trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
16.6.2007
Thái Hoà
Con “tinh” yêu thương, phản hồi cho tác giả Lê Hữu…
(Từ bài viết Ảo giác Trịnh Công Sơn của Lê Hữu – báo Văn học 02-03/2004)
 
Nhân việc Thái Hoà và một số bạn bè làm lại các sưu tập, tổng hợp các bài viết có tính nghiên cứu về Trịnh Công Sơn cho các đề án âm nhạc của mình và những người bạn trẻ cùng thế hệ (tuổi trên dưới 40). Có nhiều bài viết rất hay, thuyết phục với những phân tích, nhận xét thật tinh tế về ca từ của Trịnh Công Sơn, cũng như những cảm nhận, suy diễn (chấp nhận được) thật lạ lùng, phong phú về nhạc Trịnh – đúng như một “lăng kính muôn màu” mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói khi nghe các cảm nhận từ nhân gian về âm nhạc của mình, về những điều mà chính ông thú nhận là tác giả khi viết cũng không có chủ ý như thế. Nhưng bên cạnh đó cũng có vô số những nhận định (thậm chí khẳng định) rất vô căn cứ của những người “tự xưng” là bạn, là hiểu Trịnh Công Sơn… Một số những phân tích ngắn dưới đây của Thái Hoà và bạn bè về vài đoạn trong bài viết của tác giả Lê Hữu đăng trên báo Văn học và có đăng lại trên một số diễn đàn nhạc Trịnh. Xin gởi đây như một phản hồi của những độc giả trẻ, muốn yêu và hiểu Trịnh Công Sơn qua bằng chứng cụ thể chứ không bằng những cảm tính nhất thời.

Còn nhớ, một dịp vào năm 2002, chúng tôi đưa một bản dịch tiếng Anh của một nhà nghiên cứu trẻ người Mỹ cho giáo sư Cao Huy Thuần, một người bạn của Trịnh Công Sơn ở Paris. Khi đọc đoạn dịch trong bài “Dấu chân địa đàng” có một câu … “Mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều…”, giáo sư Thuần đã thốt lên: “… Tay ni ‘cả gan’ hỉ, dám dịch Trịnh Công Sơn trần trụi như rứa…”. Thì ra vì anh bạn Mỹ đã dịch gần như nguyên văn chữ “loài sâu ngủ quên” của Trịnh sang tiếng Anh, quả đúng là ‘cả gan’ thật. Nhắc lại chuyện này để thấy chuyện cảm nhận và hiểu được nhạc Trịnh thật đúng đã rất khó, muốn diễn giải và chuyển dịch lại cho người khác thì càng khó hơn. Vậy mà, tác giả Lê Hữu trong nhiều đoạn của bài viết trên đã quá chủ quan chăng…

Sau một loạt diễn giải và so sánh về các “ảo giác” trong ngôn ngữ Trịnh, “ảo giác trong thưởng thức nhạc Trịnh”, ”chất thơ hay không thơ”, “phản chiến hay không phản chiến”… dù khá dài dòng, tuy nhiên, vẫn còn chấp nhận được trong quan điểm “lăng kính muôn màu” những cảm nhận về Trịnh, ông Lê Hữu đại ý cho rằng công chúng hiện nay hiểu và cảm nhận rất mù mờ về Trịnh Công Sơn. Đến khi tác giả Lê Hữu viết tiếp về “Hát sai, hát đúng” trong nhạc Trịnh thì quả là có nhiều đoạn chủ quan đến mức “cả gan” (như lời của giáo sư Cao Huy Thuần).

Dưới đây là một số đoạn trích nguyên văn của ông Lê Hữu:

Hát sai, hát đúng:

Về phía người nghe là như vậy, thế còn phía người hát, người trình diễn thì sao? Cũng chẳng khác bao nhiêu, cũng hiểu đúng hiểu sai, hiểu đại khái, hoặc... không hiểu. Vì vậy mới có không ít trường hợp ca sĩ hát lung tung, thay lời đổi chữ vô tội vạ, trong lúc ra điệu bộ, nhắm mắt nhắm mũi, khoa tay khoa chân trong một cố gắng để diễn tả điều mà người hát có khi... chẳng hiểu gì cả. "Hát thì hát vậy...", nói theo lối TCS, thì làm sao mà lôi cuốn, mà truyền được cảm xúc cho người nghe. Chuyện hát đúng hát sai kể ra không hết, có khi chỉ thay đổi, thêm, bớt một chữ thôi cũng làm thay đổi hẳn ý nghĩa câu hát, làm mất đi ít nhiều "chất" TCS, chẳng hạn:

Chữ mong trong "đời ta hết mong điều mới lạ" (Đêm thấy ta là thác đổ) được nhiều ca sĩ đổi thành mang (... hết mang điều mới lạ). Hai chữ này khác nghĩa chứ đâu phải chỉ khác một nguyên âm, và cái hay là ở chữ "mong" chứ "mang" thì chẳng có gì... "mới lạ”. (Trích “Lê Hữu - Ảo giác Trịnh Công Sơn”)
Khi chúng tôi kiểm tra lại các tập nhạc của Trịnh Công Sơn: Tự tình khúc (trước 1975) và Những bài ca không năm tháng (sau 1975), bài “Đêm thấy ta là thác đổ” đều ghi là “... Đời ta hết mang điều mới lạ”. Vậy không hiểu ông Lê Hữu căn cứ vào bản thảo nào đế nhận xét như trên?

