trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
16.4.2007
 
Khi Tinh thần-thế giới được định danh: 200 năm Hiện tượng học tinh thần
Lu Tuấn, Trình Mân dịch
 
Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính
Ra đời năm 1807, "Hiện tượng học tinh thần" của Georg Wilhelm Friedrich Hegel đã trở thành một trong những tác phẩm quan trọng nhất cũng như đã gây tác động mãnh liệt nhất của triết học Tây phương. David Deißner trao đổi với Rolf-Peter Horstmann [1] , chuyên gia nghiên cứu Hegel của Đại học Humbolt Berlin, và nêu 16 câu hỏi về Hegel và về tác phẩm khó lĩnh hội này.


1. Hiện tượng học tinh thần đề cập đến vấn đề gì?

Có thể xem Hiện tượng học tinh thần là một lịch sử về kinh nghiệm của ý thức. Hegel muốn chỉ ra rằng ý thức – tức là kẻ tiếp cận hiện thực với những yêu sách về nhận thức – làm việc với những quan niệm khác nhau [của mình] về hiện thực ra sao và rồi mỗi khi thất bại với một quan niệm lại chuyển sang một quan niệm khác, mới mẻ do sự thất bại ấy mang lại, như thế nào. Chủ thể nhận thức phải nhận ra các điều kiện mà chỉ dựa trên nhờ đó mới có thể thực sự hiểu được hiện thực. Thoạt nghe thì có vẻ rất trừu tượng.

Vậy xin tuần tự như sau: Hiện tượng học là lịch sử của ý thức, trước tiên là ý thức của một cá nhân đang nhận thức trong cái Ở đây và Bây giờ.

Lịch sử này bắt đầu với điều gì?

Tình hình xuất phát là: Tôi ở đây và đối tượng nằm ở đàng kia. Rồi tôi nhận ra rằng đối tượng thật ra bị điều kiện hóa bởi năng lực nhận thức của riêng tôi. Bởi vì, trước khi tôi có thể nói về những đối tượng nói chung và có thể nhận thức được chúng xét như những đối tượng, thì các quy định khái niệm nhất định đã được tiền-giả định. Chẳng hạn, chúng ta luôn cần đến các khái niệm như tính cá biệt và tính phổ biến, sự khác biệt và thuộc tính v.v. để nói chung, có thể nhắm đến những gì ta tưởng rằng chúng đang có mặt bên ngoài ý thức của ta.

Những suy nghĩ cơ bản này, nghĩa là sự phụ thuộc vào chủ thể của nhận thức, là điều mà Hegel đã chia sẻ với triết gia tiền bối Kant. Chẳng những thế, Hegel còn đẩy tư tưởng này đến cực điểm và tự hỏi: Điều ấy có nghĩa là sao? Bây giờ đối tượng không còn nằm ngoài và độc lập với ý thức của tôi nữa, mà là sản phẩm của nỗ lực nhận thức của chính bản thân tôi. Vậy, khi tôi quan hệ với đối tượng, thì trong sự thật, tôi luôn quan hệ với chính bản thân mình. Nhận định được như thế thì ý thức trở thành Tự-ý thức.


2. Hegel muốn nói gì với "làm Chủ và làm Nô"?

Đối với Hegel, việc tách rời nghiêm ngặt giữa chủ thể và khách thể, giữa ý thức và đối tượng là không thể đứng vững. Ý thức không còn là cái ở đây và đối tượng ở đàng kia, trái lại, ý thức tự hiện thực hóa như một sự thống nhất giữa ý thức và đối tượng. Ở đây, lần đầu tiên chúng ta gặp gỡ ý tưởng luôn trở đi trở lại trong tư tưởng Hegel rằng các mặt đối lập hợp nhất trong một cái toàn bộ chung, cao hơn.

Vậy thì lịch sử của ý thức sẽ tiếp tục diễn biến ra sao?

Bây giờ thì rõ ràng chỉ còn mỗi mình tôi, nói cách khác, chỉ còn một ý thức đang nghĩ là tất cả những gì nằm ngoài bản thân nó đều là sản phẩm của nó cả.

