó với cái phổ biến đích thực vốn là bản chất triết học. Cái phổ biến của triết học không phải là cái phổ biến trống rỗng, trừu tượng, trái lại chỉ được nắm bắt trong những cái đặc thù mà nó là nguyên tắc của chúng. Điều này không chỉ có ý nghĩa lô-gíc mà còn có cơ sở bản thể học. Cái phổ biến chỉ tồn tại (theo nghĩa bản thể học chứ không chỉ về mặt khái niệm) ở trong những cái đặc thù cụ thể như là trong những mô-men (Momente) của nó, và đồng thời, của tiến trình “trở thành” của nó. Cho nên, không thể nắm bắt nó như là “kết quả đơn thuần”, như là “nguyên tắc” hay mục đích mà “không đi cùng với sự trở thành của nó” (# 3). Nói khác đi, “bản thân Sự việc”, tức cái phổ biến lẫn sự trình bày triết học về nó, là cái gì tự phát triển. Một sự “khởi đầu” không có tiến trình và không có sự phát triển sẽ tự huỷ như là sự khởi đầu đơn thuần. Tiểu đoạn # 4 nêu ba cấp độ của sự phát triển, tức của sự “đi ra khỏi tính trực tiếp của đời sống bản thể” để đạt đến chân lý trong hình thức của “Hệ thống khoa học” và là hình thức duy nhất phù hợp với nó: a) sở đắc những kiến thức cụ thể để vươn đến những tư tưởng về Sự việc nói chúng và hiểu được sự phong phú dựa trên những tính quy định; b) “sự nghiêm chỉnh của đời sống” đi vào trong kinh nghiệm về bản thân Sự việc, và c) “sự nghiêm chỉnh của Khái niệm” đi vào trong bề sâu của Sự việc. Tiểu đoạn # 5 nêu rõ tính tất yếu bên trong lẫn bên ngoài về việc phải “nâng triết học lên thành ‘hệ thống khoa học’”: tất yếu “bên trong”, trong chừng mực cái biết (hay tri thức) chỉ được lấp đầy ở trong “khoa học”; tất yếu “bên ngoài”: trong chừng mực sự phát triển của tư duy ở trong bản thân thời gian đã đi đến thời điểm cho thấy việc “nâng triết học lên thành khoa học” đã chín muồi”. (143-144)

Những trích dẫn trên chỉ là một phần khai vị. Hãy chờ khi đến phần A về Ý Thức của “Sự xác tín cảm tính, hay là ‘cái này’ và ‘sự cho rằng’ [Tư kiến của tôi về ‘cái này’]” thì đèo cao ngôn ngữ lại càng dốc đứng hơn nữa. Vì không đọc được Đức ngữ, tôi liên tục đọc lại bản Anh ngữ của Miller để cho mình một thông hiểu của đoạn văn trước, xong rồi tôi lại đọc Hiện tượng học tinh thần. Tức là tôi tiếp cận Chân lý không qua những thời quán (moments) của ý thức bằng sự trải nghiệm tinh thần vào trong thực tế cụ thể của đời sống, hay là qua nguyên văn Đức ngữ của Hegel, hay là qua Việt ngữ của Bùi Văn Nam Sơn, mà là ba lần tôi bị ngăn cách xa khỏi Chân lý – hay nói theo Platon, tôi bị ngôn ngữ đẩy dồn vào cái thế của chiếc bóng của chiếc bóng của chiếc bóng của Hiện thực.


Cho nỗi sợ trung giới

Càng đọc Hiện tượng học tinh thần tôi lại càng cảm thấy say men tiếng Việt của Bùi Văn Nam Sơn. Tôi muốn gặm nhấm từ từ, chấp nhận những khó khăn về ngôn ngữ như là đi qua những “đỉnh cao và vực sâu” cho tri thức, để hòng đạt được niềm hạnh phúc linh thiêng, của điều mà Aristotle gọi là eudaimonia - nỗi an lạc tri kiến qua ngôn ngữ. Có lẽ tôi đang mang cái thói tật bình thường của một con người trong “nỗi sợ trung giới” khi muốn đời sống sách vở thay thế cho sinh nghiệm dấn thân vào cuộc đời vốn đầy dẫy khó khăn và thử thách. Và từ đó, tôi đã bị đi vào một sự hiểu lầm to lớn và toàn bộ của Hegel qua Hiện tượng học tinh thần: sự trung giới qua ngôn ngữ và khái niệm sẽ thay thế được sự trung giải của cuộc đời nhằm tiến đến một sự giác ngộ toàn thể cho Tâm thức. Nhưng Bùi Văn Nam Sơn đã nhiều lần cảnh tỉnh người đọc, “Nhập mộng đã khó, tỉnh mộng có dễ không?”