Chưa hết, theo chúng tôi sai lầm lớn nhất của ông Lê Hữu là đoạn viết sau đây:

Chữ tim trong "con tim yêu thương vô tình chợt gọi" (Một cõi đi về) được rất nhiều ca sĩ đổi thành tinh (con tinh yêu thương...) , khiến nhạc TCS đôi lúc biến thành nhạc... kinh dị! Lỗi là lỗi in ấn khá phổ biến ở các tập nhạc, có điều người hát vẫn cứ hát tỉnh queo, người nghe vẫn cứ nghe thoải mái mà không có ý kiến, mặc dù ai cũng biết "một cõi đi về" vẫn còn là cõi dương chứ chưa phải cõi âm nên không dễ gì có chuyện ma quái, yêu tinh hiện hình giữa ban ngày. (Trích “Lê Hữu - Ảo giác Trịnh Công Sơn”)

Trong tất cả các tập sách đã in bài “Một cõi đi về”, tác giả đều cho in rất rõ chữ “con tinh yêu thương”. Và trong rất nhiều lần họp mặt bạn bè ở Việt Nam và cả ở Paris, Pháp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều có hơn một lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo trong từ “con tinh” này. Chính Thái Hoà là một người trẻ hát nhạc Trịnh, vào năm 1996 khi về nước lần đầu tiên thăm ông cũng đã được nghe chính Trịnh Công Sơn giảng giải: Các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế thường hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”, và cái “con yêu tinh” nhỏ nhắn đó đã đi vào văn học như thế qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát “Một cõi đi về” mà ông yêu thích nhất.

Thiếu tư liệu, thiếu tham khảo bạn bè và người thân chung quanh Trịnh Công Sơn, mà chỉ dùng chủ quan cảm nhận của riêng cá nhân mình để kết luận một lời hát ẩn dụ mang tính địa dư Huế rất độc đáo của tác giả là: “biến nhạc Trịnh thành ... kinh dị” như ông Lê Hữu nhận xét, thì đúng là ‘cả gan’ thật... Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến thái độ nghiêm túc về chuyện làm “research” trong các nghiên cứu về Trịnh Công Sơn và những tác giả khác đã không còn sống (để mà thanh minh, đối chứng), thì tốt nhất những người nghiên cứu nên đưa ra được những bằng chứng khách quan, thuyết phục hơn trước khi viết những vấn đề mang tính khẳng định, kết luận – đôi khi làm “méo mó” sự thật như bài viết trên.

Nhân đây, Thái Hoà cũng xin nhắc đến một chi tiết về dẫn chứng quan trọng trong âm nhạc Trịnh Công Sơn đã gây tranh luận, phản hồi khá nhiều trên diễn đàn về một tập sách mới đây của một thành viên từ trong gia đình Trịnh. Bài hát “Diễm xưa” quá quen thuộc với công chúng đã được trích dẫn tỉnh queo trong tập sách: “Chiều nay còn mưa sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi...”. Tất cả chúng tôi, những người yêu nhạc Trịnh vẫn thường hát bài này, đều hát là “nhỡ mai” chứ không phải là “nhớ mãi” dù biết rằng khi hát trong cao độ của hai nôte ấy, hai chữ trên rất khó phân biệt.

Đau đầu hơn nữa khi tất cả các tập sách Những bài ca không năm tháng xuất bản sau năm 1975 đều in là “nhớ mãi”. Cuộc tranh luận đúng/sai chỉ kết thúc khi chúng tôi tìm được chính thủ bút của Trịnh Công Sơn viết trong tập nhạc Những tình khúc Trịnh Công Sơn – in năm 1967. Khi đó chữ “nhỡ mai” trong bài Diễm xưa huyền thoại mới được những người trong cuộc công nhận là lỗi của in ấn.