Nhưng sau đó thì nẩy sinh ra điều này: tôi đối mặt với một Tự-ý thức khác có thái độ y hệt thế và cứ khăng khăng hiểu rằng tôi cũng là sản phẩm của nó. Như thế là có những khách thể nào đó có sức đề kháng và tôi không thể nào làm rõ cho mình rằng, chúng chính là những sản phẩm của ý thức riêng của tôi! Và như vậy, ở đây bắt đầu điều mà Hegel gọi là sự "đấu tranh để được thừa nhận". Mỗi ý thức đều muốn vươn lên làm chủ và buộc ý thức khác làm nô. Nhưng đến lúc nào đó, sự tranh chấp này sẽ tự hóa giải. Bởi vì tôi, một kẻ sáng dạ và khôn ngoan hơn, sẽ nhận ra rằng, có những vật tuy có cấu trúc như mình nhưng dù vậy, vẫn không phải là mình.

Chương này là một trong những đoạn bí hiểm nhất của Hiện tượng học vì ở đây Hegel đã diễn đạt một nội dung nhận thức luận bằng một từ vựng được rút ra từ thế giới thực tiễn.


3. "Tinh thần" là gì?

Ý thức cá nhân, qua quá trình phát triển của nó, phải nhận thức được rằng nó có một điểm chung cơ bản với cái đối diện, tức với ý thức khác, mà không thể xem cái đối diện như là sản phẩm của mình được.

Khi tính chất chung này – tức luôn muốn xem cái đối diện như là sản phẩm của mình – cùng hiện hữu nơi bản thân tôi đồng thời cả nơi cái đối diện của tôi, hẳn phải dựa trên một nền tảng nào đó. Nền tảng này được Hegel đặt tên là "Tinh thần". Đây chính là cái giải thích về cấu trúc chung của ý thức của tôi lẫn của ý thức khác mà tôi diện kiến. Như thế có thể nói, Tinh thần là ý thức siêu cá nhân. Thế là từ đấy đối với Hegel, hiện thực không còn bao gồm những chủ thể cá biệt nữa, trái lại, bản thân hiện thực chính là Tinh thần này.

Vậy kể từ nay mỗi khi nói đến nhận thức, thì chỉ có thể nói đến sự tự nhận thức của cái Tinh thần duy nhất này. Cho nên, phần nối tiếp của Hiện tượng học dành cho tiến trình của Tinh thần đang từng bước tự nhận thức chính mình. Trong ý nghĩa đó, Hegel cũng hiểu mọi hiện tượng của lịch sử văn hóa đều như là những cấp độ trong diễn trình của Tinh thần đang tự nhận thức mình. Hegel đã hoàn toàn nghiêm chỉnh khi phát biểu: "Điều gì hiện thực thì hợp lý và điều gì hợp lý, ắt hiện thực". Đối với ông, lý tính chính là tổng thể của hiện thực.


4. "Tinh thần thế giới" là gì?

Trong thuật ngữ của Hegel thì đây là dạng thu gọn của phương cách mà lý tính tự biểu hiện như là hiện thực. Hegel cho rằng, hiện thực là tổng lý tính, nghĩa là không phải chỉ là lý tính của những cá thể, và lý tính này phát triển bằng cách từng bước tự thấu hiểu chính mình bằng khái niệm. Như thế phương thức biểu hiện của tổng lý tính trong một giai đoạn phát triển nhất định nào đó, chính là phương cách trong đó Tinh thần thế giới xuất hiện ra.

Cũng có thể nói: Tinh thần thế giới là phương cách trong đó lý tính là thực tồn (real) ở một thời điểm nào đó. Gọi là "tinh thần của thời đại" cũng được.


5. Biện chứng pháp là gì?

Không phải như ta thường tưởng, bản thân Hegel không nói về "phương pháp biện chứng" mà về "sự tư biện" (Spekulation). Đây là phương cách tự phát triển của lý tính. Phương pháp này được biểu thị qua ba yếu tố. Thứ nhất là một tình trạng xuất phát trực tiếp. Thứ hai là một mô-men [2] biện chứng mà theo Hegel, được biểu lộ qua các khái niệm phủ định và mâu thuẫn. Thứ ba là một sự vượt bỏ sự dị biệt giữa tình trạng xuất phát với cái xuất hiện ra như là mâu thuẫn. Do đó phép biện chứng biểu thị một môi trường phát triển (Element) bên trong bất kỳ một tiến trình nhận thức nào. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là Hegel xem tính tiến trình của bất kỳ một vận động nhận thức nào là điều cốt yếu.


6. Có phải Hegel đã phát hiện ra biện chứng pháp?

Không, cũng chả hẳn là như thế. Khái niệm này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ "dialektiké" mang nghĩa gốc là "nghệ thuật đàm thoại". Ngay Platon cũng đã nhận ra rằng mâu thuẫn giữa hai phía đối thoại, việc nói qua nói lại của hai bên sẽ dẫn đến chân lý.

Kant cũng sử dụng khái niệm này. Trong thuyết của mình, ông đã gọi đó là điều xẩy ra khi ta đặt những câu hỏi về thế giới vượt quá khả năng của lý tính chúng ta, thí dụ liệu thế giới có một khởi điểm về thời gian hay không. Theo Kant, khi tìm cách trả lời, chúng ta bị vướng vào những nghịch lý tưởng như không giải quyết nổi. Phép biện chứng – ngay cả nơi Hegel - nhận định một cách cơ bản rằng một sự việc sẽ rơi vào sự mâu thuẫn với sự việc kia.


7. Hiện tượng học tinh thần đã được đón nhận ra sao?

Đề tài này chả ăn khách tí nào. Ngược lại là khác. Hầu như chẳng ai thèm bình phẩm. Có thể nhận thấy thành công rất hạn chế ở điểm, chính Hegel đã phải chủ động lo tái bản, lại mãi đến năm 1831, là năm ông tạ thế. Hiển nhiên là cho đến năm 1830, số sách tồn kho của ấn bản đầu tiên mới bán hết.


8. Ba luận điểm quan trọng nhất của Hiện tượng học tinh thần?

Dĩ nhiên còn tùy độc giả đọc tác phẩm này dưới giác độ nào. Nhìn từ giác độ của lý thuyết nhận thức, người ta có thể thống nhất về vài luận điểm.

Thứ nhất: Cái đúng thật là cái toàn bộ. Qua đó Hegel muốn nói rằng mọi mâu thuẫn và đối lập phát sinh ra trong hiện thực thật ra luôn chỉ là những mô-men của một nguyên tắc chung. Đây là luận điểm cơ bản về "thuyết toàn bộ" (Holismus) của Hegel.

Thứ hai: Tất cả những gì mà chúng ta cho là hợp lý đều phụ thuộc vào thời gian. Chẳng có cái gì đại loại là lý tính mang tính vĩnh cửu và độc lập với thời gian cả. Những gì hợp lý cho cá nhân hay xã hội luôn luôn lệ thuộc vào khung cảnh và nguồn lực khái niệm (begriffliche Ressource) có được vào một thời điểm nhất định nào đó.

Thứ ba: Những gì hiện thực đều phụ thuộc vào nguồn lực khái niệm của bản thân ta. Trong khi Kant bảo rằng, với tư cách là những cá nhân, chúng ta có kho dự trữ về khái niệm cho phép ta nhận thức được thế giới, thì Hegel lại nói: không phải bản thân chúng ta có được các tiềm năng này mà chính tổng thể của lý tính (siêu cá thể) cung ứng cho.


9. Các tư tưởng gia nào đã ảnh hưởng lên Hegel?

Hegel đã ưu tiên xây dựng nền tảng mới cho triết học của Immanuel Kant. Cũng như những nhà duy tâm khác, Hegel đã có ấn tượng mạnh trước ý tưởng cơ bản của Kant, là hiện thực tùy thuộc vào khả năng nhận thức của con người, song ông lại cho rằng Kant đã tiến hành công việc không tốt.