Khi Hegel bước vào hành trình triết học của mình và cho mình, ông muốn hoàn tất cái tiền đề của Aristotle đặt ra trong viễn cảnh của khái niệm về “Nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng” như là một vòng tròn của ý thức tự phân thái chính mình vào trong không gian và thời gian để trải nghiệm nhằm khai sáng lại chính mình – cái thực tính (actuality) vươn ra khỏi chính nó từ trong chính nó trở thành khả năng (potentiality) nhằm hiện thực hoá thực tính tròn đầy từ trong gian nan của những thời quán vong thân, lạc lối. Nhưng Aristotle không hề khai sáng tiền đề lớn lao này cho đến khi có Jacob Boehme và George Berkeley khai mở một vài con lộ nhỏ chưa hoàn tất. Hegel đã hoàn tất cái vòng tròn bản thể luận này bằng hệ thống triết học tư biện mà trong đó toàn bộ hiện thực là Tâm thức (Geist) suy tưởng về chính mình trên cơ sở phạm trù logic – mà tư duy cá nhân chỉ là một hiện tượng vong bản đang đóng vai trò bánh xe thô lậu nhưng đầy ý nghĩa cho cái “Tánh biết thường hằng” này của chữ Tâm. A ha! Đó là những dòng chữ của tôi khi tôi nhảy ra khỏi võng lưới ngôn từ, qua Việt ngữ, của Bùi Văn Nam Sơn nhằm để bắt lấy cái Chân lý qua toàn thể. Nhưng làm như thế thì tôi chỉ có thể hiện một ý chí thiếu niên, đầy nhiệt tình mà không chịu khó trang trải chính mình trong gian nan của văn bản nghiêm chỉnh. Tôi đang đi với Bùi Văn Nam Sơn qua Hiện tượng học tinh thần như là một người leo núi có buộc dây an toàn ngang lưng, thỉnh thoảng nhảy tung ra không gian nhằm tiến cao lên đỉnh Tinh thần tuyệt đối. Nỗi sợ hãi chiều cao được chinh phục cũng chính là một nấc thang trung giới mà tiếng Việt của Bùi văn Nam Sơn đã cống hiến qua từng đoạn văn.

Có những “tâm hồn xinh đẹp” luôn mang cái tật sợ bị sai lầm để rồi họ giống như là một anh chàng thành thị nọ không muốn bước xuống nước cho đến khi biết bơi. Và trong tinh thần nhà quê dám nói và không sợ bị sai lầm, tôi vội vàng viết lên những dòng này như là một cảm tạ tới Bùi Văn Nam Sơn. Nói như Nguyễn Trung Lương trên talawas (7/12/06) thì từ nay, tất cả các tác giả và tác phẩm phiên dịch triết học ra Việt ngữ đều sẽ được lấy “họ Bùi” qua Hiện tượng học tinh thần làm tiêu chuẩn - điều mà tôi nghi ngờ là ai có thể làm được. Việt Nam chúng ta có thể sản xuất ra những nhà triết văn - chứ về những học giả với khả năng ngôn ngữ, được đào tạo về triết học khoa bảng, kỷ luật bản thân và sự hy sinh đời sống cá nhân như Bùi Văn Nam Sơn để sản xuất ra những bản dịch của Kant và Hegel như ông đã, là chuyện hiếm có. Không phải là quá đáng khi nơi đây tôi xin nói rằng, sự xuất bản Hiện tượng học tinh thần của Bùi Văn Nam Sơn là một biến cố văn học lớn của Việt Nam.

© 2006 talawas



[1]Đức ngữ của Hegel: “Die wahre Gestalt, in welcher die Wahrheit existiert, kann allein das wissenschafttliche System derselben sein. Daran mitzuarbeiten, dass die Philosophie der Form der Wissenschaft naherkomme, - dem Ziele, ihren Namen der Liebe zum Wissen ablegen zu können und wirkliches Wissen zu sein, - ist es, was ich mir vorgesetzt. Die innere Notwendigkeit, dass das Wissen Wissenschaft sei, liegt in seiner Natur, und die befriedigende Erklärung hierüber ist allein die Darstellung der Philosophie selbst. Die äussere Notwendigkeit aber, insofern sie, abgesehen von der Zufälligkeit der Person und der individuellen Veranlassungen, auf eine allgemeine Weise gefasst wird, ist dasselbe, was die innere, in der Gestalt nämlich, wie die Zeit das Dasein ihrer Momente vorstellt. Dass die Erhebung der Philosophie zur Wissenschaft an der Zeit ist, dies aufzuzeigen würde daher die einzig wahre Rechtfertigung der Versuche sein, die diesen Zweck haben, weil sie dessen Notwendigkeit dartun, ja sie ihn zugleich ausführen wurde.” (G. W. F. Hegel, Phänomenologie des Geistes. Die Philosophische Bibliothek, Band 114, 1952).