Tác giả Lê Hữu ở đây còn tiếp tục “lên giọng” trong những dẫn chứng tiếp theo rất thiếu căn cứ và thậm chí chỉ trích cả ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - người em gái của Trịnh Công Sơn trong bài “Chiếc lá thu phai”:

Trong nhiều trường hợp, chữ hay nhất, "đắt" nhất trong câu bị tráo đổi không thương tiếc, làm hỏng một câu hát (có khi làm hỏng cả một bài hát), khiến người nghe bị "khựng" lại như bất ngờ nhai phải hạt sạn trong lúc đang thưởng thức bữa cơm ngon miệng: Chữ phút trong "vội vàng thêm những phút yêu người" (Chiếc lá thu phai) được ca sĩ TVT (cô em gái TCS) và nhiều ca sĩ đổi thành lúc (... những lúc yêu người) làm giảm mất cái hay và ý nghĩa rất nhiều, vì không diễn được cái ý "vội vàng" và "yêu từng... phút, giây", như muốn chạy đua với chiếc kim thời khắc của tình yêu. Tương tự, chữ phút trong "có chút lệ nhoà trong phút hôn nhau" (Bay đi thầm lặng) cũng không thể đổi thành lúc được. "Phút" (không phải "lúc"), đó mới là ngôn ngữ TCS. (Trích Lê Hữu - Ảo giác Trịnh Công Sơn)

Một lần nữa chúng tôi kiểm tra lại tất cả bản in có được về bài “Chiếc lá thu phai” đều là “... vội vàng thêm những lúc yêu người...”. Thật không hiểu ông Lê Hữu lấy bằng chứng từ đâu để nhận định như trên (?).

Trong một dẫn chứng tiếp theo, ông cũng rất “bất công” khi kết tội các ca sĩ (dù phải công nhận rằng rất nhiều ca sĩ đã hát “chế” lời nhạc Trịnh Công Sơn trên sân khấu do không thuộc bài – nhưng không phải là tất cả). Ở đây,chính ông Lê Hữu đã “chế” lời của Trịnh Công Sơn khi viết: Câu đúng là “thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình” (?). Chính thủ bút của Trịnh Công Sơn trong tập Em còn nhớ hay em đã quên – xuất bản năm 1991 đã viết “... như một lần qua cuộc tình”. Ông Lê Hữu quả thật quá “hồ đồ” trong nhận xét dưới đây:

Nhiều trường hợp khá buồn cười: một ca sĩ hát sai vì quên lời, những ca sĩ khác hát sai theo, riết rồi không ai buồn sửa lại cho đúng. Ví dụ: ca sĩ hát đến câu "thành phố hoang vu như..." (Tình xa) thì không nhớ được là "hoang vu như..." thế nào(?), hay chỉ nhớ mang máng, đành hát bừa "hoang vu như... một lần qua cuộc tình". Thế là từ đó các ca sĩ khác cũng hát theo như vậy cho... tiện. Ca sĩ KL nghe vậy không chịu, bèn... đảo ngược lại, thành ra "... như... cuộc tình qua một lần". Đổi qua đổi lại, sai vẫn cứ sai. Câu đúng là "thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình", chứ không có "đi qua, đi lại", "một lần, hai lần" gì cả! (Trích “Lê Hữu - Ảo giác Trịnh Công Sơn”)

Thêm nữa trong bài “Cho một người nằm xuống” in trong tập nhạc Lời đất đá cũ (không phải “Hát cho người nằm xuống” như Lê Hữu trích dẫn) ghi rất rõ: “... không có ai đời đời ru anh ngủ vùi...” đúng như ca sĩ KL thường hát, không hề có những suy diễn như tác giả Lê Hữu:

Hoặc, một số ca sĩ thích thêm chữ vùi vào cuối câu hát "không có ai đời đời ru anh ngủ..." (Hát cho người nằm xuống) để trám một nốt nhạc bỏ trống (mà không rõ dụng ý của người nhạc sĩ cố ý chừa một khoảnh khắc yên lặng ở cuối câu nhạc để làm đọng lại cảm xúc, rồi mới chuyển sang ý tiếp "... mùa mưa tới, trong nghĩa trang này có loài chim thôi". Hơn nữa, ta nói "ru em ngủ", "ru anh ngủ", hoặc "anh ngủ vùi", "anh ngủ say"..., chứ không nói "ru anh ngủ vùi", "ru anh ngủ say", "ru anh ngủ ngon"... (Trích “Lê Hữu - Ảo giác Trịnh Công Sơn”)

Một số những dẫn chứng và phản hồi của những lớp hậu sinh như chúng tôi về bài viết trên đây của tác giả Lê Hữu đối với âm nhạc Trịnh Công Sơn không gì khác hơn ngoài mong muốn “tôn trọng sự thật” mà những thế hệ đi sau tìm kiếm.

Chúng tôi hoàn toàn không có ý định chỉ trích cá nhân tác giả Lê Hữu - người mà chúng tôi không hề biết là ai, thật sự có quan hệ như thế nào với Trịnh Công Sơn. Cho nên những nhận xét đụng chạm nếu có trong bài viết này, thì xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả Lê Hữu.

Thân ái và trân trọng,

Thái Hoà
Tháng 6-2007

© 2007 talawas