Hegel muốn đeo đuổi đến tận cùng con đường suy tưởng của Kant. Có thể nói, ông đã phát triển lý thuyết về chủ thể của Kant thành một "lý thuyết về thế giới". Như thế nơi Hegel không còn sự phân cách giữa những gì xuất hiện ra cho chúng ta như hiện tượng và vật tự thân như ở Kant. Ngược lại, đối với Hegel, toàn bộ hiện thực không gì khác hơn là một chủ thể "vĩ đại" tự nhận thức chính mình: Ngay cả trong triết lý đạo đức, Hegel cũng quay sang gắt gao chống Kant. Kant đã chia con người thành hai thực thể, một bên là thực thể tự nhiên và bên kia là thực thể có lý tính. Theo Kant, khi phải quy định ý chí đạo đức thì thực thể tự do mang lý tính chế ngự được thực thể tự nhiên vốn bị bản năng lèo lái. Ngược lại, Hegel muốn xem chúng ta là thực thể thống nhất trong một thế giới thống nhất. Triết học cần cung cấp cho con người một chỗ đứng trong thế giới để chúng ta có thể hiểu bản thân như là đồng nhất với chính mình. Về mặt đạo đức có nghĩa: Chúng ta nên thực hiện bổn phận bó buộc với toàn tâm toàn ý và thực thể tự nhiên cần hoà giải với thực thể lý tính.

Những ảnh hưởng triết học trên Hegel đã có nguồn gốc từ thời gian trước, còn xa hơn nữa. Chẳng hạn, ông đã mượn từ Arsitoteles tư tưởng chủ đạo cho hệ thống tư duy của mình là trước khi có thể nói về những bộ phận, ta phải có khái niệm về cái toàn bộ trước đã. Trong Chính trị học, Aristoteles đã viết: "Cái toàn bộ có trước những bộ phận của nó". Hegel đã tiếp thu ý tưởng cơ bản này để đưa vào mô hình nhận thức của mình qua phát biểu rằng, chẳng phải ý thức nằm ở chỗ này và sự vật nằm ở đằng kia, mà ngược lại cần phải hiểu ý thức như là sự thống nhất của ý thức và đối tượng. Chủ thể và khách thể được hiểu như một cái toàn bộ vĩ đại.


10. Tại sao Hegel khó hiểu thế?

Ấn tượng nói trên dần được hình thành qua thời gian. Người ta phải tự hỏi: Hegel đã viết trong thời đại nào? Toàn bộ tư duy đã hình thành ra sao? Vì Hegel và các nhà duy tâm Đức khác như Gottlieb Fichte và Friedrich Schelling nguyên ủy đều là những độc giả đọc Kant với óc phê phán.

Như thế người ta đã có phản ứng nào đó đối với một ngôn ngữ kỹ thuật cao cấp. Hegel cũng có một ngôn ngữ kỹ thuật, nhưng một khi bạn đã lĩnh hội được nó như một ngoại ngữ, thì bạn phải đọc tác phẩm như đang đọc tiếng Anh vậy. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ ngôn ngữ của Hegel, ta sẽ phát hiện ra rằng, con đường dẫn nhập là khá tốt và rốt cuộc ngôn ngữ của Hegel lại mang phong cách riêng hết sức lôi cuốn. Thỉnh thoảng ông còn rất dí dỏm, chẳng hạn qua việc lấy thí dụ bi kịch cổ đại Antigone để bàn đến chức năng của gia đình, ông hóm hỉnh nhận xét rằng chức năng của gia đình rút cục nằm ở chỗ đã đưa cả đám thành viên trong gia đình xuống mồ cả.


11. Còn Hegel trong đời tư?

Vào tuổi thanh niên, Hegel sống hoà đồng với bạn hữu, nhưng vì hơi lôi thôi lếch thếch và khá vụng về nên bị mang hỗn danh là "ông cụ". Trái hẳn với người bạn đồng song ở Tübingen là Schelling đã bắt đầu đăng đàn từ năm lên 19 cùng chớp mắt đã nổi tiếng như cồn, Hegel phát triển muộn, sự nghiệp học thuật của ông mãi đến năm 30 tuổi mới từ từ chuyển bánh. Hegel không phải là một hiện tượng chói lọi mà là mẫu người suốt đời xuất hiện có phần kín đáo.


