trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
14.6.2007
Henry A. Kissinger
Bài học Việt Nam
Nguyễn Thu dịch
 
Lời người dịch: Tháng 4.2007, talawas đã giới thiệu bài “Tứ đại chuyển biến” của Herbert E. Meyer, trong đó chuyển biến lớn đầu tiên liên hệ đến Chiến tranh Iraq. Xin các độc giả theo dõi sau đây ý kiến của Henry A. Kissinger, Ngoại trưởng Hoa Kỳ từ 1973 đến 1977, về một giải pháp cho chiến tranh Iraq, rút từ bài học Việt Nam.
Iraq đang cầu cứu vô vọng một giải pháp chính trị ngắn hạn để Tổng thống Hoa kỳ kế vị có khả năng ứng phó tốt hơn.

Chiến tranh Iraq lại làm trỗi dậy những ký ức về chiến tranh Việt Nam, những kinh nghiệm chính trị ý nghĩa nhất của cả một thế hệ người Mỹ. Nhưng trong hiện tại, lại thiếu hẳn tính minh mẫn từ những bài học này.

Đương nhiên là lịch sử không bao giờ lặp lại hệt như cũ. Việt Nam và Iraq là hai cuộc chiến khác nhau vào các thời đại khác nhau, nhưng cả hai có điểm tương đồng quan trọng: giọt nước làm tràn ly chiến tranh Việt Nam khi cuộc tranh cãi quốc nội trở nên cay đắng và loại bỏ cả lý tính trong thảo luận khi cần đạt những lựa chọn dứt khoát.

Lãnh đạo của cả hai đảng phái chính trị đều nhận thức rằng sự sống còn của Nam Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với quyền lợi quốc gia. Họ gặp sự chống đối của phong trào phản kháng được hợp nhất nơi niềm tin rằng cuộc chiến ấy phi đạo đức và chỉ có thể được giải toả bằng những phương cách trực diện. Sự bế tắc này đã tiêu diệt mọi nỗ lực của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Không được phép để điều này tái diễn tại Iraq.

Đó là lý do tại sao cần tóm lược lại thảm kịch Đông Dương!

Cần bắt đầu bằng việc giải tỏa niềm hoang tưởng rằng chính quyền Nixon năm 1972 đã giải quyết được những ý đồ sẵn có từ 1969 và do đó không cần thiết kéo dài chiến tranh. Sẽ chẳng bao giờ khẳng định được rằng hiệp định chính thức ký vào năm 1973 có khả năng bảo toàn được nền độc lập của Nam Việt Nam và tránh được biển máu sau khi Đông Dương thất thủ hay không. Chúng ta chỉ biết chắc rằng sự thiếu nhất trí của Hoa Kỳ đã cản trở kết quả ấy khi Quốc hội cấm sử dụng sức mạnh quân sự để duy trì hiệp định và cắt mọi viện trợ sau khi lực lượng quân sự Mỹ rời khỏi miện Nam Việt Nam, trừ vài trăm cố vấn. Sự phân rã của Hoa Kỳ đã kích thích sự xâm lăng ồ ạt của Bắc Việt Nam qua nhiều vi phạm trắng trợn hiệp định mà các quốc gia ủng hộ cũng đã đều quay lưng lại với nó.

Hai câu hỏi sinh tử cho Iraq cũng đã được đặt ra trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam: Khi Richard Nixon nhậm chức, phải chăng việc đơn phương rút quân là một khả năng để lựa chọn? Phải chăng thời gian cần thiết để thực hiện những toan tính của Nixon đã vượt quá khả năng người Mỹ để đạt đến kết quả, dù cho chúng đáng giá đến thế nào đi nữa?

Khi Nixon nhậm chức, hơn 500.000 binh sĩ Hoa Kỳ đã hiện diện tại Việt Nam và quân số tiếp tục tăng. Lập trường chính thức của chính quyền Johnson là Hoa Kỳ sẽ chỉ bắt đâu đưa binh sĩ về, sáu tháng sau khi Bắc Việt Nam tiến hành lui quân. Kế hoạch Bồ câu Dove của các Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy và George McGovern – bị Democratic Convention of 1968, Hội nghị Bình chọn Ứng cử viên Tổng thống năm 1968 của Đảng Dân chủ, loại bỏ - chủ trương cả hai đồng loạt rút quân. Không cánh nào bênh vực việc đơn phương rút quân cả.

Thế nhưng việc rút quân đơn phương cũng chẳng khả thi. Việc bố trí lại binh lực của hơn nửa triệu quân là một cơn ác mộng của hậu cần, ngay cả trong thời bình. Ở Việt Nam lúc bấy giờ còn đến hơn 600.000 quân vũ trang cộng sản trên chiến trường. Họ có thể được tiếp sức bởi một số lớn binh sĩ miền Nam đang cảm thấy đã bị các đồng minh phản bội và tìm mọi cách để được hưởng sự khoan hồng của quân cộng sản. Quân đội Mỹ có khả năng bị biến thành con tin và nhân dân Việt Nam sẽ trở thành nạn nhân.

Không hề có giải pháp ngoại giao nào để chọn lựa. Hà Nội khăng khăng buộc Hoa Kỳ phải thỏa mãn hai điều kiện tiên quyết để ngưng bắn: Đầu tiên, Mỹ phải lật đổ chính quyền Nam Việt Nam, giải tán lực lượng cảnh sát và quân đội của nó để thay vào đó một chính quyền do cộng sản chi phối. Thứ nhì, người Mỹ phải lập thời khóa biểu rút quân vô điều kiện và phải thực hiện điều này bất kể các giai đoạn hoà đàm cũng như thời gian kéo dài thương thuyết. Sự có mặt của quân Bắc Việt tại Lào và Cămpuchia bị đưa vào diện bất khả thương thuyết.