12. Có thật Hegel đã đặt nền móng cho chủ nghĩa Marx?

Tất nhiên, cần phân biệt chủ nghĩa Marx là một hiện tượng chính trị thế giới, với cá nhân Marx. Các vấn đề tranh luận liên quan đến Hegel thật ra chỉ dính dáng đến Marx thời trẻ. Marx tiếp thu Hegel thông qua các tác phẩm của Ludwig Feuerbach. Triết gia này lại suy diễn triết học của Hegel qua lăng kính nhân loại học: phủ nhận tư tưởng xem hiện thực là một loại kiến tạo của lý tính. Theo Feuerbach thì sự phát triển của hiện thực không phải sự phát triển của một lý tính trừu tượng và siêu cá thể, mà nó được con người, tức do chính chúng ta thúc đẩy. Ông nhận định rằng siêu hình học của Hegel - với luận điểm tinh thần là lý tính siêu cá nhân - mang tính thần bí và vì thế, Feuerbach phủ nhận nó. Cả hai triết gia Marx cũng như Feuerbach có mối quan hệ không thuần nhất với tư tưởng Hegel. Các ông thấy những ý tưởng cơ bản về biện chứng - sự phát triển luôn trải qua những sự đối lập, cũng như sự từng bước khắc phục của chúng - là thuyết phục, nhưng với những tiền đề siêu hình học của Hegels thì họ lại chịu thua.


13. Sự ngộ nhận thường gặp nhất về Hegel?

Có lẽ do khái niệm "chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối" được khoác cho tư duy của Hegel mà người ta thường lầm tưởng rằng, Hegel đã "phi vật chất hóa" hiện thực và quả quyết rằng mọi sự rốt cuộc chỉ nằm trong tưởng tượng. Thế nhưng Hegel không hề chối bỏ sự hiện hữu của thế giới sự vật. Hiểu hiện thực phải là "Tinh thần" chả hề dính dáng gì đến tư tưởng duy linh đại loại nó nằm lơ lửng đâu đó độc lập với hiện thực của chúng ta, với văn hóa, với con người cũng như với nhà nước.


14. Tôn giáo đóng vai trò gì nơi Hegel?

Nên nhớ rằng Hegel cũng như Hölderlin và Schelling, đều được đào tạo về thần học tại Tübingen và cuộc đời coi như đã được vạch sẵn để trở thành tu sĩ. Thế nhưng, trước hết ông đã chọn con đường sinh kế là gia sư để có thể tiếp tục nghiên cứu triết học. Ngoài ra, mối quan tâm của ông nằm ở điểm sao cho những tư tưởng và tác phẩm của mình có thể diễn đạt qua phương cách thần học được. Chàng thanh niên trẻ Hegel xem tôn giáo như một phương tiện thích hợp để mở cửa cho đạo đức thâm nhập vào tâm trí của con người, tức là xã hội. Ngược với Kant, ông xác định rằng sự lĩnh hội trừu tượng về nghĩa vụ đạo đức con người không đủ để động viên chúng ta hành động. Vì thế, phát xuất từ các nguyên cớ đạo đức, cần cái ông gọi là "tôn giáo của quần chúng" để làm nhiệm vụ động viên. Người ta cũng có thể đọc Hiện tượng học bằng con mắt thần học. "Tinh thần", theo nghĩa là lý tính của hiện thực, cũng có thể được hiểu theo một khái niệm về "thượng đế phiếm thần [ở khắp mọi nơi] " cũng được. Nhận định như vậy thì thượng đế nơi Hegel không phải ở trên trời mà có lẽ chính là tổng thể của hiện thực. Chắc chắn Hegel sẽ chả phản đối gì nếu bạn cho rằng triết học của ông mang quá nhiều yếu tố thần học.


15. Hegel mang tính Phổ [3] đến mức nào?

Người ta cũng thường hay chỉ trích Hegel là một "triết gia quốc doanh kiểu Phổ" rất bảo thủ, đặc biệt qua thời gian sống ở Berlin. Bản thân tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn đó ông chả tự do phóng khoáng cũng không đặc biệt bảo thủ, mà trung dung thì đúng hơn. Hegel đến Berlin vào năm 1818, đúng vào khởi điểm của thời kỳ cực phản động trong đường lối chính trị, sau cải cách của nước Phổ. Về câu hỏi Hegel đã trung thành với nhà nước như thế nào, thì đã tốn không biết bao nhiêu là bút mực rồi. Theo tôi, ông đã giữ một tầm nhìn lạnh và "bình thường" về sự thể. Tư tưởng nổi tiếng "Hiện thực hợp lý và cái gì hợp lý là hiện thực" trích từ Triết học Tư pháp, trên thực tế có thể suy diễn là trung thành với chế độ. Tuy thế, trong các tập vở mà sinh viên của ông ghi chép, chúng tôi cũng tìm thấy những đoạn chứng minh rằng Hegel đã tương đối hóa một số điều và giữ một khoảng cách phê phán nhất định với chính trị.


16. Vai trò của Hegel đối với chúng ta trong hiện tại?

Hegel là triết gia tối hậu đã tìm cách trình bày cái nhìn toàn diện về thế giới, được xây dựng trên một nền tảng hoàn toàn khác biệt với các mô hình triết học trước đó, từ cổ đại cho đến Kant. Ngày nay vẫn có người tiếp tục tìm cách nhận thức sự thể theo tầm nhìn khác hẳn từ trước đến nay. Như Peter Sloterdijk chả hạn.

Nhưng đề án cuối cùng thực sự vĩ đại nhằm cắt nghĩa hoàn chỉnh hiện thực cũng như kiểm chứng cơ sở của logic học lẫn khoa học tự nhiên, là chính của Hegel! Chắc chắn qua đó, ông đã đóng vai trò mẫu mực.

Liệu ngày nay còn ai có khả năng xuất hiện dưới danh nghĩa đồ đệ Hegel hay không? Với tôi là nghi vấn. Siêu hình học của Hegel, chủ nghĩa lạc quan lý tính, niềm tin sâu xa của ông vào tính chất lý tính của hiện thực, ngày nay có phần xa lạ. Hiển nhiên trong một số tranh luận khác về triết học, thí dụ khi bàn về lịch sử thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức chả hạn, thì người ta hiện vẫn hoàn toàn có thể dựa vào Hegel được. Các bạn có thể theo dõi đề tài "Lịch sử sẽ cáo chung" của nhà sử học Hoa Kỳ Francis Fukuyama là đề tài đang được thảo luận sôi nổi. Fukuyama đã đưa tư tưởng "rồi một lúc nào đó lịch sử sẽ đi đến đích" vào lý thuyết của mình, thật ra đã du nhập từ Hegel.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Rolf-Peter Horstmann theo học triết, lịch sử và triết học Hy Lạp tại Tübingen, Vienna và Bá Linh vào những năm 1960-1968. Ông là chuyên gia của thư khố Hegel và sau đó giảng dậy tại đại học Munich. Từ 1995, là giáo sư khoa Lịch sử Triết học, trọng tâm chủ nghĩa duy tâm Đức tại Đại học Bá Linh.[2]Das Moment: Lực vận động, yếu tố quyết định, tình huống bản chất. Có rất nhiều cách dịch sang tiếng Việt và khó có thể đi đến thống nhất: "yếu tố", "phương diện", "bước", "vòng", “khâu", "thời đoạn" v.v… Độc giả có ý tìm hiểu thêm những kỳ ảo nơi Hegel, xin xem chú giải (8), trang 4, Hiện tượng học Tinh thần, NXB Văn học, 2006 do Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải.
[3]Phổ (Preußen): Triều đình và vương quốc thuộc Đế chế Đức (Đế chế Đức - Deutsches Reich – là tên gọi chính thức của nhà nước Đức từ 1871 đến 1945). Vào cuối thế kỷ 19 là thời kỳ bành trướng mạnh nhất, ranh giới vương quốc Phổ bắt đầu từ Bắc Hải (Nordsee) và Đông Hải (Ostsee) đến Thụy Sĩ cùng Áo và Hung Gia Lợi ở phía Nam. Về phía tây, vương quốc này bắt đầu từ Bỉ, Hà Lan Pháp cùng Lục Xâm Bảo trải dài sang đến ranh giới Đế chế Nga ở phía đông.