Nixon đã tổng kết chính xác mọi khả năng khi bác bỏ những điều khoản của dự thảo 1969: "Chúng ta nỡ bỏ rơi Việt Nam qua hành động của chúng ta như vậy sao, là cố tình giao đất nước này vào tay cộng sản? Hay là chúng ta sẽ rút lui bằng cách nào để Nam Việt Nam còn có một chọn lựa khả dĩ sống còn như một dân tộc tự do?"

Áp lực của việc đơn phương rút quân khỏi Iraq là vấn đề đang tương tự nảy ra.

Khi thương lượng bế tắc, chánh quyền Nixon đã thực hiện những gì họ có thể đơn phương giải quyết mà không làm tổn hại đến cấu trúc chính trị của Nam Việt Nam. Trong thời gian 1969 đến 1972, chính quyền này đã rút 515.000 quân về Mỹ, đã chấm dứt việc tham chiến trên bộ năm 1971 và giảm gần 90% thương vong về phía Hoa Kỳ.

Sự rút lui từng bước khỏi Iraq đồng thời ngăn chặn phe Hồi giáo cực đoan cướp chính quyền quả là một thách đố hóc búa.

Ở Việt Nam đã có bước vượt bế tắc vào năm 1972 bởi các tính toán chiến lược của chính quyền rốt cuộc đã thống nhất trong việc trả đũa cuộc tấn công mùa xuân của quân đội Bắc Việt. Khi Hoa Kỳ thả mìn phong tỏa các hải cảng Bắc Việt, Hà Nội thấy mình bị cô lập vì Bắc Kinh và Liên Xô đã đứng ra ngoài, sau việc cởi mở với Trung Quốc năm 1971 cũng như sau Hội nghị Thượng đỉnh với Liên Xô năm 1972. Cuộc tổng tiến công của Hà Nội đã hoàn toàn bị đánh bại trên bộ bởi quân lực Nam Việt dưới sự hỗ trợ của không quân Hoa Kỳ.

Bị đối diện với thất bại quân sự và cô lập ngoại giao, vào tháng 10.1972, trưởng đoàn đàm phán Hà Nội là Lê Đức Thọ đã từ bỏ những điều khoản 1969. Ông ta chấp nhận nhưng điều kiện mà Nixon công bố vào tháng giêng 1972 - và công kích (những điều khoản trước kia, ND) là bất khả thi bởi các cuộc tranh cãi của nghị viện Hoa Kỳ. Những điều khoản của hiệp định hòa bình ký tại Paris bao gồm sự ngưng bắn vô điều kiện kèm theo việc phóng thích tù nhân, sự tiếp tục tồn tại của chính quyền Nam Việt Nam, sự tiếp tục viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Nam Việt Nam, sự chấm dứt xâm nhập của lực lượng Bắc Việt, sự rút lui của lực lượng Hoa Kỳ còn lại và sự triệt thoái lực lượng Bắc Việt khỏi Lào và Cămpuchia. Tất cả các điều khoản nói trên đều không hề hiện hữu trong dự thảo 1969.

Chánh quyền Nixon đoan chắc rằng mình đã tạo ra cơ hội đúng đắn để người dân Nam Việt Nam có thể tự quyết định vận mạng của mình, rằng chánh quyền Nam Việt Nam có khả năng vượt qua những vi phạm thường tình của hiệp định bằng chính quân lực của họ, rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ họ nếu bị tấn công toàn diện, rằng với thời gian chính quyền Nam Việt Nam có thể xây dựng được một xã hội khả dĩ hoạt động được.

Sự chia rẽ của Hoa Kỳ là yếu tố chính làm tiêu tan những hy vọng nói trên. Sự kiện Watergate, một lỗi lầm của chính bản thân, đã làm suy yếu chí tử chính quyền Nixon cũng như cuộc bầu cử thượng viện giữa nhiệm kỳ năm 1974 đã đưa những đối thủ bất khoan nhượng của Nixon lên nắm quyền và họ đã cắt viện trợ làm cho Hiệp Định không thể thực thi được, như dự tính. Như thế, tính cấp bách của tranh luận quốc nội đã đạt ưu thế trên những nhu cầu địa chính trị.

Có thể rút ra hai bài học được từ điểm trên. Tính toán chiến lược không thể nào được hoàn thành trong một thời hạn bị xác định tùy tiện mà phải phản ảnh những điều kiện của hiện trường. Nhưng nó cũng không được phép thử thách sự chịu đựng của công luận Mỹ đến mức mà tiến trình chính trị cũng không chấp nhận nổi các kết quả đã đạt được. Việc rút quân ào ạt và đơn phương khỏi Iraq sẽ rất tai hại. Đồng thời vẫn cấp bách cần một giải pháp chính trị.

Cần một dàn xếp chánh trị được sàng lọc từ những quan điểm phần thì đối chọi, phần lại trùng lặp nơi những phe tham chiến tại Iraq, nơi những quốc gia láng giềng cùng những nước can hệ, trên cơ sở của nhận thức chắc chắn rằng, hễ làm khác thì vạc dầu Iraq sẽ tràn ào ạt và cuốn trôi tất cả. Điều kiện tiên quyết là tập trung thực quyền để giải quyết những vấn đề kề cận.

Tổng thống Bush mắc nợ nhân vật kế vị điều này để có thể tiếp cận mục tiêu càng sát càng tốt chứ không phải chỉ trao lại các vấn đề cho người kế vị, ngược lại phải giảm thiểu chúng để đạt một tỷ lệ khả dĩ lèo lái được.

Điều tối cần thiết là chúng ta phải tái lập được sự cộng tác giữa nhiệm kỳ tổng thống hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas